Sinh học cũng như Vật lí hay Hóa học - Đó là những bộ môn khoa học thực nghiệm, có nghĩa là sự học tập nghiên cứu luôn gắn liền với thực hành , thí nghiệm và cũng ngược lại từ thí nghiệm thực hành lại quay trở lại phục vụ học tập nghiên cứu, phục vụ cuộc sống.
Sách giáo khoa sinh học mới hiện nay có rất nhiều điểm mới so với sách giáo khoa cũ trước đây cả về nội dung và cách thể hiện, góp phần mang đến sự hứng thú mới trong cách học tập của các em. Một điểm có thể nhận thấy mà sách giáo khoa mới có được trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng con người hoàn thiện đó là sự tăng cường các tiết thực hành trong các tiết học. Đây là sự bù đắp cần thiết cho học sinh của chúng ta hiện nay khi học sinh Việt Nam nói chung có tiếng giỏi về lí thuyết nhưng kĩ năng thực hành lại còn rất hạn chế.
12 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 3056 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Làm thế nào để dạy tốt bài thực hành: "tìm hiểu hoạt động của enzim trong nước bọt" ?, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Làm thế nào để dạy tốt bài thực hành:
"Tìm hiểu hoạt động của enzim trong nước bọt" ?
A/ Đặt vấn đề:
Sinh học cũng như Vật lí hay Hóa học - Đó là những bộ môn khoa học thực nghiệm, có nghĩa là sự học tập nghiên cứu luôn gắn liền với thực hành , thí nghiệm và cũng ngược lại từ thí nghiệm thực hành lại quay trở lại phục vụ học tập nghiên cứu, phục vụ cuộc sống.
Sách giáo khoa sinh học mới hiện nay có rất nhiều điểm mới so với sách giáo khoa cũ trước đây cả về nội dung và cách thể hiện, góp phần mang đến sự hứng thú mới trong cách học tập của các em. Một điểm có thể nhận thấy mà sách giáo khoa mới có được trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng con người hoàn thiện đó là sự tăng cường các tiết thực hành trong các tiết học. Đây là sự bù đắp cần thiết cho học sinh của chúng ta hiện nay khi học sinh Việt Nam nói chung có tiếng giỏi về lí thuyết nhưng kĩ năng thực hành lại còn rất hạn chế.
Nhưng cũng chính từ việc thay sách giáo khoa mới dẫn đến sự phát sinh ra một số vấn đế cần giải quyết. Đó là một số giáo viên đang loay hoay tìm cho mình một phương pháp tối ưu trong quá trình giảng dạy để đạt được kết quả cao nhất. Mặt khác, rất nhiều giáo viên hiện nay đang còn coi trọng giảng dạy về phần lí thuyết mà quên mất rằng các bài thực hành cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Điểm qua các tiết thực hành trong chương trình sinh học THCS có thể thấy các tiết thực hành thường được bố trí sắp xếp ở cuối mỗi chương. Theo tôi đây là sự sắp xếp hoàn toàn hợp lí bởi khi đó các em đã lĩnh hội tương đối đầy đủ về kiến thức lí thuyết . Lúc này dường như các em đang muốn kiểm tra xem nhưng kiến thức mình học trước đó liệu có đúng không? Có phù hợp không? Đồng thời đây cũng là lúc các em muốn giải tỏa tâm lí sau các giờ học lí thuyết căng thẳng trên lớp. Đây cũng là dịp để các em thể hiện mình về khả năng làm việc theo nhóm, về ý thức trách nhiệm đối với công việc chung. Bởi vậy các tiết thực hành luôn được các em đón nhận tích cực, điều đó cũng có nghĩa giáo viên cần phải có sự nỗ lực chủ động để đáp ứng tốt nhất cho bài thực hành.
Trong các tiết thực hành chúng ta có thể phân biệt thành nhiều loại khác nhau: Thực hành xem băng hình( tìm hiểu tập tính của sâu bọ...), thực hành trên mẫu vật sống ( tìm hiểu cấu tạo của tôm, chim bồ câu...) , thực hành trên giấy( lập khẩu phần ăn) hay làm thí nghiệm thực hành kiểm chứng( tìm hiểu vai trò của enzim trong nước bọt)
Mỗi bài thực hành đều có cái hay , thú vị của nó nhưng xét về góc độ khó thực hiên thành công thì theo quan điểm của tôi và nhiều đồng nghiệp mà tôi từng được tiếp xúc thì bài thực hành "Tìm hiểu hoạt động của enzim trong nước bọt" ( SGK Sinh học 8) là một trong những bài khó thành công nhất.
Trải qua 2 năm được giao nhiệm vụ dạy học sinh học 8 tôi cố một vài kinh nghiệm nhỏ muốn chia sẻ với các bạn về bài này, hi vọng những kinh nghiệm của tôi có thể giúp cho tiết dạy thực hành của các bạn được tốt hơn
B/ Giải quyết vấn đề
Để tiến hành tốt buổi thực hành thì trước tiên giáo viên bộ môn cần phải nắm chắc những kiến thức liên quan đến bài thực hành.
1. Một số kiến thức kiến thức liên quan đến quá trình biến đổi thức ăn ở khoang miệng.
Trong hệ tiêu hóa, khoang miệng là nơi đầu tiên tiếp nhận thức ăn từ môi trường ngoài vào ống tiêu hóa. Đó là một khoang rỗng bao gồm các bộ phận chính : Răng( răng cửa, răng nanh và răng hàm) có nhiệm vụ cắn xé, nghiền nát thức ăn. Lưỡi là một khối cơ vân dùng để đảo trộn thức ăn và đẩy thức ăn xuống hầu.Đặc biệt trong khoang miệng có các tuyết nước bọt quyết định đến quá trình biến đổi hóa học của thức ăn tại đây.
Các tuyến nước bọt tiết ra nước bọt. Chất dịch này làm ẩm các tiểu phân thức ăn, kết viên chúng và tiêu hóa hóa học các hợp chất gluxit. Đồng thời nước bọt cũng là một dung môi để hòa tan một số chất trong thức ăn và có tác dụng làm sạch răng miệng.
Nước bọt là một hỗn hợp lỏng không màu bao gồm 99-99,4 % là nước, 0,6 - 1% là chất khô. Trong nước bọt có 2 loại tế bào tiết là tế bào tiết thanh dịch và tế bào tiết chất nhầy. Tế bào tiết thanh dịch tiết ra 1 dịch lỏng chứa enzim aminlaza . Em zim này có tác dụng làm cắt các phân tử tinh bột hay glucogen có cấu tạo phức tạp thành các phân tử đường đôi. Đây là khâu đầu tiên trong sự tiêu hóa gluxit. Các tế bào tiết chất nhầy tiết ra một dịch đặc hơn giúp kết viên các tiểu phân chất tan và có tác dụng làm trơn trong cơ chế nuốt thức ăn.
Khoang miệng có 3 cặp tuyến nước bọt lớn( tuyến mang tai, tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưới ) và nhiều tuyến nhỏ liên kết với màng nhầy của lưới, vòm miệng và má. Tuyến mang tai là tuyến nước bọt lớn nhất nặng khoảng 20 - 30 gam nằm dưới lớp da má, phía trước và hơi thấp hơn ống tai ngoài phủ lên phần sau cơ nhai. Tuyến này tiết ra dịch lỏng, trong và giàu amilaza.
Tuyến dưới hàm chỉ nặng 15 gam , nằm ở bờ dưới của xương hàm và dưới cơ hàm- móng. Các tế bào của tuyến này chủ yếu là tế bào tiết thanh dịch, các tế bào tiết chất nhầy rất ít. Dịch của tuyến này tiết ra đặc sền sệt hơn tuyến mang tai.
Tuyến dưới lưỡi là nhỏ nhất , chỉ nặng chừng 5 gam nằm trên cơ hàm móng , ở ngay nền miệng và dưới lớp màng nhầy. Các tế bào tiết của tuyến này chủ yếu là tế bào tiết dịch nhầy cho nên dịch tiết của chúng đặc và quánh.
Sự tiết nước bọt có liên quan đến phân hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm trong hệ thần kinh sinh dưỡng. Khi chúng ta nhìn thấy hay ngửi thấy thức ăn ngon thì thì phân hệ thần kinh giao cảm sẽ gửi xung thần kinh kích thích các tuyến tiết ra nhiều nước bọt, ngược lại khi chúng ta nhìn hay ngửi thức ăn kém hấp dẫn thì phân hệ giao cảm làm cho quá trình tiết nước bọt diễn ra ít hơn.
Khi giáo viên đã làm chủ được kiến thức của mình thì bản thân sẽ cảm thấy tự tin hơn trước khi bước vào tiết thực hành. Tuy nhiên sự chuẩn bị chu đáo về dụng cụ và hóa chất không lúc nào thừa, nó có thể quyết định sự thành công của các thí nghiệm.
2. Một số kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị .
a. Về dụng cụ.
Sách giáo khoa sinh học 8 đã đề cập đầy đủ đến các dụng cụ liên quan đến bài thực hành. Tuy vậy tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất của từng trường mà chúng ta có những sự chuẩn bị khác nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến kết quả thí nghiệm.
Giáo viên cần chuẩn bị dụng cụ cho 3-4 nhóm tùy vào số học sinh của từng lớp. Mỗi nhóm gồm những dụng cụ sau:
- 12 ống nghiệm nhỏ (10 ml ) . Yêu cầu đối với mỗi ống nghiệm là phải sạch, càng sạch thì sự quan sát hiện tượng độ trong của học sinh càng chính xác. ống nghiệm không có dấu hiệu rạn nứt hay sứt mẻ. Như vậy với 4 nhóm thì giáo viên cần phải chuẩn bị tới 48 ống nghiệmomSau khi đã lựa chọn được các ống nghiệm vừa ý thì giáo viên tiến hành đánh dấu các ống nghiệm nhằm tránh sự thất lạc. Các ống nghiệm được kí hiệu bằng các chữ cái và con số A, B, C, D, A1, A2, A3, A4, B1, B2, B3 , B4. Cần chú ý thí nghiệm được tiến hành ở nhiều lớp do đó trong quá trình đánh dấu các ống nghiệm thì cách tốt nhât nên làm đó là: cắt các tờ giấy trắng nhỏ, viết kí hiệu lên tờ giấy và dùng băng gián trong dán lên phía trên gần sát đầu của ống nghiệm. Không nên gián ở giữa ống nghiệm vì khi cho ống nghiệm vào nước có thể làm băng dán bong ra. Với cách này chúng ta có thể gỡ kí hiệu ra một cách dễ dàng. Cũng không nên dùng bút xóa để đánh dấu vì sau khi làm xong thí nghiệm khó tẩy các kí hiệuđã viết .
- 2 giá dùng để ống nghiệm
- 2 đèn cồn
- 2 ống đong chia độ(10ml)
- 2 phễu nhỏ và bông lọc
- 1 bình thủy tinh có dung tích 4- 5 lít, đũa thủy tinh , nhiệt kế, cặp ống nghiệm, may so đun nước.
Thực tế hiện nay ở nhiều trường học sự chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ ở trên là rất khó khăn. Ví dụ : bình thủy tinh 4-5 lit hay may so đun nước. Về bình thủy tinh chúng ta có thể thay thế bằng loại cốc thủy tinh có dung tích 500 ml có trong phòng thí nghiệm.
Trong trường hợp không có may so đun nước chúng ta có thể duy trì nhiệt độ của nước bằng cách đơn giản như sau: Lấy 1 cốc nước nóng, khi nhiệt độ xuống dưới 370 C thì từ từ thêm nhẹ nước nóng vào trong cốc đến khi nhiệt độ của nước trở lại 37 0 C thì dừng.
b. Về vật liệu.
- Nước bọt hòa loãng (25%) lọc qua bông lọc. Nước bọt được lấy từ học sinh trước tiết thực hành. Công việc này giao cho từng nhóm nên tiến hành trước khi bước vào thực hành khoảng 45 phút. Đây cũng là thời gian vừa đủ để sau đó giáo viên tiến hành chuẩn bị các công việc còn lại. Để đảm bảo vệ sinh trong quá trình lấy nước bọt thì giáo viên cần chuẩn bị một số ống nghiệm và yêu cầu học sinh đến một góc khuất của lớp và cho nước bọt vào ống nghiệm. Khi nước bọt được lấy xong giáo viên tiến hành trộn 6 ml nước bọt với 18 ml nước cất để tạo thành dung dịch có nồng độ khoảng 25 %, sau đó lọc qua bông lọc để lọc hết những bọt khí có trong dung dịch nước bọt.
- Hồ tinh bột: dung dịch hồ tinh bột được lấy với nồng độ khoảng 1 %. Để có được hồ tinh bột thì trước bài thực hành hướng dẫn học sinh lấy hồ tinh bột từ nước cơm đã đun sôi hoặc lấy một ít cơm bóp nhỏ cho vào trong nước dùng đũa khuấy tan tạo thành dung dịch hơi đục là được. Sau đó dung dịch hồ tinh bột có thể được lọc qua giấy lọc định tính.
- Dung dịch HCl pha loãng với nồng độ khoảng 2%.
- Dung dịch I ốt ( 1%) : hòa tan I ốt đến khi tạo thành dung dịch có màu vàng nhạt là được.
- Thuốc thử Strôme : lấy khoảng 3 ml NaOH 10% + 3 ml CuSO4 2% .
2. Một số điểm cần lưu ý khi thực hiện các bước của tiết thực hành.
Để cho buổi thực hành đạt kết quả cao nhất thì trước tiết thực hành giáo viên cần yêu cầu học sinh về nhà nghiên cứu các bước tiến hành, thử dự đoán hiện tượng và giải thích dựa vào những kiến thức đã học.
Bước1: Để tiết kiệm thời gian thì bước 1 giáo viên cần chuẩn bị trước giờ lên lớp. Giáo viên yêu cầu mỗi nhóm cử đại diện lên nhận các dụng cụ , kiểm tra dụng cụ của nhóm mình đã đầy đủ chưa? ở mỗi nhóm bao gồm 4 ống:
ống A: 2ml hồ tinh bột + 2ml nước lã.
ống B: 2ml tinh bột và 2ml nước bọt
ống C: 2ml hồ tinh bột + 2ml nước bọt đã đun sôi
ống D: 2ml hồ tinh bột + 2ml nước bọt + vài giọt dung dịch HCl 2%
Giáo viên thông báo các ống nghiệm đã được sắp xếp theo trật tự xách định , các vật liệu theo đúng thành phần SGK.
Bước 2: Tiến hành thí nghiệm cần lưu ý cho học sinh khi cắm nhiệt kế thì thang nhiệt kế cần được quay ra ngoài để dễ kiểm soát nhiệt độ trong cốc thủy tinh. Còn cách duy trì nhiệt độ có thể tiến hành giống như đã nói ở trên, ở bước này giáo viên cần có bảng phụ ghi kết quả thí nghiệm về hoạt động của Enzim trong nước bọt. Sau khi học sinh làm xong các thí nghiệm , các nhóm trình bày hiện tượng và giải thích thì giáo viên treo bảng chuẩn kiến thức cho học sinh đối chiếu.
Bước 3: Giáo viên tiến hành cho học sinh chia mỗi ống nghiệm thành hai như hướng dẫn SGK. Cần lưu ý trước khi cho học sinh làm thí nghiệm kiểm tra kết quả biến đổi trong các ống nghiệm thì giáo viên phải giới thiệu tính chất hóa học của tinh bột và đường mantôzơ như sau:
Hồ tinh bột + dung dịch Iốt( có màu vàng) à dung dịch I ốt có màu xanh.
Đường mantôzơ + thuốc thử Strôme à có kết tủa màu đỏ nâu
Sau đó cho các nhóm tiến hành thí nghiệm , nêu hiện tượng giải thích . Giáo viên treo bảng chuẩn kiến thức cho học sinh đối chiếu.
3. Giáo án minh họa
I. Mục tiêu
- Học sinh biết cách đặt các thí nghiệm để tìm hiểu những điều kiện đảm bảo cho enzim hoạt động.
- Học sinh biết rút ra kết luận từ kết quả so sánh giữa thí nghiệm với đối chứng.
II. Chuẩn bị của giáo viên và học sinh
1. Giáo viên:
a. Dụng cụ(cho mỗi đơn vị tổ):
- 12 ống nghiệm nhỏ( 10ml)
- 2 giá để ống nghiệm
- 2 đèn cồn và giá đun
- 2 ống đong chia độ
- 1 cuộn giấy đo pH
- 2 phễu nhỏ và bông lọc
- 1 bình thủy tinh dung tích 4- 5 lít ( có thể thay thế bằng cốc thủy tinh cỡ lớn)
- Đũa thủy tinh, nhiệt kế , cặp ống nghiệm, may so đun nước( có thể thay thế bằng cốc nước nóng)
b. Vật liệu
- Nước bọt hòa loãng ( 25 %) lọc qua bông lọc
- Hồ tinh bột(1%)
- Dung dịch HCl(2%)
- Dung dịch iốt(1%)
- Thuốc thử Strôme( 3ml NaOH 10% + 3ml CuSO4 2%)
c. Bảng phụ
2. Học sinh: Đọc trước nội dung của bài
III. Hoạt động dạy học
Hoạt động 1: Kiểm tra kiến thức cũ
Hoạt động giáo viên
Hoạt động học sinh
- Vì sao khi chúng ta nhai cơm lâu trong miệng lại có cảm giác ngọt?
- Làm thế nào để chứng minh được sự biến đổi đó? Chúng ta sẽ được biết qua bài học hôm nay.
- Vì trong miệng có enzim aminlaza làm biến đổi một phần tinh bột thành đường mantôzơ nên cho ta cảm giác ngọt.
Hoạt động 2: Tìm hiểu các bước tiến hành và chuẩn bị thí nghiệm
Hoạt động giáo viên
Hoạt động học sinh
- Nêu các bước tiến hành thí nghiệm?
- Gọi đại diện 1 nhóm báo cáo các dụng cụ và vật liệu cần thiết để tiến hành thí nghiệm
- Yêu cầu đại diện của từng nhóm lên nhận dụng cụ, vật liệu.
( Giáo viên thông báo cho học sinh sự thay thế bình thủy tinh bởi cốc thủy tinh, may so bởi cốc nước nóng.
- Nêu tên 3 bước cần thực hiện trong buổi thực hành.
- Đại diện nhóm báo cáo giống như SGK
Đại diện nhóm lên nhận dụng cụ, vật liệu
Hoạt động 3: Tiến hành bước 1 và bước 2 của thí nghiệm
Hoạt động giáo viên
Hoạt động học sinh
- Yêu cầu nhóm trưởng phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong tổ.
- Yêu cầu các nhóm tiến hành thực hiện bước 1, 2
- Yêu cầu học sinh tiến hành quan sát về sự biến đổi độ trong của hồ tinh bột và giải thích ?
- Gọi đại diện 1 nhóm trình bày kết quả, cho các nhóm khác bổ sung.
- Treo bảng chuẩn kiến thức lên bảng
- Nhóm trưởng phân công, các thành viên khác nhận nhiệm vụ
- Thực hiện bước 1: + Dùng ống đong hồ tinh bột cho vào các ống A, B, C, D.
+ Dùng 1 ống đong khác lấy vật liệu:
2ml nước lã cho vào ống A, 2ml nước bột cho vào ống B, 2ml nước bọt đã đun sôi cho vào ống C, 2ml nước bọt cho vào ống D sau đó lấy ống hút nhỏ vài giọt dung dịch HCl 2% cho tiếp vào ống D.
* Thực hiện bước 2: + Dùng giấy đo pH đo dung dịch các ống , ghi kết quả vào vở.
+ Tiến hành lắp đặt như hình 26 SGK. Dặt các ống nghiệm trong vòng 15 phút.
- Tất cả học sinh quan sát hiện tượng và giải thích theo mẫu bảng 26-1.
- Trình bày hiện tượng và giải thích.
- Quan sát kết quả .
Hoạt động 4. Kiểm tra kết quả thí nghiệm và giải thích kết quả.
Hoạt động giáo viên
Hoạt động học sinh
- Yêu cầu các nhóm tiến hành chia dung dịch của mỗi ống thành 2 như hướng dẫn SGK.
- Thông báo: Hồ tinh bột + dung dịch I ốt( có màu vàng) à dung dịch I ốt có màu xanh
Đường mantôzơ + thuốc thử Strôme à có kết tủa màu đỏ nâu
- Hướng dẫn học sinh dùng thuốc thử để kiểm tra kết quả biến đổi trong mỗi ống nghiêm.
- Yêu cầu học sinh quan sát hiện tượng ở từng ống. Sau đó cho các nhóm thảo luận về kết quả quan sát được và giải thích.
- Gọi đại diện 1 nhóm báo cáo kết quả, thảo luận kết quả của các nhóm.
- Treo bảng chuẩn kiến thức về kết quả thí nghiệm.
- Chia ống nghiệm thành 2 và phân thành 2 lô để trên 2 giá ống nghiệm.
- Tiếp nhận thông tin.
- Tiến hành kiểm tra kết quả từng lô:
+ Lô1: Thêm vào mỗi ống vài giọt dung dịch Iốt
+ Lô 2: Thêm vào mỗi ống vài giọt dung dịch Strôme và đun trên ngon lửa đèn cồn.
- Quan sát hiện tượng. Thảo luận rút ra kết quả.
- Báo cáo kết quả, thảo luận.
- Quan sát.
Hoạt động 5: Thu dọn và viết tường trình .
Hoạt động giáo viên
Hoạt động học sinh
- Tiến hành cho học sinh thu don phòng thí nghiệm.
- Cho học sinh viết tường trình theo nhóm.
- Nhận xét đánh giá kết quả từng nhóm.
- Vệ sinh phòng thí nghiệm
- Viết tường trình.
- Nghe.
IV: Dặn dò
- Về nhà đọc trước bài tiêu hóa ở dạ dày.
* Nội dung ghi bảng phụ.
Bảng 26-1: Kết quả thí nghiệm của enzim trong nước bọt( bảng2)
Các ống nghiệm
Hiện tượng( độ trong)
Giải thích
ống A
Không đổi
Nước lã không có enzim biến đổi tinh bột
ống B
Tăng lên
Nước bọt có enzim biến đổi tinh bột
ống C
Không đổi
Nước bọt đun sôi đã làm mất hoạt tính của enzim biến đổi tinh bột
ống D
Không đổi
HCl đã hạ thấp pH nên enzim trong nướ bọt không hoạt động, không làm biến đổi tinh bột.
Bảng 26-2: Kết quả thí nghiệm của enzim trong nước bọt( bước 3)
Các ống nghiệm
Hiện tượng(màu sắc)
Giải thích
ống A1
Có màu xanh
Nước lã không có enzim biến đổi tinh bột thành đường
ống A2
Không có màu đỏ nâu
ống B1
Không có màu xanh
Nước bọt có enzim biến đổi tinh bột thành đường
ống B2
Có màu đỏ nâu
ống C1
Có màu xanh
Enzim trong nước bọt bị đun sôi không có khả năng biến đổi tinh bột thành đường
ống C2
Không có màu đỏ nâu
ống D1
Có màu xanh
Enzim trong nước bọt không hoạt động ở pH axit à Tinh bột không bị biến đổi .
ống D2
Không có màu đỏ nâu
4. Kết quả đạt được
Trong 2 năm tiến hành giảng dạy theo phương pháp trên tôi đã thu được một số kết quả sau:
Năm thứ nhất : Số học sinh nắm chắc các thao tác thí nghiệm đạt 80% .
Số học sinh biết rút ra kết luận so sánh kết quả : 85 %
Năm thứ hai : Số học sinh nắm chắc các thao tác thí nghiệm đạt 85% .
Số học sinh biết rút ra kết luận so sánh kết quả đạt 88%
C/ Kết luận.
Có thể nói rằng, thực hành luôn luôn đóng vai trò quan trọng . Thực hành luôn tạo động lực , hứng thú cho các em , hình thành nhiều kĩ năng quan trọng trong học tập và ứng dụng vào thực tiễn . Vì vậy trong quá trình dạy các bài thực hành giáo viên phải luôn tổ chức các hoạt động tích cực , cần chú ý nhằm phát huy tính hiệu quả của bài thực hành.
Trên đây là những kinh nghiệm của cá nhân tôi được đúc rút ra trong quá trình dạy học tiết thực hành. Hi vọng những ý kiến của tôi sẽ giải quyết phần nào những khó khăn của các đồng nghiệm trong quá trình giảng dạy bài thực hành trên. Trong quá trình nghiên cứu không thể tránh khỏi những sai sót, rất mong sự đóng góp của đồng nghiệp để sáng kiến có chất lượng hơn và sớm áp dụng vào giảng dạy.
Tư liệu tham khảo
1. Quyển tài liệu bồi dưỡng thường xuyên chu kì 2 ( môn Sinh học)
2. Tư liệu sinh học 8
3. Sách giáo viên sinh học 8.
4. Sách giáo khoa sinh học 8.
File đính kèm:
- sang kien kinh nghiem.doc