Vào thập niên tám mươi, khúc ghi ta mang tựa đề ấn tượng “Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta ” với những ca từ như đốt cháy hồn người bằng chính ngọn lửa cuộc đời của một “di sản” xứ sở Flamenco – FEDERICO GARCIA LORCA – do Thanh Tùng sáng tác, dường như là một thông điệp nhân sinh lý tưởng cho một thế hệ người Việt trẻ Còn với tôi, số phận của “con chim họa mi xứ Andalucia” và cây đàn ghi ta huyền diệu, thực sự trở thành một niềm cảm mến khi đọc “Thơ Federico Garcia Lorca” do Hoàng Hưng chuyển ngữ. Đọc “Memento”, tôi mới hiểu “Cuando yo muera enterradme con mi guitarra” – “Bao giờ tôi chết, hãy chôn tôi cùng cây đàn ghi ta”, là khát vọng cống hiến cháy bỏng cho nghệ thuật, cho cuộc đời của một Con Người Thơ – niềm tự hào vĩnh cửu của đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp, vốn đã rất tuyệt vời với vũ điệu Flamenco nồng cháy và những trận đấu bò tót rực lửa của những chàng hiệp sĩ áo choàng đỏ màu kiêu hãnh.
Đối với Thanh Thảo, “Đàn ghi ta của Lor-ca” bắt đầu từ những ám ảnh Từ những bản dịch của Hoàng Hưng, Lor-ca đã sống trong vô thức của Thanh Thảo gần mười năm, để rồi được viết ra trong một khoảnh khắc thăng hoa của xúc cảm, mùa hè năm 1979 Và đến năm 1985, bài thơ được xuất hiện lần đầu tiên trong tập thơ “Khối vuông Rubíc”
Bắt đầu từ năm học 2008-2009, bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” của Thanh Thảo chính thức được đưa vào chương trình SGK Ngữ văn lớp 12 (Tập 1 – Xuất bản năm 2008). Đây là sự kiện có sức thu hút đặc biệt đối với dư luận xã hội vốn rất quan tâm đến vấn đề “Dạy – học môn Văn trong nhà trường THPT”. Khó có thể thống kê hết những bài viết có “từ khóa” liên quan đến “Đàn ghi ta của Lor-ca”, Thanh Thảo trên các diễn đàn thông tin
146 trang |
Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 7069 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Luận văn thạc sỹ về Cây đàn ghi ta lorca của Thanh Thảo, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Vào thập niên tám mươi, khúc ghi ta mang tựa đề ấn tượng “Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta ” với những ca từ như đốt cháy hồn người bằng chính ngọn lửa cuộc đời của một “di sản” xứ sở Flamenco – FEDERICO GARCIA LORCA – do Thanh Tùng sáng tác, dường như là một thông điệp nhân sinh lý tưởng cho một thế hệ người Việt trẻ… Còn với tôi, số phận của “con chim họa mi xứ Andalucia” và cây đàn ghi ta huyền diệu, thực sự trở thành một niềm cảm mến khi đọc “Thơ Federico Garcia Lorca” do Hoàng Hưng chuyển ngữ... Đọc “Memento”, tôi mới hiểu “Cuando yo muera enterradme con mi guitarra” – “Bao giờ tôi chết, hãy chôn tôi cùng cây đàn ghi ta”, là khát vọng cống hiến cháy bỏng cho nghệ thuật, cho cuộc đời của một Con Người Thơ – niềm tự hào vĩnh cửu của đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp, vốn đã rất tuyệt vời với vũ điệu Flamenco nồng cháy và những trận đấu bò tót rực lửa của những chàng hiệp sĩ áo choàng đỏ màu kiêu hãnh.
Đối với Thanh Thảo, “Đàn ghi ta của Lor-ca” bắt đầu từ những ám ảnh… Từ những bản dịch của Hoàng Hưng, Lor-ca đã sống trong vô thức của Thanh Thảo gần mười năm, để rồi được viết ra trong một khoảnh khắc thăng hoa của xúc cảm, mùa hè năm 1979… Và đến năm 1985, bài thơ được xuất hiện lần đầu tiên trong tập thơ “Khối vuông Rubíc”
Bắt đầu từ năm học 2008-2009, bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” của Thanh Thảo chính thức được đưa vào chương trình SGK Ngữ văn lớp 12 (Tập 1 – Xuất bản năm 2008). Đây là sự kiện có sức thu hút đặc biệt đối với dư luận xã hội vốn rất quan tâm đến vấn đề “Dạy – học môn Văn trong nhà trường THPT”. Khó có thể thống kê hết những bài viết có “từ khóa” liên quan đến “Đàn ghi ta của Lor-ca”, Thanh Thảo trên các diễn đàn thông tin đại chúng… Nhưng có thể tìm được vấn đề chung nhất như sau: “Đàn ghi ta của Lor-ca” là một tác phẩm văn học mới, được (bị) đánh giá là một trong những văn bản “hai khó”: KHÓ HỌC và KHÓ DẠY. Dẫu vậy, những câu thơ đẫm chất suy tưởng và siêu thực, ngập tràn phức điệu của hình ảnh và âm nhạc trong bài thơ vẫn cuốn hút, ám ảnh người đọc một cách lạ thường… Điều đó khẳng định giữa XÃ HỘI – VĂN HỌC – NHÀ TRƯỜNG luôn tồn tại mối quan hệ sâu sắc và cũng đồng nghĩa với việc đổi mới, sáng tạo và lựa chọn phương pháp để nâng cao chất lượng Dạy – Học môn Văn trong nhà trường THPT luôn là một trọng trách cao cả đối với mỗi GV bộ môn Ngữ Văn. Bản thân tôi, khi trực tiếp giảng dạy tiết 40 – Đọc văn: “Đàn ghi ta của Lor-ca” tại hai lớp 12A12 và 12A13 – Trường THPT Ngô Quyền – HP, năm 2008-2009, cũng là năm học đầu tiên bài thơ này được chính thức đưa vào chương trình Ngữ Văn 12 – THPT, tôi đã vấp phải “một chướng ngại vật” thực sự trong quá trình soạn giảng “Đàn ghi ta của Lor-ca” của Thanh Thảo. Hơn nữa, trong thời gian học tập và nghiên cứu tại khóa đào tạo Thạc sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học Văn – K17 – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi cũng không tìm thấy một đề tài nào nghiên cứu trực tiếp về vấn đề tiếp cận bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” của nhà thơ Thanh Thảo… Tôi biết mình đã định hướng được đề tài để thực hiện luận văn tốt nghiệp.
Khởi nguyên từ sự cảm mến với FEDERICO GARCIA LORCA và đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp, từ những sáng tạo và đổi mới nghệ thuật thơ của Thanh Thảo, cùng với yêu cầu của thực tiễn nghề nghiệp, cũng như mong muốn của bản thân là: khám phá hướng giải mã thành công một trong những tác phẩm đang được coi là “có vấn đề” trong chương trình SGK Ngữ văn 12 như “Đàn ghi ta của Lor-ca” – Thanh Thảo… Chúng tôi quyết định chọn đề tài: DẠY HỌC BÀI THƠ “ĐÀN GHI TA CỦA LOR-CA” CỦA THANH THẢO Ở TRƯỜNG THPT.
2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Thanh Thảo đã tâm sự: “Đàn ghi ta của Lor-ca” là khoảnh khắc được bắt đầu từ những ám ảnh, rồi được viết rất nhanh trong một ngày của năm 1979 tại trại sáng tác Quân khu 5 – Đà Nẵng, và được xuất hiện lần đầu tiên trong tập thơ “Khối vuông Rubíc” của ông in năm 1985… Đến năm 2008-2009, khi được chọn vào chương trình SGK môn Ngữ Văn lớp 12, bài thơ đã trở thành một sự kiện xôn xao dư luận. Trong khoảng thời gian gần hai mươi năm, “Đàn ghi ta của Lor-ca” cũng mang một lịch sử của riêng nó, tuy chưa có bề dày nhưng khá phong phú và đa dạng…
2.1. Những lời cảm nhận và phẩm bình
Trước hết, chúng tôi đề cập đến bài phỏng vấn “Trò chuyện với tác giả bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” của Nguyễn Trọng Hoàn trong Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ - số 3/2009. Ngoài việc cung cấp cụ thể hoàn cảnh ra đời của bài thơ, Thanh Thảo còn chia sẻ:“Tôi viết bài thơ trong trạng thái không nghĩ ngợi gì, một trạng thái mà vô thức chiếm lĩnh tôi trọn vẹn… Bài thơ của tôi chỉ là một gợi ý nhỏ, một chút “men” gây cảm hứng nào đó… Tôi muốn mọi người tiếp nhận nó như một bài thơ. Những gì bài thơ muốn nói, nó đã nói bằng ngôn ngữ, bằng nhịp điệu, bằng nhạc tính trong toàn bộ bài thơ. Có thể thấy phần nào số phận Lor -ca, số phận của thơ ông qua bài thơ ấy ”
Trong bài “Đàn ghi ta của Lor-ca và nỗ lực đổi mới thơ của Thanh Thảo” – Thẩm bình tác phẩm Ngữ Văn 12- NXB Giáo dục/2008, tác giả Nguyễn Văn Bính nhận xét: Đây là bài thơ giàu nhạc tính và nhạc tính được tạo nên bởi thể thơ, cấu trúc trùng điệp, âm hưởng tiếng đàn… Bên cạnh đó, đặc sắc của bài thơ còn là sự sáng tạo hình ảnh, những hình ảnh tượng trưng gợi nhiều suy tưởng. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” nằm trong mạch cảm xúc của nhà thơ Thanh Thảo về cuộc đời và số phận ngang trái của những con người sống có nhân cách và nghĩa khí…
Còn bài viết “Đàn ghi ta của Lor-ca – Tiếng đàn gọi tri âm” – Bình giảng 28 tác phẩm Văn học Ngữ Văn 12 – NXB Giáo dục Việt Nam/2009, được tác giả Nguyễn Thị Minh Duyên khẳng định: Thanh Thảo đã ghi được “dấu chân” của mình trên “trảng cỏ” nghệ thuật, dấu chân ấy in hình những tìm tòi, đổi mới về tư duy và hình thức diễn đạt của bài thơ và cho rằng bài thơ là sự gặp gỡ đồng điệu giữa những tấm lòng tri kỉ….
“Một tìm tòi thú vị của Thanh Thảo” in trong tập “Thơ – điệu hồn và cấu trúc” – NXB Giáo dục/2006 cũng là một phát hiện đầy hấp dẫn của nhà nghiên cứu Văn học – TS.Chu Văn Sơn về bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca”. Tác giả khám phá: Thanh Thảo “vay mượn” không ít vốn liếng âm nhạc để đầu tư cho thơ mình. Mạch triển khai của thi phẩm tuân theo cấu trúc của một ca khúc, nhập cấu trúc ca khúc vào cốt tự sự để chúng đồng thể với nhau. Bài thơ là sự “đồng bệnh tương lân” của Thanh Thảo với F.G.Lor-ca và là thành quả đặc sắc về cách tân nghệ thuật thơ của Thanh Thảo.
2.2. Những hướng khai thác
Trên Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ - Số 6/2009, tác giả Lê Thị Tú Anh đã khai thác “Lời đề từ trong Đàn ghi ta của Lor-ca” trên góc độ tình yêu quê hương xứ sở và lời đề từ là khát vọng cách tân nghệ thuật, cũng như sự hy sinh chân chính của người nghệ sĩ hết mình vì nghệ thuật – F.G.Lorca. Bài viết ngợi ca nhân cách cao đẹp của người nghệ sĩ Tây Ban Nha như một hiện thân của khát vọng tự do và cách tân nghệ thuật.
Trong sách Hướng dẫn Thực hiện chương trình Sách giáo khoa lớp 12 môn Ngữ văn – NXB Giáo dục/2008, PGS-TS Lê Nguyên Cẩn có bài viết “Để hiểu thêm một số hình tượng thơ trong bài Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo” với mục đích giúp giáo viên THPT nắm được đôi chút về các quan niệm mĩ học của chủ nghĩa siêu thực và tượng trưng để có thể cảm nhận bài thơ của Thanh Thảo dễ dàng hơn. Đây là một gợi mở mang tính định hướng cơ bản trong quá trình soạn giảng “Đàn ghi-ta của Lor-ca” của giáo viên THPT.
Bài viết của TS. Phan Huy Dũng ở chuyên mục Văn học và Nhà trường trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 12/2008 có tiêu đề “Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo dưới góc nhìn liên văn bản”, đề cập đến lý thuyết “liên văn bản” mặc định của mỗi TPVC. Tác giả cho rằng: mỗi văn bản cụ thể đều có rất nhiều văn bản khác làm nền cho nó, muốn giải mã được văn bản chính thức không thể không tìm đến những văn bản đó dựa trên sự chỉ dẫn của các từ ngữ, hình ảnh, câu thơ trong TPVC. Muốn giải mã bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” một cách chính xác, cần phải vận dụng lý thuyết “liên văn bản”
Cùng với ý kiến của PGS.TS Lê Nguyên Cẩn về việc tiếp cận bài thơ đuợc xếp vào loại “khó đọc” này, TS. Nguyễn Phượng – đồng tác giả SGK Ngữ Văn 12 Nâng cao có bài “Vài suy nghĩ về việc đọc – hiểu bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca” – Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ số 7/2008. Tác giả đề cập một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình đọc – hiểu bài thơ như sau: 1- Cần có kiến thức mĩ học về thơ hiện đại mang màu sắc siêu thực – tượng trưng. 2- Cần nắm được những nét cơ bản về thơ Thanh Thảo. 3- Cách chia bố cục bài thơ. 4- Hệ thống hình ảnh trong bài thơ. 5- Yếu tố âm nhạc trong bài thơ.
Bên cạnh đó là sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các nhà nghiên cứu trong ngành, các giáo viên tâm huyết trên hành trình tìm hiểu và khám phá ra những hướng khai thác bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca”. Có thể kể đến những gợi ý hướng dẫn và thiết kế bài giảng của Sách giáo viên Ngữ văn 12 (T1) - ban Cơ bản và Nâng cao – NXB Giáo dục/2008 ; của Nguyễn Khắc Đàm - Nguyễn Lê Huân trong cuốn Thiết kế bài dạy Ngữ văn THPT – NXB Giáo dục/2008; do Vũ Dương Quỹ - Lê Bảo tuyển chọn trong cuốn Văn bản Ngữ văn 12 – Gợi ý đọc-hiểu và lời bình – NXB Giáo dục/2008; do Lê Huy Bắc chủ biên trong cuốn Trọng tâm kiến thức Ngữ văn 12 (T1) – NXB ĐHQG Hà Nội/2008; do TS. Phạm Minh Diệu chủ biên trong cuốn Thiết kế bài giảng Ngữ văn 12 (T1) – NXB ĐHQG Hà Nội/2008; do Nguyễn Hải Châu chủ biên trong cuốn Giới thiệu giáo án Ngữ văn 12 (T1) – NXB Hà Nội/2008; của TS. Lê Thị Hường trong Bộ sách Chuyên đề dạy - học Ngữ Văn 12 của NXB Giáo dục/2008; và gần đây nhất là của TS. Nguyễn Ái Học trong cuốn Phương pháp tư duy hệ thống trong dạy - học Văn – NXB Giáo dục Việt Nam/2010… Và một hệ thống giáo án đăng tải trên các trang web: http:// www.giaoandientu.com... Tuy nhiên, đối chiếu với những gợi ý và thiết kế bài giảng đã liệt kê, hướng khai thác bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” mà chúng tôi nghiên cứu vẫn là một con đường để ngỏ.
2.3. Những công trình nghiên cứu liên quan
Theo thống kê của chúng tôi, một số Luận văn Thạc sỹ Khoa học Giáo dục thuộc Khoa Ngữ Văn - Trường ĐHSP Hà Nội cũng đã chọn đối tượng nghiên cứu là “Thơ và Trường ca của Thanh Thảo” như: “Những đóng góp của thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ cứu nước”- Hoàng Kim Ngọc/1997; “Trường ca của những nhà thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ”- Đào Thị Bình/1999; “Một số trường ca tiêu biểu về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”- Nguyễn Thị Thu Hương/2002; “Trường ca của Thanh Thảo”- Trần Thị Thu Hường/2002; “Tìm hiểu quan niệm nghệ thuật của Thanh Thảo”- Đặng Thị Hương Lý/2006… Tuy nhiên, vì bắt đầu được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn 12 từ năm học 2008-2009, nên vấn đề: Hướng tiếp cận tác bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” của Thanh Thảo, vẫn chưa được sử dụng là một đề tài nghiên cứu cụ thể.
Vì vậy, đề tài chúng tôi chọn nghiên cứu là một khát khao kiếm tìm và khám phá cách giải mã thành công một bài thơ được (bị) coi là “chướng ngại vật” trong chương trình cải cách SGK Ngữ văn 12 – “Đàn ghi ta của Lor-ca” của Thanh Thảo, cũng như định hướng một lối đi trên hành trình tìm đường hướng dẫn học sinh tiếp nhận những tác phẩm “có vấn đề” khác trong chương trình Ngữ Văn – THPT.
3. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
- Bước đầu tìm hiểu quan niệm mĩ học của chủ nghĩa tượng trưng – siêu thực và sự ảnh hưởng tích cực của nó trong VHVN.
- Chỉ ra được những đổi mới đặc trưng về nghệ thuật của Thanh Thảo trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca”
- Đề xuất một hướng dạy – học bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” của Thanh Thảo ở trường THPT hiệu quả trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn.
4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
- Đặc trưng nghệ thuật thơ Thanh Thảo (những sáng tác sau 1975) và bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca”
- Học sinh lớp 12 THPT
+ Trường THPT Chu Văn An – Huyện Văn Chấn – Tỉnh Yên Bái
+ Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh – TP. Thái Bình – Tỉnh Thái Bình
+ Trường THPT Ngô Quyền – Quận Lê Chân – Thành phố Hải Phòng
5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
- Phương pháp nghiên cứu lý luận – thực tiễn
- Phương pháp phân tích – tổng hợp
- Phương pháp khảo sát – thực nghiệm
6. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN
- Đề xuất một hướng dạy – học hiệu quả bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” của Thanh Thảo
- Tạo tiền đề cho việc phát triển đề tài nghiên cứu về lý luận và phương pháp dạy học những tác phẩm thơ văn trong chương trình Ngữ Văn – THPT chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quan niệm mĩ học của chủ nghĩa tượng trưng – siêu thực.
7. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
Ngoài phần Mục lục – Mở đầu – Kết luận – Thư mục – Phụ lục, nội dung của luận văn được chia làm 3 chương:
Chương 1: Đặc trưng nghệ thuật thơ Thanh Thảo và bài thơ “Đàn ghi
ta của Lor-ca”
Chương 2: Dạy – Học bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” của Thanh Thảo
Chương 3: Thực nghiệm sư phạm
NỘI DUNG
CHƯƠNG I
ĐẶC TRƯNG NGHỆ THUẬT THƠ THANH THẢO
VÀ BÀI THƠ “ĐÀN GHI TA CỦA LOR-CA”
1. NGƯỜI LÀM THƠ – THANH THẢO
1.1. Thanh Thảo – Một cuộc đời thơ
1.1.1. “… Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc
Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em..?”
(Những người đi tới biển – Thanh Thảo)
“Tuổi hai mươi” là quãng đời xanh quý giá nhất của một con người, đã được tự nguyện hiến dâng vì độc lập tự do của tổ quốc, mà không hề chờ đợi bất kì sự tri ân, tri công nào. Lời bộc bạch chân thành của nhà thơ mặc áo lính Thanh Thảo, thực sự đã để lại một ấn cảm mạnh mẽ với bao lớp độc giả của phong trào thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nếu như, thơ Phạm Tiến Duật được coi là “mối tình đầu” của thơ chống Mỹ, thì thơ Thanh Thảo là “cách ứng xử đúng mực” sau “mối tình đầu” ấy. Cùng với Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Xuân Quỳnh… Thanh Thảo đã góp phần tạo nên và hoàn thiện gương mặt của thế hệ thơ trẻ thời chống Mỹ. Sau đại thắng mùa xuân 1975, Thanh Thảo vẫn là “người làm vườn” cần lao trên thửa ruộng thơ ca của đời mình. Thơ Thanh Thảo trên chặng đường này là một hành trình trăn trở của sự kiếm tìm và đổi mới tư duy nghệ thuật trong giai đoạn mới của VHVN.
Thanh Thảo là “người làm nghề có ý thức về nghề” và như một lẽ tất yếu, Thanh Thảo nghĩ về thơ, khát khao kiếm tìm bản chất của nghệ thuật thơ ca. “Cách Thanh Thảo làm thơ cũng không khác cách Nguyễn Tuân làm cho tùy bút trước đây, Nguyễn Đình Thi làm chi thơ ca và kịch, Nguyễn Huy Thiệp làm cho truyện ngắn” (48;257). Thanh Thảo hiểu rõ làm thơ là chạm đến thế giới tâm hồn – một tiểu vũ trụ mênh mông, bí ẩn “và tôi tin mãi mãi con người là bí mật, mãi mãi chúng ta không đi hết bản thân mình” (Gửi I.U. Bônđarep). Với Thanh Thảo, thơ ca không chỉ là sự sáng tạo mà nó đã trở thành một nỗi niềm day dứt, trăn trở và ám ảnh suốt cuộc đời…
Sau lần lỗi hẹn với bạn đọc bởi một “bài thơ rất hay nhưng mà xót xa quá” – Chế Lan Viên/1972, năm 1974 Thanh Thảo đã được nhắc đến trên thi đàn với tập thơ “Dấu chân qua trảng cỏ” và đặc biệt là sau tập trường ca “Những người đi tới biển”- 1977 và “Những ngọn sóng mặt trời”-1981, vị trí của Thanh Thảo trong VHVN đã được xác lập. Tập thơ “Khối vuông rubíc” là bước chuyển biến quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Thanh Thảo, anh đã tìm được lối ra cho những cơn xuất hứng, dù ngắn ngủi nhất. Trên con đường mới, sáng tác của Thanh Thảo tiếp tục nở rộ với những tập thơ và trường ca như: “Đêm trên cát”, “Từ một đến trăm”, “Bạch đàn gửi bạch dương”, “Tàu sắp vào ga”, “Trò chuyện với nhân vật của mình”, “Cỏ vẫn mọc”… Ngoài ra, Thanh Thảo còn là một cây bút sắc sảo với một số tập tiểu luận phê bình như: “Ngón thứ sáu của bàn tay”, “Mãi mãi là bí mật”, “Trò chuyện với dòng sông”…
1.1.2. Với gia tài khá đồ sộ là những tập thơ, trường ca và tiểu luận phê bình của Thanh Thảo, có thể kết luận rằng: nghệ thuật là một chủ đề tư tưởng lớn trong sáng tác của anh sau năm 1975. Là nhà thơ có ý thức sâu sắc về nghệ thuật, về sứ mạng của người nghệ sĩ và luôn khát khao mở đường, Thanh Thảo bày tỏ quan niệm nghệ thuật thơ rõ nét trên ba phương diện thẩm mỹ, bản chất và hình thức.
Về mặt thẩm mỹ, Thanh Thảo tìm đến cái đẹp “thô sơ và hực sáng” trong vô vàn vẻ đẹp khác vốn có của cuộc sống này. “Thô sơ” trước hết là vẻ đẹp tiềm ẩn trong những gì giản dị nhất, mộc mạc nhất và đời thường nhất. Có khi đó chỉ là “tiếng gà bất chợt” vang lên “bên bờ kinh hoang tàn” để khẳng định sự sống, là “ánh sáng bí ẩn” của “búp xà lách” xanh non như một sự khởi đầu, là “hoa nhài tinh khiết, thơm một cách tự tin” giữa chợ đời xô bồ, là “tiếng khóc tiếng cười tan rất mau” của trẻ thơ để lại cho cuộc đời những dư vị nguyên sơ, thuần phác và trong trẻo. Cái đẹp thô sơ là cái đẹp từ bản chất, không giả dối và chân thành. Phẩm chất thứ hai trong quan niệm thẩm mỹ của Thanh Thảo đó chính là sự “hực sáng” – vẻ đẹp của ánh sáng có sức nóng, bất ngờ, bùng nổ và quyết liệt. Có thể coi đó là khoảnh khắc huy hoàng nhưng có sức soi chiếu và lan tỏa khôn cùng. “Thô sơ và hực sáng” vừa tương phản vừa bao hàm, hòa hợp như vẻ đẹp của hoa cúc đã được tôn vinh trong thơ Thanh Thảo: “đầy dáng vẻ tầm thường đến tuyệt vời tinh tế/ kiêu hãnh vì đạm bạc”. Bên cạnh đó, cái đẹp trong thơ Thanh Thảo còn “lấp lánh chất người”, đó là một vẻ đẹp sáng và thẳng:
“Trải qua rét buốt lửa nồng
Gia tài còn lại tấm lòng ấy thôi
Những người mọc thẳng giữa đời
Như rừng dương chắn ngang trời cát bay”
(Những ngọn sóng mặt trời – Thanh Thảo)
Những con người trong thơ Thanh Thảo đều ít nhiều có phẩm chất của một người nghĩa sĩ, đặc biệt những nhà thơ mà Thanh Thảo cảm phục đều là những nhà thơ rạng ngời vẻ đẹp nghĩa khí, vẻ đẹp của sự xả thân hy sinh vì tự do, vì cái đẹp, như Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, L.Aragon, F.G.Lorca… Và bản thân Thanh Thảo cũng là một nhà thơ nghĩa khí bởi khát vọng được cống hiến với cuộc đời và nghệ thuật của anh. Có thể thấy, cái đẹp thơ Thanh Thảo là những vẻ đẹp bình thường nhưng cao cả, lặng lẽ mà âm vang. Nó đánh thức cảm xúc, khơi gợi suy nghĩ của người đọc, mở ra đa tầng suy nghĩa của cuộc sống… Nó là “những vệt bùn làm vinh hạnh cho thơ”.
Thanh Thảo quan niệm bản chất của thơ “mãi mãi là bí mật”. Có thể ta “mãi mãi dò tìm” nhưng “mãi mãi không thể nào chạm đáy”. Anh khẳng định thơ là sự đối lập căng thẳng giữa tâm hồn và không – có – tâm hồn: “Có những tâm hồn cao cả. Có những tâm hồn dằn vặt. Có những tâm hồn vị tha. Có những tâm hồn đớn đau. Nhưng dứt khoát không có thơ cho những kẻ không có tâm hồn”. Nhưng tâm hồn thơ phải mang bản chất chân thành. Đó là sự thành thực của cảm xúc thơ:
“Tôi sẵn sàng gặp gió, gặp bão, gặp em
Riêng sự hững hờ là tôi không chờ gặp”
(Trăm mảnh gỗ vuông – Thanh Thảo)
Đó là cái thành thực lặng lẽ “Ta như cọng bàng vươn lên chầm chậm/ Như hoa móng bò làm dịu mát đường đi”. Thậm chí “anh có thể dối em, nhưng thơ không thể dối” – Sanparp. Đó còn là tính chất vô tư lợi của thơ: “sinh ra từ lao động, thơ là kẻ thù của lười nhác. Sống thật thà vô tư, thơ không sao chịu nổi thói giả dối và vụ lợi” (Trò chuyện với nhân vật của mình – Thanh Thảo). Thơ còn sống bởi những điều giản dị, kì lạ của cảm xúc và sự khám phá bản chất chiều sâu của sự vật hiện tượng. Đối với Thanh Thảo, điều đó là cả một khát vọng trong thơ:
“Bạn ơi tôi làm sao tới được
Những khoảng rừng nguyên sinh trong tâm hồn bạn
Nơi cành lá um tùm dây leo chằng chịt
Lớp lớp rễ ngầm ứa những giọt nước đầu tiên”
(Thơ bốn câu – Thanh Thảo)
Có khi thơ chỉ cần cho một khoảnh khắc nhưng nó có thể đồng cảm, an ủi và nâng đỡ con người trước mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Hơn thế, thơ còn lay động và thức tỉnh tâm hồn… Có thể thấy, Thanh Thảo đã thể hiện một cái nhìn vừa khách quan, vừa trân trọng, vừa tự hào về bản chất, chức năng và vai trò của thơ để từ đó, thơ là người giữ ngọn lửa niềm tin để Thanh Thảo và những người làm thơ tiếp tục sáng tạo và cống hiến.
Về yếu tố thứ ba trong quan niệm nghệ thuật của Thanh Thảo đó là hình thức thơ. Không có hình thức thì cũng chẳng bao giờ có nghệ thuật. Cách nhìn, cách cảm về thế giới và con người cần có một hình thức tương ứng để biểu hiện. Thanh Thảo đã đưa ra nhiều quan niệm nghệ thuật mới về thẩm mĩ và bản chất thơ… nhưng cách tân mạnh mẽ nhất của thơ Thanh Thảo là trên phương diện hình thức. Anh quan niệm: “Rubíc – đó là cấu trúc thơ” bởi “Tôi xoay những ô vuông. Những sắc màu chưa đồng nhất. Rubíc là trò chơi kỳ lạ. Chúng ta phải vất vả bao nhiêu để sắp xếp những ý nghĩ. Có hàng tỷ cách sắp xếp”. Phải chăng thơ cũng là một trò chơi đầy bí ẩn mà mỗi lần thay đổi, diện mạo thơ lại xuất hiện đầy bất ngờ ? Nhưng điều quan trọng là thơ phải có một trục quay vô hình, đó là điểm tựa để thơ khởi phát và sinh tồn. Vì vậy, cấu trúc, quan niệm về ngôn ngữ, hình ảnh, nhịp điệu, thể loại thơ mang đậm cá tính của một cái đầu tỉnh táo và trái tim lửa cháy, đã làm nên một gương mặt thơ Thanh Thảo không thể trộn lẫn.
Cách phát biểu quan niệm nghệ thuật của Thanh Thảo khá đa dạng, nhưng chủ yếu tập trung và tự giác qua ba dạng chính. Thứ nhất, thông qua những sáng tác, Thanh Thảo dùng thơ như là phương tiện, như là đối tượng suy cảm để phát biểu quan niệm nghệ thuật của mình. “Những tráng ca thuở trước / Còn hát trong sách thôi / Những thanh gươm yên ngựa / Giờ đã cũ mèm rồi / Bài ca của chúng tôi / Là bài ca ống cóng…” (Bài ca ống cóng – Thanh Thảo)
Lời thơ Thanh Thảo cũng là tuyên ngôn nghệ thuật không chỉ của riêng mình mà còn dành cho cả một thế hệ đương thời. Con đường thơ mà những nhà thơ trẻ theo đuổi, nằm ở thế đối lập và tương phản với thơ ca của những thời kỳ trước. Đối với Thanh Thảo, thơ như một đối tượng thẩm mỹ xuất hiện theo cấp số cộng trong sáng tác của anh. Nhưng nàng thơ đỏng đảnh, chẳng chịu ở yên để nhà thơ hoàn thiện bức chân dung, nên Thanh Thảo vẫn mải miết tìm kiếm gương mặt đích thực của thi ca. Thứ hai, Thanh Thảo phát biểu trực tiếp quan niệm nghệ thuật trong những bài báo, những tập tiểu luận bàn về thơ và trả lời người đọc… Dù có thể chỉ bàn tới một hay vài khía cạnh của thơ ca nhưng tất cả đều thể hiện những suy nghĩ nghiêm túc, khao khát tìm kiếm và khái quát về thơ ca của Thanh Thảo. Thứ ba, bàn về thơ người khác cũng là cách Thanh Thảo lựa chọn để bộc lộ quan niệm thơ của mình. Anh đọc, nghĩ và viết về thơ và những nhà thơ trong quá khứ - hiện tại và tương lai… Nhưng dù viết về đối tượng nào thì Thanh Thảo vẫn tiếp cận bằng con mắt kiếm tìm đau đáu “như thỏi nam châm hút tìm những mạt quý kim của bạn hữu đồng nghiệp”. Hơn thế nữa, bàn về thơ người khác là để bộc lộ quan niệm thơ của mình bởi “viết về bạn cũng là viết về mình, viết về những khát khao và được mất của mình”.
Thơ Thanh Thảo ẩn sau sự cộng hưởng của những sắc nhọn, những đùa chơi, những mềm mại, là một năng lượng thơ hay nói đúng hơn là một ám ảnh thơ của cả một cuộc đời, mà cho đến bây giờ anh vẫn luôn khao khát đi tìm…
1.2. Thanh Thảo – Một con đường thơ mới sau 1975
“Thơ hay là chết”? “Chết” trong tâm hồn hay “sống” để được chết cho thơ? Đối với Thanh Thảo, không có một sự lựa chọn nào khác. Nếu Federico Garcia Lorca từng nói: “Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta”, thì người ngưỡng mộ ông – nhà thơ Thanh Thảo – cũng sẵn sàng “tử vì đạo”, hiến dâng cuộc đời một cách vô điều kiện cho cuộc hành trình theo đuổi những ám ảnh day dứt về nghệ thuật thi ca.
Đổi mới và dấn thân, đó là con đường duy nhất cho các nghệ sĩ chân chính, cho dù đó là con đường mờ mịt, chông gai và đơn độc. Đổi mới trong sáng tác nghệ thuật nói chung đã khó, đổi mới trong thơ lại càng khó hơn. “Thơ vẫn là cái gì mờ mờ ảo ảo, vẫn là cái gì ta vừa bắt được đó lại tuột đâu mất. Thơ vẫn là hình bóng, đôi khi là bóng của bóng nữa” – Thanh Thảo. Và dù có tới được hay không, thì Thanh Thảo vẫn luôn chọn cho mình vị trí tiên phong với tinh thần táo bạo của một bản lĩnh dám dấn thân. “Số phận của một nhà thơ cách tân là luôn phải ở vạch xuất phát. Và luôn phải biết quên”- Thanh Thảo. Bắt đầu với “Dấu chân qua trảng cỏ”, “Những người đi tới biển”, và “Những ngọn sóng mặt trời”… Thanh Thảo đã trở thành một tiếng thơ mới mẻ, ấn tượng trong thơ ca cách mạng Việt Nam. Nhưng vì, “ngoài xa, còn xa nữa” – Tvardopxki, Thanh Thảo đã không dừng lại. Anh là một hiện tượng đặc biệt, vì sau những bước đi ban đầu của mình, Thanh Thảo vẫn không ngừng theo đuổi những dự định sáng tạo mới. Anh sẵn sàng quên đi những gì đã đạt được để trở về điểm xuất phát đầu tiên, để khám phá “những nẻo mới, những bụi gai mới, những cạm bẫy mới”, “tự nguyện chìm vào cuộc chiến tranh buồn dai dẳng” và chấp nhận những rủi ro, thua thiệt… Vì điều gì? Nếu không phải vì Thơ?
Sáng tạo và đổi mới là sứ mệnh cay đắng và vinh quang của những người nghệ sĩ chân chính, trong đó có Thanh Thảo. Đối với anh, dấn thân trên con đường sáng tạo không chỉ là ý thức trách nhiệm, là bản lĩnh mà còn là niềm đam mê không thể lý giải. Nhà thơ đổi mới là nhà thơ đang lầm lũi, tự đày ải mình trên “con đường người không khôn ngoan gập ghềnh lầy thụt/ Sao anh không đi con đường đã dọn sạch/ Hành hạ thân mình như thế để làm chi?” (Từ một đến trăm – Thanh Thảo). Tuy nhiên, không thể dừng bước quay lại, vì không thể đành lòng là một kẻ ngủ quên…
“Bãi cát, bãi cát dài
dù phía trước chân trời mù mịt
dù bước chân dẫn về cõi chết
không thể không đi”
(Những ngọn sóng mặt trời – Thanh Thảo)
Có những lúc dường như Thanh Thảo cũng cảm thấy thất bại, đã hoài công vô ích, đau xót và bất lực:
File đính kèm:
- Luan van ThS ve DanLorca.doc