- Yêu cầu của dạy học văn hiện nay là phải đổi mới phương pháp dạy học, theo hướng dạy học tích cực. Có vận dụng sáng tạo các phương pháp dạy học, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh dạy học ở nước ta, phù hợp với đối tượng học sinh. Để làm sao mỗi giờ học văn thực sự là một giờ học hứng thú, học sinh được chủ động tìm hiểu, khám phá tác phẩm văn học; cảm nhận được cái hay, cái đẹp và ý nghĩa sâu sắc của nó.
- Dạy học tác phẩm văn chương trong nhà trường là một quá trình năng động và thống nhất các biện pháp, thao tác, kĩ năng, .để chiếm lĩnh, cảm thụ những giá trị của tác phẩm. Trong đó so sánh là một trong những thao tác tư duy quan trọng để nắm vững tri thức khoa học, hình thành các khái niệm. Đúng như một nhà sư phạm nổi tiếng người Nga từ thế kỷ trước đã khẳng định: so sánh “ cơ sở của mọi sự hiểu và suy nghĩ(.) để nhận biết mọi thứ trên thế giới không ngoài cách thông qua so sánh” (Usinxki).
9 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 2030 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thực trạng của việc vận dụng thao tác so sánh phong cách nhà văn, trong dạy học tác phẩm văn chương ở nhà trường hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A. Đặt vấn đề
I. Lời mở đầu:
- Yêu cầu của dạy học văn hiện nay là phải đổi mới phương pháp dạy học, theo hướng dạy học tích cực. Có vận dụng sáng tạo các phương pháp dạy học, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh dạy học ở nước ta, phù hợp với đối tượng học sinh. Để làm sao mỗi giờ học văn thực sự là một giờ học hứng thú, học sinh được chủ động tìm hiểu, khám phá tác phẩm văn học; cảm nhận được cái hay, cái đẹp và ý nghĩa sâu sắc của nó.
- Dạy học tác phẩm văn chương trong nhà trường là một quá trình năng động và thống nhất các biện pháp, thao tác, kĩ năng, ...để chiếm lĩnh, cảm thụ những giá trị của tác phẩm. Trong đó so sánh là một trong những thao tác tư duy quan trọng để nắm vững tri thức khoa học, hình thành các khái niệm. đúng như một nhà sư phạm nổi tiếng người Nga từ thế kỷ trước đã khẳng định: so sánh “ cơ sở của mọi sự hiểu và suy nghĩ(...) để nhận biết mọi thứ trên thế giới không ngoài cách thông qua so sánh” (Usinxki).
II. Thực trạng của việc vận dụng thao tác so sánh phong cách nhà văn, trong dạy học tác phẩm văn chương ở nhà trường hiện nay:
1. Thực trạng:
- Trong thực tế giảng dạy, tôi nhận thấy nhiều giáo viên chưa coi trọng vận dụng thao tác so sánh trong dạy học tác phẩm chương, nhất là so sánh phong cách tác giả. Vì vậy, sau khi học, nhiều em chưa định hình được khái niệm phong cách; và chưa nắm được những nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của nhà văn đó. Do đó mà hiểu chưa sâu sắc, thấu đáo tư tưởng tác phẩm hoặc những vấn đề mà nhà văn đặt ra. Thực trạng đó, một phần khiến học sinh chán học văn, ngại học văn như hiện nay.
- Thực tế, dạy học tác phẩm văn chương có thể so sánh ở nhiều phương diện. Trong đó, so sánh phong cách nhà văn là một trong những điểm then chốt, nhằm định hình khái niệm phong cách nhà văn, khái quát đặc điểm riêng nổi bật của từng phong cách. Từ đó, giúp học sinh cảm thụ tác phẩm văn chương của nhà văn đó tốt hơn.
2. Kết quả và hiệu quả của thực trạng trên:
- Từ những thực trạng trên , tôi nhận thấy so sánh phong cách trong dạy học tác phẩm văn chương ở nhà trường là một trong những thao tác quan trọng giúp học sinh định hình và nắm rõ hơn phong cách một tác giả. Trên cơ sở đó, giúp các em có thể cảm thụ chủ động, sáng tạo, toàn diện và sâu sắc hơn tác phẩm được học. Như vậy, sẽ một phần giúp người giáo viên tiến hành có hiệu quả giờ dạy; giúp học sinh thêm yêu thích tác phẩm được học.
- Từ thực tế giảng dạy, tôi đã mạnh dạn nghiên cứu và vận dụng so sánh phong cách nhà văn trong các giờ dạy học tác phẩm văn chương trong nhà trường trung học phổ thông. Cụ thể là tiến hành vận dụng có hiệu quả trong giờ dạy học tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam và Chí Phèo của Nam Cao, ở lớp 11B5, nơi tôi trực tiếp giảng dạy tại trường Trung Học Phổ Thông Thach Thành I, năm học 2007-2008.
B. giải quyết vấn đề
Dạy học tác phẩm văn chương trong nhà trường không chỉ giúp học sinh hiểu được tư tưởng, ý nghĩa của tác phẩm, mà còn thấy rõ những sáng tạo nghệ thuật độc đáo, tạo nên dấu ấn, phong cách riêng của nhà văn. Trong hàng loạt những phương pháp, thao tác,...được sử dụng giảng dạy trên lớp, so sánh phong cách nhà văn là khâu then chốt để hình thành khái niệm, và nắm vững nét riêng trong ngòi bút nghệ thuật của nhà văn đó.
I. Các giải pháp thực hiện đề tài
Để thực hiện đề tài, cần tiến hành nhiều giải pháp, tôi áp dụng các giải pháp cơ bản bước đầu sau:
1. Cần nắm vững cơ sở lí luận về phong cách nhà văn và yêu cầu của dạy học tác phẩm văn chương trong nhà trường.
- Lí luận văn học coi phong cách nhà văn “ là chỗ độc đáovề tư tưởng cũng như nghệ thuật, có phẩm chất thẩm mĩ thể hiện trong sáng tác của nghững nhà văn ưu tú” Khái niệm phong cách nhà văn là lĩnh vực nghiên cứu cực kỳ phức tạp của lí luận văn học, của phương pháp dạy học văn. Cho đến nay vẫn nhiều vấn đề chưa thống nhất, chưa được nghiên cứu một cách sáng tỏ đầy đủ.
- Dạy học tác phẩm văn chương cần làm nổi bật những dấu hiệu độc đáo riêng biệt của phong cách nhà văn, nên sử dụng thao tác so sánh là điều cần thiết. Có thể so sánh các phong cách với nhau qua việc tìm hiểu một số tác phẩm trong chương trình ngữ văn. Bởi thực tế cho thấy: mặc dù phong cách nhà văn mang đậm dấu ấn cá nhân, nhưng giữa các phong cách vẫn tồn tại những điểm tương đồng. Do vậy để hình thành và nắm vững khái niệm phong cách nhà văn trong dạy học tác phẩm văn chương phải đặc biệt chú ý tới thao tác so sánh những phương diện cơ bản của phong cách.
2. Nghiên cứu, tham khảo tài liệu.
Tôi đã nghiên cứu các tài liệu có liên quan đến đề tài; những bài viết của những nhà giáo có uy tín, của các nhà nghiên cứu văn học.
3. Vận dụng vào thực tế giảng dạy trên lớp.
Tôi đã mạnh dạn tiến hành vận dụng trong thực tế giảng dạy ở lớp 11B5, trường Trung Học Phổ Thông Thạch Thạnh I, năm học 2007-2008. Trong giờ dạy học tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam và Chí Phèo của Nam Cao.
II. Một số biện pháp để vận dụng so sánh phong cách nhà văn trong dạy học tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam và Chí Phèo của Nam Cao:
Khi dạy học tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam và Chí Phèo của Nam Cao, tôi đã vận dụng so sánh phong cách nhà văn ở một số phương diện cơ bản sau:
1. Thứ nhất: So sánh về phương diện xây dựng hình tượng-nghệ thuật.
M. B. Khrapchenkô viết: “ Phong cách được hiểu như những thủ pháp biểu hiện, cách khai thác hình tượng đối với cuộc sống, như những thủ pháp thuyết phục và thu hút độc giả”. Theo ý kiến đó, thì phương thức khai thác hình tượng thể hiện tài năng và cá tính sáng tạo của nhà văn, đây được coi là yếu tố quan trọng để hình thành phong cách. Nhà văn xây dựng thế giới hình tượngnhằm nhận thức và cắt nghĩa hiện thực đời sống, đồng thời thể hiện tư tưởng tình cảm của mình. Nói cách khác, hình tượng nghệ thuật chính là khách thể của đời sống, được tái hiện một cách sáng tạo đầy ý đồ của nhà văn. do vậy có hiện tượng cùng đề tài sáng tác, song mỗi nhà văn có cách thể hện hình tượng riêng không trùng hợp với phương thức biểu hiện của các nhà văn khác.
a. Thạch Lam:
Là một cây bút viết truyện ngắn nổi tiếng, ông được Nguyễn Tuân coi là “một nhà văn chân chính”, có cách viết “mẫu mực”,để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả.
- Truyện của ông không có những xung đột gay gắt, nhân vật ít khi bị đẩy đến bước đường cùng, như thường thấy xuất hiện trong những truyện của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng,.... Thạch Lam chủ yếu viết về những cảnh đời buồn thảm tù túng, những tâm trạng khoảnh khắc tinh tế, khó nắm bắt rõ ràng, nhưng gợi nhiều cảm xúc từ độc giả. Một lối viết truyện ngắn tâm trạng, tâm tình đầy ấn tượng- “truyện mà không có chuyện”.
- Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ nhà văn đặt nhân vật vào một không gian thời gian đặc biệt: một phố huyện nghèo lúc chiều tà cho đến đêm khuya.
+Thạch Lam không dẫn người đọcđến những tình huống kịch tính, hay miêu tả kĩ cảnh sống nghèo khổ của những con người nơi đây. Mà chủ yếu đưa người đọc đến với những suy nghĩ, tâm trạng trong sâu thẳm tâm hồn một cô gái nhỏ. Những biến thái trong tâm hồn ấy cho thấy, Liên có một đời sống nội tâm phong phú, già dặn hơn so với tuổi của cô. Cô có dáng dấp của một người trưởng thành biết suy tính, cân nhắc, lo toan; đặc biệt là có những cảm nhận tinh tế sâu sắc về cuộc sống xung quanh. Những suy nghĩ của Liên chỉ mình cô biết, nó là đời sống riêng tư khuất kín không người chia sẻ. Việc đi sâu vào miêu tả, phản ánh đời sống nội tâm bên trong nhân vật, càng làm nổi bật tâm trạng hoàn cảnh cô đơn tù túng của Liên, nó ám ảnh cả vào trong giấc ngủ: “ Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ”. Dụng ý của nhà văn đã được bộc lộ một cách kín đáo: tả cảnh khổ của con người, mà không miêu tả cuộc sống bề ngoài chật vật, đói rách; chủ yếu đi sâu vào bên trong tâm hồn nhữngcon người bé nhỏ.
+ Suốt một ngày dài, hai đứa trẻ chỉ cảm thấy hạnh phúc trong khoảnh khắc ngắn ngủi vào đêm khuya khi có đoàn tàu chạy qua phố huyện. Đó là sự ồn ào là hoạt động sống cuối cùng của phố huyện. Đoàn tàu là tia hồi quang về một kí ức đẹp đẽ của một tuổi thơ đã mất, nên nhìn thấy đoàn tàu chúng có thể tìm lại tuổi thơ trong chốc lát. Sự sôi động và ánh sáng trên chuyến tàu đó cho chúng biết: ở đâu đó ngoài phố huyện này vẫn có cuộc sống khác tươi vui hơn, đáng sống hơn.Nhưng đoàn tàu đã vụt qua phố huyện như một vệt sao băng, hai đứa trẻ chưa kịp vui thì nó đã mất hút. Điều đó cho thấy cuộc sống nơi phố huyện này chẳng khác gì cái ao tù, vô hình đang muốn nhấn chìm hai chị em và những con người nơi đây. Cho nên, cố thức đợi tàu là một nỗ lực của chúng để ngoi lên bám vào cái phao tinh thần, để khỏi bị chìm ngập trong cái tù túng nơi này. Việc đợi tàu của hai đứa trẻ trong mắt người đời là một việc làm buâng quơ, thậm chí là vô nghĩa. Thế nhưng, Thạch Lam lại thấy trong đó chứa đựng một khát khao không phải chỉ của riêng hai đứa trẻ: khát khao đổi đời! Từ đó mà mang đến một thông điệp đầy tính nhân văn sâu sắc: Hãy cứu lấy con người, bằng cách thay đổi thế giới tối tăm này đi và đem đến một thế giới khác xứng đáng với con người hơn, “ở đó ai cũng có quyền sống trong hi vọng, chứkhôngphải tàn đi trong vô vọng ở cái miền đời bị lãng quên này!”(Chu Văn Sơn- Phân tích, bình giảng tác phẩm văn học lớp 11).
b. Nam Cao:
Nếu như truyện ngắn của Thạch Lam đưa người đọc đến với thế giới nội tâm nhân vật, thì truyện ngắn của Nam Cao hấp dẫn bởi tính sự vụ, tính kịch trong cốt truyện, cùng với những mâu thuẫn, giằng xé trong đời sống nội tâm nhân vật.
- Nhân vật của Nam Cao luôn vật lộn hàng ngày với cái đói, miếng ăn , lương thiện hay lưu manh, giữ được nhân phẩm hay bị tha hoá,.... Họ có đời sống nội tâm phức tạp , nhiều khi bị đẩy đến bước đường cùng, bị huỷ hoại cả nhân hình, lẫn nhân tính . Quá trình tha hoá và níu giữ nhân phẩm của Chí Phèo là minh chứng cho tội ác của bọn cường hào ác bá ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945, cho số phận khổ cực – nhất là nỗi đau đớn vật vã trong tâm hồn - của người nông dân đương thời.
- Cả Nam Cao và Thạch Lam đều chú ý đến khai thác thế gới nội tâm nhân vậtđể bộc lộ tư tưởng truyện.Song, Nam Cao thường có thiên hướng đi sâu phân tích tâm lí nhân vật trong từng hành động, hoàn cảnh đặc biệt, để làm nổi bật bản chất tính cách nhân vật. Chí phèo hiện lên đầy đủ lai lịch, hoàn cảnh sống; đặc biệt là đời sống nội tâm phức tạp: lúc hiền lành như cục đất, lúc lưu manh, dữ tợn. Trong chuỗi ngày sống đội lốt quỷ dữ, tưởng như bản chất lương thiện của anh canh điền đã mất hẳn, vậy mà nó vẫn tồn tại hiện hữu trong con người Chí.
- Mạch truyện của Nam Cao, phát triển trên mạch tâm lí, hành động của nhân vật. Hành động của nhân vật đến đâu kéo theo suy nghĩ, tâm trạng tới đó, cùng hô ứng tạo điểm nhấn cho hình tượng. Nhân vật của Nam Cao có chiều sâu tâm hồn, cá tính, nhiều nhân vật đã đạt đến mức độ diển hình hoá. Khiến cho truyện có chiều sâu tư tưởng nhân văn: nhà văn không chỉ đi sâu phản ánh cuộc sống đói khổ lam lũ bần cùng của những con người hàng ngày phải chật vật với cái đói, miếng ăn; mà còn thể hiện nỗi đau, nỗi nhục, sự khát khao bảo vệ nhân phẩm ở những con người đó.
2. Thứ hai: So sánh về giọng điệu nhà văn thể hiện trong tác phẩm:
Giọng điệu là yếu tố quan trọng để tạo nên phong cách nhà văn. Một nhà văn tài năng, dứt khoát qua tác phẩm của mình phải tạo ra một giọng điệu riêng. Giọng điêụ đó phải thể hiện được: tư tưởng, thái độ, cảm hứng sáng tạo của người viết, và thông qua lời lời văn nghệ thuật độc giả có thể cảm nhận được tư tưởng, thái độ ấy. Nghiên cứu về giọng điệu nhà văn cho thấy, mỗi phong cách nhà văn thể hiện ở một giọng điệu chủ yếu trong sự đa dạng và tổng hợp những phương tiện giọng điệu.
a. Thạch Lam:
- Khác với tư tưởng chung của nhóm tự lực văn đoàn, chủ trương sáng tác nghệ thuật thoát ly hiện thực, thi vị hoá cuộc sống, Thạch Lam chú trọng miêu tả cuộc sống con người bình dân với những tình cảm chân thực, tình yêu thương tự đáy lòng. Truyện hai đứa trẻ chứa đựng nỗi lòng cảm thông của nhà văn, có cái nhìn thương yêu trân trọng đối với từng cảnh đời, phát hiện những vẻ đẹp thanh khiết trong tâm hồn nhân vật. Xen lẫn nhưng câu văn tả cảnh, người phố huyện là những dòng trữ tình man mác buồn, gợi cảm xúc, suy tư sâu sắc về cuộc sống con người nơi đây.
- Tuy nhiên, truyện không mang đến cảm giác thương tâm, đau đớn, bi luỵ mà vẫn ánh lên những tia sáng ( dù nhỏ nhoi, yếu ớt) về ước mơ thay đổi cuộc sống. Những con người sống tù túng, tàn tạ nơi phố huyện là thế nhưng vẫn không ngớt niềm tin “ mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ”. Cho dù ước mơ đó không rõ ràng. Đây được coi là điểm sáng của thiên chuyện xua tan phần nào màn đêm u ám quanh cái ga xép nghèo nàn, mở ra một thế giời thầm kín bên trong con người với bao cảm giác tinh tế, bâng khuâng.Truyện có giọng điệu chủ yếu là giọng buồn thương, cảm thông lẫn trong lời văn trữ tình nhẹ nhàng, mà sâu lắng.
b. Nam Cao:
- Cùng chung cảm hứng về con người vươn tới cái đích “ tuyệt thiện tuyệt mỹ”, những sáng tác của Nam Cao thể hiện một nỗi khao khát cháy bỏng của con người. Nhân vật trong truyện ngắn của Nam Cao thường rơi vào hoàn cảnh đau đớn về thể xác, tủi nhục về tinh thần, bị xúc phạm về nhân phẩm ghê gớm, tha hoá nhân hình, nhân tính. Cả đời Chí Phèo là những cơn đau, cơn say dài vô tận, sống liều lĩnh và tủi nhục, chết đau đớn và uất hận, phải bán linh hồn cho quỷ dữ để tồn tại và trượt dài trên con đường tha hoá. Nam Cao có tài phân tích tâm lý nhân vật, nhân vật có đời sống bên trong phức tạp, luôn đấu tranh, dằn vặt, giằng xé cao độ bởi những mâu thuẫn, xung đột. Nên tiết tấu truyện thường căng thẳng theo cấp độ tiệm tiến tới đỉnh điểm.
- Truyện ngắn Nam cao mang tính đa giọng điệu “ giọng điệu buồn thương da diết”, “ giọng điệu khách quan lạnh lùng, tàn nhẫn bên ngoài mà cảm thông thương xót bên trong” hoà cùng “ giọng điệu triết lý suy ngẫm sâu xa”. ( Trần Đăng Suyền). Nhà văn bộc lộ giọng dửng dưng đến tàn nhẫn khi miêu tả Chí Phèo và Thị Nở. Dường như nhà văn cố tình đóng cũi sắt tình cảm để khách quan miêu tả nhân vật. Đây là lối viết “lạnh” theo Nguyễn Tuân quan niệm, để có điều kiện thâm nhập sâu hơn đời sống bên trong tâm hồn phong phú và phức tạp của nhân vật. Mặt khác,cũng để cho người đọc khách quan đánh giá, chiêm nghiệm những vấn đề đặt ra trong tác phẩm. Tuy nhiên, giọng điệu lạnh lùng, tàn nhẫn chỉ là giọng bên ngoài, để che lấp giọng trầm tư, cảm thông, thương yêu trân trọng của nhà văn với những con người bất hạnh. Giọng điệu buồn thương xen lẫn giọng triết lý, suy ngẫm sâu xa trong dòng đối thoại, độc thoại nội tâm. Nhân vật trong truyện từ Chí Phèo, Bá Kiến, Tự Lãng, Thị Nở, bà cô Thị Nở....., đến những người dân làng Vũ Đại là những con người ưa triết lý. Người nào ở cảnh nào, nghề nào thì triết lý nêu quan điểm sống về cảnh ấy, nghề ấy. Chất triết lý được rút ra từ chính hoàn cảnh, cuộc đời đầy sóng gió của nhân vật, nên vừa mang chất sống của cuộc đời bụi bặm vừa có giá trị thực tiễn, nhân sinh sâu sắc. Giọng điệu triết lý chiêm nghiệm có khi là của nhà văn, của nhân vật, khi thì hoà nhập khó phân biệt rõ ràng, mang đến cho người đọc những rung động, dư âm, liên tưởng đến cuộc đời thực.
3. Thứ ba: So sánh về đặc sắc ngôn ngữ nghệ thuật:
Ngôn ngữ “là yếu tố thứ nhất của văn học”( M. Gorki)để tạo nên thế giới hình tượng, tạo nên phong cách nhà văn. Ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương mang đậm dấu ấn tài năng, cá tính sáng tạo của nhà văn.
a. Thạch Lam:
- Với quan niệm “ nhà tiểu thuyết gia có biệt tài là nhà văn đã diễn tả đúng và thấu cái tâm lí chuyển của con người”. Nên trong những sáng tác của mình, Thạch Lam hướng ngòi bút đi sâu khám phá thế giới nội tâm, cái bí mật không tả được của mỗi con ngườiđể thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ (Tâm trạng buồn của Liên lúc chiều tối nơi phố huyện; tâm trạng hai đứa trẻ lúc đêm xuống; lúc thấp thỏm chờ đoàn tàu khi trời đã khuya ). Chính vì thế, đọc văn Thạch Lam, người đọc bị hút vào những dòng phân tích đời sống tâm trạng nhân vật đầy chất trữ tình.
- Câu văn xuôi của Thạch Lam đầy chất thơ, chất nhạc. Những câu văn như thế, có thể tách ra thành thơ văn xuôi. Như những câu: “Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru,văng vẳng tiếng êch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió đưa vào(...). Đường phố và các ngõ con dần chứa đầy bóng tối(...). Tối hết cả, con đường thăm thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà.(...).Trời bắt đầu vào đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng hơi gió mát.”
Văn Thạch Lam như chính con người ông, nhẹ nhàng, trong sáng, thuần khiết mà tinh tế. Một lối văn kết hợp nhuần nhuyễn giữa kể và tả. Một lối văn biểu cảmgiàu sắc thái trữ tình đánh dấu một bước tiến vượt bậc của ngôn từ nghệ thuật tiếng Việt đương thời.
b. Nam Cao:
- Nếu như những câu văn của Thạch Lam đầy chất trữ tình mượt mà, thì câu văn của Nam Cao dửng dưng, lạnh lùng, đứt nối, lắp ghép bởi những suy nghĩ , hành động, triết lí chiêm nghiệm. Nhà văn sử dụng nhiều kiểu câu, nhiều thủ pháp nghệ thuật làm cho hình tượng sống động như hiện lên trước mắt độc giả. Đọc Chí Phèo, độc giả bị ám ảnh ngay từ những dòng đầu: “ Hắn vùa đi vừa chửi, bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “ chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không thèm chửi nhau với hắn. Nhưng không ai ra điều. Mẹ kiếp! thế có phí rượu không? Thế có khổ hắn không?”.
- Văn Nam Cao là tổng hợp bởi nhiều yếu tố: tự sự, miêu tả, biểu cảm, phân tích, triết lí bàn luận về con người, số phận, cuộc đời. Tình huống truyện luôn thay đổi bởi đối tượng, hoàn cảnh, cách kể,người kể, giọng kể. Nhà văn sử dụng khéo léo ngôn ngữ sinh hoạt đời thường của nhiều tầng lớp xã hội; các thành ngữ, tục ngữ ; câu văn tiềm ẩn nhiều ý nghĩa . Đọc một đoạn có thể nhận ra ngay hơi văn, giọng văn của Nam Cao.
Tuy đã được tìm hiểu nhiều và sâu sắc, nhưng thế giới nghệ thuật, giọng điệu, ngôn từ,...trong tác phẩm của Nam Cao vẫn ẩn chứa nhiều điều chưa khám phá hết. Vì vậy, văn chương của Nam Cao vẫn luôn hấp dẫn người đọc ở mọi thế hệ.
* Với ba biện pháp trên, tôi đã lựa chọn được những phương diện cơ bản để so sánh phong cách của hai nhà văn Thạch Lam và Nam Cao, hai tác giả xuất sắc của thể loại truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930-1945, thông qua việc dạy tác phẩm Hai đứa trẻ và Chí Phèo.
- Thao tác này cần được sử dụng thường xuyên và tích hợp với những thao tác, phương pháp, biện pháp dạy học khác để góp phần nâng cao chất lượng giờ dạy tác phẩm văn chương trong nhà trường trung học phổ thông và đáp ứng yêu cầu dạy học đổi mới phương pháp hiện nay.
- Những phương diện đưa ra để vận dụng so sánh phong cách hai nhà văn khi dạy Hai đứa trẻ và Chí Phèo, có thể chưa đầy đủ và chưa thấu đáo, tôi rất mong được sự góp ý của các nhà giáo, và của người đọc./.
C. Kết luận
I. Kết quả nghiên cứu đề tài:
1. Sau khi dạy xong tác phẩm Chí Phèo, tôi tiến hành cho học sinh kiểm tra để thử nghiệm.
a. Thời gian làm bài: 15 phút.
b. Đề bài : “Qua Hai đứa trẻ và Chí Phèo, so sánh phong cách của Nam Cao và Thạch Lam”.
c. Hướng dẫn chấm.
+ Học sinh phải đảm bảo những yêu cầu chung:
- Trình bày văn bản ngắn;đảm bảo bố cục củ văn bản(1,0 đ)
- Đảm bảo yêu cầu của một bài nghị luận: trình bày ý rõ ràng mạch lạc; hành văn lưu loát, tự nhiên, có hình ảnh, biểu cảm; không mắc các lỗi: dùng từ, đặt câu, chính tả.
+ Đảm bảo được những ý sau:
- Điểm tương đồng: đều là những cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945; Có nhiều tìm tòi, sáng tạo trong sáng tác nghệ thuật.(2,0 đ)
- Nét độc đáo trong phong cách của hai nhà văn thể hiện rõ qua tác phẩm Hai đứa trẻ và Chí Phèo, là hai truyện ngắn tiêu biểu của họ:( 7,0 đ)
1. ở xây dựng hình tượng nghệ thuật.
2. ở giọng điệu
3. ở ngôn từ nghệ thuật
(Đảm bảo hai yêu cầu mới đạt điểm tối đa cho mỗi ý)
d. Đối tượng: ở cả hai lớp 11B5 và 11B8, tôi trực tiếp giảng dạy năm học 2006-2007. Trước khi thử nghiệm, chất lượng hai lớp là tương đương nhau.
2. Sau khi chấm bài thử nghiệm, kết quả thu được của cả hai lớp:
* Lớp 11B8: (tổng số46 học sinh) Không vận dụng đề tài, kết quả kiểm tra là:
Giỏi: 0 em
Khá: 7 em----- 15 %
Trung bình: 20 em----- 43,5%
yếu: 16 em ------35 %
Kém: 3 em--------6,5 %
* Lớp 11B5 có vận dụng đề tài, kết quả kiểm tra là:
Giỏi: 4 em------9 %
Khá: 18 em-----40%
Trung bình: 18 em------40 %
Yếu: 5 em------11 %
* Qua bài kiểm tra thử nghiệm, tôi nhận thấy:
a. Chất lượng học sinh khá giỏi ở 11B5 đã được nâng lên cao hơn so với 11A8; tỉ lệ học sinh yếu giảm đi nhiều; học sinh kém không còn.
b. Điều đó cho thấy, vận dụng so sánh phong cách nhà văn trong dạy học tác phẩm văn chương, đặc biệt là dạy học tác phẩm Hai đứa trẻ và Chí Phèo có hiệu quả rõ rệt. Học sinh có thể nắm được:
- Cả hai nhà văn đều có những khám phá sáng tạo, không đi theo những lối mòn quen thuộc, nói như Nam Cao là biết “ khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có” ( Đời thừa).
- Vì thế, mỗi nhà văn đã tạo được một dấu ấn riêng trong lòng người đọc:
+ Dấu ấn của Thạch Lam để lại trong Hai đứa trẻ , là một thiên truyện không có cốt truyện, nhân vật có cuộc sống phẳng lặng không có những mâu thuẫn xung đột, mà chỉ có những suy tư, tâm trạng. những dòng tâm trạng dàn trải miên man với những cảm giác tinh tế. Gợi cho độc giả nhiều suy nghĩ về cuộc đời và số phận nhân vật. Lối viết văn xuôi đậm chất thơ, chất nhạc, khiến những trang viết của Thạch Lam giàu sắc thái biểu cảm, trong sáng khác lạ.
+ Còn dấu ấn của Nam Cao lại in đậm trong truyện ngắn Chí Phèo. Là nhà văn có sở trường miêu tả đời sống tâm lí phức tạp với những mâu thuẫn giằng xé bên trong. Xây dựng lên những hình tượng điển hình có cá tính sắc sảo( đây là nét độc đáo trong nghệ thuật xây dựng hình tượng của Nam Cao). Truyện có sắc thái đa giọng điệu, hoà hợp, thống nhất làm nổi bật tư tưởng, ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Truyện là đỉnh cao của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật văn chương Nam Cao, ở việc sử dụng từ ngữ phong phú, góc cạnh; linh hoạt trong diễn đạt sắc thái tu từ; lời dẫn chuyện, kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn. độc giả đọc truyện, tiếp cận với thế giới của truyện, được tham dự vào cuộc đối thoại, bàn luận cùng với nhân vật và tác giả.
áp dụng đề tài vào giảng dạy ở lớp 11B5, bản thân tôi thấy rõ : học sinh thấy hứng thú và hiểu sâu sắc hơn tác phẩm, nắm được những nét nổi bật, độc đáo trong phong cách của hai nhà văn tiêu biểu; từ đó mà muốn khám phá nhiều hơn nữa những vấn đề mà tác phẩm đặt ra; đồng thời định hình rõ khái niệm phong cách nhà văn.
II. Một số kiến nghị và đề xuất:
1. Đối với nhà trường:
- Mua sắm thêm tài liệu làm cơ sở nghiên cứu để vận dụng trong giảng dạy.
- Chỉ đạo tổ bộ môn tham khảo, vận dụng đề tài vào các giờ dạy học tác phẩm văn chương.
2. Đối với Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT:
- Những đề tài SKKN có tính thực tiễn cao nên phổ biến rộng rãi tới các nhà trường để giúp giáo viên có tài liệu tham khảo.
- Những giờ dạy đạt giờ dạy giỏi cấp Tỉnh cần quay băng hình để giáo viên các nhà trường có tư liệu học tập.
Người viết
Nguyễn Quang Hưng
Một số tài liệu tham khảo:
1 Phân tích bình giảng tác phẩm văn học – lớp 11
2. So sánh phong cách nhà văn – bài viết của Đỗ Tiến Sĩ
3 . 150 thuật ngữ văn học- Lại Nguyên Ân
4. Từ điển văn học – bộ mới xuất bản năm 2004
File đính kèm:
- Sang kien kinh nghiem moi nhat.doc