Bài giảng môn học Địa lý lớp 12 - Thiên nhiên phân hoá đa dạng

Thiên nhiên Việt Nam phân hoá đa dạng. Đây là hệ quả tổng hợp của các tác nhân địa đới (theo vĩ độ), phi địa đới: địa ô (theo kinh tuyến), đai cao và kiến tạo - địa mạo. Biểu hiện rõ nhất của sự phân hoá đa dạng thiên nhiên Việt Nam là ở thành phần địa hình và địa hình đóng vai trò chính làm phân hoá đa dạng các thành phần tự nhiên khác.

1. Địa hình phân hóa đa dạng

Sự phân hoá đa dạng của địa hình Việt Nam thể hiện ở các đặc điểm cấu trúc địa hình.

 

doc11 trang | Chia sẻ: lephuong6688 | Lượt xem: 527 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài giảng môn học Địa lý lớp 12 - Thiên nhiên phân hoá đa dạng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
THIÊN NHIÊN PHÂN HOÁ ĐA DẠNG Thiên nhiên Việt Nam phân hoá đa dạng. Đây là hệ quả tổng hợp của các tác nhân địa đới (theo vĩ độ), phi địa đới: địa ô (theo kinh tuyến), đai cao và kiến tạo - địa mạo. Biểu hiện rõ nhất của sự phân hoá đa dạng thiên nhiên Việt Nam là ở thành phần địa hình và địa hình đóng vai trò chính làm phân hoá đa dạng các thành phần tự nhiên khác. 1. Địa hình phân hóa đa dạng Sự phân hoá đa dạng của địa hình Việt Nam thể hiện ở các đặc điểm cấu trúc địa hình. 1.1. Các đặc điểm cấu trúc địa hình a. Yếu tố sơn văn chiếm vai trò chủ yếu trong cấu trúc địa hình Việt Nam Sự phân hoá địa hình Việt Nam biểu hiện rõ rệt ở miền đồi núi và do yếu tố sơn văn chi phối. Trong mối liên kết thống nhất về mặt phát sinh, về hướng và hình thái, các dãy núi ở Việt Nam làm thành hai hệ núi chính: Hệ núi Tây Bắc - Đông Nam ở phần phía Tây sông Hồng và hệ núi vòng cung ở phần phía Đông sông Hồng. Hệ núi Tây Bắc - Đông Nam của nước ta bao gồm vùng núi Tây Bắc và dãy Trường Sơn, là phần tiếp nối các mạch núi Vân Nam - Trung Quốc. Hệ núi vòng cung phía Đông sông Hồng tiếp tục các cánh cung Đông Nam Trung Hoa thuộc phần rìa nền Hoa Nam. b. Địa hình có cấu trúc cổ được trẻ hoá, phân bậc và thấp dần về phía Đông Nam Lãnh thổ Việt Nam được hình thành sớm vào cuối đại Trung sinh, trải qua quá trình bào mòn lâu dài làm hạ thấp địa hình, sau đó, do chịu ảnh hưởng của vận động Tân kiến tạo, địa hình lại được nâng cao và trẻ hoá. Vận động nâng lên không đều giữa các khu vực với hướng nghiêng chung thấp dần về phía Đông Nam đã tạo nên sự phân bậc địa hình. Địa hình núi Việt Nam mang đặc điểm của một miền núi cổ được trẻ hóa. Tính chất cổ của địa hình thể hiện ở các bề mặt san bằng cổ, đá cổ lộ trên mặt, đồi núi thấp là chủ yếu. Những nơi được nâng lên mạnh trong vận động Tân sinh mang hình thái núi trẻ, với các đặc điểm sống núi rõ, sắc sảo, sườn dốc, khe sâu, sông ngòi đào lòng về phía thượng nguồn. Khối Phanxipăng trên dãy Hoàng Liên Sơn là khối núi cao nhất ở Việt Nam. Thuộc địa hình núi trung bình có dãy núi sông Mã, các khối núi thượng nguồn sông Chảy, thượng nguồn sông Đà, Kontum và Nam Trung Bộ. Địa hình núi thấp bao gồm vùng núi Đông Bắc và dãy Trường Sơn Bắc. Chuyển tiếp giữa miền núi và miền đồng bằng là vùng đồi trung du và các bề mặt bán bình nguyên. Các đồng bằng hạ lưu sông thấp phẳng tiếp giáp bờ biển phẳng và thềm lục địa nông mở rộng ở hai vịnh biển trong vùng biển Đông của nước ta là vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan. Cấu trúc địa hình có sự tương phản giữa địa hình đồi núi cổ và cắt xẻ với địa hình đồng bằng trẻ và bằng phẳng. Trong mối quan hệ giữa địa hình đồng bằng với địa hình bờ biển và đáy biển gần bờ có sự liên kết, đồng thời có sự khác nhau giữa các khu vực. Đồng bằng sông Hồng nằm trên đường kéo dài của máng sụt sông Hồng nên tương đối bằng phẳng, mở rộng tiếp nối một vùng vịnh nông, ít chỗ sâu quá 50m, bờ biển phẳng, thềm lục địa mở rộng. Đồng bằng sông Cửu Long hình thành trên một máng sụt đi từ Biển Hồ đến cửa sông Mê Công thấp phẳng và rộng lớn hơn, mở ra một vịnh biển nông với đường bờ biển phẳng, thềm lục địa kéo ra rất xa. Đồng bằng ven biển miền Trung hẹp ngang, nhỏ bé, đường bờ biển khúc khuỷu, những nhánh núi chia cắt đồng bằng tiếp tục ăn ngầm dưới biển, thềm lục địa thu hẹp, đoạn hẹp nhất có đường đẳng sâu 200m cách bờ chừng 30km và ra ngoài khơi 250km đã gặp một hố sâu Thái Bình Dương quá 3000m. Nguyên nhân làm cho các dạng địa hình của lãnh thổ có sự khác biệt, đồng thời có sự liên kết với nhau, chính là do sự thống nhất về mặt phát sinh trong cấu trúc địa hình. 1.2. Sự phân hoá của các dạng địa hình a. Địa hình núi Địa hình núi được phân chia làm bốn vùng núi chính: - Vùng núi Tây Bắc: Trong đại Tân sinh, chịu ảnh hưởng của vận động tạo sơn Himalaya, vùng núi Tây Bắc được nâng lên mạnh nhất ở Việt nam, biên độ nâng nhỏ dần về phía đông nam. Hệ quả của hoạt động này là sự hình thành khối núi cao nhất ở Việt Nam (Phanxipăng cao 3143m), sự phân bậc địa hình và hướng nghiêng Tây Bắc - Đông Nam. Vùng Tây Bắc hiện lên với 3 mạch núi lớn, phía Đông là dãy Hoàng Liên Sơn với khối núi cao đồ sộ Phanxipan, phía Tây là địa hình núi trung bình dãy sông Mã chạy dọc biên giới Việt Lào, ở giữa thấp hơn là dãy núi xen các sơn nguyên, cao nguyên đá vôi từ Phong Thổ đến Mộc Châu và tiếp nối những đồi sót trên đồng bằng Ninh Bình - Thanh Hóa. Chạy giữa các dãy núi là các thung lũng sông cùng hướng như sông Đà, sông Mã, sông Chu và các vùng trũng, nhiều nơi mở rộng thành cánh đồng như ở Nghĩa Lộ, Điện Biên... - Vùng núi Trường Sơn Bắc (từ phía nam sông Cả đến đèo Hải Vân): Trường Sơn Bắc cũng là hệ núi gồm các dãy núi song song và so le theo hướng Tây Bắc - Đông Nam với địa thế cao ở hai đầu và thấp ở đoạn giữa. Phía Bắc, vùng thượng du Nghệ An là dãy núi Pu Xailaileng (2711m), Rào Cỏ (2136m) chạy dọc biên giới Việt - Lào. Đoạn giữa, địa hình vùng đá vôi Quảng Bình và vùng đồi núi thấp Quảng Trị hạ thấp dưới 1000m. Phía Nam, tại vùng núi Tây Thừa Thiên, địa hình lại đội cao xấp xỉ 1500m. Mạch núi cuối cùng, dãy Bạch Mã đâm ra biển ở vĩ tuyến 16oB làm ranh giới với Trường Sơn Nam và cũng là bức chắn ngăn cản khối khí cực đới sâu xuống phương Nam. Khác với địa hình núi Tây Bắc thấp dần về phía Đông Nam, địa hình Trường Sơn dựng cao, tạo nên hai sườn không đối xứng, sườn tây thoải dần về sông Mê Công, sườn đông dốc nghiêng xuống đồng bằng ven biển khiến cho sông ngòi đào xẻ dữ dội, nhiều sông ngắn dốc, đổ thẳng ra biển theo hướng Tây - Đông. - Vùng núi Trường Sơn Nam: Do ảnh hưởng của khối nền cổ Kon Tum, các dãy núi tạo nên một cánh cung lớn theo hướng kinh tuyến lưng lồi ra Biển Đông. Trường Sơn Nam gồm các khối núi và các cao nguyên. Khối núi Kon Tum và khối núi Cực Nam Trung Bộ nằm ở hai đầu có địa hình mở rộng và nâng cao. Đoạn giữa, dãy núi Bình Định thu hẹp và trũng hẳn xuống, mở ra các cao nguyên Plêyku, Đắc Lắc rộng lớn ở phía Tây tiếp nối với các cao nguyên Mơ Nông, Di Linh, Đông Nam Bộ ở phía Nam. Địa hình núi đổ xô về mạn đông để vượt lên những đỉnh cao trên 2000m, tạo nên thế chênh vênh của đường bờ biển với những sườn dốc đứng và dải đồng bằng ven biển thắt hẹp. Tương phản với địa hình núi phía Đông, các cao nguyên badan ở phía Tây có địa hình tương đối bằng phẳng, làm thành các bề mặt cao 500 - 800 -1000m. Tính chất bất đối xứng giữa hai sườn đông - tây ở địa hình Trường Sơn Nam còn biểu hiện rõ hơn Trường Sơn Bắc. - Vùng núi vòng cung Đông Bắc: Sự sắp xếp theo hình cánh cung của địa hình Đông Bắc là sự tiếp nối các cánh cung Đông Nam Trung Hoa, với độ cao hạ thấp, trung bình chỉ còn 500 - 1000m. Hướng cánh cung của hệ sơn văn ở đây và địa hình chủ yếu là núi thấp có liên quan đến nền Hoa Nam. Hệ núi Đông Bắc hiện ra với 5 cánh cung lớn, chụm đầu ở Tam Đảo, mở ra về phía Bắc và Đông. Đó là các cánh cung sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều và cánh cung ven biển Hạ Long. Địa hình Đông Bắc cũng theo hướng nghiêng chung Tây Bắc - Đông Nam. Những đỉnh cao trên 2000m nằm trên vùng thượng nguồn sông Chảy như Tây Côn Lĩnh 2431m, Kiều Liêu Ti 2403m. Giáp biên giới Việt - Trung là địa hình cao của các khối núi đá vôi ở Hà Giang, Cao Bằng. Trung tâm là vùng đồi núi thấp 500 - 600m, giáp đồng bằng là vùng đồi trung du dưới 100m. Theo hướng vòng cung của các dãy núi là hướng vòng cung của các dòng sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam. Núi Việt Nam được cấu tạo chủ yếu bởi các đá kết tinh cổ có nguồn gốc macma hoặc trầm tích biến chất. Trên nền đá khó phong hoá ấy, miền núi nước ta có địa hình hiểm trở, sông ngòi nhiều thác ghềnh gây trở ngại cho giao thông và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ở miền núi còn có địa hình tương đối bằng phẳng của các cao nguyên và các đồng bằng thung lũng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và cây công nghiệp. Ở miền núi phía Bắc có các cao nguyên đá vôi Đồng Văn, Quản Bạ, Bắc Hà, Mộc Châu, Sơn La, các đồng bằng Lục Yên, Đoan Hùng, Tuyên Quang, Điện Biên... Miền núi phía Nam có các cao nguyên bazan ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. b. Địa hình đồng bằng Nước ta có hai đồng bằng châu thổ sông là Đồng bằng sông Cửu Long rộng 40.000km2 và Đồng bằng sông Hồng rộng 15.000km. Các đồng bằng này hình thành trên vùng sụt lún ở hạ lưu sông, có thềm biển nông, thoải, mở rộng. Đồng bằng sông Cửu Long thấp, phẳng, không có đê nhưng có mạng lưới kênh rạch chằng chịt nên mùa lũ nước ngập sâu ở các vùng trũng Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, còn về mùa cạn, nước triều lấn mạnh làm 2/3 diện tích đồng bằng bị nhiễm mặn. Đồng bằng sông Hồng cao và chia cắt hơn, do có đê ven sông ngăn lũ nên vùng trong đê không được bồi phù sa hàng năm, tạo thành các bậc ruộng cao bạc mầu và các ô trũng ngập nước, vùng ngoài đê thường xuyên được bồi phù sa. Đồng bằng ven biển miền Trung có diện tích khoảng 15000km2. Hình thái đồng bằng phần nhiều hẹp ngang và bị chia cắt thành nhiều đồng bằng nhỏ. Chỉ có vài đồng bằng được mở rộng ở cửa sông lớn như đồng bằng Thanh Hoá cửa sông Mã (3000km2), đồng bằng Nghệ An cửa sông Cả, đồng bằng Quảng Nam - sông Thu Bồn và đồng bằng Phú Yên - sông Đà Rằng. Các đồng bằng thường chia làm ba dải: giáp biển là cồn cát, đầm phá, giữa là vùng thấp trũng, dải trong cùng đã được bồi tụ thành đồng bằng. Trong sự hình thành đồng bằng, biển đóng vai trò chủ yếu nên đất có đặc tính nghèo, ít phù sa. c. Địa hình bán bình nguyên và đồi trung du Nằm chuyển tiếp giữa đồng bằng và miền núi là các bề mặt bán bình nguyên hoặc các đồi trung du có độ cao dưới 300m, độ cắt xẻ giữa các quả đồi 50 - 60m, tối đa là 100m. Bán bình nguyên hiện rõ ở Đông Nam Bộ với bậc thềm phù sa cổ ở độ cao 100m và bề mặt hình thành từ phun trào bazan cao chừng 200m. Địa hình đồi trung du phần nhiều là di tích của tác động ngoại lực chia cắt các thềm phù sa cổ. Càng gần đồng bằng đồi càng thấp, nhỏ, thung lũng mở rộng. Dải đồi trung du rộng nhất nằm ở rìa đồng bằng sông Hồng và thu hẹp ở rìa đồng bằng ven biển. Địa hình bán bình nguyên và đồi trung du thích hợp cho trồng các cây công nghiệp, các mô hình nông lâm kết hợp, đôi nơi được biến đổi để trồng lúa và hoa màu. Nhiều đồi trung du đã trở thành vùng đất trống, bạc màu. Cần nhanh chóng phục hồi lớp phủ thực vật và sử dụng hợp lí đối với vùng đất dễ bị thoái hoá này. Địa hình phân hoá đa dạng phức tạp đã tạo nên sự phân hoá đa dạng điều kiện tự nhiên và tiềm năng tài nguyên các vùng lãnh thổ Việt Nam. Vì thế, nghiên cứu sự phân hoá địa hình là cơ sở để hiểu biết sâu sắc đặc điểm tự nhiên và tài nguyên mỗi vùng nhằm sử dụng hợp lí cho mục tiêu phát triển kinh tế. 2. Khí hậu, thuỷ văn phân hoá đa dạng 2.1. Khí hậu a. Khí hậu phân hoá đa dạng: Khí hậu Việt Nam phân hóa đa dạng thể hiện ở sự khác nhau về khí hậu giữa các khu vực. Các miền khí hậu: Dựa trên sự khác nhau chủ yếu về nền nhiệt độ và ảnh hưởng của gió mùa đông bắc đã làm tăng biên độ nhiệt khác thường ở phía bắc lãnh thổ, phần đất liền của nước ta được chia làm hai miền rõ rệt khí hậu. Ranh giới giữa hai miền là khối núi Bạch Mã (đèo Hải Vân). Sự phân chia thành hai miền khí hậu dựa trên ba chỉ số: biên độ nhiệt độ hàng năm, lượng bức xạ tổng cộng trung bình hàng năm và số giờ nắng trung bình hàng năm (theo Atlas Khí tượng Thủy văn Việt Nam, năm 1994) Bảng 6. Một số đặc trưng của các miền khí hậu Miền khí hậu Biên độ nhiệt/năm Lượng bức xạ/ năm Số giờ nắng/năm Miền khí hậu phía Bắc ³ 90C £ 140 kcl/cm2 ³ 2000 giờ Miền khí hậu phía Nam < 90C > 1400C > 2000 giờ Miền khí hậu phía Bắc: Khí hậu trong năm có mùa đông lạnh. Mùa đông với 3 tháng lạnh (t0 < 200C) thể hiện rõ ở đồng bằng Bắc Bộ và vùng núi phía Bắc. Về phía Nam, gió mùa đông bắc yếu dần, số tháng lạnh giảm còn 1 – 2 tháng, tới Huế chỉ còn thời tiết lạnh. Mùa đông lạnh khiến cho nhiệt độ hạ thấp 4 – 50C so với các trị số trung bình của các vùng có cùng vĩ độ. Đặc điểm nổi bật của miền là tính bất ổn định rất cao trong diễn biến thời tiết, khí hậu, biên độ nhiệt 9 – 140C. Độ lạnh giảm dần về phía Tây, đồng thời với thời kì bắt đầu mùa mưa chậm dần vè phía Nam là cơ sở chia miền khí hậu này ra bốn vùng khí hậu. Miền khí hậu phía Nam: Khí hậu nóng đều quanh năm và có tính chất gió mùa cận xích đạo. Khí hậu trong năm chia thành hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Trong miền phân chia ba vùng khí hậu: ven biển miền Trung có mùa mưa vào thu đông, Nam Bộ có khí hậu nóng và điều hòa hơn Tây Nguyên. b. Khí hậu phân hóa thành các đai theo độ cao địa hình và các kiểu theo địa phương Về đại thể trên 600 - 700m là vành đai khí hậu á nhiệt đới trên núi, trên 2400 - 2600m là vành đai khí hậu ôn đới núi cao. Do hướng núi và độ cao địa hình mà hình thành các trung tâm mưa nhiều, mưa ít. Tuỳ theo sự kết hợp giữa nhiệt và ẩm mà theo địa phương có các kiểu khí hậu khác nhau. Trên lãnh thổ nước ta có các kiểu khí hậu nhiệt đới hoặc á xích đạo khô, hơi khô, hơi ẩm, ẩm, các kiểu khí hậu á nhiệt đới trên núi hơi ẩm tới ẩm và kiểu khí hậu ôn đới núi cao ẩm ướt. c. Khí hậu diễn biến thất thường Sự phân mùa khí hậu không phải là rõ ràng và ổn định. Sự đan xen giữa các khối khí đã làm cho khí hậu nước ta có tính thất thường. Tính thất thường không chỉ biểu hiện ở sự biến động nhiết, ẩm giữa hai mùa trong năm mà còn giữa năm này và năm khác, làm tăng cường tính phức tạp trong diễn biến mùa của khí hậu Việt Nam. Sự thất thường còn biểu hiện ở thời gian thay đổi mùa. Thời gian bắt đầu, kết thúc, mức độ nóng, lạnh mỗi mùa cũng biến động rất lớn. Về chế độ mưa cũng rất thất thường, bão lũ, hạn hán là những thiên tai bất thường gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp. 2.2. Thuỷ văn a. Thuỷ văn phân hoá đa dạng Thuỷ văn Việt Nam được phân chia thành ba miền lớn: miền thuỷ văn Bắc Bộ, miền thuỷ văn Đông Trường Sơn và miền thuỷ văn Tây Nguyên và Nam Bộ. - Miền thủy văn Bắc Bộ: Nhiều lưu vực lớn, sông dài, hợp lưu của nhiều dòng chảy. Lượng dòng chảy qua miền được tiếp nhận một phần khá lớn lượng nước từ ngoài lãnh thổ. Hướng chảy chung của sông ngòi là Tây Bắc- Đông Nam theo hướng nghiêng của địa hình. Lũ vào mùa hạ, tháng lũ lớn nhất là tháng 8. Cạn vào mùa đông, tháng kiệt nhất là tháng 3. - Miền thuỷ văn Đông Trường Sơn: Trải dài từ Vinh (Nam Nghệ An) trở vào đến Cam Ranh (Bắc Khánh Hòa), phần lớn là sông nhỏ, nhiều sông có hướng chảy Tây - Đông, lượng dòng chảy được hình thành chủ yếu trong địa phận nước ta. Mùa lũ lệch sang thu đông. Lũ lớn nhất vào tháng 10 - 11, lũ tiểu mãn vào tháng 5 - 6 tháng kiệt nhất vào tháng 4 hoặc tháng 7, 8. - Miền thuỷ văn Tây Nguyên và Nam Bộ: Tương tự như miền thủy văn Bắc Bộ, lũ vào mùa hạ, nhưng cực đại lùi xuống tháng 9, 10 kiệt vào mùa đông và tháng cực tiểu vào tháng 3, 4 Do mùa khô sâu sắc và lượng bốc hơi cao nên lượng dòng chảy kiệt rất nhỏ. Sông Cửu Long nhận 90% lượng nước từ bên ngoài vào. Hai dòng Tiền Giang và Hậu Giang chảy trên đồng bằng Nam Bộ thấp, bằng phẳng, phân chia làm nhiều chi lưu đổ ra biển qua chín cửa sông, do vậy đồng bằng Nam Bộ có diện tích bị ngập lụt và nhiễm mặn lớn. b. Chế độ dòng chảy diễn biến thất thường Sự chênh lệch lượng dòng chảy giữa 2 mùa là hệ quả của chế độ mưa mùa, trạng thái bề mặt lưu vực và hình thái của mạng lưới sông. Tính thất thường của chế độ khí hậu tạo nên tính thất thường của chế độ dòng chảy, biểu hiện năm lũ sớm, năm lũ muộn, năm lũ lớn, năm nước cạn kiệt. 3. Thổ nhưỡng - Sinh vật phân hoá đa dạng 3.1. Thổ nhưỡng phân hoá đa dạng Do các nhân tố và điều kiện hình thành đất gồm địa hình, khí hậu, thuỷ văn, sinh vật có sự phân hoá đa dạng, thêm vào đó do tác động của con người khiến cho thổ nhưỡng Việt Nam phân hoá đa dạng. Ở nước ta có tới 19 nhóm đất với 54 loại đất gộp theo 2 hệ đất chính là đất đồng bằng và đất đồi núi. a. Hệ đất đồng bằng Hệ đất đồng bằng chiếm gần 1/4 diện tích đất tự nhiên, gồm nhiều nhóm đất. Nhóm đất phù sa chiếm diện tích lớn nhất 3,4 triệu ha. Ngoài ra, nhóm đất phèn (chua mặn) cũng chiếm diện tích khá lớn hơn 1,85 triệu ha, nhóm đất mặn ven biển có diện tích gần 1 triệu ha, nhóm đất cát biển hơn 500.000 ha. Tại vùng thấp trũng hình thành nhóm đất glây và nhóm đất than bùn, tập trung nhất ở vùng Đồng Tháp, U Minh. b. Hệ đất đồi núi Hệ đất đồi núi tại các vùng đồi núi nước ta, quá trình hình thành đất Feralit chiếm chủ yếu. Có sự phân hoá đất theo đai cao. Nhóm đất Feralit vùng đồi núi thấp chân núi chiếm diện tích lớn nhất hơn 20 triệu ha (trên 60% diện tích đất tự nhiên). Trong đó các loại đất Feralit đỏ vàng phát triển trên đá mẹ axit, đá phiến sét, đá cát chiếm tới 14,8 triệu ha. Trong nhóm đất này, tốt nhất là loại đất Feralit nâu đỏ (2,4 triệu ha) phát triển trên đá mẹ bazan và đá vôi. Đất xám phù sa cổ có diện tích hơn 1,2 triệu ha, phân bố tập trung nhất ở Đông Nam Bộ 900.000 ha, còn ở rìa Đồng bằng Bắc Bộ. Do quá trình canh tác tưới nước lâu ngày, đất bị trôi hết chất màu, nhiều nơi biến đổi thành đất xám bạc màu. Các loại đất nâu đỏ, đất xám phù sa cổ rất thích hợp cho việc trồng cây ăn quả và cây công nghiệp. Một số nhóm đất khác chiếm diện tích ít hơn như nhóm đất xám vùng bán khô hạn, nhóm đất đen. Đất đen phát triển trên đá bazan và đá vôi, thường gặp ở thung lũng đá vôi, ở nơi chân đồi tụ nước mạch chứa nhiều cacbonat. Đất đen là loại đất tốt, nhiều phì liệu. Trên đai cao khí hậu á nhiệt đới và ôn đới là các nhóm đất feralit có mùn và mhóm đất mùn alit núi cao. Hai nhóm đất này chiếm gần 3,3 triệu ha, hơn 10% tổng diện tích. Ngoài ra, ở nước ta còn có nửa triệu ha đất xói mòn trơ sỏi đá. Loại đất này là bằng chứng hậu quả của hoạt động khai thác sử dụng đất bất hợp lí của con người. 3.2. Sinh vật phân hoá đa dạng Sự phân hoá đa dạng, phức tạp của cảnh quan thiên nhiên Việt Nam được biểu hiện trực quan sinh động nhất ở giới sinh vật với sự đa dạng các kiểu hệ sinh thái. Trên bề mặt đất nổi khắp nơi cảnh quan rừng bao phủ với 15 kiểu hệ sinh thái thực vật thay thế nhau từ rừng ngập mặn ven biển lên các hệ sinh thái rừng á nhiệt đới, ôn đới trên núi, từ rừng nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh tới các hệ sinh thái rừng nhiệt đới mưa mùa, nửa rụng lá, khô rụng lá, xa van, truông bụi. Ngoài ra còn các hệ sinh thái đặc trưng các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt khác. Sự phân hoá giới sinh vật lớn nhất thể hiện ở là sự hình thành các nhóm hệ sinh thái theo độ cao địa hình. Mỗi hệ sinh thái có đặc trưng riêng về khí hậu, thổ nhưỡng, thành phần loài. a. Nhóm hệ sinh thái thực vật nhiệt đới núi thấp Phân bố ở độ cao trung bình dưới 600 - 700m (ở miền Nam lên đến 900 - 1000m). Do tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa vẫn được bảo tồn nên ở vùng đồi núi thấp hình thành loại đất feralit điển hình với các hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Ở những vùng núi thấp mưa nhiều, khí hậu ẩm ướt, mùa khô không rõ hình thành hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh với cấu trúc nhiều tầng. Giới động vật nhiệt đới trong rừng đa dạng và phong phú. Các loài thú leo trèo trên cây như khỉ, voọc, vượn, các loài sống trên mặt đất như beo, gấm, cầy, cáo, các loài bò sát như trăn, rắn, tắc kè, kì đà, các loài chim như vẹt, công, trĩ, phượng hoàng, vàng anh... Khi rừng này bị phá hoại hoặc ở những nơi có mùa khô rõ thì tồn tại các hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa thay thế. Đó là rừng nhiệt đới gió mùa thường xanh, rừng nhiệt đới gió mùa nửa rụng lá và rừng nhiệt đới gió mùa rụng lá, rừng thưa nhiệt đới khô lá rộng và rừng thưa nhiệt đới khô lá kim. Trong thành phần rừng ở miền Bắc có xen các loài cây á nhiệt rụng lá Hoa Nam như dẻ, sau sau, ở miền Trung có các loài nhiệt đới rụng lá Ấn Độ - Mianma, còn ở miền Nam là các loài cây rụng lá họ dầu, thuộc khu hệ Malaixia - Inđônêxia. Đồng thời, đất Feralít cũng bị biến đổi theo chiều hướng xấu như tầng đất mỏng đi, tầng tích tụ tăng lên, dày và có mầu đỏ vàng rõ rệt. Trên đất thoái hóa, các loài cây chịu hạn rụng lá thay thế, tạo thành hệ sinh thái rừng thưa nhiệt đới thứ sinh, các trảng cây to, cây bụi và trảng cỏ. Khi sử dụng đất này tránh làm chua, khô đất và làm rửa trôi lớp đất mặt. Để bảo vệ đất không bị thoái hóa, đá ong hóa cần có chế độ canh tác hợp lí và giữ lớp phủ thực vật. Trong nhóm này còn có các hệ sinh thái thực vật phát triển trên các loại thổ nhưỡng đặc biệt: + Hệ sinh thái rừng nhiệt đới thường xanh trên đá vôi: Hệ sinh thái này có các loài cây lá rộng như trai, nghiến, ô rô. Động vật có các loài chạy nhảy giỏi như sơn dương, hươu xạ. + Hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh ngập mặn trên đất mặn, đất phèn (chua mặn): ven biển trên đất ngập mặn có các loài cây sú, vẹt, bần, đước. Ở miền Nam, có những khu rừng đước phát triển rất mạnh, đứng hàng thứ 2 trên thế giới, sau rừng ngập mặn Amazôn. Giới động vật trong rừng ngập mặn phong phú. Trên đất phèn ở Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Đồng Tháp có rừng tràm. Nơi đây còn là xứ sở của chim muông, như “sân chim” Đầm Dơi, Cái Nước ở Cà Mau, Vườn Quốc gia “Tràm Chim” ở huyện Tam Nông thuộc tỉnh Đồng Tháp. + Hệ sinh thái xa van, truông bụi nhiệt đới khô trên đất cát, đất thoái hóa vùng khô hạn: ở nước ta, xa van, truông bụi nguyên sinh chỉ có ở Ninh Thuận, Bình Thuận, còn thường là xavan thứ sinh tại những nơi rừng bị phá kiệt. Các loài thú như hươu nai, hoẵng, lợn rừng, mèo rừng nghèo dần, chỉ còn đông đảo các loài gậm nhấm và chim như sóc, nhím, dúi, chuột, gà rừng, chim cu... b. Nhóm hệ sinh thái thực vật á nhiệt đới và ôn đới trên núi Tại độ cao từ 600 - 700m đến 1600 - 1700m, khí hậu lạnh, ẩm hơn tạo điều kiện hình thành các hệ sinh thái rừng á nhiệt đới lá rộng với các loài cây thuộc các họ Dẻ, Re, Hồ đào... và rừng á nhiệt đới lá kim với các loài Thông, Sa mu, Pơ mu hoặc rừng á nhiệt đới hỗn giao thay thế. Khí hậu lạnh hạn chế quá trình phân giải chất hữu cơ, mùn được tích lũy, hình thành đất Feralít có mùn và có đặc tính chua. Đồng thời quá trình phong hóa yếu đi nên tầng đất mỏng hơn. Trong rừng xuất hiện các loài chim, thú á nhiệt đới phương Bắc. Các loài thú có lông dày như gấu, sóc, cầy, cáo. Ở độ cao trên 1600 -1700m là phạm vi phân bố của hệ sinh thái rừng á nhiệt đới mưa mù trên đất mùn alít. Khí hậu lạnh đã làm đình trệ quá trình phân giải chất hữu cơ, mùn được tích lũy càng nhiều, quá trình phong hóa yếu hẳn, tạo nên tầng đất mỏng, chua. Do độ ẩm cao, ôxít sắt bị hydrat hóa rửa trôi, do đó có sự tích lũy ôxit Al nhiều hơn hẳn ôxit Fe, tạo thành loại đất mùn alit (Al). Trong rừng, đã xuất hiện các loài cây ôn đới như đỗ quyên, thiết sam, lãnh sam. Rừng sinh trưởng kém, thấp nhỏ, đơn giản về thành phần và rêu, địa y phủ kín thân, cành cây. Trong rừng có mặt các loài chim di cư thuộc khu hệ Himalaya. Lên cao nữa, trên 2.800m đất nông cạn, cằn khô, cây thấp nhỏ cong queo, không tạo thành rừng chỉ còn là quần hệ thực vật khô lạnh núi cao. Sự phân hoá đa dạng của các thành phần tự nhiên đã tạo nên sự phân hoá đa dạng của cảnh quan thiên nhiên ở nước ta.

File đính kèm:

  • docBo tro bai 9Dia li 12Thien nhien phan hoa da dang.doc