Hiện nay đất nước ta đang trên con đường đổi mới, phát triển toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị,văn hoá, giáo dục . Vấn đề giao tiếp được đặt ra vô cùng cấp bách, nhất là đối với thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước.
Trên thực tế kết quả bài viết, bài luyện nói và cả trong lời ăn tiếng nói hàng ngày học sinh vi phạm nhiều lỗi dùng từ làm giảm sút hiệu quả giao tiếp, làm mất vẻ đẹp trong sáng của ngôn ngữ Việt.
Vậy làm thế nào để học sinh nắm được yêu cầu cụ thể trong việc sử dụng từ. Giúp học sinh có ý thức tự giác, độc lập sáng tạo hơn trong việc rèn luyện ngôn ngữ để nâng cao hiệu quả giao tiếp tối ưu. Đặc biệt là với các em vùng Trung du miền núi có nhiều hạn chế về từ vựng tiếng Việt.
Việc sửa lỗi dùng từ của học sinh không chỉ nằm trong tiết học cụ thể là đủ mà là cả quá trình dạy - học Ngữ văn. Nó mang tính chất tổng hợp toàn diện về ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp và phong cách. Sửa lỗi dùng từ nặng về tính chất thực hành. Tuy nhiên trọng tâm rơi vào các tiết trả bài Tập làm văn, giờ luyện nói, chuẩn mực sử dụng từ và chương trình địa phương rèn luyện chính tả, sử dụng từ Hán Việt
15 trang |
Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 4005 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giúp học sinh khắc phục một số lỗi dùng từ thường gặp trong giao tiếp, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mục lục
A - Phần Mở đầu. Trang 2
I - Lí do chọn đề tài. Trang 2
II - Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu. Trang 2
III - Giới hạn nghiên cứu. Trang 3
IV - Phương pháp nghiên cứu. Trang 3
B - Phần nội dung. Trang 4
I - Cơ sở lí luận. Trang 4
II - Thực trạng dùng từ của học sinh. Trang 4
III - Phân loại lỗi dùng từ. Trang 5
IV - Biện pháp khắc phục. Trang 10
V - Kết quả đạt được Trang 14
C - Bài học kinh nghiệm. Trang 14
D - Kết luận chung. Trang 15
A - Phần mở đầu.
I - Lí do chọn đề tài.
Hiện nay đất nước ta đang trên con đường đổi mới, phát triển toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị,văn hoá, giáo dục…. Vấn đề giao tiếp được đặt ra vô cùng cấp bách, nhất là đối với thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước.
Trên thực tế kết quả bài viết, bài luyện nói và cả trong lời ăn tiếng nói hàng ngày học sinh vi phạm nhiều lỗi dùng từ làm giảm sút hiệu quả giao tiếp, làm mất vẻ đẹp trong sáng của ngôn ngữ Việt.
Vậy làm thế nào để học sinh nắm được yêu cầu cụ thể trong việc sử dụng từ. Giúp học sinh có ý thức tự giác, độc lập sáng tạo hơn trong việc rèn luyện ngôn ngữ để nâng cao hiệu quả giao tiếp tối ưu. Đặc biệt là với các em vùng Trung du miền núi có nhiều hạn chế về từ vựng tiếng Việt.
Việc sửa lỗi dùng từ của học sinh không chỉ nằm trong tiết học cụ thể là đủ mà là cả quá trình dạy - học Ngữ văn. Nó mang tính chất tổng hợp toàn diện về ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp và phong cách. Sửa lỗi dùng từ nặng về tính chất thực hành. Tuy nhiên trọng tâm rơi vào các tiết trả bài Tập làm văn, giờ luyện nói, chuẩn mực sử dụng từ và chương trình địa phương rèn luyện chính tả, sử dụng từ Hán Việt…
Là một giáo viên Ngữ văn những điều trên làm tôi luôn trăn trở. Tôi đã tiến hành đột phá ứng dụng một số biện pháp vào lớp trực tiếp giảng dạy và nhận thấy các em có chuyển biến tốt hơn trong hoạt động giao tiếp.
Với bài viết này tôi xin tình bày sáng kiến nhỏ và mong các đồng nghiệp tham gia bổ sung hoàn thiện hơn.
II - Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu.
1. Mục đích.
Giúp học sinh khắc phục được một số lỗi dùng từ thường gặp để đạt hiệu quả giao tiếp tối ưu trong văn bản viết và lời ăn tiếng nói hàng ngày.
2. Nhiệm vụ.
Tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân dùng từ sai các loại lỗi dùng từ.
Đề ra một số biện pháp khắc phục lỗi dùng từ đó.
III - Giới hạn nghiên cứu.
Tôi chọn các lớp trực tiếp giảng dạy trong năm học này làm cơ sở thực tiễn: Lớp 7C, 7D.
Bài viết này chỉ dừng lại tìm một số từ thường gặp.
Dùng từ sai âm và chính tả.
Dùng từ viết tắt.
Dùng từ không đúng nghĩa.
Dùng từ không đúng tính chất ngữ pháp.
Dùng từ không đúng sắc thái biểu cảm, phong cách.
Dùng từ lặp.
IV - Phương pháp nghiên cứu.
Quá trình giảng dạy giáo viên tích hợp ba phân môn Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn và kết hợp các phương pháp :
Đàm thoại trực tiếp.
Quan sát kiểm tra.
Thống kê tổng hợp.
Phân tích tổng hợp.
B - Phần nội dung.
I - Cơ sở lí luận.
Việc rèn luyện sử dụng đúng ngôn từ đối với học sinh để đạt được mục đích giao tiếp là vấn đề luôn quan tâm của ngành khoa học về ngôn ngữ. Đặc biệt là đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Ngữ văn trong nhà trường. Hiện nay việc dạy học văn được đổi mới theo hướng tích hợp đòi hỏi học sinh phải chủ động tích cực trong việc rèn luyện ngôn ngữ để làm giàu vốn từ cho bản thân trong hoạt động giao tiếp. Vì vậy, trong chương trình sách giáo khoa mới hiện nay có một số tiết thực hành nhằm hướng dẫn cho các em có ý thức dùng từ đúng.
Trên thực tế sau thời gian áp dụng các biện pháp vào lớp đảm nhiệm tôi nhận thấy hoạt động giao tiếp của học sinh tốt hơn.
Song việc lôi cuốn tất cả các em học sinh cùng tham gia hoạt động ngôn ngữ là một quá trình công phu. Vì học sinh ở địa bàn giảng dạy còn hạn chế nhiều về vốn từ vựng trong giao tiếp.
Từ nhận thức trên bài viết này nhằm tìm ra một số biện pháp khắc phục lỗi dùng từ giúp học sinh có ý thức độc lập, tự chủ khi giao tiếp. Đó là phương tiện để chắp cánh cho các em bay vào thế giới vững vàng hơn, đặc biệt là các em học sinh vùng xa trung tâm còn thiếu tự tin hay rụt rè trong khi giao tiếp.
II - Thực trạng dùng từ của học sinh.
1. Ưu điểm:
Qua thực tế giảng dạy có một số học sinh đã có ý thức trình bày vở viết sạch sẽ, dễ đọc, biết lựa chọn đúng từ.
2. Hạn chế:
Lỗi dùng từ không chỉ tồn tại ở các em có học lực trung bình, yếu, kém mà cả học sinh Khá, Giỏi. Tuy nhiên mức độ chênh lệch giữa các học sinh có khác nhau. Chỉ số ít học sinh mắc 2 loại lỗi, còn hầu hết mắc tất cả các lỗi trên.
Qua thống kê cho thấy:
Tổng số học sinh 74/74 em phạm lỗi dùng từ tương ứng 100%.
Nên việc khắc phục lỗi là nhu cầu thiết yếu trong việc dạy và học môn Ngữ văn.
III - Phân loại lỗi dùng từ.
1. Lỗi dùng từ không đúng âm và chính tả.
Địa bàn tập trung học sinh nông thôn (vùng xa trung tâm) chiếm 100%. Nó tạo thành bức tranh phương ngữ. Do vậy phát âm sai dẫn đến viết như nói là phổ biến. Mặt khác không nắm được qui tắc phát âm, chính tả và viết hoa nên học sinh viết sai chính tả. Hơn nữa còn do ý thức của học sinh.
a. Lỗi về thanh điệu.
Học sinh không phân biệt được thanh hỏi, thanh ngã và thanh nặng.
Ví dụ: Cảm nghĩ / cảm nghị
Lãnh đạo / lảnh đạo
b. Lỗi về phụ âm đầu.
Học sinh không phân biệt được các phụ âm: l/n; tr/ch; s/x; d/gi; v/d.
Ví dụ: Vùi đầu / dùi đầu
Thuỷ triều / thuỷ chiều
Xúc động / súc động
Diệt giặc / diệt dặc
c. Lỗi về phụ âm cuối.
Học sinh không phân biệt giữa: n/ng; t/c.
Ví dụ: Tràn đầy / tràng đầy
Bàng hoàng / bàn hoàng
Dạt dào / dạc dào
d. Lỗi về vần.
Học sinh không phân biệt giữa vần: iu / ưu; ươu / ưu
Ví dụ: Nghỉ hưu / nghỉ hiu
Bướu cổ / bứu cổ
e. Lỗi về chữ viết hoa:
- Viết sai tên riêng:
Ví dụ: Hoàng Anh Văn / hoàng văn anh
- Viết sai tên nước ngoài:
Ví dụ: En - ri - cô / en ri cô
Va - ren / va ren
Không viết hoa chữ đứng đầu câu, và chữ đứng đầu dòng thơ.
Ví dụ: Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa / trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.
2. Dùng từ viết tắt.
Học sinh phạm lỗi này lí do là không nắm được qui ước viết tắt và do ý thức. Trong khi viết muốn viết, viết cho nhanh sợ không kịp, mặt khác do bắt chước tiếng nước ngoài nên dẫn đến viết tắt tuỳ tiện.
a. Dùng chữ số khi viết.
Ví dụ 1: Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
Thì viết sai:
1 cây làm chẳng nên non.
3 cây chụm lại nên hòn núi cao.
Ví dụ 2: Bạn không đến / bạn 0 đến
Hoặc / bạn k0 đến.
b. Dùng kí hiệu toán học thay cho chữ viết.
Ví dụ: Lòng nhân ái / Lòng x ái
c. Dùng tiếng nước ngoài (tiếng Hán, tiếng Anh) thay thế cho tiếng Việt.
Ví dụ: Tình thương người / Tình thương l
Lòng tin của nhân dân / Lòng tin of nhân dân.
d. Dùng phụ âm đầu để thay cho chữ viết.
Ví dụ: bài tập / b. tập.
những / n~ ; ngôn ngữ / ng2; nông nghiệp / N2 .
3. Dùng từ không đúng nghĩa.
a. Dùng từ không đúng nghĩa do liên quan đến từ Hán Việt, không nắm được nghĩa của từ để sử dụng trong hoàn cảnh giao tiếp cho hợp lí.
Ví dụ 1: Học sinh dùng từ "bảo vệ" trong trường hợp sau đây:
"Em đi xa nhớ bảo vệ sức khoẻ nhé!"
Từ "bảo vệ" được dùng để diễn tả sự che chở. Vì vậy cần sửa lại "Em đi xa nhớ giữ gìn sức khoẻ nhé!".
Ví dụ 2: Học sinh dùng từ "nồng nhiệt" trong trường hợp sau:
"Giờ ra chơi cả sân trường nồng nhiệt hẳn lên".
Từ "nồng nhiệt" được dùng để bày tỏ tình cảm thân mật, thắm thiết như: "đón tiếp nồng nhiệt". Vì vậy cần sửa lại "giờ ra chơi cả sân trường nhộn nhịp hẳn lên"
b. Dùng từ không đúng nghĩa do nhầm lẫn giữa từ gần âm với từ gần nghĩa.
Do cách phát âm gần giống nhau nên không xác định đúng về âm tiết dẫn đến dùng từ sai nghĩa.
Ví dụ: Xử lí / xử trí.
Học sinh viết: "Anh Khoai trong câu chuyện "Cây tre trăm đốt" xử lí rất thông minh".
Từ "xử lí" có nghĩa sắp đặt, chỉnh đốn và quyết định như xử lí việc cơ quan, xử lí tài liệu. Vì vậy cần sửa lại: "Anh Khoai trong câu chuyện "Cây tre trăm đốt" xử trí rất thông minh".
Học sinh nhầm lẫn dùng từ gần nghĩa: Vì học sinh không nắm được giữa các từ gần nghĩa có một phần nghĩa chung, ngoài ra có nghĩa klhu riêng biệt.
Ví dụ: Học sinh đặt câu: "Bạn Ngọc đạt nhiều thành quả học tập trong năm học vừa qua".
Giáo viên giải thích cho học sinh phân biệt nghĩa chung giữa "thành quả" và "thành tích".
Do nhầm lẫn phần nghĩa chung của từ đồng nghĩa: "chết, hi sinh, bỏ mạng, qui tiên, từ trần, ra đi…". Giáo viên gọi một em học sinh đặt câu với một trong các từ đồng nghĩa trên. Học sinh đặt câu: "Hôm nay, trên đường đi học về em gặp một em bé từ trần do tai nạn giao thông".
Giáo viên phân tích và sửa lại thay thế từ "từ trần" bằng từ "ra đi" hoặc "mất".
Ngoài ra do không nắm được nghĩa của từ thuần Việt đặc biệt là từ của các địa phương khác nên học sinh dùng từ sai nghĩa.
4. Dùng từ không đúng tính chất ngữ pháp.
Do học sinh không nắm được chức năng của từ loại, thành phần câu dẫn đến không biết dùng từ để đặt câu.
Ví dụ: "Học tập của bạn Lan thật là chăm chỉ".
5. Dùng từ không đúng phong cách.
Do học sinh không phân biệt phong cách nói (khẩu ngữ) và phong cách viết. Không phân biệt từ ngữ khác được dùng trong các loại văn bản khác nhau như văn bản nghị luận văn học với văn bản hành chính công vụ nên dùng từ sai.
Mặt khác, từ ngữ địa phương các em quen dùng, cố hữu khó thay đổi trong khi viết. Có thể nói các em quá lạm dụng từ địa phương.
Một học sinh viết trong đoạn văn tả cảnh trường lúc tan học như sau: "Bạn nam chen chúc bạn nữ bị té ngã môt cú đau điếng người".
Câu văn trên học sinh dùng ngôn ngữ nói là sai phong cách viết.
6. Lỗi dùng từ lặp
- Lặp từ nguyên vẹn (lặp từ giống nhau cả âm và nghĩa)
Ví dụ: Học sinh viết: "Thánh Gióng là anh hùnh diệt giặc mà ta không quên đã gây ấn tượng không quên".
Câu văn lặp lại hai từ "không quên". Cần sửa lại bỏ cả cụm "đã gây ấn tượng không quên".
- Lặp từ đồng nghĩa
Ví dụ: "Lan muốn học tập đạt kết quả thành công thì phải siêng năng chăm chỉ".
Học sinh lặp từ đồng nghĩa tương đối "kết quả", "thành công" sửa lại là bỏ từ "thành công".
Trên đây tôi chỉ nêu ra một số lỗi thường dùng của học sinh trong khi giao tiếp. Những lỗi dùng từ trên làm giảm sút hiệu quả giao tiếp. Trên cơ sở đó bài viết đưa ra một số giải pháp giúp học sinh dùng từ đúng sau đây:
IV - Biện pháp khắc khục.
Việc khắc phục lỗi dùng từ là nhiệm vụ của giáo viên và học sinh trong việc dạy và học.
Phía học sinh phải luôn chủ động tích cực rèn luyện ngôn ngữ từ ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hình thức.
Giáo viên chủ đạo cung cấp tri thức về vốn từ, hướng dẫn rèn luyện học sinh cách dùng từ đúng.
1. Khắc phục lỗi dùng từ do phát âm và chính tả, cách viết hoa, viết tắt.
Trước hết yêu cầu giáo viên khi giảng dạy phải phát âm đúng, viết đúng chính tả, không viết tắt để rèn luyện học sinh không bắt chước theo chuẩn đó.
Để khắc phục các lỗi này nếu tiến hành tập trung trong một tiết cụ thể sẽ gây nhàm chán, cứng nhắc. Nên giáo viên cần kết hợp lồng ghép giữa ba phân môn: Văn, Tiếng Việt và Tập làm văn, giành thời gian khoảng 3 - 5 phút kiểm tra nhẹ nhàng có kế hoạch. Giáo viên đưa ngữ liệu cho học sinh thảo luận nhóm. Từ đó giúp học sinh tự kiểm tra và điều chỉnh lẫn nhau mà các em không bị áp lực của giáo viên.
Trong chương trình Ngữ văn 7 đã có một số bài học giúp học sinh sử dụng đúng từ, chuẩn mực sử dụng từ, chương trình địa phương, rèn luyện chính tả, sử dụng từ Hán Việt…. Giáo viên kết hợp tiết trả bài Tập làm văn, thống kê các lỗi dùng từ trong bài viết và giáo viên đọc các lỗi phát âm sai cho học sinh tự sửa chữa.
Trong tiết dạy văn bản giáo viên gọi hai em thường phát âm sai đứng dậy đọc khoảng từ 10 - 15 câu để rèn luyện phát âm đúng.
Ngoài ra hướng dẫn học sinh nghe sóng phát thanh đài Hà Nội và học cách phát âm chuẩn đó. Đây là biện pháp đơn giản nhưng rất hữu hiệu.
Giáo viên thường xuyên kiểm tra vở ghi, vở soạn, vở bài tập của học sinh. Tổ chức thi đua vở sạch chữ đẹp và có khen chê thoả đáng, giáo viên có thể lấy nó vào một con điểm thực hành để giúp học sinh có ý thức viết đúng chính tả và không viết tắt.
Việc chấm, trả bài của giáo viên phải luôn kịp thời, khi chấm bài giáo viên cần phải gạch chân những lỗi sai, sữa chữa ngay trên bài viết của học sinh bằng bút đỏ. Giáo viên ghi lời nhận xét bài làm để nêu ở trên lớp, khi trả bài giáo viên không giải quyết hết những lỗi sai, mà hướng dẫn học sinh về nhà tự sửa chữa. Trong mỗi tiết trả bài giáo viên yêu cầu học sinh đọc thuộc qui tắc viết hoa tiếng Việt và tiếng nước ngoài nhằm giúp các em củng cố khắc sâu để hạn chế tối đa các lỗi đó.
Đối với chữ viết tắt, giáo viên cho phép học sinh viết tắt những chữ đã qui ước. Ví dụ: "Trường THCS Đặng Thai Mai", ngoài ra giáo viên tính số lần vi phạm viết tắt sẽ trừ điểm để khắc phục lỗi viết tắt tuỳ tiện.
Ngoài ra, giáo viên hướng dẫn học sinh xem từ điển tiếng Việt.
2. Khắc phục lỗi dùng từ không đúng nghĩa.
Việc dùng từ không đúng nghĩa phần lớn do không hiểu nghĩa của từ, không nắm được sắc thái ý nghĩa trong hoàn cảnh giao tiếp.
a. Khắc phục lỗi dùng từ không đúng nghĩa do liên quan đến từ Hán Việt.
- Từ vựng tiếng Việt có hơn một nửa số lượng liên quan yếu tố Hán và từ Hán Việt. Học sinh không nắm được sắc thái ý nghĩa của từ Hán Việt và cho rằng những từ thuần Việt đồng nghĩa sẽ thay thế được. Mặt khác nhiều học sinh vẫn mơ hồ về nghĩa vẫn dùng.
Vì vậy, khi dạy giáo viên cần giải thích cho học sinh hiểu rõ dùng từ đúng, nghĩa là dùng từ chính xác trong một hoàn cảnh nhất định không thể thay thế bằng từ ngữ bất kì nào khác.
- Trong bài học "Từ Hán Việt" giáo viên khắc sâu cho học sinh nắm được sắc thái biểu cảm của từ Hán Việt và yêu cầu học sinh không được lạm dụng từ Hán Việt. Giáo viên hướng dẫn học sinh mở rộng vốn từ theo chủ điểm, yêu cầu học sinh đặt câu, viết đoạn văn ngắn giúp các em có vốn từ phong phú.
Khi thực hành luyện tập dùng từ Hán Việt giáo viên đưa ra ngữ liệu từ Hán Việt đối chiếu với từ thuần Việt.
Giáo viên cho học sinh thảo luận nhóm, lựa chọn phương án đúng.
Ví dụ: Xét các câu sau, câu nào dùng từ hợp lí? Vì sao?
Các em nhi đồng đang nô đùa ngoài sân.
Các em nhỏ đang nô đùa ngoài sân.
Trẻ em đang nô đùa ngoài sân.
Ta chọn b, c đúng. Vì biểu hiện tình cảm thân mật, gần gũi và trong sáng.
b. Khắc phục lỗi dùng từ không đúng nghĩa giữa từ gần âm với từ gần nghĩa và phần nghĩa chung của từ đồng nghĩa.
Giáo viên thông qua phân tích ngữ liệu để học sinh phân biệt được: mối quan hệ giữa từ gần âm có vẻ âm thanh phát ra giống nhau dễ nhầm lẫn. Giáo viên có thể đọc cho học sinh ghi lại 5 lần.
Ví dụ: xử lí / xử trí
Phân biệt nét nghĩa chung và nghĩa khu biệt trong từ gần nghĩa.
Ví dụ: Thành quả / thành tích.
Thành tựu / thành công.
Phân biệt sắc thái ý nghĩa của từ đồng nghĩa hoàn toàn và từ đồng nghĩa không hoàn toàn.
Ví dụ: Trái / quả.
Chết / hi sinh / từ trần / qui tiên / ra đi…
Từ đó để học sinh nhận thấy mối quan hệ giữa các loại từ trên và xác định rõ ý nghĩa của từ và hoàn cảnh sử dụng chúng cho hợp lí.
3. Khắc phục lỗi dùng từ không đúng ngữ pháp.
Muốn khắc phục được lỗi này giáo viên thường xuyên củng cố cho học sinh kiến thức từ loại. Chức năng ngữ pháp của danh từ, động từ, tính từ và các phụ từ trong câu. Tiến hành xen kẽ trong các tiết trả bài, luyện tập đặt câu, viết đoạn văn trong bài tiếng Việt. Giáo viên chọn câu sai trật tự ngữ pháp để sửa chữa cho cả lớp quan sát. Sau đó giáo viên hướng dẫn học sinh đặt câu dùng từ đúng chức năng ngữ pháp. Giáo viên lập sơ đồ câu cụ thể để cho học sinh khái quát được trật tự ngữ pháp để sửa chữa cho học sinh quan sát, sửa chữa lại giúp học sinh dễ nhớ.
4. Khắc phục lỗi dùng từ sai phong cách.
Học sinh thường lẫn lộn giữa phong cách nói và phong cách viết lạm dụng quá nhiều từ địa phương khi giao tiếp làm cho đối tượng giao tiếp khó hiểu.
Giáo viên cần phân biệt cho học sinh rõ sự khác nhau giữa việc lạm dụng từ ngữ địa phương với việc dùng từ địa phương có ý nghệ thuật ở trong sáng tác văn chương.
Học sinh phân biệt được ngôn ngữ đời thường khác với ngôn ngữ văn chương. Từ đó, học sinh có ý thức lựa chọn từ ngữ đúng để diễn đạt bài văn hoàn chỉnh hơn.
Mặt khác, giáo viên lấy ngữ liệu để phân tích sự khác nhau giữa ngôn ngữ phong cách nghệ thuật với ngôn ngữ chính luận, hành chính công vụ để học sinh dùng từ đúng với phong cách văn bản ấy.
5. Khắc phục lỗi lặp từ.
Việc lặp từ của học sinh diễn ra tập trung nhiều nhất trong bài viết tập làm văn. Do học sinh nghèo nàn về vốn từ vựng nên các em dùng một từ cùng nghĩa nhiều lần trong câu văn, đoạn văn. Vì vậy giáo viên hướng dẫn cụ thể cho học sinh bị mắc lỗi đó là yêu cầu các em tìm từ ngữ khác thay thế câu văn, đoạn văn hay hơn, nhằm mở rộng vốn từ cho học sinh để khắc phục tình trạng bí từ trong nói và viết. Do học sinh nhầm lẫn giữa lặp từ với điệp ngữ. Học sinh nhầm rằng lặp từ là một phép tu từ.
Bởi vậy khắc phục việc nhầm lẫn, giáo viên cần lấy ngữ liệu để phân tích đối chiếu giúp học sinh nhận thức được tác hại của lỗi lặp từ trong giao tiếp sẽ khác hoàn toàn với điệp từ ngữ là phép tu từ cú pháp.
Từ những nhận thức trên để khắc phục việc dùng từ lặp lại.
Trên đây đây là một số biện pháp khắc phục lỗi dùng từ song còn mang nặng tính chất khái quát. Việc khắc phục lỗi này là đã được tiến hành vận dụng vào từng bài học cụ thể tích hợp giữa Văn, Tiếng Việt và Tập làm văn. Ngoài ra giáo viên cùng kết hợp với phụ huynh học sinh thường xuyên quan tâm kiểm tra vở học tập, bài kiểm tra, đặc biệt là trong lời ăn tiếng nói hàng ngày để giúp các em có ý thức đúng, viết đúng, nói hay, viết hay.
V - Kết quả đạt được.
Sau khi vận dụng các biện pháp khắc phục như trên đã rút ngắn khoảng cách lỗi dùng từ cho học sinh . Số học sinh vi phạm viết sai chính tả do phát âm sai, lỗi viết hoa, lỗi dùng từ viết tắt đã hạn chế rất nhiều.
Các lỗi dùng từ không đúng nghĩa, dùng từ sai ngữ pháp, dùng từ lặp, dùng từ không đúng phong cách chỉ còn đọng lại ở các em học sinh có học lực trung bình, yếu, kém. Riêng các em có học lực khá, giỏi lỗi dùng từ chỉ còn vài lỗi nhỏ trong bài viết.
C - Bài học kinh nghiệm.
Bài viết này giáo viên tìm nguyên nhân và đưa ra một số biện pháp khắc phục lỗi dùng từ của học sinh. Trên thực tế việc vận dụng các biện pháp trên đã mang lại hiệu quả thiết thực. Những hạn chế tối đa lỗi dùng từ của học sinh là một quá trình công phu nhiệt huyết của người giáo viên và sự nỗ lực của các em học sinh.
Giáo viên khi dạy cần tích hợp các phân môn trong quá trình rèn luyện cách dùng từ cho học sinh. Giáo viên cần xem tiết trả bài tập làm văn và trả bài kiểm tra là một tiết quan trọng để giúp học sinh sửa lỗi. Bởi vì trong bài viết của học sinh, các em đã thể hiện nhận thức về nội dung, hình thức trình bày và kỹ năng dùng từ.
Học sinh cần thường xuyên tích cực chủ động rèn luyện, bồi đắp ngôn ngữ, làm phong phú vốn từ cho bản thân và nhận thức rõ qui tắc dùng từ tiếng Việt.
Khắc phục lỗi thường dùng đã giúp học sinh cần đạt hiệu quả giao tiếp tốt. Mặt khác đó là một biện pháp góp phần, bảo tồn, giữ gìn và phát huy sự trong sáng giàu đẹp của tiếng Việt.
D - Kết luận chung.
Bài viết này tôi đưa ra một sáng kiến nhỏ nhằm giúp cho học sinh khắc phục được lỗi dùng từ trong giao tiếp. Hi vọng sáng kiến này không chỉ vận dụng đối với lớp tôi đảm nhiệm và mang tính chất phổ biến với các em học sinh THCS.
Bài viết này không tránh khỏi những khiếm khuyết. Tôi rất mong các đồng nghiệp xem xét bổ sung cho bài viết hoàn chỉnh hơn để nhằm tìm ra giải pháp tối ưu giúp học sinh có kĩ năng dùng từ trong giao tiếp.
Tôi xin chân thành cảm ơn!.
Anh sơn, tháng 04 năm 2006
File đính kèm:
- SKKN Xuan.doc