I.PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (7,0 điểm)
Câu I (2,0 điểm)
1. Trình bày tóm tắt sự phân hóa theo độ cao của thiên nhiên nước ta. Nguyên nhân dẫn đến sự phân hóa đó.
2. Nêu sự không hợp lý trong phân bố dân cư giữa đồng bằng với trung du, miền núi nước ta. Các giải pháp để khắc phục tình trạng này?
Câu II (3,0 điểm)
1. Hãy kể tên các tuyến đường sắt của nước ta. Trong đó, tuyến nào quan trọng nhất? Tại sao?
2. Chứng minh Trung du và miền núi Bắc Bộ có thuận lợi về tài nguyên thiên nhiên để phát triển công nghiệp.
6 trang |
Chia sẻ: lephuong6688 | Lượt xem: 515 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi tuyển sinh cao đẳng năm 2010 môn: Địa lí; khối C, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ THI TUYỂN SINH CAO ĐẲNG NĂM 2010
Môn: ĐỊA LÍ; Khối: C
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
I.PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (7,0 điểm)
Câu I (2,0 điểm)
Trình bày tóm tắt sự phân hóa theo độ cao của thiên nhiên nước ta. Nguyên nhân dẫn đến sự phân hóa đó.
Nêu sự không hợp lý trong phân bố dân cư giữa đồng bằng với trung du, miền núi nước ta. Các giải pháp để khắc phục tình trạng này?
Câu II (3,0 điểm)
Hãy kể tên các tuyến đường sắt của nước ta. Trong đó, tuyến nào quan trọng nhất? Tại sao?
Chứng minh Trung du và miền núi Bắc Bộ có thuận lợi về tài nguyên thiên nhiên để phát triển công nghiệp.
Câu III (3,0 điểm)
Dựa vào bảng số liệu:
DIỆN TÍCH GIEO TRỒNG LÚA CỦA NƯỚC TA PHÂN THEO VÙNG
Đơn vị: nghìn ha
Năm
Vùng
1996
2006
Cả nước
7 004
7 325
Đồng bằng sông Hồng
1 170
1 171
Đồng bằng sông Cửu Long
3 443
3 774
Các vùng khác
2 391
2 380
Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự quy mô, cơ cấu gieo trồng lúa của nước ta.
Nhận xét và giải thích sự thay đổi về quy mô và cơ cấu diện tích gieo trồng lúa của nước ta năm 2006 so với năm 1996.
II. PHẦN RIÊNG (2,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu IV.a hoặc IV.b)
Câu IV.a. Theo Chương trình Chuẩn (2,0 điểm)
Trình bày thế mạnh về tự nhiên để phát triển kinh tế của khu vực đồng bằng và khu vực đồi núi nước ta.
Câu IV.b. Theo Chương trình Nâng cao (2,0 điểm)
Trình bày các định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng. Việc dịch chuyển theo định hướng đó có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của vùng?
BÀI GIẢI GỢI Ý
Câu I:
1. Trình bày tóm tắt sự phân hóa theo độ cao của thiên nhiên nước ta. Nguyên nhân dẫn đến sự phân hóa đó.
* Sự phân hóa theo độ cao: có 3 đai cao.
- Đai nhiệt đới gió mùa:
+ Miền Bắc có độ cao dưới 600-700m. Miền Nam lên đến độ cao 900-100m.
+ Nhiệt độ cao trên 250C, độ ẩm: từ khô hạn đến ẩm ướt.
+ Hai nhóm đất: đất phù sa và đất feralit.
+ Sinh vật: rừng nhiệt đới ẩm thường xanh với 3 tầng cây gỗ, rừng nhiệt đới ẩm gió mùa (rừng thường xanh trên đá vôi, rừng ngập mặn ven biển, rừng tràm trên đất phèn, xavan, cây bụi gai nhiệt đới khô trên đất cát).
- Đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi:
+ Ở miền Bắc có độ cao từ 600-700m đến 2600m; miền Nam từ 900-1000m đến 2600m.
+ Khí hậu mát mẻ, nhiệt độ dưới 250C, mưa nhiều hơn, độ ẩm tăng.
· Độ cao từ 600-1700m: rừng lá kim, đất feralit có mùn, tầng đất mỏng, các loài chim thú cận nhiệt đới.
· Độ cao trên 1700m: nhiệt độ thấp, thực vật là rêu, địa y và các loài chim di cư.
- Đai ôn đới gió mùa trên núi:
+ Cao trên 2600m(chỉ có ở Hoàng Liên Sơn)
+ Nhiệt độ dưới 150C, mùa đông xuống tới 50C, thực vật ôn đới, đất chủ yếu là mùn thô.
*Nguyên nhân:
- Tác động của địa hình đối với khi hậu (Quy luật đai cao).
- Sự phân hóa thổ nhưỡng, khí hậu, sinh vật và cảnh quan theo độ cao điạ hình.
2. Nêu sự không hợp lý trong phân bố dân cư giữa đồng bằng với trung du, miền núi nước ta. Các giải pháp để khắc phục tình trạng này
* Sự không hợp lý trong phân bố dân cư giữa đồng bằng với trung du, miền núi nước ta:
- Mật độ dân số trung bình ở nước ta: 254 người/km2 (2006), nhưng phân bố không đều.
- Phân bố không đều giữa đồng bằng – miền núi:
+ Đồng bằng: 1/4 diện tích – chiếm 3/4 dân số à Đồng bằng sông Hồng cao nhất, 1.225 người/km2 , gấp 5 lần cả nước.
+ Miền núi: 3/4 diện tích - chiếm 1/4 dân số à Tây Nguyên 89 người/km2, Tây Bắc 69 người/km2, trong khi vùng này lại giàu tài nguyên thiên nhiên.
- Sự phân bố dân cư chưa hợp lý làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng lao động, khai thác tài nguyên. Vì vậy, phân bố lại dân cư và lao động trên phạm vi cả nước là rất cần thiết.
* Biện pháp khắc phục:
- Tuyên truyền và thực hiện chính sách KHHDS có hiệu quả.
- Phân bố dân cư, lao động hợp lý giữa các vùng.
- Quy hoạch và có chính sách thích hợp nhằm đáp ứng xu thế chuyển dịch cơ cấu dân số nông thôn và thành thị.
- Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, đẩy mạnh đào tạo người lao động có tay nghề cao, có tác phong công nghiệp.
- Phát triển công nghiệp, giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng ở miền núi và ở nông thôn nhằm sử dụng tối đa nguồn lao động của đất nước.
Câu II (3,0 điểm)
1. Hãy kể tên các tuyến đường sắt của nước ta. Trong đó, tuyến nào quan trọng nhất? Tại sao?
* Các tuyến đường sắt của nước ta:Tổng chiều dài đường sắt nước ta là 3.143 km.
- Đường sắt Thống Nhất (Hà Nội – Tp Hồ Chí Minh) dài 1.726 km, chạy theo chiều dài đất nước, gần như song song với quốc lộ 1, tạo nên một trục giao thông quan trọng theo hướng bắc – nam.
- Các tuyến đường khác là : Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội – Đồng Đăng, Lưu Xá – Kép – Uông Bí – Bãi Cháy.
- Các tuyến đường thuộc mạng đường sắt xuyên Á trên lãnh thổ Việt Nam đang được xây dựng, nâng cấp để đạt tiêu chuẩn đường sắt ASEAN.
* Tuyến đường sắt quan trọng nhất là Đường sắt Thống Nhất vì:
- Chạy song song với Quốc lộ 1.
- Là tuyến giao thông xuyên Việt quan trọng vì nó đi qua các vùng kinh tế quan trọng nhất của nước ta và hầu hết các thành phố, các trung tâm công nghiệp quan trọng, các vùng nông nghiệp.
- Đảm nhận phần lớn việc vận chuyển hàng hàng hóa và hành khách của cả nước.
- Nối liền với các tuyến giao thông khác, tạo nên mối liên hệ kinh tế xã hội của các địa phương của cả nước.
2. Chứng minh Trung du và miền núi Bắc Bộ có thuận lợi về tài nguyên thiên nhiên để phát triển công nghiệp.
* Trung du và miền núi Bắc Bộ có thuận lợi về tài nguyên thiên nhiên để phát triển công nghiệp
- Khoáng sản: giàu khoáng sản bậc nhất nước ta, rất phong phú, gồm nhiều loại:
+Than: tập trung vùng Quảng Ninh, Na Dương, Thái Nguyên. Trong đó vùng than Quảng Ninh có trữ lượng lớn nhất và chất lượng tốt nhất Đông Nam Á-trữ lượng thăm dò 3 tỷ tấn, chủ yếu than antraxít. Sản lượng khai thác trên 30 triệu tấn/năm.
+Sắt ở Yên Bái, kẽm-chì ở Bắc Kạn, đồng-vàng ở Lào Cai, bô-xit ở Cao Bằng.
+Thiếc Tĩnh Túc, sản xuất 1000 tấn/nămà tiêu dùng trong nước & xuất khẩu.
+Apatid Lào Cai, khai thác 600.000 tấn/năm dùng để sản xuất phân bón.
à giàu khoáng sản tạo điều kiện thuận lợi phát triển cơ cấu công nghiệp đa ngành.
- Thuỷ điện: trữ năng lớn nhất nước ta.
+Trữ năng trên hệ thống sông Hồng chiếm 1/3 trữ năng cả nước (11.000MW), trong đó sông Đà 6.000MW.
+Đã xây dựng: nhà máy thuỷ điện Hòa Bình trên sông Đà (1.900MW), Thác Bà trên sông Chảy 110MW.
+Đang xây dựng thuỷ điện Sơn La trên sông Đà (2.400MW), Tuyên Quang trên sông Gâm 342MW.
Đây là động lực phát triển cho vùng, nhất là việc khai thác và chế biến khoáng sản, tuy nhiên cần chú ý sự thay đổi môi trường.
- Ngoài ra vùng này còn có thế mạnh để phát triển cây công nghiệp, cây dược liệu, rau quả cận nhiệt và ôn đới, chăn nuôi gia súc để cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến.
Câu III (3,0 điểm)
Dựa vào bảng số liệu:
DIỆN TÍCH GIEO TRỒNG LÚA CỦA NƯỚC TA PHÂN THEO VÙNG
Đơn vị: nghìn ha
Năm
Vùng
1996
2006
Cả nước
7 004
7 325
Đồng bằng sông Hồng
1 170
1 171
Đồng bằng sông Cửu Long
3 443
3 774
Các vùng khác
2 391
2 380
Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự quy mô, cơ cấu gieo trồng lúa của nước ta.
Nhận xét và giải thích sự thay đổi về quy mô và cơ cấu diện tích gieo trồng lúa của nước ta năm 2006 so với năm 1996.
*Xử lí số liệu
BẢNG SỐ LIỆU THỂ HIỆN
CƠ CẤU DIỆN TÍCH GIEO TRỒNG LÚA CỦA NƯỚC TA PHÂN THEO VÙNG
Đơn vị: %
Năm
Vùng
1996
2006
Cả nước
100
100
Đồng bằng sông Hồng
16,7
16,0
Đồng bằng sông Cửu Long
49,2
51,5
Các vùng khác
34,1
32,5
* Vẽ biểu đồ tròn:
- Gọi R1 là bán kính của vòng tròn thể hiện diện tích gieo trồng lúa của năm 1996, R1=1
- Gọi R2 là bán kính của vòng tròn thể hiện diện tích gieo trồng lúa của năm 2006, R2=1,02
*Nhận xét:
-Từ năm 1996 đến 2006 diện tích gieo trồng lúa của nước ta có sự thay đổi:
+Diện tích trồng lúa cả nước tăng 321 nghìn ha
+Diện tích trồng lúa đồng bằng sông Hồng tăng 1 nghìn ha
+Diện tích trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long tăng 331 nghìn ha
+Diện tích trồng lúa các vùng khác giảm 11 nghìn ha
-Từ năm 1996 đến 2006 cơ cấu diện tích gieo trồng lúa của nước ta có sự thay đổi
+ Chiếm tỉ lệ diện tích trồng lúa lớn nhất cả nước là đồng bằng sông Cửu Long và tỉ lệ tăng từ 49,2% lên 51,2%
+ Chiếm tỉ lệ diện tích trồng lúa lớn nhất thứ 2 cả nước là các vùng khác và tỉ lệ giảm từ 34,1% xuống32,5%.
+ Chiếm tỉ lệ diện tích trồng lúa lớn nhất thứ 3 cả nước là đồng bằng sông Hồng và tỉ lệ giảm từ 16,7% xuống 16%.
-Nếu tính diện tích trồng lúa theo vùng thì tỉ lệ diện tích lớn nhất là đồng bằng sông Cửu Long, kế đến là đồng bằng sông Hồng.
* Giải thích:
- Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng lúa lớn nhất vì đây là vùng trọng điểm lương thực thực phẩm số 1 của nước ta, còn nhiều tiềm năng để phát triển diện tích trồng lúa do diện tích đất bị nhiễm phèn nhiễm mặn còn lớn, hệ số sử dụng ruộng đất còn thấp. Diện tích trồng lúa tăng do phát triển thủy lợi, khai hoang, cải tạo đất phèn, đất mặn, tăng hệ số mùa vụ.
-Diện tích trồng lúa ở đồng bằng sông Hồng tăng không đáng kể vì đây là vùng khai thác nông nghiệp lâu đời, dân số tập trung quá đông khó mở rộng diện tích đất nông nghiệp.
-Diện tích trồng lúa ở các vùng khác giảm do một phần đất nông nghiệp đã bị chuyển sang đất chuyên dùng và thổ cư.
-Diện tích trồng lúa của cả nước tăng do diện tích trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long tăng cao.
Câu IV.a. Theo Chương trình Chuẩn (2,0 điểm)
Trình bày thế mạnh về tự nhiên để phát triển kinh tế của khu vực đồng bằng và khu vực đồi núi nước ta.
-Các thế mạnh về tự nhiên của khu vực đồi núi.
+Khoáng sản : Khu vực đồi núi tập trung nhiều loại khoáng sản có nguồn gốc nội sinh như đồng, chì, thiếc, sắt, pyrit, niken, crôm, vàng, vonfram và các khoáng sản ngoại sinh như bôxit, apatit, đá vôi, than đá, vật liệu xây dựng. Đó là nguyên liệu, nhiên liệu cho nhiều ngành công nghiêp.
+Rừng và đất trồng : Tạo cơ sở phát triển nền lâm – nôngnghiệp nhiệt đới. Rừng giàu về thành phần loài động, thực vật; trong đó nhiều loài quý hiếm tiêu biểu cho sinh vật rừng nhiệt đới.
MIền núi nước ta còn có các bề mặt cao nguyên và các thung lũng tạo thuận lợi cho việc hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi đại gia súc. Ngoài các cây trồng, vật nuôi nhiệt đới, ở vùng cao còn có thể nuôi trồng được các loài động, thực vật cận nhiệt và ôn đới. Địa hình bán bình nguyên và đồi trung du thích hợp để trồng các cây công nghiệp, cây ăn quả và cả cây lương thực.
+Nguồn thủy năng : Các con sông ở miền núi nước ta có tiềm năng thủy điện lớn.
+Tiềm năng du lịch : Có nhiều điều kiện để phát triển các loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng nhất là du lịch sinh thái.
Các thế mạnh về tự nhiên của đồng bằng .
-Các thế mạnh.
+Là cơ sở để phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới, đa dạng các loại nông sản, mà nông sản chính là gạo.
+Cung cấp các nguồn lợi thiên nhiên khác như khoáng sản, thủy sản và lâm sản.
+Là nơi có điều kiện để tập trung các thành phố, các khu công nghiệp và các trung tâm thương mại.
Câu IV.b. Theo Chương trình Nâng cao (2,0 điểm)
Trình bày các định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng. Việc dịch chuyển theo định hướng đó có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của vùng?
*Các định hướng:
-Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế có vai trò quan trọng ở Đồng bằng sông Hồng. Xu hướng chung là tiếp tục giảm tỉ trọng của khu vực I (nông – lâm – ngư nghiệp), tăng nhanh tỉ trọng của khu vực II (công nghiệp – xây dựng) và khu vực III (dịch vụ) trên cơ sở đảm bảo tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh, hiệu quả cao gắn với việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Cho đến năm 2010, tỉ trọng của các khu vực tương ứng sẽ là 20% , 34% và 46%.
-Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ từng ngành có sự khác nhau, nhưng trọng tâm là phát triển và hiện đại hóa công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp khác và dịch vụ gắn với yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hàng hóa.
*Đối với khu vực I, giảm tỉ trọng của ngành trồng trọt, tăng tỉ trọng của ngành chăn nuôi và thủy sản. Riêng trong ngành trồng trọt lại giảm tỉ trọng của cây lương thực và tăng dần tỉ trọng của cây công nghiệp, cây thực phẩm, cây ăn quả.
*Đối với khu vực II, quá trình chuyển dịch gắn với việc hình thành các ngành công nghiệp trọng điểm để sử dụng hiệu quả các thế mạnh của tự nhiên và con người của vùng. Đó là các ngành chế biến lương thực – thực phẩm, ngành dệt may và da giày, ngành sản xuất vật liệu xây dựng, ngành cơ khí – kỹ thuật điện – điện tử.
*Đối với khu vực III, du lịch là một ngành tiềm năng. Đồng bằng sông Hồng có nhiều thế mạnh về du lịch, đặc biệt ở Hà Nội và vùng phụ cận như ở Hải Phòng. Trong tương lai, du lịch sẽ có vị trí xứng đáng trong nền kinh tế của vùng. Các dịch vụ khác như tài chính, ngân hàng, giáo dục – đào tạo cũng phát triển mạnh.
* Ý nghĩa đối với sự phát triển của vùng
- Vai trò đặc biệt của Đồng bằng sông Hồng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội: Là vựa lúa lớn thứ hai của nước ta và là vùng phát triển công nghiệp dịch vụ quan trọng của cả nước.
- Cơ cấu kinh tế theo ngành có nhiều hạn chế không phù hợp với tình hình phát triển hiện nay. Trong cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn chiếm vị trí quan trọng, công nghiệp tập trung ở các đô thị lớn, dịch vụ chậm phát triển.
- Số dân đông, mật độ cao, việc phát triển kinh tế với cơ cấu cũ không đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống,
nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
- Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm khai thác có hiệu quả thế mạnh vốn có của đồng bằng sông Hồng(vị trí địa lí, tài nguyên thiên nhiên, trình độ dân cư) góp phần cải thiện đời sống nhân dân.
File đính kèm:
- De Dap an Dia li khoi C 2010.doc