Sáng kiến kinh nghiệm: Rèn kĩ năng sử dụng sách giáo khoa địa lí cho học sinh trung học phổ thông

Rèn kĩ năng sử dụng sách giáo khoa địa lí cho học sinh là một biện pháp hết sức quan trọng, nếu không nói là quan trọng bậc nhất, để phát triển tính tự giác, tính tích cực độc lập trong học tập địa lí. Kĩ năng làm việc với sách giáo khoa đòi hỏi các em phải biết khai thác tất cả các nguồn cung cấp kiến thức từ kênh chữ đến kênh hình, để tự học, tự rèn luyện nâng cao trình độ kiến thức, kĩ năng, trau dồi thế giới quan khoa học, phẩm chất đạo đức vốn thấm sâu trong nội dung kiến thức khoa học.

Như chúng ta đã biết, sách giáo khoa địa lí là một phương tiện học tập mang tính phức hợp, hoàn chỉnh, nó bao gồm nhiều phương tiện học tập khác đặc trưng cho bộ môn như bản đồ, tranh ảnh, biểu đồ, bảng thống kê. Làm việc với sách giáo khoa địa lí có nghĩa là làm việc với tất cả các phương tiện bộ môn đó kết hợp với kênh chữ, có nghĩa là tập dượt hàng ngày để nắm được phương pháp học tập, nghiên cứu địa lí. Điều này cần thiết cho học sinh không chỉ trong thời gian học tập trong nhà trường, mà cả sau này, khi rời ghế nhà trường ra tham gia công tác, lao động sản xuất. Nó giúp học sinh nâng cao, mở rộng thêm hiểu biết về địa lí, những hiểu biết rất có ích cho đời sống, công tác và hoạt động sản xuất.

 

doc12 trang | Chia sẻ: lephuong6688 | Lượt xem: 497 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sáng kiến kinh nghiệm: Rèn kĩ năng sử dụng sách giáo khoa địa lí cho học sinh trung học phổ thông, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM “RÈN KĨ NĂNG SỬ DỤNG SÁCH GIÁO KHOA ĐỊA LÍ CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG” ĐẶT VẤN ĐỀ Rèn kĩ năng sử dụng sách giáo khoa địa lí cho học sinh là một biện pháp hết sức quan trọng, nếu không nói là quan trọng bậc nhất, để phát triển tính tự giác, tính tích cực độc lập trong học tập địa lí. Kĩ năng làm việc với sách giáo khoa đòi hỏi các em phải biết khai thác tất cả các nguồn cung cấp kiến thức từ kênh chữ đến kênh hình, để tự học, tự rèn luyện nâng cao trình độ kiến thức, kĩ năng, trau dồi thế giới quan khoa học, phẩm chất đạo đức vốn thấm sâu trong nội dung kiến thức khoa học. Như chúng ta đã biết, sách giáo khoa địa lí là một phương tiện học tập mang tính phức hợp, hoàn chỉnh, nó bao gồm nhiều phương tiện học tập khác đặc trưng cho bộ môn như bản đồ, tranh ảnh, biểu đồ, bảng thống kê... Làm việc với sách giáo khoa địa lí có nghĩa là làm việc với tất cả các phương tiện bộ môn đó kết hợp với kênh chữ, có nghĩa là tập dượt hàng ngày để nắm được phương pháp học tập, nghiên cứu địa lí. Điều này cần thiết cho học sinh không chỉ trong thời gian học tập trong nhà trường, mà cả sau này, khi rời ghế nhà trường ra tham gia công tác, lao động sản xuất. Nó giúp học sinh nâng cao, mở rộng thêm hiểu biết về địa lí, những hiểu biết rất có ích cho đời sống, công tác và hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, ý nghĩa quan trọng của việc rèn luyện cho học sinh kĩ năng làm việc với sách giáo khoa chưa được nhận thức rõ ràng trong thực tiễn giảng dạy và học tập địa lí hiện nay ở trường phổ thông. Nhiều giáo viên nghĩ rằng một tiết lên lớp chỉ đủ và có khi không đủ để giảng hết bài, còn thì giờ để cho học sinh làm việc với sách giáo khoa. Có chăng thì cũng chỉ cho các em đọc đoạn này, đoạn nọ trong sách giáo khoa để “thay đổi không khí”, hoặc chỉ định cho học sinh về nhà làm bài tập này, bài tập nọ, nhưng thường là không chú ý đến kiểm tra hoặc kiểm tra qua loa. Còn học sinh thì chỉ tập trung nghe giảng và ghi chép. Sách giáo khoa để trước mặt nhưng ít khi dùng đến, có khi chỉ để trong cặp hoặc thậm chí để ở nhà. Một số các em về nhà có dùng đến, nhưng chỉ để bổ sung cho bài ghi chép tại lớp. Thực tế, sách giáo khoa gần như bị loại khỏi qúa trình dạy và học. Nếu quan niệm hướng dẫn học sinh làm việc với sách giáo khoa chỉ là một việc làm thêm, tách rời phương pháp giảng dạy thì quả thật là một gánh nặng vô bổ, chẳng cần tốn công sức và thì giờ. Nhưng nếu coi nó là một nhiệm vụ quan trọng, một phương pháp dạy học hiệu nghiệm nhằm không chỉ cung cấp kiến thức mới , mà còn nhằm phát triển tính tích cực, tự giác, độc lập của các em trong học tập thì nó không còn là gánh nặng nữa, mà lại có tác dụng làm công viêc giảng dạy của giáo viên ngày càng đỡ vất vả và có hiệu quả hơn. Thật vậy, khi học sinh đã quen và biết cách làm việc với sách giáo khoa thì khi trên lớp, giáo viên chỉ cần giúp đỡ học sinh đi sâu phân tích một số điểm mấu chốt, còn lại các em làm việc với sách giáo khoa ngay trên lớp hoặc ở nhà với sự chỉ dẫn, định hướng của giáo viên. NỘI DUNG 1. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu sơ lược cấu tạo nội dung của sách giáo khoa. Giáo viên có thể sử dụng hệ thống câu hỏi được chuẩn bị trước, có thể là như sau: - Ngoài bài mở đầu, sách giáo khoa có bao nhiêu chương ? - Những chương đó có tên là gì? - Sau các chương còn có những phần nào khác (phần phụ lục, bảng mục lục). - Các phần này có công dụng gì? - Mỗi chương chia làm nhiều phần nhỏ, những phần đó có tên là gì? - Mỗi bài thường có phần kênh chữ và kênh hình. Phần chữ gồm những bộ phận nào? (bài đọc chính, bài đọc thêm, các câu hỏi, bài tập và bài thực hành) - Phần hình bao gồm những gì? (hình vẽ, tranh ảnh, bản đồ, biểu đồ, lát cắt địa hình). Có thể là học sinh không trả lời được tất cả các câu hỏi ngay ở lớp, giáo viên sẽ cho các em trả lời tiếp ở nhà, ghi vào vở bài tập. Giáo viên cần kiểm tra công việc làm của học sinh vào đầu tiết học sau. Thời điểm thuận lợi nhất để tiến hành công việc trên đây là vào giờ học địa lí đầu tiên của mỗi lớp. Sau khi giới thiệu nội dung, phương pháp và ý nghĩa của việc học tập địa lí, việc chuyển sang cho học sinh làm quen với sách giáo khoa, một phương tiện dạy học hết sức quan trọng, là một điều kiện tự nhiên và hợp lí. Cần cho học sinh nhận thức rõ tất cả những kiến thức cơ bản về địa lí mà các em phải học trong cả năm học đều chứa đựng trong sách giáo khoa, các em sẽ phải thường xuyên làm việc với sách giáo khoa, trên lớp cũng như ở nhà, để tự tìm ra những kiến thức mới, tự rèn luyện các kĩ năng địa lí và vận dụng kiến thức, nói tóm lại là để rèn luyện về mọi mặt. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn giúp đỡ. 2. Hướng dẫn học sinh làm việc với các bài đọc chính. Bài đọc chính hợp với các phần phụ trợ thuộc kênh chữ (bài đọc thêm, bảng thống kê, hệ thống câu hỏi, bài tập thực hành), cũng như phần kênh hình (các hình vẽ, bản đồ, biểu đồ, lát cắt địa hình, tranh ảnh) thành bài học hoàn chỉnh. Làm việc với bài đọc chính có nghĩa là làm việc với cả phần chữ lẫn phần hình của bài học hoàn chỉnh. Giáo viên chỉ cho học sinh biết muốn làm việc với bài đọc chính có kết quả thì phải làm gì, làm như thế nào? Có thể theo quy trình như sau: - Trước hết, đọc tên bài và lướt xem có những tiểu mục gì? - Tìm hiểu cho rõ nghĩa những từ hoặc thuật ngữ khó, những câu chưa hiểu, nếu cần thì tra cứu bảng từ vựng ở phần phụ lục của sách (nếu có) hoặc từ điển hoặc sự giúp đỡ của giáo viên. - Đọc to, cố gắng phát âm đúng các địa danh có trong bài vài lần cho quen, xác định vị trí các đối tượng ứng trên bản đồ trong sách giáo khoa và cả trong Atlát (nếu có), gắn chúng với những đối tượng đã biết để nhớ được vị trí của chúng trên bản đồ. - Nếu gặp những số liệu trong bài thì cần hình dung ra và nắm được cách đối chiếu, so sánh với những số liệu về cùng loại đối tượng mà mình đã biết. - Nếu trong bài có kèm theo hình vẽ, bản đồ, biểu đồ... thì cần nghiên cứu, phân tích để hiểu rõ và lĩnh hội được sâu sắc các khái niệm được trình bày bằng kênh chữ trong bài. - Khi gặp câu hỏi xen kẽ trong bài, cần dừng lại suy nghĩ tìm câu trả lời hoặc làm theo gợi ý, như vậy sẽ hiểu được thấu đáo và nắm chắc khái niệm về kiến thức mới. - Sau khi đã hiểu và nắm được nội dung bài, trình bày lại những điều đã tiếp thu được và rút ra những khái niệm chính, những kiến thức cơ bản nhất và những tư tưởng quan trọng (nếu có) cần được ghi nhớ. Những điểm chính đó được ghi ngắn gọn vào sổ tay địa lí sẽ giúp cho việc ôn tập, hệ thống hoá kiến thức được dễ dàng, thuận lợi sau mỗi chương và sau cả một giáo trình của một năm học, từ đó có thể rút ra những kết luận khái quát có tính quy luật, mang nội dung thế giới quan và nhân sinh quan. Việc tổng kết theo hướng như vậy sau mỗi giáo trình có tác dụng nâng cao trình độ về kiến thức và tư tưởng của học sinh. Chẳng hạn, sau khi kết thúc phần “Địa lí tự nhiên” giáo trình ĐỊA LÍ 10 với sự hướng dẫn, chỉ đạo của giáo viên, sẽ tiến hành tổng kết hệ thống hoá kiến thức và khái quát rút ra mấy kết luận: + Tự nhiên luôn vận động và phát triển: Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời và quay xung quanh trục của nó, hiện tượng nâng lên và hạ xuống của vỏ Trái Đất vẫn đang tiếp diễn, nội lực và ngoại lực luôn làm thay đổi địa hình, các dòng sông không ngừng bị xâm thực, bào mòn ở nơi này, bồi tụ ở nơi khác... + Mối liên hệ giữa các hiện tượng tự nhiên là phổ biến: sự hình thành các mỏ khoáng sản có liên quan đến quá trình phun trào mắcma và quá trình lắng tụ vật chất; sự chuyển động của Trái Đất xung quanh Mặt Trời sinh ra hiện tượng bốn mùa; sự di chuyển của các khối khí làm thay đổi thời tiết ở những nơi chúng đi qua. + Tự nhiên là cơ sở thường trực của đời sống và sản xuất của con người: khoáng sản làm nguồn nguyên liệu trong công nghiệp; đất đai để trồng trọt, chăn nuôi; sông ngòi, biển cả cung cấp các loài thuỷ sản, làm đường giao thông... Con người càng biết khai thác sử dụng tự nhiên có hiệu quả hơn, biết bảo vệ và cải tạo tự nhiên để nuôi dưỡng nguồn sống của chính mình. Đó là quan hệ hai chiều giữa người và tự nhiên, trong đó vai trò của con người là quyết định. + Bảo vệ tự nhiên, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ hết sức quan trọng của mỗi người... - Cuối cùng, để kiểm tra xem mức độ nắm vững tài liệu đến đâu, hãy trả lời câu hỏi ôn tập, củng cố kiến thức và làm các bài tập, thực hành ở cuối mỗi bài. 3. Sử dụng bài đọc thêm như thế nào? Bài đọc thêm chỉ có tính chất hỗ trợ cho bài đọc chính nên không đòi hỏi học sinh mất nhiều thì giờ, tuy nhiên cũng không vì thế mà bỏ hẳn không đọc. Nếu bài học thêm chỉ cung cấp biểu tượng giúp cho việc hình thành khái niệm địa lí tương ứng trong bài đọc chính thì nên kết hợp đọc cùng với bài đọc chính để làm cơ sở cho việc hình thành khái niệm đó. Chẳng hạn, trong sách giáo khoa ĐỊA LÍ 10 MỤC III CỦA BÀI 38 - phần tư liệu tham khảo giới thiệu về kênh đào Xuyê, kênh đào Panama - học sinh có thể có được biểu tượng làm cơ sở cần thiết cho việc hình thành khái niệm về kênh đào và phục vụ đắc lực cho việc hoàn thành bài thực hành. Trong trường hợp bài đọc thêm nhằm bổ sung, mở rộng thêm kiến thức trong bài đọc chính thì chỉ cần đọc qua một lượt. Tuy nhiên, nếu nhận thấy có những điểm quan trọng cần nhớ thì ghi vào sổ tay địa lí, ngay dưới phần ghi tóm tắt của bài đọc chính... 4. Sử dụng các số liệu và bảng thống kê như thế nào? Số liệu và bảng thống kê có vai trò to lớn đối với địa lí, nhất là địa lí kinh tế -xã hội. Chúng giúp cho việc hiểu một cách cụ thể, chính xác về mặt số lượng mỗi vùng, mỗi nước. Không thể hình dung ra được một nước nếu không biết kích thước, số dân, mật độ dân số, cơ cấu kinh tế, sản lượng các ngành kinh tế... của nước đó. Tuy nhiên, những số liệu trên đây chỉ trở thành thật cụ thể, trở thành có ý nghĩa nếu so sánh với số liệu tương ứng về các nước khác. Ví dụ: Học địa lí LIÊN BANG NGA, chúng ta gặp các số liệu về diện tích (17,1 triệu km2), dân số (143 triệu người năm 2005), thu nhập bình quân đầu người (4042 USD năm 2004). Các số liệu ấy tự chúng không có ý nghĩa gì đối với học sinh, không mang lại cho các em một khái niệm rõ ràng về nước Nga. Nhưng nếu so sánh với diện tích các châu lục đã học ở lớp 7, như châu Âu (10 triệu km2), châu Nam Cực (14 triệu km2) hoặc châu Đại Dương (9 triệu km2), thì học sinh sẽ hình dung được ngay kích thước lãnh thổ nước Nga. So sánh với dân số châu Âu (728,7 triệu người) hoặc dân số nước ta (83,4 triệu người) sẽ thấy ngay Nga thuộc loại nước có dân số đông trên thế giới. Tiếp tục so sánh thu nhập bình quân theo đầu người (4042 USD) với một số nước khác như: Hoa Kì (39739USD), Nhật Bản (36234 USD), Việt Nam (553USD), CHND Trung Hoa (1269 USD)... ta sẽ có một khái niệm rõ ràng, cụ thể hơn về mức sống của người Nga sau sự tan rã của Liên Xô (trước đây). Để làm việc và rèn kĩ năng làm việc với bảng thống kê, giáo viên nên chỉ dẫn cho học sinh làm việc cụ thể với nhiều bảng khác nhau, trên cơ sở đó rút ra một số quy tắc như sau: - Đọc kĩ nhan đề của bảng số liệu thống kê xem nội dung nói cái gì và nhằm mục đích gì? - Đọc nhan đề các hàng ngang và cột dọc, tìm hiểu kĩ những từ hoặc thuật ngữ chưa hiểu rõ. - Xem các số liệu trong bảng được biểu hiện bằng những đơn vị nào, thống kê vào thời gian nào. Đọc kĩ các số liệu theo hàng ngang và cột dọc. - Phân tích, đối chiếu so sánh các số liệu và rút ra những nhận xét, kết luận cần thiết. Lấy ví dụ cụ thể về bảng số liệu thống kê trong sách giáo khoa Địa lí 11. Bảng 1.2: Cơ cấu GDP phân theo khu vực kinh tế của các nhóm nước năm 2004 (%) (SGK trang 7). Nhóm nước Cơ cấu GDP phân theo khu vực kinh tế Khu vực I Khu vực II Khu vực III Phát triển 2,0 27,0 71,0 Đang phát triển 25,0 32,0 43,0 Giáo viên dùng phương pháp đàm thoại hướng dẫn học sinh đọc bảng thống kê bằng các câu hỏi sau: + Hãy đọc nhan đề của bảng xem nội dung đề cập đến vấn đề gì? (phần đóng góp của các ngành kinh tế trong tổng sản phẩm trong nước của các nhóm nước và qua đó thấy rõ trình độ phát triển kinh tế của các nhóm nước). + Hiểu như thế nào là tổng sản phẩm trong nước, thế nào là dịch vụ? + Có bao nhiêu hàng ngang? Nhan đề của dòng đó? + Bảng có bao nhiêu cột dọc? Các cột đó có tên là gì? + Các số liệu trong bảng được thống kê vào thời gian nào? + Các số liệu được biểu thị theo đơn vị nào? + Để tìm hiểu phần đóng góp của các khu vực kinh tế trong tổng sản phẩm trong nước của mỗi khu vực, ta phải đọc theo cột dọc hay hàng ngang? (hàng ngang) + Dựa vào bảng, cho biết phần đóng góp của các khu vực kinh tế (cơ cấu GDP-trong tổng sản phẩm trong nước) trong tổng sản phẩm trong nước của các nhóm nước ghi trong bảng. + Ngành (khu vực kinh tế) nào chiếm tỉ trọng nhỏ nhất trong cơ cấu GDP của các nhóm nước? Khu vực nào chiếm tỉ trọng cao nhất? + Từ sự phân tích trên đây, có thể rút ra nhận xét về đặc điểm chung của nền kinh tế các nước phát triển, các nước đang phát triển. Đặc điểm đó là gì? (Nước phát triển: khu vực I chiếm tỉ trọng rất nhỏ 2%; khu vực III chiếm tỉ trọng rất lớn 71,0%. Nước đang phát triển...). + Tỉ trọng khu vực II trong cơ cấu GDP của các nhóm nước không lớn bằng tỉ trọng khu vực III, như vậy phải chăng là vai trò công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân kém quan trọng? (Không phải như vậy, khu vực II vẫn giữ vai trò quyết định. nhờ máy móc thiết bị tinh sảo, công nghệ cao, sản lượng ngày càng lớn, thiết bị máy móc trang bị cho các ngành kinh tế kể cả khu vực dịch vụ có chất lượng ngày càng tốt, đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế ngày càng cao. Phải chăng, một phần quan trọng của khu vực III phục vụ trực tiếp cho khu vực II như: tài chính, ngân hàng, tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ đào tạo công nhân, kĩ sư, phân phối, vận chuyển sản phẩm, bảo hành, sửa chữa...) + Muốn so sánh tỉ trọng của mỗi khu vực kinh tế trong cơ cấu GDP của các nhóm nước liệt kê trong bảng, phải đọc theo cột dọc hay theo hàng ngang? (theo cột dọc). Đọc lần lượt các cột 2, 3, 4 đối chiếu với cột 1, so sánh giữa nhóm nước phát triển với nhóm nước đang phát triển về tỉ trọng các khu vực I, II, III trong cơ cấu GDP. Có nhận xét gì? (Nhóm nước phát triển: tỉ trọng khu vực I rất nhỏ, khu vực II thấp và tỉ trọng khu vực III cao nhất). Có thể rút ra kết luận gì? (Nhóm nước phát triển: có nền kinh tế phát triển đang bước sang giai đoạn phát triển nền kinh tế tri thức). Nói tóm lại, việc phân tích bảng số liệu thống kê cho phép rút ra kết luận về đạc điểm kinh tế - xã hội của các nhóm nước phát triển là tỉ trọng khu vực I trong cơ cấu GDP rất nhỏ, tỉ trọng khu vực II giảm dần, nhường chỗ cho khu vực II. Điều cần lưu ý là kĩ năng làm việc với bảng số liệu thống kê (và các số liệu riêng lẻ) phát triển song song với quá trình phát triển kiến thức địa lí làm cơ sở cho việc phân tích, rút ra nhận xét, kết luận ngày càng đúng đắn chính xác hơn. Vì thế cần bắt đầu bằng những thống kê đơn giản rồi chuyển dần sang những phức tạp hơn trên cơ sở trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết. 5. Sử dụng biểu đồ trong sách giáo khoa địa lí. Trong sách giáo khoa địa lí hiện nay sử dụng nhiều loại biểu đồ khác nhau (đặc biệt sách giáo khoa Địa lí 12): hình cột (đứng, ngang, chồng), hình tròn, đường, miền ... Mỗi loại biểu đồ có nhiều chức năng thể hiện đối tượng, nhưng do đặc tính riêng của mình nên mỗi loại biểu đồ có khả năng tốt hơn thể hiện một đặc điểm nào đó của đối tượng. Ví dụ, biểu đồ đường thể hiện rõ quá trình vận động, phát triển của sự vật; biểu đồ hình tròn có ưu thế về thể hiện các đặc điểm cấu trúc; biểu đồ hình cột có nhiều lợi thế trong biểu hiện số lượng... Việc sử dụng biểu đồ trong dạy học địa lí có thể được diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau, như: phân tích biểu đồ, rút ra các nhận xét cần thiết; so sánh các biểu đồ cùng loại với nhau, rút ra các nhận xét; từ biểu đồ chuyển thành bảng số liệu thống kê vẽ biểu đồ và rút ra nhận xét... Phương pháp sử dụng biểu đồ: - Qua một số ví dụ cụ thể, làm cho học sinh nắm vững khái niệm về biểu đồ và công dụng của nó trong học tập Địa lí, cũng như trong cuộc sống hàng ngày. - Qua một số ví dụ cụ thể, làm cho học sinh nắm vững quy tắc chung của việc đọc và phân tích biểu đồ. - Đọc ghi chú xem biểu đồ thể hiện cái gì, đại lượng thể hiện, lãnh thổ hoặc địa điểm biểu hiện, thời gian biểu hiện... - Xem biểu đồ có dạng gì, trị số của các đại lượng được tính bằng gì, đơn vị khoảng cách trên biểu đồ... - Tiến hành các phép tính, so sánh, đối chiếu... - Dựa vào các đơn vị đo đã được ghi trên biểu đồ để tiến hành đo tính các đại lượng; đối chiếu, so sánh chúng với nhau; rút ra những nhận xét kết luận cần thiết... Ví dụ: Trong bài 26: CƠ CẤU NGÀNH CÔNG NGHIỆP (sách giáo khoa địa lí 12), khi giảng mục “1. Cơ cấu công nghiệp theo ngành”, giáo viên hướng dẫn học sinh khai thác hình 26.1: Quan sát biểu đồ, hãy nhận xét về sự chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo ngành của nước ta? Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc qua những câu hỏi như sau: + Đọc tên của biểu đồ xem biểu đồ thể hiện hiện tượng gì? (Cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp theo giá trị thực tế phân theo 3 nhóm ngành) + Quan sát toàn bộ biểu đồ để biết các đại lượng thể hiện trên biểu đồ là gì? (công nghiệp chế biến; công nghiệp khai thác; công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước) trên lãnh thổ nào? (nước ta) vào thời gian nào? (năm 1996 và 2005) Các đại lượng đó được thể hiện trên biểu đồ như thế nào? (theo hình quạt) Trị số của các đại lượng đó được tính bằng gì? (%) + Đối chiếu, so sánh độ lớn của các hợp phần? (công nghiệp chế biến luôn chiếm tỉ trọng cao 79,9% - 1996 và 83,2% - 2005; công nghiệp sản xuất , phân phối điện, khí đốt, nước luôn chiếm tỉ trọng nhỏ nhất 6,2% - 1996 và 5,6% - 2005) + Cơ cấu công nghiệp có sự chuyển dich theo hướng nào? (tăng tỉ trọng công nghiệp chế biến từ 79,2% lên 83,2%; giảm tỉ trọng ở hai nhóm ngành còn lại...) 6. Sử dụng tranh ảnh trong sách giáo khoa địa lí. Học địa lí không thể không nói đến nơi này, nơi kia, thành phố này, thành phố nọ, ngành sản xuất này, ngành sản xuất khác..., học sinh lại không có điều kiện tiếp xúc, nhìn tận mắt những cái đó. Tranh ảnh là một trong những phương tiện quan trọng giúp các em hình thành những biểu tượng và khái niệm địa lí cụ thể làm cơ sở cho việc lĩnh hội sâu sắc các kiến thức địa lí, cũng như để hình thành những ra được những đối tượng địa lí biểu hiện trên bản đồ. Tranh ảnh trong sách giáo khoa được lựa chọn để phục vụ sát nội dung của mỗi bài. Tiếc rằng do chất lượng giấy, điều kiện ấn loát và những điều kiện khác, số lượng tranh ảnh trong sách giáo khoa còn ít và phần lớn không rõ. Tuy nhiên cũng có một số tương đối rõ, đặc biệt trong sách giáo khoa mới lớp 10, 11, 12, có thể và cần sử dụng để tiếp thụ bài học, tài liệu mới tốt hơn. Có thể hướng dẫn học sinh sử dụng tranh ảnh bằng phương pháp đàm thoại theo quy trình sau đây: - Cho học sinh đọc tiêu đề của bức tranh và nhìn bao quát bức tranh, xác định xem đối tượng được biểu hiện nằm ở miền nào? Trên lãnh thổ nào? - Xác định vị trí của đối tượng trên bản đồ. - Hướng dẫn học sinh quan sát chi tiết nội dung bức tranh bằng những câu hỏi gợi ý, tập trung vào những nét đặc trưng nhất của đối tượng địa lí được biểu hiện trong tranh. - Đối chiếu với các bài đọc chính trong sách giáo khoa để bổ sung thêm những chi tiết của đối tượng trong trường hợp bức tranh chưa được nêu rõ. Tìm cách cắt nghĩa các đặc trưng của đối tượng. - Cuối cùng, hướng dẫn học sinh tổng kết, tóm tắt nội dung tranh và khắc sâu biểu tượng địa lí. Ví dụ: Trong bài 11: KHU VỰC ĐÔNG NAM Á - Tiết 1 (sách giáo khoa địa lí 11), khi đánh giá điều kiện tự nhiên của Đông Nam Á, giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng bức tranh trong bài qua những câu hỏi như sau: + Trong mục I.3 có bức tranh minh hoạ chi tiết bài học. Bức tranh đó có nhan đề là gì? (Hình 11.3: Sóng thần đổ bộ vào bờ biển Inđônêxia). + Tìm hiểu trên hình 11.1 xem Inđônêxia nằm ở vị trí nào? Vùng này có đặc điểm gì nổi bật về tự nhiên? (Nằm trong khu vực Đông Nam Á có vị trí kề sát “vành đai lửa Thái Bình Dương” lại là nơi hoạt động của các áp thấp nhiệt đới nên chịu ảnh hưởng nặng nề của các thiên tai như động đất, sóng thần , bão, lũ lụt...) + Các em hãy quan sát kĩ bức tranh: cột sóng cao hay thấp? (rất cao) Người dân thế nào? (hoảng loạn); sóng đổ bộ vào bờ với tốc độ như thế nào? (rất nhanh)... + Tổng kết lại những điều quan sát trên bức tranh, em có được biểu tượng gì rõ nét nhất? ( khu vực Đông Nam Á có khó khăn do điều kiện tự nhiên gây ra: sóng thần gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và sản xuất của nhân dân Đông Nam Á nói chung và Inđônêxia nói riêng) KẾT LUẬN KIẾN NGHỊ Kĩ năng làm việc với sách giáo khoa là một trong những kĩ năng địa lí hết sức quan trọng. Quá trình rèn luyện tiếp thụ được chúng cũng là quá trình chiếm lĩnh kiến thức mới, đồng thời phát triển cao các thao tác tư duy, năng lực nhận thức, tính tích cực chủ động, độc lập trong học sinh. Nói cải tiến, đổi mới phương pháp theo hướng lấy học sinh là trung tâm sẽ chỉ la nói xuông nếu không tập trung rèn luyện cho các em kĩ năng làm việc với sách giáo khoa và các kĩ năng khác. Trong thực tiễn giảng dạy địa lí hiện nay, việc rèn kĩ năng địa lí thường được tách rời khỏi phương pháp truyền thụ kiến thức. Tâm lí của nhiều giáo viên khi lên lớp chỉ lo không đủ thì giờ làm cho học sinh nắm được nội dung bài học, vì thế có xu hướng dùng lời để thuyết trình là chính, còn việc rèn luyện kĩ năng chủ yếu là kĩ năng bản đồ chỉ là phụ. Như vậy việc lĩnh hội kiến thức mới vẫn mang tính thụ động. Trải qua quá trình giảng dạy, tôi nhận thấy rằng: + Thực chất của việc cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học sinh là trung tâm là các em phải chủ động khai thác lĩnh hội kiến thức mới trên cơ sở rèn luyện kĩ năng dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của giáo viên. Kiến thức mới đến với học sinh chủ yếu là thông qua hoạt động nhận thức của bản thân các em chứ không phải thông qua lời nói của giáo viên. + Tổ chức cho học sinh đọc một đoạn nào đó trong sách giáo khoa, tìm và xác định các địa danh trên bản đồ hoặc phân tích một biểu đồ, một bảng số liệu thống kê, một hình ảnh... trong sách giáo khoa giúp các em từ đó khai thác kiến thức mới. Đó chẳng phải là một phương pháp dạy của giáo viên và phương pháp học của học sinh hay sao? Và đây chính là phương pháp có hiệu qủa nhất. + Để đạt được hiệu quả trong phương pháp này mỗi giáo viên địa lí chúng ta nên hình thành cho học sinh của mình kĩ năng làm việc với sách giáo khoa và các kĩ năng địa lí quan trọng khác. Vì thời gian hạn hẹp và ý tưởng cá nhân nên đề tài không tránh khỏi những hạn chế thiếu sót. Kính mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các thầy cô giáo, bạn bè đồng nghiệp và những người quan tâm đến nội dung đề tài này. Xin chân thành cảm ơn!

File đính kèm:

  • docSKKN 2009.doc