A. MỤC TIÊU CẦN ĐẠT:
1. Giúp HS cảm nhận được vẻ đẹp sinh động, trong sáng của những bức tranh thiên nhiên và đời sống con người ở vùng đảo Cô Tô được miêu tả trong bài văn.
Thấy được nghệ thuật miêu tả và tài năng sử dụng ngôn ngữ điêu luyện của tác giả.
2. Luyện kĩ năng bố cục, chọn tính từ, động từ miêu tả, điểm nhìn miêu tả.
3. Giáo dục học sinh lòng yêu quê hương, đất nước một cách cụ thể qua sự nhạy cảm và trân trọng những vẻ đẹp của thiên nhiên tổ quốc; yêu mến những con người lao động bình thường ở mọi miền của Tổ quốc.
B. CHUẨN BỊ:
1. Giáo viên:
- Nghiên cứu tài liệu, soạn giáo án.
- Dự kiến các khả năng tích hợp: Tích hợp với Tiếng Việt ở cách sử dụng các tính từ, so sánh, ẩn dụ và
hoán dụ, với Tập làm văn ở điểm nhìn và trình tự miêu tả thiên nhiên và cuộc sống sinh hoạt; Phương
pháp miêu tả.
- Anh chân dung Nguyễn Tuân (nếu có).
2. Học sinh:
- Đọc trước nội dung bài học.
- Thực hiện theo yêu cầu có trong mỗi bài học.
- Tập giải quyết các bài tập có trong sgk.
7 trang |
Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 25226 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giáo án Ngữ văn 6 - Cô tô (Nguyên Tuân), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tuần 26, Tiết 103+104
NS: 02/03/2005
(Nguyễn Tuân)
A. MỤC TIÊU CẦN ĐẠT:
1. Giúp HS cảm nhận được vẻ đẹp sinh động, trong sáng của những bức tranh thiên nhiên và đời sống con người ở vùng đảo Cô Tô được miêu tả trong bài văn.
Thấy được nghệ thuật miêu tả và tài năng sử dụng ngôn ngữ điêu luyện của tác giả.
2. Luyện kĩ năng bố cục, chọn tính từ, động từ miêu tả, điểm nhìn miêu tả.
3. Giáo dục học sinh lòng yêu quê hương, đất nước một cách cụ thể qua sự nhạy cảm và trân trọng những vẻ đẹp của thiên nhiên tổ quốc; yêu mến những con người lao động bình thường ở mọi miền của Tổ quốc.
B. CHUẨN BỊ:
1. Giáo viên:
- Nghiên cứu tài liệu, soạn giáo án.
- Dự kiến các khả năng tích hợp: Tích hợp với Tiếng Việt ở cách sử dụng các tính từ, so sánh, ẩn dụ và
hoán dụ, với Tập làm văn ở điểm nhìn và trình tự miêu tả thiên nhiên và cuộc sống sinh hoạt; Phương
pháp miêu tả.
- Aûnh chân dung Nguyễn Tuân (nếu có).
2. Học sinh:
- Đọc trước nội dung bài học.
- Thực hiện theo yêu cầu có trong mỗi bài học.
- Tập giải quyết các bài tập có trong sgk.
C. TIẾN TRÌNH TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG:
1. Ổn định lớp:
2. Kiểm tra bài cũ:
- Em hãy đọc thuộc lòng ba khổ thơ đầu của bài thơ “Lượm” của Tố Hữu.
- Sau đó, em hãy chọn câu trả lời đúng trong những câu hỏi trắc nghiệm sau.
Chuẩn bị nội dung câu hỏi trắc nghiệm trong bảng phụ:
Câu 1 : Bài thơ kể về Lượm bằng lời của ai?
A. Lượm. B. Tác giả. C. Chú liên lạc. D. Hai chú cháu.
Câu 2 : Khi kể về Lượm, cảm xúc của người kể chuyện thể hiện như thế nào?
A. Tình cảm được giấu kín. B. Bộc lộ một cách gián tiếp.
C. Bộc lộ một cách trực tiếp. C. Cả ba ý trên đều đúng.
Câu 3 : Hình ảnh Lượm trong hai khổ thơ đầu của bài thơ được tập trung miêu tả ở đặc điểm nào?
A. Trang phục. B. Dáng điệu. C. Lời nói, cử chỉ. D. Ăn mặc, cử chỉ, hành động.
Câu 4 : Qua hai khổ thơ đầu của bài thơ, tác giả khắc hoạ Lượm là một chú bé như thế nào?
A. Loắt choắt. B. Bé nhỏ, vui tươi, ngây thơ.
C. Hồn nhiên, vui tươi, nhanh nhẹn. D. Nhanh nhẹn, loắt choắt.
Câu 5 : Lượm đã hi sinh trong hoàn cảnh nào?
A. Trên đường đi đưa thư. B. Trên đường chiến đấu.
C. Trên đường hành quân. D. Trên đường trở về chiến khu.
Câu 6 : Tại sao nhà thơ dùng biện pháp “điệp khúc” để kết thúc bài thơ?
A. Tác giả hình dung lại hình ảnh Lượm. B. Tác giả thương tiếc chú bé Lượm.
C. Thể hiện sự trân trọng một chiến sĩ nhỏ tuổi. D. Khẳng định hình ảnh Lượm vẫn sống mãi.
g Đáp án : 1b, 2c, 3d, 4c, 5a, 6d.
3. Bài mới:
Trong những tiết học trước, chúng ta được tìm hiểu một số tác phẩm thơ trữ tình, truyện ngắn … Hôm nay, chúng ta tìm hiểu sang một thể loại văn học khác, đó là kí.
- GV treo ảnh chân dung của nhà văn lên bảng.
- GV giới thiệu : Quan sát bức ảnh chân dung này, ta thấy người đàn ông trong ảnh không còn trẻ nữa nhưng rất phong trần. Mái tóc bạc trắng như cước rất nghệ sĩ. Nụ cười thân thiện, cởi mở, dễ gần. Phan Cự Đệ đã nhận xét về người đàn ông này như sau : Những trang nhật kí của anh chứng tỏ anh là một nhà văn từng trải, lịch lãm; một cây bút thích la cà, tọc mạch; một con người tỉ mĩ, kĩ tính, đã nghiên cứu cái gì thì tìm hiểu đến từng chi tiết, con số”. Người đàn ông đấy chính là nhà văn Nguyễn Tuân, tác giả của bài kí Cô Tô mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong tiết học hôm nay.
(GV ghi tên bài học lên bảng : Tiết 103+104 CÔ TÔ)
HOẠT ĐỘNG CỦA THẦY VÀ TRÒ
NỘI DUNG GHI BẢNG
Tìm hiểu tác giả, tác phẩm.(5’)
? Các em đã tìm hiểu và soạn bài ở nhà rồi, em hãy nêu vài nét sơ lược về tác giả?
g HS dựa theo sgk/ 90 trả lời.
? Em hãy nhắc lại năm sinh năm mất của Nguyễn Tuân?
g sinh 10/7/1910 – mất 28/7/1987. (GV kết hợp ghi bảng)
? Quê của nhà văn Nguyễn Tuân ở đâu?
g Ở Từ Liêm – Hà Nội. (GV kết hợp ghi bảng)
* Sau đó GV mở rộng về tác giả:
Nguyễn Tuân sinh tại Hà Nội trong một gia đình nhà nho. Khi còn nhỏ tuổi, sống với gia đình ở miền Trung. Học thành chung ở thành phố Nam Định nhưng bị đuổi học vì tham gia bãi khoá. Đã từng bị kết án giam và bị quản thúc ở Thanh Hoá. Có thời gian ông làm ở nhà máy đèn Thanh Hoá, rồi làm phóng viên cho báo Đông Tây và bắt đầu viết báo, viết văn. Hết hạn quản thúc, ông ra Hà Nội hoạt động văn học. Các sáng tác của ông được trên các báo : Đông Tây, Hà Thành ngọ báo, Nhật Tân, Tiểu thuyết thứ bảy, Tao đàn, … Ngoài tên thật, ông còn dùng các bút danh : Nhất Lang, Thanh Thuỷ, Ân Ngũ Tuyên, Ngột Lôi Quật, Thanh Hà, Tuấn Thừa Sắc … (GV giới thiệu và kết hợp ghi bảng)
Ông nhiệt tình chào đón Cách mạng tháng Tám và hăng hái tham gia kháng chiến chống Pháp.
- Ông thích đi đây đi đó, muốn khám phá, tìm kiếm cái đẹp.
- Ông viết : truyện ngắn, truyện dài, tuỳ bút, bút kí, phê bình văn học, tiểu luận … Ngay từ cuốn sách đầu tiên “Vang bóng một thời”, ông đã nổi tiếng là cây bút tài hoa với lời văn điêu luyện, ngôn ngữ phong phú.
+ Trước Cách mạng tháng Tám : Vang bóng một thời (1940), Tuỳ bút I (1941), Quê hương (1943), Nhà bác Nguyễn (1940), Một chuyến đi (1941), Chiếc lư đồng mắt cua (1941), Ngọn đèn dầu lạc (1939), Tuỳ bút II (1943), Tóc chị Hoài (1943), Nguyễn (1945) …
+ Sau Cách mạng tháng Tám : Chùa Đàn (1946), Đường vui (1949), Tình chiến dịch (1950), Thắng càn (1953), Tuỳ bút kháng chiến và hoà bình (2 tập, 1955 – 1956), Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi (1972) …
- Sau Cách mạng, ông hoà vào cuộc sống của nhân dân, làm người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá – nghệ thuật.
- Nguyễn Tuân là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX. Qua nửa thế kỉ cầm bút, nhà văn lớn đầy tài năng đó đã để lại một sự nghiệp văn học phong phú, đặc sắc, tất cả đều thấm đượm một tình cảm yêu thương, gắn bó thiết tha với quê hương đất nước.
? Hãy nêu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm và xuất xứ của văn bản?
g Giảng thêm:
- Kí “Cô Tô” dài 6.000 chữ, viết 1972 nhân một chuyến ra thăm đảo, in trong tập “Kí”.
- Nguyễn Tuân miêu tả cảnh sắc thiên nhiên và con người lao động trên đảo với tất cả niềm tin, yêu thích, tự hào và cảm phục.
? Nêu hiểu biết của em về Cô Tô?
g Cô Tô là một quần đảo gồm nhiều đảo nhỏ nằm trong vịnh Bái Tử Long (thuộc vịnh Bắc Bộ), cách bờ biển tỉnh Quảng Ninh khoảng 100 km. Cô Tô nổi tiếng về hải sản : cá, mực, ngọc trai, hải sâm, bào ngư …
* GV chuyển ý : Bài kí Cô Tô được viết sau chuyến đi thăm đảo của nhà văn Nguyễn Tuân. Thông qua tài năng của ông, người đọc như đang được trực tiếp chứng kiến vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống nơi đây. Để cảm nhận rõ hơn điều này, chúng ta chuyển sang phần tiếp theo : Đọc – Hiểu văn bản.
Hướng dẫn đọc, tìm hiểu từ khó, bố cục.(7’)
Phần đầu tiên là đọc, tìm hiểu chú thích (GV ghi mục đề lên bảng)
* GV hướng dẫn cách đọc :
- Trong văn bản này, Nguyễn Tuân hay sử dụng câu dài, có nhiều mệnh đề phụ bổ sung, nên khi đọc cần chú ý ngừng nghỉ đúng chổ và đảm bảo sự liền mạch của từng câu, từng đoạn.
- Chú ý các tính từ, động từ miêu tả, các so sánh, ẩn dụ, hoán dụ mới lạ, đặc sắc.
- Đọc với giọng vui tươi, hồ hởi.
g GV đọc mẫu, gọi HS đọc tiếp (2 HS đọc 2 đoạn). GV nhận xét cách đọc của học sinh.
* GV chuyển ý : Để hiểu được văn bản một cách trọn vẹn, một trong những yếu tố đó là phải hiểu được nghĩa của từ. Trong sgk chú thích 13 từ khó, các em hãy tự đọc thầm để nắm được nghĩa của các từ ngữ này.
* Từ khó : Cho HS đọc thầm các từ khó trong sgk / 90.
* GV : Ngoài các từ khó trong sgk, chúng ta tìm hiểu thêm nghĩa của một số từ ngữ khác. Đó là các từ : xanh mượt, lam biếc, vàng giòn? Nhiệm vụ của các em là nối cho chính xác từ với nghĩa của từ.
g - Xanh mượt : màu xanh sáng, mỡ màng, tươi tốt, đầy sức sống.
- Lam biếc : màu xanh đậm đặc, có ánh sáng chiếu rọi vào.
- Vàng giòn : vàng khô và sáng.
? Xác định thể loại của văn bản?
g Thể kí.
? Em hiểu kí là gì?
g HS trả lời theo cảm nhận của mình.
* GV bổ sung : Kí là ghi chép, tái hiện các hình ảnh, sự việc của đời sống, thiên nhiên và con người theo sự cảm nhận và đánh giá của tác giả.
Kí khác với truyện như thế nào? Chúng ta hãy tự tìm hiểu từ bây giờ để đến bài “Ôn tập truyện và kí” trong những tiết học tới, chúng ta sẽ thẩm định lại sự hiểu biết của mình.
* GV chuyển ý : Đoạn trích Cô Tô này có bố cục như thế nào? Chúng ta chuyển sang tìm hiểu phần tiếp theo.
* Bố cục :
? Theo em, đoạn trích “Cô Tô” có mấy nét cảnh?
g 2 nét cảnh .
- Cảnh thiên nhiên.
- Cảnh sinh hoạt của con người.
? Hãy xác định những đoạn văn tả cảnh thiên nhiên và những đoạn văn tả cảnh sinh hoạt của con người lao động?
g - Đoạn 1+2 : Tả cảnh thiên nhiên.
- Đoạn 3+4+5 : Tả cảnh sinh hoạt của con người lao động.
? Từ đó, em hãy xác định bố cục của bài văn “Cô Tô” , xác định giới hạn và nội dung của mỗi phần?
g 2 phần :
- Cảnh thiên nhiên ở đảo Cô Tô (Từ đầu " là là nhịp cánh).
+ Hình ảnh đảo Cô Tô sau cơn bão. (Từ đầu " mùa sóng ở đây)
+ Cảnh mặt trời mọc trên biển. (Tiếp " là là nhịp cánh)
- Cảnh sinh hoạt buổi sáng sớm của con người lao động ở đảo.
? Cảnh thiên nhiên ở đảo được Nguyễn Tuân miêu tả với hai nét cảnh.
+ Hình ảnh đảo Cô Tô sau cơn bão.
+ Cảnh mặt trời mọc trên biển.
Nét cảnh nào hấp dẫn hơn cả đối với em? Vì sao?
g HS tự bộc lộ.
Gợi ý :
- Cảnh đảo Cô Tô sau cơn bão, vì cách dùng từ ngữ đặc sắc, gợi lên phong cảnh trong sáng, đẹp.
- Cảnh mặt trời mọc, vì cách tả cảnh đặc sắc, gây ấn tượng mới lạ về một cảnh tượng lộng lẫy, kì ảo.
? Em có nhận xét gì về bức tranh minh hoạ trong sgk / 88?
g Miêu tả cảnh sinh hoạt của những con người lao động ở đảo và toàn cảnh đảo Cô Tô buổi sáng trong trẻo, sáng sủa nhưng chưa tả được các sắc màu cụ thể như lời văn của Nguyễn Tuân.
* GV chuyển ý : Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ rất mực tài hoa. Ông am hiểu nhiều nghành nghệ thuật khác như : hội hoạ, điêu khắc, điện ảnh, âm nhạc, sân khấu … Ông vận dụng con mắt của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau để tăng cường khả năng quan sát, và miêu tả. Chúng ta sẽ thấy rõ hơn điều này thông qua việc tìm hiểu, phân tích đoạn trích “Cô Tô”.
Hướng dẫn tìm hiểu chi tiết.(20’)
* Theo bố cục của văn bản, đầu tiên chúng ta tìm hiểu về cảnh thiên nhiên ở đảo Cô Tô, và nét cảnh thiên thiên đầu tiên ta tìm hiểu là hình ảnh đảo Cô Tô sau cơn bão.
* Hướng HS chú ý vào đoạn thứ nhất của văn bản sgk / 88.
? Tác giả đã ở trên đảo Cô Tô nhiều ngày. Đến ngày thứ năm, sau khi cơn bão đi qua, tác giả đã đi thăm những chú bộ đội đóng quân ở đây. Tác giả không bỏ sót những thay đổi nào của đảo. Để miêu tả cảnh đảo Cô Tô, tác giả chọn vị trí quan sát cảnh ở đâu?
g Trên nóc đồn Cô Tô.
? Tác giả chọn những hình ảnh nào để miêu tả cảnh sắc một vùng biển đảo?
g Tác giả chọn các hình ảnh : bầu trời, nước biển, cây trên núi đảo, bãi cát. (GV kết hợp ghi bảng các chi tiết)
? Những hình ảnh đó được tác giả miêu tả bằng những từ ngữ nào?
g - Sau cơn bão, bầu trời trong trẻo và sáng sủa.
- Cây … thêm xanh mượt.
- Nước biển lại lam biếc đậm đà ..
- Cát lại vàng giòn …
- Lưới càng thêm nặng mẻ cá giã đôi …
(HS trả lời, GV kết hợp ghi bảng các chi tiết)
? Tác giả đã vẽ ra trước mắt người đọc một bức tranh bằng từ ngữ. Tác giả miêu tả nước biển thì lại lam biếc đậm đà, cây … xanh mượt, cát … vàng giòn … Qua cách miêu tả đó, em hình dung nước biển, cây, và cát như thế nào?
g Nước biển có màu xanh đậm đặc, phản chiếu ánh sáng, trông rất đẹp.
Cát thì rất vàng; Cây thì xanh tươi, mượt mà, đầy sức sống.
* GV : Để miêu tả toàn cảnh đảo Cô Tô, ngoài chọn vị trí thuận lợi để quan sát bao quát cảnh thì tác giả còn thể hiện cái tài hoa trong việc lựa chọn từ ngữ miêu tả. Cây thì xanh mượt. Từ “xanh mượt” ấy gợi cho chúng ta hình ảnh, sau cơn mưa, cây cối như được gột rửa, như trút bỏ đi cái lớp áo bụi bặm của những ngày nắng gió và bây giờ, bão qua đi, mưa qua đi, chúng như được khoác trên mình một chiếc áo mới, sạch sẽ, tinh tươm. Tác giả miêu tả những hình ảnh trên không những bằng thị giác mà còn bằng cảm nhận riêng của bản thân mình. Miêu tả màu nước biển, ngoài quan sát bằng thị giác, thấy màu nước biển lam biếc – một màu xanh làm say lòng người, tác giả còn miêu tả bằng vị giác, như nếm vị nước biển “đậm đà”. Với cát cũng vậy, cát vàng là quan sát bằng thị giác, còn cát vàng giòn, thì không những “nhìn thấy” mà còn như ăn được. Bởi vì ăn thì mới cảm nhận được giòn hay không. Nước lam biếc đậm đà, cát vàng giòn. Cái đậm đà của nước biển, cái giòn của cát thì phải là người rất tinh tế và nhạy cảm mới cảm nhận được.
* GV nói thêm : Tác giả chỉ chọn một vài chi tiết tiêu biểu để làm nổi rõ cảnh sắc một vùng biển đảo và chọn vị trí quan sát từ trên điểm cao nơi đóng quân của bộ đội. Chính từ vị trí quan sát ấy và những hình ảnh chọn lọc ấy đã giúp người đọc hình dung được toàn cảnh đảo Cô Tô.
? Để làm nổi bật hình ảnh đảo Cô Tô sau cơn bão, tác giả đã dùng những từ ngữ như thế nào? Nhận xét cách dùng từ ngữ của tác giả trong những câu văn trên?
( GV gạch chân các từ ngữ miêu tả)
g Từ ngữ chỉ mức độ ngày càng tăng và tính từ chỉ màu sắc tươi sáng, từ láy gợi hình ảnh, điệp ngữ. (Dùng các tính từ gợi tả sắc màu vừa tinh tế vừa gợi cảm).
? Qua điệp từ “lại”, em hình dung như thế nào về cảnh trước con bão và sau cơn bão? Nêu nhận xét của em?
g Cảnh trước cơn bão đã đẹp nhưng sau cơn bão, cảnh càng đẹp hơn.
* GV : Đó chính là sự hồi sinh của sự sống trước sức huỷ diệt của thiên nhiên. Thông thường khi một cơn bão qua đi, nó thường để lại phía sau sự tàn phá. Thế nhưng ở đây, khi cơn bão qua đi, thiên nhiên như bắt đầu một sự sống mới. Một sự sống đang vươn lên mạnh mẽ : Cây lại thêm xanh mượt, nước biển lại lam biếc đậm đà hơn hết cả mọi khi, cát lại vàng giòn hơn nữa, lưới thì càng thêm nặng mẻ cá giã đôi …
? Với biện pháp nghệ thuật “điệp từ” và từ ngữ miêu tả trên, em hình dung cảnh đảo Cô Tô sau cơn bão như thế nào?
g Tác giả làm nổi bật toàn cảnh đảo Cô Tô : đó là một khung cảnh bao la với vẻ đẹp trong sáng, tinh khôi, đầy sức sống.
* GV bình : Để miêu tả vẻ đẹp trong sáng, tinh khôi của đảo Cô Tô sau cơn bão, tác giả đã dùng hàng loạt tính từ chỉ màu sắc và ánh sáng … giúp người đọc hình dung được khung cảnh bao la và vẻ đẹp tươi sáng của vùng đảo Cô Tô, làm cho bức tranh trời, biển, đảo của Cô Tô như bừng sáng long lanh, như cảnh tượng một bức sơn mài. Trong bức tranh thiên nhiên ấy, thấp thoáng vẻ tươi sáng của cuộc sống lao động nơi đảo Cô Tô : “lưới càng thêm nặng mẻ cá giã đôi”. Trong những ngày động bảo thì cá vắng tăm biệt tích, còn bây giờ, sau cơn bão thì cá rất nhiều. Điều đó đã làm rung lên dây đàn cảm xúc trong lòng tác giả.
? Đứng trước một vùng biển đảo tươi đẹp như vậy, cảm xúc của tác giả đối với Cô Tô như thế nào? Tìm chi tiết nói lên cảm xúc đó?
g … yêu mến hòn đảo như bất cứ người chài nào đã từng sinh ra và lớn lên theo mùa sống ở đây.
* GV : Cảm xúc đó cho thấy tác giả rất yêu mến cảnh đảo, tác giả thấy Cô Tô gần gũi, thân thiết như nơi chôn rau cắt rốn của mình, như quê hương của chính mình. Điều đó cho thấy, ông là người rất gắn bó với thiên nhiên đất nước.
Hướng dẫn luyện tập ( 5’)
* GV chốt : Để miêu tả toàn cảnh đảo Cô Tô sau cơn bão, tác giả chọn vị trí quan sát, chọn điểm nhìn miêu tả, chọn lọc hình ảnh tiêu biểu, chọn lọc từ ngữ đặc sắc, và có tình cảm gắn bó với cảnh, chính điều đó đã giúp cho chúng ta hình dung một cách trọn vẹn biển đảo Cô Tô sau cơn bão là rất đẹp.
? Qua đoạn văn vừa tìm hiểu, em học tập được điều gì từ nhà văn Nguyễn Tuân trong cách miêu tả thiên nhiên?
g - Biết chọn vị trí quan sát (điểm nhìn).
- Chọn lọc từ ngữ đặc sắc, gợi hình.
- Vốn sống, vốn từ ngữ phong phú.
- Lời văn giàu cảm xúc.
? Bài văn bồi dưỡng cho chúng ta tình cảm gì?
g Yêu thiên nhiên, giúp ta hiểu biết và yêu mến một vùng đất của tổ quốc ở ngoài biển – quần đảo Cô Tô.
? Mọi miền đất nước Việt Nam đều có cảnh đẹp. Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long, có đảo Cô Tô; Huế có Sông Hương, chùa Thiên Mụ … Theo em, thành phố chúng ta có cảnh thiên nhiên nào đẹp không (danh lam thắng cảnh)?
g HS tự bộc lộ. Ví dụ :
- Hồ Tuyền Lâm.
- Hồ Xuân Hương.
- Thác Cam Ly.
- Thác Prenn.
- Hồ Than Thở.
- Thung lũng Tình yêu. (…)
* GV : Thành phố chúng ta được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, về thắng cảnh. Khí hậu trong lành, mát mẻ, phong cảnh đẹp, nên thơ … Người dân Việt Nam rất thích đến thăm Đà Lạt. Do đó, để mọi người càng quý mến thành phố ngàn hoa này hơn, thì đó chính là nhiệm vụ trước mắt và trong lai của mỗi chúng ta.
* GV chốt : Mỗi một miền đất có một cảnh đẹp riêng, mỗi người đến những nơi ấy đều có những cảm nhận riêng của mình, cũng như nhà văn Nguyễn Tuân đã có những rung động và cảm nhận riêng về đảo Cô Tô.
Rõ ràng, Nguyễn Tuân đã nhìn Cô Tô dưới con mắt thẫm mĩ, phát hiện và miêu tả vẻ đẹp trong sáng, đầy sức gợi cảm của Cô Tô sau khi trận bão đã đi qua. Đoạn văn dào dạt cảm xúc gắn bó, yêu thương của nhà văn với Cô Tô.
Tiết 1 chúng ta dừng tại đây. Tiết học sau, chúng ta sẽ càng thấy rõ hơn tài năng quan sát, miêu tả và cách sử dụng ngôn ngữ hết sức chính xác, điêu luyện và độc đáo của tác giả qua bức tranh mặt trời mọc trên biển đảo Cô Tô.
HẾT TIẾT 1
I. Tìm hiểu chung:
1. Tác giả:
- Nguyễn Tuân : sinh 10/7/1910 –
mất 28/7/1987.
- Quê : Từ Liêm – Hà Nội.
- Bút danh : Nhất Lang, Ân Ngũ Tuyên, Thanh Hà, Tuấn Thừa Sắc.
2. Tác phẩm :
Bài văn “Cô Tô” là phần cuối của bài kí “Cô Tô”.
II. Đọc – Hiểu văn bản :
1. Đọc, tìm hiểu chú thích :
Sgk / 90.
2. Thể loại : Kí.
3. Bố cục: 2 phần.
4. Phân tích:
a. Cảnh thiên nhiên ở đảo Cô Tô:
a1. Hình ảnh đảo Cô Tô sau cơn
bão:
- Sau cơn bão, bầu trời trong trẻo và sáng sủa.
- Cây … thêm xanh mượt.
- Nước biển lại lam biếc đậm đà ..
- Cát lại vàng giòn …
- Lưới càng thêm nặng mẻ cá …
g Tính từ, từ láy gợi hình , điệp từ:
Khung cảnh bao la với vẻ đẹp trong sáng, tinh khôi, đầy sức sống.
[ Yêu mến cảnh đảo.
HẾT TIẾT 1
4. Hướng dẫn về nhà :
- Về nhà, chúng ta đọc lại bài văn. Nắm vững tiểu sử tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
- Nắm vững nội dung nói về cảnh đảo Cô Tô sau cơn bão và nghệ thuật miêu tả cảnh của tác giả.
- Chuẩn bị kĩ cho tiết tiếp theo :
+ Cảnh mặt trời mọc và cảnh sinh hoạt của người dân trên đảo. (Trả lời câu 3,4 sgk / 91).
+ Làm trước bài tập 1,2 phần luyện tập sgk / 91.
+ Tìm đọc toàn văn bài kí “Cô Tô” (nếu có thể).
+ Có thể tìm đọc thêm một số tác phẩm của Nguyễn Tuân để thấy được ông là một bậc thầy về ngôn
ngữ, một nghệ sĩ tinh tế và tài hoa trong việc phát hiện, sáng tạo cái đẹp.
___________________________________________
File đính kèm:
- Tiet 2 bai CoTo.doc