* Câu 1.
Nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.
* Câu 2.
Hãy phân tích sự cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu qua đoạn thơ sau:
“ Xuân đang tới, nghĩa là xuân đương qua.
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt ”
(“Vội vàng”)
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Bài làm (Câu 1)
Nhân vật trung tâm là Huấn Cao. Huấn Cao là một "tên giặc", một nhân vật bi tráng, cao đẹp, mang màu sắc lãng mạn đầy ấn tượng.
Lúc đầu Huấn Cao được giới thiệu gián tiếp qua một tiếng đồn: "cái người mà vùng tỉnh ta vẫn khen.", "nhiều người nhắc nhỏm đến cái danh đó luôn.", "một tên tù có tiếng là."và "thầy có nghe người ta đồn.". Đó là một con người không phải tầm thường!
Ngục quan và viên thơ lại mới "văn kì thanh" mà đã tâm phục Huấn Cao. Họ trầm trồ:"người đứng đầu.", "người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp.", một tử tù lừng lẫy tiếng tăm "văn võ đều có tài cả.".
Lấy xa để nói gần, lấy bóng làm lộ hình, sử dụng lối tả gián tiếp. Đó là bút pháp Nguyễn Tuân vận dụng sáng tạo để giới thiệu nhân vật Huấn Cao, tạo ra sự cuốn hút nghệ thuật kì diệu.
5 trang |
Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 2123 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chuyên đề ôn thi văn 12 - Phần 2, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chuyên đề ôn thi Văn 12 (p2)
Đề tham khảo ôn thi 2
ĐỀ SỐ 3
* Câu 1.
Nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.
* Câu 2.
Hãy phân tích sự cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu qua đoạn thơ sau:
“… Xuân đang tới, nghĩa là xuân đương qua.
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…”
(“Vội vàng”)
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Bài làm (Câu 1)
Nhân vật trung tâm là Huấn Cao. Huấn Cao là một "tên giặc", một nhân vật bi tráng, cao đẹp, mang màu sắc lãng mạn đầy ấn tượng.
Lúc đầu Huấn Cao được giới thiệu gián tiếp qua một tiếng đồn: "cái người mà vùng tỉnh ta vẫn khen...", "nhiều người nhắc nhỏm đến cái danh đó luôn...", "một tên tù có tiếng là..."và "thầy có nghe người ta đồn...". Đó là một con người không phải tầm thường!
Ngục quan và viên thơ lại mới "văn kì thanh" mà đã tâm phục Huấn Cao. Họ trầm trồ:"người đứng đầu...", "người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp...", một tử tù lừng lẫy tiếng tăm "văn võ đều có tài cả...".
Lấy xa để nói gần, lấy bóng làm lộ hình, sử dụng lối tả gián tiếp... Đó là bút pháp Nguyễn Tuân vận dụng sáng tạo để giới thiệu nhân vật Huấn Cao, tạo ra sự cuốn hút nghệ thuật kì diệu.
Là một nhà nho kiệt hiệt dám chọc trời quấy nước. Chí lớn không thành mà vẫn hiên ngang. Chết chém cũng chẳng sợ. Một tinh thần gang thép "vô úy" bất khuất. Một cái "dỗ gông"trước cửa ngục. Một câu miệt thị ngục quan: "Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây". Không phải ai cũng có cái gan dám thách thức cường quyền bạo lực thế đâu!
Huấn Cao coi khinh vàng ngọc. Không vì vàng ngọc, vì quyền uy mà ông "ép mình viết bao giờ!". Chữ thì quý thật! Nhất sinh ông mới viết hai bộ tứ bình và một bức trung đường tặng ba người bạn thân. Không chỉ đẹp ở nét chữ, mà mỗi chữ, mỗi bức thư họa của Huấn Cao là một bức châm, thể hiện một lí tưởng tung hoành, một hoài bão, một đạo lí cao đẹp. Chữ của Huấn Cao cho thấy cái tài, cái tâm, cái tầm nhìn của kẻ sĩ chân chính mà ta ngưỡng mộ và kính phục.
Với Huấn Cao thì thiên lương là ngọn lửa, là "ánh sáng đỏ rực" như ngọn đuốc kia. Nếu ngục quan tâm phục con người nghĩa khí, tài hoa thì Huấn Cao lại nể trọng con người biệt nhỡn liên tài. Suốt đời ông chỉ "cúi đầu vái lạy hoa mai" thế mà khi nghe tên thơ lại nói lên tâm sự của chủ mình muốn "xin chữ", Huấn Cao đã ân hận nói: "Thiếu chút nữa ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ".
Cảnh "cho chữ" được miêu tả bằng bút pháp lãng mạn gợi lên một không khí thiêng liêng bi tráng. Phòng giam ẩm ướt bẩn thỉu, hôi hám. Lửa đuốc sáng rực. Tấm lụa trắng. Chậu mực thơm lắm. Ba cái đầu cúi xuống tấm lụa trắng. Huấn Cao hiện ra với vẻ uy nghi, hào hùng. Cổ đeo gông, chân vướng xiềng, Huấn Cao vung bút viết. "Những nét chữ vuông vắn rõ ràng" hiện lên rực rỡ trên phiến lụa óng. Tư thế đĩnh đạc ung dung. Mai kia ông đã bước lên đoạn đầu đài, nhưng đêm nay ông vẫn ung dung. Một cử chỉ "đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy". Một lời khuyên: "Ta khuyên thầy quản nên thay đổi chỗ ở đi... thầy quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi". Với Huấn Cao thì thiên lương là cái gốc của đạo lí, có giữ được thiên lương thì mới biết quý trọng tài năng và cái đẹp ở đời.
Ở con người Huấn Cao, từ cử chỉ, hành động đến ngôn ngữ, từ nét chữ đến phong thái - đều toát ra một vẻ đẹp vừa phi thường, vừa bình dị, vừa anh hùng, vừa nghệ sĩ, bên cạnh cái hùng có cái bi, tính vốn khoảnh mà lại trân trọng kẻ biệt nhỡn liên tài, coi thường vàng bạc quyền uy mà lại đề cao tình bằng hữu, đến chết vẫn nghĩa khí và giữ trọn thiên lương. Nguyễn Tuân đã dàn cảnh, tả người và kể chuyện, sử dụng những ẩn dụ so sánh, những tình tiết đan chéo, ràng buộc vào nhau, tạo nên một không gian nghệ thuật cổ kính, bi tráng nâng nhân vật Huấn Cao lên một tầm vóc lịch sử. Văn học lãng mạn thời tiền chiến chỉ có một Huấn Cao đẹp hào hùng như vậy.
Đọc "Chữ người tử tù" ta càng thấm thía điều mà Vũ Ngọc Phan đã nói: "... văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức". Nghệ thuật kể chuyện, cấu trúc tình tiết, lời thoại và độc thoại, khắc họa tính cách nhân vật,... hầu như không có một chi tiết nào thừa. Ba nhân vật cùng đồng thời xuất hiện. Cảnh cho chữ là cao trào, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Tất cả đều hướng về cái tài, cái đẹp, cái thiên lương. Nguyễn Tuân đã sử dụng một loạt từ Hán Việt rất đắt (pháp trường, tử tù, tử hình, nhất sinh, bộ tứ bình, bức trung đường, lạc khoản, thiên hạ, thiên lương, lương thiện, v.v...) tạo nên màu sắc lịch sử, cổ kính, bi tráng. Đúng Nguyễn Tuân là bậc thầy về ngôn ngữ, rất lịch lãm uyên bác về lịch sử, về xã hội.
Hai câu văn: "Thiếu chút nữa ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ", và:"Kẻ mê muội này xin bái lĩnh" - đẹp như một bức châm trong các thư họa nghìn xưa lưu lại, cũng là bài học làm người sáng giá!
Bài làm (Câu 2)
Thầy giáo Nguyễn Đức Quyền trong cuốn sách “100 bài Phân tích - Bình giảng - Bình luận văn học” cho biết cách đây mấy chục năm, ông có đến thăm Xuân Diệu và hỏi: “Nếu sau này, thơ lãng mạn của anh được đưa vào sách giáo khoa thì anh ưa chọn bài nào?”. Thi sĩ Xuân Diệu trả lời ngay: “Bài Vội vàng”. Đã hai mươi năm nay, bài thơ “Vội vàng” đã vinh dự hiện diện trên cuốn sách Văn 11, nhiều câu thơ đã trở thành câu thơ trong trí nhớ của hàng ngàn, hàng vạn chàng trai, cô gái thời áo trắng gần xa:
- “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”…
- “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”.
“Vội vàng” là một trong những bài thơ đặc sắc nhất trong tập “Thơ thơ” (1938). Vượt qua dòng chảy thời gian hơn 60 năm rồi, mà những ý tưởng mới mẻ về thời gian, về tuổi xuân, về tình yêu đời, yêu cuộc sống… cùng với một giọng thơ nồng nhiệt, đắm say vẫn lôi cuốn chúng ta một cách kì lạ. Đây là đoạn thơ trích trong phần 2 bài “Vội vàng” nói lên sự cảm nhận về thời gian của thi sĩ Xuân Diệu:
“… Xuân đang tới, nghĩa là xuân đương qua
…………………………………………………
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…”.
1. Hai câu thơ đầu đoạn, với cách ngắt nhịp 3/5, đọc lên ta cảm thấy cái nhún nhảy của mùa xuân, của thời gian:
“Xuân đang tới / nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non / nghĩa là xuân sẽ già”.
Các từ ngữ: “đang tới” với “đương qua”, “còn non” với “sẽ già” tương ứng, đối lập nhau, diễn tả mùa xuân và thời gian vận động không ngừng. Bước đi của mùa xuân, dòng chảy của thời gian là mải miết, vô tận. Trong hiện tại “đang tới” đã có màu li biệt “đương qua”. Chữ “đang” chuyển thành chữ “đương” một cách nói điệu đà, rất thơ. Trong dáng vẻ “còn non” hôm nay đã báo hiệu một tương lai “sẽ già”. Cách cảm nhận của thi sĩ về thời gian và mùa xuân là tinh tế và biểu cảm. Đó là một ý tưởng rất tiến bộ. Cũng chữ “non” và chữ “già” ấy, ông có những cách cảm nhận rất độc đáo bằng một tâm hồn lãng mạn với cặp mắt xanh non:
“Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt…
(…) Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ!
Em, em ơi! Tình non sắp già rồi…”
(“Giục giã”)
Và ông cũng nhìn thấy sự vật phát triển và đổi thay không ngừng. Mùa xuân, thời gian và sự sống thật vô cùng kì diệu:
“Mấy hôm trước còn hoa
Mới thơm đây ngào ngạt
Thoáng như một nghi ngờ
Trái đã liền có thật”.
(“Quả sấu non trên cao”)
2. Bảy câu thơ tiếp theo nói lên nghịch lí giữa tuổi trẻ, đời người với thời gian và vũ trụ. Và đó cũng là bi kịch của con người, đời người. Khi “xuân hết”, tuổi trẻ đi qua “nghĩa là tôi cũng mất”. Mất ý vị cuộc đời. Tuổi trẻ đáng yêu biết bao! Mỗi người chỉ có một thời son trẻ. Cũng như thời gian trôi qua, tuổi trẻ một đi không trở lại:
“Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất”.
“Lượng trời cứ chật” mà “lòng tôi rộng”, muốn trường sinh bất tử, muốn trẻ mãi không già. Quy luật của sự sống thật vô cùng nghiệt ngã: “Không cho dài thời trẻ của nhân gian”. “Hảo hoa vô bách nhật - Nhân thọ vô bách tuế” (Nguyễn Du). “Mỗi năm một tuổi như đuổi xuân đi…” (tục ngữ). Một lần nữa thi sĩ lại đặt ngôn ngữ trong thế tương phản giữa “rộng” với “chật”, để nói lên cái nghịch lý của đời người. Cũng là một cách cảm nhận thời gian rất thơ:
“Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian”.
Xuân của bốn mùa thì tuần hoàn (xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận) nhưng đời người chỉ có một thời thanh xuân. Tuổi trẻ “chẳng hai lần thắm lại”. Vũ trụ đất trời thì vĩnh hằng, vô hạn, trái lại đời người thì hữu hạn. Kiếp nhân sinh nhiều bi kịch. Ai cũng muốn trẻ mãi không già, ai cũng muốn được sống mãi với tuổi xanh, tuổi hoa niên. Tiếng thơ cất lên như một lời than tiếc nuối:
“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”.
“Tiếc cả đất trời” vì không được trẻ mãi để tận hưởng mọi cái đẹp của thiên nhiên và cuộc đời. Đó là lòng yêu đời và ham sống, khao khát được sống hết mình với tuổi trẻ:
“Mười chín tuổi, hỡi những nàng má ngọc,
Ríu rít chim, là tuổi ước mơ hoa!
Hỡi chàng trai kiều diễm mãi vui ca,
Mười chín tuổi! chẳng hai lần hoa nở!”.
(“Đẹp” - Xuân Diệu)
“Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” cũng như “Mười chín tuổi! chẳng hai lần hoa nở!”, đó là bi kịch của người đời, xưa và nay. Có ham sống và yêu đời mới cảm nhận sâu sắc bi kịch ấy. Vì thế không được vung phí thời gian và tuổi trẻ.
3. Hai câu thơ cuối dào dạt cảm xúc. Nhà thơ xúc động lắng nghe bước đi của thời gian, tiếng “than thầm tiễn biệt” của sông núi, của cảnh vật. Xuân Diệu rất nhạy cảm với thời gian trôi đi qua “mùi”, “vị” của năm tháng “chia phôi” trong dòng chảy vô tận. Một cách cảm nhận thời gian rất thơ, rất tinh tế:
“Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt”.
Đoạn thơ trên đây cho thấy vẻ đẹp trong thơ Xuân Diệu: sự trau chuốt về ngôn từ, sự tinh tế trong cảm xúc và biểu hiện. Một quan niệm nhân sinh rất tiến bộ về thời gian, về mùa xuân và tuổi trẻ. Cái tôi cá nhân trữ tình được khẳng định. Ham sống và yêu đời; sống hết mình, sống trong tình yêu - đó là những ý tưởng rất đẹp, vẻ đẹp của một hồn thơ lãng mạn - “Vội vàng” không nghĩa là sống gấp, như ai đó đã nói.
tran.hoangha
File đính kèm:
- CHUYEN DE ON THI VAN 12- PHAN 2.doc