Tạo được một văn bản hoàn chỉnh, hấp dẫn là mục đích phấn đấu của những người dạy văn và học văn. Mục đích này đặc biệt có ý nghĩa với lứa tuổi học sinh bậc THCS. Qua văn bản người đọc có thể thấy được khả năng, trình độ học vấn của người viết. Và cũng qua văn bản người viết có điều kiện thể hiện những kỹ năng, những kiến thức trong quá trình học văn như kiến thức về tiếng việt, về tác phẩm văn học, về cách tạo lập văn bản . Một văn bản được đánh giá là hoàn chỉnh khi nó truyền tải trọn vẹn một vấn đề và được coi là một văn bản hay khi nó có sức hấp dẫn người đọc. Để có được sức hấp dẫn này thì phần mở bài có một vai trò rất quan trọng. Phần mở bài được ví như lời chào đầu tiên trong một buổi gặp gỡ.
16 trang |
Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 1083 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Rèn luyện cho học sinh viết đúng, viết nhanh và tiến tới viết hay phần mở bài, tránh được một số lỗi thường gặp trong quá trình viết đoạn mở bài, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A- Đặt vấn đề
I- Lý do chọn đề tài:
1- Cơ sở lý luận:
Tạo được một văn bản hoàn chỉnh, hấp dẫn là mục đích phấn đấu của những người dạy văn và học văn. Mục đích này đặc biệt có ý nghĩa với lứa tuổi học sinh bậc THCS. Qua văn bản người đọc có thể thấy được khả năng, trình độ học vấn của người viết. Và cũng qua văn bản người viết có điều kiện thể hiện những kỹ năng, những kiến thức trong quá trình học văn như kiến thức về tiếng việt, về tác phẩm văn học, về cách tạo lập văn bản ... Một văn bản được đánh giá là hoàn chỉnh khi nó truyền tải trọn vẹn một vấn đề và được coi là một văn bản hay khi nó có sức hấp dẫn người đọc. Để có được sức hấp dẫn này thì phần mở bài có một vai trò rất quan trọng. Phần mở bài được ví như lời chào đầu tiên trong một buổi gặp gỡ. Một phần mở bài hấp dẫn sẽ chiếm được tình cảm của người đọc, sẽ tạo được bầu không khí tâm lý thuận lợi cho việc tiếp xúc các phần sau.
2- Cơ sở thực tiễn:
- Qua quá trình giảng dạy và theo dõi việc làm bài văn nghị luận của học sinh lớp 8, 9 từ những năm chưa thay sách giáo khoa, một vấn đề dễ nhận thấy ở đối tượng học sinh trung bình - yếu là các em rất chật vật, mất nhiều thời gian vào việc viết phần mở bài. Qua quá tình chấm bài cũng nhận thấy phần mở bài của đối tượng học sinh này chưa đạt yêu cầu: Hoặc còn thiếu ý, hoặc chưa nêu được vấn đề; dẫn dắt vấn đề một cách vòng vo, rườm rà, vu vơ không liên quan đến vấn đề cần giải quyết mà đề bài yêu cầu. Mặc dù đến năm học 2003- 2004 chương trình sách giáo khoa mới đã đưa kiểu bài nghị luận xuống học từ lớp 7, điều này có nghĩa là học sinh đã được làm quen với kiểu bài này sớm hơn 1 năm so với chương trình sách giáo khoa cũng như đến năm lớp 9 các em mới bắt đầu làm quen với phần nghị luận văn học. Chính vì vậy khi học phần văn bản này chúng tôi đã phát phiếu thăm dò tình hình học sinh đối tượng trung bình - yếu về vấn đề: Khi viết bài nghị luận văn học (nghị luận tác phẩm truyện, tác phẩm thơ) em thấy khó nhất phần nào? Kết quả thu được như sau:
Phần
Lớp
Mở bài
Thân bài
Kết bài
9B
60%
30%
10%
9E
65%
30%
5%
- Qua việc nghiên cứu chương trình sách giáo khoa mới (đặc biệt là phần làm văn) chúng tôi nhận thấy một số vấn đề như sau: Chương trình sách giáo khoa mới được biên soạn theo hướng đồng tâm vòng tròn 2 lượt (lớp 6,7 là vòng 1; lớp 8,9 là vòng 2). Chính bởi vậy mà phần văn nghị luận học sinh đã được tiếp xúc và làm quen ở lớp 7, được nâng cao một bước ở lớp 8. Nhưng ở các lớp này học sinh mới tiếp xúc với các vấn đề văn nghị luận về vấn đề xã hội (nghị luận xã hội ) và phải đến kỳ II lớp 9 học sinh mới bắt đầu học và làm các bài nghị luận văn học (nghị luận tác phẩm truyện hoặc đoạn trích và nghị luận về một bài thơ, một đoạn thơ). Thực ra nghị luận xã hội hay nghị luận văn học thì đều là văn nghị luận nhưng ở bài văn nghị luận văn học đòi hỏi ở người viết khả năng cảm thụ tác phẩm văn học cao hơn. Người viết văn bản nghị luận văn học cần phải có sự rung cảm trước tác phẩm văn học và có kỹ năng sử dụng ngôn từ chọn lọc. Điều này khiến chúng ta hiểu rằng vì sao mặc dù đã được làm quen với kiểu văn bản nghị luận từ lớp 7, 8 nhưng đến nắm lớp 9 học sinh vẫn cảm thấy đây là một kiểu bài làm văn khó và thật khó với đối tượng học sinh trung bình - yếu. Bên cạnh đó chúng tôi cũng nhận thấy rằng trong chương trình sách giáo khoa mới không có tiết cho học sinh nhận diện đoạn văn và dựng đoạn theo chức năng. Vì vậy thời gian để học sinh rèn luyện đoạn văn và đoạn văn mở bài còn quá ít so với vai trò của đoạn và so với khả năng của học sinh.
- Xuất phát từ hoạt động dạy và học, từ tinh thần đổi mới phương pháp dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phát huy tính tích cực chủ động của học sinh dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo chúng tôi nhận thấy rằng: Nừu việc giáo dục của nhà trường, việc giảng dạy của thầy cô giáo đã tạo cho học sinh có một lượng kiến thức rất có giá trị (một ngoại lực) thì việc phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh lại khơi dậy trong các em một nội lực có giá trị không kém. Nếu phát huy khai thác được sự chủ động sáng tạo của học sinh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nội lực cộng hưởng với ngoại lực thì từ đó chất lượng dạy và học sẽ được nâng cao. Để phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh thì một vài bài tập trong sách giáo khoa rõ ràng là chưa đủ.
- Từ nhận thức ấy trong quá trình dạy kiểu bài nghị luận văn học ở lớp 9 chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu làm như thế nào để giúp các em thoát khỏi tình trạng lúng túng khi bắt đầu viết một bài nghị luận văn học. Nếu giải quyết được tình trạng này thì các em sẽ vững vàng chủ động hơn khi bước vào những kỳ thi quan trọng và cả khi học văn ở những năm tiếp theo của chương trình THPT. Qua quá trình giảng dạy chúng tôi đã nghiên cứu và áp dụng một số dạng bài tập rèn luyện kỹ năng viết đoạn mở bài trong bài nghị luận văn học cho học sinh lớp 9 (đối tượng trung bình - yếu).
II- Phạm vi, đối tượng và mục đích của đề tài:
- Với học sinh nói chung văn bản nghị luận là kiểu văn bản khó. Còn với đối tượng học sinh diện trung bình - yếu thì kiểu văn bản này càng khó khăn hơn. Chính vì vậy mà ở đề tài này chúng tôi chỉ dừng ở phạm vi: Rèn luyện kỹ năng viết đoạn theo chức năng mở bài trong bài nghị luận văn học cho đối tượng học sinh TB - yếu lớp 9.
- Mục đích của đề tài: Rèn luyện cho học sinh viết đúng, viết nhanh và tiến tới viết hay phần mở bài, tránh được một số lỗi thường gặp trong quá trình viết đoạn mở bài;.
III- Phương pháp nghiên cứu:
- Khảo sát (chương trình sách giáo khoa lớp 7, 8 đặc biệt là lớp 9).
- Tham khảo tài liệu, tổng hợp, so sánh, hệ thống hoá một số vấn đề lý luận có liên quan.
B- Giải quyết vấn đề
I- Cung cấp lý thuyết về đoạn mở bài cho học sinh.
1- Khái niệm đoạn văn và đoạn văn mở bài:
a- Đoạn văn:
+ Hình thức: Đoạn văn là một phần của văn bản được tính từ chỗ viết hoa lùi đầu dòng đến chỗ chấm xuống dòng. Hay nói cách khác đoạn văn là phần của văn bản nằm giữa 2 chỗ chấm xuống dòng.
+ Nội dung: Đoạn văn diễn đạt trọn vẹn một vấn đề:
b- Đoạn văn mở bài là phần đầu tiên của văn bản.
Đoạn văn mở bài có vai trò định hướng cho toàn văn bản. Phần mở bài chứa đựng vấn đề cần giải quyết một cách khái quát và thông báo cho người đọc phương thức giải quyết hoặc giới hạn của vấn đề. Phần mở bài có vai trò gây dạng tình cảm thân thiện cho người đọc, người nghe.
2- Yêu cầu của phần mở bài:
- Mở bài phải giới thiệu được nội dung cơ bản của bài viết.
- Dung lượng của phần mở bài phải tương ứng với khuôn khổ của bài viết và phải cân đối với phần kết bài.
- Phần mở bài phải đảm bảo có sự liền mạch với bài viết về cả nội dung lẫn phong cách giới thiệu, diễn đạt.
=> Nói tóm lại phần mở bài phải tạo được âm hưởng chung, định hướng chung cho cả bài viết.
3- Cấu tạo phần mở bài: Phần mở bài thường có cấu tạo 3 phần. Thông thường học sinh có thể viết từ 3 -> 5 câu văn.
- Phần dẫn dắt vấn đề có liên quan đến nội dung cần giải quyết. Tuỳ theo đề bài và tuỳ theo khả năng của người viết mà có sự lựa chọn, dẫn dắt cho phù hợp.
- Phần nêu giới hạn của vấn đề: Giới thiệu tác giả và tác phẩm văn học có liên quan đến vấn đề nghị luận.
- Phần nêu vấn đề nghị luận: Có thể đó là những nhận xét đánh giá sơ bộ của người viết về tác phẩm, về nhân vật ... Đây là phần trọng tâm của mở bài. Vấn đề nghị luận có thể đã được nêu ở đề bài nhưng cunĩg có khi người viết phải tự rút ra, tự khái quát khi tìm hiểu đề bài.
Có thể rút ra công thức viết đoạn mở bài như sau:
Câu 1
Câu 2
Câu 3
Dẫn dắt vấn đề
Nêu tác giả, tác phẩm
Nêu vấn đề nghị luận
* Tuy nhiên không phải bất cứ mở bài nào cũng bắt buộc phải đủ cả 3 phần như đã nêu. Nếu đủ thì ta sẽ có mở bài gián tiếp, còn nếu chỉ có 2 phần sau thì có mở bài học tiếp.
II- Cung cấp hệ thống bài tập để rèn luyện kỹ năng viết đoạn mở bài trong bài nghị luận văn học:
Như chúng ta đã trình bày ở trên, khi phải viết bài nghị luận văn học học sinh lớp 9 (đối tượng trung bình- yếu) cảm thấy rất lúng túng không biết làm thế nào để đưa được vấn đề nghị luận vào phần mở bài. Chương trình sách giáo khoa mới dành cho phần nghị luận văn học 10 tiết trên lớp (bao gồm cả học lý thuyết + viết bài + trả bài) mà thực tế thì chúng tôi nhận thấy rằng đây là một phần rất quan trọng và cần thiết với học sinh ở lớp cuối cấp. Chính vì vậy mà chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu và đưa ra một số nội dung bài tập nhằm giúp học sinh phát triển theo tác tư duy độc lập để có thể dễ dàng hơn khi viết một văn bản nghị luận văn học.
* Cách thực hiện:
Trên thực tế sách giáo khoa Ngữ văn mới không có tiết rèn luyện kỹ năng xây dựng đoạn văn theo chức năng. Chính vì vậy trong các tiết học lý thuyết chúng tôi đã cố gắng xen lồng từng dạng bài tập dựng đoạn mở bài. Mặt khác trong những tiết trả bài chúng tôi cũng tranh thủ đưa thêm các bài tập chữa lỗi mà học sinh hay mắc phải để các em rút kinh nghiệm: Chữa lỗi dùng từ, đặt câu... Từ đó hướng các em đến cách mở bài vừa đúng, vừa gây được ấn tượng với người đọc.
Bên cạnh đó chúng ta cũng thấy rằng số lượng tác phẩm thơ, tác phẩm truyện mà học sinh được học trong chương trình lớp 9 là kháo nhiều nên sau khi học xong một tác phẩm chúng tôi cũng cố gắng hướng dẫn học sinh rèn luyện cách giới thiệu về tác phẩm mình vừa học. Giới thiệu về tác giả, về hoàn cảnh sáng tác về nội dung ... để từ đó các em có điều kiện rèn luyện thêm kỹ năng khi viết phần mở bài cho bài văn nghị luận về tác phẩm ấy.
Chúng với các việc làm trên chúng tôi còn giao bài tập về nhà cho tổ nhóm. Sau đó sẽ thu chấm và rút kinh nghiệm với từng đối tượng học sinh. Với đối tượng học sinh trung bình - yếu chúng tôi chú trọng hơn. Không đòi hỏi nhiều về khả năng diễn đạt hay mà chú ý hơn đến cách viết đúng, mạch lạc, rõ ràng. Cố gắng chấm và phát hiện những điểm sáng tạo của các em để có sự động viên kịp thời và phù hợp.
* Các dạng bài tập:
Dạng 1: Bài tập nhận diện đoạn văn mở bài:
Để giải quyết dạng bài tập này chúng tôi chuẩn bị phiếu học tập và phát cho học sinh. Về phía học sinh cần phải nắm chắc vai trò và cấu tạo của đoạn văn mở bài. Khi nhận được phiếu học tập học tập có thể giải quyết nhanh bài tập nhận diện đoạn văn mở bài.
Bài tập: Đoạn 3 đoạn văn sau đây và xác định đoạn văn knào có chức năng mở bài? Vì sao?
Đoạn 1: "Đồng chí" là một tác phẩm tiêu biểu của Chính Hữu trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài thơ đã diễn tả sâu sắc tình đồng chí gắn bó thiêng liêng của anh bộ đội cụ Hồ.
Đoạn 2: Bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu được mở đầu bằng hai câu thơ mang giọng điệu tâm tình trò truyện. Qua những lời tâm tình ấy chúng ta có thể biết được về quê hương, về nguồn gốc xuất thân của những người lính. Họ đều ra đi từ những miền quê nghèo khó. Đó là vùng chiêm trũng "nước mặt đồng chua" hay là vùng trung du cằn cỗi "đất cày lên sỏi đá".
Đoạn 3: Nếu nói đến những nhà thơ tâm huyết luôn chọn chủ đề về tình đồng đội, đồng chí làm nguồn cảm hứng sáng tác thì không thể không nhắc đến Chính Hữu - một nhà thơ quân đội. Sáng tác của ông không nhiều nhưng lại được rất nhiều người biết đến và yêu thích. Một trong những sáng tác tiêu biểu của ông là bài thơ "Đồng chí". Bài thơ đã diễn ra sâu sắc tình đồng chí gắn bó tiêng liêng của anh bộ đội thời chống Pháp.
* Yêu cầu học sinh căn cứ vào cấu tạo của đoạn văn mở bài để thấy được đoạn 1-3 là đoạn mở bài, đoạn 2 không có vai trò mở bài vì:
- Đoạn 1 là cách mở bài trực tiếp:
Câu 1: Giới thiệu tác giả tác phẩm.
Câu 2: Nêu nhận xét đánh giá về tác phẩm. Đây chính là vấn đề sẽ được bàn luận ở phần thân bài.
- Đoạn 2 là đoạn văn phân tích 2 câu đầu của bài thơ. Đâu là đoạn văn thuộc phần thân bài.
- Đoạn 3 là cách mở bài gián tiếp.
Câu 1, 2 dẫn dắt vấn đề: Khái quát cảm hứng sáng tác của tác giả.
Câu 3: Giới thiệu tác phẩm được nghị luận.
Câu 4: Giới thiệu vấn đề sẽ bàn luận ở phần thân bài.
Dạng 2: Bài tập chữa lỗi để hoàn chỉnh đoạn mở bài.
Bài tập 1: Cho đề bài sau:
Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai trong truyện ngắn "Làng" của Kim Lân. Với đề bài trên có một bạn học sinh đã viết phần mở bài như sau: "ông Hai đã dành cho ngôi làng của mình một tình cảm thật sâu sắc. Sau cách mạng tháng Tám, tình yêu làng của ông đã hoà quện trong lòng yêu nước. Đó là sự chuyển biến mới trong tư tưởng của người nông dân".
Yêu cầu với bài tập 1: Căn cứ vào cấu tạo của đoạn mở bài em hãy nhận xét cách mở bài nêu trên?
=> Hướng dẫn để học sinh thấy được đây là đoạn mở bài chưa hoàn chỉnh. Đoạn mở bài này chưa nêu được giới hạn của vấn đề nghị luận đó là tác giả nào? Tác phẩm nào? Đọc đoạn mở bài như vậy người đọc sẽ băn khoăn không biết được nhân vật ông Hai ở đây là nhân vật trong tác phẩm nào của tác giả nào vì trong văn học có rất nhiều tác giả trùng tên và nhân vật cũng trùng tên.
Vậy cần bổ sung vào đoạn mở bài trên như sau: "Làng" của Kim Lân là một tác phẩm tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam thời chống Pháp. Nhân vật chính của truyện là ông Hai - một người nông dân hiền lành giản dị. Ông Hai đã ..... nông dân.
(Bài chữa của học sinh)
Bài tập 2: Cũng với đề bài ở bài tập 1 có bạn học sinh lại có cách viết đoạn mở bài như sau:
"Tác giả Kim Lân có tên thật là Nguyễn Văn Tài. Ông sinh năm 1920 ở huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh" - một làng quê có truyền thống văn hoá đẹp và thơ mộng. "Làng" là một sáng tác tiêu biểu của ông viết về người nông dân.
Yêu cầu với bài tập 2: Phần mở bài trên đã nêu được vấn đề nghị luận chưa? Nếu chưa thì em hãy bổ sung để hoàn chỉnh.
-> Hướng dẫn để học sinh nhận ra vấn đề nghị luận chưa được nêu trong đoạn bài trên. Đây là một phần quan trọng, nếu thiếu thì phần mở bài sẽ không đạt yêu cầu. Cần phải bổ sung như sau: "Tác giả ..... nông dân" ... Nhân vật chính của tác phẩm là ông Hai - một người nông dân hiền làng giản dị. Ông đã dành cho ngôi làng của mình một tình cảm thật sâu sắc. Sau cách mạng tình yêu làng của ông đã hoà quện trong lòng yêu nước. Đó là một nét chuyển biết mới trong tư tưởng của người nông dân.
(Bài chữa của học sinh)
Qua 2 bài tập trên học sinh phải nắm chắc được cấn tạo của phần mở bài. Bắt buộc phải giới thiệu được tác giả, tác phẩm (giới hạn phạm vi kiến thức) và vấn đề nghị luận (vấn đề cơ bản định hướng cho phần thân bài). Nếu thiếu đi một trong hai phần này thì sẽ không thể có một đoạn mở bài đạt yêu cầu.
Bài tập 3:
Cho đề bài sau: Suy nghĩ và cảm nhận của em về tỉnh cảm cha con trong bài thơ "Nói với con" của Y Phương.
Hãy đọc đoạn mở bài của một học sinh cho đề bài trên và nêu ý kiến nhận xét của bản thân em. Đoạn mở bài bạn viết như sau:
Y Phương là nhà thơ của dân tộc Tày có một hồn thơ chân thật, mạnh mẽ và trong sáng. Qua bài thơ "Nói với con" rất tiêu biểu cho hồn thơ Y Phương: Yêu quê hương bản làng, tự hào và gắn bó với dân tộc mình. Qua bài thơ này của Y Phương đã cho ta thấy tình cảm cha con da thịt gắn bó sâu sắc. Tình cảm ấy thật chân thành mộc mạc và xúc động.
-> Qua sự gợi ý dẫn dắt giáo viên giúp học sinh nhận ra một số vấn đề ở đoạn mở bài này như sau:
- Về nội dung: Đoạn mở bài đã giới thiệu được tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận. Như vậy đoạn văn đã đạt yêu cầu về nội dung.
- Về hình thức diễn đạt thì chưa đạt yêu cầu:
+ Đoạn văn đã sử dụng 3 câu liên tiếp sai ngữ pháp. Câu 1 chập cấu trúc; câu 2 và 3 đều là các câu thiếu chủ ngữ.
+ Sử dụng một số từ ngữ không phù hợp: Từ "của" ở câu 1; Từ "da thịt" ở câu 3. Chính bởi những lỗi này nên tuy đoạn văn đã đảm bảo nội dung nhưng chưa thể coi đây là một đoạn mở bài hoàn chỉnh. Cần phải sửa các lỗi đã chỉ ra bằng cách:
- Câu 1: Bỏ đi từ "là"; thay từ "của" bằng từ "người".
- Câu 2: Bỏ đi từ "Qua"; thêm vào cụm từ "là bài thơ" vào sau chủ ngữ.
- Câu 3: Bỏ đi từ "của"; thay từ "da thịt" bằng từ "ruột thịt".
Và đoạn mở bài ấy được viết lại như sau: Y Phương - nhà thơ người dân tộc Tày có một hồn thơ mạnh mẽ, chân thật và trong sáng. Bài thơ "Nói với con" là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ của ông: Yêu quê hương làng bản, tự hào và gắn bó với dân tộc mình. Qua bài thơ này tác giả đã cho thấy tình cảm cha con ruột thịt gắn bó sâu sắc. Tình cảm ấy thật chân thành, mộc mạc và xúc động.
(Bài chữa của học sinh)
Những lỗi ở bài tập 3 là những lỗi rất hay gặp nhất là ở đối tượng học sinh trung bình - yếu. Phần mở bài được coi như là lời chào đầu tiên trong buổi gặp gỡ vậy mà ngay từ đầu đã mắc lỗi ngữ pháp dẫn đến cách diễn đạt không rành mạch, rõ ràng. Những phần mở bài như vậy không những không gây được ấn tượng cho người đọc mà còn có tác động ngược trở lại. Đây quả là một lỗi nguy hiểm mà học sinh cần hết sức chú ý để không mắc phải.
Như đã trình bày ở trên trong phạm vi đề tài này chúng tôi chỉ hướng tới đối tượng học sinh trung bình - yếu. Chính bởi vậy chúng tôi rất chú trọng đến hai dạng bài tập này. Qua việc rèn luyện hai dạng bài tập này học sinh bước đầu có thể viết nhanh và viết đúng phần mở bài cho bài nghị luận văn học. Trên cơ sở này chúng tôi mới tiếp tục đưa ra dạng bài tập 3 để rèn cho học sinh từ chỗ viết nhanh, đúng đúng đến viết hay hơn phần mở bài.
Dạng 3: Bài tập rèn luyện viết đoạn mở bài gián tiếp.
Cho đề bài: Cảm nghĩ về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê.
Bài tập 1: Hãy viết đoạn mở bài cho đề bài trên theo hai cách trực tiếp và gián tiếp.
-> Yêu cầu học sinh vận dụng lý thuyết về cầu tạo đoạn mở bài để viết phần mở bài trực tiếp (giới thiệu tác giả - tác phẩm và vấn đề bàn luận).
=> Có thể viết như sau:
"Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê là tác phẩm tiêu biểu của nền văn xuôi Việt Nam giai đoạn chống Mỹ. Nhân vật chính của tác phẩm là Phương Định một cô gái đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
(Bài làm của học sinh trung bình)
- Khi viết mở bài theo cách gián tiếp học sinh cần chọn 1 cách viết cụ thể. Ví dụ đi giới thiệu khái quát phần văn học Việt Nam giai đoạn chống Mỹ đến tác phẩm mà đề bài yêu cầu.
=> Có thể viết như sau: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã góp thêm những trang vàng vào lịch sử dân tộc. Đã có rất nhiều văn nghệ sẽ đã có được cảm hứng sáng tác từ đề tài này. Chính vì vậy đây cũng là giai đoạn văn học có nhiều thành công góp phần làm rạng rỡ nền văn học nước nhà. "Những ngôi sao xa xôi" của nữ tác giả Lê Minh Khuê là một trong những đóng góp như vậy. Nhân vật chính của tác phẩm là Phương Định - một cô gái đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
(Bài làm của học sinh khá)
Bài tập 2: Hãy quan sát một cách mở bài khác cho đề bài trên.
Chúng ta đã từng biết đến hình ảnh những chiến sĩ lái xe Trường Sơn qua tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật. Họ là những chiến sĩ trẻ trung sôi nổi can trường mang trong mình khát vọng thống nhất non sông. Và một lần nữa chúng ta lại được gặp hình ảnh những con người gan dạ trẻ trung trên tuyến đường Trường Sơn qua tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê. Đó là ba cô gái nhỏ nhắn xinh xắn trong một tổ trinh sát mặt đường. Nhân vật chính trong tác phẩm và cũng là người kể chuyện là Phương Định - một cô gái Hà Nội. Nhân vật đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đông đảo bạn đọc.
(Bài làm của học sinh đã chữa)
Chúng tôi cũng nhận thấy rằng dạng bài tập này là khó với đối tượng học sinh trung bình - yếu. Nhưng với hy vọng là các em sẽ yêu thích môn văn hơn, sẽ khám phá thêm ở môn văn những điều hay và từ đó sẽ có cách học văn phù hợp hơn nên chúng tôi cũng mạnh dạn đưa thêm dạng bài tập này. Qua các dạng bài tập này học sinh không chỉ làm quen và biết thực hành hai kiểu mở bài trực tiếp và gián tiếp mà còn nhận thấy sự khác nhau cơ bản của hai cách mở bài ấy trong quá trình dẫn dắt vấn đề. Còn phần giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận là bắt buộc phải có trong phần mở bài của bài nghị luận văn học. Từ đây các em sẽ có định hướng rõ hơn, đúng hơn và tự tin hơn khi bắt tay vào viết một bài nghị luận văn học.
III- Kết quả thực hiện.
Sau một vài năm tiến hành áp dụng cách rèn luyện kỹ năng viết đoạn mở bài (đặc biệt là cách mở bài gián tiếp) cho học sinh đối tượng trung bình - yếu bằng những bài tập đã nêu chúng tôi nhận thấy có một sự tiến bộ đáng kể. Từ chỗ các em còn khó khăn lúng túng mất nhiều thời gian vào việc viết đoạn mở bài thì nay các em đã viết nhanh hơn, đúng hơn. Đặc biệt còn có một số phần mở bài hấp dẫn hơn khơi gợi được tình cảm của người đọc như một số bài đã nêu.
Ví dụ: Trong tiết "Luyện tập cách làm bài văn nghị luận về tác phẩm truyện" (đoạn trích) chúng tôi đã yêu cầu học sinh chọn và viết đoạn mở bài cho một số đề bài sau (thời gian từ 5 -> 7 phút).
Đề 1: Phân tích nhân vật Vũ Nương qua tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ.
Đề 2: Thân phận Thuý Kiều qua các đoạn trích: "Chị em Thuý Kiều"; "Mã Giám Sinh mua Kiều" và "Kiều ở lầu Ngưng Bích".
Đề 3: Tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long không chỉ vẽ ra một bức tranh thiên nhiên thơ mộng mà còn là lời ca ngợi những con người lao động mới đang ngày đêm miệt mài cống hiến cho Tổ quốc.
Khi giao bài tập này chúng tôi nhận thấy ở một số học sinh vốn trước đây còn chưa nắm được cách mở bài hay viết phần mở bài còn khó khăn thì nay đã viết được đoạn mở bài tương đối hiệu quả.
Mở bài 1: Thuý Kiều là nhân vật chính trong tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du. Người đọc có thể cảm nhận được một phần số phận của nhân vật qua các đoạn trích học trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9. Đó là các đoạn trích "Chị em Thuý Kiều"; "Mã Giám Sinh mua Kiều" và "Kiều ở lầu Ngưng Bích".
- Trần Văn Tính - 9E (Học sinh trung bình - yếu)
Mở bài 2: Nguyễn Thành Long là một cây bút chuyên về truyện ngắn. Ông đã rất thành công ở các tác phẩm khai thác đề tài về những con người lao động mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa". Tác phẩm không chỉ vẽ ra một bức tranh thiên nhiên đẹp và thơ mộng mà còn là lời ca ngợi những con người đang ngày đêm miệt mài lao động cống hiến cho Tổ quốc.
=> Đây là cách mở bài gián tiếp: Khái quát sự nghiệp sáng tác của tác giả đến tác phẩm cụ thể.
- Nguyễn Thị Tuyết - 9B (học sinh trung bình)
Mở bài 3:
Được xây dựng theo một cốt truyện dân gian "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ có thể coi là một tác phẩm hay nhất trong cuốn "Truyền kỳ mạn lục". Nhân vật chính của tác phẩm là Vũ Thị Thiết (Vũ Nương) - một người con gái quê ở Nam Xương đẹp người đẹp nết. Không chỉ có vậy, khi nhắc đến nhân vật này người đọc không thể quên được nỗi oan khổ vô bờ mà nàng phải chịu vì người chồng đa nghi thô bạo.
=> Đây là cách mở bài gián tiếp: Dẫn dắt vấn đề kèm theo sự đánh giá của người viết.
Kết quả kiểm tra bài viết số 6 và 7 lớp 9.
Thời gian
Tỉ lệ
Dưới TB
TB
Khá
Giỏi
Khi chưa chú trọng
42%
47%
11%
2%
Khi đã chú trọng
20%
53%
21%
6%
C- Một số kiến nghị
Là những người trực tiếp giảng dạy nên kết quả học tập của học sinh là vấn đề mà chúng tôi rất quan tâm. Chúng tôi luôn cố gắng để tìm ra những phương pháp dạy cho phù hợp với từng đối tượng học sinh với mong muốn học sinh ngày càng yêu thích môn Ngữ văn. Để làm được điều này bên cạnh sự nỗ lực của bản thân chúng tôi rất mong nhận được các thông tin về đổi mới phương pháp ở từng phân môn đặc biệt là những chuyên đề đổi mới ở từng dạng bài, từng tiết học cụ thể. Nếu có điều kiện chúng tôi cũng mong muốn được áp dụng và phổ biến cách làm này trong các khối lớp để có thể từng bước nâng cao kết quả học tập của học sinh.
Về phía sách giáo khoa chúng tôi cũng mong muốn có được sự chỉnh sửa bổ sung những tiết học rèn luyện kỹ năng nhận diện và dựng đoạn để học sinh có thời gian luyện tập tốt hơn. Cần tiếp tục điều chỉnh bổ sung chương trình phù hợp với việc học hai buổi trên ngày để việc dạy và học đạt kết quả tốt hơn.
D- kết luận
Để có thể viết được bài văn hay ngoài khả năng cảm thụ học sinh phải được rèn luyện kỹ năng trong đó kỹ năng viết đoạn mở bài đóng vai trò không nhỏ. Viết một đoạn mở bài trực tiếp thì không khí lắm nhưng để viết được một văn bản hấp dẫn, chiếm được cảm tình của người đọc thì đòi hỏi tư suy sáng tạo và rèn luyện nhiều.
Trên đây là một số kinh nghiệm nhỏ của chúng tôi đã vận dụng có kết quả. Để đạt được yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học theo chương trình sách giáo khoa mới có nhiều con đường và nhiều việc phải làm. Những điều chúng tôi thực hiện trên đây chỉ là một việc nhỏ góp phần nâng cao chất lượng làm bài nghị luận văn học cho học sinh lớp 9 đối tượng trung bình - yếu. Rất mong được sự đóng góp chân thành của các đồng nghiệp.
Xin chân thành cảm ơn!
Tiên Dương, ngày 10 tháng 4 năm 2007
Người viết
Cao Thị Tại
Tài liệu tham khảo
1. SGK Ngữ văn tập 2 lớp 7, lớp 8, lớp 9- NXB Giáo dục 2003, 2004 và 2005
2. SGV Ngữ văn tập 2 lớp 7, 8, 9- NXB Giáo dục 2003, 2004 và 2005
3. SGK Tập làm văn lớp 8, 9 - Bộ GD-ĐT - 1998
4. SGV Tập làm văn lớp 8, 9 - Bộ GD-ĐT - 1998
5. Thiết kế bài giảng ngữ văn 7, 8, 9 - Nguyễn Văn Đường 2003 - 2004- 2005
6. Một số vấn đề thi pháp học hiện đại - Giáo sư Trần Đình Sử.
7. Một số vấn đề đổi mới phương pháp Tập làm văn cấp THCS - Vũ Bằng Tú.
8. Đổi mới phương pháp dạy học - Ngô Thúc Loan.
9. 30 đề ôn
File đính kèm:
- SANG KIEN KINH NGHIEM VAN 9.doc