Thomas Edison (1847 - 1931) nhà phát minh số một của Hoa Kỳ và thế giới

Vào khoảng tháng 12 năm 1837, Đại Úy William L. Mackenzie và các đồng chí trong đó có ông Samuel Edison, đã tổ chức một cuộc cách mạng, định đánh chiếm thành phố Toronto thuộc Gia Nã Đại nhưng mưu sự không thành. Để tránh sự lùng bắt, ông Samuel Edison phải trốn sang Michigan, Hoa Kỳ, rồi lưu lại Detroit vì thời bấy giờ, chính phủ Gia Nã Đại dự định lưu đầy các phạm nhân chính trị sang Tasmania, châu Úc.

doc15 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1523 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thomas Edison (1847 - 1931) nhà phát minh số một của Hoa Kỳ và thế giới, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Thomas Edison (1847 - 1931) nhà phát minh số một của Hoa Kỳ và thế giới Máy hát Máy chiếu bóng Công ty bóng đèn Edison   1/ Thời thơ ấu. Vào khoảng tháng 12 năm 1837, Đại Úy William L. Mackenzie và các đồng chí trong đó có ông Samuel Edison, đã tổ chức một cuộc cách mạng, định đánh chiếm thành phố Toronto thuộc Gia Nã Đại nhưng mưu sự không thành. Để tránh sự lùng bắt, ông Samuel Edison phải trốn sang Michigan, Hoa Kỳ, rồi lưu lại Detroit vì thời bấy giờ, chính phủ Gia Nã Đại dự định lưu đầy các phạm nhân chính trị sang Tasmania, châu Úc. Sau khi mang được gia đình gồm vợ và hai con sang Hoa Kỳ vào đầu năm 1839, ông Samuel Edison dời nhà tới Milan, thuộc tiểu bang Ohio. Milan là một thị trấn nhỏ bên giòng sông Huron, cách hồ Erie vài dặm đường. Tại Milan, công việc buôn bán khá sầm uất. Từ nơi đây người dân chở đi nào ngũ cốc, rau trái, nào củi gỗ và các nông sản khác. Ông Samuel Edison dựng nên tại nơi đây một xưởng cưa và công việc làm ăn khá phát đạt. Chính tại nơi cư ngụ mới này, gia đình Edison đã có thêm một đứa trẻ vào ngày 11/2/1847. Ông Samuel đặt tên cho đứa bé là Thomas Alva Edison để ghi nhớ Đại Úy Alva Bradley đã có công giúp đỡ gia đình Samuel sang Hoa Kỳ. Alva hay Al, tên gọi tắt, là một đứa trẻ có cái đầu to khác thường khiến cho bác sĩ bảo cậu sẽ bị đau óc nhưng điều tiên đoán này đã trở thành sai lầm và thực ra, chính bộ óc của Al sau này đã làm tiến triển ngành Kỹ Thuật của Nhân Loại. Càng lớn, Al càng tỏ ra hiếu kỳ. Cậu thường đặt các câu hỏi “tại sao, thế nào... “ và các câu thắc mắc không bao giờ hết của cậu đã khiến cho những người chung quanh đành phải trả lời “không biết”. Khi lên 5 tuổi, Al thường lang thang bên bờ sông mà coi người lớn làm việc. Tại nơi này, cậu được nghe nhiều bài hát và đã thuộc lòng rất nhanh các câu ca bình dân, điều này chứng tỏ Al có một trí nhớ rất tốt và nhờ trí nhớ này mà về sau, cậu thu thập được nhiều kiến thức sâu rộng. Vào năm 1850, đường xe lửa được đặt tại nhiều nơi trên đất Hoa Kỳ. Tại Milan, các bô lão từ chối không cho phép đường sắt đi qua làng mình vì e ngại công việc làm trên sông bị tê liệt. Vì thế đường xe lửa chỉ được thiết lập tại phía bắc tiểu bang Ohio và cũng do vậy, thị trấn Milan trở nên kém sầm uất. Ông Samuel đành phải đóng xưởng cưa và dọn nhà qua Port Huron, thuộc tiểu bang Michigan vào năm 1854. Tại Port Huron, ông Samuel buôn bán ngũ cốc, củi gỗ và cũng trồng rau và trái cây. Năm lên 8 tuổi, Al từng giúp cha, chất rau trái lên một chiếc xe ngựa và đi bán hàng từng nhà trong thị xã. Al cũng được cha mẹ cho đi học tại một ngôi trường độc nhất. Trường chỉ có một lớp với khoảng 40 học sinh, lớn có, nhỏ có, học một ông giáo theo các trình độ khác nhau. Trong phòng học những chỗ ngồi gần ông thầy chỉ để dành cho các trẻ em ngu đần. Tại lớp học, Al đặt rất nhiều câu hỏi hắc búa mà lại không chịu trả lời các câu hỏi của thầy. Al thường đội sổ, khiến cho các bạn cậu chế riễu cậu là đần độn. Một hôm, nhân có viên thành tra vào thăm lớp học, thầy giáo đã chỉ vào Al và nói : “trò này điên khùng, không đáng ngồi học lâu hơn”. Al rất căm hận về hai chữ “điên khùng” và đem câu chuyện này kể lại với mẹ. Bà Nancy khi nghe kể xong, liền nổi giận, bà dẫn ngay Al đến trường và bảo ông giáo : “ông bảo con tôi điên khùng hả? Tôi nói thật cho ông rõ, trí óc của nó còn hơn ông đấy. Tôi sẽ giữ nó tại nhà và dạy lấy, vì tôi đã là giáo viên, để ông thấy rằng sau này nó sẽ ra sao!”. Từ đó, Alva không đến trường nữa mà học với mẹ tại nhà trong suốt 6 năm trường. Nhờ mẹ, Al học dần các môn Lịch Sử của Hy Lạp, La Mã và Sử Thế Giới. Al cũng được làm quen với Thánh Kinh, với các tác phẩm của Shakespeare và của các văn sĩ, thi sĩ, sử gia danh tiếng khác. Nhưng đặc biệt nhất, Al ưa thích Khoa Học. Cậu có thể kể lại rành mạch các phát minh, các thí nghiệm và tiểu sử của các đại bác học như Newton, Galileo. . . Chỉ trong vòng 6 năm, bà Nancy đã truyền lại cho con tất cả kiến thức của mình, từ môn Địa Dư với những tên núi sông, tới môn Toán Học chính xác. Bà Nancy không những dạy con về học vấn mà còn huấn luyện Al về hạnh kiểm. Al được mẹ nhắc nhở các đức tính thật thà, ngay thẳng, tự tin và cần cù, cộng với lòng ái quốc và tình yêu nhân loại. Al học hành tiến bộ rất nhanh chóng khiến cho cha rất hài lòng. Ông Samuel thường cho con các món tiền nhỏ đủ mua dần từng cuốn sách hữu ích, nhờ thế Al đã say sưa với các tác phẩm như Ivanho của Scott, Robinson Crusoe của Defoe và Oliver Twist của Dickens. Nhưng tác giả mà Al ưa thích nhất là Victor Hugo và cậu thường kể lại cho các bạn nghe các câu chuyên đã đọc qua. Năm 10 tuổi, Al được cha cho cuốn sách toát yếu về Khoa Học của soạn giả Parker (School Compendium of Natural and Experimental Philosophy by Richard Green Paker). Trong cuốn sách toát yếu này, Paker đã giảng giải về máy hơi nước, máy điện báo, cột thu lôi, pin Volta. . . Cuốn sách đã trả lời Al rất nhiều điều mà từ trước, Al vẫn thường thắc mắc. Cuốn sách này đã dẫn đường cho Al tới phạm vi rộng lớn của Khoa Học và khiến cho cậu yêu thích môn Hóa Học. 2/ Thời kỳ thực tập. Năm 12 tuổi, Al nói với cha mẹ : “Thưa cha mẹ, con hiện nay cần nhiều tiền, cha mẹ cho phép con đi xin việc làm”. Hai ông bà Edison đã ngăn cản con vì lo sợ Al sẽ gặp phải các rủi ro, hơn nữa công việc kiếm ăn sẽ làm trở ngại sự học nhưng Al đã quyết định rồi, cậu nằng nặc đòi cha mẹ cho phép thử tự lập và hứa rằng sẽ hết sức thận trọng. Thời bấy giờ, công ty xe lửa Grand Trunk thiết lập một ga nhỏ tại Port Huron. Al xin được phép bán báo, tạp chí, sách vở, trái cây và bánh kẹo trên xe lửa chạy quãng đường Port Huron và Detroit dài 101 cây số. Từ đó cậu bé 12 tuổi này mỗi tháng thức dậy lúc 6 giờ để đáp chuyến xe lửa 7 giờ và tới Detroit lúc 10 giờ. Thông thường tới Detroit, Al vội vã đến thư viện và nghiền ngẫm trong nhiều giờ các cuốn sách mà cậu không thể tìm thấy tại nơi mình cư ngụ. Al tập dần cách đọc nhanh và cậu quyết định bắt đầu đọc các sách của các tác giả từ vần A cho tới hết 16,000 cuốn của thư viện. Tới 6 giờ chiều, Al lại ra xe và trở về Port Huron lúc 9 giờ 30 tối. Ít khi Al đi ngủ trước 11 giờ đêm vì cậu còn phải làm các thí nghiệm hóa học trong hơn một giờ đồng hồ. Trong thời gian bán báo và kẹo bánh trên xe lửa, Al làm quen được nhiều người gồm các chuyên viên điện báo, các công nhân và nhân viên nhà ga. Cậu được các người này giúp đỡ trong nhiều trường hợp khó khăn. Vào năm 1861, cuộc Nội Chiến Nam Bắc Mỹ bùng nổ. Các trận đánh càng ác liệt thì số báo lại càng bán chạy. Al bèn nghĩ tới việc bán báo tại tất cả các nhà ga phụ. Vào ngày 01 tháng 4 năm 1862, tờ báo Free Press loan tin trận đánh quyết định tại Shiloh trong tiểu bang Tennessee. Al liền chạy vội tới tòa báo Free Press là tờ báo lớn nhất tại Detroit và hỏi mua 1,000 tờ trả tiền sau, rồi Al và hai người bạn vác báo lên tầu. Tại các ga đầu, số báo bán được còn ít ỏi nhưng càng đi xa hơn, số người hỏi mua báo càng gia tăng khiến cho Al nghĩ cả đến việc tăng giá báo từ 5 xu tới 10 xu, rồi sau cùng bán tới 25 xu một tờ. Nội trong ngày hôm đó, Al đã bán hết 1,000 tờ báo trước khi tới Port Huron và thu được hơn 100 đô la, một số tiền lớn nhất mà cậu kiếm được từ trước tới nay. 3/ Ông chủ báo nhỏ tuổi và điện tín viên. Một sáng kiến khác lại nẩy ra trong đầu óc của cậu bé đầy nghị lực này : Al định ra báo. Cậu liền mua một máy in quay tay và cậu thiết lập thêm trong toa hành lý “một cơ sở báo chí” nữa. Al đã cho ra đời tờ tuần báo khổ nhỏ có tên là “The Weekly Herald” (Diễn Đàn Hàng Tuần). Viên chủ nhiệm nhỏ tuổi này nhận thấy không thể cạnh tranh với các báo chí tại Detroit về các tin tức chiến sự nên quyết định chỉ phổ biến mọi tin xẩy ra trong vùng dọc theo hai bên con đường sắt. Cậu thu lượm tin tức nhờ các chuyên viên điện báo địa phương. Al vừa là chủ nhiệm, quản lý, vừa là ký giả, thợ in và người bán báo. Từ đó tuần báo The Weekly Herald 2 trang, được in mỗi mặt 3 cột. Ngoài các tin tức địa phương, Al còn cho phổ biến các tin về hiếu hỉ, các tai nạn, hỏa hoạn. . . Báo của Al bán được khá chạy. Ngay ở số đầu tiên đã tiêu thụ được chừng 400 tờ trong một tháng. Al còn nhận cả việc quảng cáo trên báo nữa. Tuần báo The Weekly Herald đã có lần được bán cho nhà phát minh người Anh là ông Stephenson khi viên kỹ sư này một hôm đi trên chuyến xe lửa qua miền Port Huron. Ông Stephenson đã ngợi khen các ý tưởng của Al và ông quả quyết rằng báo của cậu cũng giá trị như các báo của những người lớn gấp đôi tuổi. Muốn làm gia tăng số độc giả, Al cho thêm vào tuần báo một đề mục chuyện nói chuyện ngồi lê mách lẻo và ký dưới tên hiệu Paul Pry (Paul, người tọc mạch). Al đã dùng báo chí của mình để chỉ trích một vài người trong vùng và cậu đã cẩn thận ghi tên của họ bằng mẫu tự đầu tiên. Nhưng quãng đường 101 cây số rất ngắn ngủi, không thể giúp Al tránh khỏi sự săn đuổi của những nạn nhân bị chế nhạo. Rồi vào một ngày đẹp trời, khi Al đang đi bộ trên bờ sông Saint Clair, bỗng có một người vạm vỡ tiến lại gần Al, túm cổ viên chủ nhiệm nhỏ tuổi, ném xuống sông. Al ngoi lên bờ, quần áo ướt như chuột. Bực mình vì bị một số độc giả luôn rình rập quấy rầy, Al quyết định ngưng việc làm báo. Vào một buổi sáng tháng 8 năm 1862, Al đứng nói chuyện với ông Mackenzie, nhân viên nhà ga kiêm chuyên viên điện báo. Ông Mackenzie có một đứa con trai 2 tuổi rưỡi, tên là Jimmy, thường hay lân la chơi tại sân ga. Khi đang trò chuyện, bỗng Al trông thấy Jimmy đang đi dọc theo đường sắt trong khi đó, một toa xe goòng đang phóng đến. Nhận thấy sự nguy hiểm trước mắt, Al liền lao mình tới chỗ đứa bé, ôm lấy nó mà lăn ra phía ngoài. Để đền đáp ơn cứu tử đứa con của mình, ông Mackenzie nhận dạy Al nghề điện báo và hứa sẽ xin việc cho cậu khi nào Al thành thạo. Từ đó Al bắt đầu bỏ ra mỗi ngày 18 giờ để học về điện báo và chữ Morse. Chỉ trong vài tuần lễ, Al đã theo kịp tất cả các tín hiệu do ông Mackenzie đánh đi. Sau 3 tháng học hỏi, không những Al tiến bộ đến nỗi ông Mackenzie phải gọi Al là chuyên viên điện báo hạng nhất, và Al còn chế tạo được một máy điện tín có đầy đủ tính cách toàn hảo cũng như cho phép người xử dụng máy gửi điện tín đi thật nhanh chóng. Trong thời kỳ Nội Chiến Nam Bắc Mỹ, hàng trăm điện tín viên bị gọi nhập ngũ vào các đội truyền tin. Kết quả của sự kiện này là các công ty thương mại cũng như hỏa xa thiếu chuyên viên. Vì thế xin một chân làm việc về điện tín là một điều dễ dàng và một người mới học nghề cũng có thể kiếm được việc. Vào khoảng năm 1864, Al nhận thấy có đủ khả năng nhận một chân điện tín viên nên từ bỏ nghề bán báo và tới Stradford, Gia Nã Đại, xin làm việc vào tháng 5. Al trở thành điện tín viên tại ga Stratford này và lãnh lương mỗi tháng 25 đô la. Từ năm 1864 tới năm 1868, Al đã làm việc tại nhiều nơi như New Orleans, Indianapolis, Louisville, Memphis và Cincinnati. . . Chàng thanh niên này cũng bắt đầu bỏ cách gọi tắt là Al mà dùng tới tên chính là Thomas hay cách gọi thân mật là Tom. Thomas Edison bây giờ là một chàng thanh niên khỏe mạnh, nhiều thiện cảm và vui tính. Sự cởi mở, lòng chân thật đã khiến Tom có nhiều bạn nhưng cách làm việc đặc biệt của Tom đã khiến cho các bạn bè cho chàng là người kỳ quặc. Tom ăn mặc giản dị, quần áo cũ kỹ và dính mực, đôi giày của chàng mòn đế cũng không khiến chàng nghĩ đến việc thay đôi mới. Vào mùa lạnh, Tom cố chịu rét hơn là bỏ tiền mua một áo choàng bằng nỉ vì chàng đã dồn tiền vào việc mua sắm các sách vở khoa học và dụng cụ thí nghiệm. Vào đêm hôm 14/ 4/1865, cuộc Nội Chiến Nam Bắc Mỹ chấm dứt, làm cho hàng trăm điện tín viên mất việc. Tom Edison trở về Louisville rồi tới cuối năm 1868, từ biệt cha mẹ đi Boston để nhận chân chuyên viên điện tín. Năm 21 tuổi, Tom thực hiện được phát minh đầu tiên, đó là một máy đầu phiếu. Tom gửi sáng kiến này tới Phòng Văn Bằng Sáng Chế rồi đưa trình lên Quốc Hội, nhưng vào thời đó không nghị sĩ nào ưa thích thứ máy móc tân kỳ đó. Mặc dù thất bại, Tom lại bắt đầu làm nhiều việc khác. Chàng đã chế ra được một máy điện báo cùng một lúc gửi đi hai điện tín trên một đường dây. 4/ Thời kỳ thành công. Vào một buổi sáng tháng 6 năm 1869, con tầu khởi hành từ Boston tiến dần vào hải cảng New York. Edison, chàng thanh niên 22 tuổi, đứng trên boong tầu, mơ màng nhìn vào thành phố xa lạ, không người quen biết, trong túi không có một đồng nào bởi vì chàng đang mang nợ 800 đô la. Edison rời Boston với hai bàn tay trắng vì chàng đã để lại tất cả các dụng cụ thí nghiệm cùng sách vở cho chủ nợ, hứa sẽ trở lại lấy khi có đủ tiền thanh toán. Nhưng có nhiều thứ mà không ai có thể lấy bớt được ở chàng, đó là lòng cam đảm, ý chí theo đuổi mục đích, học vấn và kinh nghiệm kỹ thuật cùng với các đức tính khác mà chàng đã thu lượm được vào thời niên thiếu. Ngày đầu tiên tại New York, Tom đi tới tất cả các cơ sở điện báo để tìm kiếm người quen và đã vay mượn được một đô la. Sống với đồng tiền nhỏ mọn này cho tới ngày thứ ba, Tom khi đi qua Công Ty Hối Đoái Gold Indicator thì thấy hàng trăm người đang chen chúc chờ đợi. Tom tiến lại gần thì được biết rằng chiếc máy ghi giá vàng bị trục trặc và vì thế thị trường vàng hoàn toàn bị trở ngại. Khi đó viên giám đốc của công ty, Bác Sĩ Laws, đang la ầm lên : “Tôi trả lương cho hàng tá người mà chẳng ai làm được việc gì ! Ôi, tôi chỉ cần một người thợ có tài là đủ!”. Nghe thấy vậy, Tom tiến lại gần ông Laws và nói : “Thưa ông, tôi không phải là thợ của ông nhưng tôi tự xét có thể sửa chữa được chiếc máy”. Trong vòng hai giờ, chiếc máy do Tom sửa chữa lại chạy đều như trước. Ngày hôm sau, sau khi khảo sát khả năng, Bác Sĩ Laws đã thuê Tom làm quản đốc kỹ thuật với lương tháng 300 đô la. Mặc dù lương bổng cao, Tom Edison luôn chán nản trước hoàn cảnh làm công cần cù vì trong đầu óc của chàng đang chứa đựng hàng tá sáng kiến sôi động. Trong khoảng thời gian làm việc tại công ty hối đoái, Edison được gặp Franklin L. Pope và hai người bàn với nhau hợp tác trong một công cuộc kinh doanh. Ngày 01/ 10/1869, Edison và Pope lập ra xưởng điện cơ và điện báo rồi ít lâu sau, lại có J. N. Ashley của tờ báo Telegraph cộng tác. Để sống gần người bạn cộng sự, Edison dọn nhà tới thị xã Elizabeth, thuộc tiểu bang New Jersey. Vì muốn tiết kiệm thời giờ dùng cho các công việc cần thiết, Edison tự luyện tập các giấc ngủ thật ngắn, mỗi ngày ngủ 3 hay 4 lần. Ngoài 5 giờ để ngủ, thời gian được chàng dùng cho các cải tiến kỹ thuật và công việc chuyên môn. Vào thời bấy giờ, điện tín được ghi bằng các chấm và gạch in trên những băng giấy dài, rồi người ta lại phải chép tay ra các bản điện tín trước khi gửi cho người nhận. Nếu có cách nào in bằng chữ lên các phiếu điện tín, người ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian vô giá. Điều này làm Edison suy nghĩ. Vì Edison nổi tiếng về giỏi Kỹ Thuật, Tướng Marshall Lefferts, giám đốc công ty Gold and Stock Telegraph liền nhờ Edison biến đổi loại máy thường ra máy điện tín in chữ. Sau vài tháng tìm tòi, Edison đã thành công và lấy bằng phát minh vào năm 1869. Máy móc mới này của Edison vừa giản dị hơn, vừa chính xác hơn loại cũ nên đẵ khiến ông Lefferts đề nghị mua lại bằng sáng chế. Công việc làm ăn của Edison tăng lên một cách rất nhanh chóng khiến chàng và các hội viên khác đồng ý đổi cơ xưởng cũ thành Công Ty Điện Báo Tự Động (The Automatic Telegraph Co.). Lúc đầu chàng chỉ mướn 18 người thợ rồi số thợ tăng lên dần tới 50 và sau này tới 250 người. Nhiều người làm việc với Edison đã trở nên các kỹ sư tài ba và đã cộng tác với chàng cho tới chết. Edison chia thợ ra từng toán, làm từng phiên cả sáng lẫn đêm. Mặc dù mới 23 tuổi, Edison được nhiều người tặng cho biệt hiệu “lão già” vì chàng điều kiển nhóm chuyên viên của mình một cách chín chắn, đôi khi hơi tàn ác nhưng ngược lại, chàng trả lương các nhân viên rất hậu, căn cứ vào tài khéo và thời gian làm việc vì chàng muốn họ đóng góp với tất cả lương tâm nghề nghiệp. Vóc người mập mạp, Thomas Edison có đôi mắt sắc sảo dưới hàng mi rậm rạp và chiếc trán rộng. Với dáng đi nặng nề, chàng đi đi, lại lại trong xưởng, quần áo vừa bẩn lấm, vừa tả tơi, mang vào mình hình ảnh một tên vô nghề nghiệp hơn là một viên đốc công, một vị giám đốc và cũng là một kỹ nghệ gia đầy tương lai hứa hẹn. Thực vậy, người ta phải ngạc nhiên về cơ xưởng của Edison, không những do các hoạt động mà còn vì giờ giấc. Edison đã treo trong xưởng tất cả 6 chiếc đồng hồ, chỉ các giờ giấc khác nhau và nhân viên của chàng thường theo chàng làm đến hết việc chứ không phải hết giờ. Trong khoảng thời gian từ năm 1870 tới 1876, bắt đầu với tuổi 23, Thomas Edison đã cầu chứng 122 phát minh và như thế, mỗi tháng trung bình chàng có hơn một sáng kiến được thực hiện. Vào thời kỳ của phát minh thứ 46, Thomas Edison được nghe người ta kể lại rằng Christopher Sholes tại Milwakee đang thí nghiệm về một thứ máy móc gọi là “máy đánh chữ”. Vì biết rằng thứ máy mới này sẽ góp phần to lớn trong việc chế tạo máy điện báo tự động, Edison liền mời Sholes mang mẫu máy tới Newark và chàng đã đề nghị nhiều sửa đổi hợp lý. Công Ty The Automatic Telegraph là nơi đầu tiên chế tạo máy đánh chữ rồi dùng nó trong văn phòng và chiếc máy đánh chữ đó đã mở đường cho các máy Remington mà sau này được dùng trên khắp thế giới. Nếu Morse phát minh ra máy điện báo thì Edison lại góp vào đó rất nhiều cải tiến quan trọng khiến cho chính Morse cũng khó nhận ra được phát minh của mình. Không những Edison hoàn thành máy điện báo kép cho phép gửi đồng thời 2 điện tín trên cùng một đường dây mà còn phát minh ra một phương pháp gửi đồng thời 4 hay 5 điện tín. Edison còn cứu vãn Công Ty Western Union khỏi bị phá sản bằng một hệ thống truyền tin mới. Vào một buổi chiều năm 1870, Edison ngồi một mình trong văn phòng. Các thợ thuyền đã ra về trong khi nhà phát minh còn nán lại vì chàng muốn ghi chép cho xong các nhận xét về một thứ máy đang hoàn thành. Edison định ra về thì một trận mưa lớn đổ xuống. Lúc ra cửa, chàng gặp hai thiếu nữ đứng trú mưa tại lối đi. Edison liền tự giới thiệu : “Tôi là Thomas Edison, chủ nhân tiệm này. Xin mời các cô vào văn phòng chờ hết mưa. Tôi sẽ đi thắp đèn lên”. Một thiếu nữ trả lời chàng : “Chúng tôi không dám phiền ông, ông Edison ạ. Tôi là Mary Stilwell, còn đây là em Alice của tôi”. Edison cúi chào hai thiếu nữ và nói chuyện xuông với hai chị em Stilwell cho qua thời giờ. Nhưng ánh mắt trong sáng, khuôn mặt xin xắn và cử chỉ thanh lịch của Mary đã làm tâm hồn Edison xao xuyến. Từ đây, Edison không thể quên hình ảnh của Mary. Chàng hỏi dò bạn bè thì được biết Mary là một giáo viên tại Newark. Edison liền nhờ bạn đưa lại thăm gia đình Stilwell và sau buổi viếng thăm, chàng thấy rằng mình đã tìm được người vợ mong ước. Sau đó, Edison thường cùng Mary đi coi hát, dự các buổi hòa tấu nhạc hay đi cắm trại ngoài trời. Sau một năm trường chờ đợi sự ưng thuận của gia đình Stilwell, Edison đã cử hành hôn lễ với Mary vào ngày lễ Giáng Sinh năm 1871. Cuối năm 1871, Edison đã có ba tiệm khác nhau tại Newark. Ba cơ xưởng ở rải rác trong một thành phố lớn đã làm mất nhiều thời giờ và năng lực quý báu của nhà phát minh. Vì vậy Edison quyết định tìm kiếm nơi xây cất một cơ xưởng lớn hơn cách Newark 40 cây số. Menlo Park là một ga nhỏ trong tiểu bang New Jersey nhưng khá yên tĩnh, thích hợp cho nhà phát minh làm việc. Ngày 3/ 01/1876, công cuộc xây cất bắt đầu. Edison đã phác họa từng chi tiết cho đồ án phòng thí nghiệm và cơ xưởng. Cũng trong năm này, công ty Western Union lại nhờ Edison cải tiến máy điện thoại của Alexander Graham Bell vừa mới cầu chứng cách đó ít lâu. Thời bấy giờ, điện thoại của Bell là một bộ máy còn rắc rối, ống nói và loa nghe được làm chung, và người ta để loa lên miệng để nói rồi đặt vào tai nghe. Tầm hoạt động của máy bị giới hạn và dù nói từ phòng nọ sang phòng kia, những tiếng sè sè của máy sinh ra do bộ ma nhê tô đã làm cho việc đối thoại rất khó khăn. Sau hai năm tìm tòi, Edison đã phát minh ra bộ vi âm (microphone), hoàn thành một máy truyền (transmetteur) dùng thỏi than và đã thành công rực rỡ trong việc truyền tiếng nói qua 225 cây số đường dây. Edison làm cho cường độ tiếng nói qua máy điện thoại lớn gấp bội và âm thanh trở nên rõ ràng. Hãng Western Union đã mua lại bằng sáng chế chiếc máy truyền với giá 100,000 đô la. Thành công của Edison trong việc cải tiến máy điện thoại đã khiến người đời phải nói rằng “Bell đã phát minh ra máy điện thoại nhưng chính nhờ Edison mà máy điện thoại trở thành hữu dụng”. 5/ Phát minh ra Máy Hát. Lúc bấy giờ Edison đã có phòng thí nghiệm tại Menlo Park, một nơi có đủ phương tiện cho nhà phát minh tìm tòi, nghiên cứu. Edison có một cách làm việc rất đặc biệt. Khi một ý tưởng nẩy ra trong trí óc, ông liền thử ngay bằng ngàn cách khác nhau với sự cộng tác của những người giúp việc. Vào thời đó, mặc dù nhà phát minh có hàng trăm bằng sáng chế nhưng danh tiếng của Edison chỉ thực sự được đại chúng biết tới sau ngày ông cho ra đời chiếc máy hát. Thực ra sự phát minh này do khả năng nhận xét và suy luận của ông hơn là do công lao tìm kiếm. Vào một chiều mùa hè năm 1877, trong khi Edison đang loay hoay với chiếc máy dịch điện tín tự động, chiếc máy này gồm một mũi kim thép rạch các rãnh trên một đĩa giấy, đột nhiên khi cho đĩa quay nhanh hơn Edison đã nghe thấy tiếng cọ sát tăng lên và giảm đi tùy theo sự gồ ghề của chiếc đĩa. Sự kiện này đã ám ảnh nhà phát minh. Ông liền làm lại thí nghiệm nhưng lần này, thêm vào chiếc kim bộ phận chứa một màng mỏng. Edison nhận thấy cơ phận này đã làm tăng âm độ lên một cách đáng kể. Các công trình khảo cứu về máy điện thoại đã khiến Edison nhận thức rằng một màng kim loại mỏng đã rung động khi nói vào một máy phát. Như thế có thể ghi lại sự rung động này trên một chất gì đó để rồi làm cho màng kim loại rung động trở lại mà phát ra các âm thanh như tiếng nói. Nửa đêm hôm đó, Edison ngồi lại văn phòng và vẽ trên giấy một bức họa về thứ máy móc sẽ thực hiện. Ngày 24/12/1877, Edison cầu chứng cho chiếc máy hát và bằng phát minh được chính phủ Hoa Kỳ cấp cho ông vào ngày 19/ 02/1878. Một bộ máy ghi được tiếng nói và lại phát ra tiếng nói làm cho đại chúng phải bàn tán. Để làm cho mọi người tin chắc rằng máy hát nói được là một sự thật, Edison quyết định trình bày chiếc máy kỳ lạ trước Hàn Lâm Viện Khoa Học Hoa Kỳ. Sáng ngày 8/ 4/1878, nhà phát minh Edison đã xử dụng chiếc máy hát trước ông Joseph Henry, Chủ Tịch Viện Smithsonian, rồi vào buổi chiều, ông biểu diễn máy trước Hàn Lâm Viện Khoa Học. Ngay buổi tối hôm đó, Edison lại nhận được giấy mời trình bày máy hát trước Tổng Thống Rutherford B. Hayes. Nhà phát minh đã làm cho các nhân vật Tòa Bạch Cung cũng như dân chúng tin tưởng. Cả thế giới sôi nổi về phát minh này. Danh tiếng Thomas Edison được nhắc nhở tại khắp nơi. Báo chí đã nói nhiều về nhà phát minh 31 tuổi. Môt tờ báo gọi Edison là “Thầy Phù Thủy vùng Menlo Park” và danh hiệu này đã được phổ thông hóa. Chiếc máy hát là một phát minh mà Edison rất ưa chuộng. Ông đã cải tiến máy dần dần trong nhiều năm trường để về sau này, máy được thay đổi khối trụ và tay quay bằng một đĩa tròn chuyển động do một bộ phận đồng hồ. Sự sản xuất máy hát càng ngày càng gia tăng, vào năm 1910 tiền bán máy và đĩa hát đã lên tới 7 triệu đô la. Vào năm 31 tuổi, Thomas Edison có 157 bằng phát minh và đang chờ đợi 78 bằng sáng chế khác từ Washington gửi về. Mặc dù vậy, ông vẫn không ngừng làm việc, mỗi ngày từ 18 tới 20 giờ. 6/ Phát minh ra Đèn Điện. Tháng 3 năm 1878 là đầu thời kỳ Edison bắt tay vào việc nghiên cứu đèn điện. Vào thời bấy giờ người ta chỉ biết tới nguyên tắc của đèn hồ quang là loại đèn được phát minh vào khoảng năm 1809. Khi đốt đèn hồ quang, người ta phải luôn luôn thay thỏi than, ngoài ra đèn còn phát ra tiếng cháy sè sè và cho một sức nóng quá cao, kèm theo một mùi khó chịu, không thích hợp với việc xử dụng trong nhà. Vào năm 1831, Michael Faraday tìm ra nguyên tắc của máy ma-nhê-tô là bộ máy sinh ra các tia lửa đốt loại khí bên trong động cơ dầu lửa. Tới năm 1860, một loại đèn điện sơ sài ra đời tuy chưa thực dụng nhưng đã khiến cho người ta nghĩ tới khả năng của điện lực trong việc làm phát sáng. Thomas Edison cũng cho rằng điện lực có thể cung cấp một thứ ánh sáng dịu hơn, rẻ tiền hơn và an toàn hơn ánh sáng của đèn hồ quang của William Wallace. Edison đã tìm đọc tất cả các sách báo liên quan tới điện học. Ông muốn thấu triệt sâu rộng lý thuyết về điện lực để có thể mang kiến thức của mình vào các áp dụng thực tế. Ngày nay trong số 2,500 cuốn sổ tay 300 trang được Viện Edison cất giữ, người ta còn thấy hơn 200 cuốn ghi chép về điện học. Chính những điều ghi chép này đã là căn bản của các khám phá vĩ đại của thiên tài Edison trong phạm vi Khoa Học và Kỹ Thuật. Thời bấy giờ, báo chí nói nhiều đến công cuộc nghiên cứu của Edison về đèn điện làm cho các công ty đèn thắp bằng khí đốt lo ngại trong khi đó Edison khuyên các hội viên của Công Ty Đèn Điện Edison (the Edison Electric Light Co.) bỏ thêm 50,000 đô la để ông theo đuổi công trình nghiên cứu. Hồi đó trong phòng thí nghiệm tại Menlo Park có vào khoảng 50 người làm việc không ngừng. Bình điện, dụng cụ, hóa chất và máy móc chất cao trong các phòng nghiên cứu. Đồng thời với việc nghiên cứu đèn điện, Edison còn phải cải tiến rất nhiều máy móc khác cũng như tìm ra các kỹ thuật cần thiết vì vào thời bấy giờ, kỹ nghệ

File đính kèm:

  • docThomas Edison.doc