I . VÀI NÉT VỀ TIỂU SỬ .
- Hồ Chí Minh tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, lớn lên lấy tên là Nguyễn Tất Thành, khi hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn ái Quốc – Hồ Chí Minh, sinh ngày 19 – 5 – 1890 trong một gia đình nhà Nho nghèo yêu nước , quê ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An .
- Người sớm có lòng yêu nước, chống sự xâm lược của thực dân Pháp . Năm 1911, xuất dương tìm đường cứu nước . Người đã đến nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mĩ, làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống, chủ yếu Người sống và hoạt động ở Pháp .
- Năm 1918, tham gia Đảng xã hội Pháp, thành lập Hội những người Việt Nam yêu nước . Năm 1919 gửi bản yêu sách về quyền của các dân tộc đến hội nghị hòa bình ở Vecxây .
- Năm 1920 Người tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp .
- Từ năm 1923 đến 1941 Người hoạt động chủ yếu ở Liên Xô, Trung Quốc và Thái Lan, thành lập các tổ chức chính trị, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong nước . Tổ chức và lãnh đạo các phong trào cách mạng Việt Nam .
- Ngày 3 – 2 – 1930 Người chủ tọa hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản Đông Dương, thành lập Đảng cộng sản Việt Nam .
- Tháng 2 – 1941 Người về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng . Thành lập mặt trận Việt Minh, chuẩn bị lực lượng và dành thắng lợi quyết định trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 .
- Ngày 2 – 9 – 1945 Người đọc Tuyên ngôn độc lập , khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa .
- Sau cuộc tổng tuyển cử lần thứ nhất ngày 06 – 1 – 1946 Người được bầu làm Chủ tịch nước và từ đó luôn đảm nhận chức vụ cao nhất của Đảng và Nhà nước cho đến khi qua đời ngày 2 tháng 9 năm 1969 .
- Năm 1990 nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Người , UNESCO đã suy tôn Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn” .
- Cuộc đời hoạt động của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là cuộc đời của một con người hết lòng vì nước , vì dân , trung thành tuyệt đối với lợi ích của nhân dân lao động . Bên cạnh sự nghiệp cách mạng vĩ đại , Người còn để lại một sự nghiệp văn hóa lớn .
61 trang |
Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 1279 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Tập bài giảng ôn thi tốt nghiêp THPT, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bài 1 . Nguyễn ái Quốc – Hồ Chí Minh
(1890 - 1969)
I . Vài nét về tiểu sử .
- Hồ Chí Minh tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, lớn lên lấy tên là Nguyễn Tất Thành, khi hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn ái Quốc – Hồ Chí Minh, sinh ngày 19 – 5 – 1890 trong một gia đình nhà Nho nghèo yêu nước , quê ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An .
- Người sớm có lòng yêu nước, chống sự xâm lược của thực dân Pháp . Năm 1911, xuất dương tìm đường cứu nước . Người đã đến nhiều nước châu Âu, châu á, châu Phi, châu Mĩ, làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống, chủ yếu Người sống và hoạt động ở Pháp .
- Năm 1918, tham gia Đảng xã hội Pháp, thành lập Hội những người Việt Nam yêu nước . Năm 1919 gửi bản yêu sách về quyền của các dân tộc đến hội nghị hòa bình ở Vecxây .
- Năm 1920 Người tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp .
- Từ năm 1923 đến 1941 Người hoạt động chủ yếu ở Liên Xô, Trung Quốc và Thái Lan, thành lập các tổ chức chính trị, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong nước . Tổ chức và lãnh đạo các phong trào cách mạng Việt Nam .
- Ngày 3 – 2 – 1930 Người chủ tọa hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản Đông Dương, thành lập Đảng cộng sản Việt Nam .
- Tháng 2 – 1941 Người về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng . Thành lập mặt trận Việt Minh, chuẩn bị lực lượng và dành thắng lợi quyết định trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 .
- Ngày 2 – 9 – 1945 Người đọc Tuyên ngôn độc lập , khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa .
- Sau cuộc tổng tuyển cử lần thứ nhất ngày 06 – 1 – 1946 Người được bầu làm Chủ tịch nước và từ đó luôn đảm nhận chức vụ cao nhất của Đảng và Nhà nước cho đến khi qua đời ngày 2 tháng 9 năm 1969 .
- Năm 1990 nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Người , UNESCO đã suy tôn Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn” .
- Cuộc đời hoạt động của Nguyễn ái Quốc – Hồ Chí Minh là cuộc đời của một con người hết lòng vì nước , vì dân , trung thành tuyệt đối với lợi ích của nhân dân lao động . Bên cạnh sự nghiệp cách mạng vĩ đại , Người còn để lại một sự nghiệp văn hóa lớn .
II . Quan điểm sáng tác .
Sinh thời Hồ Chí Minh không có ý định xây dựng một sự nghiệp văn chương . Nhưng trên con đường hoạt động cách mạng, Người nhận thấy rõ tác dụng và tính chiến đấu của văn chương , ý thức được văn chương là một thứ vũ khí lợi hại, Người đã năm lấy nó, mài giũa và sử dụng nó một cách có hiệu quả .
Người coi văn chương nghệ thuật là một hoạt động tinh thần phong phú phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng . Người quan niệm văn chương phải có chất thép . Chất “thép” ở đây chính là xu hướng cách mạng và tiến bộ về tư tưởng, là cảm hứng đấu tranh tích cực của thi ca .
Khi sáng tác Người luôn quan tâm đến mục đích và đối tượng thưởng thức của văn chương . Trước khi viết Người luôn tự hỏi : Viết để làm gì ? (mục đích), viết cho ai ? (đối tượng), viết cái gì ? (nội dung) và viết như thế nào ? (hình thức) .
Người quan niệm văn chương phải có tính chân thực về nội dung, phải trong sáng, hấp dẫn, ngôn ngữ phải chọn lọc , tránh lối viết xa lạ, cầu kì . Đặc biệt Người coi trọng việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt .
III . Sự nghiệp văn chương .
Sáng tác văn chương của Hồ Chí Minh phong phú và đa dạng về mặt thể loại .
1 . Văn chính luận .
Được viết với mục đích đấu tranh chính trị, đấu tranh trực diện kẻ thù hoặc thể hiện những nhiệm vụ cách mạng của dân tộc qua những chặng đường lịch sử . Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ….
Văn chính luận Hồ Chí Minh mang đặc điểm của văn chính luận hiện đại, bộc lộ tư duy sắc sảo, giầu tri thức văn hóa, giầu tính luận chiến .
2 . Truyện và Kí .
Truyện và Kí hết sức cô đọng, cốt truyện sâu sắc, kết cấu độc đáo , ý tưởng sâu sắc, thâm thúy kín đáo giầu chất trí tuệ .
3 . Thơ ca .
Là lĩnh vực nổi bật nhất trong các giá trị văn chương của Hồ Chí Minh . Trong đó nổi bật nhất là tập Nhật kí trong tù .
Nhật kí trong tù gồm 133 bài thơ chữ Hán ghi lại chân thực bộ mặt đen tối của chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch và thể hiện nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của người tù – thi sĩ – chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh . Tập thơ là sự kết hợp hài hòa chất cổ điển và tinh thần hiện đại .
Ngoài ra Người còn có bộ phận thơ tuyên truyền, thể hiện tình cảm cách mạng phong phú, ý chí kiên cường, tinh thần lạc quan cách mạng, động viên khích lệ lòng yêu nước của toàn dân .
IV . Phong cách nghệ thuật .
Hồ Chí Minh là cây bút đa phong cách , có sự kết hợp nhuần nhuyễn nghệ thuật viết văn hiện đại của châu Âu với cảm xúc cổ điển rất Đường thi .Vận dụng linh hoạt và thống nhất hình thức thể hiện, thể loại, ngôn ngữ, bút pháp và hình tượng nghệ thuật, luôn hướng tới ánh sáng và tương lai .
a. Văn thơ Hồ Chí Minh có phong cách nghệ thuật riêng độc đáo mà đa dạng .
Phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống gia đình, môi trường và hoàn cảnh sống, hoạt động cách mạng cùng với bản sắc tinh thần của Người. Ngay từ nhỏ, Hồ Chí Minh đã được sống trong không khí của văn chương cổ điển Việt Nam và Trung Quốc, của thơ Đường, thơ Tống ... Trong thời kì hoạt động cách mạng ở nước ngoài, nhiều năm Người sống ở Pa ri, tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của những nhà văn và nền văn học phương Tây hiện đại . Những điều đó đều ảnh hưởng tới việc hình thành phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh .
Phong cách nghệ thuật Hồ Chí minh còn được hình thành do quan điểm của Người đối với sáng tác văn học của mình . Khi cầm bút, Người thường đặt ra các câu hỏi : “Viết cho ai ?” , “Viết để làm gì ?”, sau đó mới quyết định “Viết cái gì ?” và “Viết thế nào ?” . Hiẻu được quan điểm sáng tác đó mới có thể lí giải được đặc điểm đa dạng, nhiều sắc thái của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh : Vì sao những truyện kí sáng tác vào đầu những năm hai mươi của thế kỉ trước lại viết bằng tiếng Pháp với một bút pháp rất hiện đại của phương Tây; vì sao bản Tuyên ngôn độc lập lại lập luận đanh thép, bằng chứng hùng hồn như thế và được mở đầu bằng lời văn của bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mĩ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp; vì sao những bài Ca dân cày, Ca du kích lại có lời lẽ mộc mạc, dễ nhớ, dễ thuộc đến thế; vì sao những bài thơ chữ Hán của Người lại sâu sắc , đậm đà màu sắc cổ điển đến vậy ...
b. Nhìn chung mỗi thể loại văn học, từ văn chính luận, truyện kí đến thơ ca, Hồ Chí Minh đều tạo được những nét phong cách riêng, độc đáo và hấp dẫn .
- Văn chính luận : ngắn gọn, tư duy sắc sảo, lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng đầy thuyết phục, giầu tính luận chiến và đa dạng về bút pháp .
- Truyện và kí rất hiện đại, thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ và nghệ thuật trào phúng sắc bén .
- Thơ ca : là thể oại thể hiện sâu sắc nhất phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh .
+ Những bài thơ nhằm mục đích tuyên truyền cách mạng như : Ca dân cày, Ca công nhân, Ca binh lính ... lời lẽ giản dị, mộc mạc, dễ nhớ, mang mầu sắc dân gian hiện đại.
Thân người như thể thân trâu
Cái phần nno ấm có đâu tới mình
(Ca dân cày)
+ Những bài thơ nghệ thuật của Người là những bài được viết theo hình thức cổ thi hàm súc, có sự hoà hợp độc đáo giữa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại, giữa chất tình và chất thép .
Bài 2 . Nhật kí trong tù
I . Hoàn cảnh ra đời .
- Ngày 13 – 8 - 1942 Người trở lại Trung Quốc với tư cách là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh hội và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam để tranh thủ sự viện trợ của thế giới . Ngày 29 – 8 – 1942 Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam , tù đày trong vòng 14 tháng (378 ngày), từ ngày 29 – 8 – 1942 đến ngày 10 – 9 - 1943 Bác được tự do .
- Thời gian Người bị cầm tù là cũng là thời gian mà cách mạng Việt Nam đang chuẩn bị ráo riết , chờ thời cơ để giải phóng đất nước, rất cần đến vai trò của Người .
- Nhật kí trong tù gồm 133 bài thơ ra đời trong hoàn cảnh đó .
- nhật kí trong tù là một tập nhật kí bằng thơ, cho nên nó thể hiện được tư tưởng tình cảm con người Hồ Chí Minh, đặc biệt đây là tập thơ Người viết cho mình, nên chỉ viết khi nào Người thực sự có cảm hứng và vì thế đây là tập thơ giầu giá trị nghệ thuật .
II . Giá trị nội dung và nghệ thuật .
1 . Về nội dung .
- Nhật kí trong tù phơi bày những xấu xa tàn bạo của chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch . Cất lên tiếng nói nhân đạo sâu sắc, đồng cảm và chia sẻ nỗi đau khổ, những hi sinh của những con người nhỏ bé, những con người dưới đáy của xã hội : Phu làm đường, Vợ người bạn tù đến thăm chồng, Em bé trong nhà lao Tân Dương, Người bạn tù thổi sáo ….
- Nhật kí trong tù còn là bức chân dung tự họa của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh . Đau khổ và thấm thía sâu sắc nỗi đau khổ mất tự do ; luôn tự chủ về mặt tinh thần, luôn bình thản ung dung, tự tại vượt qua sự tù đày về thể xác để tâm hồn bay bổng hòa vào thế giới tự do ; luôn trằn trọc lo âu trước vận mệnh đất nước . Đấy là một con người có nghị lực phi thường, ý chí mãnh liệt, tinh thần lạc quan yêu đời luôn thiết tha trước những vẻ đẹp của thiên nhiên tạo vật : ốm nặng, Không ngủ được, Đêm thu, Đi đường, Giải đi sớm, Ngắm trăng, Tự khuyên mình …
2 . Về nghệ thuật .
Nhật kí trong tù thể hiện một phong cách nghệ thuật phong phú đa dạng, tập thơ được viết với nhiều bút pháp, nhiều giọng điệu . Đặc biệt là sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại .
Bài 3 . Chiều tối
(Hồ Chí Minh)
I . Đặt vấn đề .
Một con người yêu đời, say mê với cuộc sống bao giờ cũng nhạy cảm với thời gian . Đối với Hồ Chí Minh , thời gian là nhịp điệu của vũ trụ, của cuộc sống con người . Trong Nhật kí trong tù, Bác có nhiều bài thơ viết về thời gian và sự vận động của hiện thực , trong đó Chiều tối là bài thơ hay hơn cả . Nó không chỉ diễn tả sự lưu chuyển của thời gian trong cảm nhận của Bác mà còn thể hiện được dòng tâm trạng của thi nhân trước bước đi của thời gian và trong nhịp sống của cuộc đời .
II . Giải quyết vấn đề .
Chiều tối là bài thơ thứ 31 trong tập thơ Nhật kí trong tù, ghi lại cảm xúc của nhà thơ trên đường bị giải đi qua hết nhà lao này đến nhà lao khác . Trên con đường chuyển lao ấy, một ngày kia, Người chợt nhận thấy cánh chim chiều .
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Hai câu thơ tái hiện không gian và thời gian của buổi chiều tối nơi núi rừng . Lúc ấy người đi ngước mắt nhìn lên bầu trời và chợt thấy chim bay về tổ, mây chầm chậm trôi . Nhà thơ không trực tiếp nói về thời gian nhưng thời gian vẫn hiện về qua cảnh vật . Đây là cách cảm nhận thời gian mang tính truyền thống đã từng in đậm trong nhiều bài thơ . Chim bay về tổ có ý nghĩa báo hiệu thời gian của buổi chiều tối . Ta bắt gặp trong ca dao hình ảnh
Chim bay về núi tối rồi
đến Truyện Kiều của Nguyễn Du cánh chim mang theo cả thời gian và tâm trạng:
Chim hôm thoi thót về rừng
rồi buổi chiều nghiêng nghiêng xuống theo đôi cánh chim bé nhỏ trong “Tràng giang” của Huy Cận :
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
hay trong “Độc tọa Kính Đình sơn” (Một mình ngồi trên núi Kính Đình) của Lí Bạch :
Chim bầy vút bay hết
Mây lẻ đi một mình
Hình ảnh thơ của Lí Bạch và của Bác có nét tương đồng, nhưng thơ của Lí Bạch sắc thái thời gian hiện lên không rõ nét thì hai câu thơ của Bác vừa có ý nghĩa chỉ thời gian, vừa nhuốm đầy tâm trạng .
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
ở đây không phải chim bay trong trạng thái bình thường mà là bay mỏi, bay mải miết cho kịp tới chốn ngủ nơi rừng xanh quen thuộc . Cánh chim mỏi mệt hay nhà thơ mỏi mệt lê bước trên chặng đường đi đày giờ đây không biết đâu là chốn dừng chân ? Sự tương đồng ấy dễ tạo nên sự cảm thông sâu sắc giữa người với cảnh .
Câu thơ thứ hai tiếp tục phác họa không gian, thời gian và tâm trạng
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Câu thơ dịch chưa lột tả hết ý nghĩa của nguyên tác . Cô vân là chòm mây cô đơn, lẻ loi ; mạn mạn độ là trôi lững lờ, chậm chạp mang dáng vẻ trì hoãn . Chòm mây như có tâm hồn, như mang tâm trạng . Nó cô lẻ và lặng lẽ lững lờ trôi giữa không gian bao la rộng lớn của trời chiều . Bầu trời có chim có mây nhưng mây cô đơn, chim mệt mỏi, đã thế lại đang trong trạng thái chia lìa: Chim bay về rừng, chòm mây cô đơn ở lại . Hai câu thơ tả cảnh mà mở ra cả một không gian tâm trạng . Cảnh buồn, người buồn . Nhưng trong nỗi buồn trước cảnh chiều muộn còn có một khát vọng tự do ẩn kín trong đôi mắt dõi nhìn theo cánh chim lẫn mây giữa bầu trời cao rộng .
Nếu như hai dòng thơ đầu đã nói tới cánh chim mệt mỏi, chòm mây cô đơn thì hai câu thơ sau đã hiện lên một “chốn ngủ” cho con người .
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng
Trong bản dịch, người dịch đã đưa vào chữ ‘tối’ quá lộ liễu . trong thi pháp thơ cổ chỉ muốn người đọc tự cảm nhận chiều tối phủ xuống mà không cần một sự thông báo trực tiếp nào . Điều đó làm lộ tứ thơ . Trong nghệ thuật thơ ca, nhà thơ có thể lấy xa để nói cao, lấy động để nói tĩnh, dùng sáng để nói tối . Trong chiều tối, Bác không hề nói đến tối mà người đọc vãn cảm nhận thấy bóng tối đang buông xuống xóm núi là nhờ có chữ “hồng” ở cuối bài thơ . Trời tối , người đi mới nhìn thấy ánh lửa hồng rực lên như thế .
Cũng như nhiều bài thơ khác của Bác, hình tượng thơ trong bài thơ vận động thật khỏe khoắn và bất ngờ . Trong cảnh chiều muộn của miền sơn cước tưởng chỉ có bóng tối hoàng hôn bao phủ, chỉ có heo hút quạnh hiu, nào ngờ đâu ánh sáng ấm áp đã rực lên xua tan giá lạnh và bóng tối . Sự xuất hiện hình ảnh người thiếu nữ trong khung cảnh lao động , bên lò than rực hồng đã mang lại ánh sáng và niềm vui, mang lại sự sống mãnh liệt và ấm áp . Mặc dù thời gian vận động từ chiều đến tối, từ ngày sang đêm nhưng hình tượng thơ vẫn vận động theo xu thế phát triển .
Khi bóng tối của ngày tàn buông xuống nhưng không gian không hề tăm tối , con người đã kịp thắp lên ngọn lửa, con người đã kịp tạo nên ánh sáng, tạo nên hơi ấm để sưởi ấm cho con người và cảnh vật . ánh sáng, hơi ấm, con người đã đưa lại niềm vui bình dị cho người tù nhân xa xứ . Trong cảnh ngộ của riêng mình, Bác vẫn tìm thấy niềm vui . Niềm vui ấy xuất phát từ cuộc sống lao động của người dân Trung Hoa ở một xóm núi nào đó trên đất Quảng Tây . Nếu như không có tình người tha thiết thì làm sao Bác có được một niềm vui như thế giữa đất người xa lạ .
III . Kết thúc vấn đề .
Bài thơ Chiều tối không chỉ miêu tả cảnh chiều nơi núi rừng miền sơn cước với làn mây, cánh chim và cuộc sống lao động của con người . Toát lên toàn bộ bài thơ là hình tượng nhân vật trữ tình có tấm lòng yêu thương rộng lớn luôn luôn nâng niu trân trọng mọi sự sống trên đời, có tâm hồn lạc quan luôn hướng về tương lai và ánh sáng .
Bài 4 . Giải đi sớm
(Tảo giải)
(Hồ Chí Minh)
I . Đặt vấn đề .
Giải đi sớm là bài thơ tứ tuyệt liên hoàn, ghi lại cảm xúc của Bác khi bắt đầu một hành trình đày ải từ nhà lao Long An đến nhà lao Đồng Chính vào một đêm cuối thu lanh giá. Bài thơ viết về một cuộc chuyển lao nhưng ta không thấy bóng dáng lính giải tù mà chỉ bắt gặp hình ảnh một người đi xa (chinh nhân) trong tư thế chủ động bình tĩnh, tự tin, vượt qua đêm thu giá lạnh đến với buổi bình minh rực hồng .
Đến với bài thơ ta bắt gặp một người cộng sản giữa gông cùm xiềng xích mà vẫn ngời sáng một niềm lạc quan tin tưởng .
II . Giải quyết vấn đề .
Hai khổ thơ nhưng thật chất là hai bài thơ tứ tuyệt độc lập, nó bổ sung ý nghĩa cho nhau tạo nên tính hoàn chỉnh của tác phẩm trong một tiến trình vận động mang nhiều yếu tố cảm quan của người chiến sĩ cách mạng .
Bốn câu thơ đầu
Gà gáy một lần đêm chửa tan
Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn
Người đi cất bước trên đường thẳm
Rát mặt đêm thu trận gió hàn
Câu thơ đầu đọc lên tưởng chỉ mang giá trị về mặt thời gian, không mang một cảm xúc, một thái độ nào cả bởi ở đó chỉ hiện rõ chức năng thông báo thời gian đang chậm trôi về phía đêm tàn . Nhưng chính nó là sự chuẩn bị cho “chinh nhân” xuất hiện .
Gà gáy một lần, thời gian bây giờ là quá nửa đêm, là lúc đêm chưa tàn nhưng một ngày mới đã bắt đầu . Câu thơ nhấn mạnh ý đi sớm, đi rất sớm để biểu thị cái vất vả, gian khổ trên đường đi đày của người tù Hồ Chí Minh trên đất khách .
Nhưng nếu tách biệt câu đầu ra khỏi câu thứ hai thì dấu ấn sáng tạo của nó sẽ chẳng để lại ấn tượng gì đặc biệt . Để hiểu rõ hơn cần soi nó xuống câu thứ hai :
Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn
Câu thơ dịch chưa lột tả hết thần sắc của nguyên tác bởi “ủng” nghĩa là ôm, họp lại, đi theo, bảo hộ… , dịch là đưa, nó thực sự chưa đắt song cũng là cái khó của người dịch . Trước hết đây là một câu thơ tả thực, nhiều trăng và sao trên trời nhấn mạnh thêm ý sớm đã có ở câu đầu . Hơn thế nó thể hiện vẻ đẹp của một hồn thơ tinh tế dễ nhạy cảm với vẻ đẹp của thiên nhiên . Trong cảnh ngộ cô đơn ấy, thiên nhiên thường quạnh hiu, khắc nghiệt , nhưng ở đây qua tâm hồn Người, thiên nhiên trở nên sinh động, thân mật, tươi vui . Sinh động mà không náo nhiệt, tươi vui mà không ồn ào, vẫn giữ được cái yên tĩnh của một buổi sáng sớm . Người lên đường một mình nhưng dường như trăng sao cũng cùng Người lên đường, làm vợi đi nỗi cô đơn trên chặng đường thử thách trước mắt .
Nếu như hai câu đầu nói thời gian và không gian của một cuộc hành trình thì câu thơ thứ ba con người đã trực tiếp xuất hiện với tư thế của một người đi xa
Người đi cất bước trên đường thẳm
Một lần nữa bản dịch lại không lột tả được hết ý của nguyên tác . Chinh nhân là người đi xa . Chinh đồ là đường xa . Dĩ tại là đã ở . ý cả câu thơ khẳng định : trời còn rất sớm mà người đi xa đã ở trên trên con đường phải đi xa rồi . Một câu thơ tả thực, không hề có ý định che giấu cái khổ, nhưng quan trọng là không chỉ có thế. Câu thơ còn ẩn chứa một hình ảnh khác lớn hơn và thật hơn : đó là hình ảnh của một chiến sĩ lên đường vì đại nghĩa, lên đường một cách dứt khoát, chủ động . ở đây con người tự nâng mình vượt lên trên hoàn cảnh, không để cho hoàn cảnh khuất phục mình .
Rát mặt đêm thu trạn gió hàn
Trong nguyên tác là “Nghênh diện thu phong trận trận hàn” . ngênh diện là hướng mặt về phía trước, là ngẩng mặt lên . Trận trận hàn là từng trận từng trận gió thu lạnh lẽo liên tiếp thổi tới, nó nhấn mạnh cái lạnh lẽo của buổi sớm mùa thu nơi miền đất khách . Người đi không hề rụt rè trước cái khắc nghiệt của thiên nhiên, trái lại chủ động bước tới một cách hiên ngang . Rất tiếc bản dịch đã bỏ mất một chữ trận . Nó không tô đậm được sự ra đi hùng tráng, xông pha của người chiến sĩ .
Trên đường chuyển lao, có sớm, có xa, có gió lạnh, có gian khổ nhưng không xóa nhòa được con người mà chỉ làm cho con người thêm cứng cỏi, vững vàng, kiên quyết, dứt khoát . Đó là hiện thân của chất thép trong tâm hồn người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh.
Nếu bốn câu thơ đầu là thời điểm đầu của cuộc hành trình đầy gian khổ thì bốn câu thơ sau cảnh vật đã có sự biến đổi :
Phương đông màu trắng chuyển sang hồng
Bóng tối đêm tàn chốc sạch không
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ
Người đi thi hững bỗng thêm nồng
Đoạn thơ là một khung cảnh rộng lớn, cảnh sắc chuyển đổi thật mau lẹ . Chân trời mầu trắng nay đã ửng hồng . Một cảnh đẹp và cũng là một niềm vui, là nguồn sinh khí mới . Đấy là sự nhất quán , thống nhất trong thơ văn Bác . Bóng đêm còn sót lại bị quét sạch . Thay thế vào cái giá lạnh là hơi ấm bao la . Hơi ấm của trời đất vừa mới bắt đầu nhưng ấm áp một cách kì lạ và tràn ngập khắp nơi . Sức ấm nóng ấy lan tỏa ra từ tấm lòng, tâm hồn một người chiến sĩ vĩ đại hơn là từ thiên nhiên . Và cũng chính vì vậy mà :
Người đi thi hững bỗng thêm nồng
Cảm xúc vốn đã sớm xuát hiện khi cuộc hành trình mới bắt đầu, giờ đây khi bắt gặp sự vận động đổi thay của vũ trụ, nó lại bùng lên mỗi lúc một rực rỡ hơn, dạt dào hơn .
Bốn câu thơ sau thể hiện sự vận động trong cảm quan nghệ thuật của Bác, nó xuất phát từ chính sự vận động trong tư tưởng của Người : từ bóng đêm tới bình minh, từ màu trắng tăm tối sang mầu hồng lạc quan tin tưởng, từ lạnh lẽo đến ấm áp . Nó không chỉ sưởi ấm lòng người mà còn sưởi ấm cả thế giới tự nhiên, cả vũ trụ .
III . Kết thúc vấn đề .
Bài thơ là khúc ca lên đường vừa trầm hùng, vừa sảng khoái vui tươi và cuối cùng vút lên nét nhạc chiến thắng hào hùng . Là nét đẹp trong tâm hồn người tù Hồ Chí Minh: luôn lạc qua tin tưởng vào một tương lai tươi sáng .
Bài 5 . Mới ra tù tập leo núi
(Hồ Chí Minh)
I . Đặt vấn đề .
Bài thơ “Mới ra tù tập leo núi” không nằm trong tập Nhật kí trong tù . Hồ Chí Minh viết bài này khi đã được giải thoát khỏi cảnh tù đày . Bài thơ được viết bên rìa một tờ báo cùng với mấy dòng chữ “Chúc chư huynh ở nhà mạnh khỏe và cố gắng công tác . ở bên này bình yên” và gửi về cho các đồng chí đang ở nhà ngày ngày chờ mong tin tức Bác .
Theo tác giả T. Lan , khi Bác ra tù mắt kém, chân bước không được, Bác quyết tâm mỗi ngày tập đi mười bước, dù đau mà phải bò, phải lết cũng phải đi đủ mười bước mới thôi . Cuối cùng Bác chẳng những đi vững mà còn có thể leo núi . Lần đầu tiên lên đỉnh núi, Bác cao hứng đã sáng tác bài thơ này .
Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh đó . Nhưng không đơn thuần chỉ là chuyện leo núi , bài thơ còn là lời bộc lộ tình cảm nhớ thương với đất nước, với đồng chí bạn bè .
II . Giải quyết vấn đề .
Bài thơ mở đầu bằng một hình ảnh :
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Hình tượng mây núi được biểu hiện qua hai hình ảnh gắn bó : núi ấp ôm mây, mây ấp núi như tình cảm đồng chí bạn bè gắn bó yêu thương nhau . Sau gần 14 tháng xa đất nước. Người rất nóng lòng chờ tin tức bên nhà :
Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng
Tin tức bên nhà bữa bữa trông
( Tức cảnh)
Nhớ đất nước, bạn bè Người cũng muốn giãi bày kín đáo phần nào tấm lòng của mình :
Lòng sông gương sáng bụi không mờ
Đứng trên đỉnh núi cao nhìn xuống dòng sông, lòng sông như một tấm gương trong không chút bụi mờ . Thiên nhiên cũng có những khoảnh khắc, những trạng thái thanh khiết như chính tấm lòng người trong cảnh ngộ đó . Lòng sông gương sáng là hình ảnh ẩn dụ để biểu thị một tấm lòng sắt son với Tổ quốc . Dù trải qua bao vất vả, gian nan trên chặng đường đày ải nhưng vẫn không làm vấy bẩn tấm lòng trung đó . Trái lại càng trải qua gian nan vất vả bao nhiêu lại càng trở nên trong sáng, rạng ngời bấy nhiêu . Nói như Đặng Thai Mai :“Đằng sau bức tranh phong cảnh này, đằng sau những tầng lớp mây núi trập trùng, đằng sau dòng nước sông trong xanh dưới chân Tây Phong Lĩnh, ấn tượng không bao giờ phai nhạt trong tâm hồn độc giả chính là tâm trạng vừa trong trắng, vừa cao cả của con người” . Thiên nhiên ấy, nỗi lòng ấy toát lên một tư thế vững chãi của người chiến sĩ trước phong ba , vừa kiên cường tận trung với nước nhưng cũng khát khao tình cảm yêu thương gắn bó , sẻ chia, đùm bọc trong vòng tay thân ái của bạn bè .
Trong bức tranh thiên nhiên quấn quýt giao hòa ấy, con người xuất hiện nhưng không phải trong tư thế dạo chơi thưởng ngoạn, mà mang nặng một nỗi niềm xúc cảm bâng khuâng .
Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh
Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa
Trước cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, con người không hề cảm thấy cô đơn lẻ loi, cũng không hề thấy mình nhỏ bé mà trái lại nỗi niềm hướng về cố hương khiến tầm mắt nhà thơ bao quát , thâu tóm cảnh vật trong cái nhìn . Hướng về phương nam với tấm lòng “ức cố nhân” nặng trĩu . Cố nhân ở đây là những người bạn chiến đấu, là các đồng chí trong Trung ương Đảng, những người đã cùng Bác kinh qua bao gian khổ trên con đường đấu tranh giành độc lập cho nước nhà . Tâm trạng bao trùm là nỗi nhớ thương, thông cảm . “Bồi hồi” là nỗi nhớ thương, là chia sẻ những vất vả trên chặng đường chiến đấu, nó còn là nỗi lo lắng cho phong trào cách mạng trong nước, là nỗi buồn vì vẫn phải xa quê hương. Nhưng vẫn toát lên niềm vui vì giờ đây Bác đã được tự do, sắp được đoàn tụ cùng đồng chí đồng bào, sắp được sát cánh cùng nhân dân trên con đường đấu tranh cách mạng . Trước mắt là một chặng đường hoạt động mới. Bao nhiêu xúc cảm xao xuyến dâng ngập trong lòng người chiến sĩ cách mạng vĩ đại .
III . Kết thúc vấn đề .
Bài thơ thuộc thi đề “Đăng sơn ức hữu ” của thơ cổ cùng với thủ pháp nghệ thuật điểm nhãn rất Đường thi tạo nên sức hút cho tác phẩm . Đó cũng là nét độc đáo về nghệ thuật góp phần đưa tác phẩm trở thành mẫu mực trong các sáng tác thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh .
Bài 6 . Tuyên ngôn đôc lập
(Hồ Chí Minh)
I . Tìm hiểu chung về tác phẩm .
1 . Hoàn cảnh ra đời .
Ngày 19 – 8 – 1945 chính quyền Hà Nội về tay nhân dân . Ngày 26 – 8 - 1945 Hồ Chí Minh từ chiến khu trở về Hà Nội . Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang – Hà Nội Người đã soạn bản Tuyên ngôn độc lập . Ngày 2 – 9 – 1945 tại quảng trường Ba Đình – Hà Nội , Người thay mặt chính phủ lâm thời của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước đồng bào cả nước và thế giới . Bản Tuyên ngôn ra đời trong hoàn cảnh đó .
2 . ý nghĩa lịch sử của bản tuyên ngôn .
Bản tuyên ngôn đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước . Tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân , đánh đổ chế độ quân chủ lập hiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa .
Tuyên ngôn độc lập còn đập tan những luận điệu xảo trá của bọn đế quốc Mĩ, Anh, Pháp về việc khai hóa , bảo hộ để nhằm tái chiếm Đông Dương .
Tuyên ngôn độc lập vừa giải quyết được nhiệm vụ độc lập dân tộc,lại vừa giải quyết được nhiệm vụ dân chủ cho nhân dân (“Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ cộng hoà”), tức là
File đính kèm:
- Tap bai giang on thi Tot nghiep THPT.doc