Sáng kiến kinh nghiệm: Giảng chi tiết trong tác phẩm văn học bằng phương pháp so sánh

Văn học là một môn học quan trọng trong chương trình phổ thông vì nó tác dụng rất lớn đến việc giúp các em học sinh có một thế giới quan, nhân sinh quan nhân đạo và tiến bộ; giúp các em có một vốn tri thức về tiếng Việt để bước vào cuộc sống. Bên cạnh đó Văn học còn giúp cho học sinh hình thành và phát triển nhân cách. Các em đã được tiếp cận môn Văn học từ thuở nhỏ qua những câu hát ru của bà, của mẹ; qua những câu chuyện cổ tích.Khi lớn lên, các em tiếp cận với Văn học nhiều hơn qua các bài học trong chương trình. Nhưng có một điều trớ trêu và đáng buồn là càng lớn lên, càng trưởng thành thì các em lại càng xa rời môn Văn, không còn cái hứng thú chờ đợi để mỗi khi tối đến lại sà vào lòng bà hay mẹ đòi nghe chuyện cổ tích. Nguyên nhân của thực trạng này là vì đâu? Với mong muốn giúp các em học sinh có lại những hứng thú trong các giờ học Văn, tôi đã chọn đề tài này.

 Nhìn một cách chung nhất thì khi tiếp cận tác phẩm Văn học, học sinh thường rất khó khăn bởi nó có quá nhiều điều phức tạp trong đó và các em thì lại không muốn vướng vào các vấn đề dài dòng khó hiểu. Có cách nào giúp các em không? Mỗi giáo viên khi lên lớp sẽ chọn cho mình một phương pháp để gây cho học sinh hứng thú tiếp thu bài và tạo cho tiết học hấp dẫn. Riêng mình, tôi chọn một biện pháp là “ Giảng chi tiết trong tác phẩm văn học bằng phương pháp so sánh”

 

 

doc9 trang | Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 1875 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sáng kiến kinh nghiệm: Giảng chi tiết trong tác phẩm văn học bằng phương pháp so sánh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I. Lí do chọn đề tài: Văn học là một môn học quan trọng trong chương trình phổ thông vì nó tác dụng rất lớn đến việc giúp các em học sinh có một thế giới quan, nhân sinh quan nhân đạo và tiến bộ; giúp các em có một vốn tri thức về tiếng Việt để bước vào cuộc sống. Bên cạnh đó Văn học còn giúp cho học sinh hình thành và phát triển nhân cách. Các em đã được tiếp cận môn Văn học từ thuở nhỏ qua những câu hát ru của bà, của mẹ; qua những câu chuyện cổ tích...Khi lớn lên, các em tiếp cận với Văn học nhiều hơn qua các bài học trong chương trình. Nhưng có một điều trớ trêu và đáng buồn là càng lớn lên, càng trưởng thành thì các em lại càng xa rời môn Văn, không còn cái hứng thú chờ đợi để mỗi khi tối đến lại sà vào lòng bà hay mẹ đòi nghe chuyện cổ tích. Nguyên nhân của thực trạng này là vì đâu? Với mong muốn giúp các em học sinh có lại những hứng thú trong các giờ học Văn, tôi đã chọn đề tài này. Nhìn một cách chung nhất thì khi tiếp cận tác phẩm Văn học, học sinh thường rất khó khăn bởi nó có quá nhiều điều phức tạp trong đó và các em thì lại không muốn vướng vào các vấn đề dài dòng khó hiểu. Có cách nào giúp các em không? Mỗi giáo viên khi lên lớp sẽ chọn cho mình một phương pháp để gây cho học sinh hứng thú tiếp thu bài và tạo cho tiết học hấp dẫn. Riêng mình, tôi chọn một biện pháp là “ Giảng chi tiết trong tác phẩm văn học bằng phương pháp so sánh” II. Cơ sở lí luận của vấn đề nghiên cứu: Thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10, ngày 09 tháng 12 năm 2000 của Quốc hội khóa X về đổi mới chương trình phổ thông, đã khẳng định mục tiêu của việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này là “ xây dựng nội dung chương trình, phương pháp giáo dục, sách giáo khoa phổ thông mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thế hệ trẻ, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với thực tiễn và truyền thống Việt Nam, tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông ở các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”. Ngành giáo dục đang trên con đường thực hiện đổi mới theo Chỉ thị số 14/2001/CT-TTg về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã được xác định trong Nghị quyết TW IV khóa VII (1993), Nghị quyết TW 2 khóa VIII (12/1996), được thể chế hóa trong Luật giáo dục (2005), được cụ thể hóa trong các chỉ thị của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là Chỉ thị số 14 (4/1999). Tài liệu “ Bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 10 THPT” của Bộ GD&ĐT xác định: “Một trong những trọng tâm của việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông là tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện dạy học dựa vào hoạt động tích cực, chủ động của học sinh với sự tổ chức và hướng dẫn đúng mực của giáo viên nhằm phát triển tư duy độc lập, sáng tạo góp phần hình thành phương pháp và nhu cầu tự học, bồi dưỡng hứng thú học tập tạo niềm tin và niềm vui trong học tập”. Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ Văn ghi: “ Môn Ngữ văn là một môn học công cụ. Năng lực sử dụng tiếng Việt và tiếp nhận tác phẩm văn học mà môn học này trang bị cho học sinh là công cụ để học sinh học tập và sinh họat, nhận thức về xã hội và con người, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, đặc biệt là tư tưởng nhân văn và tình cảm thẩm mỹ”. Mặt khác, bản thân văn học nghệ thuật cũng là một phương tiện giao tiếp – giao tiếp tư tưởng và tình cảm thẩm mỹ. Do đó nhiệm vụ của chương trình môn Ngữ văn không chỉ là cung cấp kiến thức về Văn học, trang bị những đánh giá, nhận định về tác gia, tác phẩm,mà còn đào tạo một năng lực sử dụng tương đối thành thạo các công cụ nói trên. Học sinh học Ngữ văn không phải chỉ đọc hiểu các loại văn bản, viết các loại văn bản thông dụng, nói đúng phong cách ngôn ngữ, mà còn biết đọc- hiểu, giao tiếp với loại văn bản phức tạp nhất, là văn bản văn học nghệ thuật. Hiểu được tính chất công cụ của bộ môn, chúng ta sẽ thấy, chỉ dạy văn học theo lối “ giảng văn” truyền thống, thầy giảng trò nghe một cách thụ động thì không thể đào tạo năng lực sử dụng công cụ văn học được. Tại điều 28.2 của Luật giáo dục đã ghi: “ Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực; tự giác, chủ động, sáng tao cuả học sinh; phù hợp với đặc điểm từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh”. Với những căn cứ đó, bản thân đã cố gắng tìm tòi và phát huy những phương pháp dạy học tích cực và bước đầu đạt được hiệu quả với phương pháp “ Giảng chi tiết trong tác phẩm văn học bằng phương pháp so sánh” III. Các biện pháp đã thực hiện: Trong quá trình giảng dạy ở nhà trường tôi đã rút ra được những kinh nghiệm cho bản thân (mặc dù những kinh nghiệm ấy rất non nớt). Tôi nghĩ rằng, một tiết học hấp dẫn và đạt hiệu quả phải có những sáng tạo nhất định của giáo viên nhằm thu hút học sinh. Từ những suy nghĩ ban đầu, tôi đem nó thực hiện vào quá trình giảng dạy và đã đạt nhữn hiệu quả nhất định. Đó là giảng dạy chi tiết trong tác phẩm văn học bằng phương pháp so sánh. Cách thức tiến hành như sau: 1. Chọn các chi tiết: Để có được những tiết dạy như ý muốn và đạt được mục đích nhất định cần phải có một hệ thống các chi tiết, giáo viên cần phải có một tri thức rộng về các tác phẩm văn học. Khi đọc tác phẩm văn học, giáo viên cần hệ thống và chọn lựa, sắp xếp các chi tiết theo tiêu chí như sau: Các chi tiết cùng trong một tác phẩm. Các chi tiết giống nhau trong các tác phẩm khác nhau theo loại thể: Trong tác phẩm tự sự, tác phẩm trữ tình… Các chi tiết hình ảnh giống nhau giữa các tác phẩm không cùng loại thể. Ví dụ: - Các chi tiết thể hiện số phận, vẻ đẹp tâm hồn của những người lao động nghèo. - Các chi tiết về không gian trong các truyện ngắn. - Các chi tiết trong các tác phẩm thơ thể hiện qua trình trải nghiệm cuộc sống, cách cảm nhận và thể hiện những cảm nhận trong tác phẩm. - ….. 2. Dạy chi tiết trong tác phẩm văn học bằng phương pháp so sánh: Một tác phẩm văn học không thể chỉ khai thác các chi tiết một cách thuần tuý, đôi khi để tạo cảm hứng cho học sinh và hiệu quả của tiết dạy, người dạy nên tìm một vài sáng tạo để lôi cuốn học sinh đồng thời tránh rập khuôn tiết dạy một cách nhàm chán. Nhưng không phải tiết dạy nào cũng sáng tạo bởi lượng thời gian cho một tiết dạy và dung lượng bài học chi phối nhiều đến quá trình dạy học. Thế nhưng việc sáng tạo bao giờ cũng tạo cho học sinh tiếp thu bài một cách hăng say hơn và khả năng hiểu bài cũng nhanh hơn. Chi tiết trong tác phẩm văn học thương mang nhiều ý nghĩa và vì thế, để so sánh với chi tiết trong cùng tác phẩm hoặc tác phẩm khác cần chú ý đến mức độ tương đồng để tránh so sánh khập khiễng. Mục đích của việc so sánh là tạo cho học sinh hiểu sâu hơn về chi tiết dẫn đến hiểu biết về tác phẩm một cách trọn vẹn. Mặt khác còn giúp cho học sinh có ý thức chú ý đến các tác phẩm đã học bởi khi nhớ các chi tiết trong tác phẩm khác thì học sinh mới có thể so sánh được. Ngoài ra, cách làm này sẽ giúp cho học sinh hứng thú hơn trong tiếp học bởi tự thân các em cũng có thể tự khám phá những nét mới mẻ, hăng say hơn trong việc tìm hiểu tác phẩm văn học. Để làm được, yêu cầu học sinh phải tập cho mình một thói quen tự đọc và tự học. Chỉ có đọc mới có thể biết được nhiều và nhớ nhiều chi tiết trong các tác phẩm, tránh lối thụ động trên lớp thầy cô nói sao trò nghe vậy nà không hề biết đến một chi tiết dẫn đến việc làm bài văn thiếu hẳn một phần quan trọng đó là dẫn chứng. Khi tiến hành so sánh một chi tiết trọn vẹn, ta sẽ hiểu thêm chi tiết cần so sánh, mở ra một hướng khai thác mới mẻ, đồng thời giúp học sinh hiểu hơn tác phẩm. 2.1 So sánh các chi tiết trong cùng tác phẩm: Chi tiết văn học không chỉ thể hiện nội dung mà đôi khi còn thể hiện tài năng, khả năng quan sát, trải nghiệm tinh tế của nhà văn. Vì thế, phân tích tác phẩm văn học, chỉ khai thác một cách đơn thuần các chi tiết đôi khi con thiếu sót. Cần đặt chi tiết và tác phẩm vào trong một mối quan hệ nào đó (tương đồng hay tương phản) để rõ hơn nội dung phản ánh, phong cách tác giả, tài năng nhà văn... Khi tiến hành phân tích một tác phẩm, cần hướng học sinh khai thác các tầng bậc ý nghĩa của tác phẩm bằng cách cho học sinh tìm và so sánh các chi tiết giống nhau. Ví dụ 1: Khi phân tích bài Thơ duyên của Xuân Diệu, để hiểu được “cái duyên” ta cần chú ý các chi tiết quan trọng nằm trong câu thơ “ Lần đầu rung động nỗi thương yêu”. Chính vì “ lần đầu” khi con người “ rung động” một “nỗi thương yêu” thì lẽ tất nhiên, con người ấy sẽ cảm thấy lòng vui và cũng thật lạ, khi con người vui thì nhìn đâu cũng thấy đẹp, nhìn đâu cũng thấy duyên. Nhân vật trữ tình trong bài thơ cũng vậy, khi lòng anh rung động, anh nhìn đâu cũng tràn đầy duyên đẹp: từ bầu trời, cảnh vật, con đường, đến dáng “em bước điềm nhiên” ... cũng từ đó mới nảy nở niềm hy vọng về duyên tình của đôi lứa. Bài thơ viết về cái duyên – cái trừu tượng và nhà thơ đã cố gắng cụ thể hoá cái duyên ấy: từ cái duyên của đất trời đến cái duyên con người. Duyên là trọn vẹn, là hoà hợp vì vậy trong bài thơ, tác giả đã sử dụng hàng loạt từ “ Cặp đôi” trọn vẹn như: cặp chim chuyền, đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu, lả lả cành hoang... và chính từ đó, từ cái nhìn của người “ lần đầu rung động” nên cũng đã thấy anh – em “như một cặp vần” của bài thơ cuộc đời, sóng đôi duyên dáng cùng cái duyên của đất trời. Ví dụ 2: Phân tích tác phẩm Mùa lạc của nhà văn Nguyễn Khải, khi chứng minh cho triết lí sống của nhà văn gửi vào tác phẩm qua nhân vật Đào. Để thấy Đào có một sức mạnh tinh thần bước qua ranh giới giữa sự sống và cái chết ta cần cho học sinh tìm và phân tích các chi tiết giống nhau: “cũng có ngày ốm đau, nằm nhờ nhà người quen, bưng bát cơm nóng nhìn ngọn đèn dầu lại sực nhớ trước đây mình cũng có một gia đình,có một đứa con, sớm lo việc sớm, tối lo việc tối”; Đào lên nông trường Điện Biên với tâm trạng chán chường, mệt mỏi muốn trốn tránh những tháng ngày dã qua nhưng chị vẫn luôn khát khao hạnh phúc “ cùng nhổ lạc một khoảnh, cùng đứng tuốt ở một máy, nhìn đôi cánh tay cuồn cuộn những thớ thịt cháy nắng đỏ rực của Huân thoang thoáng bên cạnh, chị lại bừng bừng thèm khát một cảnh gia đình hạnh phúc”. Chính vì như thế nên khi Đào nhận được lá thư chị mới có những tâm trạng hết sức khó tả như vậy. Chính tình yêu cuộc sống và khát khao hạnh phúc gia đình đã giúp Đào có một sức mạnh để vượt qua những đau khổ của cuộc đời mình. Ví dụ 3: Khi phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài ta cho học sinh chú ý đến các chi tiết về không gian nghệ thuật: Đó là bóng tối. Yêu cầu các em tìm các chi tiết nói đến không gian tối trong tác phẩm: Đêm Mị bị A Sử bắt, căn buồng tối nơi Mị ở, những đêm tình mùa xuân, Mị bị trói đứng trong bóng tối, những đêm Mị sưởi lửa, đêm Mị cắt dây trói cho A Phủ...Tất cả các chi tiết cho ta một ý nghĩa về số phận những người dân miền núi dưới ách thống trị của Thực dân và quan làng. 2.2 So sánh chi tiết trong các tác phẩm cùng loại thể. Các chi tiết văn học trong các tác phẩm khác nhau cùng loại thể đôi khi có mối quan hệ mật thiết với nhau, mang những ý nghĩa tương đồng với nhau. Vì thế khi giảng chi tiết, giáo viên nên chọn các chi tiết giống nhau ở các tác phẩm khác nhau và so sánh để tìm ra ý nghĩa. Khi so sánh như thế, tự nhiên tiết giảng sẽ sinh động và hấp dẫn hơn, học sinh sẽ chú ý theo dõi và phần nào giúp các em tự phát hiện nhiều điều thú vị, giúp học sinh ngầm hiểu các chi tiết văn học bản thân chúng chứa đựng rất nhiều điều thú vị, nhiều ý nghĩa mà chỉ khi tìm hiểu thật kĩ càng thì mới hiểu được ngọn nguồn. Khi so sánh các chi tiết ở các tác phẩm khác nhau, giáo viên cần chỉ cho học sinh (hoặc chỉ cho học sinh tự phát hiện) những điểm giống và khác nhau để từ đó tìm ra nét riêng của từng nhà văn, tìm ra ý nghiã của chi tiết so sánh. Ví dụ 2: Khi phân tích truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (đoạn Mị và A Phủ còn ở Hồng Ngài), để làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm: bênh vực, xót thương, cảm thông và tìm lối thoát cho nhân vật, ý thức phản kháng chống lại chế độ ta lấy chi tiết gần cuối đoạn trích “ Mị cắt dây trói cho A Phủ”, so sánh với chi tiết cuối trong hai tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố và Chí Phèo của Nam Cao. Tên tác phẩm Chi tiết so sánh Vợ chồng A Phủ Mị cắt dây trói cho A Phủ Tắt đèn Chị Dậu xô ngã ông quan Chí Phèo Chí Phèo đâm chết Bá Kiến Giáo viên cần cho học sinh thấy rõ: Cả ba nhân vật Chị Dậu, Chí Phèo và Mị đều bị giai cấp thống trị dồn vào con đường cùng của cuộc sống và theo lẽ tự nhiên như “ con giun xéo mãi cũng oằn”, con người bị áp bức quá sẽ phản kháng và ý thức phản kháng lại quyết liệt hơn bao giờ hết. Chị Dậu xô ngã ông quan là xô ngã chế độ đàn áp; chí Phèo đâm chết Bá Kiến là đâm chết, giết chết chế độ cường hào. Cả hai đều tìm con đường thoát nhưng đến khi đó, sức phản kháng thì mãnh liệt như thế nhưng tương lai vẫn không mở ra với họ. Chị Dậu chạy ra ngoài, trời tối đen như mực như cái tiền đồ của chị, tương lai phía trước vẫn còn mịt mù, niềm hi vọng vẫn còn mong manh; Chí Phèo đâm chết Bá Kiến nhưng rồi Chí cũng bế tắc, Chí đã phải tự vẫn kết liễu đời mình. Chí vẫn phải quằn quại cho đến chết. Riêng Mị, thái độ phản kháng quyết liệt chống lại chế độ thể hiện ở hành động cắt dây trói cho A Phủ một cách dứt khoát. Mị cắt dây trói là cắt đi cái vòng dây thần quyền đầu độc mình và mọi người của cha con nhà Thống Lí Pá tra; cắt đứt sự ràng buộc của thế lực áp bức. Và sau đó, Mị cũng đã tự “tháo cũi sổ lồng”, tự giải thoát mình khỏi vòng kìm kẹp. Chi tiết ấy cũng chính là điều mới mẻ trong giá trị nhân đạo mà Tô Hoài gửi vào tác phẩm. So sánh không chỉ để thấy điểm chung của các tác phẩm, các chi tiết, các tác giả mà đôi khi so sánh còn là tìm ra những nét riêng của các tác giả thể hiện trong những tác phẩm khác nhau. Ví dụ 2: Khi phân tích bài thơ Đất Nước của Nguyễn Đình Thi, người dạy có thể cho học sinh thấy được tâm hồn nhạy cảm của nhân vật trữ tình khi cảm nhận mùa thu. Nhân vật cảm nhận bằng: khứu giác (mùi hương cốm mới), bằng thị giác, bằng cả xúc giác với cái “chớm lạnh”… Giáo viên nên cho học sinh so sánh với bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh để thấy được nét giống và khác nhau thú vị giữa hai nhân vật. Nhân vật trữ tình trong thơ Hữu Thỉnh cũng cảm nhận mùa đến bằng những giác quan nhạy bén: khứu giác (hương ổi), thính giác, thị giác… Ví dụ 3: Giảng câu thơ “ Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay” trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử ta cần cho học sinh so sánh với chi tiết trong câu thơ “ Sột soạt gió trêu tà áo biếc” (Mùa xuân chín) để thấy được khả năng dùng từ hết sức dân dã mà thật tinh tế của nhà thơ (từ “ buồn thiu”, “sột soạt”) 2.3 So sánh các chi tiết trong các tác phẩm khác nhau không cùng loại thể Trong các tác phẩm khác nhau không cùng loại thể đôi khi những chi tiết giống nhau, bổ sung ý nghĩa cho nhau rất nhiều. Vì vậy, khi phân tích tác phẩm đôi khi cần cho học sinh tìm và so sánh các chi tiết trong các tác phẩm khác nhau ấy để giúp học sinh hiểu rõ hơn về tác phẩm cần khảo sát. Thế nhưng, điều khó khăn là học sinh sẽ không thể nhớ tất cả các tác phẩm có chi tiết giống nhau nên giáo viên cần giới thiệu sẵn tác phẩm để các em tìm. Ví dụ: Khi phân tích truyện ngắn “ Mảnh trăng cuối rừng” của nhà văn Nguyễn Minh Châu, hình ảnh nhân vật Nguyệt hiện lên đẹp lạ thường và thể hiện rõ nét chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời chống Mĩ mà nhà văn gửi vào tác phẩm. Để hiểu rõ hơn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giáo viên nên hướng cho học sinh tìm hình ảnh giống với cô Nguyệt trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu. Cần đưa ra tác phẩm “ Khoảng trời hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ để học sinh so sánh vẻ đẹp giống nhau của hình ảnh những cô thanh niên xung phong anh hùng. Mỗi một phương pháp đều có những ưu điểm nhất định và phục vụ cho công tác giảng dạy đạt hiệu quả cao hơn. Riêng biện pháp giảng dạy chi tiết trong tác phẩm văn học bằng phương pháp so sánh đạt hiệu quả tương đối khả quan. Sau khi giảng dạy bằng phương pháp này, học sinh đã bắt đầu có ý thức hơn với việc đọc tác phẩm văn học ở nhà và cũng bắt đầu có những hứng thú nhất định với tiết học văn. Nguyên nhân dẫn đến thành công này là khi giảng dạy bằng phương pháp vừa nêu, giáo viên đã giúp học sinh khám phá những tri thức hết sức bổ ích bằng chính năng lực bản thân. Các em sẽ có tâm thế tốt hơn khi bước vào tiết học bởi các em sẽ mất dần đi cảm giác tự ti khi nghĩ rằng đọc tác phẩm văn học mình chẳng hiểu được gì. Hiệu qủa lớn nhất mà biện pháp này mang đến là giúp các em tự khám phá kiến thức, ôn lại các tác phẩm đã học một cách có hệ thống, nhớ bài học lâu hơn. Từ đó các em có thể soi chiếu điều mình vừa khám phá vào trong cuộc sống để hiểu và cảm nhận một cách thực tế và sâu sắc điều mà các nhà văn gửi vào tác phẩm. Hiệu quả đạt được song song là trong khi làm bài học sinh đã có một vốn kiến thức nhất định trong việc chọn dẫn chứng, xóa bỏ dần thói quen chỉ liệt kê dẫn chứng trong tác phẩm mà giáo viên yêu cầu. Đồng thời học sinh cũng đã hình thành được năng lực phân tích chi tiết dẫn chứng làm cho bài văn sinh động hơn, không còn hiện tượng sử dụng câu từ sáo rỗng. IV. Kết quả đạt được: Sau thực tế áp dụng trong nhà trường nơi bản thân công tác so với trước khi thực hiện phương pháp này, tôi nhận được những kết quả: Sáng kiến này đã áp dụng trong các tiết dạy ở các lớp 12 hầu hết những năm qua. Đặc biệt trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Giúp học sinh hứng thú hơn trong việc học tập môn Văn. Nâng cao kiến thức cho bản thân và học sinh. Hiệu quả tiết dạy được nâng cao. Sáng kiến đã được kiểm nghiệm và đồng nghiệp khen ngợi. Hiệu quả trong các kì thi của học sinh được nâng cao theo hàng năm + Học sinh giỏi: Năm học 2002-2003: 01 giải KK vòng Tỉnh. Năm học 2003-2004: 01 giải KK, 01 giải Ba vòng Tỉnh, 01 em đi thi đạt giải Ba Quốc gia. Năm học 2005-2006: 01 giải KK vòng Tỉnh + Tỷ lệ tôt nghiệp hàng năm: Năm học 2002-2003: 60% Năm học 2003-2004: 90% Năm học 2004-2005: 97% Năm học 2005-2006: 84% Năm học 2006-2007: 86% Cái Nước, ngày 14 tháng 3 năm 2008 Người viết NGUYỄN NGỌC THỂ Ý KIÉN ĐÁNH GIÁ CỦA HĐKH NHÀ TRƯỜNG

File đính kèm:

  • docSang kien kinh nghiem Giang chi tiet trong tac pham bang phuong phap so sanh.doc
Giáo án liên quan