Dân chủ hóa là xu hướng cơ bản của văn học Việt Nam sau 1975 (nhất là trong thời kỳ đổi mới), và Nguyễn Huy Thiệp thuộc lớp nhà văn bước những bước đầu tiên trên con đường dân chủ hóa. “Mưa Nhã Nam” là một trong nhiều tác phẩm thể hiện khá rõ nét tinh thần thời đại đó.
“Dân chủ hóa”- Thực chất là nhấn mạnh vào mối quan hệ bình đẳng giữa nhà văn với công chúng bạn đọc.Trong hầu hết các tác sáng tác nói chung, Nguyễn Huy Thiệp đã gửi vào đó quan niệm tiến bộ của mình: “Nhà văn không đưa ra bài học luân lý. Nhà văn chỉ kể chuyện”. Tức nhà văn không áp đặt chân lý, và bạn đọc cũng không bị động về tư tưởng, họ cùng nhau đối thoại một cách dân chủ với những tư tưởng ngang quyền. Bởi vậy, “tính đối thoại” chính là biểu hiện quan trọng nhất của tinh thần dân chủ hóa, ta sẽ phân tích truyện ngắn “Mưa Nhã Nam” để thấy được điều đó.
Áp dụng lý thuyết đối thoại của Bakhtin, ta cũng tìm hiểu tính đối thoại của “Mưa Nhã Nam” qua hai hình thái cơ bản: Lời văn hai giọng và hình thức đa thanh.
“Lời văn hai giọng” bao gồm lời lời người kể chuyện và lời nhân vật. Nhân vật người kể chuyện xuất hiện với tư cách nhà văn xưng “tôi” trực tiếp đứng ra kể lại câu chuyện, và ngay từ đầu nhà văn đã xác lập trực tiếp trên văn bản mối quan hệ giữa mình với bạn đọc, và giữa tác phẩm với bạn đọc:
“Ở Nhã Nam, tháng tư có mưa. Tôi sẽ kể chuyện này cho anh, vì anh, anh bạn ạ, bởi đến năm mươi tuổi anh sẽ thành ông lão.
5 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 5119 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Phân tích tinh thần dân chủ hóa của Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn “Mưa Nhã Nam”, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Họ tên: Vũ Thị Thanh Huyền
Lớp: Bk58- Khoa Văn
BÀI ĐIỀU KIỆN
Môn: Văn học Việt Nam sau 1975
Đề bài: Phân tích tinh thần dân chủ hóa của Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn “Mưa Nhã Nam”.
Bài làm
Dân chủ hóa là xu hướng cơ bản của văn học Việt Nam sau 1975 (nhất là trong thời kỳ đổi mới), và Nguyễn Huy Thiệp thuộc lớp nhà văn bước những bước đầu tiên trên con đường dân chủ hóa. “Mưa Nhã Nam” là một trong nhiều tác phẩm thể hiện khá rõ nét tinh thần thời đại đó.
“Dân chủ hóa”- Thực chất là nhấn mạnh vào mối quan hệ bình đẳng giữa nhà văn với công chúng bạn đọc.Trong hầu hết các tác sáng tác nói chung, Nguyễn Huy Thiệp đã gửi vào đó quan niệm tiến bộ của mình: “Nhà văn không đưa ra bài học luân lý. Nhà văn chỉ kể chuyện”. Tức nhà văn không áp đặt chân lý, và bạn đọc cũng không bị động về tư tưởng, họ cùng nhau đối thoại một cách dân chủ với những tư tưởng ngang quyền. Bởi vậy, “tính đối thoại” chính là biểu hiện quan trọng nhất của tinh thần dân chủ hóa, ta sẽ phân tích truyện ngắn “Mưa Nhã Nam” để thấy được điều đó.
Áp dụng lý thuyết đối thoại của Bakhtin, ta cũng tìm hiểu tính đối thoại của “Mưa Nhã Nam” qua hai hình thái cơ bản: Lời văn hai giọng và hình thức đa thanh.
“Lời văn hai giọng” bao gồm lời lời người kể chuyện và lời nhân vật. Nhân vật người kể chuyện xuất hiện với tư cách nhà văn xưng “tôi” trực tiếp đứng ra kể lại câu chuyện, và ngay từ đầu nhà văn đã xác lập trực tiếp trên văn bản mối quan hệ giữa mình với bạn đọc, và giữa tác phẩm với bạn đọc:
“Ở Nhã Nam, tháng tư có mưa. Tôi sẽ kể chuyện này cho anh, vì anh, anh bạn ạ, bởi đến năm mươi tuổi anh sẽ thành ông lão.
“Tôi sẽ kể chuyện này cho chị, vì chị, chị bạn ạ, bởi đến bốn mươi tuổi chị sẽ trở thành bà lão.
Tôi sẽ kể chuyện này cho cậu, cậu im đi, cậu còn quá trẻ, cậu còn là thằng ngốc.
Tôi sẽ kể chuyện này cho cô, vì cô sẽ đi lấy chồng. Lúc ấy chỉ toàn những nhọc nhằn thôi, không ai kể chuyện cho cô nghe cả”.
Đọc đoạn văn trên, ta bắt gặp cuộc đối thoại dường như hai chiều giữa người kể chuyện xưng “tôi” và những đối tượng cụ thể, đó là “anh”, “chị”, “cậu”, “cô”. Có điểm gì đáng chú ý? Người kể chuyện với cái “tôi” và giọng điệu đầy khiêu khích, đối tượng nghe kể (chính là đối tượng độc giả mà nhà văn muốn hướng đến nhất) đều thuộc lớp người trẻ tuổi, nhiệt tình chủ động nhưng bồng bột, chắc chắn sẽ có sự phản ứng hay phản hồi lại những ý kiến “mới và lạ”, bởi vậy mới xuất hiện những cả những cách nói đậm chất tranh luận đời thường: “cậu im đi…cậu còn là thằng ngốc”. Một cái “tôi” gây hấn với độc giả!
Vào phần chính của câu chuyện, người kể chuyện đã dẫn dắt người đọc đến một sự thật lịch sử cay đắng, đi ngược lại với tâm thức truyền thống: “ông Đề Thám như tôi biết (tôi biết rõ ông ta): ông ta là một anh hùng, cũng là một người nhu nhược”. Lời kể mang tính khẳng định, thậm chí còn nhấn mạnh cho thêm phần chắc chắn. Lại một sự khiêu khích phần lớn công chúng độc giả mắc bệnh tôn vinh chiến công và người anh hùng của họ mà không bao giờ để ý những khiếm khuyết hay một nguy cơ khác đằng sau ánh hào quang chiến thắng. Còn những kẻ mang danh xâm lược, chỉ toàn nhìn thấy “tội”, mặc dù thực tế có hiển hiện cả cái “công”.Người đời chỉ chú ý và ca ngợi cái mác “người anh hùng” và những trận đánh Tây lừng lẫy của Hoàng Hoa Thám, có mấy ai đặt lại vấn đề: có phải người anh hùng lúc nào cũng sáng suốt? Nếu như Đề Thám lựa chọn con đường khác thì lịch sử sẽ tiến triển như thế nào?- sau cuộc Party với thống sứ Pháp Moren Đề Thám không đánh binh lính Pháp ở Kép, chấm dứt thời kỳ hòa hoãn giữa ông và người Pháp thì rất có thể dân tộc ta sẽ có cơ hội tiếp xúc với nền “văn minh châu Âu” với tư tưởng khai sáng, giống như nước Nhật thời Minh trị đã sáng suốt theo đuổi để vượt lên hùng cường như ngày nay. Đi ngược lại truyền thống- một cái “tôi” gây hấn với lịch sử.
Đối thoại với người đọc, với cái nhìn lịch sử quen thuộc bằng cách “gây hấn” nằm trong ý đồ sáng tạo của tác giả, Nguyễn Huy Thiệp công khai tính chủ quan của mình qua phóng tác câu chuyện kể về một giai đoạn ngắn ngủi đắn đo, cân nhắc, hoài nghi của người anh hùng nông dân Hoàng Hoa Thám với những tư tưởng ấu trĩ, mông
muội, tầm nhìn “cùn” và hạn hẹp, chỉ một cuộc Party trong “thời kỳ hòa giảng”, biết chắc sẽ không có nguy hiểm, người mời lại có nhã ý từ những cuộc gặp mặt trước đó, nhưng Đề Thám vẫn phải “đấu tranh cân nhắc rất lung”, “rằng buổi tiếp tân chẳng quan trọng gì và sự có mặt hay không có mặt của ông đều chứa hiểm họa. Ông sẽ mang tiếng hèn nhát nếu ông từ chối. Ông sẽ thành lố bịch nếu ông có mặt. Thế lố bịch hơn hay hèn nhát hơn? - Đề Thám tự hỏi. - Thôi thì lố bịch còn hơn hèn nhát!”. Diễn tả suy nghĩ nông cạn đó, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo nên sự đối lập giữa hai cách đánh giá và cảm nhận về hoa hồng. Dưới cái nhìn của người nông dân chỉ thấy giá trị của hoa hồng tồn tại trong “khoảnh khắc”, còn trong cái nhìn của Moren- kẻ đại diện cho thực dân cướp nước thì lại có cái nhìn đầy nhân văn trước cái đẹp mỏng manh của hoa hồng, nâng niu, trân trọng, băn khoăn đau xót cho số phận của hoa hồng trước dông bão, ta cảm nhận được tâm hồn đa sầu đa cảm và tầm nhìn sâu rộng của “ông lớn” Pháp. Nó thể hiện lối giao tiếp hào hoa, lịch sự mẫu mực của nền “văn minh châu Âu”, thể hiện cả cái nhìn nhân văn tiến bộ: bênh vực con người, bênh vực phụ nữ trong khi Xã hội Việt nam lúc bấy giờ vẫn chưa thoát khỏi bóng tối của ý thức hệ phong kiến. Nguyễn Huy Thiệp đã nhìn ra cái “công” bên cái “tội” của thực dân Pháp.
Công khai tính chủ quan, cố ý phô bày sự “kém cỏi” trong quan điểm của mình bằng giọng hồ nghi :”Tôi không chắc ông Hoàng Hoa Thám, tức Đề Thám, tức Hùm xám Yên Thế trong lịch sử có giống ông Đề Thám mà tôi kể không?”, cũng không trực tiếp bình luận, triết lý như trong văn học thời trước, không khó để tìm thấy các phát ngôn cực ngắn gọn thể hiện sự giao tiếp giữa các nhân vật trong tác phẩm. Ví dụ như trong đoạn đối thoại giữa Đề Thám với thủ hạ: - Có nên đi không?...- Đi chứ…- Đi làm gì?... Nhiều khi lại đưa ra những triết lý cực đoan: “Điều thiện buồn tê vì nó nhạt nhẽo- Điều thiện tầm thường vì nó an toàn- Điều thiện tầm thường vì nó giết đam mê”… ấy là Nguyễn Huy Thiệp đang tạo những khoảng trống, gợi nghi vấn trong lòng độc giả, muốn họ có phải suy nghĩ tìm tòi sáng tạo, tìm ra ý nghĩa tác phẩm theo hướng phát triển của riêng mình, đó không phải “làm hại thẩm mỹ lành mạnh của người đọc- nhất là sự tôn kính với quá khứ của dân tộc” (Nguyễn Ái Thúy- báo Văn nghệ 20/8/1988) mà ngược lại, chính là sự tôn trọng sự thật, tôn trọng thẩm mỹ của người đọc, đây chính là nền tảng của tinh thần dân chủ hóa.
Đọc “Mưa Nhã Nam” ta không chỉ thấy có lời của người kể chuyện mà còn bắt gặp khá nhiều phát ngôn của chính các nhân vật trong tác phẩm. Như ta phân tích ở trên đó là những phát ngôn cực ngắn gọn, thường đó chỉ là những câu đơn, câu tỉnh lược. Những lời dẫn thoại thì giản lược một cách tối đa, ít có sự miêu tả, giải thích, bình luận, đây cũng là một ý đồ nghệ thuật của nhà văn, theo nguyên tắc tỉ lệ nghịch giữa sự hư cấu và tính chân thực, Nguyễn Huy Thiệp càng ít can thiệp vào tác phẩm thì tính chân thực của lời nhân vật so với hiện thực càng lớn. Một Đề Thám “suốt đời thỏa hiệp, không bao giờ dám bước qua lằn ranh giới bổn phận, nghĩa vụ, cương tỏa” hiện ra qua chính tiếng khóc sụt sùi của chính nhân vật, không hề có một lời chê trách hay luận bình, tác giả tiếp tục câu chuyện vẫn bằng thái độ lạnh lùng của người ngoài cuộc. Một nhà nghiên cứu đã từng phát biểu: “Độ vênh giữa sáng tác và hiện thực quyết định mức độ dân chủ của tác phẩm, lời nhân vật đối thoại trực tiếp càng lớn thì sự can thiệp và áp đặt chân lý cua nhà văn càng giảm”, “Mưa Nhã Nam” cũng như nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã đáp ứng được yêu cầu đó, do đó có thể đưa ra nhận xét: tính dân chủ được biểu hiện ở mức độ cao trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp
Ngoài hình thái lời hai giọng thì tính đối thoại dân chủ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn biểu hiện ở hình thức đa thanh- sự không hoàn tất của đối thoại với những quan điểm khác nhau, cụ thể hơn là ở kết cấu phân mảnh, đa dạng điểm nhìn trần thuật và kết cấu mở. Ta sẽ khảo sát “Mưa Nhã Nam” để thấy được điều này.
Kết cấu phân mảnh, tức sự rời rạc, đổ vỡ của hình thức văn bản tạo nên liên tưởng về sự mất liên kết của con người với con người trong hiện thực đời sống. Kết cấu này nằm ở hình thức xâu chuỗi các sự kiện theo trật tự phi tuyến tính, phá vỡ cốt truyện truyền thống. “Mưa Nhã Nam” mở đầu bằng lời kể về mưa tháng Tư ở Nhã Nam với những đối tượng cụ thể, rồi đến những suy tư, lưỡng lự của Đề Thám, cuộc gặp với những nhân vật trong truyện, kết thúc những băn khoăn bằng một trận đánh, cuối truyện lại lắp ghép một sự kiện của hiện tại, khi tác giả gặp bà Xoan, người để lại những dấu chấm hỏi trong lòng độc giả về sự “òa khóc như chưa bao giờ là một người anh hùng” của Đề Thám trong rừng vào đêm mưa hôm đó. Sự mất liên kết giữa các mảnh đoạn là để hướng đến sự mất liên kết ở chiều sâu tình người, Đề Thám cảm thấy cô đơn, mất niềm tin vào “điều thiện”, lý tưởng không còn đồng nghĩa với chân lý đời sống, lý tưởng anh hùng bị hồ nghi như một “sự nhu nhược nhất đời”, hành động bị chi phối bởi “bổn phận, nghĩa vụ, cương tỏa”. Tiếng khóc của Đề Thám như một sự chấp nhận nhu nhược trong cái vỏ bọc “anh hùng”.
Trong sáng tác của mình, Nguyễn Huy Thiệp không bao giờ nhìn nhận vấn đề từ một điểm nhìn mà luôn luôn là sự kết hợp những điểm nhìn nhiều khi đối lập và sự luân chuyển điểm nhìn từ bên ngoài vào bên trong nhân vật, lột trần bản chất của vấn đề. Trong cuộc đối thoại giữa Đề Thám và Đồ Hoạt, “thơ” trong cái nhìn của một ông đồ thành ra “đê tiện”, không bằng “ngọn giáo” hay “câu liêm”, nhưng đó lại là thứ cao cả, là một niềm “khát khao” của người anh hùng nông dân không biết chữ. Một sự đối lập, đánh tráo quan điểm, tạo nên cảm giác hoang mang vào niềm tin truyền thống. Không phải ngẫu nhiên trong tác phẩm lại xuất hiện một số phát ngôn mang giọng “nửa trực tiếp”:“Thời đại chó má! Đúng mọi người đều thấy đây là thời đại chó má”.Đây là lời nói của ai, là cái nhìn của ai? Có vẻ như của tất cả những bên tham gia đối thoại với những ý thức ngang quyền nhau.
Ta thấy rằng, phần nhiều các câu chuyện bỏ lửng như cái hiện thực đang diễn tả trong đó vẫn đang trôi chảy. Kết thúc “Mưa Nhã Nam” cũng là một kết cấu mở, những câu nói của bà cụ Xoan khiến người đọc liên tưởng đến vô vàn giả thiết, hình ảnh “một thứ mưa xoàng” cũng gợi lên sự băn khoăn, có cái gì đó vướng bận, chưa được giải đáp thỏa mãn. Độc giả có quyền tạo ra những cái kết riêng của mình mà không hề làm ảnh hưởng đến ý đồ của nhà văn, bởi theo quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp thì: nhà văn không đưa ra bài học luân lý, nhà văn chỉ kể chuyện, còn chân lý thuộc về bạn đọc.
Chỉ qua một truyện ngắn “Mưa Nhã Nam” thôi cũng đủ thấy Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn dũng cảm, dám chấp nhận những “đòn roi” tư tưởng dữ dội để bước đi trên con đường đổi mới văn chương với tinh thần dân chủ hóa cao độ, đối thoại nghệ thuật là phương thức mà nhà văn lựa chọn để thể hiện mục đích của mình và đã thành công xuất sắc, xứng đáng là cây bút truyện ngắn hàng đầu của Văn học Việt Nam hiện đại.
File đính kèm:
- tinh than dan chu trong Mua Nha Nam.docx