1. Cuộc khởi nghĩa của Tứ Kiệt trở thành truyền thuyết dân gian
Định Tường xưa (tức Tiền Giang ngày nay) tự hào vì có bốn anh hùng người địa phương dám vùng lên đánh Pháp.
Bốn Ông vốn là lính đồn điền, cần cù khai hoang mở đất. Khi giặc Pháp xâm chiếm Nam Bộ, thù giặc ngất trời, Bốn Ông cùng theo Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều khởi nghĩa. Sau nhiều trận đánh đầy quả cảm, Thiên Hộ Dương gặp nạn qua đời, Đốc Binh Kiều hy sinh, lực lượng nghĩa quân ở Đồng Tháp Mười tan rã. Bốn Ông trở về quê nhà, tập hợp nghĩa quân, hoạt động xông xáo khắp vùng Cái Bè, Cai Lậy.
Tương truyền, “Tứ Kiệt” người to lớn khác thường, nước da màu đồng đen. Ai nấy đều có võ nghệ cao cường, tướng pháp lanh lẹ, râu rậm, tóc dài chấm gót. Các vị có biệt tài chạy nhanh và nhảy cao. Có lần, để thoát vòng bố ráp của giặc, một trong Bốn Ông đã cặp thêm bên nách một cháu nhỏ khoảng 10 tuổi, chạy vun vút như tên, tóc xổ ra phất phới như lá cờ.
5 trang |
Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 2347 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Truyền thuyết dân gian về “Tứ Kiệt”, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY HY SINH CỦA “TỨ KIỆT” (14/2/1871 - 14/2/2006)
***
TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN VỀ “TỨ KIỆT”
ThS. Võ Phúc Châu
“Tứ Kiệt” hay “Bốn Ông” là cách gọi tôn kính của nhân dân dành cho 4 vị anh hùng lãnh đạo nghĩa quân buổi đầu chống Pháp ở vùng Cái Bè, Cai Lậy: ông Nguyễn Thanh Long, người xóm Cầu Ván, ấp Cẩm Hòa, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy; ông Trần Công Thận, tự Phượng, người xóm Võng, làng Mỹ Trang, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy; ông Trương Văn Rộng, người xã Tân Hiệp, Bến Tranh (nay là Tân Lý Đông, huyện Châu Thành) và ông Ngô Tấn Đước, người xóm Vuông, xã Tân Hội, huyện Cai Lậy.
1. Cuộc khởi nghĩa của Tứ Kiệt trở thành truyền thuyết dân gian
Định Tường xưa (tức Tiền Giang ngày nay) tự hào vì có bốn anh hùng người địa phương dám vùng lên đánh Pháp.
Bốn Ông vốn là lính đồn điền, cần cù khai hoang mở đất. Khi giặc Pháp xâm chiếm Nam Bộ, thù giặc ngất trời, Bốn Ông cùng theo Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều khởi nghĩa. Sau nhiều trận đánh đầy quả cảm, Thiên Hộ Dương gặp nạn qua đời, Đốc Binh Kiều hy sinh, lực lượng nghĩa quân ở Đồng Tháp Mười tan rã. Bốn Ông trở về quê nhà, tập hợp nghĩa quân, hoạt động xông xáo khắp vùng Cái Bè, Cai Lậy.
Tương truyền, “Tứ Kiệt” người to lớn khác thường, nước da màu đồng đen. Ai nấy đều có võ nghệ cao cường, tướng pháp lanh lẹ, râu rậm, tóc dài chấm gót. Các vị có biệt tài chạy nhanh và nhảy cao. Có lần, để thoát vòng bố ráp của giặc, một trong Bốn Ông đã cặp thêm bên nách một cháu nhỏ khoảng 10 tuổi, chạy vun vút như tên, tóc xổ ra phất phới như lá cờ.
Buổi đầu, nghĩa quân “Tứ Kiệt” chỉ có vũ khí thô sơ, phần nhiều là giáo mác, gậy gộc, nhưng họ đã biết áp dụng chiến thuật dân gian, đánh giặc theo lối của cha ông “dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều”. Trên đường giặc hay càn quét, họ đào hầm chông, gài ổ ong vò vẽ. Họ cưa gần đứt ván cầu, cắm chông dưới lòng kênh rạch, chờ giặc đi qua liền giật sập cầu. Họ còn bày kế dụ giặc vào nhà dân, chuốc rượu cho chúng no say, rồi khóa cửa, phóng hỏa đốt nhà.
Chiến công hiển hách đầu tiên của “Tứ Kiệt” chính là trận đánh thành Định Tường. Bốn Ông đích thân cải trang dọ thám tình hình. Đến đêm 01/5/1868, lúc 3 giờ khuya, nhân tối trời, bọn giặc mê ngủ, Bốn Ông cho nghĩa binh trèo tường vào thành, giết chết tên trưởng kho, rồi phóng hỏa, thiêu rụi kho lương giặc.
Chiến công thứ hai diễn ra ngày 25/12/1870. Nhân lễ Noel, phần lớn lính Pháp ở đồn Cai Lậy kéo về Mỹ Tho ăn lễ, chỉ để lại 25 lính mã tà. Bọn này chủ quan, không canh giữ đồn bót mà bày nhậu nhẹt. Chớp thời cơ, nghĩa quân “Tứ Kiệt” bất ngờ công đồn, chiếm chợ. Tên Việt gian Bếp Hữu bị trị tội, trại lính bị hỏa thiêu. Nghĩa binh tịch thu nhiều vũ khí, đạn dược rồi rút về căn cứ an toàn.
Bị tấn công và tổn thất nặng nề, thực dân Pháp quyết triệt hạ bằng được căn cứ của nghĩa quân. Chúng ruồng bố khắp nơi nhưng không bắt được bốn vị. Cuối cùng, tên Việt gian Trần Bá Lộc dùng quỷ kế. Chúng bắt và tra khảo người thân trong gia đình Bốn Ông và hàng trăm thường dân khác. Tuy không ai khai báo hoặc cung cấp điều gì nhưng không nỡ để bà con mình cứ bị tra khảo đau đớn đến thúi cả da thịt, Bốn Ông quyết định cứu người thân bằng cách tự nạp mình. Hôm ấy là ngày 01/4/1871.
Ròng rã một tháng trời, tên Việt gian đem bả vinh hoa phú quý ra dụ dỗ Bốn Ông. Cuối cùng, biết không lay chuyển được ý chí những người anh hùng, giặc Pháp phải đem Bốn Ông ra chợ Cai Lậy xử chém và bêu đầu. Đó là ngày 14/2/1871, nhằm ngày 25 tháng 12 năm Canh Ngọ.
Tương truyền, khi bị bêu đầu, cặp mắt Bốn Ông còn mở trừng trừng. Người dân đưa thuốc, vái mời Bốn Ông hút thì lập tức điếu thuốc cháy bùng lên. Có một khách buôn người Tàu ngó thủ cấp Bốn Ông mà châm chọc, về nhà liền bị hộc máu, ngã lăn ra chết.
Sau khi cho bêu đầu, bọn giặc đã vùi thủ cấp Bốn Ông xuống mé rạch. Linh hồn bốn ông tiếp tục hiển linh, gây nên những cuộc hỏa hoạn kinh hoàng trong vùng. Chỉ đến khi dân làng tìm được thủ cấp Bốn Ông, lập mộ và thường xuyên cúng tế, nạn hỏa hoạn mới được chấm dứt.
Về sau, dân chúng còn ngấm ngầm lập miếu thờ Bốn Ông tại ấp Mỹ Cần, xã Mỹ Trang. Nhưng để che mắt thực dân, bà con tôn trí tượng Quan Công ở phía trước (nhân vật tiêu biểu trung nghĩa), còn ở phía sau thì làm một cái khánh thờ “Tứ vị thần hồn” và giải thích là “Chùa Ông” (Quan Công) hoặc “Miếu cô hồn”. Nhưng sâu kín tận đáy lòng, không ai không biết đó là miếu thờ “Tứ Kiệt”.
Sau trận bão năm Thìn (1904), toàn bộ nhà cửa, dinh thự trong vùng “Miếu cô hồn” bị sập. Chính quyền thời Pháp xây cất bệnh viện ở đây. Bà con không chịu để Bốn Ông gần nơi ô uế nên đã dời dựng miếu về cạnh mộ, tại Hòa Sơn (trước là xã Thạnh Hòa, nay là thị trấn Cai Lậy).
Từ đó đến nay, hàng năm, cứ đến ngày 25 tháng Chạp, người dân Cai Lậy luôn thành kính tưởng niệm ngày “Tứ Kiệt” hy sinh.
2. Truyền thuyết dân gian về Tứ Kiệt – một phần diện mạo của truyền thuyết dân gian Nam Bộ
Nhìn từ phương diện nghệ thuật, truyền thuyết dân gian về “Tứ Kiệt” đã phản ánh những nét độc đáo của thể loại truyền thuyết nói chung và truyền thuyết dân gian Nam Bộ nói riêng. Từ cái lõi lịch sử đầy bi tráng, nhân dân đã thêu dệt thêm nhiều yếu tố hoang đường. Từ những sự kiện, tình tiết rời rạc, nhân dân xâu chuỗi chúng thành tác phẩm tự sự dân gian, thông qua những motif (*) Ở đây, chúng tôi xem motif là yếu tố đặc trưng của truyện cổ dân gian. Nó là đơn vị tế bào hạt nhân để xây dựng nên cốt truyện, là một thành tố tạo nên mẩu truyện. Những thành tố này hết sức cơ động, bởi có thể tách rời, lắp ghép được. Chúng có đặc điểm hay lặp đi lặp lại, nhất là luôn mang ít nhiều nét khác lạ, đặc biệt nào đó. Mỗi motif như thế thường có một cơ sở văn hóa - xã hội nhất định, chứa đựng những tư tưởng thẩm mỹ nhất định. Đào sâu ý nghĩa các motif này, chúng ta phát hiện phần nào vẻ đẹp riêng mỗi thể loại, màu sắc địa phương, tính cách dân tộc (VPC).
đặc sắc, mang diện mạo của truyền thuyết dân gian Nam Bộ.
Dưới đây là một vài motif đặc sắc đã góp phần hình thành truyền thuyết dân gian về “Tứ Kiệt”
2.1. Motif Ngoại hình khác lạ :
Truyền thuyết dân gian ở Nam Bộ hoàn toàn không có loại nhân vật xuất hiện thần kỳ. Không có kiểu lớn nhanh như thổi, biến hình đội lốt,… như thường gặp trong thần thoại hoặc cổ tích. Nguồn gốc của họ rất bình thường và rõ ràng: gia đình nông dân, con nhà chài lưới, cảnh ngộ thanh bần,… Tuy nhiên, họ thường có ngoại hình khác lạ. Nhân vật phần nhiều có ngoại hình nổi trội, to cao, vạm vỡ, khác hẳn cộng đồng. Theo truyền thuyết, cả Bốn Ông đều “to lớn khác thường, nước da màu đồng đen, tướng pháp lanh lẹ, râu rậm, tóc dài chấm gót, tóc xổ ra phất phới như lá cờ”.
Có lẽ khi kể về những anh hùng chống Pháp, người dân Nam Bộ đã hình dung họ qua vóc dáng những lực điền khẩn đất phương Nam. Bởi, phải có thể hình như thế, họ mới đủ sức vật hổ, thuần trâu, đối đầu với kẻ thù cao to, mắt xanh mũi lõ.
2.2. Motif Hành động phi thường
Nhân vật anh hùng trong truyền thuyết dân gian Nam Bộ không chỉ có ngoại hình khác lạ mà còn có những hành động phi thường.
Những hành động phi thường của nhân vật xem như hệ quả tất yếu của việc ăn khỏe. Với sức mạnh vượt trội, họ nảy sinh hành động phi thường. Hành động của Bốn Ông ở Cai Lậy tỏ rõ điều đó: “Có lần, gặp bất trắc, để thoát thân, một trong bốn ông đã cặp thêm bên nách một cháu nhỏ khoảng 10 tuổi, chạy vun vút như tên, tóc xổ ra phất phới như lá cờ”.
2.3. Motif Lừa giặc, lập cơ mưu
Chuyện lập mưu đánh giặc vốn là sở trường của người Việt từ xưa. Những tên tuổi như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Dã Tượng, Lê Lợi, Quang Trung,… tất cả đều gắn với những trận đại thắng bằng cơ mưu.
Các anh hùng chống Pháp ở Nam Bộ cũng tiếp nối truyền thống cha ông. Có điều, họ đã biết dựa vào chính doi, vàm, rạch, trũng… của đất phương Nam để bày thế trận, đương cự và chống trả kẻ thù xâm lược.
Trong truyền thuyết, chiến công của nghĩa quân “Tứ Kiệt” luôn gắn liền với việc lừa giặc, lập cơ mưu.
2.4. Motif Thắng trận
Trong truyền thuyết lịch sử, thử thách lớn nhất của nhân vật là quá trình chống lại lực lượng phi nghĩa (thù trong, giặc ngoài). Dẫu biết vùng lên rồi chiến bại, những người thất thế vẫn cứng cỏi, hiên ngang. Sức mạnh tập thể và tài trí cá nhân giúp họ đôi phen thắng trận lẫy lừng. Dội vào truyền thuyết dân gian Nam Bộ, chiến công chống ngoại xâm kết tụ thành motif thắng trận. Truyền thuyết về “Tứ Kiệt” đã tường thuật sinh động, cụ thể chiến công đánh thành Định Tường và đồn Cai Lậy của các anh hùng.
2.5. Motif Tự nguyện ra hàng
Motif này có lẽ chỉ hiện diện trong truyền thuyết dân gian Nam Bộ. Nó phản ánh sự thâm độc của kẻ thù và đức hy sinh cao cả của những anh hùng kháng Pháp. Vì sao truyền thuyết bấy giờ có nhiều nhân vật ra hàng đến vậy? Nào phải họ tham sanh úy tử, nào phải họ thèm bả vinh hoa. Họ ra hàng chỉ vì muốn đổi mạng, cứu người thân. Kẻ thù nham hiểm, biết rõ điểm yếu của người anh hùng: luôn hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương vợ con, chiến hữu. Không bắt được họ, chúng hèn hạ giam giữ, tra tấn người thân của họ. Tình cảnh bi thảm ấy khiến Nguyễn Trung Trực, Quản Hớn, rồi đến lượt “Tứ Kiệt” … lần lượt ra hàng. Họ thà chọn cái chết để cứu người thân. Hình ảnh các anh hùng lần lượt sa vào tay giặc đã tạo ra một góc trời ảm đạm trong truyền thuyết thời này.
2.6. Motif Bị hành quyết
Trải bốn nghìn năm chống kẻ thù xâm lược, có lẽ chưa bao giờ đất nước ta bị tổn thất nhân tài nhiều như thời chống Pháp. Hàng loạt người con ưu tú của Nam Bộ dựng cờ khởi nghĩa. Triều đình đớn hèn trở mặt, quay lưng. Giặc Pháp bạo tàn, ngang ngược. Bọn tay sai mặc sức “cõng rắn cắn gà nhà”. Bè lũ cướp nước và bán nước ra sức câu kết nhau, ruồng bố, thảm sát các phong trào khởi nghĩa. Bởi vậy, biết bao phong trào kháng chiến bị kẻ thù tắm trong bể máu, biết bao dũng tướng chịu án tử hình. Tình cảnh ấy là cơ sở xã hội hình thành nên motif anh hùng bị hành quyết.
Truyền thuyết về “Tứ Kiệt” cũng xuất hiện motif này, qua cảnh tượng Bốn Ông bị kẻ thù xử chém và bêu đầu ngày 25 tháng Chạp.
2.7. Motif Sự lạ khi đầu rơi
Không thể đào chôn sự thật, nhưng truyền thuyết dân gian có thể phủ lớp sương mờ huyền ảo cho sự thật. Không thể giúp nhân vật thoát khỏi pháp trường nhưng truyền thuyết có thể nâng họ vượt lên ngưỡng đời thường, trở thành thiêng liêng, bất tử. Nhân dân đã xem phút đầu rơi là sự hóa thân kỳ diệu của các anh hùng, thể hiện qua motif Sự lạ khi đầu rơi.
Trong truyền thuyết về “Tứ Kiệt”, những tình tiết về cái chết của Bốn Ông tuy hoang đường nhưng đó chính là biểu hiện cụ thể của niềm tin và lòng ngưỡng mộ mà nhân dân dành cho những bậc “sanh vi tướng, tử vi thần”.
2.8. Motif Được thờ trong miếu, đình, chùa
Kẻ thù tàn bạo và nham hiểm. Chúng căm ghét, sợ hãi cả thi hài của các anh hùng. Hành quyết xong, chúng không cho một ai đến gần thi hài. Chúng giấu thủ cấp người anh hùng. Chúng đem vùi thây họ. Chúng còn cấm nhân dân không được nhắc nhở, thờ phượng người đã khuất. Nhưng mọi người, ai cũng muốn gìn giữ mãi ánh hào quang thiêng liêng tỏa ra từ cuộc đời các anh hùng. Lòng ngưỡng mộ khiến nhân dân gắn liền người anh hùng với Thần - Phật. Mọi người bí mật đưa linh vị họ vào miếu, đình, chùa, mặc nhiên xem các anh hùng như thượng đẳng phúc thần, mãi mãi phù trợ cho cuộc sống người dân.
Truyền thuyết về “Tứ Kiệt” cũng xuất hiện motif độc đáo này: “Tứ Kiệt” được thờ chung với Quan Công trong Chùa Ông, trong Miếu cô hồn.
3. Truyền thuyết dân gian về Tứ Kiệt – viên đá quý trong xâu chuỗi truyền thuyết về những cuộc khởi nghĩa buổi đầu chống Pháp ở Nam Bộ
Bởi luôn hình thành từ cái lõi lịch sử, tác phẩm truyền thuyết không bao giờ tồn tại đơn lẻ hoặc xuất hiện rời rạc. Sự kết dính tự nhiên này khiến truyền thuyết dân gian luôn nằm trong hệ thống. Truyền thuyết dân gian về Tứ Kiệt cũng không ngoại lệ.
Về phương diện nội dung, những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX đã tạo thành một hệ thống truyền thuyết lịch sử thật hấp dẫn. Trong đó, truyền thuyết về Tứ Kiệt thuộc mảng truyện về tướng lĩnh của Thiên Hộ Dương. Mảng truyện này nằm trong nhóm truyện về cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương. Chính hình tượng sống động của những anh hùng nông dân trên đất Tiền Giang đã tiếp thêm âm vang cho khúc tráng ca của những người thất thế.
Về phương diện nghệ thuật, truyền thuyết về Tứ Kiệt là một trong những tự sự dân gian thể hiện khá đầy đủ, đậm nét những đặc điểm, diện mạo của truyền thuyết dân gian Nam Bộ.
Truyền thuyết dân gian về Tứ Kiệt xứng đáng là một trong những viên đá quý làm nên xâu chuỗi truyền thuyết về những cuộc khởi nghĩa buổi đầu chống Pháp ở đất phương Nam.
Mỹ Tho, tháng 12 năm 2005
VPC
File đính kèm:
- Truyen thuyet dan gian ve Tu Kiet.doc