Loài người đã nghiên cứu ngôn ngữ từ rất sớm nhưng đến nay, nhiều vấn đề căn bản của ngôn ngữ học vẫn chưa đạt được sự nhất trí triệt để. Việc giải đáp khác nhau về hai câu hỏi: ngôn ngữ là gì, ngôn ngữ học nghiên cứu cái gì và phạm vi nghiên cứu tới đâu đã khiến ngôn ngữ học truyền thống có những khiếm khuyết nhất định. Những khiếm khuyết đó là cơ sở cho sự ra đời của ngôn ngữ học văn bản và ngữ pháp học văn bản.
a. Khiếm khuyết trong quan niệm về ngôn ngữ và ngôn ngữ học
Ai cũng hiểu ngôn ngữ học là khoa học nghiên cứu ngôn ngữ. Nhưng ngôn ngữ là gì? Có thể thấy, ở ta ngôn ngữ là một từ nhiều nghĩa. Nó có thể được hiểu là tiếng nói của một tộc người, hoặc là đặc trưng phong cách lời nói của một cá nhân, hoặc là công cụ chủ yếu mà con người dùng để giao tiếp xã hội bất kể là tiếng nói của tộc người nào và cũng có thể được hiểu là một hệ thống bất kì (âm thanh, mùi vị, màu sắc, động tác cơ thể.) được con người hoặc động vật dùng để giao tiếp với nhau. Liệu ngôn ngữ học có nghiên cứu ngôn ngữ với tất cả các nghĩa ấy không?
Ðầu thế kỉ XX, Ferdinand de Saussure (1857-1913) là người đầu tiên phát biểu một quan niệm rõ ràng về ngôn ngữ trong ngôn ngữ học. Theo ông, các tộc người đều có hoạt động ngôn ngữ (langage). Trong hoạt động ấy có một bộ phận cốt yếu gọi là ngôn ngữ (langue). Ðó là một hợp thể gồm những quy ước tất yếu được tập thể xã hội chấp nhận, để các cá nhân vận dụng chung trong nói năng. Những quy ước tất yếu ấy là những thực thể tồn tại trong bộ óc của một cộng đồng ngôn ngữ. Ðó là một kho tàng được thực tiễn nói năng của những người thuộc cùng một cộng đồng ngôn ngữ lưu lại, là một hệ thống tín hiệu, một hệ thống ngữ pháp tồn tại dưới dạng thức tiềm năng trong mỗi bộ óc, hay, nói cho đúng hơn, trong các bộ óc của một tập thể (1)
29 trang |
Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 2042 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Ngữ pháp Tiếng Việt, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
NGỮ PHÁP VĂN BẢN
HỌC TRÌNH I .
MẤY VẤN ÐỀ CHUNG
Khái quát vỀ ngôn ngỮ hỌc văn bẢn và ngỮ pháp hỌc văn bẢn
Sự hình thành ngôn ngữ học văn bản và ngữ pháp học văn bản
Ðối tượng và nhiệm vụ của ngôn ngữ học văn bản và ngữ pháp học văn bản
Văn bẢn và đẶc trưng cỦa văn bẢn
Khái niệm văn bản
Đặc trưng của văn bản
Các loại văn bản
HỆ THỐNG ÐƠN VỊ NGỮ PHÁP VĂN BẢN
Các quan niệm khác nhau về đơn vị ngữ pháp văn bản
Hệ thống đơn vị và kết cấu văn bản
Học trình I gồm 3 vấn đề:
I. Khái quát về ngôn ngữ học văn bản và ngữ pháp học văn bản
II. Văn bản và đặc trưng của văn bản
III. Hệ thống đơn vị ngữ pháp văn bản
I. KHÁI QUÁT VỀ NGÔN NGỮ HỌC VĂN BẢN VÀ NGỮ PHÁP HỌC VĂN BẢN
Ðại mục I gồm 2 mục:
1. Sự hình thành ngôn ngữ học văn bản và ngữ pháp học văn bản
2. Ðối tượng và nhiệm vụ của ngôn ngữ học văn bản và ngữ pháp học văn bản
1. Sự hình thành ngôn ngữ học văn bản và ngữ pháp học văn bản
1.1 Lí do ra đời của ngôn ngữ học văn bản và ngữ pháp học văn bản
Loài người đã nghiên cứu ngôn ngữ từ rất sớm nhưng đến nay, nhiều vấn đề căn bản của ngôn ngữ học vẫn chưa đạt được sự nhất trí triệt để. Việc giải đáp khác nhau về hai câu hỏi: ngôn ngữ là gì, ngôn ngữ học nghiên cứu cái gì và phạm vi nghiên cứu tới đâu đã khiến ngôn ngữ học truyền thống có những khiếm khuyết nhất định. Những khiếm khuyết đó là cơ sở cho sự ra đời của ngôn ngữ học văn bản và ngữ pháp học văn bản.
a. Khiếm khuyết trong quan niệm về ngôn ngữ và ngôn ngữ học
Ai cũng hiểu ngôn ngữ học là khoa học nghiên cứu ngôn ngữ. Nhưng ngôn ngữ là gì? Có thể thấy, ở ta ngôn ngữ là một từ nhiều nghĩa. Nó có thể được hiểu là tiếng nói của một tộc người, hoặc là đặc trưng phong cách lời nói của một cá nhân, hoặc là công cụ chủ yếu mà con người dùng để giao tiếp xã hội bất kể là tiếng nói của tộc người nào và cũng có thể được hiểu là một hệ thống bất kì (âm thanh, mùi vị, màu sắc, động tác cơ thể...) được con người hoặc động vật dùng để giao tiếp với nhau. Liệu ngôn ngữ học có nghiên cứu ngôn ngữ với tất cả các nghĩa ấy không?
Ðầu thế kỉ XX, Ferdinand de Saussure (1857-1913) là người đầu tiên phát biểu một quan niệm rõ ràng về ngôn ngữ trong ngôn ngữ học. Theo ông, các tộc người đều có hoạt động ngôn ngữ (langage). Trong hoạt động ấy có một bộ phận cốt yếu gọi là ngôn ngữ (langue). Ðó là một hợp thể gồm những quy ước tất yếu được tập thể xã hội chấp nhận, để các cá nhân vận dụng chung trong nói năng. Những quy ước tất yếu ấy là những thực thể tồn tại trong bộ óc của một cộng đồng ngôn ngữ. Ðó là một kho tàng được thực tiễn nói năng của những người thuộc cùng một cộng đồng ngôn ngữ lưu lại, là một hệ thống tín hiệu, một hệ thống ngữ pháp tồn tại dưới dạng thức tiềm năng trong mỗi bộ óc, hay, nói cho đúng hơn, trong các bộ óc của một tập thể (1)
Ông phân biệt rõ hai khái niệm ngôn ngữ và lời nói. Lời nói là biểu hiện trong thực tế của ngôn ngữ, là ngôn ngữ đang ở dạng hoạt động. Lời nói là sản phẩm của từng cá nhân, tất nhiên có những giá trị riêng nhưng đồng thời lại chứa đựng những giá trị chung vì đã sử dụng những tín hiệu và những quy ước có tính xã hội, được cả xã hội chấp nhận.
Ông cũng chỉ rõ mối quan hệ biện chứng giữa hai khái niệm này: Hoạt động ngôn ngữ có một mặt cá nhân và một mặt xã hội và không thể quan niệm mặt này mà thiếu mặt kia được (...), hai đối tượng này gắn bó khăng khít với nhau và giả định lẫn nhau (2). Ngôn ngữ là mặt trừu tượng và lời nói là mặt cụ thể của hoạt động ngôn ngữ, của chỉnh thể ngôn ngữ dân tộc.
Về đối tượng của ngôn ngữ học và ngữ pháp học, theo Saussure, Có thể tạm thời giữ danh từ ngôn ngữ học cho cả hai ngành học và nói đến một ngành ngôn ngữ học của lời nói. Nhưng không nên lẫn lộn nó với cái thật sự là ngôn ngữ học mà đối tượng duy nhất là ngôn ngữ (3).
Cách hiểu của Saussure là rạch ròi, chính xác. Học thuyết của ông đã tạo tiền đề lí luận cho nhiều trường phái ngôn ngữ học của thế giới nửa đầu thế kỉ XX và được coi là đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngôn ngữ học. Tuy nhiên, những mâu thuẫn mà Sausure chưa vượt qua cũng đã để lại những khiếm khuyết rõ ràng. Trước hết, người đời sau dễ phạm lỗi đánh tráo khái niệm: từ ngôn ngữ trong ngôn ngữ học khi thì được hiểu chỉ là mặt trừu tượng tức là hệ thống các đơn vị ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp được dùng làm công cụ giao tiếp quan trọng nhất của con người, là một hiện tượng xã hội đặc biệt, là một hệ thống kí hiệu đặc biệt, có quan hệ biện chứng với tư duy, tồn tại ở thế tiềm năng trong trí óc của một tập thể; khi thì được hiểu là thực thể bao gồm mặt ngôn ngữ (theo nghĩa trên) và cả mặt biểu hiện trong thực tế của nó - lời nói. Hệ quả là, trong các sách ngôn ngữ học, đơn vị từ, khi thì được coi là đơn vị ngôn ngữ lớn nhất, là đơn vị nhỏ nhất để đặt câu, khi thì được coi là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất; còn câu, khi thì được coi là đơn vị ngôn ngữ, khi thì được coi là đơn vị của lời nói (1)
Khiếm khuyết thứ hai là việc nghiên cứu lời nói thực chất đã bị gạt ra ngoài lĩnh vực ngôn ngữ học. Ngữ pháp học, một bộ phận quan trọng của ngôn ngữ học, được hiểu là có nhiệm vụ nghiên cứu các quy tắc biến hình từ, cấu tạo từ và quy tắc kết hợp các từ để tạo nên câu nói. Theo quan niệm này, từ là đơn vị lớn nhất của hệ thống ngôn ngữ. Trong hệ thống ngôn ngữ, không còn đơn vị nào cũng có hình thức ngữ âm và ý nghĩa cụ thể mà lại lớn hơn từ (...) (2). Câu do các từ ngữ cấu tạo nên, là kết cấu các đơn vị ngôn ngữ đồng thời cũng là đơn vị của lời nói, của ngôn từ, của văn bản (...) câu thuộc một bình diện khác hẳn với bình diện của các đơn vị ngôn ngữ (...) câu... cũng như các đơn vị của lời nói lớn hơn câu, không thuộc vào hệ thống các đơn vị ngôn ngữ . Nó là một đại lượng toàn vẹn mà các nhà ngôn ngữ học có thể dựa vào để nghiên cứu mọi điều về ngôn ngữ; giữa các câu trong lời nói có thể có nhiều mối quan hệ nhưng không thể có quan hệ ngữ pháp nào hết (3). Cách lập luận có tính "cưa đứt đục suốt" như trên chưa giải đáp được triệt để thắc mắc đại loại: tại sao lời nói - ngôn ngữ ở dạng hoạt động - lại không phải là ngôn ngữ, tại sao ngôn ngữ ở dạng hoạt động lại không thể là đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học? Tại sao các quy tắc kết hợp các câu, các kết cấu trên câu để tạo nên văn bản cũng được cả xã hội chấp nhận lại không phải là các quy tắc ngữ pháp? Phải chăng cần xem xét lại quan niệm coi lời nói như một bộ phận bên lề, bên ngoài của ngôn ngữ học trong khi đã khẳng định mối quan hệ giữa ngôn ngữ và lời nói là khắng khít với nhau và giả định lẫn nhau, là không thể quan niệm mặt này mà thiếu mặt kia được? Phải chăng cần có một quan niệm "động" về thuật ngữ ngôn ngữ, để từ đó, có thể coi các đơn vị ngôn ngữ không chỉ gồm hình vị, từ mà còn bao gồm câu, các đơn vị trên câu và ngữ pháp không chỉ là hệ thống các quy tắc biến hình từ, cấu tạo từ, kết hợp từ để tạo nên câu mà còn là các quy tắc kết hợp các câu để tạo nên các đơn vị trên câu, các quy tắc kết hợp các đơn vị trên câu để tạo nên văn bản? Có thể nói các quy tắc kết hợp các câu, các đơn vị trên câu chính là sự phản ánh các quy luật tư duy vào lĩnh vực ngôn ngữ, chính là một trong những biểu hiện của mối quan hệ biện chứng giữa ngôn ngữ và tư duy.
b. Khiếm khuyết trong thực tế nghiên cứu ngôn ngữ
Aristote (384-322 trước công nguyên) đã sáng lập logic học và cùng với nó là ngữ pháp học logic, thứ ngữ pháp còn ảnh hưởng sâu đậm trong nhà trường cho đến ngày nay. Xét mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy, ông đã chỉ ra: cái diễn đạt khái niệm là từ ngữ, cái diễn đạt phán đoán là câu và cái diễn đạt các suy luận, các chứng minh là nhiều câu. Suy luận diễn dịch trực tiếp có thể được diễn đạt trong một, hai câu, suy luận diễn dịch gián tiếp thông thường phải từ ba câu trở lên v.v... Nói cách khác, dường như cái gọi là nhiều câu này chỉ có quan hệ với nhau về mặt tư tưởng và logic. Nhiều câu ấy không phải là một chỉnh thể ngôn ngữ mà chỉ là sự lắp ghép các câu và câu đã mặc nhiên được coi là cấu tạo ngôn ngữ lớn nhất.
Ở Ấn Ðộ, khoảng bốn, năm trăm năm trước công nguyên, Panini đã cho ra đời bộ Ngữ pháp tiếng Sanskrit gồm 8 tập, mỗi tập 8 chương, với tổng cộng 3996 quy tắc ngữ âm, ngữ pháp đảm bảo việc đọc hiểu một cách quy phạm bộ Kinh Vê Ða đồ sộ. Tuy nhiên, Panini không coi bộ Kinh là một đơn vị ngôn ngữ. Ðó là một tác phẩm, một tổng đại thành gồm nhiều tập, nhiều chương và rất nhiều câu.
Người Trung Hoa cổ có một lối nghiên cứu ngôn ngữ riêng. Họ đã sớm lập ra huấn hỗ học, tự thư học và âm vận học để nghiên cứu sâu sắc nghĩa chữ, hình chữ và cách phát âm các chữ trong kho tàng chữ của người Trung Quốc. Câu và các kết hợp câu là đối tượng nghiên cứu của các ngành khoa học khác.
Cho đến cuối những năm 50 của thế kỉ này, ngôn ngữ học truyền thống đã tự giới hạn sự nghiên cứu ngôn ngữ ở cấp độ câu. Vì những gì ở trên câu, ngoài câu đã thuộc về lời nói cá nhân.
Theo Antoine Meillet (1866-1949), câu là một tập hợp cấu âm gắn bó với nhau bằng quan hệ ngữ pháp và tự bản thân nó được xem là đầy đủ vì không phụ thuộc vào một tập hợp nào khác về mặt ngữ pháp. Theo Leonard Bloomfield (1887-1949), mỗi câu là một hình thức ngôn ngữ độc lập, được phân biệt nhờ sự chuyển âm hoặc ngữ điệu. Câu là một kết cấu trong phát ngôn (ngôn từ, ngôn bản, văn bản) đang xét không phải là một bộ phận của kết cấu lớn hơn nào. Theo Emile Benveniste (1902-1976), câu là đơn vị cơ bản của lời nói, của ngôn từ, của văn bản. (Dẫn theo Cao Xuân Hạo, Sđd)
Ở Việt Nam, theo Ngữ pháp tiếng Việt, của Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Câu là đơn vị dùng từ hay đúng hơn dùng ngữ mà cấu tạo nên trong quá trình tư duy thông báo; nó có nghĩa hoàn chỉnh, có cấu tạo ngữ pháp và có tính chất độc lập (1)
Nhìn chung, ngữ pháp học truyền thống quan niệm câu là kết cấu các đơn vị ngôn ngữ, là đơn vị tư duy, thông báo có kết cấu nội bộ, có tính chất độc lập, hoàn chỉnh về cấu trúc, trọn vẹn về ý nghĩa. Sau từ, trên từ không có đơn vị ngôn ngữ nào khác nữa. Quan niệm trên đã có chỗ đứng vững chắc trong nhận thức về ngôn ngữ và đơn vị ngôn ngữ của nhiều thế hệ, có tác dụng giúp mọi người nhận biết những điểm sai, đúng, hay của nhiều câu viết và viết được nhiều câu đúng ngữ pháp. Nó có tác dụng tích cực trong việc dạy thực hành tiếng cho thế hệ trẻ trong các nhà trường.
Nhưng quan niệm trên chưa thật thỏa đáng. Trước hết, có thể dễ dàng thấy: quả có nhiều câu viết có tính chất độc lập nhưng đa số câu không hoàn toàn có tính độc lập. Thí dụ:
- Các cháu ngoan. Học thuộc bài. Vâng lời cha mẹ. Ðừng đánh con chó nhỏ Mariuýt của các cháu. (Trích Thư chú Nguyễn, Tiếng Việt lớp hai, 1982)
- Trung thu này Bác không có gì gửi tặng các cháu. Chỉ gửi tặng các cháu nhiều cái hôn. (Trích Nhân dịp tết Trung thu... , Trích giảng văn học lớp 6)
- Ðó là con người có tinh thần tự giác cao, có đầy đủ quyết tâm và nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Là con người lao động thật thà, ghét lối ăn bám, dối trá, làm dối, nói dối. Là con người lao động có kỉ luật, có kĩ thuật, có năng suất cao... (Trích Xây dựng con người mới, Lê Duẩn, Trích giảng văn học lớp 9)
Rõ ràng, hầu hết các câu của mỗi thí dụ trên đều không có tính độc lập hoàn toàn. Nhìn rộng ra, có thể thấy, câu trong văn bản văn chương và báo chí cũng không hoàn toàn theo các quan niệm truyền thống về câu. Chẳng hạn bài Mõ mù u của H. Kim đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 23-9-1995 sau đây:
Ở Mỹ Tho, trong khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, hầu như nhà nào cũng có mõ mù u. Ðể đánh giặc, giặc Tây, giặc trộm cướp. Ðể họp dân, tập họp dân quân. Triệu tập, "oánh" thưa tiếng: cum... cum... cum... Báo động Tây càn, "oánh" dồn dập từng hồi. Rồi oánh chuyền từ nhà này sang nhà khác. Chừng như khắp xóm làng đồng nước, mõ mù u tham gia đánh giặc... vang trời. Tới thời đánh Mỹ, dạo Ðồng khởi, dân Bến Tre xài mõ mù u nhiều.
Khó có thể nói văn bản trên phạm nhiều lỗi ngữ pháp. Nó đã được ban biên tập báo cân nhắc kĩ và chọn dùng làm bài đăng nhân dịp kỉ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến 23 tháng 9. Cách viết này cũng không có gì mới mẻ. Nó đã có từ trước rồi. Ðây là văn Nam Cao trước Cách mạng:
Không đầy một năm trời, bà thay đổi đến năm, sáu chủ. Mỗi lần đổi chủ là một lần hạ giá. Thoạt tiên cơm nuôi tháng một đồng. Rồi cơm nuôi, một năm bốn đồng. Rồi hai đồng. Rồi chẳng có đồng nào. (Một bữa no)
Và đây là những câu văn của Hoài Thanh:
...Thì ai chẳng nhận thế. Nhưng đã lâu lắm ta chỉ quen với món thất ngôn bát cú. Quen đến ngấy. (...) Nhạc điệu câu thơ cũng khác. Vì những chỗ ngắt hơi không nhất định. Nhất là vì cái lối dùng chữ rớt đã được nhập tịch đường hoàng (...) .(1)
Từ thực tế trên, có thể thấy:
1. Trong giao tiếp bằng ngôn ngữ, người ta ít khi chỉ dùng một câu hoặc những câu rời rạc, riêng rẽ; đa số trường hợp, phải dùng một tập hợp nhiều câu. Nói cách khác, câu mới chỉ là đơn vị nhỏ nhất có giá trị thông báo; muốn thực hiện tốt hoạt động tư duy và thông báo, ta phải dùng những cấu tạo ngôn ngữ lớn hơn câu.
2. Câu trong cấu tạo ngôn ngữ lớn hơn câu biến hóa rất đa dạng. Nhờ vào mối quan hệ tương tác giữa chúng và với cả tập hợp câu mà câu có thể độc lập hoặc không có tính độc lập, có thể trọn vẹn về ý nghĩa hoặc chứa nhiều yếu tố chỉ rõ nghĩa nếu liên hệ với các câu xung quanh. Lí thuyết coi câu như một đơn vị ngôn ngữ lớn nhất, cuối cùng của ngôn ngữ học trở nên thiếu chính xác, thiếu toàn diện. Aruchiunova từng viết: thực tế câu trong giao tiếp, trong văn bản đã ra khỏi phạm vi của những câu kinh điển, người nghiên cứu rơi vào một đại dương rộng mở và không bờ bến của những câu (...) rất ít được quy phạm hóa về mặt hình thức. (Trích theo Trần Ngọc Thêm)
3. Mối quan hệ qua lại của câu và cấu tạo ngôn ngữ lớn hơn câu đòi hỏi ngôn ngữ học phải chú ý tới lĩnh vực trên câu. Nhiều vấn đề của câu chỉ có thể lí giải được khi nghiên cứu lĩnh vực trên câu. Như vậy, việc nghiên cứu lĩnh vực trên câu sẽ giúp hiểu thấu đáo hơn các cấp độ trong phạm vi cấu trúc câu.
4. Ngoài ra, nghiên cứu lĩnh vực trên câu sẽ đáp ứng được nhiều nhu cầu thực tiễn của việc tạo dựng và lĩnh hội, tiếp nhận văn bản.
1.2 Quá trình hình thành bộ môn ngôn ngữ học văn bản & ngữ pháp học văn bản
TOP
Trước kia, văn bản thuộc các thể loại đã được nhiều bộ môn khoa học, trước hết là văn học và văn bản học nghiên cứu. Văn học đã chia văn bản ra thành các thể loại khác nhau, nghiên cứu, mô tả chúng, nêu lên các quy tắc để sáng tác và cảm thụ. Thuật hùng biện, phép làm thơ, phép tạo một cặp câu đối, phép làm một bài văn sách, một bài hịch, một bài văn tế, một bài phú cho đến một vở kịch, một thiên truyện đều đã có những quy tắc nhất định.Văn bản học, khoa học gần với sử học, cũng quan tâm sớm tới văn bản. Nó nghiên cứu để xác định nguồn gốc và tính chính xác của các văn bản cũ. Chẳng hạn, văn bản xuất hiện vào niên đại nào, thời kì nào, triều đại nào, bản nào là nguyên bản, bản nào là dị bản, tác giả văn bản là ai và bản gốc thực sự có dạng thức như thế nào v. v...
Riêng với ngôn ngữ học, nhận ra sự khiếm khuyết của ngôn ngữ học truyền thống, khoảng cuối những năm 50, một số nhà ngôn ngữ học đã nghiên cứu những hiện tượng ở trên câu, ở ngoài câu và nêu lên khái niệm về đơn vị ngôn ngữ trên câu. Ðơn vị này được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: đoạn văn, chỉnh thể cú pháp phức hợp, khối liên hiệp các câu, thể thống nhất trên câu, chuỗi câu liên kết, siêu câu, tổ hợp quan hệ vị ngữ tính, giao tiếp vị, khổ văn xuôi hoặc diễn ngôn (discours) v.v... Sang thập niên 70, số bài viết về các vấn đề ngữ pháp văn bản trên câu xuất hiện nhiều. Trên cơ sở đó, nhiều hội nghị chuyên đề quốc tế về ngôn ngữ học văn bản được tổ chức. Ngôn ngữ học văn bản dần được coi là một bộ môn của ngôn ngữ học bên cạnh ngữ âm học, từ vựng học, ngữ pháp học, phong cách học. Nó kế thừa các thành tựu của ngôn ngữ học cũ và có nhiều tìm tòi đóng góp quan trọng. Nó đã có chỗ đứng khá chắc chắn và trên thực tế không còn là trung tâm chú ý ở các nước có nền ngôn ngữ học tiên tiến từ những năm 70.
Ở Việt Nam ta, vào những năm 70, Trường đại học tổng hợp và Trường đại học sư phạm Hà Nội đã dạy một số chuyên đề về ngôn ngữ học văn bản. Sang thập niên 80, sau một số bài báo đăng trên tạp chí Ngôn ngữ số 2-1980 và số 3-1984, giáo sư Trần Ngọc Thêm đã cho xuất bản cuốn Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt (Nxb Khoa học xã hội - 1985). Ðây là cuốn sách về ngữ pháp văn bản đầu tiên ở Việt Nam. Cùng thời gian đó, do nhu cầu dạy môn làm văn ở các trường phổ thông, việc nghiên cứu ứng dụng ngôn ngữ học văn bản vào việc dạy làm văn cũng được tiến hành ở các trường sư phạm. Cuối năm 1985, Nhà xuất bản Giáo dục đã cho phát hành cuốn Ngữ pháp văn bản và việc dạy làm văn của ba tác giả Nguyễn Trọng Báu, Nguyễn Quang Ninh và Trần Ngọc Thêm. Do tính thiết thực, từ năm 1989, nhiều kiến thức ngữ pháp văn bản đã được đưa vào dạy chính thức ở các trường phổ thông cơ sở và phổ thông trung học (xem các sách Tiếng Việt 8, 9, 10 và các sách Làm văn 10, 11, 12). Sau đó, các trường cao đẳng và đại học sư phạm đều đã tổ chức dạy phân môn ngữ pháp văn bản. Ði đôi với việc này là việc in ấn các giáo trình riêng hoặc các học phần ngữ pháp văn bản trong các giáo trình Tiếng Việt ở các trường cao đẳng và đại học.
Tóm lại, ngôn ngữ học văn bản là một bộ môn mới của ngôn ngữ học. Nó có lịch sử phát triển chỉ vài ba chục năm lại đây. Thành tựu có nhiều, tuy vậy, nhiều vấn đề vẫn còn đang bỏ ngỏ.
2. Ðối tượng và nhiệm vụ của ngôn ngữ học văn bản và ngữ pháp học văn bản
TOP
2.1 Ngôn ngữ học văn bản
Văn bản là một đối tượng phức tạp. Nó có thể là đối tượng của những bộ môn khoa học khác nhau như văn học (phê bình văn chương, thi học, lí luận văn chương, lịch sử văn chương...), tâm lí học, logic học, xã hội học, luật học, tin học và các bộ môn ngôn ngữ học như cú pháp học, phong cách học, tu từ học, ngôn ngữ học văn bản, ngữ dụng học v.v...
Riêng ngôn ngữ học văn bản có đối tượng nghiên cứu là các hiện tượng ngôn ngữ ở lĩnh vực trên câu; phân biệt với ngôn ngữ học truyền thống nghiên cứu những hiện tượng ngôn ngữ ở lĩnh vực trong câu và những đơn vị tạo nên câu. Nhiệm vụ chung của ngôn ngữ học văn bản là giải thích mạng lưới quan hệ giữa các thành tố thuộc các tầng bậc khác nhau trong văn bản, đồng thời, xem xét văn bản trong mối quan hệ với hoàn cảnh giao tiếp và với thế giới bên ngoài.
Tùy theo nhiệm vụ nghiên cứu chủ yếu, ngôn ngữ học văn bản đã hình thành ba chuyên ngành hẹp: lí thuyết văn bản đại cương, ngữ pháp học văn bản và phong cách học văn bản. Lí thuyết văn bản đại cương nghiên cứu lí thuyết chung của ngôn ngữ học văn bản. Ngữ pháp học văn bản nghiên cứu các quy tắc kết hợp các đơn vị văn bản thuộc các tầng bậc khác nhau để tạo nên đơn vị giao tiếp lớn nhất là văn bản. Phong cách học văn bản nghiên cứu các thể loại văn bản thuộc các phong cách chức năng ngôn ngữ và các thói quen xã hội trong việc tạo lập văn bản thuộc mỗi thể loại ấy. Ba chuyên ngành trên tuy có nhiệm vụ riêng, có đối tượng nghiên cứu riêng nhưng có nét chung là đều nghiên cứu các vấn đề thuộc cấp độ trên câu trong phạm vi các văn bản hoàn chỉnh.
2.2 Ngữ pháp học văn bản
Ngữ pháp học văn bản có đối tượng nghiên cứu là các phạm trù ngữ pháp chung của văn bản, các đơn vị, các kết cấu ngữ pháp văn bản và các biểu hiện có tính quy luật của việc cấu tạo các đơn vị và kết cấu ngữ pháp văn bản ấy. Nhiệm vụ nghiên cứu trước mắt của ngữ pháp học văn bản là: các đơn vị và kết cấu ngữ pháp văn bản, những mối liên hệ giữa chúng cũng như các phương tiện liên kết hình thức của các mối liên hệ ấy.
II. VĂN BẢN VÀ ÐẶC TRƯNG CỦA VĂN BẢN
Ðại mục II gồm 3 mục:
1. Khái niệm văn bản
2. Ðặc trưng của văn bản
3. Các loại văn bản
1. Khái niệm văn bản
TOP
Hiện nay, chưa có định nghĩa nào về văn bản được tất cả các nhà ngôn ngữ học chấp nhận. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều quan niệm khác nhau vềì văn bản trong các từ điển tiếng Việt, trong các sách giáo khoa phổ thông, trong các giáo trình tiếng Việt thực hành cũng như trong các sách ngôn ngữ học trong, ngoài nước. Tuy vậy, rất nhiều sách ngữ pháp văn bản đã trích dẫn hoặc phát biểu quan niệm của mình xoay quanh định nghĩa sau đây: Văn bản - đó là sản phẩm của quá trình sáng tạo lời, mang tính cách hoàn chỉnh, được khách quan hóa dưới dạng tài liệu viết, được trau chuốt văn chương theo loại hình tài liệu ấy, là tác phẩm gồm tên gọi (đầu đề) và một loạt đơn vị riêng (những thể thống nhất trên câu), hợp nhất lại bằng những loại hình liên hệ khác nhau về từ vựng, ngữ pháp, logic, tu từ, có một hướng đích nhất định và một mục tiêu thực dụng (1)
Từ định nghĩa trên, có thể rút ra nhiều đặc trưng của văn bản. Tuy nhiên, cần có một cái nhìn về văn bản trên cơ sở những nhận thức về quá trình sản sinh ra nó: quá trình giao tiếp bằng ngôn ngữ, gọi tắt là quá trình ngôn giao. Quá trình này có thể diễn ra giữa người với người, giữa người với máy hoặc giữa máy với máy. Hiện nay, lí thuyết về hoạt động lời nói (Theory of speech acts) và ngữ dụng học (Linguistic pragmatics) là các phân môn ngôn ngữ học nghiên cứu quá trình ngôn giao.
Có thể thấy những nét chính về cơ chế ngôn giao như sau: (1)
· Cơ chế ngôn giao gồm: Cơ chế diễn đạt và cơ chế hội thoại. Cơ chế diễn đạt gồm cơ chế phát ngôn (gọi tắt là phát), cơ chế thụ ngôn (gọi tắt là nhận). Còn cơ chế hội thoại là sự luân phiên hai cơ chế phát - nhận ấy.
· Cơ chế diễn đạt gồm: Người phát ngôn - Ngôn phẩm - Người thụ ngôn.
Cơ chế phát ngôn gồm:
Kích thích vào người phát ngôn - Hành vi phát ngôn - Ngôn phẩm.
Cơ chế thụ ngôn gồm:
Ngôn phẩm - Ðối tượng - Hành vi thụ ngôn - Kết quả giải mã - Thụ ngôn.
Cần chú ý: Ngôn phẩm là yếu tố trung tâm, có tính quyết định hiện tượng ngôn giao, là yếu tố duy nhất để phân biệt hiện tượng ngôn giao với những hiện tượng giao tiếp khác. Những kích thích vào người phát ngôn và quá trình giải mã của người thụ ngôn bao gồm nhiều nhân tố phức tạp như mục đích, nội dung, cách thức, hoàn cảnh giao tiếp.
· Cơ chế hội thoại gồm:
Cơ chế phát ngôn 1 Cơ chế thụ ngôn 1
Cơ chế thụ ngôn 2 Cơ chế phát ngôn 2
Như thế, nghiên cứu toàn diện cơ chế diễn đạt và cơ chế hội thoại là đủ để nhận thức được cơ chế ngôn giao - cơ chế hành chức của ngôn ngữ.
Sơ đồ tóm tắt cơ chế diễn đạt:(2)
Tóm lại, có thể quan niệm: sản phẩm của hoạt động ngôn ngữ là các ngôn phẩm. Ngôn phẩm là đơn vị ngôn giao, là cái được nói hoặc viết ra có chứa một ý tưởng kèm theo một tình thái. Ngôn phẩm dạng nói là ngôn bản, ngôn phẩm dạng viết là văn bản. Về mặt quy mô, ngôn phẩm có thể chỉ gồm một câu, có thể gồm một đoạn chứa nhiều câu, có thể đồ sộ nghĩa là gồm nhiều đoạn, tiết, chương, phần; về mặt nội dung, ngôn phẩm bao giờ cũng diễn đạt một ý kiến với một tình thái hoặc một loạt ý kiến với một tình thái xuyên suốt. Như thế: Văn bản là một chỉnh thể của một sản phẩm - viết để diễn đạt trọn vẹn ý kiến về một vấn đề hoặc một hệ thống vấn đề. Ngôn bản là một chỉnh thể của một sản phẩm - nói để diễn đạt trọn vẹn ý kiến về một vấn đề hoặc một hệ thống vấn đề.(1) Hay viết như Nguyễn Ðức Dân: Văn bản là kết quả của quá trình tạo lời nhằm một mục đích nhất định: chuyển một nội dung hoàn chỉnh cần thông báo thành câu chữ. (2)
2. Ðặc trưng của văn bản
TOP
2.1 Văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp dưới dạng văn tự:
Hoạt động giao tiếp có thể được tiến hành bằng nhiều phương tiện khác nhau. Nhưng chỉ sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ dưới dạng văn tự (chữ viết tay, in ấn, chạm khắc...) mới được coi là văn bản. Vì tồn tại dưới dạng văn tự nên văn bản thường được trau chuốt văn chương theo đặc điểm của một thể loại nhất định. Hầu hết các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học văn bản đều nhất trí văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, nhưng nhiều người còn cho rằng văn bản có thể tồn tại cả dưới dạng viết lẫn dạng nói. (Xem các sách giáo khoa Tiếng Việt 9, 10, sách Tiếng Việt thực hành của Hữu Ðạt, Ngôn ngữ học - Khuynh hướng - Lĩnh vực - Khái niệm, tập 2, của nhiều tác giả)... Nghĩa là văn bản gồm văn bản nói và văn bản viết. Bài giảng này gạt lời nói thông thường ra khỏi phạm trù văn bản vì lời nói gió bay, vì lời nói thường thiếu sự chuẩn bị trước, thiếu sự trau chuốt văn chương, nhiều khi thiếu chuẩn mực. Nhiều vị lãnh tụ có những bài phát biểu rất hay, có nội dung chỉ đạo rất sâu sắc. Nhưng
File đính kèm:
- Ngu phap tieng viet.doc