Nội dung tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý

Khái niệm về tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý.

1.1. Tư vấn pháp luật.

1.1.1. Khái niệm: Tư vấn pháp luật là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn ứng xử đúng pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm giúp công dân, tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Tư vấn pháp luật là một trong các hình thức trợ giúp pháp lý.

 

doc9 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 4600 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nội dung tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nội dung tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý ( Ban CSPL TW Hội LHPNVN) Khái niệm về tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý. 1.1. Tư vấn pháp luật. 1.1.1. Khái niệm: Tư vấn pháp luật là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn ứng xử đúng pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm giúp công dân, tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Tư vấn pháp luật là một trong các hình thức trợ giúp pháp lý. 1.1.2. Mục đích của tư vấn pháp luật - Nâng cao hiểu biết của người dân về quyền và nghĩa vụ công dân cũng như ý thức chấp hành pháp luật cho người dân; - Góp phần tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật; giảm bớt thời gian khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đồng thời tăng cường đoàn kết trong cộng đồng. - Đưa ra những kiến nghị, đề xuất kịp thời để hoàn chỉnh, bổ sung hệ thống pháp luật trên cơ sở thông qua hoạt động tư vấn pháp luật đồng thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu và thực trạng vi phạm pháp luật, cũng như thực trạng áp dụng pháp luật trong địa phương hay toàn quốc. - Nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước; củng cố niềm tin của người dân đối với cơ quan nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật. - Hoạt động tư vấn pháp luật là cầu nối quan trọng giữa người xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật và công dân. 1.1.3. Nguyên tắc khi tư vấn pháp luật - Hiểu rõ và xác định đúng vấn đề cần tư vấn; biết lắng nghe, cảm thông và chia sẻ với người được tư vấn; đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề tư vấn; chỉ đưa ra thông tin phù hợp với vấn đề tư vấn, không đưa ra kết luận theo chủ quan của người tư vấn; hướng dẫn người được tư vấn tự đưa ra lựa chọn và quyết định cho vấn đề của mình; - Người tư vấn có trách nhiệm giữ bí mật đối với thông tin do người được tư vấn cung cấp, không tiết lộ cho người khác nếu không có sự đồng ý của người được tư vấn; nếu gây thiệt hại do việc tiết lộ thông tin thì có thể người tư vấn phải bồi thường thiệt hại; - Không thực hiện tư vấn cho hai người có lợi ích đối ngược nhau trong cùng một giao dịch. 1.1.4. Đối tượng được tư vấn pháp luật. a) Đối tượng được tư vấn pháp luật là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài và tổ chức, cá nhân Việt Nam có yêu cầu tư vấn pháp luật miễn phí hoặc phải trả phí theo quy định của pháp luật (sau đây gọi tắt là đối tượng), các đối tượng như sau: + Đối tượng được tư vấn pháp luật miễn phí gồm: Thành viên của tổ chức chủ quản; các đối tượng chính được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý. + Đối tượng tư vấn pháp luật có thu phí là những cá nhân, tổ chức ngoài các đối tượng được tư vấn pháp luật miễn phí (theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý) để bù đắp chi phí cần thiết cho hoạt động của Trung tâm. b) Đặc điểm của người được tư vấn: - Khi tiếp xúc với người thực hiện tư vấn, đối tượng thường có biểu hiện: + Dạng thứ nhất: Mang nặng suy nghĩ chủ quan, luôn cho rằng mình đúng. Vì vậy, họ thường tìm mọi cách áp đảo để thuyết phục người tư vấn cũng hiểu như mình, nghĩa là để người tư vấn hiểu rằng họ đang đúng. Có thể có trường hợp đối tượng đúng nhưng cũng không loại trừ trường hợp đối tượng chủ quan ngụy biện, ngộ nhận. Người thực hiện tư vấn phải giải thích cho họ để họ trình bày một cách mạch lạc, cung cấp các thông tin cần thiết đối với việc cần tư vấn cho người thực hiện tư vấn. Trên cơ sở đó người thực hiện tư vấn sẽ tiến hành các bước tư vấn theo quy trình tư vấn. + Dạng thứ hai là đối tượng biết mình sai, có đầy đủ cơ sở để chứng tỏ mình sai nhưng vẫn cố tình bảo vệ cái sai của mình. Đối tượng trong trường hợp này muốn người thực hiện tư vấn biến cái sai của mình thành cái đúng để họ được lợi. Đối tượng cũng có thể muốn người thực hiện tư vấn cung cấp cho họ những điều cần thiết để khai thác được lợi ích từ những cái sai đó. Cũng có thể nhờ người thực hiện tư vấn giúp họ để khắc phục những cái sai nhằm giảm bớt tổn thất hoặc bồi thường mà họ phải gánh chịu do hành vi có lỗi của họ. Tuy vậy, trong những trường hợp cụ thể người thực hiện tư vấn có thể giúp họ vận dụng các quy định của pháp luật để giảm bớt trách nhiệm cho họ. 1.1.5. Các hình thức tư vấn pháp luật - Tư vấn trực tiếp bằng lời nói: Đây là một trong những hình thức phổ biến và thường tiến hành đối với vụ việc có tính chất đơn giản hoặc khi người có nhu cầu tư vấn trực tiếp gặp người tư vấn để yêu cầu. - Tư vấn bằng văn bản: Tư vấn bằng văn bản thông thường được thể hiện qua việc người có nhu cầu tư vấn viết đơn, thư, chuyển thư điện tử (email), chuyển fax … đến cho người tư vấn nêu rõ yêu cầu tư vấn dưới dạng các câu hỏi cụ thể. 1.2. Trợ giúp pháp lý. 1.2.1. Khái niệm: Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật (Điều 3 Luật Trợ giúp Pháp lý). Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp; về tính chất, hoạt động trợ giúp pháp lý tương tự như hoạt động của luật sư, khác nhau ở chỗ luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý có thu phí (người thuê luật sư trả thù lao cho luật sư), còn trợ giúp pháp lý cung cấp dịch vụ pháp lý không thu phí (người được trợ giúp pháp lý không phải trả thù lao cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý). 1.2.2. Mục đích của trợ giúp pháp lý - Nền kinh tế hiện nay là kinh tế thị trường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, ngoài những mặt tích cực nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội thì cũng xuất hiện những tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội của đất nước, cụ thể như việc phân hóa giàu nghèo, tỷ lệ thất nghiệp biến động… Nhà nước ta là Nhà nước của dân, vì vậy việc tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với công bằng xã hội, do đó phải có những biện pháp , chính sách cụ thể để hạn chế ở mức thấp nhất những tiêu cực do nền kinh tế thị trường mang lại. - Trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách được coi là một chính sách xã hội thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân nhằm đảm bảo cho người nghèo và các đối tượng chính sách có thể nhận được những sự hỗ trợ về mặt pháp lý. 1.2.3. Nguyên tắc trợ giúp pháp lý - Không thu phí, lệ phí, thù lao từ người được trợ giúp pháp lý; - Trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; - Sử dụng các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; - Tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trợ giúp pháp lý. 1.2.4. Đối tượng được trợ giúp pháp lý: a) Đối tượng được trợ giúp pháp lý: Theo quy định tại Điều 10 Luật Trợ giúp Pháp lý, đối tượng được trợ giúp pháp lý là những người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tiêu chí cụ thể đối với từng diện người được trợ giúp pháp lý cần phải căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật. Cụ thể như sau: - Người nghèo là người thuộc chuẩn hộ nghèo theo quy định của pháp luật. Việc xác định hộ nghèo hiện nay được áp dụng theo Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010. Theo đó ở khu vực nông thôn những hộ có mức thu nhập từ 200.000 đồng/người/tháng (2.400.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo, đối với khu vực thành thị là những hộ có mức thu nhập bình quân từ 260.000 đồng/người/tháng (3.120.000 đồng/người/năm). - Người có công với cách mạng: là những người được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng bao gồm: người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng; cha, mẹ, vợ, chồng của liệt sĩ, con của liệt sĩ chưa đủ 18 tuổi, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ. - Người già cô đơn không nơi nương tựa: được áp dụng theo quy định của Pháp lệnh về người cao tuổi. Đây là những người từ 60 tuổi trở lên, sống độc thân hoặc không có người chăm sóc, phụng dưỡng. - Người tàn tật không nơi nương tựa: được áp dụng theo quy định của Pháp lệnh về người tàn tật. Đây là những người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn mà không có ai nuôi dưỡng, chăm sóc hoặc là người bị nhiễm HIV hoặc bị các bệnh khác làm mất năng lực hành vi dân sự mà không có nơi nương tựa. - Trẻ em không nơi nương tựa: sẽ được áp dụng theo quy định của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đây là người dưới mười sáu tuổi, không có gia đình hoặc bị gia đình bỏ rơi, tự kiếm sống hoặc có hoàn cảnh không bình thường về thể chất hoặc tinh thần, không đủ điều kiện để thực hiện quyền cơ bản và hoà nhập với gia đình, cộng đồng. - Người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn:Đây là người dân tộc thiểu số thường trú ở các huyện thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi cao hoặc miền núi, hải đảo được Chính phủ quy định cụ thể. Diện đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý cũng như số lượng người được trợ giúp pháp lý đã tăng lên đáng kể so với trước đây. - Đối tượng khác theo quy định tại Điều ước quốc tế mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. b) Quyền, nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý: Quyền của người được trợ giúp pháp lý: - Tự mình hoặc thông qua người thân thích, người đại diện yêu cầu trợ giúp pháp lý. - Lựa chọn người thực hiện trợ giúp pháp lý; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp sau đây : + Đã hoặc đang thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là một bên có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc, trừ trường hợp hòa giải, giải đáp pháp luật; + Có quyền, lợi ích hợp pháp hoặc có người thân thích liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý; + Người thực hiện trợ giúp pháp lý đã từng là người giải quyết vụ việc đó; + Có căn cứ khác cho rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể không khách quan trong thực hiện trợ giúp pháp lý. - Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý; - Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý; - Đựơc bồi thường thiệt hại theo qui định của pháp luật; - Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý. Nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý - Cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý. - Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu đó. - Tôn trọng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện trợ giúp pháp lý. - Không yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho mình về một vụ việc đang được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trợ giúp. - Chấp hành pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý. 1.2.5. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý Luật Trợ giúp pháp lý đó là quy định 02 hình thức tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đó là: a) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng. Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có thể có chi nhánh. Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định thành lập Chi nhánh theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp. b) Các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm: Tổ chức hành nghề luật sư và Tổ chức tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. 1.2.6. Phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý Luật Trợ giúp pháp lý xác định phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý theo lãnh thổ và vụ việc. a) Theo đó, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cấp tỉnh thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi sau đây: ·Người được trợ giúp pháp lý đang cư trú tại địa phương; ·Vụ việc trợ giúp pháp lý xảy ra tại địa phương; ·Vụ việc trợ giúp pháp lý do tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác chuyển đến. b) Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật sẽ tham gia trợ giúp pháp lý trong phạm vi đăng ký. Ngoài ra, còn phải đảm bảo yêu cầu :"Vụ việc trợ giúp pháp lý phải liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý và không thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại".(Điều 5) 1.2.7. Các hình thức trợ giúp pháp lý a) Tư vấn pháp luật được thực hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản; tư vấn trực tiếp, bằng thư tín, điện tín hoặc thông qua phương tiện thông tin khác; thông qua trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt chuyên đề pháp luật, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và các phương thức khác. Người thực hiện tư vấn pháp luật sẽ hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý với thời gian giải quyết là: + Đối với vụ việc đơn giản, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải tư vấn ngay. + Đối vối vụ việc phức tạp: 15 ngày kể từ ngày thụ lý vụ việc hoặc nhận đủ các giấy tờ, tài liệu cần bổ sung (đối với vụ việc cần xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày) + Đối với vụ việc được chuyển đến bằng thư tín: 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý. b) Tham gia tố tụng: Trợ giúp viên pháp l‏‎ý, Luật sư tham gia tố tụng hình sự với tư cách người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi; hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, hành chính. Khi người được trợ giúp pháp lý yêu cầu cử người tham gia tố tụng, trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng.  c) Đại diện ngoài tố tụng: Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý khi họ không thể tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình.  Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý làm đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý. Khi thực hiện đại diện ngoài tố tụng, người đại diện có trách nhiệm sử dụng các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý trong phạm vi yêu cầu của họ.  d) Các hình thức trợ giúp pháp l‏‎ý khác được thực hiện  bằng việc giúp đỡ người được trợ giúp pháp l‏‎ý hoà giải, thực hiện những công việc liên quan đến thủ tục hành chính, khiếu nại và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật. Theo yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức hành nghề luật sư cử người thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý khác cho họ.  2. Mục tiêu của tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý: Thông qua hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, người thực hiện tư vấn, trợ giúp pháp lý có thể kết hợp thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật để đạt được các mục tiêu sau đây: - Cung cấp thông tin pháp lý cho các đối tượng. - Giúp cho các đối tượng hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong các quan hệ pháp luật. - Hướng dẫn cho các đối tượng về phương pháp xử sự trong các hoàn cảnh cụ thể phù hợp với pháp luật và tránh được những hậu quả pháp lý bất lợi. - Hướng dẫn công dân, tổ chức tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật. 3. Đặc thù của tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý là một lĩnh vực hoạt động pháp luật có nhiều yếu tố đặc thù: - Là một hoạt động lao động trí óc ở cường độ cao do các chuyên gia pháp luật thực hiện; - Là hoạt động đòi hỏi phải có kỹ năng nghề nghiệp cao; - Là một hoạt động tổng hợp, được phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa phân tích và tổng hợp pháp luật, thu thập và đánh giá chứng cứ, tìm kiếm và áp dụng văn bản pháp luật, nhận định và đưa ra giải pháp. Các hoạt động này được tiến hành đồng thời và diễn ra trong một thời điểm; - Là một hoạt động đa dạng; quá trình tư vấn, trợ giúp pháp lý đòi hỏi kết hợp một lúc nhiều kỹ năng như nghe, nói, phân tích, tổng hợp, giải thích, phổ biến, lý giải, đưa ra giải pháp, lời khuyên, soạn thảo văn bản, hoà giải các đối tượng với nhau...; - Người được tư vấn, trợ giúp pháp lý thường đều có nhu cầu tìm hiểu pháp luật song trong suy nghĩ cũng còn có sự thủ suy nghĩ, nhìn lệch lạc về hành vi của đối phương, ấn tượng với các giải quyết của cơ quan Nhà nước; II. QUY TRÌNH TƯ VẤN PHÁP LUẬT, TRỢ GIÚP PHÁP LÝ Hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý là tổng hợp một chuỗi hành vi, bắt đầu từ việc nhận yêu cầu của đối tượng tư vấn cho đến khi phải đưa ra được một giải pháp cho người có nhu cầu tư vấn, trợ giúp pháp lý. Quá trình đó có thể được thực hiện theo các bước chung như sau: 1.Nhận đơn và xem xét đơn 2.Cung cấp thông tin pháp lý cho các đối tượng 3.Yêu cầu các đối tượng trình bày, giải thích thêm về trường hợp yêu cầu tư vấn 4.Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp qua yêu cầu của đối tượng 5.Thu thập, nghiên cứu và đánh giá chứng cứ 6.Giúp cho các đối tượng thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình trong các quan hệ pháp luật 7.Tra cứu văn bản pháp luật áp dụng 8.Nhận định và đưa ra các giải pháp trên cơ sở yêu cầu của đối tượng, hướng dẫn cho các đối tượng được tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cần xử sự như thế nào trong các hoàn cảnh của họ để phù hợp với pháp luật và tránh được những hậu quả pháp lý bất lợi. Như vậy, mục đích cuối cùng của hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý là đưa ra được một lời khuyên cho đối tượng được tư vấn. Lời khuyên ở đây có thể là bằng lời nói, bằng văn bản. Lời khuyên cũng có thể được hiểu rộng ra như là những giải pháp thiết thực để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng. III. MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT, TRỢ GIÚP PHÁP LÝ Với đặc điểm của việc hành nghề tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, để nâng cao hiệu quả của công việc này cần tiến hành những việc sau: - Xác lập mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý trao đổi về những thông tin tư liệu, nêu yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa bàn trong từng thời kỳ; - Tổ chức các buổi tọa đàm trao đổi phương pháp, kinh nghiệm tốt về phổ biến, giáo dục pháp luật qua tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; - Tổ chức các hội thi nhằm rút ra những phương pháp hay, kinh nghiệm tốt về phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; - Đưa vào chuyên trang, chuyên mục trên phương tiện thông tin đại chúng những kinh nghiệm tốt về phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; - Có những biện pháp khuyến khích về vật chất và tinh thần đối với những người làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý. Ban CSPL TW Hội LHPNVN

File đính kèm:

  • docnoi dung tu van phap luat.doc