Lập ý cho bài viết

 

Một bài nghị luận văn học hay trước hết phải có ý hay. Ý hay là ý đúng, ý sâu, ý mới, ý riêng. Ý đúng, ý sâu phải là của mình mới hay. Cho nên tìm ra ý mới, ý riêng, đúng và sâu là công việc quyết định nhất và tất nhiên cũng là khó khăn nhất.

Văn chương không chỉ phản ánh sự sống mà chính nó cũng là sự sống – tất nhiên là nói văn đạt phẩm chất nghệ thuật cao. Người nghệ sĩ tài năng có thể được xem là một tiểu hóa công, nghĩa là tạo ra được sự sống. Một hiện tượng sống thì bao giờ cũng là phong phú, đa chiều, đa dạng, đa diện và vì thế đa nghĩa. Cho nên người ta nói một áng văn hay là một áng văn không có đáy, nghĩa là khai thác mãi cũng không cạn ý, cũng không hết nghĩa. Và mỗi độc giả, do vốn sống, vốn văn hoá, trình độ thẩm mỹ khác nhau, có thể phát hiện ra ở cùng một tác phẩm văn học, những vẻ đẹp khác nhau và những ý nghĩa khác nhau. Cái gọi là ý mới, ý riêng của người viết bài nghị luận văn học chính là ở đấy mà ra.

 

doc11 trang | Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 1336 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Lập ý cho bài viết, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LẬP Ý CHO BÀI VIẾT Thứ hai ngày 4 tháng 6 năm 2012 5:31 AM GS. Nguyễn Đăng Mạnh Một bài nghị luận văn học hay trước hết phải có ý hay. Ý hay là ý đúng, ý sâu, ý mới, ý riêng. Ý đúng, ý sâu phải là của mình mới hay. Cho nên tìm ra ý mới, ý riêng, đúng và sâu là công việc quyết định nhất và tất nhiên cũng là khó khăn nhất. Văn chương không chỉ phản ánh sự sống mà chính nó cũng là sự sống – tất nhiên là nói văn đạt phẩm chất nghệ thuật cao. Người nghệ sĩ tài năng có thể được xem là một tiểu hóa công, nghĩa là tạo ra được sự sống. Một hiện tượng sống thì bao giờ cũng là phong phú, đa chiều, đa dạng, đa diện và vì thế đa nghĩa. Cho nên người ta nói một áng văn hay là một áng văn không có đáy, nghĩa là khai thác mãi cũng không cạn ý, cũng không hết nghĩa. Và mỗi độc giả, do vốn sống, vốn văn hoá, trình độ thẩm mỹ khác nhau, có thể phát hiện ra ở cùng một tác phẩm văn học, những vẻ đẹp khác nhau và những ý nghĩa khác nhau. Cái gọi là ý mới, ý riêng của người viết bài nghị luận văn học chính là ở đấy mà ra. Dưới đây là một số kinh nghiệm tìm ý, lập ý. 1. Rút ra nhận xét khái quát từ những hiện tượng “ám ảnh” trong thế giới nghệ thuật của nhà văn. Đó là những hiện tượng được lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhưng nói lặp đi lặp lại thì chỉ có nghĩa thuần túy về số lượng – phải nói “ám ảnh” mới bao hàm phẩm chất của hình tượng, nghĩa là chứa đựng tư tưởng nghệ thuật, chứa đựng tâm huyết của nhà văn. Thí dụ: Đọc các tác phẩm của Nam Cao, thấy ông hay nói đến hiện tượng con người trước miếng ăn không giữ được nhân phẩm, nhân tính, nghĩa là bị biến chất, bị tha hoá. (Một bữa no, Quên điều độ, Tư cách mõ, Trẻ con không biết ăn thịt chó, Đòn chồng, Chí Phèo, Sống mòn..). Từ đó, có thể rút ra nhận xét khái quát về tư tưởng chi phối sâu sắc những tác phẩm tiêu biểu của Nam Cao: ấy là nỗi đau đớn trước tình trạng con người không giữ được nhân tính, nhân phẩm do miếng cơm manh áo. Ở tầng lớp trí thức nghèo thì đó là tình trạng chết mòn, Sống mòn hay Đời thừa..; ở người nông dân nghèo, thì là tình trạng chết hẳn về tinh thần, mất hết ý thức về cái nhục (Một bữa no, Tư cách mõ..) hoặc trở thành quỷ dữ (Chí Phèo)... Như thế là khác với Ngô Tất Tố, lên án xã hội cũ đã xô đẩy con người vào nạn đói, vào cái khổ, Nam Cao cũng tố cáo xã hội ấy, nhưng ở chỗ nó lăng nhục con người, hủy hoại nhân tính, nhân phẩm con người. Một thí dụ khác: Nguyễn Công Hoan có sở trường đặc biệt về truyện ngắn trào phúng. Ông tạo ra hàng trăm thiên truyện rất ngắn và rất vui. Mỗi truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan thường được tổ chức xoay quanh một mâu thuẫn giữa hai hạng người. Ở những truyện viết về đề tài xã hội, là mâu thuẫn giữa một gã nhà giàu nào đó với một người nghèo. Và Nguyễn Công Hoan đứng hẳn về phía người nghèo để châm biếm, lật tẩy bản chất bất lương, vô liêm sỉ của kẻ giàu có quyền thế cùng tay sai của chúng. Còn ở những truyện viết về đề tài luân lý gia đình, thì lại là mâu thuẫn giữa một nam, một nữ, hoặc lớp già, lớp trẻ. Và nhà văn đứng hẳn về phía nam giới và thế hệ già. Ông đả kích rất ác loại phụ nữ gọi là tân thời và lớp thanh niên Âu hóa mà ông cho là đàng điếm, hư hỏng, vô giáo dục. Hiện tượng nói trên rất phổ biến trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng tháng Tám, gần như không có ngoại lệ. Vì thế cần hết sức lưu ý. Từ những hiện tượng trở đi trở lại với tần số cao ấy, có thể rút ra nhận xét khái quát: về thái độ đối với xã hội thực dân, Nguyễn Công Hoan có tinh thần dân chủ khá sâu sắc. Nhưng về quan điểm đạo đức trong quan hệ hôn nhân, gia đình, ông tỏ ra hết sức bảo thủ, lạc hậu. Đọc Vũ Trọng Phụng, thấy ông hay dùng cụm từ “Vô nghĩa lý” (đời vô nghĩa lý, loài ngưòi vô nghĩa lý, hành vi vô nghĩa lý… ). Từ đó có thể phán đoán: Con người sính khái quát, triết lý này đã ráo riết đi tìm nghĩa lý của cuộc đời mà không hiểu được, đâu đâu cũng chỉ thấy toàn chuyện vô nghĩa lý. Vì thế ông đã rơi vào tư tưởng bi quan định mệnh chủ nghĩa: định mệnh, số đen, số đỏ, ấy là cách giải thích “thỏa mãn” nhất đối với mọi thắc mắc về các hiện tượng vô nghĩa lý trên đời.. Tìm hiểu thơ nghệ thuật của Hồ Chí Minh (phần lớn bằng chữ Hán, theo thể tuyệt cú) thấy ở câu cuối, ở phần cuối của bài thơ, tác giả thường tô đậm hình ảnh con người hoạt động, sự sống tươi vui, bình minh rực rỡ: Phương đông màu trắng chuyển sang hồng Bóng tối đêm tàn quét sạch không ( Giải đi sớm ) Cô em xóm núi xay ngô tối Xay hết lò than đã rực hồng ( Chiều tối ) Làng xóm ven sông đông đúc thế Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh (Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh) Trong ngục giờ đây còn tối mịt Ánh hồng trước mặt đã bừng soi (Buổi sớm) ..v.v và v.v.. Từ đó có thể kết luận: mạch thơ, hình tượng thơ của Bác Hồ luôn vận động hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai. 2. Đề xuất luận điểm từ sự so sánh những đối tượng cùng loại Tất nhiên so sánh theo quy tắc lô gic thì phải so sánh những hiện tượng cùng loại và trên cùng một bình diện. Hoài Thanh thường lập ý bằng cách này. Thí dụ ông so sánh hình ảnh Hồ Chí Minh trong các bài thơ của Tố Hữu ra đời trong những thời kỳ khác nhau để thấy những đổi mới về nhận thức và phát hiện những sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ ở mỗi tác phẩm. Xuân Diệu cũng làm như thế khi bình thơ Huy Cận. Chẳng hạn, ông so sánh hai bài thơ của Huy Cận ra đời trước và sau Cách mạng tháng Tám cùng viết về mùa mưa (Buồn đêm mưa và Mưa xuân trên biển) để thấy những chuyển biến tư tưởng và nghệ thuật của tác giả. Mùa thu, cảnh thu là đề tài của hàng loạt bài thơ kim cổ đặc sắc. Vì thế bình giảng thơ về đề tài nay người ta cũng thường lập ý bằng lối so sánh.. Tôi cũng thường lập ý bằng cách đó. Chẳng hạn so sánh những phát hiện khác nhau của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan và Nam Cao về nỗi khổ của người nông dân trong xã hội cũ, qua ba tác phẩm Tắt đèn, Bước đường cùng và Chí Phèo: “Khi Tắt đèn của Ngô Tất Tố và Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan ra đời, tôi chắc ít ai nghĩ rằng thân phận người nông dân dưới ách đế quốc phong kiến lại có thể có một nỗi khổ nào hơn những nỗi khổ của chị Dậu, anh Pha. Nhưng khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta liền nhận ra rằng, đây mới là hiện thân đầy đủ những gì gọi là khốn khổ, tủi nhục nhất của người dân cùng ở một nước thuộc địa: bị giày đạp, bị cào xé, bị hủy hoại từ nhân tính đến nhân hình. Chị Dậu bán chó, bán con, bán sữa.. nhưng chị còn được gọi là người. Chí Phèo phải bán cả diện mạo và linh hồn của mình đi để trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Trong văn học Việt Nam, có một đề tài mà nhiều cây bút đề cập đến, đó là vấn đề miếng ăn: Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tản Đà, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng.. So sánh cách tiếp cận khác nhau về miếng ăn của những cây bút ấy, có thể phát hiện được khá nhiều điều thú vị. Ngô Tất Tố đề cập đến miếng ăn của người nông dân nghèo là để nói đến nạn đói thê thảm ở nông thôn ta ngày trước. Nam Cao nói miếng ăn là nói cái nhục của con người – miếng ăn là miếng nhục. Nguyên Hồng đề cập đến miếng ăn của người dân nghèo lại phát hiện ra cái tinh tế, sành sỏi riêng của khẩu vị người dân lao động. Còn Nguyễn Tuân lại tiếp cận miếng ăn không như một thực phẩm, mà như một giá trị văn hoá nghệ thuật tinh vi “sang trọng”, rất đáng tự hào của một dân tộc có hàng nghìn năm văn hiến.. Nghĩa là từ một đề tài có vẻ hết sức nhỏ mọn là miếng ăn, nhờ so sánh mà ta có thể phát hiện tư tưởng nghệ thuật rất khác nhau của các tác giả. Để thấy được đặc sắc của những bức tranh thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu, tôi so sánh với thơ Thế Lữ. Thơ Thế Lữ rất giàu chất họa (ông vốn là một hoạ sĩ). Màu sắc trong thơ ông thường rõ ràng, có thể gọi tên ra được: Ánh hồng tía rắc ngọc châu trên lá Trời trong xanh, chân trời đỏ hây hây.. (…) Trời cao xanh ngắt, Ô kìa! Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.. Nhưng trên những bức tranh của Xuân Diệu thì hình ảnh, màu sắc rất khó định danh. Có một cái gì không rõ đường viền, là một thứ màu sắc, ánh sáng đang chuyển, đang ở dạng biến thái rất khó nắm bắt: Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu Lả lả cành hoang nắng trở chiều (Xuân Diệu) Nhưng chính cái hay, cái tài của thơ Xuân Diệu là ở đó, đúng như lời bình của tác giả Thi nhân Việt Nam: “.. cảnh như muốn theo lời thơ mà tan ra. Nó chỉ mất một tí rõ ràng để được thêm rất nhiều thơ mộng”. Thơ Xuân Diệu tinh vi là ở đấy. Vận dụng kinh nghiệm của trường thơ tượng trưng Pháp, đặc biệt là của Baudelaire, Xuân Diệu muốn ghi lại bằng ngôn ngữ thơ ca những biến thái (nuances) tinh vi của tạo vật và người. Thậm chí ông còn muốn diễn tả cả những cảm ứng vô hình trong đôi cánh một con cò trên ruộng: Mây biếc về đâu bay gấp gấp, Con cò trên ruộng cánh phân vân; Chim nghe trời rộng giang thêm cánh, Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần . Một trong những vẻ đẹp độc đáo của thơ nghệ thuật Hồ Chí Minh là màu sắc cổ điển đậm đà. Vì thế, bình thơ Bác, người ta thường so sánh với thơ Đường, thơ Tống. Chẳng hạn Xuân Diệu so sánh bài thơ Nhập Tĩnh Tây huyện ngục của Bác với bài Độc tọa Kính Đình sơn của Lý Bạch; hoặc như Hoàng Trung Thông so sánh bài Tẩu Lộ của Hồ Chí Minh với bài Đăng Quán Tước lâu của Vương Chi Hoán.. Bình bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh tôi cũng lập ý bằng cách so sánh tiếng suối trong thơ Bác với tiếng suối trong bài Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi: “Ta lắng nghe một tiếng hát từ xa vọng lại. Không, đó là tiếng suối ngân nga trong rừng sâu.” Tiếng suối trong như tiếng hát xa... Câu thơ đột nhiên có một dáng điệu trẻ trung rất thích. Hình như người xưa thường nói đàn suối, phách suối, - "Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm" (Nguyễn Trãi) - chứ không nói suối hát chăng? Một hiện tượng rất thực, phù hợp với cảnh vật và sinh hoạt của con người ta lúc bấy giờ ở chiến khu Việt Bắc. Nhưng lối ví von thoát sáo ấy, đồng thời lại muốn đưa thẳng trí tưởng tượng của nhà thơ vào cõi mơ màng: tiếng suối hay giọng người, âm thanh của tự nhiên hay điệu hát cất lên từ một cõi xa xăm nào giữa rừng khuya lung linh bóng nguyệt? ... Trong quá trình tìm hiểu những cách tân của thơ Xuân Diệu, tôi đã nhận ra được một đặc điểm độc đáo của thi pháp tác giả Thơ thơ và Gửi hương cho gió bằng cách đối chiếu thơ ông với thơ ca truyền thống: Trong cái vũ trụ nghệ thuật Xuân Diệu mà Xuân và Tình làm chủ, "người ta thấy một nguyên tắc mỹ học được xác định: vẻ đẹp của con người là chuẩn mực của vẻ đẹp thế giới, vẻ đẹp của vũ trụ. Nếu như chúng ta nhớ rằng trong văn chương xưa, người ta lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm chuẩn cho vẻ đẹp của con người thì mới thấy nguyên tắc mỹ học nói trên của Xuân Diệu là cả một cuộc đổi mới đáng kể trong thơ ca Việt Nam hiện đại". Thơ xưa viết về người đẹp thì nào là mặt hoa, tóc mây, mày liễu, làn thu thuỷ, nét xuân sơn... Bây giờ Xuân Diệu so sánh ngược lại: ... Lá liễu dài như một nét mi... ... Trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ... ... Hơi gió thổi như ngực người yêu đến... ... Mây đa tình như thi sĩ đời xưa... Quan niệm mỹ học ấy đã giúp ông sáng tạo nên một câu thơ vào loại tuyệt vời của nền thi ca Việt Nam hiện đại: Tháng giêng ngon như một cặp môi gần[1] ...v.v và v.v... N.Đ.M (Còn tiếp) [1] Tư tưởng và phong cách một nhà thơ lớn. Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn. NXB Giáo dục 1984. 3. Ý kiến được xây dựng từ những phản đề Trong nghiên cứu văn học, nhiều khi ý kiến nảy sinh và hình thành nhờ nhu cầu phản bác một luận điểm nào đấy. Chúng ta biết rằng, từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), đất nước bước vào công cuộc đổi mới sâu sắc và toàn diện. Nói riêng trong lĩnh vực văn học, nhiều hiện tượng văn học cần được đánh giá lại theo tinh thần đổi mới, trong đó có trào lưu văn học lãng mạn chủ nghĩa giai đoạn 1930 - 1945. Theo quan niệm cũ, trào lưu văn học này là hết sức tiêu cực, độc hại. Nó đánh lạc hướng thanh niên ra khỏi con đường cách mạng mà Đảng đã vạch ra từ 1930. Nghĩa là về tác dụng khách quan ( có thể ngoài ý muốn của các tác giả), nó có tính chất phản động. Thực ra thì không phải vậy. Vì hầu hết các cây bút lãng mạn đều rất hăng hái tham gia cách mạng ngay khi cuộc khởi nghĩa tháng Tám thành công. Riêng Xuân Diệu, Huy Cận thì đã tham gia từ trước đấy nữa. Vậy thì phải phản bác lại quan niệm cũ nói trên như thế nào đây? Trong quá trình suy nghĩ về vấn đề này, tôi tình cờ đọc được một câu nói của một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Cha và Con của nhà văn Nga I.Tuôcghênhép như sau: " Anh bạn có thấy tôi đang làm gì đây không? Té ra va li của tôi rỗng tuếch, tôi đang phải nhét cỏ khô vào. Chiếc va li trường đời của chúng ta cũng thế đấy, ta phải nhét vào bất cứ thứ gì, cốt sao cho nó khỏi trống rỗng". Câu nói này đã gợi ý cho tôi hiểu được tâm lý xã hội của các thế hệ thanh niên trí thức thời Pháp thuộc. Hồi ấy Đảng hoạt động bí mật, cách mạng là bất hợp pháp. Trong hoàn cảnh ấy có phải ai cũng có thể tiếp nhận được lý tưởng của Đảng đâu. Trong khi đó thì tâm hồn con người ta không bao giờ chịu để trống không cả. Quy luật tâm lý của con người ta, nhất là của thanh niên là như vậy. Không tiếp nhận được lý tưởng của Đảng thì họ cũng phải "nhét" cái gì vào "hành lý tâm hồn" của mình chứ. - dù là phải "nhét cỏ khô" vào đấy. Đương thời bọn thực dân và tay sai chỉ mong muốn họ "nhét" những tư tưởng nô dịch, chống cộng, tư tưởng sùng bái Đại Pháp, coi Tổ quốc là nước Pháp, coi nòi giống mình là người Gô-loa... Cố đạo Puyginiê đã từng mơ ước như thế khi vạch ra chương trình đồng hóa dân Việt Nam để cuối cùng biến nước ta thành "một nước Pháp ở hải ngoại". Nhưng do tinh thần yêu nước không đến nỗi nguội lạnh, họ đã không chịu "nhét" những "của" ấy vào tâm hồn mình, dù chúng được Nhà nước thực dân truyền bá hằng ngày bằng mọi phương tiện thông tin và bằng nội dung chương trình của các nhà trường Pháp - Việt. Họ đã "nhét" Thơ mới lãng mạn vào đấy cùng với những Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Đôi bạn, Gió đầu mùa, Vang bóng một thời, Thiếu quê hương... (ở đây chưa nói đến các tác phẩm văn học hiện thực). Họ làm như thế, trong hoàn cảnh ấy, có nên xem là có hại cho cách mạng không? Những tác phẩm ấy đúng là không kêu gọi tranh đấu, không tuyên truyền cộng sản, nhưng cũng không bán nước, không ca ngợi kẻ xâm lược. ít ra nó cũng giúp độc giả thêm yêu mảnh đất đã sinh ra mình, biết yêu tiếng mẹ đẻ, biết mất nước là buồn, là đau, biết Thiếu quê hương là bơ vơ tủi nhục... Như vậy không thể nói những tác phẩm văn chương ấy đã đầu độc tâm hồn con người, là đẩy thanh niên xa rời con đường cách mạng. Trái lại, xét ở chừng mực nào đấy, những áng văn thơ kia đã vô tình chuẩn bị cho con người đến với cách mạng dễ dàng hơn khi họ có điều kiện tiếp xúc với lý tưởng của Đảng. Thực tế lịch sử đã chứng minh điều đó[1]. Nhà thơ Chế Lan Viên có bài thơ Hai câu hỏi. Bài thơ diễn tả cơ chế chuyển biến tư tưởng và nghệ thuật của tác giả trước và sau Cách mạng tháng Tám. Ta là ai? Như ngọn gió siêu hình Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt Ta vì ai? Khẽ xoay chiều ngọn bấc Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh. Nói chung, những nhà văn "tiền chiến" vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước thường có thái độ đối lập như thế giữa cái tôi riêng và cái ta chung, giữa cá nhân và cộng đồng. Trong quá trình tìm hiểu con đường nghệ thuật riêng của mỗi nhà văn, tôi đã mượn cách diễn đạt nói trên của Chế Lan Viên nhưng đồng thời bác bỏ sự đối lập cái tôi và cái ta của nhà thơ. Tôi cho rằng, con đường nghệ thuật độc đáo của mỗi nhà văn được vạch ra từ sự giải đáp khác nhau về hai câu hỏi nói trên trong quá trình sáng tác. Ta vì ai? Là lý tưởng xã hội của nhà văn. Ta là ai? Là sở trường riêng, phong cách nghệ thuật riêng của mỗi cây bút. Lời giải đáp đúng đắn chỉ có thể có được bằng thực tiễn sáng tác của người cầm bút - qua sáng tác, nhà văn, cùng một lúc tìm hiểu mình và tìm hiểu đời[2]. Trong lĩnh vực khoa học, nhiều luận điểm mới mẻ đã nảy sinh từ sự bác bỏ những luận điểm nào đó. Vì thế việc tổ chức những cuộc tranh luận lành mạnh,dân chủ, bình đẳng là tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của khoa học. Những ý kiến của tôi về Nguyễn Huy Thiệp, về một số bài thơ của Bác như Tức cảnh Pác bó, Giải đi sớm, ốm nặng, Cảnh chiều hôm...v.v...đã nảy sinh từ những cuộc tranh luận như thế...[3] 4. Ghim những câu hỏi trong đầu như những cái đinh để móc vào đấy những kiến thức đã thu lượm được. Để có ý hay, ý mới, điều quyết định là đầu óc phải luôn luôn làm việc. Nhà thơ Xuân Diệu có lần nói với tôi khi tôi than phiền nghĩ mãi không ra một ý gì để giải quyết một vấn đề khoa học mà mình theo đuổi. Ông động viên tôi: "Cứ nghĩ tập trung mãi vào một điểm thì rồi thế nào cũng nghĩ ra, đừng bi quan. Mình nhiều lúc cũng bí. Hết hạn nộp bài đến nơi rồi mà đầu óc vẫn trống trơn. Y như nợ phải trả đến nơi rồi mà trong túi không có một xu. Vậy mà cứ nghĩ xoáy mãi vào một điểm thật quyết liệt rồi ý cũng nẩy ra và viết được". Tôi có một kinh nghiệm thế này: trong quá trình suy nghĩ, tất nảy ra những thắc mắc, những câu hỏi. Đó là những đề tài của những bài nghiên cứu rồi có lúc sẽ được giải quyết. Hãy ghim những câu hỏi ấy trong đầu như những cái đinh đóng trên tường để treo mũ, mắc áo hằng ngày. Đọc báo, đọc sách, nghe giảng bài hay nghe nói chuyện mà trong đầu không có sẵn những cái "đinh" khi thì kiến thức nghe được, đọc được cũng tuột đi mất, vì không khắc sâu vào trí ta được. Nhiều kiến thức rất thú vị đến với ta một cách hết sức bất ngờ và ngẫu nhiên do đọc sách hay trò chuyện với ai đó. Nhưng nếu không có sẵn những cái "đinh" kia trong đầu thì có khi cũng không bắt lấy được và để tuột mất. Những cái "đinh" kia có sức hút rất nhạy những kiến thức liên quan đến nó, tức là những ý kiến làm cho nó được sáng tỏ. Một cái "đinh" vào đấy khi đã móc được nhiều nhiều ý kiến rồi thì khi đó ta sẽ có đủ khả năng, có đủ luận điểm để giải quyết được một thắc mắc, một câu hỏi, tức một đề tài khoa học nào đấy mà ta vẫn nung nấu trong đầu. Có nghĩa là ta có thể xây dựng được một bài nghiên cứu có giá trị nhất định. Một lần, tôi tình cờ đọc được một bài viết của một tác giả Liên Xô (cũ) bàn về cái tên cuốn tiểu thuyết của Xtăngđan (Stendhal): Đỏ và đen. Tác giả bài viết cho rằng, cuốn tiểu thuyết đã mở đầu bằng mấy chi tiết báo trước số phận của nhân vật chính là Giuyliêng Sôren (Julien Sorel). Anh học trò này trước khi đến nhận làm gia sư cho nhà quý tộc Đơ Rênan (De Rênal), đã đảo qua nhà thờ của thị trấn. Anh ta thấy màu đỏ của tấm riđô nơi nhà thờ chiếu vào bình nước thánh, trông như máu, đồng thời nhặt được một tờ báo ai bỏ lại đấy, đăng tin một vụ án mạng. Đấy là cái điềm báo trước số phận của Giuyliêng: anh ta sẽ can tội giết người và bị án tử hình. Đỏ là máu, đen là tang tóc. Tên truyện Đỏ và đen diễn đạt dưới hình thức biểu tượng cái điềm báo trước kia mà tác giả Xô Viết gọi là chi tiết tiên tri dự báo (épisode prophétique). Tôi liền chộp lấy ngay khái niệm này và mắc vào cái "đinh" ghim sẵn trong đầu về trường hợp tư tưởng bi quan định mệnh chủ nghĩa Vũ Trọng Phụng thể hiện ở hàng loạt nhân vật thầy bói, thấy tướng xuất hiện như những Quỷ Cốc tái sinh báo trước số phận những nhân vật chính như Mịch (Giông tố), Xuân (Số đỏ), Phúc (Trúng số độc đắc)...[4] Một lần khác, nhân đọc cuốn tiểu thuyết Anh em nhà Karamazôp của Đôtxtôiepxki, tôi thấy có một nhân vật nói thế này: "Tôi càng yêu nhân loại nói chung thì lại càng ít yêu con người nói riêng, tức là tách bạch ra từng người riêng rẽ. Những lúc mơ ước nhiều khi tôi đã có dự định say mê phụng sự nhân loại (...) thế nhưng tôi lại không thể sống chung với bất kỳ ai trong một căn phòng". Đó là loại người chỉ có cái mà Đôtxtôiepxki gọi là "Tình yêu mơ mộng" chứ không có tình yêu thật sự. Câu nói của nhân vật này khiến tôi liên hệ đến tình cảm nhân đạo vừa mênh mông bao trùm cả nhân loại vừa rất cụ thể thiết thực của Bác Hồ thể hiện trong Nhật ký trong tù - đây cũng là một cái "đinh" ghim sẵn trong đầu tôi khi nghiên cứu văn thơ Hồ Chí Minh. Tôi hiểu ra rằng "Bác Hồ không vì những mục đích xa mà quên những mục tiêu gần, không vì chú trọng lợi ích lâu dài mà bỏ qua lợi ích trước mắt của quần chúng, không vì quan tâm đến cái nhân loại lớn mà thờ ơ với cái nhân loại nhỏ hẹp quanh mình (tức là những bạn tù) mà những vui buồn sướng khổ hàng ngày đã dệt nên những cuộc đời cụ thể"...v.v...[5] Như thế là những kiến thức có tác dụng giải quyết những đề tài của bài viết của mình nhiều khi nằm ở những tài liệu chẳng có liên quan gì trực tiếp đến đề tài cả. Tuy nhiên muốn thu lượm được những kiến thức như thế, trong đầu lúc nào cũng phải ghim sẵn những cái đinh như đã nói ở trên. Đọc sách đọc vở nhiều khi "vớ" được những ý kiến có tác dụng rất lớn giúp mình giải quyết không phải một đề tài mà hàng loạt đề tài. Đó là những ý kiến có ý nghĩa phương pháp luận khoa học. Thí dụ ý kiến sau đây của Plêklanov đã giúp tôi mở ra cả một phương hướng trong nghiên cứu các hiện tượng văn học sử: "Nếu không hiểu tâm lý xã hội thì không thể tiến lên một bước nào trong lịch sử văn học, nghệ thuật, triết học...". Tôi đã theo phương hướng này đề nghiên cứu một cách có hiệu quả những đặc điểm của nền văn học hiện đại nước ta từ đầu thế kỷ XX đến 1945 và từ 1945 đến 1975, và hàng loạt nhà văn từ Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, đến Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc...v.v... Thực tình mà nói, có một thời gian dài, bộ môn lý luận văn học của ta có những biểu hiện giáo điều, xa rời đời sống thực tế sinh động và phức tạp của văn học. Muốn thoát ra khỏi sự trói buộc của thứ lý luận "quan liêu" ấy, chỉ có một cách là trực tiếp gắn bó với "cây đời". Vì thế tôi rất chịu khó tiếp xúc với các nhà văn, trao đổi với họ, lắng nghe ý kiến của họ tự bạch về quan niệm văn chương, về kinh nghiệm sáng tác. Nhiều ý kiến của họ đã gợi ý cho tôi giải quyết những vấn đề mình băn khuăn, thắc mắc trong quá trình nghiên cứu văn học. Chẳng hạn, ông Hoài Thanh có lần nói: "Người ta sáng tác bằng những ấn tượng lúc năm, bẩy tuổi". Nguyễn Đình Thi thì cho biết, cái ria mép của nhân vật địa chủ Hàn Thanh trong Vỡ bờ là được vẽ theo cái ria mép của một ông giáo dạy nhà văn hồi học cấp I. Ông còn kể rằng hồi nhỏ, những buổi trưa ở lại trường, ông thường thích nằm ngửa trên nệm cỏ sân trường ngắm nhìn bầu trời xanh lồng lộng trên cao. Sau này khi ông viết bài thơ Đất nước, cái bầu trời rất xanh ấy đã trở lại trong tâm hồn ông với tâm trạng vô cùng náo nức thấy mình được làm chủ giang sơn, trời đất của mình: "Trời xanh đây là của chúng ta! Núi rừng đây là của chúng ta!"... Những ý kiến ấy lập tức được móc vào "cái đinh thắc mắc" đã ghim sẵn trong đầu tôi với những day dứt không nguôi về nguyên nhân hình thành thế giới nghệ thuật riêng, phong cách nghệ thuật riêng của mỗi nhà văn. Tôi tin chắc rằng, cái nhân tố hết sức quan trọng tạo ra thế giới hình tượng rất riêng của mỗi nhà văn chính là môi trường xã hội, môi trường văn hóa, là cảnh vật thiên nhiên, là không khí gia đình...v.v...mà nhà văn từng hít thở từ tuổi ấu thơ. Những ấn tượng của môi trường sống rất riêng ấy, bản thân chúng nhiều khi chẳng có ý nghĩa gì, vậy mà sẽ theo đuổi và ám ảnh nhà văn cho đến suốt đời. ấy là cái không khí thơ mộng và trữ tình của Huế đối với Tố Hữu, là cái sinh hoạt "Vang bóng một thời" của cụ Tú Lan đối với Nguyễn Tuân, là cái không khí náo nhiệt và cái nắng, cái gió của thành phố cửa biển đối với Nguyên Hồng, là cái làng sơn cước Ân Phú bên bờ sông La với những bãi cát hoang vắng cổ sơ đối với Huy Cận, là cái gió biển nồng nàn của thành phố Quy Nhơn đối với Xuân Diệu, là những tháp Chàm Bình Định, dấu tích diệt vong của một dân tộc từng có một thời oanh liệt đối với Chế Lan Viên...v.v... Nói chung, một bài viết mà toàn ý hay, nghĩa là ý mới, ý riêng cả là điều rất khó đạt được. Nhưng trong mười ý thế nào cũng phải có được vài ba ý hay thì mới được gọi là bài văn có giá. Mỗi bài viết có một mặt bằng riêng cao thấp khác nhau do trình độ văn hóa, chuyên môn khác nhau của mỗi cây bút. Trên cái mặt bằng ấy thế nào cũng phải nhô lên một số mũi nhọn, tức là ý xuất sắc, độc đáo. Theo tôi, có đạt được như vậy thì mới nên cầm bút. Có nhà lý luận phê bình sản xuất hàng trăm bài văn, hàng chục đầu sách, nhưng không có được một mũi nhọn nào. Trong khi có người viết rất ít, nhưng bài nào cũng có ý riêng, ý mới và sâu. Công luận tất nhiên đánh giá cao cây bút thứ hai và đánh giá thấp cây bút thứ nhất - đánh giá thấp bằng sự quên đi, thậm chí thấy tên người ấy ký dưới bài viết là không muốn đọc, vì sợ mất thì giờ... (Hết) N.Đ.M [1] Thư của Puginier gửi tổng trưởng thuộc địa Pháp đề ngày 4 - 5 - 1887. Dẫn theo Nguyễn Văn Trung: Chữ văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc - Nam Sơn, Sài Gòn 1974. [2] Xem Văn và dạy - học văn - Nxb Thanh Hóa 1993 [3] Xem Mấy vấn đề về quan điểm và phương pháp tìm hiểu, phân tích thơ Hồ Chí Minh. Nxb Giáo dục 1981 và Nhà văn Việt Nam hiện đại - Chân dung và phong cách - Nxb Trẻ TP Hồ Chí Minh, 2000 [4] Con đường đi vào thế giới nghệ thuật (Sách đã dẫn) [5] Nhà văn tư tưởng và phong cách (Sách đã dẫn)

File đính kèm:

  • docLAP Y CHO BAI VIET.doc