Với nhà văn Nguyễn Khải, Hà Nội có một vị trí đặc biệt trong tình cảm, kỷ niệm, cả trong đời sống và văn chương của ông. Hà Nội không chỉ là nơi Nguyễn Khải được sinh ra, sống những năm ở tuổi niên thiếu và suốt mấy mươi năm từ sau kháng chiến chống Pháp, mà còn như cách ông mượn lời nhà văn Hồ Dếznh nói trong truyện Đất kinh kì: "Cái nước sông Hồng, cái gió sông Hồng nó lạ lắm, nó làm ra văn chương Bắc Hà, văn chương Hà Nội. Anh muốn sống ở đâu cũng được viết ở đâu cũng được nhưng phải tráng qua tí chút hơi hướng của Tràng An thì mới thành văn chương đích thực. Nó khác với văn tỉnh lẻ". Nguyễn Khải đã có nhiều truyện ngắn viết về cuộc sống và con người Hà Nội, được tập hợp trong hai tập truyện: Một người Hà Nội (1990) và Hà Nội trong mắt tôi (1995). Viết về Hà Nội, với Nguyễn Khải không phải chỉ là để trải tấm lòng mình với mảnh đất từng gắn bó, nhiều duyên nợ, mà quan trọng hơn, bởi "Đất kinh kì" chứa đựng nhiều điều hấp dẫn, bí ẩn, nhất là trong tầng sâu văn hoá, lối sống, các giá trị tinh thần của người Hà Nội luôn mời gọi và là một dư địa cho ngòi bút ưa tìm tòi, triết lí của Nguyễn Khải thỏa sức khai vỡ. Truyện ngắn Một người Hà Nội in lần đầu năm 1990 trong tập truyện cùng tên, có thể coi là tác phẩm tiêu biểu cho mảng sáng tác về Hà Nội của Nguyễn Khải, và cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của tác giả trong thời kì đổi mới.
Nhân vật ưa thích của Nguyễn Khải, cả trước hay sau 1978, đều là những con người thông minh, sắc sảo, hay triết lí, thích đối thoại. Nhưng trước đổi mới, những vấn đề mà nhà văn quan tâm thường là thuộc về đời sống cách mạng, tư tưởng chính trị, bởi thế những nhân vật của ông cũng chủ yếu được soi ngắm, thể hiện trên bình diện con người chính trị hơn là trong tư cách con người cá nhân trong đời thường, con người của đời sống thế sự. Trong một thời gian dài Nguyễn Khải cũng như phần lớn các cây bút thời ấy, đã tin và ra sức cổ vũ cho cái quan niệm rằng: viết về cách mạng, về cái tiên tiến, viết về những con người mới, đó mới là văn học mới, văn học cách mạng; còn viết về sinh hoạt đời thường, về những điều vụn vặt của đời sống riêng tư là thứ văn học cũ. Nhiều người, trong đó có cả Nguyễn Khải, còn tự huyễn hoặc mình với cái sứ mệnh của những nhà văn đặt nền móng cho một nền văn học mới, nền văn học xã hội chủ nghĩa, vượt lên mọi nền văn học của quá khứ. Những nhân vật lí tưởng của Nguyễn Khải hồi ấy, từ Môn (Xung đột), đến Nam (Hãy đi xa hơn nữa), Biền (Tầm nhìn xa), Huân (Mùa lạc). đều rất hào hứng say sưa nói về niềm tin vào lí tưởng, tương lai, tin ở sức mạnh vĩ đại của cách mạng. Sau này nhìn lại chặng đường sáng tác ấy của mình và của nhiều người viết khác, Nguyễn Khải đã gọi đúng đó là "cái thời lãng mạn". Vào thời kì đổi mới, Nguyễn Khải đã có những chuyển biến ngày càng mạnh mẽ triệt để trong tư tưởng và nghệ thuật của mình. Ngòi bút của ông hướng nhiều vào đời sống thế sự với sự chiêm nghiệm và triết lí về nhân sinh, tìm kiếm những giá trị bền vững vĩnh hằng của con người và đời sống. Thế giới nhân vật của Nguyễn Khải vì thế cũng được mở rộng, thay đổi, với nhiều kiểu loại nhân vật mới và nhất là được soi ngắm, định giá từ những thang bậc giá trị khác - những giá trị bền vững về nhân cách, về lối sống. Giờ đây những nhân vật ưa thích của Nguyễn Khải phải là những con người có bản lĩnh, có niềm tin vào chính mình, biết lựa chọn sáng suốt và kiên định với sự lựa chọn lối sống của mình dù có thể phải chịu những thiệt thòi hay sự đơn độc trên đường đời. Những nhân vật ấy tuy rất khác với các nhân vật lí tưởng của Nguyễn Khải hồi trước đổi mới nhưng giữa họ lại có những nét chung, đó là bản lĩnh, niềm tin vào điều mình đã lựa chọn, là sự sắc sảo, thông minh, có tài ăn nói. Bà Hiền trong Một người Hà Nội là một nhân vật rất tiêu biểu cho một mẫu người được tác giả ưa thích, say mê trong sáng tác của ông ở thời kì đổi mới.
* Truyện Một người Hà Nội được tác giả chia làm 7 phần, có đánh số mỗi phần, kể những chuyện về bà Hiền và gia đình bà trong một khoảng thời gian dài suốt mấy chục năm, chủ yếu từ sau cuộc kháng chiến chống Pháp, Hà Nội được giải phóng cho đến những năm đầu đổi mới, qua lời kể của nhân vật kể chuyện xưng tôi - người cháu họ gọi bà Hiền bằng cô. Truyện Một người Hà Nội khá tiêu biểu cho lối viết quen thuộc và ưa thích của Nguyễn Khải: không xây dựng một cốt truyện chặt chẽ xung quanh một tình huống cơ bản, mà là sự xâu chuỗi nhiều sự việc, nhiều mẩu chuyện, nhiều khi không có quan hệ trực tiếp với nhau, nhưng đều tập trung làm nổi rõ một vấn đề hoặc một nhân vật. Cách viết này có ưu thế là cho phép ngòi bút tác giả được tự do, chủ động trong lựa chọn chi tiết, sự việc, lại có thể xen vào những nhận xét bình luận của mình, không bị quá lệ thuộc vào một cốt truyện chặt chẽ, với các chi tiết, sự việc phải sắp xếp theo quan hệ nhân quả. Sử dụng phương thức kể là chủ yếu xen với bình luận và miêu tả cũng là cách viết quen thuộc của ngòi bút Nguyễn Khải.
Qua lời kể của nhân vật "tôi" (mang dáng dấp của chính tác giả), người đọc hình dung được gần như trọn vẹn về cuộc đời bà Hiền, từ thời thiếu nữ mơ mộng, chủ nhân của một xa lông văn chương có tiếng của Hà Nội trước 1945, đến một bà Hiền, chủ một gia đình, trong việc nuôi dạy con cái, trong cách sống hằng ngày và trong các quan hệ với xã hội mới, với cuộc kháng chiến. Cố nhiên, trong một truyện ngắn nhà văn không thể và cũng không có ý định tạo dựng một hình tượng nhân vật toàn vẹn, với mọi mối quan hệ trong đời sống riêng chung và mọi bình diện của cuộc sống con người. Cái mà tác giả quan tâm và tập trung thể hiện ở nhân vật bà Hiền chính là vẻ đẹp của một lối sống, nhân cách người Hà Nội, "một người Hà Nội của hôm nay, thuần túy Hà Nội, không pha trộn", như chính lời của người kể chuyện nói về nhân vật bà Hiền. Trong lời nhận xét này, có hai khía cạnh được nhấn mạnh ở tư cách người Hà Nội của nhân vật bà Hiền: "Thuần túy không pha trộn" và "một người Hà Nội
4 trang |
Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 3945 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nguyễn Khải và sự đổi mới quan niệm về con người trong "Một người Hà Nội", để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nguyễn Khải và sự đổi mới quan niệm về con người trong "Một người Hà Nội"
Chủ nhật - 12/02/2012 22:00
Nhà văn Nguyễn Khải
TCNV online- Truyện ngắn Một người Hà Nội thể hiện rõ những biến đổi quan trọng trong tư tưởng và nghệ thuật của Nguyễn Khải ở thời kì đổi mới. Từ sự quan tâm đến những vấn đề của đời sống cách mạng, tư tưởng chính trị chuyển sang những vấn đề nhân sinh, thế sự, từ phong cách chính luận với nhiệt tình khẳng định, ngợi ca lí tưởng chuyển sang triết luận với nhiều trải nghiệm suy tư - ngòi bút Nguyễn Khải đã dần đến được với những giá trị bền vững và đích thực của văn chương, nghệ thuật.
NGUYỄN VĂN LONG
Với nhà văn Nguyễn Khải, Hà Nội có một vị trí đặc biệt trong tình cảm, kỷ niệm, cả trong đời sống và văn chương của ông. Hà Nội không chỉ là nơi Nguyễn Khải được sinh ra, sống những năm ở tuổi niên thiếu và suốt mấy mươi năm từ sau kháng chiến chống Pháp, mà còn như cách ông mượn lời nhà văn Hồ Dếznh nói trong truyện Đất kinh kì: "Cái nước sông Hồng, cái gió sông Hồng nó lạ lắm, nó làm ra văn chương Bắc Hà, văn chương Hà Nội. Anh muốn sống ở đâu cũng được viết ở đâu cũng được nhưng phải tráng qua tí chút hơi hướng của Tràng An thì mới thành văn chương đích thực. Nó khác với văn tỉnh lẻ". Nguyễn Khải đã có nhiều truyện ngắn viết về cuộc sống và con người Hà Nội, được tập hợp trong hai tập truyện: Một người Hà Nội (1990) và Hà Nội trong mắt tôi (1995). Viết về Hà Nội, với Nguyễn Khải không phải chỉ là để trải tấm lòng mình với mảnh đất từng gắn bó, nhiều duyên nợ, mà quan trọng hơn, bởi "Đất kinh kì" chứa đựng nhiều điều hấp dẫn, bí ẩn, nhất là trong tầng sâu văn hoá, lối sống, các giá trị tinh thần của người Hà Nội luôn mời gọi và là một dư địa cho ngòi bút ưa tìm tòi, triết lí của Nguyễn Khải thỏa sức khai vỡ. Truyện ngắn Một người Hà Nội in lần đầu năm 1990 trong tập truyện cùng tên, có thể coi là tác phẩm tiêu biểu cho mảng sáng tác về Hà Nội của Nguyễn Khải, và cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của tác giả trong thời kì đổi mới.Nhân vật ưa thích của Nguyễn Khải, cả trước hay sau 1978, đều là những con người thông minh, sắc sảo, hay triết lí, thích đối thoại. Nhưng trước đổi mới, những vấn đề mà nhà văn quan tâm thường là thuộc về đời sống cách mạng, tư tưởng chính trị, bởi thế những nhân vật của ông cũng chủ yếu được soi ngắm, thể hiện trên bình diện con người chính trị hơn là trong tư cách con người cá nhân trong đời thường, con người của đời sống thế sự. Trong một thời gian dài Nguyễn Khải cũng như phần lớn các cây bút thời ấy, đã tin và ra sức cổ vũ cho cái quan niệm rằng: viết về cách mạng, về cái tiên tiến, viết về những con người mới, đó mới là văn học mới, văn học cách mạng; còn viết về sinh hoạt đời thường, về những điều vụn vặt của đời sống riêng tư là thứ văn học cũ. Nhiều người, trong đó có cả Nguyễn Khải, còn tự huyễn hoặc mình với cái sứ mệnh của những nhà văn đặt nền móng cho một nền văn học mới, nền văn học xã hội chủ nghĩa, vượt lên mọi nền văn học của quá khứ. Những nhân vật lí tưởng của Nguyễn Khải hồi ấy, từ Môn (Xung đột), đến Nam (Hãy đi xa hơn nữa), Biền (Tầm nhìn xa), Huân (Mùa lạc)... đều rất hào hứng say sưa nói về niềm tin vào lí tưởng, tương lai, tin ở sức mạnh vĩ đại của cách mạng. Sau này nhìn lại chặng đường sáng tác ấy của mình và của nhiều người viết khác, Nguyễn Khải đã gọi đúng đó là "cái thời lãng mạn". Vào thời kì đổi mới, Nguyễn Khải đã có những chuyển biến ngày càng mạnh mẽ triệt để trong tư tưởng và nghệ thuật của mình. Ngòi bút của ông hướng nhiều vào đời sống thế sự với sự chiêm nghiệm và triết lí về nhân sinh, tìm kiếm những giá trị bền vững vĩnh hằng của con người và đời sống. Thế giới nhân vật của Nguyễn Khải vì thế cũng được mở rộng, thay đổi, với nhiều kiểu loại nhân vật mới và nhất là được soi ngắm, định giá từ những thang bậc giá trị khác - những giá trị bền vững về nhân cách, về lối sống. Giờ đây những nhân vật ưa thích của Nguyễn Khải phải là những con người có bản lĩnh, có niềm tin vào chính mình, biết lựa chọn sáng suốt và kiên định với sự lựa chọn lối sống của mình dù có thể phải chịu những thiệt thòi hay sự đơn độc trên đường đời. Những nhân vật ấy tuy rất khác với các nhân vật lí tưởng của Nguyễn Khải hồi trước đổi mới nhưng giữa họ lại có những nét chung, đó là bản lĩnh, niềm tin vào điều mình đã lựa chọn, là sự sắc sảo, thông minh, có tài ăn nói. Bà Hiền trong Một người Hà Nội là một nhân vật rất tiêu biểu cho một mẫu người được tác giả ưa thích, say mê trong sáng tác của ông ở thời kì đổi mới.* Truyện Một người Hà Nội được tác giả chia làm 7 phần, có đánh số mỗi phần, kể những chuyện về bà Hiền và gia đình bà trong một khoảng thời gian dài suốt mấy chục năm, chủ yếu từ sau cuộc kháng chiến chống Pháp, Hà Nội được giải phóng cho đến những năm đầu đổi mới, qua lời kể của nhân vật kể chuyện xưng tôi - người cháu họ gọi bà Hiền bằng cô. Truyện Một người Hà Nội khá tiêu biểu cho lối viết quen thuộc và ưa thích của Nguyễn Khải: không xây dựng một cốt truyện chặt chẽ xung quanh một tình huống cơ bản, mà là sự xâu chuỗi nhiều sự việc, nhiều mẩu chuyện, nhiều khi không có quan hệ trực tiếp với nhau, nhưng đều tập trung làm nổi rõ một vấn đề hoặc một nhân vật. Cách viết này có ưu thế là cho phép ngòi bút tác giả được tự do, chủ động trong lựa chọn chi tiết, sự việc, lại có thể xen vào những nhận xét bình luận của mình, không bị quá lệ thuộc vào một cốt truyện chặt chẽ, với các chi tiết, sự việc phải sắp xếp theo quan hệ nhân quả. Sử dụng phương thức kể là chủ yếu xen với bình luận và miêu tả cũng là cách viết quen thuộc của ngòi bút Nguyễn Khải.Qua lời kể của nhân vật "tôi" (mang dáng dấp của chính tác giả), người đọc hình dung được gần như trọn vẹn về cuộc đời bà Hiền, từ thời thiếu nữ mơ mộng, chủ nhân của một xa lông văn chương có tiếng của Hà Nội trước 1945, đến một bà Hiền, chủ một gia đình, trong việc nuôi dạy con cái, trong cách sống hằng ngày và trong các quan hệ với xã hội mới, với cuộc kháng chiến. Cố nhiên, trong một truyện ngắn nhà văn không thể và cũng không có ý định tạo dựng một hình tượng nhân vật toàn vẹn, với mọi mối quan hệ trong đời sống riêng chung và mọi bình diện của cuộc sống con người. Cái mà tác giả quan tâm và tập trung thể hiện ở nhân vật bà Hiền chính là vẻ đẹp của một lối sống, nhân cách người Hà Nội, "một người Hà Nội của hôm nay, thuần túy Hà Nội, không pha trộn", như chính lời của người kể chuyện nói về nhân vật bà Hiền. Trong lời nhận xét này, có hai khía cạnh được nhấn mạnh ở tư cách người Hà Nội của nhân vật bà Hiền: "Thuần túy không pha trộn" và "một người Hà Nội của hôm nay".Truyện đưa ra nhiều chi tiết sự việc về nhân vật bà Hiền, nhưng tựu chung vẫn là ở hai mối quan hệ chính (có liên quan với nhau). Trong gia đình và với xã hội, với cách mạng. Trong tư cách là người mẹ, người chủ gia đình, hay một công dân, ở nhân vật bà Hiền đều toát lên một vẻ đẹp của nhân cách, của lối sống văn hoá, của một bản lĩnh. Đó là con người luôn giữ vững những quan niệm và cách sống của mình, không bị biến suy theo những đổi thay của thời cuộc, lại tỉnh táo sáng suốt, không xu thời nhưng cũng không để bị rơi vào tình thế của kẻ lạc thời. Hãy chú ý những xử sự của bà Hiền trong gia đình trong việc dạy dỗ con cái. Cô Hiền sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, giàu có, ông bố đậu tú tài, mê văn thơ, dạy con cái theo khuôn phép nhà quan. Thời trẻ cô Hiền được cha mẹ cho phép mở một xa lông văn chương, nơi gặp gỡ của nhiều văn nhân nghệ sĩ có tiếng của đất Hà Thành. Như thế, cô thuộc thế hệ tân tiến trong lớp thanh niên thành thị thời trước cách mạng. Nhưng việc cô lấy chồng mới thật là điều đặc biệt, thể hiện rõ sự lựa chọn tỉnh táo và những quan niệm nghiêm túc của cô về hôn nhân và gia đình. "Gần 30 tuổi cô mới lấy chồng, không lấy một ông quan nào hết, cũng chả hứa hẹn gì với đám nghệ sĩ văn nhân, đùa vui một thời son trẻ thế là đủ, bây giờ phải làm vợ làm mẹ, cô chọn bạn trăm năm là một ông giáo cấp tiểu học hiền lành, chăm chỉ, khiến cả Hà Nội phải kinh ngạc". Đến việc sinh con của cô cũng thể hiện ý thức trách nhiệm, sự tỉnh táo của người làm cha, làm mẹ với tương lai của con. Ở cái thời mà đông con, nhiều cháu vẫn được coi là có phúc lớn, thì cô Hiền lại quyết định ngừng việc sinh đẻ khi ở độ tuổi 40. Không phải cô ngại vất vả, cũng không phải do thiếu thốn về kinh tế, mà vì như lời cô nói với chồng: "Nếu ông và tôi sống đến sáu chục thì con út đã hai mươi, có thể tự lập được, khỏi phải sống bám vào các anh chị". Là một người Hà Nội, bà Hiền có ý thức sâu sắc về điều đó như một giá trị, một đòi hỏi cao về nhân cách, về lối sống. Bà luôn nhắc nhở các con: "Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng, nói năng phải có chuẩn, không được sống tuỳ tiện, buông tuồng". Ở nhà, bà chú ý dạy con cái từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống. Ngồi vào bàn ăn, bà chú ý sửa cho con cách cầm đũa, cách múc canh, đến việc nói chuyện trong bữa ăn. Bà quan niệm rất rõ ràng về vai trò "nội tướng" của người vợ. Bà nói với người cháu (nhân vật kể chuyện - một anh bộ đội, một nhà văn): "Mày bắt nạt vợ mày quá, không để nó tự quyết định bất cứ việc gì, vậy là hỏng, người đàn bà không là nội tướng thì cái gia đình ấy cũng chả ra sao". Nhưng việc dạy dỗ con cái của bà không phải chỉ nhằm vào những hành vi cụ thể, những nền nếp tỉ mỉ trong đi đứng, nói năng, ăn uống, tất cả những điều đó là nhằm hướng tới cái quan trọng nhất trong nhân cách một con người. Khi người cháu có ý chê bà Hiền dạy dỗ con cái theo những khuôn phép không thích hợp với thời chiến, thời loạn, thì bà trả lời: "Tao chỉ dạy chúng nó biết tự trọng, biết xấu hổ, còn sau này muốn sống ra sao thì tùy". Việc hai người con trai của bà lần lượt xung phong nhập ngũ, trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, đã thể hiện rõ lòng tự trọng, ý thức trách nhiệm công dân của họ: các anh không muốn sống bám vào sự hi sinh của người khác, muốn được bình đẳng với mọi người cùng thế hệ mình, cả trong việc chia sẻ những hi sinh.Trên đây là những nét nổi bật trong tư cách người vợ, người mẹ ở bà Hiền. Trong quan hệ với xã hội với thời cuộc những nét đẹp trong nhân cách của nhân vật này phải được nhìn nhận từ một quan niệm mới, từ những giá trị bền vững theo tinh thần nhân văn và dân chủ. Bà Hiền hoàn toàn không phải là nhân vật thuộc mẫu hình "con người mới" của văn học xã hội chủ nghĩa một thời: không xuất thân từ quần chúng lao động, không phải là con người tiên tiến của cách mạng, thậm chí lại có một lối sống "rất tư sản", một khuôn mặt "rất tư sản" - nghĩa là gần như thuộc về một giai cấp đối lập với cách mạng, là đối tượng mà cách mạng phải đánh đổ, cải tạo. Các phần 1, 3, 4 của truyện kể về bà Hiền và gia đình trong những năm đầu sau ngày Hà Nội được giải phóng. Gia đình bà không có ai tham gia kháng chiến, nhưng cũng không liên quan gì với chính quyền của thực dân. Bà ở lại Hà Nội không di cư vào Nam chỉ vì không thể sống xa Hà Nội. Những ngày đầu làm quen với chính thể mới, xã hội mới, nhiều người dân Hà Nội thời ấy không tránh khỏi những khó khăn bỡ ngỡ, e ngại, nhất là những người thuộc tầng lớp trên. Chính trong những năm tháng ấy càng bộc lộ rõ ở bà Hiền một sự tỉnh táo, thức thời mà không xu thời. Bà đã từng tuyên bố: "Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ". Không nông nổi ấu trĩ hay cơ hội, cũng không đặt mình vào thế đối lập với xã hội mới, chế độ mới, bà Hiền biết tìm ra cách thích ứng, nhưng đồng thời cũng sớm nhận ra những ấu trĩ, lệch lạc, cực đoan của chính quyền cách mạng, của chế độ mới. Bà nhận xét ngay từ những ngày đầu tiếp quản Thủ đô: "Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, phải nghĩ đến chuyện làm ăn chứ", rồi tiếp đó là: "Chính phủ can thiệp vào nhiều việc của dân quá, nào phải tập thể dục mỗi sáng, phải sinh hoạt văn nghệ mỗi tối, vợ chồng phải sống ra sao, trai gái yêu nhau như thế nào, thậm chí cả tiền công sá cho kẻ ăn người ở". Sự tỉnh táo thức thời của bà Hiền thể hiện rõ ở nhiều việc : từ bán bớt một ngôi nhà để không bị quy là tư sản nhà cửa, không để cho chồng mua máy in mở nhà in, đến việc chọn công việc làm hoa giấy đủ để nuôi sống gia đình, tuy không giàu nhưng rất đủ ăn. Không chỉ có vậy, nét đẹp trong lối sống của nhân vật này còn là ở chỗ, ngay trong hoàn cảnh rất khó khăn, thiếu thốn ở miền Bắc thời bấy giờ, bà Hiền vẫn không bỏ một nếp sống quen thuộc: hằng tháng vẫn tổ chức một bữa ăn gặp mặt các bạn bè từ xưa - những người từng thành danh của Hà Nội một thời. Trong điều kiện phải thích nghi với cuộc sống giản đơn, nghèo nàn thậm chí lam lũ của xã hội thời ấy, bà và những người bạn vẫn không quên và vẫn muốn được sống những khoảnh khắc sang trọng, lịch sự, văn minh, xứng đáng với tư cách và giá trị của họ, đó chính là biểu hiện của lòng tự trọng, của ý thức về giá trị nhân cách, không thể để bị đánh mất mình trong hoàn cảnh thay đổi của thời cuộc.Một nét đẹp khác trong nhân cách của bà Hiền lại là ở phương diện người công dân, trong trách nhiệm với đất nước. Việc hai người con trai lần lượt xung phong đi bộ đội vào Nam chiến đấu và thái độ, cách ứng xử của bà Hiền thể hiện rõ điều đó. Khi người con trai đầu xung phong nhập ngũ, bà trả lời câu hỏi của nhân vật "tôi": "Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng". Ba năm sau, người anh ở chiến trường không có tin tức gì về, đứa em lại xung phong đi bộ đội. Lần này, bà nói: "Tao không khuyến khích cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó".Như vậy, với bà Hiền thì lòng tự trọng chính là cái gốc, là nền tảng của cách sống, của mọi ứng xử ở con người, kể cả ý thức công dân hay tinh thần yêu nước. Quả thực chỉ có lòng tự trọng, ý thức về nhân cách và danh dự của bản thân mới giúp con người làm chủ được mình, biết lựa chọn cách sống và hành động đúng với nhân cách. Trong một truyện ngắn có tên Danh dự, Nguyễn Khải kể câu chuyện về một người chiến sĩ có thể hi sinh tất cả mọi thứ, nhưng không thể để mất danh dự.Trong phần cuối truyện, người đọc lại thêm thú vị và bất ngờ thấy một nét đẹp ở chiều sâu nhân cách bà Hiền. Sau nhiều năm vào sống ở thành phố Hồ Chí Minh, người cháu họ có dịp ra Hà Nội, đến thăm bà cô của mình vào một ngày giáp tết. Bà Hiền đã già đi nhiều, nay đã trên 70 tuổi, nhưng vẫn giữ nguyên phong thái và nếp sống lịch thiệp như xưa: chi tiết về cái phòng khách với các đồ đạc trang nhã mà không cầu kì, suốt mấy chục năm vẫn thế, nhất là hình ảnh bà Hiền đang cẩn thận tỉ mỉ lau, đánh các bát men ngọc dùng đựng hoa thuỷ tiên ngày tết, tất cả đều toát lên vẻ đẹp của một văn hóa sống bền vững sâu xa, vượt qua tất thảy mọi biến thiên, xô bồ thăng trầm của xã hội. Trước những lời phàn nàn của người cháu về sự hỗn tạp, thiếu văn minh, xuống cấp trong lối sống và cách giao tiếp của một bộ phận người Hà Nội, nhất là lớp trẻ, bà Hiền không trả lời mà lại kể câu chuyện về cây si ở đền Ngọc Sơn, thẳng phía trước nhà bà. "Mùa hè năm nọ, bão vào Hà Nội gầm rú một đêm, sáng ra mở cửa nhìn sang đền Ngọc Sơn mà hãi - cây si cổ thụ đổ nghiêng tán cây đè lên hậu cung, một phần bộ rễ bật đất chổng ngược lên trời". Tưởng là chết đứt, bổ ra làm củi, nhưng rồi thành phố cho xe cần cẩu đến buộc dây cáp tời kéo dần mỗi ngày một tí, sau một tháng, cây si lại sống, lại trổ lá non. Từ câu chuyện về sự sống lại của cây si đền Ngọc Sơn, bà Hiền ngẫm ra điều kì diệu về "thiên địa tuần hoàn, cái vào ra của tạo vật không thể lường trước được". Nghe câu chuyện của bà, người kể chuyện như được vỡ lẽ về những điều ở tầm cao sâu: "Cô muốn mở rộng sự tính toán vốn dĩ đã rất khôn ngoan của mình lên thêm một tầng nữa chăng, cái tầng vô hình, không thể biết, nhưng phải biết là trên đời này còn có nhiều lí sự không thể biết để khỏi bị bó vào những cái có thể biết". Chưa nói đến những triết lí đó, thì hình ảnh cây si cổ thụ đền Ngọc Sơn sống lại sau trận bão đã là một biểu tượng giàu ý nghĩa: sau những biến động dữ dội của xã hội, những đổi thay lịch sử chẳng khác nào như cơn bão lớn kia nhiều giá trị vốn bền vững và quen thuộc của đời sống, đã bị lung lay bật gốc, tưởng như sắp tiêu tan. Nhưng sự sống rất huyền nhiệm, những giá trị tốt đẹp đã được hình thành và xây đắp từ bao đời sẽ được đặt lại đúng với vị trí của nó. Cũng như mọi thứ xô bồ, hỗn tạp của Hà Nội hiện thời chỉ là những rác nổi trên bề mặt của đời sống, rồi đến lúc nó sẽ bị cuốn đi, để một Thủ đô với 1000 năm văn hiến, với sự "thanh lịch của người Tràng An" sẽ trở lại.* Trong truyện Một người Hà Nội, ngoài nhân vật chính (bà Hiền), không thể không chú ý đến nhân vật người kể chuyện. Chiếm tỉ lệ lớn trong các truyện ngắn của Nguyễn Khải ở thời kì đổi mới là các truyện sử dụng phương thức trần thuật từ ngôi thứ nhất, một nhân vật mang những nét dáng của chính tác giả - một nhà báo, nhà văn, một anh Khải, chú Khải trong quan hệ họ hàng hay bạn bè với các nhân vật chính của truyện. Lần này trong Một người Hà Nội, nhân vật kể chuyện xưng "tôi" là người cháu họ của bà Hiền, cũng mang đôi nét của chính tác giả. Sử dụng cách trần thuật từ ngôi thứ nhất ngòi bút Nguyễn Khải được tự do trong việc lựa chọn chi tiết, sự việc, không bị quá lệ thuộc vào xây dựng cốt truyện, thêm nữa lại thoải mái xen vào những lời bình luận nhận xét của người kể chuyện - vốn là một sở trường của ngòi bút Nguyễn Khải. Mặt khác, sử dụng cách trần thuật ở ngôi thứ nhất giúp nhà văn tạo được một ngữ cảnh gần gũi với độc giả, gợi không khí một cuộc trò chuyện trực tiếp, lại dễ làm cho người đọc tin vào những điều được kể, bởi đó là câu chuyện mà người kể chuyện từng chứng kiến hay tham gia. Riêng trong trường hợp Một người Hà Nội ngoài những lợi thế như đã nói trên, người kể chuyện ở ngôi thứ nhất còn có một vai trò khác, làm phong phú hơn cho chủ đề và tư tưởng của truyện. Người kể chuyện ở đây không chỉ kể về bà Hiền và gia đình bà, mà còn ở nhiều chỗ kể về chính mình và gia đình mình như một sự đối sánh với nhân vật chính của truyện. Yêu cầu nhận thức lại một thời kì cách mạng vừa qua, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật và ý thức tự vấn, tự phê phán, là một xu hướng chung của nhiều cây bút, nhất là trong văn xuôi, ở thời kì đầu đổi mới. Trong xu hướng đó, nổi lên những tác phẩm xuất sắc, gây được nhiều tiếng vang như Thời xa vắng của Lê Lựu, Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng, Bến không chồng của Dương Hướng, Thân phận của tình yêu của Bảo Ninh... Nguyễn Khải cũng nhìn lại mình trong Cái thời lãng mạn, Nghề văn cũng lắm công phu. Lần này ở Một người Hà Nội, qua cách để nhân vật "tôi" nói về mình như một đối sánh với bà Hiền, tác giả đã nhìn lại một thời đã qua với thái độ phê phán, tuy có vẻ chỉ là giễu cợt nhẹ nhàng, nhưng không phải là không sâu sắc. Trong nửa đầu truyện khi kể về bà Hiền và cung cách sinh hoạt, lối sống của gia đình bà, người kể chuyện thỉnh thoảng lại liên hệ tạt ngang với cung cách sống của gia đình mình. Một bên là lối sống cầu kì, kiểu cách của bà cô, mang đầy chất tư sản, còn một bên là lối sống của những người cách mạng của tầng lớp vô sản. Bữa ăn ở nhà bà Hiền, nhất là những bữa bà tiếp các bạn bè, thì bàn ăn trải khăn, có lọ hoa nhỏ giữa bàn, bát úp trên đĩa, đũa bọc trong giấy bản, người nào ngồi đúng chỗ người ấy. Còn bữa ăn ở gia đình anh nhà văn cách mạng, thì cái mâm nhôm đặt ngay giữa nhà, thức ăn có khi múc ra đĩa, có khi để cả nồi, nồi to để giữa, nồi bé để quanh mâm cứ việc sục muôi vào, sục đũa vào, vừa ăn vừa quát con mắng cái, nhồm nhoàm hả hê, không cần phải khuôn bó theo quy tắc nào cả. Trong sự xô bồ, tùy tiện ấy, người ta còn tự cho đó là đúng, là lối sống hợp thời cách mạng, bởi "ăn cốt để sống, để làm việc, hay hớm gì cái thứ lễ nghi rườm rà của giai cấp tư sản". Ở cuối truyện, sự đối sánh nhân vật người kể chuyện với bà Hiền, tuy kín đáo hơn, nhưng không phải là không rõ. Nếu như người cháu, một nhà văn tưởng đã từng trải, còn tỏ ra bức xúc trước những nét chưa đẹp, thiếu văn minh trong lối sống, cách ứng xử của một bộ phận người Hà Nội, thì bà Hiền lại dường như không để ý nhiều đến những điều đó, bà nói về cái lẽ vào ra huyền bí của tạo hoá, qua câu chuyện về cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn, khiến người cháu phải thốt lên thán phục: "Bà già vẫn giỏi quá, bà khiêm tốn và rộng lượng quá". Truyện kết thúc bằng lời bình luận đầy nhiệt hứng, và cũng là một mong mỏi của nhà văn với đất kinh kì: "Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng".Hình tượng người kể chuyện mang dáng dấp tác giả xuất hiện khá phổ biến trong sáng tác của Nguyễn Khải - nhất là truyện ngắn - ở thời kì đổi mới. Nhân vật kể chuyện ấy giữ nhiều chức năng, không chỉ là người dẫn dắt câu chuyện kết nối các chi tiết, sự kiện, các nhân vật trong truyện, mà còn bộc lộ cái nhìn, quan điểm của tác giả, đồng thời là cách để nhà văn tự nhìn lại, tự vấn, nhận thức lại về mình và về xã hội của một thời đã qua. Qua nhân vật người kể chuyện, ngòi bút Nguyễn Khải có được sự chủ động, tự do bộc lộ mình, và tác phẩm của nhà văn cũng trở nên gần gũi hơn với người đọc trong tinh thần dân chủ bình đẳng.* Truyện ngắn Một người Hà Nội thể hiện rõ những biến đổi quan trọng trong tư tưởng và nghệ thuật của Nguyễn Khải ở thời kì đổi mới. Từ sự quan tâm đến những vấn đề của đời sống cách mạng, tư tưởng chính trị chuyển sang những vấn đề nhân sinh, thế sự, từ phong cách chính luận với nhiệt tình khẳng định, ngợi ca lí tưởng chuyển sang triết luận với nhiều trải nghiệm suy tư - ngòi bút Nguyễn Khải đã dần đến được với những giá trị bền vững và đích thực của văn chương, nghệ thuật.
File đính kèm:
- Nguyen Khai va su doi moi quan niem ve con nguoitrong.doc