Y hẹn, tôi gõ cửa phòng Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Hà Nội. Rất nhanh, cánh cửa rộng mở, nhà thơ Bằng Việt đón và mời tôi ngồi vào chiếc xa lông cũ kĩ, rồi vừa lấy li rót rượu, vừa nói:
- Thầy giáo ạ , nói chuyện thơ phải có tửu mới “bốc men”. Xin mời thầy! À này, xin thầy đừng phỏng vấn tôi như những “bị can”. Tôi còn muốn được hỏi thầy đấy. Như vậy mới bình đẳng và thú vị phải không ạ !
Rồi nhà thơ cười thoải mái. Trước mắt tôi có cái gì rất trắng, rất trong cứ lấp loá: Đôi kính trắng, hàm răng trắng, chiếc áo sơ mi trắng của nhà thơ tất cả toát ra vẻ thanh lịch của một trí thức (tôi bỗng nhớ đến lời nhà thơ Phạm Khải: “Bằng Việt xuất hiện giữa làng thơ như một ánh đèn nê ông kì ảo, toả ánh sáng trí tuệ”).
Thỉnh thoảng lại có người vào xin ý kiến, xin chữ kí. Tôi sợ không khí cuộc trò chuyện về thơ mất thi vị nên xin nhà thơ miễn tiếp khách khác đóng cửa và bắt đầu.
*
4 trang |
Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 1523 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giáo án Ngữ văn 9 - Trò chuyện với tác giả “Bếp lửa” Ngô Chính Cát (cát văn), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Trò chuyện với tác giả “Bếp lửa”
Ngô Chính Cát(Cát Văn)
“Bếp lửa” là bài thơ hay của Bằng Việt. Bài thơ được đưa vào học trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Tôi đã được tiếp chuyện Bằng Việt về “Bếp lửa”. Nhận thấy có thể giúp các bạn đồng nghiệp và các em học sinh có thêm tư liệu để hiểu rõ hơn nhà thơ và thi phẩm này, tôi xin lược thuật cuộc trò chuyện đó.
Y hẹn, tôi gõ cửa phòng Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Hà Nội. Rất nhanh, cánh cửa rộng mở, nhà thơ Bằng Việt đón và mời tôi ngồi vào chiếc xa lông cũ kĩ, rồi vừa lấy li rót rượu, vừa nói:
- Thầy giáo ạ , nói chuyện thơ phải có tửu mới “bốc men”. Xin mời thầy! à này, xin thầy đừng phỏng vấn tôi như những “bị can”. Tôi còn muốn được hỏi thầy đấy. Như vậy mới bình đẳng và thú vị phải không ạ !
Rồi nhà thơ cười thoải mái. Trước mắt tôi có cái gì rất trắng, rất trong cứ lấp loá: Đôi kính trắng, hàm răng trắng, chiếc áo sơ mi trắng của nhà thơ… tất cả toát ra vẻ thanh lịch của một trí thức (tôi bỗng nhớ đến lời nhà thơ Phạm Khải: “Bằng Việt xuất hiện giữa làng thơ như một ánh đèn nê ông kì ảo, toả ánh sáng trí tuệ”).
Thỉnh thoảng lại có người vào xin ý kiến, xin chữ kí. Tôi sợ không khí cuộc trò chuyện về thơ mất thi vị nên xin nhà thơ miễn tiếp khách khác đóng cửa và bắt đầu.
*
* *
Tôi (NCC): Ai cũng biết, bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt được sáng tác năm 1963 khi anh đang du học ở Liên Xô, ngành Luật. Nhưng bạn đọc vẫn muốn anh nói rõ thêm về môi trường cảm xúc để bài thơ ra đời?
Bằng Việt (BV): “Anh đi anh nhớ quê nhà”
Tôi cũng vậy. Nhớ nhà lắm. Mặc dù điều kiện sống rất đủ đầy, bạn bè nhiều, nhưng vẫn thấy thiếu một không khí gia đình. Mùa đông nước Nga rất lạnh, phải đốt lò để sưởi lửa. Ngồi sưởi lửa, tôi bỗng nhớ đến Bếp lửa quê nhà, nhớ bà tôi, người nhóm bếp. Xa bà, xa gia đình khi đã trưởng thành tức là có độ lùi xa để nhớ và suy ngẫm những giá trị tinh thần nên bài thơ viết rất nhanh, tình cảm đã đến độ “chín”. Viết “Bếp lửa”, tôi chỉ muốn giãi bày tâm trạng thật của lòng mình. Không ngờ nó lại được in trong văn tuyển. Có lẽ, trước hết bài thơ được bạn đọc đón nhận là vì đã nói lên được một cách chân thực tình bà cháu giản dị mà thiêng liêng, một thứ tình cảm chung của mọi người. Chân thật vốn là cái gốc của văn chương xưa và nay phải không thầy giáo nhỉ?
NCC: Vâng! Nhân anh nói về tính chân thật, tôi xin được tò mò một chút. Ai cũng biết cụ thân sinh ra Bằng Việt có thời là công chức cao cấp của triều đình Huế. Thế mà trong Bếp Lửa lại có câu:
“Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy”.
Nhà thơ viết như vậy, phải chăng để bài thơ có màu sắc đại chúng, có tính phổ quát?
BV: (Lắc đầu) Không phải thế! Trước Cách mạng tháng 8/1945, bố tôi có thời làm việc tại văn phòng bộ Lễ của triều đình Huế do cụ Bùi Bằng Đoàn làm thượng thư (Bộ trưởng). Thời gian này, bố tôi có đưa bà nội tôi vào Huế ở.
Khi Nhật đảo chính Pháp - bố tôi đưa gia đình về quê (Thạch Thất). Trong nạn đói năm ất Dậu, ông cụ đã phải phụ việc đánh xe ngựa cho một người anh đồng hao tuyến đường Hà Nội – Phùng và ngược lại, nên mới có câu thơ trên.
Khi Bác Hồ mời cụ Bùi Bằng Đoàn cộng tác với chính quyền cách mạng, cụ Bùi có mời bố tôi tham gia công tác. Lúc đầu làm chánh án Sơn Tây, rồi kháng chiến, lên Việt Bắc làm chuyên viên ngành tư pháp cho đến lúc về hưu . Cụ mất năm 2004. Mẹ tôi cũng thoát li, tham gia công tác phụ nữ tỉnh Sơn Tây. Cho nên, trong Bếp lửa mới có câu:
“Mẹ cùng cha công tác bận không về”
NCC: Và thế là Bằng Việt sống với bà nội ở Thạch Thất - nơi tranh chấp ác liệt giữa ta và địch suốt thời gian kháng chiến. Xin anh nói rõ hơn về người bà của mình.
BV: Trong “Thơ Bằng Việt” - Nhà xuất bản văn học 2003, có in chân dung bà nội tôi - nhân vật mẫu của bài Bếp lửa. Bà nội tôi (sinh cuối thế kỷ XIX mất năm 1974) là một phụ nữ nông dân chân chất bình dị. Như bao nhiêu người bà khác, bà tôi trong kháng chiến chống Pháp cũng phải nuôi cháu để con trai, con dâu đi công tác.
“Cháu ơi cháu lớn với bà
Bố mày đi đánh giặc xa chưa về” (Tố Hữu)
Với tôi, bà là hiện thân của sự cần cù nhẫn nại và đức hy sinh.
NCC: Trong thời gian sống bên bà nội, anh cảm nhận điều gì là điều mà bà anh trông chờ nhất ở anh ?
BV: Điều thầy giáo hỏi, tôi đã nói rõ trong bài “Đôi dòng tiễn đưa bà nội” viết năm 1974.
“ Mười năm rồi, bà ạ,
Cháu chẳng có gì hơn trong phút tiễn đưa bà…”
Nhà thơ đọc thơ tiễn bà nội, sau cặp kính lấp lánh những giọt lệ.
Còn tôi thật sự bị choáng ngợp bởi chất tài hoa của hình tượng bà nội đứng tiễn cháu để anh vào chiến trường Quảng Trị (1972).
Bãi cỏ lau già. Bà đứng, dáng xiêu xiêu
Cành xoan mảnh trên tay làm gậy chống
Gió xa tắp, đồng tháng Năm lồng lộng
Tóc phơ phơ, hắt đỏ ráng chiều.
NCC: Ai cũng biết Bếp lửa là dòng hồi tưởng của nhà thơ về bà nội mình. ý thơ đó lại được thể hiện qua tứ thơ, qua hình tượng thơ “Bếp lửa”. Đó là điều đặc sắc nhất của thi phẩm. Nhưng với tôi, điều làm tôi rung động nhất, bâng khuâng nhất, văng vẳng mãi bên tai chính là tiếng tu hú kêu. Xin anh cho biết thêm về chi tiết nghệ thuật này ?
BV: Hồi gia đình tôi rời Huế về quê, tôi nhớ nhất là tiếng tu hú cứ đuổi theo tôi. Khi sống với bà ở Thạch Thất thời kháng chiến, lại nghe thấy tiếng chim này. Nó như người bạn đồng hành với tuổi thơ từ sinh quán về quê gốc. Cho nên hồi tưởng về tuổi thơ, nó lại có mặt. Với tôi nó như một nhân vật có cùng tâm trạng, cũng cô đơn và khao khát như bà cháu tôi.
Tu hú ơi ! Chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa ?
Đôi mắt của Bằng Việt chợt xa xăm như nhìn vào cõi nhớ. Còn tôi, tôi biết mình đã vừa đụng tới cái gọi là thiên bẩm, là năng khiếu của thi nhân. Nó nằm ngoài lí trí, nằm ngoài nhận thức nhưng lại có mặt trong tiềm thức để có lúc loé sáng trong thơ. Đó là dấu hiệu của tài năng thơ, là tố chất thi sĩ.
BV: (Chợt như bừng tỉnh) Thế thầy giáo hiểu như thế nào về chi tiết này?
NCC: Tôi nghĩ “ngoại cảnh chính là tâm cảnh”. Phải chăng tiếng tu hú da diết kêu như nói giùm nỗi lòng con người, khát vọng được sống trong cảnh đoàn tụ đầm ấm của gia đình trước cơn bão của chiến tranh.
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
Mẹ cùng cha công tác bận không về…
Tiếng chim tu hú trong bài thơ quả là một chi tiết đắt giá, rất tài hoa, hiếm gặp trong thơ.
BV(gật gật đầu): Xin cám ơn lời khen của thầy giáo !
NCC: Từ lúc Bếp lửa ra đời cho tới hôm nay, Bằng Việt đã có hơn 40 năm làm thơ. Bây giờ anh đã là một tên tuổi nổi tiếng trong làng thơ hiện đại Việt Nam. Dù thơ anh hôm nay có “lắng đọng”, “sang trọng”, “có học” như nhiều nhà nghiên cứu thơ đánh giá, song tôi vẫn muốn biết: Thơ Bằng Việt hôm nay đã tiếp nhận và phát triển chất thơ Bằng Việt hồi Bếp lửa như thế nào ?
BV (cười): Câu hỏi này, xin thầy giáo tự giải đáp. Thế thầy giáo đã có “Thơ Bằng Việt” chưa ?
(Mặc dù tôi đã đọc rồi nhưng vẫn muốn tác giả tặng cho một cuốn có chữ kí của nhà thơ nên vừa đỏ mặt vừa đáp “chưa” !)
BV (tiếp): Thực ra còn nhiều điều đáng nói về Bếp lửa. Chẳng hạn viết về bà nội của mình, tôi đã sử dụng một thứ ngôn ngữ đời thường:
“Bố ở chiến khu bố còn việc bố
Mày có viết thư chớ kể này kệ nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên”
Đúng là giọng nói, cách nói chân thật tự nhiên của một bà lão nông dân. Tôi muốn “thơ phải là tiếng nói chân thực của đường phố, của nhân dân lao động”. Nghĩ về Bếp lửa, tôi cứ nhớ tới lời của Muytxê “Hãy đập vào trái tim anh! Thiên tài là ở đó!”
NCC (đùa): Tiếp xúc với Bằng Việt ai cũng mến sự khiêm tốn của anh. Thế mà hôm nay anh lại nói tới “thiên tài”!
Chúng tôi cười xoà và bắt tay tạm biệt. Bằng Việt đưa tôi ra tận cổng ngoài số nhà 19 phố Hàng Buồm rồi mới quay lại.
_________________
File đính kèm:
- ver2.0 Tro chuyen voi tac gia bep lua.doc