ĐỀ SỐ 6
* Câu 1.
Anh (Chị) hãy phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Ngọc.
* Câu 2.
Anh (Chị) hãy nêu chủ đề của bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên và đi sâu bình giảng khổ thơ sau trong cùng bài:
“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!”.
* Câu 3.
Màu sắc Nam Bộ trong truyện "Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Thi
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Bài làm (Câu 1)
“Tây Nguyên ơi! Hoa rừng bao nhiêu thứ
Cánh hoa đẹp nhất rừng
Tây Nguyên ơi! Anh có nhớ buôn làng
Nhớ người con gái
Nhớ cánh hoa Pơ lang đẹp nhất rừng Tây Nguyên ”
(“Em là hoa Pơ lang” - Đức Minh)
Ai đã từng lắng nghe tiếng hát ấy trong những tháng ngày sôi sục thời đánh Mĩ! Ai đã từng biết hoa Pơ lang vật báu của Trời có hàng ngàn cánh, nở tươi thơm ngát hàng vạn năm được nói đến trong sử thi “Đam Săn”! Tiếng hát ấy còn đem đến cho ta bao xúc động bồi hồi khi nghĩ tới những phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong truyện “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành, một kiệt tác viết về đề tài Tây Nguyên thời đánh Mỹ.
Nguyễn Trung Thành là bút danh của nhà văn Nguyên Ngọc thời đánh Mỹ. Truyện “Rừng xà nu” của ông lần đầu tiên được đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng miền Trung Trung bộ, số 2 năm 1965. Truyện mang đậm tính sử thi, gợi lên một không khí núi rừng thiêng liêng huyền thoại. Cuộc đấu tranh vũ trang của dân làng Xô Man chống Mỹ - Diệm diễn ra vô cùng ác liệt đầy máu và nước mắt, sáng bừng ngọn lửa và chiến công. Những con đường, dốc núi, bờ suối chằng chịt hầm chông, hố chông, giàn thò, lưỡi thò “sắc lạnh”. Nhà ưng nơi tụ hội của người Strá đã có lúc biến thành pháp trường, chiến trường dữ dội, bi tráng.
11 trang |
Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 1752 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chuyên đề Ôn thi văn 12 - Phần 5, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chuyên đề ôn thi Văn 12 (p5)
Đề tham khảo ôn thi 5
ĐỀ SỐ 6
* Câu 1.
Anh (Chị) hãy phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Ngọc.
* Câu 2.
Anh (Chị) hãy nêu chủ đề của bài thơ “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên và đi sâu bình giảng khổ thơ sau trong cùng bài:
“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!”.
* Câu 3.
Màu sắc Nam Bộ trong truyện "Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Thi
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Bài làm (Câu 1)
“Tây Nguyên ơi! Hoa rừng bao nhiêu thứ
Cánh hoa đẹp nhất rừng
Tây Nguyên ơi! Anh có nhớ buôn làng
Nhớ người con gái…
… Nhớ cánh hoa Pơ lang đẹp nhất rừng Tây Nguyên…”
(“Em là hoa Pơ lang” - Đức Minh)
Ai đã từng lắng nghe tiếng hát ấy trong những tháng ngày sôi sục thời đánh Mĩ! Ai đã từng biết hoa Pơ lang vật báu của Trời có hàng ngàn cánh, nở tươi thơm ngát hàng vạn năm được nói đến trong sử thi “Đam Săn”! Tiếng hát ấy còn đem đến cho ta bao xúc động bồi hồi khi nghĩ tới những phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong truyện “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành, một kiệt tác viết về đề tài Tây Nguyên thời đánh Mỹ.
Nguyễn Trung Thành là bút danh của nhà văn Nguyên Ngọc thời đánh Mỹ. Truyện “Rừng xà nu” của ông lần đầu tiên được đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng miền Trung Trung bộ, số 2 năm 1965. Truyện mang đậm tính sử thi, gợi lên một không khí núi rừng thiêng liêng huyền thoại. Cuộc đấu tranh vũ trang của dân làng Xô Man chống Mỹ - Diệm diễn ra vô cùng ác liệt đầy máu và nước mắt, sáng bừng ngọn lửa và chiến công. Những con đường, dốc núi, bờ suối chằng chịt hầm chông, hố chông, giàn thò, lưỡi thò “sắc lạnh”. Nhà ưng nơi tụ hội của người Strá đã có lúc biến thành pháp trường, chiến trường dữ dội, bi tráng.
1. Cả dân làng Xô Man, từ già tới trẻ, từ đàn ông tới đàn bà, ai cũng có trong tay một cây giáo, một cây mác, một cây vụ, cây rựa sáng loáng mài bằng đá mài núi Ngọc Linh do anh Tnú gùi về, ai không có giáo mác thì có 500 cây chông. Mỗi người dân là một chiến sĩ, một dũng sĩ nhen nhóm bằng ngọn lửa cách mạng và niềm tin mà anh Quyết cán bộ Đảng hoạt động bí mật đem lại cho dân làng Xô Man: “đánh Mỹ phải đánh lâu dài”, “cán bộ là Đảng; Đảng còn núi nước này còn”,…
Trong những năm dài đen tối khi quân Mỹ - Diệm kéo tới, suốt đêm ngày, chó của nó và súng của nó “sủa vang cả rừng”, dân làng Xô Man vẫn thay nhau vào rừng tiếp tế, bảo vệ cán bộ Đảng. Anh Xút bị giặc bắt treo cổ lên cây vả đầu làng, bà Nhan bị giặc chặt đầu, cột tóc treo đầu súng. Nhưng chẳng ai sợ! Người già, trẻ con, Mai và Tnú,… lại thay nhau vào rừng nuôi giấu, bảo vệ cán bộ. Suốt 5 năm trời, chưa hề có một cán bộ nào bị giặc bắt hay bị giặc giết trong rừng của làng Xô Man. Đó là niềm tự hào và đó là phẩm chất anh hùng, trung dũng của những người Strá.
a. Mỗi người dân làng Xô Man là một chiến sĩ. Cụ Mết già làng, oai phong lẫm liệt. Mắt sáng và xếch. Râu dài tới ngực và vẫn đen bóng. Ông cụ ở trần, ngực căng như một cây xà nu lớn. Đã 60 tuổi mà tiếng nói vẫn ồ ồ vang dội trong lồng ngực! Một lời khen “được” của ông cụ làm cho cả làng ai cũng hả dạ. Bàn tay nặng trịch “như một kìm sắt”. Lúc cụ nói, mọi người đều im bặt, trẻ con im bặt thin thít. Cụ Mết đầy uy tín, là một thủ lĩnh quân sự tài ba, quyết đoán. Để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu, cụ Mết lãnh đạo dân làng Xô Man đêm đêm thức mài vũ khí, ban ngày đi phát hết các rẫy cũ, trồng pom chu và sắn xanh mượt cả núi rừng. Trong những giờ phút nghiêm trọng nhất giữa cái sống và cái chết, cụ Mết đã chỉ huy đội du kích từ trong rừng bất ngờ xông lên nhà ưng tiêu diệt lũ ác ôn. Tiếng hô của cụ Mết vang lên: “Chém! Chém hết!”. Những cây rựa sáng loáng vung lên. Dưới lưỡi mác của cụ Mết, thằng Dục chỉ huy nằm gục trên vũng máu. Mười tên giặc bị giết chết, xác ngổn ngang quanh đống lửa xà nu giữa nhà ưng. Chính “đêm ấy”, tiếng chiêng nổi lên, lửa cháy khắp rừng. Và “cả rừng Xô Man ào ào rung động”. Cụ Mết trong truyện “Rừng xà nu” được miêu tả và ngưỡng mộ như một vị anh hùng dân tộc. Cụ đã thắp sáng ngọn lửa chiến đấu và chiến thắng vì chân lý lịch sử: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!”. Cụ đã nhắc nhở mọi người Strá phải giữ lấy truyền thống “thương núi, thương nước” kể lại cho con cháu nghe sau này. Nhân vật cụ Mết, một già làng, một lão du kích phi thường là một thành công đặc sắc của Nguyễn Trung Thành trong khắc họa tính cách anh hùng.
b. Tnú là một trai làng dũng mãnh, là niềm tự hào của bà con làng Xô Man. Cụ Mết đã nói về anh với tất cả tình yêu thương: “Nó là người Strá mình. Cha mẹ nó chết sớm, làng Xô Man này nuôi nó. Đời nó khổ, nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta”. Cuộc đời Tnú đầy máu và nước mắt như bao cuộc đời của người dân làng Xô Man dưới súng đạn của Mỹ - Diệm. Con đường chiến đấu của Tnú là con đường quật khởi của quê hương anh. Hai lần Tnú đi bộ 3 ngày lên núi Ngọc Linh để lấy một xà lét đá trắng về làm phấn, lấy một gùi đá mài đem về mài vũ khí, đó là hành động nói lên lòng khao khát ánh sáng cách mạng và tự do của anh. Phẩm chất anh hùng của Tnú được tôi rèn trong máu lửa chiến tranh. Thuở nhỏ, Tnú vào rừng tiếp tế và bảo vệ anh Quyết, cán bộ “nằm vùng” để học chữ, với niềm tin sắt đá: “Cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn”. Đi giao liên, lúc thì Tnú “xé rừng mà đi” lọt qua các vòng vây của giặc, lúc thì anh cưỡi lên thác băng băng như một con cá kình, tạo nên sự bất ngờ. Bị giặc bắt, Tnú đã nuốt ngay thư bí mật. Bị giặc tra tấn dã man, bắt khai ai là cộng sản, Tnú đặt tay lên bụng mình và nói: “Ở đây này!”. Lưng anh đầy vết chém, anh vẫn bất khuất, hiên ngang, giữ vững lòng trung thành với cách mạng.
Khi làng Xô Man quật khởi đứng lên mài vũ khí chống Mỹ - Diệm thì Tnú trở thành chỉ huy đội du kích. Với bọn giặc ở đồn Đắc Hà, anh là “con cọp… làm loạn rừng núi”… Tnú căm thù sôi sục quân giặc khát máu. Mắt anh trở thành “hai cục lửa lớn” khi lũ ác ôn giáng “trận mưa cây sắt” xuống vợ con anh. Anh coi bọn thằng Dục là “đồ ăn thịt người!”. Tnú đã nhảy bổ vào giữa lũ giặc để cứu vợ con, “hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai”. Hình ảnh Tnú bị giặc tra tấn, đốt cháy mười ngón tay thành mười ngọn đuốc, mắt anh trừng trừng, anh cắn nát môi, nghe lửa cháy trong lòng ngực… “anh không thèm kêu van”, đã làm cho chúng ta vô cùng cảm phục. Anh đã nêu cao một tư thế lẫm liệt hiên ngang. Con người anh tưởng như được đúc bằng thép! Khí phách của Tnú là khí phách của người anh hùng sử thi. Tình tiết Tnú xông xuống hầm ngầm giặc, không dùng súng, không dùng dao mà chỉ giết thằng chỉ huy ác ôn bằng mười ngón tay, ngón nào cũng bị cháy mất một đốt - đã nói lên ý chí căm thù giặc không bao giờ nguôi trong lòng anh. Lòng căm thù đã cho Tnú sức mạnh chiến đấu và chiến thắng.
Nguyễn Trung Thành đã khắc họa đôi bàn tay Tnú để tô đậm phẩm chất anh hùng của đứa con yêu làng Xô Man. Nếu ngọn lửa thần A-nhi đã soi sáng lòng kiên trinh của nàng Si-ta trong sử thi Ra-ma-ya-na, thì ngọn lửa xà nu trên mười ngón tay đã làm sáng bừng lên dũng khí và tinh thần bất khuất của nhân vật Tnú anh hùng. Dưới ngòi bút Nguyễn Trung Thành, nhân vật Tnú mang vẻ đẹp huyền thoại.
c. Mai và Dít là hình ảnh người phụ nữ mới của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thời đánh Mỹ. Thuở bé, Mai đã vào rừng tiếp tế và bảo vệ cán bộ. Mai học chữ rất giỏi, ba tháng đọc được chữ, sáu tháng làm được toán hai con số. Khi đã trở thành người vợ, người mẹ, Mai đã dũng cảm lấy thân mình để bảo vệ đứa con thơ, và chị đã bất khuất hi sinh trước trận mưa cây sắt của thằng giặc khát máu. Dít là em gái của Mai. Cái mũi hơi tròn, đôi mắt mở to, bình thản, trong suốt. Lớn lên, Dít càng giống Mai. Dít cũng bị giặc bắt khi Dít đi vào rừng tiếp tế cho đội du kích. Lũ giặc đã biến Dít thành “tấm bia sống”, bắn sượt qua tai sém tóc, váy rách tượt từng mảng. Từ viên đạn thứ mười trở đi, Dít chùi nước mắt, im bặt, “nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng!”. Thật là gan dạ, lẫm liệt. Chỉ 3 năm sau, Dít đã trở thành bí thư chi bộ kiêm chính trị viên xã đội, linh hồn cuộc chiến đấu của dân làng Xô Man. Có thể nói Mai và Dít tiêu biểu cho những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” đã gắn bó cuộc đời mình với sự sống còn, với đau thương và uất hận, với nhục và vinh của dân tộc trong thời đánh Mỹ.
d. Đọc truyện “Rừng xà nu” ta không thể nào quên được bé Heng, mặc dù tác giả chỉ phác họa một vài nét. Đó là một chú bé nhanh nhẹn, thông minh, thuộc con đường, những hầm chông, những giàn thò, những ác chiến điểm của làng mình như thuộc lòng bàn tay mình. Người nhỏ bé, đóng khố, áo bà ba dài phết đít, đầu đội một cái mũ sụp xin được của anh Giải phóng quân nào đó. Một khẩu súng trường mát đeo chéo ngang lưng “ra vẻ một người lính thực sự”. Khi thì Heng nhắc Tnú không được uống nước lã. Khi thì Heng giới thiệu về chị Dít. Heng giục Tnú đi nhanh, “sắp tối rồi!”. Nó hất hàm ra hiệu, thân mật nói với Tnú: “Lâu ngày về, chân không leo nổi cái dốc nữa à?”. Em báo cho Tnú biết: “Chông đấy! Có chông đấy!…”. Heng tháo cây súng chống xuống đất và gọi to: “Người già ơi, có khách đấy!”. Heng chỉ là người dẫn đường, chỉ là người dẫn chuyện, xuất hiện trong khoảnh khắc. Thế mà đầy ấn tượng, đó là cái tài của Nguyễn Trung Thành trong miêu tả nhân vật. Bé Heng đã trưởng thành cùng với cuộc chiến đấu vũ trang của dân làng Xô Man. Con người em đã hình thành bao phẩm chất anh hùng. Em là một cây xà nu, một cây con mới mọc “vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã…” trong bom đạn giặc!
2. Thời kháng chiến, cây tre, cây dừa, cây đước đã được một số nhà văn nhà thơ dành cho một địa vị sang trọng. “Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hy sinh để bảo vệ con người” (“Cây tre Việt Nam” - Thép Mới). Với Nguyễn Trung Thành, cây xà nu, một loại cây “man dại mà cao quý đáng yêu” đã trở thành một biểu tượng, một nhân vật mang bao phẩm chất tốt đẹp, anh hùng. Trong truyện, cây xà nu, đồi xà nu, rừng xà nu, cành lá xà nu, ngọn xà nu, nhựa xà nu, lửa xà nu,… được nhắc đến rất nhiều lần, đầy ấn tượng. Cây xà nu là cảnh quan, là vẻ đẹp hùng vĩ của làng Xô Man: “…trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời”. Đồi xà nu trùng điệp ấy gợi cho ta liên tưởng về người người lớp lớp trong thế trận chiến tranh nhân dân, trong cuộc diễu binh hùng vĩ. Mưa đại bác của giặc dội xuống suốt đêm ngày đã hơn ba năm nay, cây xà nu cùng chung số phận đau thương tang tóc với người Strá. Hàng vạn cây xà nu không có cây nào không bị thương. Đại bác giặc chặt đứt ngang nửa thân mình, cây xà nu “đổ ào ào như một trận bão”. Một cảnh tượng dữ dội, một tư thế lẫm liệt hiên ngang. Cây xà nu bị thương, nhựa ứa ra tràn trề “đặc quện thành từng cục máu lớn”. Cũng như những em bé - những nạn nhân trong chiến tranh, những cây xà nu vừa lớn ngang tầm ngực, nhựa còn trong, dầu còn loãng, bị trúng đạn, vết thương cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Cây xà nu được nhân hoá; nỗi đau của rừng xà nu mãi mãi là vết thương lòng của con người trong nhiều năm tháng. Cây xà nu có một sức sống phi thường, vô cùng mãnh liệt. Nó là loại cây ham ánh sáng mặt trời nhất trong rừng. Ở một gốc cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên, “ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Một so sánh rất đẹp thể hiện một tư thế hiên ngang dũng mãnh trong lửa đạn. Nhựa xà nu “thơm mỡ màng”, “thơm ngào ngạt”, đó là phẩm chất cao quý để lại cho đời. Rừng xà nu, đồi xà nu mang tầm vóc dũng sĩ. Nếu cây tùng trong thơ Ức Trai có “tài “đống lương”… nhà cả đòi phen chống khoẻ thay”, để lại hổ phách phục linh “dành còn để trợ dân này”, thì rừng xà nu đã hai ba năm nay “ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng”. Qua đó, ta thấy thời chiến tranh, cây cỏ đã cùng con người chung sức chung lòng đánh giặc để giữ làng giữ nước. Đọc truyện “Rừng xà nu”, một ấn tượng sâu sắc đối với mỗi chúng ta là đống lửa xà nu rực cháy trên nhà ưng đã làm cho lưỡi mác của cụ Mết, mũi giáo của đội du kích thêm sáng loáng, đã soi tỏ xác lũ ác ôn ngổn ngang trên những vũng máu. Cây xà nu, lửa xà nu đã cùng dân làng Xô Man chan hòa trong niềm vui thắng trận.
Cụ Mết đã nói với Tnú: “Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố nó giết hết rừng xà nu này!”. Đó là lời thách thức! Đó là niềm tự hào của già làng, của người dân làng Xô Man về rừng xà nu yêu quý. Nguyễn Trung Thành đã viết nên những trang văn xuôi tráng lệ nhất, mang âm hưởng anh hùng ca về cây xà nu. Cây xà nu là một hình tượng kì vĩ, cũng là một nhân vật sử thi thần kì.
Truyện “Rừng xà nu” là một kiệt tác văn chương. Cảm xúc dồn nén, sự kiện dồn nén, đúng là “truyện của một cuộc đời được kể trong một đêm, đó là cái đêm dài như cả một đời người”. Từ cây xà nu đến con người, tất cả đều phi thường, đều mang thêm bao phẩm chất anh hùng. Tất cả đều tượng trưng cho khí phách và sức sống phi thường của con người, của thiên nhiên núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Có người đã ca ngợi thiên truyện “Rừng xà nu” là “khúc tráng ca về tự do” thời đánh Mỹ.
Bài làm (Câu 2)
Chế Lan Viên xuất hiện trong phòng trào “Thơ mới” (1932 - 1941) với tập thơ “Điêu tàn”. Tập thơ “Ánh sáng và phù sa” là tập thơ thứ ba của ông, xuất bản năm 1960. Nó là một trong những đỉnh cao về tư tưởng và nghệ thuật thơ ca của Chế Lan Viên.
Bài thơ “Tiếng hát con tàu” rút trong tập thơ “Ánh sáng và phù sa”. Nó ra đời trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc. Bài thơ mang cảm hứng đẹp và có một ý nghĩa sâu sắc. “Tiếng hát con tàu” ca ngợi Tây Bắc là xứ xở anh hùng có nhiều chiến công lừng lẫy thời đánh Pháp, ca ngợi đồng bào Tây Bắc (anh hùng du kích, bà mế, em liên lạc, cô gái) giàu tinh thần cách mạng. Bài thơ thể hiện lòng yêu nước, biết ơn nhân dân, nói lên khát vọng lên đường hiến dâng và sáng tạo:
“Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi?
Tình em đang mong, tình mẹ đang chờ
Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội
Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga”.
Đoạn thơ dưới đây trích trong phần 2 bài “Tiếng hát con tàu” nói lên nỗi nhớ Tây Bắc và những suy nghĩ sâu sắc của nhà thơ về con người và cuộc sống trong mối quan hệ thuỷ chung:
“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”.
1. Câu thơ thứ nhất diễn tả hai nỗi nhớ, nhớ bản, nhớ đèo. Bản thì mịt mù “sương giăng”, đèo thì ẩn hiện sau bao lớp “mây phủ”. Câu thơ có 2 vế tiểu đối: “Nhớ bản sương giăng // nhớ đèo mây phủ” làm hiện lên những cảnh sắc của miền Tây Bắc xa xôi, vời vợi nghìn trùng. Cảnh “bản sương giăng” và “đèo mây phủ” như đưa tâm hồn ta trôi về hoài niệm những năm dài kháng chiến gian khổ. Chữ “nhớ” được điệp lại hai lần đã nhấn mạnh bao nỗi nhớ thiết tha, triền miên, bồi hồi. Nhớ Tây Bắc là nhớ chiến trường xưa, “xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng”. Nhớ Tây Bắc là nhớ mảnh đất đã nuôi ta thành dũng sĩ những ngày máu lửa. Vì thế nỗi nhớ nào cũng sâu sắc, cảm động:
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.
(“Tây Tiến” - Quang Dũng)
Câu thơ thứ hai là tiếng hỏi khẽ lòng mình. Nhiều trầm ngâm và lay động. Tự hỏi về nguồn cơn những nỗi nhớ ấy. Câu hỏi tu từ khẳng định một tình cảm đẹp:
“Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?”
Vì đã sống hết mình, sống với tất cả tấm lòng yêu thương nên mới có nỗi nhớ tha thiết bồi hồi ấy. Chế Lan Viên đã nói lên nỗi nhớ Tây Bắc qua 2 câu thơ rất đẹp, giàu cảm xúc, thể hiện một tấm lòng ân nghĩa thuỷ chung. Tự hỏi mình để tự đo lòng mình.
2. Sau nỗi nhớ Tây Bắc, nhà thơ nói lên những suy nghĩ sâu sắc của mình về mối quan hệ giữa con người và cuộc sống:
“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”.
Câu trúc song hành đối xứng, làm cho lời thơ đẹp, một vẻ đẹp hài hòa cân xứng. Cảnh ngộ sống đã đổi thay. Xưa là “khi ta ở”, nay là “khi ta đi”. “Nơi đất ở” trước đây, nay đã có một sự biến đổi kì diệu: “đất đã hóa tâm hồn”; đất “yêu thương” ấy đã trở thành kỉ niệm, thành hành trang của lòng mình. Quan niệm sống và chuyện đạo lý được đề cập đến một cách đầy trí tuệ và nên thơ. Nếu ăn xổi ở thì, vong ân bội nghĩa thì “đi” là hết! Trái lại, biết sống hết mình, sống trong tình nghĩa thuỷ chung, biết đem mồ hôi và xương máu để hiến dâng “nơi đất ở” thì lúc ta đi xa, mới có thể đất “hóa tâm hồn”. Đây là hai câu thơ rất đẹp. Đẹp về ý tưởng, hàm chứa bài học ân nghĩa thuỷ chung ở đời. Đẹp vì lời thơ mang màu sắc trí tuệ.
Xa Tây Bắc nhưng nỗi nhớ da diết khôn nguôi. Quên sao được anh du kích? Trước lúc ra trận, chiếc áo nâu “đêm cuối cùng anh cởi lại cho con”?. Quên sao được bà mế “lửa hồng soi tóc bạc”, mế đã yêu thương săn sóc con “năm con đau, mế thức một mùa dài…”?…
- “Con nhớ anh con, người anh du kích…”
- “Con nhớ em con, thằng em liên lạc…”
- “Con nhớ mế, lửa hồng soi tóc bạc…”
- “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét…”
Vì thế, Tây Bắc là mảnh đất thiêng liêng sâu nặng ân tình, là “mẹ của hồn thơ”, là “đất đã hoá tâm hồn” người cán bộ kháng chiến.
Đoạn thơ trên đây tiêu biểu cho bút pháp nghệ thuật của Chế Lan Viên: sáng tạo hình ảnh đẹp, ngôn ngữ sắc sảo, giàu chất suy tưởng và vẻ đẹp trí tuệ. Chất xúc cảm và chất trí tuệ hòa quyện đã làm cho đoạn thơ này trở thành vần thơ, câu thơ trong trí nhớ của nhiều người. Đoạn thơ đã thức dậy trong tâm hồn ta những tình cảm đẹp về quê hương đất nước.
Bài làm (Câu 3)
Truyện "Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Thi là khúc tráng ca của tuổi trẻ miền Nam anh hùng thời đánh Mĩ.
Một trong những nét đặc sắc về nghệ thuật là Nguyễn Thi đã tạo nên màu sắc Nam Bộ, một dấu ấn tuyệt đẹp mà độc giả dễ dàng nhận thấy.
Màu sắc Nam Bộ biểu hiện rõ nhất là ở cảnh vật được miêu tả, ở sự việc được nói đến, ở tính cách và ngôn ngữ nhân vật được khắc họa (má Tư Năng, chú Năm, chị Chiến, Việt,...)
Cảnh tượng chiến trường ở nơi nào, ở thời nào chẳng giống nhau, nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Thi, chiến trường sau tiếng bom rền đạn réo lại có nét riêng, rất Nam Bộ. Giữa đồng không mông quạnh "một sự vắng lặng như từ trên trời lao xuống...", "tiếng dế gáy u u cao vút mãi lên" giữa đêm sâu thăm thẳm. Chính giữa không gian ấy, người chiến sĩ bị thương nặng, lạc đơn vị mới cảm thấy rõ nhất mình đang trở về kỉ niệm tuổi thơ, mình đang sống giữa quê hương (một nơi trên vùng đồng bằng Nam Bộ): "Bóng đêm vắng lặng và lạnh lẽo bao trùm lấy Việt, kéo theo đến cả con ma cụt đầu vẫn ngồi trên cây xoài mồ côi và thằng chỏng thụt lưỡi hay nhảy nhót trong những đêm mưa ngoài vòm sông, cái mà Việt vẫn nghe các chị nói hồi ở nhà, Việt nằm thở dốc...".
Ngôi nhà má Tư Năng cũng như hàng ngàn hàng vạn mái nhà của bà con khắp vùng Hậu Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Bến Tre... ở cạnh các vàm, các kênh, bao trùm bởi màu xanh của rặng bần, của khóm đước, mà người Bắc rất dễ nhận ra: "Nhà day ra cửa sông, trong đêm vui náo nức này, đom đóm từ ngoài rặng bần cũng kéo vào đầy nhà. Chúng bay chớp chớp như dò trên nóc rồi sà xuống mặt Việt".
Màu sắc Nam Bộ được thể hiện ở những vật dụng, ở cái gia tài của má Tư Năng để lại. Đó là "năm công ruộng hồi trước mấy chú cấp cho ba má", là "hai công mía để dành làm đám giỗ ba má", là những thứ làm ăn của nhà nông nghèo khó, lam lũ: nồi, lu, chén, đĩa, cuốc, vá, đèn soi mà chị em Việt sẽ gửi lại chú Năm, trước khi đi đánh giặc.
Cảnh đêm tòng quân của tuổi trẻ vùng đồng bằng Nam Bộ vui như ngày hội, bà con cô bác cả xã kéo đến, "đèn sáng rực", hai chị em Chiến và Việt tranh giành nhau, làm cho anh cán bộ "đã cầm viết rồi lại đặt xuống", chú Năm phải "nheo mắt nhìn" đứng ra phân xử: "Hai đứa cháu tôi nó một lòng theo Đảng như vậy, tôi cũng mừng. Vậy xin trên cứ ghi tên cả hai. Việc lớn ta tính theo việc lớn, còn việc thỏn mỏn trong nhà tôi thu xếp khắc xong". Đó là tấm lòng, là ý nghĩ, là cách nói chất phác của bà con cô bác nơi miệt vườn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cảnh hỗn chiến giữa ta và giặc, cảnh tấn công như vũ bão của quân ta, qua sự lắng nghe, sự cảm nhận của Việt vừa hồi tỉnh sau cơn mê cũng mang nét rất riêng của Nam Bộ thời đánh Mĩ: "Việt ngóc dậy. Rõ ràng không phải tiếng pháo lểnh lảng của giặc. Đó là tiếng nổ quen thuộc, gom vào một chỗ, lớn nhỏ không đều, chen vào đó là những dây súng nổ vô hồi vô tận. Súng lớn và súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng mõ và tiếng trống đình đánh dậy trời dậy đất hồi Đồng khởi".
Màu sắc Nam Bộ được thể hiện rõ nhất ở tính cách và ngôn ngữ của các nhân vật như má Tư Năng, chú Năm, của Chiến, Việt.
Hình ảnh má Tư Năng dẫn đàn con đi đòi đầu ba, hình ảnh má Tư Năng hiên ngang, thách thức: "Vợ Tư Năng đây!" khi đứng trước mũi súng và lời hăm dọa của lũ giặc: "Vợ Tư Năng đâu?". Bọn lính bắn vọt qua đầu má, má đưa hai bàn tay to bản phủ lên đầu đàn con đang nép dưới chân. Má chèo xuồng, mà đi làm thuê, mà đi đấu tranh chính trị, má coi thường cái chết, vì má tin một cách mộc mạc, giản dị rằng "người chết có cái vui của người chết, nếu không, người ta sanh con ra làm gì?". Hình ảnh má Tư Năng làm ta nhớ đến câu nói: "Còn cái lai quần cũng đánh" của chị Út Tịch trong "Người mẹ cầm súng".
Cái cuốn sổ ghi bao việc "thỏn mỏn" trong gia đình bằng thứ chữ "lòng còng". Chuyện thím Năm, ông nội, bác Hai, tía của Việt... bị giặc giết như thế nào, các chiến tích của ông nội, của bác Hai, của chị em Việt, chú đều ghi rõ. Cuốn sổ ấy là truyền thống cách mạng của gia đình má Tư Năng, cũng là của hàng vạn gia đình nông dân Nam Bộ trong suốt ba mươi năm trời đánh Pháp, đánh Mĩ.
Nguyễn Thi có tài sử dụng một số chi tiết nghệ thuật bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, nâng lên tầm khái quát, tô đậm màu sắc Nam Bộ. Tiếng hò của chú Năm là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của Nguyễn Thi tạo dựng nên. Giọng hò của chú Năm "đục và tức như gà gáy". Đã nhiều lần chú cất giọng hò. Trước bữa cúng má Tư Năng, chị em Việt Chiến sắp lên đường ra trận, chú Năm cất giọng hò: "Câu hò nổi lên giữa ban ngày, bắt đầu cất lên như một hiệu lệnh dưới ánh nắng chói chang, rồi kéo dài, từng tiếng một vỡ ra, nhắn nhủ, tha thiết, cuối cùng ngắt lại như một lời thề dữ dội".
Chị Chiến giống má như đúc. Chiến cũng có hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng như má. Tiếng "cóc", tiếng "nghen", tiếng "ừ", tiếng chân bước "bịch bịch" của Chiến có khác nào má, "in như má vậy". Bàn việc thu xếp nhà cửa trước khi đi đánh giặc, nghe em nói, Chiến "...hứ một cái "cóc" rồi trở mình. May mà chị không bẻ tay rồi đập vào bắp vế than mỏi" như má. Chiến đảm đang, sớm biết lo liệu, thường nhường nhịn em, chú Năm đã hết lời ca ngợi: "Khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non". Chiến có tư thế hiên ngang, quyết liệt như các o du kích vườn dừa Bến Tre: "Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!"
Việt là hình ảnh đẹp nhất, in đậm màu sắc Nam Bộ nhất trong truyện "Những đứa con trong gia đình". Nụ cười "lỏn lẻn", hai gò má "căng mướt như da trái vú sữa", cái ná thun của tuổi thơ vẫn mang theo khi đi bộ đội, Việt rất giống ba, mỗi lần nghe tiếng ná thun của Việt, má lại nói: "Đó, lại giống cái thằng cha nó rồi!". Việt hồn nhiên, trong sáng: hay tranh giành với chị, nhưng lại "giấu chị như giấu của riêng" trước đồng đội. Dũng cảm trong chiến đấu, không sợ giặc nhưng lại sợ "thằng chỏng thụt lưỡi", "con ma cụt đầu",... Mới hai tuổi quân đã lập công tiêu diệt một xe bọc thép Mĩ; bị trọng thương, lạc đơn vị, nằm giữa chiến trường, tuy chỉ còn một viên đạn đã lên nòng, Việt "vẫn sẵn sàng nổ súng". "Trên trời có mày, dưới đất có mày, cả khu rừng này còn có mình tao. Mày có bắn tao thì tao cũng bắn được mày"... Hình ảnh Việt theo má lên tới quận "đòi đầu ba", hình ảnh Việt trong đêm tòng quân, trong cảnh cùng chị gái khiêng bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm đã làm ta nhớ mãi, nhớ đứa con trai má Tư Năng, nhớ một chàng trai mới lớn vùng miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long thời chống Mĩ. Việt là hình bóng của quê hương; Việt là hiện thân trong câu hò của chú Năm: "... khi thì Việt biến thành tấm áo vá quàng hoặc con sông dài cá lội của chú, khi thì Việt biến thành người nghĩa quân Trương Định, ngọn đèn biển Gò Công, hoặc ngôi sao sáng ở Tháp Mười".
Thời chống Mĩ, tuổi trẻ cả nước ta nung nấu một lời thề: "Ra đi chỉ một lời thề - Chưa giết hết giặc chưa về quê hương". Việt và chị gái khi khiêng bàn thờ má đi gửi cũng đinh ninh một lời thề: "Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nào nước nhà độc lập, con lại đưa má về".
"Những đứa con trong gia đình" đã kết tinh nghệ thuật của ngòi bút Nguyễn Thi. Nghệ thuật kể chuyện, dựng cảnh, tạo hình, chọn chi tiết điển hình, phân tích tâm lí nhân vật, cá biệt hoá ngôn ngữ nhân vật,... tất cả đều mang màu sắc và hương vị Nam Bộ. Màu sắc Nam Bộ tạo nên hồn cốt phong cách ngôn ngữ nghệ thuật của Nguyễn Thi trong "Người mẹ cầm súng" và "Những đứa con trong gia đình".
Sự thành công đó đã khẳng định vị thế được tôn vinh của Nguyễn Thi là "nhà văn của người nông dân Nam Bộ thời chống Mĩ”.
File đính kèm:
- CHUYEN DE ON VAN 12- P.5.doc