Nguyễn Bính, người lưu giữ hồn quê

Hồn thơ Nguyễn Bính hay hướng tới những duyên số éo le. Sau

này, khi Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều, khi Nguyễn Bính viết

những bài thơ tình yêu chủ thể, ông cũng lấy cảm hứng từ những

tan vỡ, oan nghiệt. Tình cảm chủ yếu trong thơ tình Nguyễn Bính

là nhớ thương tiếc nuối Cứ thương nhớ mãi thì cho hết đời.

Mỗi lần yêu là một lần đau đớn, cái yêu làm tội làm tình cái thân.

Đau đớn đến kinh hãi. Nhưng trong kinh hãi, lắng nghe xem, bao

nhiêu thèm thuồng, không dứt được. Sợ, nhưng mà thích:

Tôi rờn rợn lắm giai nhân ạ

Đành phụ nhau thôi kẻo đến ngày

Khăn gói gió đưa sang xứ lạ

Ai cười cho được lúc chia tay.

pdf13 trang | Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 1424 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nguyễn Bính, người lưu giữ hồn quê, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nguyễn Bính, người lưu giữ hồn quê Hồn thơ Nguyễn Bính hay hướng tới những duyên số éo le. Sau này, khi Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều, khi Nguyễn Bính viết những bài thơ tình yêu chủ thể, ông cũng lấy cảm hứng từ những tan vỡ, oan nghiệt. Tình cảm chủ yếu trong thơ tình Nguyễn Bính là nhớ thương tiếc nuối Cứ thương nhớ mãi thì cho hết đời. Mỗi lần yêu là một lần đau đớn, cái yêu làm tội làm tình cái thân. Đau đớn đến kinh hãi. Nhưng trong kinh hãi, lắng nghe xem, bao nhiêu thèm thuồng, không dứt được. Sợ, nhưng mà thích: Tôi rờn rợn lắm giai nhân ạ Đành phụ nhau thôi kẻo đến ngày Khăn gói gió đưa sang xứ lạ Ai cười cho được lúc chia tay. Tạng tâm hồn Nguyễn Bính là tạng buồn thương. Nhìn vào đâu ông cũng lọc ra cái khía cạnh ly tán, xót thương, dâu bể. Ngôi trường huyện ngày xưa đổi kiểu, có thể vui, hay ít nhất cũng không buồn, nhưng ông đã chạnh lòng nhớ mối tình lá sen tơ tuổi học trò mà buồn não nuột. Mẹ tiễn con về nhà chồng mà sầu thảm xót thương như đưa con đi cải tạo: Đưa con ra đến cửa buồng thôi Mẹ phải xa con khổ mấy mươi Con ạ đêm nay mình mẹ khóc Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi. Người chị tái giá, cố nhiên trong nội tâm có chút lặng buồn, nhưng trong lời dặn em có đến nỗi tuyệt vọng bi thảm thế này không: Chị giờ sống cũng bằng không Coi như chị đã ngang sông đắm đò. Nguyễn Bính có tài (tài thành tật) là hay đụng vào chỗ lòng người dễ đau nhất. Người mẹ đi bước nữa, dặn dò con lại chọn những lời này: Chúng con coi mẹ có như không Khuya rồi đấy nhỉ con đi nghỉ Gió bấc đêm nay lạnh ngập phòng. Cơn gió bấc ấy là tự lòng tác giả thổi thêm vào cái cuộc đời vốn đã không ấm áp. Gió lạnh sương sa nặng hạt rồi Thuyền ta đậu lại bến này thôi Sớm mai xuôi ngược về đâu nhỉ Nào biết về đâu kẻ ngược xuôi. Trong đời thực, ít có con thuyền nào lại không biết lộ trình của mình. Chẳng qua cái gió lạnh sương sa làm tác giả chạnh nghĩ tới những kiếp giang hồ vô định mà thở hắt ra giọng buồn thương ấy. Nguyễn Bính đốt lòng người bằng cách bi thảm hóa cuộc đời, mặc dù cuộc đời đã đủ làm người ta đứt ruột. Nguyễn Bính nam nhi mà quá nhiều nước mắt. Ông hay khóc lắm Khóc như em mấy khăn hồng chả phai. Đấy là lời ông tâm sự với chị, đàn ông sùi sụt, lại còn khăn hồng nữa chứ. Quả là ông có lâm ly hoá những mối tình của mình, xa rời dần cảm xúc trong, đẹp thuở tình ái chân quê. Nét mới ở giai đoạn sau này là mạch cảm xúc cô đơn bi phẫn. Kiểu sống bằng mộng tưởng, hương đồng gió nội, không chống chọi nổi thực tế phũ phàng nơi thành thị. Nhà thơ từng có địa chỉ bằng một gốc một cây dương, một con suối, một mùi hương, giờ đây đã thành kẻ tha phương, câu thơ nghe đã văn xuôi lắm: Lẽo đẽo đi trong gió bụi đời Gian nan vất vả quá anh ơi. Trong mùa xuân tha hương năm 1941, sau khi đã uống say cười vỡ ba gian gác / Ném cái chung tình xuống đáy sông, Nguyễn Bính cay đắng nhìn lại thân thế: Người ta đi kiếm giàu sang cả Mình chỉ mơ toàn chuyện viển vông. Có lúc, nhà thơ đã tạ tội phận con cướp công cha mẹ: Thày đừng nhớ, mẹ đừng thương Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi. Ông thành người bất đắc chí. Tập thơ Mười hai bến nước (1942) cho thấy nhiều bế tắc, bi phẫn. Giọng thơ không còn mượt mà thư thái thuở 1936-1938 mà gay gắt, ngao ngán. Những ngày mưa Huế, lúc mà Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây, ông cùng người bạn lẻ: Tỉ tê gợi tới niềm tâm sự Cúi mặt soi gương chén rượu đầy Bốn mắt nhuộm chung màu lữ thứ Đôi lòng hoà một vị chua cay Đứa thương cha yếu, thằng thương mẹ Cha mẹ chiều chiều, con nước mây. (Giời mưa ở Huế) Đây chính là một chặng phát triển của thơ Nguyễn Bính, không còn vẻ mơ mộng trong trẻo chân quê, nhưng nỗi dầu dãi nắng sương u uất này, ông diễn tả cũng tài lắm. Giọng thơ tự nhiên mà tình cảm chất chứa rất tài tình, hình ảnh lạ như đựng được cảm giác: Một thân lữ thứ sầu phong toả Đốt ngọn đèn lên bóng rợn tường. (Xuân tha hương) Thi pháp mơ mộng Nguyễn Bính thuở Chân quê, giờ đây hiện thực hóa một cách cay đắng như cái xóm Ngự Viên quý tộc tụt xuống cõi phàm phu, chất thơ sắc và nhanh như phóng sự: Hoa cử bỏ rồi, thôi hết trạng Trời đem hoa cỏ trả vườn tiên Tôn nữ ngồi đan từng chiếc áo Dân thường qua lại lối đi quen Nhà cửa xúm nhau thành một xóm Cay nồng hơi thuốc lẫn hơi men Mụ vợ bắc nam người tứ xứ Anh chồng tay trắng lẫn tay đen Đổi thay tình nghĩ như cơm bữa Khúc Hậu Đình Hoa hát tự nhiên. Nhiều lần nhà thơ đã tuyên bố Giày cỏ gươm cùn ta đi đây. Nghe thì oai, nhưng giày ấy, gươm ấy, đi đâu? Lắng nghe trong giọng thơ tráng sỹ hề ấy có gì như sân khấu hát bội. Nó là hệ quả tất yếu của lãng mạn cõi thơ đụng vào hiện thực cõi đời ở tạng tâm hồn Nguyễn Bính khi ấy. Nguyễn Bính tự biết thế cùng đường của mình: Ta đi nhưng biết về đâu chứ Đã đẩy phong yên lộng bốn trời Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ Uống say mà gọi thế nhân ơi! Tình cảnh thê thảm quá! Cả một cơn say tráng sỹ cũng không che được cái phận ăn mày giữa chợ, thế nhân ơi! Tháng 8/1945, Nguyễn Bính tham gia cách mạng ở Cần Thơ. Thơ ông bắt đầu một thay đổi lớn. Bước đổi thay này vốn không dễ dàng đối với các nhà thơ lãng mạn. Với Nguyễn Bính, kẻ nặng căn mơ mộng phóng túng và đầy bi phẫn ấy, lại càng khó. Sở trường gợi cảm và ước lệ với những bến đò, quán lạnh, dâu xanh, kiếp giang hồ, thân cát bụi, biên ải, kinh kỳ, bình minh nạm vàng... Đã thế lại có tài làm rơi nước mắt thiên hạ. Giờ đây, thơ đánh giặc, động viên, phải tuyên truyền chiến thắng, phải cổ vũ lòng người, tạo niềm tin và lòng phấn khởi. Chín năm kháng chiến chống Pháp ông chỉ có một tập thơ mỏng Đồng Tháp Mười, cho thấy nỗ lực nhưng chưa thấy thành công. Thời kỳ đấu tranh thống nhất, hiện thực đất nước cắt chia với những nỗi lòng chờ đợi, những mối tình son sắt phần nào hợp với tạng cảm xúc Nguyễn Bính. Hơn nữa, là một người tập kết, Nguyễn Bính thấm thía nỗi đau chia cắt chính trên hoàn cảnh gia đình ông. Thơ ông dần khởi sắc: Thương con càng nhớ lời chồng Lấy thân làm bức thành đồng che con. Cảm xúc trữ tình cách mạng, nhưng giọng thơ và cả tình thơ như gặp lại chút hồn xưa. Câu thơ nhuần nhuyễn trở lại: Sao đặc trời cao sáng suốt đêm Sao đêm chung sáng chẳng chia miền Trời còn có bữa sao quên mọc Anh chẳng đêm nào nguôi nhớ em. (Đêm sao sáng) Bài Chiều thu viết năm 1959, lấy lại nhiều tinh hoa của bút pháp Nguyễn Bính trước kia. Thiên nhiên tươi trẻ, tinh khôi Trái na mở mắt nhìn ngơ ngác và Tiếng chim mách lẻo cây hồng chín. Nguyễn Bính nhất có lẽ là: Đường mòn rộn bước chân về chợ Vú sữa đầy căng mặt yếm sồi. Thời ấy, ở nông thôn miền Bắc cũng đã ít người mặc yếm, mà yếm sồi thì càng hiếm. Nhưng tạng cảm xúc của Nguyễn Bính là vậy, ông quen hướng về những nét xưa, nên đã "bắt" các bà nông dân miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa mặc lại yếm sồi. Bài thơ dài Xây nhà máy nói rất ít về nhà máy, cảm xúc thơ hướng về đồng đất quê hương, cái nền để xây nhà máy. Câu thơ khơi gợi nhất là câu thơ tả trăng trên bến đò. Bến đò, trăng vốn là chất liệu quen của Nguyễn Bính tự xa xưa: Bến đò ai quạt thơm ngô nướng Mái mái chèo khua rối bóng trăng. Nguyễn Bính có ý thức mở rộng cảm hứng. Tình yêu quê hương thành tình yêu đất nước nhưng còn nặng nhiều kiến thức sách vở. Lượng cảm xúc chưa cao mà lượng thông tin cũng thấp. Ông hướng về giọng xưa của chính mình: Quê hương tôi có cây bầu cây nhị Tiếng đàn kêu tích tịch tình tang Có cô Tấm náu mình trong quả thị. Phong cách giàu bản năng, phóng túng, tài hoa vốn là một thế mạnh của Nguyễn Bính thời trước, giờ đây, trong khuynh hướng tăng phẩm chất chính trị, chính luận cho thơ, lại thành một trở ngại. So với Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh... thơ Nguyễn Bính phát triển hơi chậm, cảm xúc còn nhiều lúng túng ở bên trong. Tự mình gò mình lại. Tội lắm. Tập Đêm sao sáng (1962) vừa báo hiệu sự chín trở lại thì ông tạ thế. Tạ thế vào một ngày áp tết Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân. Một tài năng thiên bẩm, một cảm hứng dân tộc sâu sắc, một bút pháp hồi cố tài tình, nhà thơ có đông người đọc nhất của nền thơ hiện đại, đột ngột dừng ở tuổi bốn mươi chín là một tổn thất mà càng về sau người ta càng thấm thía kích thước của sự mất mát đó. Cuộc sống càng xuôi về hiện đại, càng hòa hợp vào thế giới rộng lớn, thơ Nguyễn Bính càng được tìm đọc, như một nhu cầu trở về cội nguồn, càng được quý yêu gìn giữ như một di sản tâm hồn của người Việt Nam.

File đính kèm:

  • pdfNguyen Binh nguoi luu giu hon que.pdf
Giáo án liên quan