Câu 1 (3,0 điểm).
R.Ta-go, nhà thơ Ấn Độcho rằng:Thà làm một bông hoa sen nởkhi thấy
mặt trời rồi mất hết tinh nhụy, còn hơn giữnguyên hình nụbúp trong sương lạnh
vĩnh cửu của mùa đông.
Suy nghĩcủa anh (chị) vềnhận định trên.
Câu 2 (7,0 điểm).
Bàn vềthơ, có ý kiến cho rằng: Hành động sáng tạo trong thơca là một sự
giải tỏa những cảm xúc tràn đầy trong tâm hồn nhà thơ.
5 trang |
Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 10404 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 THPT năm học 2012 - 2013 môn Ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
VĨNH PHÚC
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2012-2013
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
Môn: NGỮ VĂN – THPT CHUYÊN
Thời gian: 180 phút, không kể thời gian giao đề.
Ngày thi: 02/11/2012.
Câu 1 (3,0 điểm).
R.Ta-go, nhà thơ Ấn Độ cho rằng: Thà làm một bông hoa sen nở khi thấy
mặt trời rồi mất hết tinh nhụy, còn hơn giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh
vĩnh cửu của mùa đông.
Suy nghĩ của anh (chị) về nhận định trên.
Câu 2 (7,0 điểm).
Bàn về thơ, có ý kiến cho rằng: Hành động sáng tạo trong thơ ca là một sự
giải tỏa những cảm xúc tràn đầy trong tâm hồn nhà thơ.
Anh (chị) hãy bình luận và làm sáng tỏ ý kiến trên.
----------------HẾT----------------
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ tên học sinh…………………….....………..Số báo danh……………
1
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
VĨNH PHÚC
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2012-2013
Môn: NGỮ VĂN – THPT CHUYÊN
HƯỚNG DẪN CHẤM
(Gồm 04 trang)
Câu 1 (3,0 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng
Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội: Bố cục và hệ thống ý sáng rõ. Biết vận dụng phối
hợp nhiều thao tác nghị luận. Hành văn trôi chảy. Lập luận chặt chẽ. Dẫn chứng chọn lọc,
thuyết phục. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý cơ
bản sau:
1. Giải thích ý nghĩa của lời nhận định
- Hoa sen: ủ mầm trong bùn đất, tối khuất, nhơ bẩn nhưng mạnh mẽ vươn lên. Hoa
sen là biểu tượng cho phẩm cách thanh sạch, biết vươn lên trong cuộc sống của con người.
- Mặt trời: Đó là ánh sáng vĩnh cửu đem lại sự sống cho vạn vật. Mặt trời tượng
trưng cho sức sống mạnh mẽ, sự huy hoàng.
- Nụ búp: ẩn dụ cho cái non nớt, nhút nhát, e sợ của con người.
- Sương lạnh vĩnh cửu: là môi trường lạnh giá, khắc nghiệt, ở đó vạn vật phải ẩn
mình, thu mình, không thể sinh sôi phát triển. Vì thế nó tượng trưng cho những khó khăn,
thử thách trong cuộc sống.
=> Ý nghĩa câu nói: Ý kiến của Ta- go là một triết lí sống mạnh mẽ, tích cực và tiến
bộ. Trong cuộc sống có rất nhiều khó khăn thử thách, nhưng nếu biết sống và cống hiến hết
mình ta sẽ nhận được thành quả xứng đáng. Nếu sống nhút nhát, thụ động thì cuộc đời thật
nhạt nhẽo, vô nghĩa.
2. Bàn luận, mở rộng vấn đề
a. Tại sao nên chọn cách sống như “bông hoa sen”?
- Cuộc sống rất quý giá nhưng lại ngắn ngủi, và chỉ đến duy nhất một lần. Ta phải
sống thế nào cho xứng đáng, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những tháng năm đã
sống hoài, sống phí. Ta cần có một trái tim đầy nhiệt huyết để sống hết mình, để cảm nhận
từng hơi thở trong khoảnh khắc của đời mình.
- Đã là con người thì cần phải có ước mơ, lý tưởng và khát khao thực hiện những
điều đó. Tuy nhiên, cuộc sống luôn ẩn chứa những khó khăn, thử thách và những điều tốt
đẹp không bỗng dưng mà có. Thay vì để khó khăn đánh bại, ta hãy đón nhận chúng như một
cơ hội để rèn luyện bản lĩnh của chính mình, để ta thêm trưởng thành.
- Khi ta chọn làm “bông hoa sen nở trong ánh mặt trời” đó là lúc ta sống hết mình và
cống hiến hết mình. Ta sẽ có cơ hội được toả sáng, được khẳng định, lưu lại dấu chân trên
con đường đã đi và tận hưởng những điều tuyệt diệu mà cuộc sống mang lại. Đó cũng chính
là cách khiến cuộc sống của ta thêm ý nghĩa và trở nên có ích. Đó mới là cuộc sống đích
thực của con người.
2
b. Tại sao không nên chọn cách sống như “nụ búp”?
- Nếu ta không dám đối mặt trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống vì ta sợ
sai lầm, sợ sẽ thất bại, sợ bị cười chê… để rồi mãi mãi ta sống trong vỏ bọc hèn nhát của
mình. Đó là lối sống mòn, sống thừa, sống vô ích mà không được ai biết đến. Một “cuộc
sống đang mòn ra, đang rỉ đi, đang nổi váng.”
- Cuộc sống không mục tiêu, ước mơ, hoài bão thật vô vị. Sống như thế thực chất chỉ
là tồn sự tại mà thôi, là chết ngay cả khi đang sống.
c. Nâng cao
- Liệu có phải lúc nào ta cũng sống hết mình? Nếu cứ hết mình như thế sẽ có lúc ta
kiệt sức. Vậy ta cần phải biết lượng sức mình, không phải lúc nào cũng nên lao về phía
trước. Để đối mặt với mọi thử thách trên đường đời trước tiên ta phải trân trọng chính bản
thân ta. Đừng nôn nóng theo đuổi mục đích mà quên mất bản thân mình.
- Có những phút giây ta nên thu mình lại khi đã cảm thấy mỏi mệt. Khi ấy không
phải ta đang hèn nhát, chỉ là ta đang tìm kiếm chút bình yên cho tâm hồn, tìm được lại ý chí,
lòng quyết tâm để tiếp tục tiến lên phía trước.
3. Bài học nhận thức và hành động
- Phê phán lối sống yếu mền, thụ động, chỉ biết ngồi chờ vận may và sự thuận lợi.
- Cuộc sống của mỗi người được quyết định bởi sự tự nhận thức, bản lĩnh và nghị lực
vươn lên không ngừng. Cuộc sống quá ngắn ngủi, hãy cứ cháy hết mình đến tận cùng của
khát vọng, ước mơ.
III. Biểu điểm
- Điểm 3,0: Đáp ứng được các yêu cầu nêu trên; Văn viết có cảm xúc. Dẫn chứng
chọn lọc và thuyết phục. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 2,0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng chưa thật phong
phú. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1,0: Chưa hiểu chắc yêu cầu của đề bài. Kiến thức sơ sài. Còn mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc phương pháp.
Câu 2 (7,0 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng
Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm
sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc.
Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
Học sinh hiểu đúng vấn đề : đề bài bàn về vai trò của tình cảm,cảm xúc trong thơ.
Đó là một trong những đặc trưng của thơ, nhất là thơ trữ tình. Bài viết cần xuất phát từ điều
đó để bình luận và chứng minh vấn đề. Quá trình viết bài, phải có dẫn chứng phân tích để
làm nổi bật các luận điểm. Học sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau nhưng cần
trình bày được các ý sau đây:
1. Giải thích
- Thơ là một hình thức sáng tác văn học nghiêng về thể hiện cảm xúc thông qua tổ
chức ngôn từ đặc biệt, giàu nhạc tính, giàu hình ảnh và gợi cảm.
- Hành động sáng tạo thi ca: là qúa trình làm thơ của người nghệ sĩ trước tác động
của đời sống hiện thực.
3
- Sự giải phóng những cảm xúc tràn đầy được hiểu là: mỗi khi có điều gì chất chứa
trong lòng, không nói ra, không chịu được, đó là lúc thi sĩ tìm đến thơ để giãi bày.
=> Ý kiến trên đã chỉ ra đặc trưng của thơ trữ tình và đề cao vai trò của tình cảm,
cảm xúc trong thơ.
2. Bình luận và chứng minh
- Khẳng định ý kiến trên là hoàn toàn đúng, ý kiến đó đã xuất phát từ đặc trưng của
thể loại thơ trữ tình và từ quy luật chung của sáng tạo nghệ thuật. Đã có nhiều ý kiến của
các nhà thơ, nhà phê bình văn học xưa nay có những quan điểm tương đồng. Thơ chỉ bật ra
khi tim ta cuộc sống đã tràn đầy (Tố Hữu), Hãy xúc động hồn thơ cho ngòi bút có thần
(Ngô Thì Nhậm)… Xuân Diệu từng phát biểu: Một bài thơ hay là thơ chín đỏ trong cảm
xúc.Thiếu tình cảm, cảm xúc chỉ có thể trở thành người thợ làm những câu chữ có vần chứ
không làm được nhà thơ.
- Thơ là tiếng nói của đời sống tình cảm con người trước cuộc sống. Thơ trữ tình lấy
cảm xúc bên trong của đời sống tinh thần nhà thơ để biểu hiện. Khi rung động sâu sắc với
cuộc sống, trong những trạng thái vui, buồn ở mức thăng hoa, con người có nhu cầu bộc lộ
tình cảm, khi đó, người ta cần đến thơ. (dẫn chứng )
- Thơ ra đời rất sớm trong lịch sử nhân loại. Người ta làm thơ như một nhu cầu cần
thiết trong cuộc sống. Con người dùng thơ để bộc lộ tâm tư tình cảm, nỗi niềm. Thơ là tiếng
nói tha thiết của tâm hồn. Đó có thể là những cảm xúc, suy tư về nhân tình thế thái, về số
phận con người, thăng trầm của xã hội, những cảm xúc về đất nước, nhân dân, nhân loại. Có
khi đó chỉ là những tâm tư của cá nhân trong cuộc đời… ( dẫn chứng)
- Tình cảm trong thơ phải là thứ tình cảm chân thật của nhà thơ. Tình cảm ấy là
những trạng thái vui, buồn, sung sướng, đau khổ… mà người nghệ sĩ từng trải qua, từng
sống trong những cung bậc ấy. Thơ không chấp nhận thứ tình cảm giả tạo, mờ nhạt. Nếu
nhà thơ không viết thơ bằng nước mắt, bằng máu của chính mình, không sống sâu sắc với
những tình cảm của con người thì thơ sẽ thiếu sức sống, chỉ có thể làm được những bài thơ
vô hồn, chỉ là những câu chữ hoa mĩ được ép khô trên trang giấy. ( dẫn chứng)
- Tình cảm, cảm xúc trong thơ phải có sức lay động lòng người. Thơ là kết quả của
sự nhập tâm với đời sống. Chế Lan Viên có lí khi cho rằng: Chẳng có thơ đâu giữa lòng
đóng khép. Như vậy, nhà thơ cần có tấm lòng với cuộc đời, mở lòng với cuộc sống để đón
nhận những tình cảm, những rung động từ hiện thực cuộc đời. Đó cũng là cách để nâng tâm
hồn mình lên, biết yêu thương, đồng cảm vui buồn với mọi người xung quanh. Nhà thơ phải
biết sống đẹp, có trái tim mãnh liệt, phong phú, sâu sắc. Tình cảm là yếu tố ngọn nguồn của
cái đẹp trong thơ, khi đó thơ sẽ có sức mạnh thanh lọc tâm hồn con người. (dẫn chứng)
- Tình cảm, cảm xúc trong thơ phải phải được truyền tải bằng một hình thức nghệ
thuật độc đáo, mang tính thẩm mỹ thể hiện trên các phương diện: Thể loại, ngôn ngữ thơ,
hình ảnh, tứ thơ, tính nhạc, chất họa…. Điều đó đem lại cho thơ vẻ đẹp hoàn mĩ. (dẫn
chứng)
3. Nâng cao
- Thơ gắn kết những tâm hồn đồng điệu. Nhà thơ cần nắm bắt cái riêng biệt để biểu
hiện được cái phổ quát, qua cảm xúc, nỗi lòng của nhà thơ, người đọc thấy được mình ở
trong đó.
4
- Thơ không chỉ cần cảm xúc mà cần cả lí trí. Đó là chiều sâu của nhận thức. Nếu thơ
chỉ thiên về cảm xúc, bài thơ sẽ thiếu chất trí tuệ, thiếu sự suy tưởng triết lí mang tính khái
quát về cuộc sống.
- Sự tiếp nhận ở người đọc thơ: cần sự tri âm, sự đồng cảm với tác phẩm, với nhà thơ
để có thể sẻ chia những tình cảm đồng điệu. Khi ấy, thơ sẽ có sức sống lâu bền trong lòng
người đọc nhiều thế hệ.
- Bài học cho người nghệ sĩ: phải biết đề cao yếu tố tình cảm, cảm xúc trong việc
sáng tác thơ.
III. Biểu điểm
- Điểm 7,0: Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng. Bài
viết thể hiện sự sáng tạo, cảm thụ riêng. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 5-6: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu trên, văn viết chưa thật sâu sắc nhưng diễn
đạt trong sáng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 3-4: Cơ bản hiểu yêu cầu của đề. Bố cục bài viết rõ ràng. Chọn và phân tích
được dẫn chứng song ý chưa sâu sắc. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1-2: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề. Diễn đạt lúng túng, trình bày cẩu thả.
- Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp.
* Lưu ý:
- Giám khảo nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm
của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những suy nghĩ sáng tạo.
- Việc chi tiết hóa điểm số của các câu, các ý phải đảm bảo không sai lệch với tổng
điểm của câu và được thống nhất trong hội đồng chấm. Điểm lẻ được làm tròn đến 0,5 điểm
sau khi đã chấm xong và cộng tổng điểm toàn bài.
File đính kèm:
- VAN 12 HSG 2013 CHUYEN VINH PHUC.pdf