Đối với việc dạy học Ngữ Văn, phương pháp dạy học truyền thống lấy giáo viên làm trung tâm đã thống trị hàng chục năm trong nhà trường, trở thành một tập quán có sức ì khó thay đổi. Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi đó là cách học theo điệu "sáo" nghĩa là chỉ bắt chước và lặp lại, không hề có tính sáng tạo, hiệu quả đạt được thấp. Tình hình đó đặt ra một vấn đề bức thiết đối với đôi ngũ giáo viên nói riêng, với ngành giáo dục nói chung là phải đổi mới.
Hạt nhân của sự đổi mới phương pháp dạy học là lấy học sinh làm trung tâm, đề cao vai trò của người học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Người thầy tổ chức các hoạt động nhận thức và có vai trò quyết định đối với quá trình tổ chức hoạt động của trò.
Thực tế từ khi đổi mới đến nay, giáo dục tích cực theo hướng coi học sinh là trung tâm không chỉ đưa lại một sức sống mới cho giáo dục ở thời đại mới mà cũng là con đường có triển vọng để nhận thức lại cơ chế dạy học Văn, đặc biệt là dạy tác phẩm văn chương trong nhà trường.
Việc đổi mới phương pháp dạy học Văn tác động đến việc thay đổi chương trình, nội dung sách giáo khoa, cách đánh giá học sinh . Một trong những sự đổi mới có thể nhận rõ đó là nội dung chương trình. Trong chương trình Ngữ Văn THCS , bên cạnh loại bài dạy học theo nghĩa truyền thống: Thầy và trò cùng hoạt động tìm hiểu toàn bộ giá trị nội dung và nghệ thuật tác phẩm (văn bản) thì còn có loại bài khác - loại bài "hướng dẫn đọc thêm".
Đây không phải là loại bài mới, những vì chưa có một giáo trình nào của trường Sư phạm định hướng một cách rõ ràng cụ thể phương pháp dạy học nên hầu hết giáo viên hết sức lúng túng khi dạy loại bài hướng dẫn đọc thêm này.
Qua quá trình dạy học, tự tìm tòi, học hỏi thêm đồng nghiệp chúng tôi dần dần hình thành cho mình một cách, phương pháp dạy - học loại bài này và bước đầu có kết quả. Trong phạm vị một sáng kiến kinh nghiêm, xin được nêu một vài kinh nghiệm của bản thân về dạy loại bài hướng dẫn đọc thêm trong chương trình Ngữ văn lớp 9.
11 trang |
Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 4395 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một vài kinh nghiệm về dạy - Học loại bài hướng dẫn đọc thêm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề cương sơ lược
A. Đặt vấn đề
B. Giải quyết vấn đề
I. Cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn
1. Cơ sở lí luận
a. Số lượng bài hướng dẫn đọc thêm trong chương trình ngữ văn THCS.
b. Vị trí của loại bài này trong chương trình Ngữ Văn.
c. Đặc trưng cơ bản về phương pháp dạy học loại bài này.
2. cơ sở thực tiễn
a. Thực trạng dạy học loại bài này
b. Kết quả.
II. Một vài kinh nghiệm dạy học loại bài hướng dẫn đọc thêm.
1. Về nguyên tắc.
2. Về phương pháp.
a. Phương pháp dạy học phần chú thích.
b. Phương pháp dạy học phần đọc - hiểu văn bản.
Bước 1: Hướng dẫn phương pháp đọc văn bản.
Bước 2: Hướng dẫn phương pháp tìm hiểu văn bản.
c. Hướng dẫn học phần tổng kết.
C. Một thiết kế minh hoạ:
(Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm)
D. Kết quả thực nghiệm kinh nghiệm.
E. Kết luận.
G. Tài liệu tham khảo.
Một vài kinh nghiệm về dạy - học
loại bài hướng dẫn đọc thêm
A. Đặt vấn đề
Đối với việc dạy học Ngữ Văn, phương pháp dạy học truyền thống lấy giáo viên làm trung tâm đã thống trị hàng chục năm trong nhà trường, trở thành một tập quán có sức ì khó thay đổi. Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi đó là cách học theo điệu "sáo" nghĩa là chỉ bắt chước và lặp lại, không hề có tính sáng tạo, hiệu quả đạt được thấp. Tình hình đó đặt ra một vấn đề bức thiết đối với đôi ngũ giáo viên nói riêng, với ngành giáo dục nói chung là phải đổi mới.
Hạt nhân của sự đổi mới phương pháp dạy học là lấy học sinh làm trung tâm, đề cao vai trò của người học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Người thầy tổ chức các hoạt động nhận thức và có vai trò quyết định đối với quá trình tổ chức hoạt động của trò.
Thực tế từ khi đổi mới đến nay, giáo dục tích cực theo hướng coi học sinh là trung tâm không chỉ đưa lại một sức sống mới cho giáo dục ở thời đại mới mà cũng là con đường có triển vọng để nhận thức lại cơ chế dạy học Văn, đặc biệt là dạy tác phẩm văn chương trong nhà trường.
Việc đổi mới phương pháp dạy học Văn tác động đến việc thay đổi chương trình, nội dung sách giáo khoa, cách đánh giá học sinh ... Một trong những sự đổi mới có thể nhận rõ đó là nội dung chương trình. Trong chương trình Ngữ Văn THCS , bên cạnh loại bài dạy học theo nghĩa truyền thống: Thầy và trò cùng hoạt động tìm hiểu toàn bộ giá trị nội dung và nghệ thuật tác phẩm (văn bản) thì còn có loại bài khác - loại bài "hướng dẫn đọc thêm".
Đây không phải là loại bài mới, những vì chưa có một giáo trình nào của trường Sư phạm định hướng một cách rõ ràng cụ thể phương pháp dạy học nên hầu hết giáo viên hết sức lúng túng khi dạy loại bài hướng dẫn đọc thêm này.
Qua quá trình dạy học, tự tìm tòi, học hỏi thêm đồng nghiệp chúng tôi dần dần hình thành cho mình một cách, phương pháp dạy - học loại bài này và bước đầu có kết quả. Trong phạm vị một sáng kiến kinh nghiêm, xin được nêu một vài kinh nghiệm của bản thân về dạy loại bài hướng dẫn đọc thêm trong chương trình Ngữ văn lớp 9.
B. Giải quyết vấn đề
I. Cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn
1. Cơ sở lí luận:
a. Trong cấu trúc chương trình Ngữ Văn THCS loại bài hướng dẫn đọc thêm chiếm dung lượng khá nhiều.
Cụ thể:
Bảng thống kê các văn bản hướng dẫn đọc thêm
trong chương trình Ngữ Văn THCS
TT
Lớp
Tên bài
1
6
- Văn bản: "Bánh chưng, bánh giày"
2
6
- Văn bản: "Sự tích Hồ Gươm"
3
6
- Văn bản: "Ông lão đánh cá và con cá vàng"
4
6
- Văn bản: "Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng"
5
6
- Văn bản: "Lớn cưới, áo mới"
6
6
- Văn bản: "Con hổ có nghĩa"
7
6
- Văn bản: "Mưa"
8
6
- Văn bản: "Lòng yêu nước"
9
7
- Văn bản: "Sau phút chia li "
10
7
- Văn bản: "Xa ngắm thác núi Lư"
11
7
- Văn bản: "Sài Gòn tôi yêu"
12
8
- Văn bản: "Muốn làm thằng Cuội"
13
8
- Văn bản: "Hai chữ nước nhà"
14
9
- Văn bản: "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ"
15
9
- Văn bản: "Những đứa trẻ"
16
9
- Văn bản: "Con cò"
17
9
- Văn bản: "Bến quê"
Như vậy số lượng bài hướng dẫn học thêm trong chương trình Ngữ Văn THCS là 17 bài dành cho cả 4 khối lớp - một số lượng không nhỏ và có ý nghĩa lớn với học sinh.
b. Vị trí của loại bài này trong chương trình Ngữ Văn.
Bên cạnh hệ thống các văn bản học chính thức, thì loại văn bản hướng dẫn học thêm này góp phần làm giàu kiến thức văn học cho học sinh. Đặc biệt nó có một vị trí quan trọng trong việc rèn luyện kĩ năng - phương pháp tự học, tự nghiên cứu một văn bản văn chương cho học sinh, góp phần hình thành cho các em một "Văn hoá đọc" đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học Văn "Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh".
c. Đặc trưng cơ bản về phương pháp dạy học loại bài hướng dẫn học thêm.
Đặc trưng cơ bản về phương pháp dạy học loại bài này là: coi trọng yếu tố tự học của trò thông qua sự hướng dẫn một cách khoa học của thầy gợi mở phương pháp nhiều hơn là dạy kiến thức. Nó khác với loại bài dạy học chính khoá là thầy và trò "đồng hoạt động, đồng sáng tạo, đồng cảm thụ"
2. Cơ sở thực tiễn
a. Thực trạng dạy học loại bài hướng dẫn đọc thêm.
Thực tế hiện nay đang tồn tại hai khuynh hướng - hai cách dạy loại bài này:
Cách 1: Để học sinh tự hoạt động thông qua hình thức giáo viên nêu một số câu hỏi (SGK) - trò trả lời.
Cách 2: Thầy trò cùng hoạt động, tìm hiểu vài nét sơ lược về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Nguyên nhân của thực trạng như đã nêu ban đầu là chưa có một trường Sư phạm, một cấp chỉ đạo chuyên môn nào cung cấp cho sinh viên phương pháp cụ thể dạy - học loại bài này, và sách giáo viên cũng không có hướng dẫn cụ thể, nên giáo viên phải tự bơi trong "sáng tạo".
b. Kết quả.
Kết quả của cách dạy này dẫn đến yếu tố "hướng dẫn" của thầy và kĩ năng tự học và đọc thêm của trò không thực hiện được, hoặc nếu có thể thì rất mờ nhạt và điều đáng buồn hơn là các em không nắm được đặc sắc nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, do vậy mà kiến thức của các em nghèo đi.
3. Từ cơ sở lí luận và thực tiễn như trên, đặt chúng tôi - những giáo viên dạy Ngữ Văn - phải tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm để hình thành dần một phương pháp dạy - học tối ưu cho loại bài này nhằm khắc phục những hạn chế như đã nêu, góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học Văn trong nhà trường. Sau đây xin nêu một vài kinh nghiêm bước đầu của bản thân.
II. Một vài kinh nghiệm dạy học loại bài hướng dẫn đọc thêm.
1. Về nguyên tắc.
Coi trọng yếu tố hướng dẫn - tự học của loại bài hướng dẫn đọc thêm và có ý nghĩa của nó trong việc rèn luyện kĩ năng, tiến đến hình thành, xây dựng một phương pháp tự học - một văn hoá đọc, làm cơ sở cho quá trình học văn trong nhà trường và sau này vào đưòi cho học sinh.
Nhận rõ vai trò của yếu tố hướng dẫn, để thầy làm tốt nhiệm vụ của mình trong vai trò này đối với học sinh, giúp các em "tự học" tốt hơn, có hiệu quả hơn.
Thấy được mối quan hệ biện chứng của hai yếu tố "tự học" và "hướng dẫn". Nếu người giáo viên hướng dẫn tốt tất yếu học sinh sẽ tự học tốt, ngược alị nếu hướng dẫn có hạn chế, kết quả tự học sẽ không cao.
2. Về phương pháp.
a. Phương pháp dạy học phần chú thích.
Phần này lưu ý hai loại chú thích:
*Loại 1: Những kiến thức về tác giả, tác phẩm
Phần này giáo viên chỉ hướng dẫn học sinh tìm được yếu tố nào trong cuộc đời của tác giả đã ảnh hưởng và chi phối sâu sắc đến quá trình thai nghén tác phẩm. Đây là yếu tố quan trọng để giúp các em hiểu sâu nội dung tác phẩm.
Ví dụ: Khi giới thiệu tác giả của đoạn trích "Những đứa trẻ" - lớp 9 - thì cần phải lưu ý với học sinh rằng tuổi ấu thơ của Gooc - ki cũng từng sống trong đắng cay, tủi hờn để trong quá trình tìm hiểu văn bản các em cắt nghĩa được vì sao nhà văn có được những trang viết xúc động như vậy về những đứa trẻ.
* Loại 2: Loại chú thích về từ ngữ và các điển tích.
Phần này chỉ hướng dẫn các em tìm hiểu và nắm từ ngữ khó, điển tích khó với mục đích giúp các em khai thông - giải mã văn bản bước đầu.
b. Phương pháp dạy học phần đọc - hiểu văn bản.
Bước 1: Hướng dẫn phương pháp đọc văn bản.
Qua quá trình hướng dẫn phương pháp đọc tác phẩm cần phải tuân theo qui trình sau:
- Giáo viên đọc mẫu
- Giáo viên định hướng phương pháp đọc cho tất cả các em học sinh
- Học sinh đọc
- Giáo viên yêu cầu các học sinh khác nhận xét các đọc của bạn để rút kinh nghiệm đồng thời nhận thức thế nào là đọc đúng.
Để hoàn thành tốt qui trình này thì giáo viên đọc mẫu phải tốt, định hướng phương pháp đọc phải rõ ràng cụ thể.
Bước 2: Hướng dẫn phương pháp tìm hiểu văn bản.
* Với loại bài này trên cơ sở câu hỏi sách giáo khoa, giáo viên hướng dẫn học sinh đi sâu tìm hiểu hai vấn đề cơ bản:
- Đặc sắc nội dung
- Đặc sắc nghệ thuật.
Trong mỗi phần giáo viên phải cung cấp cho học sinh hệ thống câu hỏi vừa đủ để định hướng gợi mở cho các em tự tìm hiểu đặc sắc bội dung và đặc sắc nghệ thuật của văn bản.
Giáo viên tổ chức cho các em trao đổi thông qua hệ thống câu hởi đó.
* Vai trò của thầy giáo trong phần hướng dẫn đọc - hiểu văn bản , vừa hướng dẫn, vừa tổ chức cho trò hoạt động tìm hiểu, vừa là thư kí chắt lọc - ghi lại kết quả tự tìm hiểu của từng cá nhân - tập thể lớp, vừa giúp đỡ với tinh thần góp thêm một cách hiểu để định hướng và làm phong phú thêm kết quả cảm thụ cho các em.
c. Hướng dẫn học phần tổng kết.
Cũng thông qua hệ thống câu hỏi (hai hoặc ba câu) giáo viên định hướng để học sinh tự tổng kết rút ra đặc sắc giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản và giúp các em chắt lọc, tự ghi lại nội dung cơ bản nhất của phần tổng kết. Lưu ý phần này có tác dụng rất lớn trong việc rèn kì năng tổng hợp, khái quát, kĩ năng nói cho học sinh rất lớn nên thầy giáo không được làm thay.
d. Hướng dẫn học sinh tiếp tục học ở nhà.
Phần này đối với loại bài hướng dẫn đọc thêm có ý nghĩa quan trọng, giúp các em nắm chắc hơn những điều đã được hướng dẫn ở lớp, trên cơ sở đó đi sâu tìm hiểu thêm những vấn đề chưa được thầy giáo và bạn học đề cập đến, vì vậy nên giáo viên cần hướng dẫn các em tiếp tục tự mình đọc thêm tác phẩm ở nhà một cách cụ thể và với một mục đích rõ ràng, trành hình thức qua loa, chiếu lệ.
C. Một thiết kế minh hoạ
* Lưu ý: Văn bản này học chung với văn bản "Bếp lửa" (học chính thức) trong hai tiết. Vì thế thời lượng dành cho hướng dẫn đọc thêm văn bản này tối đa 20 phút.
Văn bản:
Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
(Nguyễn Khoa Điềm)
A. Yêu cầu cần đạt:
Giúp học sinh:
- Cảm nhận được tình yêu thương con và ước vọng của người mẹ dân tộc Tà-ôi trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, từ đó phần nào hiểu được lòng yêu quê hương, đất nước và khát vọng tự do của nhân dân ta trong thời kì lịch sử này.
- Giọng điệu thơ tha thiết, ngọt ngào của Nguyễn Khoa Điềm qua những khúc ru cùng bố cục đặc sắc của bài thơ.
B. Chuẩn bị:
- GV: Giáo án
- HS: Học bài, làm bài tập và soạn bài
C. Tiến trình giờ học:
1. ổn định lớp
2 . Bài mới:
Hoạt động 1: Hướng dẫn tìm hiểu về tác giả, tác phẩm
Hoạt động của thầy và trò
Nội dung ghi bảng
? Để tạo cơ sở cho việc cảm thụ tác phẩm tốt, điều đầu tiên người đọc phải làm gì? Dựa vào đâu để tìm hiểu tác giả, tác phẩm?
- HS yếu kém nêu
- HS Tb nhận xét và bổ sung
- GV định hướng đúng.
? Dựa vào phần chú thích về tác giả kết hợp với những hiểu biết của em, hãy nêu những nét cần lưu ý về tác giả Nguyễn Khoa Điểm?
- HS yếu kém nêu
- HS Tb nhận xét và bổ sung
- GV định hướng đúng.
? Bài thơ này được sáng tác trong hoàn cảnh nào?
- HS Tb trình bày hoàn cảnh ra đời của bài thơ.
- HS khá giỏi nhận xét và bổ sung.
I. Vài nét về tác giả, tác phẩm
1. Tác giả:
- Nguyễn Khoa Điềm (1943)
- Quê: Phong Điền - Thừa Thiên Huế.
- Thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
- Ông từng sống và chiến đấu cùng người dân Vân Kiều ở miền Tây Thừa Thiên.
2. Tác phẩm
- Bài thơ được sáng tác năm 1971, khi đang công tác ở chiến khu miền Tây Thừa Thiên.
Hoạt động 2: Hướng dẫn đọc và tìm hiểu chung về bài thơ
- GV hướng dẫn HS giọng đọc: Đọc với giọng tha thiết, chú ý các điệp khúc.
- GV đọc mẫu.
- HS theo dõi giọng đọc
- GV hướng dẫn đọc chú thích ở nhà
- HS trả lời
? Bài thơ thuộc thể thơ gì?
- HS Tb xác định
? Bài thơ có thể chia theo bố cục nào?
- HS chia bố cục
II. Đọc và tìm hiểu chung về văn bản
1. Đọc
2. Tìm hiểu chú thích
3. Thể thơ
8 chữ, vần chân, mang tính chất một bài hát ru.
4. Bố cục: Gồm 3 đoạn, mỗi đoạn gồm 2 lời ru
- Lời ru của nhà thơ (7 câu)
- Lời ru cuả mẹ (4 câu)
Từng khúc mở đầu bằng:
"Em Cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi"
Kết thúc:
"Ngủ ngoan A Kay ơi ..."
Hoạt động 3: Hướng dẫn đọc - hiểu văn bản
? Sau khi tìm hiểu về tác giả, tác phẩm, đọc tác phẩm, bước tiếp theo người đọc phải làm gì?
- HS xác định.
? Về đặc sắc nội dung, ở bài thơ này ta phải đi sâu tìm hiểu vấn đề gì? (Nhân vật nào?)
? Phân tích nhân vật bà mẹ ta phải làm gì?
- HS trình bày phương pháp
- GV định hướng (Tình cảm của bà mẹ)
? Hình ảnh người mẹ Tà - ôi có những nét nào đáng quý?
- HS Tb trình bày cảm nhận.
- HS khá giỏi nhận xét và bổ sung.
(Thương con, yêu quê hương, đất nước, lãnh tụ)
? Hiện lên qua lời ru của mẹ là tình yêu thương con như thế nào?
- HS Tb phát hiện và nêu suy nghĩ
? Tình yêu quê hương đất nước thể hiện qua những câu thơ nào?
- HS yếu kém đọc và phát hiện.
? Những câu thơ đó cho em cảm nhận gì về tình yêu quê hương, đất nước?
- HS tự bộc lộ cảm nhận.
- GV định hướng: Bằng hành động của mẹ tham gia sản xuất ở hậu phương phục vụ tiền tuyến chiến đấu: giã gạo, tỉa bắp. Mẹ còn trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến với tinh thần quyết tâm, với lòng tin thắng lợi.
? Lòng kính yêu lãnh tụ gắn liền với điều gì?
- HS Tb phát hiện.
- GV định hướng: Mong muốn trở thành công dân của một nước tự do.
? Đây có còn là mong muốn của riêng mẹ nữa không mà còn là mong muốn của những ai?
- HS nhận định.
- GV định hướng: Đây là nguyện vọng thiết tha cháy bỏng của mẹ, của nhân dân Tà - ôi.
? Từ những đặc điểm phân tích em có cảm nhận gì về hình ảnh cảu người mẹ Tà - ôi.
? Làm nên những nội dung đặc sắc trên nhờ có những nét nghệ thuật. Khi tìm hiểu những nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ ta tìm hiểu những khía cạnh nào?
- GV gợi mở: giọng điệu thơ, hình ảnh thơ, sử dụng một số biện pháp nghệ thuật tu từ.
- HS phát hiện chi tiết nghệ thuật
III. Đọc - hiểu văn bản
1. Đặc sắc về nội dung
* Hình ảnh người mẹ Tà - ôi
- Thương con
+ Mong con sớm trở thành chàng trai Tà - ôi cao lớn, khoẻ mạnh phi thường để có thể vung chày lún sân, giã gạo cho hạt gạo trắng ngần để bộ đội ăn no đánh thắng, có thể phát mười núi Ka - lui.
+ Mơ được thấy Bác Hồ, được thành người tự do.
- Yêu quê hương đất nước.
+ Thương bộ đội
+ Thương làng đói
+ giã gạo để nuôi bộ đội.
+ Tham gia sản xuất
+ đi chuyển lán, đi đạp rừng, đi giành trận cuối.
- Yêu lãnh tụ
=> Hình ảnh người mẹ vất vả, nghèo khổ nhưng vẫn bền bỉ, quyết tâm trong công việc lao động và kháng chiến. Yêu con và cũng rất nặng tình với buôn làng, quê hương, bộ đội và kháo khát một đất nước tự do.
2. Đặc sắc về nghệ thuật
- Giọng điệu thơ ngọt ngào tha thiết của khúc hát ru.
- Hình ảnh thơ: gần gũi, mộc mạc được nói theo cách rất riêng của người dân tộc Vân Kiều
- Sử dụng một số biện pháp nghệ thuật: nhân hoá, ẩn dụ.
Hoạt động 4: Hướng dẫn tổng kết
- Theo em, giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ thể hiện như thế nào?
- HS tự khái quát.
IV. Tổng kết
1. Nghệ thuật:
- Khúc hát ru với giọng điệu ngọt ngào, thiết tha
- Hình ảnh ẩn dụ
2. Nội dung
- Khúc hát của tình yêu thương con và ước vọng của người mẹ gắn liền với lòng yêu nước, với tinh thần chiến đấu của người mẹ Tà - ôi.
4. Củng cố:
Từ hình ảnh của người mẹ Tà - ôi, em có liên hệ gì về tình yêu quê hương đất nước, ý chí chiến đấu cho độc lập tự do của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước?
- HS tự bộc lộ
5. Hướng dẫn về nhà:
- Nắm được kiến thức bài học
- Học thuộc bài thơ
- Tiếp tuọc tìm hiểu kĩ một số khía cạnh nội dung (Yêu thương con, yêu bộ đôi, yêu lãnh tụ bà mẹ đã làm gì?) và nghệ thuật của bài thơ (Thể hiện qua những chi tiết cụ thể)
- Soạn bài: "ánh trăng"
D. Kết quả thực nghiệm kinh nghiệm.
1. Về định tính:
Học sinh bước đầu biết cách đọc thêm một tác phẩm cụ thể, điều này thể hiện rõ qua bài soạn của các em về loại bài hướng dẫn đọc thêm. Đa phần trong bài soạn các em đã nêu được vài nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ. Tuy nhiên nó chỉ là bước đầu nhưng có tác dụng làm cơ sở cho việc dạy và học ở trên lớp.
2. Về định lượng.
Kết quả kiểm tra 15 phút của bài "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" so với năm trước khi chưa thực hiện kinh nghiệm này, học sinh có nhiều tiến bộ.
Đề kiểm tra 15 phút:
Tình cảm và ước vọng của người mẹ Tà - ôi qua ba khúc ru?
Kết quả
Số lượng HS
Giỏi
Khá
Tb
Yếu
36
4
8
24
0
E. Kết luận.
Hướng dẫn đọc thêm là loại bài có tác dụng làm giàu vốn văn chương, rèn luyện kĩ năng tự học, tự cảm thụ và bước đầu xây dựng cho học sinh một văn hoá đọc, nếu như chúng ta có được một phương pháp dạy và học đúng với đặc trưng thể loại.
Là một giáo viên mới vào nghề, vốn kinh nghiệm chưa nhiều, những điều nêu trên mới chỉ là bước đầu với mong muốn làm phong phú hoá - tiến đến góp phần định hình phương pháp dạy - học loại bài vốn không mấy ai yêu thích này. Vì vậy chắc chắn không tránh khỏi khiếm khuyết.
Kính mong đồng nghiệp miễn thứ và chỉ giáo thêm.
Xuân Thuỷ, tháng 2 năm 2007
Hồ Thị Minh Ngọc
G. Tài liệu tham khảo.
1. Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS
Môn Ngữ Văn - NXB GD
2. Ngữ Văn lớp 6,7,8,9 - NXB GD
3. Ngữ Văn lớp 6,7,8,9 - Sách giáo viên - NXB GD
4. Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy học ở các trường THCS Môn Ngữ Văn - Viện khoa học giáo dục -
2002
5. Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên Chu kì III (Năm học 2004 - 2007 Môn Ngữ Văn - Quyển I) - NXB GD
6. Giáo trình Phương pháp dạy học Ngữ Văn ở trường THPT
- ĐHSP Huế - Tài liệu lưu hành nội bộ
File đính kèm:
- Day doc hieu trong mon Ngu Van.doc