Đề thi 8 tuần học kỳ I năm học 2008 - 2009 môn: Văn lớp 11 - trường THPT Đại An

Câu 1: (2 điểm).

Nêu những nét chính về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu. Từ cuộc đời nhà thơ em rút ra bài học gì?

Câu 2: (1 điểm).

Giải nghĩa các thành ngữ sau rồi đặt câu với các thành ngữ đó?

- Cưỡi ngựa xem hoa

- Trứng khôn hơn vịt

Câu 3: (2điểm).

Sử dụng thao tác lập luận phân tích để làm rõ vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật trong câu thơ sau:

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!

Hồ Xuân Hương - Tự tình II

Câu4: (5điểm).

Phân tích vẻ đẹp hình tượng người nông dân nghĩa sĩ trong đoạn văn sau:

Nhớ linh xưa.trối kệ tàu sắt, tàu đồng súng nổ.

Trích Văn tế nghiã sĩ Cần Giuộc- Nguyễn Đình Chiểu.

 

 

doc10 trang | Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 1530 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi 8 tuần học kỳ I năm học 2008 - 2009 môn: Văn lớp 11 - trường THPT Đại An, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Sở GD-Đt Nam Định Trường THPT Đại An Đề thi 8 tuần học kỳ I năm học 2008-2009 Môn: Văn Lớp 11 (Thời gian: 90 phút) ----------*&*----------- Câu 1: (2 điểm). Nêu những nét chính về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu. Từ cuộc đời nhà thơ em rút ra bài học gì? Câu 2: (1 điểm). Giải nghĩa các thành ngữ sau rồi đặt câu với các thành ngữ đó? - Cưỡi ngựa xem hoa - Trứng khôn hơn vịt Câu 3: (2điểm). Sử dụng thao tác lập luận phân tích để làm rõ vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật trong câu thơ sau: Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại, Mảnh tình san sẻ tí con con! Hồ Xuân Hương - Tự tình II Câu4: (5điểm). Phân tích vẻ đẹp hình tượng người nông dân nghĩa sĩ trong đoạn văn sau: Nhớ linh xưa.........trối kệ tàu sắt, tàu đồng súng nổ. Trích Văn tế nghiã sĩ Cần Giuộc- Nguyễn Đình Chiểu. Hướng dẫn chấm văn 11 8 tuần HK I:2008-2009 Câu 1: (2điểm). - Yêu cầu nêu được những nét chính về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu trên cơ sở SGK trang 56 (cho1.5điểm). - Bài học: Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, cao đẹp về nhân cách, nghị lực và ý chí, về lòng yêu nước , thương dân và thái độ kiên trung, bất khuất trước kẻ thù...(cho 0.5 điểm) Câu 2: (1 điểm). - Giải nghĩa (cho 0.5 điểm) + Cưỡi ngựa xem hoa: làm việc qua loa, không đi sâu, đi sát, không tìm hiểu thấu đáo, kĩ lưỡng. + Trứng khôn hơn vịt: để phủ định quan niệm và thói chơi trội của những kẻ ít tuổi, tuy còn non nớt, nhưng kiêu căng, ngạo mạn, muốn vượt trội, muốn dạy khôn cho người từng trải. - Đặt câu (cho 0.5 điêm) Câu 3: (2điểm). - Yêu cầu: HS phải biết vận dụng đúng thao tác lập luận phân tích để làm rõ vẻ đẹp ngôn ngữ nghệ thuật của hai câu thơ với các ý: + Nghệ thuật sử dụng từ ngữ giàu hình ảnh, cảm xúc (tí, con con). + Sử dụng từ trái nghĩa (đi – lại). + Sử dụng phép lặp từ (xuân), phép tăng tiến (san sẻ - tí - con con) để thể hiện mức cô đơn và thiệt thòi của nhân vật trữ tình. Câu4: (5điểm) - Yêu cầu 1: HS có thể triển khai theo những cách khác nhau nhưng phải đảm bảo những ý cơ bản sau: + Người nông dân trước “trận nghĩa đánh Tây” là những người lao động sống cuộc đời lam lũ, cơ cực “côi cút làm ăn…nghèo khó”. Họ chỉ quen với công việc ruộng đồng “chỉ biết…lang bộ” và hoàn toàn xa lạ với binh đao trận mạc “tập khiên…từng ngó”. + Khi đất nước có giặc ngoại xâm, triều đình bạc nhược, họ vụt đứng lên thành những anh hùng cứu quốc với lòng “mến nghiã”, căm thù giặc sâu sắc; ý thức trách nhiệm cao, tự giác, tự nguyện chiến đấu, sẵn sàng xả thân vì nghĩa “bữa thấy ….bộ hổ”. + Họ vào trận với những trang bị rất thô sơ nhưng tinh thần chiến đấu sục sôi, đầy nhiệt huyết, bừng bừng khí thế, tư thế hiên ngang lẫm liệt, hành động quả cảm phi thường “mười tám ban….súng nổ”. HS, trong quá trình phân tích có thể kết hợp giữa phân tích giá trị nội dung với giá trị nghệ thuật; đánh giá liên hệ mở rộng: đối lập tương phản, sử dụng động từ, nhịp điệu… - Yêu cầu 2: Bài viết hoàn chỉnh (MB-TB-KL); diễn đạt rõ ràng, lập luận chặt chẽ kết hợp với phân tích dẫn chứng; chữ viết sach đẹp, không mắc quá nhiều lỗi chính tả, diễn đạt. - Cho điểm: + Kết cấu hoàn chỉnh, có giới thiệu h/c sáng tác bài văn tế (1điểm). + Đánh giá (0.5điểm) + Nội dung (3.5 điểm) Giáo viên cân nhắc giữa các ý trong bài làm của học sinhđể cho điểm. Chú ý: + Nếu bài viết không có dẫn chứng chỉ cho dưới (1.5 điểm). + Sai nhiều lỗi chính tả, diễn đạt trừ (0.5 điểm). + Bài viết chỉ nêu dẫn chứng không phân tích cho dưới (3.0 điểm). + Điểm lẻ toàn bài đến 0.5 điểm. Sở GD-Đt Nam Định Trường THPT Đại An Đề thi 8 tuần học kỳ I năm học 2008-2009 Môn: Văn Lớp 10 (Thời gian: 90 phút) ----------*&*----------- Câu 1: (1điểm). Thái độ của nhân dân như thế nào qua các chi tiết: - An Dương Vương xây thành, chế nỏ. - An Dương Vương gả con gái cho Trọng Thuỷ. - An Dương Vương thẳng tay chém Mỵ Châu, rẽ nước về thuỷ phủ. Câu 2: (3điểm). Phân tích hoạt động giao tiếp (các nhân tố giao tiếp) được thể hiện trong bài ca dao: Trâu ơi, ta bảo trâu này, Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta. Cấy cày vốn nghiệp nông gia, Ta đây, trâu đấy ai mà quản công! Bao giờ cây lúa còn bông, Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn. Câu 3: (6điểm). Có ý kiến cho rằng: “Truyện cổ tích là giấc mơ đẹp”. Em hãy chọn và phân tích những chi tiết tiêu biểu trong truyện “Tấm Cám” để làm sáng tỏ ý kiến trên. Hướng dẫn chấm văn 10 8 tuần HK I:2008-2009 Câu 1: (1điểm). HS có những cách diễn đạt khác nhau, song cần nêu được những ý sau: - Ca ngợi công lao xây thành, chế nỏ. Dựng nước là công việc gian nan. Người đứng đầu biết tập trung lực lượng (cầu đảo, nhờ thần linh, sức mạnh của tổ tiên, ông cha). Dựng nước gắn liền với giữ nước. - Gả con cho Trọng Thuỷ là vô tình, không phân biệt bạn, thù, mất cảnh giác, đáng phê phán. - Khi nhận ra Mỵ Châu là giặc, An Dương Vương đã thẳng tay trừng trị con gái mình. ADV đã đứng trên quyền lợi dân tộc mà phán xét. - Rẽ nước về thuỷ phủ thể hiện chút an ủi, người có công dựng nước không thể chết. Rất minh bạch nếu so sánh với hình ảnh Thánh Gióng về trời. Cách cho điểm: Mỗi ý cho 0,25 điểm (trả lời thiếu 1/2 ý trong mỗi ý chính không trừ điểm) Câu 2: (3điểm). HS cần phân tích được những nội dung sau: - Người nói (xưng ta) là người nông dân (người cày). - Vai nghe: Là con trâu (được nhân hoá, có khả năng giao tiếp như người). - Hoàn cảnh giao tiếp: Trong cuộc sống lao động, khuyên nhủ con trâu cùng làm việc với người nông dân, cùng chia sẻ nỗi vất vả và cùng hưởng thành quả lao động. (ý này cho 1,0 điểm) - Nội dung giao tiếp: Nhắn nhủ con trâu làm việc, hứa hẹn không phụ công làm việc của nó. - Cách thức giao tiếp: Nói chuyện thân tình, khuyên nhủ nhẹ nhàng, hứa hẹn chân thành. Cách cho điểm: Diễn đạt rõ ràng, trả lời đúng mỗi ý cho 0,5 điểm. Không trúng ý chính trừ 0,25 điểm đến 0,5 điểm trong mỗi gạch đầu dòng. Câu 3: (6điểm). 1. Yêu cầu chung: - Bài làm phải chọn lọc được những chi tiết tiêu biểu, sát đúng với vấn đề cần chứng minh. - Bài làm có bố cục hoàn chỉnh và cân đối giữa các ý, trình bày sạch sẽ, không mắc những lỗi diễn đạt trầm trọng. 2. Cụ thể: Bài làm cần đạt một số ý cơ bản sau: a. Truyện cổ tích đưa đến cho nhân dân lao động thời xưa hình ảnh về một tương lai tốt đẹp, hạnh phúc (đây là ý cơ bản cho 3,0 điểm). Cần phân tích một số chi tiết sau: - Mẹ Cám hứa thưởng cho yếm đào. - Bụt xuất hiện giúp đỡ Tấm. - Đàn chim sẻ giúp Tấm. - Xương cá bống thành ngựa, quần áo, hài cho Tấm đi hội. - Tấm được làm vợ vua. - Chim vàng anh. - Quả thị và bà lão bán nước. b. Tương lai ấy tốt đẹp nhưng chỉ có thể thực hiện trong truyện cổ tích, tức là chỉ có trong mơ. Thực tại vẫn thiếu thốn, khổ đau (phân tích khái quát nỗi khổ của Tấm cho 1,5 điểm). c. Vấn đề là nhân dân mơ ước và nhờ vậy mà có sức mạnh và niềm tin để đấu tranh (phân tích chi tiết: sự sống lại của Tấm để đấu tranh và cuối cùng Tấm vẫn là người được hưởng cuộc sống hạnh phúc cho 1.0 điểm). d. Bài viết hoàn chỉnh, bố cục đủ, rõ ràng, trình bày đẹp, ít lỗi cho 0,5 điểm. e. Điểm trừ: Giáo viên chấm cân nhắc ở mức độ: thiếu ý, diễn đạt, chính tả… để trừ điểm cho phù hợp. Điểm lẻ toàn bài làm tròn đến 0,5 điểm. Sở GD-Đt Nam Định Trường THPT Đại An Đề thi 8 tuần học kỳ I năm học 2008-2009 Môn: Văn Lớp 12 (Thời gian: 120 phút) ----------*&*----------- Câu 1: (2 điểm). Trình bày ngắn gọn hoàn cảnh sáng tác, giá trị lịch sử, giá trị văn học của bản Tuyên ngôn Độc lập – Hồ Chí Minh? Câu 2: (4 điểm). “Sống đẹp” đâu chỉ là những từ trống rỗng Chỉ có ai bằng đấu tranh, lao động Nhân lên vẻ đẹp cuộc đời Mới là người sống cuộc sống đẹp tươi. (Gi. Bê–se) Những vần thơ trên của Gi. Bê-se (thi hào Đức) gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về lí tưởng và sự phấn đấu trong cuộc sống của tuổi trẻ học đường hiện nay? Câu 3: (4điểm) Anh(chị) hãy phân tích đoạn thơ sau đây được trích từ bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng trong sách Ngữ Văn12(NXB GD 2008): “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm Heo hút cồn mây súng ngửi trời Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi ” Hướng dẫn chấm văn 12 8 tuần HK I:2008-2009 Câu 1: (2 điểm). - Yêu cầu: HS nêu được ba nội dung chính như sách giáo khoa: Hoàn cảnh sáng tác: (1điểm) - Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Nhật đầu hàng Đồng Minh. Nhân dân ta đã nổi dậy giành chính quyền. - Ngày 26/08/1945 Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về… - Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang… - Ngày 2/9/1945… - Cũng vào thời gian đó, nhà cầm quyền Pháp tuyên bố: Đông Dương là thuộc địa của Pháp, bị quân Nhật xâm chiếm, nay Nhật đầu hàng, vậy Đông Dương đương nhiên thuộc quyền “bảo hộ” của người Pháp. Bản Tuyên ngôn Độc lập đã cương quyết bác bỏ luận điệu đó. Giá trị lịch sử: (0,5 điểm) - TNĐL là 1 văn kiện có giá trị lịch sử to lớn: là lời tuyên bố xoá bỏ chế độ thực dân, phong kiến, là sự khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc ta trên toàn thế giới, là mốc son lịch sử mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do trên đất nước ta. Giá trị văn học: (0,5 điểm) - TNĐL là một áng văn chính luận đặc sắc, lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực, ngôn ngữ hùng hồn, đầy cảm xúc. - TNĐL là một áng văn yêu nước thể hiện tâm huyết, tư tưởng tình cảm cao đẹp của Người kết tinh khát vọng cháy bỏng về độc lập tự do của dân tộc ta. - Cho điểm: + cho tối đa điểm nếu HS nêu đúng đủ những nội dung yêu cầu của đề. + Căn cứ cụ thể từng bài, từng câu, giám khảo cho các mức điểm khác từ 0,25 đến 0,75 điểm. Câu 2: (4 điểm). 1. Yêu cầu về kĩ năng : - HS biết vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học về cách làm bài văn nghị luận xã hội bàn về một tư tưởng đạo lí, biết kết hợp các thao tác lập luận: so sánh, giải thích, phân tích, bình luận... - Hành văn trôi chảy, mạch lạc, bố cục hoàn chỉnh. - Bài viết chủ yếu sử dụng các tư liệu trong cuộc sống và có thể sử dụng tư liệu trong các tác phẩm văn học. 2. Yêu cầu về nội dung: HS trình bày suy nghĩ theo nhiều cách khác nhau miễn là thuyết phục, và đảm bảo được những ý cơ bản: - Giải thích vấn đề : Theo Gi. Bê-Se “Sống đẹp” là sống có ích cho đời, góp phần tô đẹp cuộc đời bằng quá trình lao động đấu tranh không mệt mỏi. - Bày tỏ suy nghĩ của bản thân: + Khẳng định ý nghĩa tích cực trong quan niệm về “Sống đẹp” của Gi.Bê-Se qua nội dung đoạn thơ + Bàn luận mở rộng về “Sống đẹp”. Để có một nhân cách hoàn thiện và sống có ích cho đời, ngoài lí tưởng cao đẹp, hành động tích cực, cần có trí tuệ sáng suốt, có tình cảm lành mạnh, tâm hồn phong phú… + Suy nghĩ về lí tưởng và sự phấn đấu của tuổi trẻ, của bản thân để sống đẹp; phê phán những biểu hiện của lối sống không đẹp. 3. Cách cho điểm : - Điểm 3- 4: Bài làm hoàn thiện, xuất sắc, đẩm bảo được cơ bản những ý trên, lập luận thuyết phục, hành văn trong sáng, mạch lạc, không hoặc ít mắc lỗi (từ 2 đến 3 lỗi) về chính tả, diễn đạt. - Điểm 1,5 – 2,5 : Bài làm khá, ý mạch lạc, hành văn trôi chảy, bố cục hoàn thiện. - Điểm 0,5 – 1,0 : Bài làm chưa rõ ý, chưa biết phân tích lí giải vấn đề, còn mắc nhiều lỗi diễn đạt, chính tả, chữ viết cẩu thả. - Điểm 0: bỏ giấy trắng hoặc sai lạc hoàn toàn. Câu 3: (4điểm) Yêu cầu 1: - Trên cơ sở những hiểu biết về bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng, cảm hứng chủ đạo của bài thơ, học sinh biết phát hiện và phân tích những đặc sắc nghệ thuật để làm nổi bật nội dung đoạn thơ. - Học sinh biết vận dụng lý thuyết làm văn Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ để phân tích, bên cạnh đó học sinh biết vận dụng các thao tác lập luận khác nhau để làm bài. Yêu cầu 2: Bài làm có thể triển khai theo các cách khác nhau song cơ bản phải làm sáng tỏ những nội dung sau: - Đoạn thơ là một bức tranh hoành tráng diễn đạt sự hiểm trở và dữ dội, hoang vu và heo hút của núi rừng miền Tây - địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến. Qua đó, làm nổi bật hình ảnh người lính… - Học sinh biết lựa chọn và phân tích những từ ngữ giàu giá trị tạo hình: khúc khuỷu, thăm thẳm, cồn mây, súng ngửi trời, cách ngắt nhịp câu thơ, thủ pháp đối lập tạo nên âm hưởng đặc biệt cho khổ thơ, gây ấn tượng với người đọc. Cho điểm: - Điểm 3- 4: Đảm bảo tốt những yêu cầu trên, bố cục hoàn chỉnh, hành văn trôi chảy, mạch lạc, có những liên tưởng đặc sắc, trình bày sạch sẽ, không hoặc ít sai lỗi chính tả, diễn đạt (1 đến 3 lỗi). - Điểm 1,5 – 2,5 : Bài làm khá, đáp ứng tương đối đầy đủ những yêu cầu trên, ý mạch lạc, hành văn trôi chảy, bố cục hoàn thiện, còn mắc lỗi chỉnh tả, diễn đạt nhưng lỗi không nghiêm trọng. - Điểm 0,5 – 1,0 : Bài làm chưa rõ ý, chưa biết áp dụng lý thuyết vào thực hành phân tích đoạn thơ, còn mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả, chữ viết cẩu thả, bố cục chưa hoàn chỉnh. - Điểm 0: bỏ giấy trắng hoặc sai lạc hoàn toàn. Lưu ý: - Giám khảo căn cứ vào tình hình cụ thể bài làm để cho điểm sát với trình độ học sinh. - Điểm toàn bài lấy lẻ đến 0.5 điểm.

File đính kèm:

  • docDe thi 8 tuan101112 HKI 0809 .doc
Giáo án liên quan