Hiện nay, các trường phổ thông đang phải đối mặt với tình trạng học sinh chán Sử, ghét Sử. Đó là một thực tế đáng suy ngẫm. Làm sao để biến giờ Sử khô khan thành một giờ học hấp dẫn, cuốn hút, khiến học sinh yêu thích môn học này là trăn trở có lẽ không chỉ của giáo viên môn Lịch sử.
16 trang |
Chia sẻ: shironeko | Lượt xem: 27341 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Một số biện pháp giúp học sinh yêu thích môn lịch sử ở trường trung học cơ sở, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP HỌC SINH YÊU THÍCH
MÔN LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG THCS
PHẦN MỞ ĐẦU
I. MỤC ĐÍCH CỦA ĐỀ TÀI :
Hiện nay, các trường phổ thông đang phải đối mặt với tình trạng học sinh chán Sử, ghét Sử. Đó là một thực tế đáng suy ngẫm. Làm sao để biến giờ Sử khô khan thành một giờ học hấp dẫn, cuốn hút, khiến học sinh yêu thích môn học này là trăn trở có lẽ không chỉ của giáo viên môn Lịch sử.
Từ trong bản chất, con người là động vật khát khao hiểu biết. Sự hiểu biết sẽ trở thành mục đích cho chính nó. Muốn làm được điều đó thì người dạy phải có những biện pháp giúp học sinh yêu thích môn Lịch sử ở trường THCS nói riêng và các trường phổ thông nói chung. Điều quan trọng và cần thiết nhất là luôn tạo cho các em niềm khát khao tìm hiểu, biết tự đánh giá và nhận xét khách quan các sự kiện hay nhân vật lịch sử nào đó, khiến các em đam mê thực sự chứ không bị gò bó hay ép buộc bởi bất cứ một lí do nào.
II. CƠ SỞ THỰC TIỄN :
Trong cuộc sống kinh tế thị trường ngày nay khi hầu hết các giá trị đều qui đổi thành hàng hóa tiền bạc và lợi nhuận thì kiến thức từ các môn tự nhiên được phụ huynh và học sinh hết sức đề cao. Ngược lại các môn khoa học xã hội, đặc biệt các “môn phụ” như Sử, Địa… thì học sinh chỉ học cho qua loa đại khái thậm chí còn cảm thấy “chán ngán” nếu như giáo viên dạy môn đó không cải tiến phương pháp, dạy theo lối truyền thống “đọc-chép”. Câu hỏi “ Học lịch sử để làm gì?” cũng sẽ được qui về giá trị lợi ích mà nó đem lại. Điều này cũng được phản ánh rõ nét nhất bằng các kì thi tốt nghiệp THPT và kì thi ĐH, Cao đẳng những năm gần đây, số học sinh được điểm không môn lịch sử ngày càng nhiều là điều chúng ta dễ hiểu.
Ở các trường THCS nói chung ,đa số học sinh còn lười học và chưa có sự say mê môn học Lịch sử, ngay cả khi hỏi đến những mốc quan trong nhất của lịch sử dân tộc nhiều em cũng không trả lời được, khi được giải đáp về câu hỏi đó thì cũng không hiểu gì về sự kiện lịch sử ấy.
Việc gây hứng thú học tập cho học sinh nói chung, giúp học sinh yêu thích môn Lịch sử nói riêng không phải lúc nào cung được chú ý thường xuyên. Đây không phải là vấn đề mới nhưng để thực hiện tốt không dễ. Làm thế nào để học sinh yêu thích môn Lịch sử? Làm thế nào để Lịch sử trở thành bộ môn được học sinh coi trọng như các môn học khác chính là vấn đề đặt ra với mỗi giáo viên mỗi trường học, mỗi cấp học hiện nay. Bởi vậy trong khuôn khổ sáng kiến kinh nghiệm này tôi mạnh dạn đặt ra vấn đề và bước đầu đề xuất ra những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giờ học Lịch sử cũng như giúp học sinh yêu thích môn học này hơn nữa.
B. NỘI DUNG
I. THỰC TRẠNG DẠY VÀ HỌC LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG THCS :
1. Về phía giáo viên :
Đa số giáo viên coi môn này là môn phụ, học xong chỉ kiểm tra đơn thuần không tổ chức thi vượt cấp do đó sự tâm huyết với môn sử của đại đa số giáo viên dạy môn này còn ít. Sự chuẩn bị chu đáo cho bài dạy chỉ tập trung ở tiết thanh tra, thao giảng mà thôi.
2. Về phía phụ huynh và học sinh :
- Học sinh không thích học môn lịch sử vì cho rằng đó chỉ là môn phụ không quan trọng, nội dung kiến thức quá dài, khó nhớ, nhiều sự kiện
- Phụ huynh : Nếu con em mình chọn thi môn lịch sử trong các kì thi học sinh giỏi, Đại học, Cao đẳng…thì đại đa số phụ huynh học sinh đều phản đối kịch liệt vì cho rằng không thực tế, ra trường khó xin việc…
3. Nguyên nhân của thực trạng trên :
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường đang phát triển, trước tác động ngày càng mạnh của xu thế toàn cầu hóa, chúng ta đang gặp nhiều khó khăn trở ngại do chất lượng và hiệu quả giáo dục đào tạo còn thấp hơn so với yêu cầu. Hơn thế nữa, khi hội nhập toàn cầu sẽ có nhiều cái mới, nhiều nét văn hóa khác biệt du nhập và ảnh hưởng đến nước ta. Nếu không khéo lựa chọn, không có bản lĩnh để tiếp thu tinh hoa, loại bỏ những mặt trái, những tiêu cực sẽ là một thảm họa lớn với nền văn hóa dân tộc. Và tất nhiên khi văn hóa bị lai căng, xuống dốc, bản sắc dân tộc sẽ không còn. Thực tế này đang dần hiển hiện trong lối sống, cách ứng xử hiện nay và cả trong môn Lịch sử những năm gần đây đặc biệt là năm 2012 vừa qua, điểm thi môn Lịch sử trong các kì thi quá thấp đã đặt ra cho chúng ta một vấn đề: Vì sao lại như vậy? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến học sinh không yêu thích môn Lịch sử. Theo cá nhân tôi thì do những nguyên nhân sau:
- Nguyên nhân quan trọng hàng đầu và trước tiên là sự đối xử không công bằng đối với môn Lịch sử trong chương trình giảng dạy của hệ thống giáo dục phổ thông, trong khi chúng ta đều biết và đều coi Toán, Lí, Hóa, Văn, Sử, Địa là những môn khoa học có vị trí vai trò ngang nhau ở các cấp học phổ thông thì thời gian học môn Lịch sử chỉ được bố trí từ 1-1,5 tiết/ tuần trong khi môn Văn, Toán là 4 đến 5 tiết/tuần. Hay là trong nhà trường hạn chế tối đa môn Toán, Văn có tiết 5 trong mỗi buổi học thay vào đó là môn Sử, GDCD…Sự đối sử bất bình đẳng đó kéo dài trong nhiều năm dần dà làm nảy sinh trong thầy cô và học trò một lối ứng xử ngầm phi văn bản là xem môn Sử là môn học phụ.
- Nguyên nhân thứ hai ảnh hưởng rất lớn đến việc học môn Lịch sử giảm sút là chế độ thi cử. Các trường Đại học quân sự trước đây bắt buộc thi môn Lịch sử, những năm gần đây đã bỏ hẳn. Các trường Đại học An Ninh ngày trước cũng bắt buộc thi môn Lịch sử giờ đây chỉ còn một ít chỉ tiêu khối C còn lại nhường chỗ cho khối A. các trường Luật, Báo chí, Văn Hóa trước đây thi khối C hiên nay chỉ tiêu khối A, D còn nhiều hơn. Thi đầu vào cấp III, ngoài đầu vào Toán, Văn là bắt buộc thì môn thứ ba rơi tự do nhưng môn Sử ở tỉnh An Giang tôi thấy chỉ được thi vài năm. Chính vì vậy qua tiếp xúc trao đổi với học sinh, tìm hiểu các em cũng như các bậc phụ huynh tôi hiểu rằng: không phải các em không thích học mà là không muốn học các môn khoa học xã hội chứ không riêng gì môn Lịch sử đơn giản chỉ vì các môn học này không phải là phương tiện để giúp các em kiếm sống dễ dàng trong xã hội ngày nay.
- Nguyên nhân thứ ba có thể nói xuất phát chủ yếu từ 2 nguyên nhân trước. Đó là hầu hết giáo viên dạy môn Lịch sử cấp THCS đều được đào tạo 2 chuyên môn như Văn - Sử; Sử - GDCD ... Chính vì thế những giáo viên này đều chú trọng vào môn Ngữ văn. Mặt khác thái độ “phân biệt” với môn Lịch sử dẫn đến tiết dạy ít được đầu tư nên không gây hứng thú với học sinh. Từ đó kết quả bộ môn thấp là không thể tránh khỏi.
- Nguyên nhân thứ tư: Cách viết sách giáo khoa môn Lịch sử hiện nay chưa thực sự hấp dẫn với người học bời lối viết dài, cứng nhắc, quá nhiều sự kiện.
- Một nguyên nhân nữa khiến học sinh chưa yêu thích học môn Lịch sử là công tác tuyên truyền trong và ngoài nhà trường chưa thực sự quan tâm mạnh mẽ. Đa số các trường đều chưa tổ chức cho học sinh tham quan thực tế, các buổi ngoại khóa tìm hiểu kiến thức lịch sử, do đó mà hầu hết các em đều “ngoảnh lưng” với môn học này.
II. MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP HỌC SINH YÊU THÍCH MÔN LỊCH SỬ :
1. Thay đổi cách nhận thức về môn học này :
- Giáo viên và học sinh coi môn Lịch sử là một môn khoa học. Muốn vậy người thầy phải luôn luôn nghiêm túc với tiết dạy Lịch sử. Thường ở trường THCS giáo viên dạy Văn thì đi đôi với dạy Sử, Địa…do đó giáo viên chỉ coi trọng môn Văn còn môn Sử thì dạy cho hết giờ rồi thôi.
Qua thực tế nhiều năm, giảng dạy môn Lịch sử( hơn 10 năm), tôi thấy tiết học nào mà chuẩn bị chu đáo về nội dung lẫn đồ dùng dạy học, sử dụng nhiều phương pháp khác nhau kết hợp với lời giảng đúng đặc trưng bộ môn thì học sinh rất hứng thú say mê nghe giảng, kiến thức cũng được khắc sâu hơn.
Học sinh phải coi đây là một môn khoa học chính, có sự chuẩn bị bài, tìm hiểu những sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến bài học…có như vậy sau khi nghe thầy giảng thì mới hiểu thấu đáo được vấn đề.
2. Luôn cải tiến phương pháp dạy học :
Trước hết, giáo viên diễn đạt bài giảng môn Lịch sử phải lôi cuốn. Thông qua những sự kiện, mẩu chuyện, hình ảnh minh họa... mà giáo viên diễn đạt, sẽ giúp học sinh lắng nghe và hiểu tường tận những kiến thức lịch sử, từ đó học sinh sẽ yêu thích bộ môn Lịch sử một cách tự nhiên. Vận dụng các phương pháp dạy học linh hoạt, hiệu quả trong từng bài giảng, nhất là phương pháp thảo luận theo nhóm nhỏ. Thông qua hoạt động nhóm nhỏ, tư duy tích cực của học sinh được phát huy, đó là rèn luyện năng lực hợp tác giữa các thành viên trong nhóm.
Ứng dụng công nghệ thông tin, ngoài những tiết dạy thông thường, giáo viên cũng cần dành nhiều thời gian để sưu tầm, thiết kế tiết học bằng giáo án điện tử. Việc dạy học bằng giáo án điện tử với hình ảnh, lược đồ, tư liệu phong phú, nhất là các đoạn phim lịch sử sẽ thu hút sự chú ý và tạo hứng thú học tập cho học sinh. Tuy nhiên, khi soạn giảng bằng giáo án điện tử giáo viên không nên lạm dụng các hiệu ứng để trình chiếu hoặc ôm đồm trong việc sử dụng tư liệu minh họa. Tổ chức các trò chơi trong giờ học lịch sử, nhằm mục đích giải trí cho học sinh và tạo không khí học tập sôi nổi, học sinh cảm thấy thoải mái và tiếp thu bài học một cách hiệu quả. Mặt khác, qua các trò chơi sẽ giúp học sinh ghi nhớ tốt những kiến thức lịch sử và có hứng thú đối với các giờ học. Tùy theo bài học mà giáo viên có các trò chơi phù hợp, ví dụ các trò chơi: Nhận diện lịch sử, giải ô chữ lịch sử, sưu tầm và thuyết minh về những hình ảnh lịch sử, trả lời nhanh…
Theo báo cáo của trung tâm nghiên cứu kĩ thuật của Mỹ vào năm 1993: “ Con người lưu lại trong bộ nhớ được khoảng 20% những gì họ thấy và khoảng 30% những gì họ nghe và con số này có thể lên đến 80% nếu họ thấy và nghe sự vật, hiện tượng một cách đồng thời”. Qua những số liệu này và quá trình giảng dạy thực tế ở trường phổ thông có thể thấy việc dạy học Lịch sử chỉ với những phương tiện truyền thông như bảng đen, lời nói của thầy cô giáo và một ít phương tiện dạy học mang tính tĩnh( Bản đồ, tranh ảnh, sơ đồ…) chắc chắn mức độ ghi nhớ sẽ không cao và nhanh quên. Trong khi đó nếu học sinh được xem phim tư liệu, bản đồ, sơ đồ động( được thực tế theo logic sự kiện) tranh ảnh, màu sắc sinh động, kết hợp với lời nói của giáo viên thì khả năng ghi nhớ của các em sẽ tăng lên. Không những thế nếu làm được điều này chúng ta sẽ tạo lên được bầu không khí học tập sinh động, khơi gợi hứng thú học tập cho các em, đồng thời khắc sâu những kiến thức mà các em tiếp thu được. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta gạt bỏ phương pháp dạy học truyền thống mà là “ kê thừa” phát triển mặt tích cực của hệ thống phương pháp dạy học đồng thời cần phải học hỏi, vận dụng những phương pháp dạy học mới theo hướng tích cực khắc phục những vấn đề mà phương pháp dạy học cũ còn nhiều vấn đề chưa phù hợp.
3. Khơi dậy niềm yêu thích môn Lịch sử ở học sinh :
Môn học lịch sử không chỉ trang bị kiến thức mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc ở người học, cung cấp cho họ nền tảng văn hóa - điều rất cần thiết trong thời kì đất nước đang hội nhập sâu rộng với quốc tế. Hiện nay, môn học này đã được quan tâm đầu tư đúng mức hay chưa, là điều mà dư luận đang đặt nhiều tranh cãi. Nhất là khi có không ít học sinh không còn yêu thích, hào hứng với việc học lịch sử.
“Học Lịch sử để làm gì?”, “Lịch sử có ích gì cho cuộc sống của học sinh?”.
“Khi đưa ra câu hỏi này nhiều người sẽ trả lời ngay: “Học Lịch sử để yêu nước”, “giữ gìn truyền thống”, “để rút ra bài học trong quá khứ”…. Những câu trả lời này không sai nhưng theo tôi nó là sản phẩm thể hiện tư duy nhìn từ góc độ “quốc gia”. Trên thực tế, con người hành động vì lợi ích. Lợi ích càng cụ thể, thiết thực thì hành động càng mạnh mẽ. Giáo dục Lịch sử muốn thu hút được sự quan tâm, chú ý của người học thì nó phải đem lại lợi ích mà người học nhìn thấy và hưởng thụ trực tiếp”.
Chính vì vậy, khi dạy Lịch sử, bên cạnh các lợi ích nhìn từ góc độ quốc gia, cũng rất chú ý đến những lợi ích nhìn từ góc độ cá nhân - công dân. Xét ở góc độ này, giáo dục lịch sử phải góp phần giúp học sinh cải thiện được giao tiếp của bản thân đối với gia đình (nhiều thế hệ), cộng đồng xung quanh (địa phương, những người trong một nước và những người đến từ nền văn hóa khác).
Giáo dục lịch sử cũng phải giúp học sinh nhận thức được hiện thực đang diễn ra trước mắt, giải thích nó từ góc độ lịch sử bằng các sử liệu thực chứng. Giáo dục lịch sử phải giúp cho học sinh có những năng lực cần thiết như năng lực tư duy phê phán, năng lực đưa ra quyết định, năng lực sáng tạo, năng lực biểu hiện…
Xa hơn nữa là phải nhắm tới việc tạo nên những phẩm chất công dân tốt đẹp ở người học sinh. Giáo dục lịch sử phải góp phần quan trọng để tạo nên hình ảnh người công dân mơ ước của đông đảo nhân dân. Đó là những con người có khả năng nhận thức và cải tạo hiện thực để tạo nên một hiện thực khác tốt đẹp hơn.
Nói cách khác đó là việc học sinh đi từ học tập Lịch sử đến hành động trong thực tiễn với vai trò của người công dân góp phần sáng tạo nên lịch sử. Nghĩa là, người giáo viên khi dạy Lịch sử phải nhắm đến hình thành ở học sinh hai thứ cần thiết: năng lực nhận thức lịch sử một cách khoa học và phẩm chất công dân.
Một khi trả lời được rõ ràng câu hỏi “Dạy Lịch sử để làm gì?”, người giáo viên sẽ tìm kiếm được câu trả lời cho cho các câu hỏi tiếp theo: “Dạy cái gì?”, “Dạy như thế nào?”. Và khi làm được điều đó, giáo viên sẽ làm cho học sinh yêu thích môn Lịch sử.
4. Thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa :
Tìm hiểu kiến thức lịch sử qua các tiết chào cờ, sinh hoạt, giáo dục ngoài giờ lên lớp thực tế ở trường tôi (THCS Hòa Bình Thạnh) đã từng làm bằng cách: thầy Tổng phụ trách hỏi về nội dung lịch sử tương ứng sự kiện lịch sử của tháng đó ( tất nhiên sẽ có một phần quà dành cho học sinh có đáp án trả lời đúng, dù là phần quà đó không lớn lắm có khi chỉ là quyển vở, bút chì hay thước kẻ mà thôi).
Bản thân tôi, ở một vài tiết dạy thường nêu một vài câu hỏi tìm hiểu về Lịch sử dân tộc có thể dưới dạng câu hỏi bình thường, cũng có thể dưới dạng thơ. Dưới đây là một vài ví dụ mà tôi đã áp dụng:
1. Đó ai Yên Thế hùm thiêng
Phất cờ khởi nghĩa ở miền Lạng Giang
Khi mai phục lúc trá hàng
Làm quân cướp nước hoang mang điên đầu
( Là ai? - Đáp án: Hoàng Hoa Thám)
2. Vua nào mặt sắt đen sì?
Vua nào trong thuở hàn vi ở chùa?
(Là những ai? - Đáp án: Mai Thúc Loan, Lý Công Uẩn)
3. Đố ai trên Bạch Đằng Giang
Làm cho cọc nhọn dọ ngang sáng ngời
Phá quân Nam Hán tơi bời
Gươm thần độc lập, giữa trời vung lên?
( Là ai?- Đáp án: Ngô Quyền)
4. Ngàn năm trang sử còn ghi
Mê Linh, sông Hát chỉ vì non sông
Chị em một dạ, một lòng
Đuổi quân Tô Định khỏi vùng biên cương
(Là ai?- Đáp án: Hai Bà Trưng)
5. Đố ai qua Nhật sang Tàu
Soạn thành huyết lệ hơn cầu tàn thư
Hô hào vận động Đông Du
Kết đoàn cùng với sĩ phu khắp miền
(Là ai?- Đáp án: Phan Bội Châu)
Ngoài ra còn rất nhiều vần thơ khác đồng nghiệp có thể tìm hiểu ở cuốn Câu đố Việt Nam(NXB Hồng Đức).
Qua áp dụng tôi thấy một không khí thi đua tìm hiểu Lịch sử diễn ra sôi nổi và các em rất mong được có nhiều câu hỏi, câu đố vui như thế. Cứ như vậy, nội dung kiến thức cơ bản về lịch sử sẽ giúp các em khắc sâu hơn để rồi vào giờ học chính khóa môn Lịch sử các em tiếp thu bài nhanh hơn, tự nhiên hơn.
III. ÁP DỤNG ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TRONG MỘT TIẾT DẠY CỤ THỂ MÔN LỊCH SỬ LỚP 6 :
Tiết 1: SƠ LƯỢC VỀ MÔN LỊCH SỬ
Với bài này tôi đã vận dụng linh hoạt rất nhiều phương pháp khác nhau khiến bài giảng sinh động: Phương pháp thuyết trình, vấn đáp, kể chuyện, đồng thời tôi ứng dụng vào tiết dạy này.
SƠ LƯỢC VỀ MÔN LỊCH SỬ
I. Mục tiêu bài học :
1. Kiến thức :
- Xã hội loài người có lịch sử hình thành và phát triển.
- Mục đích học tập Lịch sử (để biết gốc tích tổ tiên, quê hương đất nước, để hiểu hiện tại).
2. Kỹ năng : Bồi dưỡng về tính chính xác và sự ham thích học tập môn lịch sử.
3. Tư tưởng : Bước đầu hình thành kĩ năng liên hệ thực tế và quan sát tranh ảnh.
II. Chuẩn bị :
- Giáo viên: SGK, Chuẩn kiến thức, bài soạn.
- Học sinh: SGK, bài soạn.
III. Tiến trình hoạt động :
1. Ổn định tổ chức : ( 1’)
2. Bài mới : ( 1’) Lịch sử là gì ? Học lịch sử để làm gì? Căn cứ vào đâu để biết và khôi phục lại lịch sử?
CÁC HOẠT ĐỘNG
NỘI DUNG
HĐ1: ( 10’) Tìm hiểu khái niệm lịch sử :
- Gọi hs đọc mục 1 SGK .
- Con người … và mọi vật, có phải ngay từ khi xuất hiện đã có hình dạng như ngày nay chưa? => Chưa, mà biến đổi theo thời gian. Tất cả đều trải qua quá trình hình thành phát triển và biến đổi. Con người và mọi vật đều tuân theo quy luật của thời gian.
- Nêu các mốc thời gian trong cuộc đời từ lúc sinh ra đến lúc vào học lớp 6?
=> Hs dựa vào hiểu biết của mình và SGK để trả lời. ( sinh ra → bò → trườn… lớp 6 ).
- Loài người từ khi xuất hiện cho đến ngày nay có sự thay đổi thế nào?
=> Đó là quá trình con người phát triển không ngừng. Tất cả mọi vật sinh ra đều có quá trình phát triển khách quan ngoài ý muốn của con người theo trình tự thời gian của tự nhiên và xã hội. Đó chính là lịch sử.
- Vậy lịch sử là gì?
=> Hs trả lời, nhận xét, Gv kết luận theo nội dung bài học.
- Bộ môn lịch sử nghiên cứu vấn đề gì ?
=> Hs trả lời, nhận xét, Gv kết luận theo nội dung bài học.
HĐ2: ( 15’) Tìm hiểu mục đích học tập bộ môn :
- H/d hs xem hình 1 SGK .
- So sánh lớp học trường làng thời xưa và lớp học hiện nay có gì khác?. Vì sao có sự khác nhau đó?.
+ Khung cảnh lớp học thầy trò, bàn ghế.
+ Sự khác nhau đó là do xã hội ngày càng tiến bộ, điều kiện vật chất ngày càng đầy đủ, khang trang hơn.
- Cho hs thảo luận: Học lịch sử để làm gì
=> Hs trả lời, nhận xét, Gv kết luận theo nội dung bài học.
HĐ3: ( 10’) Xác định căn cứ để biết và dựng lại Lịch sử :
- Hướng dẫn hs xem kênh hình2 sgk .
- Bia tiến sĩ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám làm bằng gì ? Trên bia ghi gì?
=> Đó là bia đá, trên bia ghi tên, tuổi, địa chỉ, năm sinh và năm đỗ tiến sĩ.
- Nêu ý nghĩa truyện Sơn Tinh-Thuỷ Tinh; Thánh Gióng?
=> Cuộc đấu tranh với thiên nhiên và giặc ngoại xâm của cha ông ta nhằm đảm bảo cuộc sống giữ gìn độc lập dân tộc ( Đây là truyền thuyết, được truyền miệng từ đời này sang đời khác khi con người chưa có chữ viết ).
- Căn cứ vào đâu để biết và dựng lại lịch sử?
=> Hs trả lời, nhận xét, Gv kết luận theo nội dung bài học.
- Lưu ý: Tư liệu truyền miệng và tư liệu chữ viết thiếu tính chính xác.
1. Lịch sử là gì ?
- Lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ.
- Lịch sử là khoa học tìm hiểu và dựng lại toàn bộ hoạt động của con người và xã hội loài trong quá khứ.
2. Học lịch sử để làm gì ?
- Học lịch sử để hiểu được cội nguồn của dân tộc, tổ tiên, làng xóm.
- Biết quá trình đấu tranh với thiên nhiên và chống ngoại xâm để giữ gìn độc lập dân tộc.
- Biết Lịch sử phát triển của nhân loại để rút ra những bài học kinh nghiệm cho hiện tại và tương lai.
3. Dựa vào đâu để biết và dựng lại Lịch sử ?
Căn cứ vào:
- Tư liệu truyền miệng ( Truyền thuyết).
- Tư liệu chữ viết (Văn bia, tư liệu thành văn).
- Tư liệu hiện vật ( Trống đồng, bia đá).
3. Củng cố : ( 5’)
- Lịch sử là gì? Tại sao chúng ta phải học lịch sử ?
- Dựa vào đâu để biết và dựng lại Lịch sử ?
4. Hướng dẫn HS tự học ở nhà : ( 2’) Chuẩn bị Cách tính thời gian trong Lịch sử:
- Tại sao phải xác định thời gian?
- Người xưa đã tính thời gian như thế nào?
- Cách tính thời gian theo công lịch ?
C. KẾT LUẬN
I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC ĐỐI VỚI HỌC SINH ( đại trà ) :
Với các biện pháp đã thực hiện ở trên, tôi thấy không khí tiết học lịch sử sôi động, học sinh hiểu bài, hứng thú hơn. Đa số các em đều thích tìm hiểu kiến thức lịch sử. Sau đây là kết quả đối chứng:
Lớp(sĩ số)
Nội dung
7A1 (37 HS)
7A2 ( 39HS)
7A3 (40HS)
Trước khi áp dụng kinh nghiệm
Số lượng
Tỉ lệ
Số lượng
Tỉ lệ
Số lượng
Tỉ lệ
Không thích
22
59. 4%
24
61.5%
22
55%
Thích
10
27.1%
12
30.8%
15
37.5%
Rất thích
5
13.5%
3
7.7%
3
7.5%
Sau khi áp dụng kinh nghiệm
Không thích
5
13.5%
6
15.4%
5
12.5%
Thích
17
46%
19
48.7%
19
47.5%
Rất thích
15
40.5%
14
35.9%
16
40%
II. NHỮNG VẤN ĐỀ BỎ NGÕ :
- Để giúp học sinh yêu thích môn Lịch sử ngoài những biện pháp mà tôi nêu ở trên thì cần có các giải pháp trước mắt như: chỉnh sửa Sách giáo khoa, thay đổi chế độ thi cử, về lâu dài cần đưa môn Lịch sử thành môn thi bắt buộc bên cạnh môn Văn, Toán như các nước vẫn làm đối với giáo dục phổ thông. Nước Mĩ có hơn 200 năm lịch sử dân tộc nhưng họ dành 5 tiết học lịch sử/ tuần, trong khi nước ta có hàng 1000 năm lịch sử dân tộc thì chỉ dành 1,5 tiết/ tuần. Việc đưa ra các giải pháp hữu hiệu khắc phục sự sa sút đáng lo ngại của môn lịch sử trong nhà trường là trách nhiệm không chỉ của cơ quan chức năng mà của giới Sử học cả nước nói chung rằng môn Lịch sử cần được nâng tầm cho đúng chức năng, vai trò của nó. Đặc biệt trong quá trình đất nước hội nhập thì môn Lịch sử nhất là quốc sử càng cần được coi trọng để giúp giới trẻ xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người để giữ gìn bản sắc dân tộc trước sự giao thoa văn hóa thế giới.
- Cần thay đổi nếp nghĩ, không coi môn Lịch sử là “môn phụ” trong nhà trường và toàn xã hội.
III. ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG :
- Những biện pháp trên của môn Lịch sử áp dụng cho các cấp học phổ thông đặc biệt là cấp THCS.
- Người giáo viên phải yêu nghề, phải say bộ môn, có thời gian nhất định để đầu tư khai thác xây dựng bài, lựa chọn phương tiện dạy học và có được hình thức tổ chức dạy học hợp lý gây dược hứng thú với học sinh.
- Học sinh phải có được thói quen học tập, tìm hiểu khoa học, bài bản theo hướng dẫn của giáo viên.
- Nhà trường phải có cơ bản các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy học: Hệ thống tranh ảnh, bản đồ, phòng học, thiết bị công nghệ thông tin …
IV. BÀI HỌC KINH NGHIỆM :
- Muốn học sinh yêu thích môn Lịch sử bản thân người giáo viên Lịch sử phải yêu thích nó, tâm huyết với nghề.
- Học sinh cần phải biết sưu tầm kiến thức Lịch sử trên các phương tiện thông tin đại chúng…
- Cần có sự ủng hộ nhiệt tình giúp đỡ từ phía Ban Giám hiệu nhà trường, tổ chức Đoàn-Đội , phụ huynh học sinh và toàn xã hội .
V. ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ :
1. Đối với cấp trên :
- Cần cấp phát những thiết bị dạy học về các trường nhiều hơn nữa đặc biệt là máy chiếu đa năng, những thước phim tư liệu lịch sử để tiến tới mỗi phòng học đều có hệ thống máy chiếu giúp giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin một cách thuận tiện nhất.
- Về lâu dài cần tổ chức cho các em sau khi học xong Đại học, Cao đẳng phải có chứng chỉ môn Lịch sử trước khi đi làm.
2. Về phía nhà trường :
- Cần tuyên truyền sâu rộng thông qua hoạt động ngoại khóa nhiều hơn nữa về kiến thức lịch sử ở các tiết Giáo dục ngoài giờ lên lớp, tiết chào cờ.
- Đối với Tổ: Thường xuyên tổ chức các chuyên đề để nâng cao chất lượng môn Lịch sử
- Đối với giáo viên: Ngoài những kiến thức có trong Sách giáo khoa, người giáo viên cần không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận sự kiện mới nhất để giảng cho học sinh.
Lời kết: Với mục tiêu thực hiện tốt các cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “ Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học sáng tạo” cùng với phong trào “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.” Bản thân tôi với tư cách là một giáo viên bộ môn, tôi luôn suy nghĩ tìm tòi các phương pháp dạy học sao cho học sinh của mình có thể nắm bắt kiến thức một cách dễ hiểu nhất, giúp các em có hứng thú với bộ môn, tránh được áp lực khi học bộ môn này. Bằng sáng kiến của mình, tôi rất mong muốn được đóng góp một phần nhỏ cùng với các bạn đồng nghiệp để học sinh yêu thích học môn Lịch sử hơn. Trong quá trình viết, không thể tránh khỏi những sai sót, rất mong các đồng nghiệp góp ý để sáng kiến được hoàn thiện hơn. Trong thời gian tôi làm sáng kiến tôi đã nhận được không ít sự giúp đỡ của các bạn đồng nghiệp, của tổ chuyên môn, và sự tạo điều kiện của nhà trường. Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Hòa Bình Thạnh, ngày 28 tháng 10
Người thực hiện
Lê Ngọc Khánh
MỤC LỤC
NỘI DUNG
TRANG
A. Phần mở đầu
1
I. Tính mục đích của đề tài
1
II.Cơ sở thực tiễn
1
B. Nội dung và phương pháp tiến hành
2
I. Thực trạng dạy - học lịch sử ở Trường THCS
2
II. Một số biện pháp giúp học sinh yêu thích môn Lịch sử
4
III. Áp dụng đổi mới phương pháp dạy học …
9
C. Kết luận
12
I. Kết quả thu được
12
II. Vấn đề bỏ ngỏ
III. Điều kiện áp dụng
12
13
IV. Bài học kinh nghiệm
13
V. Đề xuất kiến nghị
14
File đính kèm:
- SANG KIEND KINH NGHIEM LS(1).doc