Thế giới hình ảnh trong di cảo thơ của Chế Lan Viên

Chế Lan Viên là nhà thơ hình thành được phong cách khá sớm. Con đường thơ hơn nửa thế kỉ của Chế Lan Viên là một con đường có nhiều bước ngoặt, biến đổi, tự phủ định với nhiều trăn trở, tìm kiếm ráo riết không lúc nào yên ổn. Chính ý thức về việc "làm sự phi thường", “tột cùng” từ trước cách mạng đã thúc đẩy nhà thơ không ngừng tìm kiếm và chiếm lĩnh được những đỉnh cao trên hành trình thơ đầy gian khổ. Luôn luôn trăn trở với nghề, có ý thức tự giác và thường trực về nghề thơ Chế Lan Viên suy nghĩ nhiều về thơ, người làm thơ, nghệ thuật làm thơ. Những suy nghĩ ấy bắt nguồn từ một ý thức trách nhiệm rất cao của người cầm bút, từ ý hướng cách tân, nỗ lực tìm tòi đổi mới thơ.

Theo Chế Lan Viên, nhà thơ là người đi tìm cái thiện, cái chân nhưng phải biểu hiện ra bằng hình thức đẹp. Viết thơ cũng giống như người phụ nữ sinh con, cả xương cả thịt một lần, cả hình ảnh lẫn ý tưởng một lúc. Ông quan niệm: “Thơ nghĩ bằng hình ảnh”. Thế giới hình ảnh trong thơ Chế Lan Viên vô cùng đặc sắc. Nó vận động và biến đổi cùng với sự vận động và biến đổi của cái tôi trữ tình. Cái tôi cô đơn siêu hình thuở Điêu tàn gắn với thế giới hình ảnh ảm đạm lạnh lẽo mà ghê rợn, đầy rẫy những sọ dừa, xương máu cùng yêu ma. Cái tôi sử thi thời kháng chiến chống Mỹ gắn với hàng loạt những hình ảnh tươi sáng, kỳ vĩ, mỹ lệ, hoành tráng. Giai đoạn cuối đời, trong Di cảo, thế giới hình ảnh có xu hướng thu nhỏ tầm vóc, phong phú đa dạng. Hình ảnh trong thơ Chế Lan Viên thường có hai loại: hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ tượng trưng siêu thực.

 

doc10 trang | Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 2819 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thế giới hình ảnh trong di cảo thơ của Chế Lan Viên, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
THẾ GIỚI HÌNH ẢNH TRONG DI CẢO THƠ CỦA CHẾ LAN VIÊN Đặng Thu Thuỷ Chế Lan Viên là nhà thơ hình thành được phong cách khá sớm. Con đường thơ hơn nửa thế kỉ của Chế Lan Viên là một con đường có nhiều bước ngoặt, biến đổi, tự phủ định với nhiều trăn trở, tìm kiếm ráo riết không lúc nào yên ổn. Chính ý thức về việc "làm sự phi thường", “tột cùng” từ trước cách mạng đã thúc đẩy nhà thơ không ngừng tìm kiếm và chiếm lĩnh được những đỉnh cao trên hành trình thơ đầy gian khổ. Luôn luôn trăn trở với nghề, có ý thức tự giác và thường trực về nghề thơ Chế Lan Viên suy nghĩ nhiều về thơ, người làm thơ, nghệ thuật làm thơ... Những suy nghĩ ấy bắt nguồn từ một ý thức trách nhiệm rất cao của người cầm bút, từ ý hướng cách tân, nỗ lực tìm tòi đổi mới thơ. Theo Chế Lan Viên, nhà thơ là người đi tìm cái thiện, cái chân nhưng phải biểu hiện ra bằng hình thức đẹp. Viết thơ cũng giống như người phụ nữ sinh con, cả xương cả thịt một lần, cả hình ảnh lẫn ý tưởng một lúc. Ông quan niệm: “Thơ nghĩ bằng hình ảnh”. Thế giới hình ảnh trong thơ Chế Lan Viên vô cùng đặc sắc. Nó vận động và biến đổi cùng với sự vận động và biến đổi của cái tôi trữ tình. Cái tôi cô đơn siêu hình thuở Điêu tàn gắn với thế giới hình ảnh ảm đạm lạnh lẽo mà ghê rợn, đầy rẫy những sọ dừa, xương máu cùng yêu ma. Cái tôi sử thi thời kháng chiến chống Mỹ gắn với hàng loạt những hình ảnh tươi sáng, kỳ vĩ, mỹ lệ, hoành tráng. Giai đoạn cuối đời, trong Di cảo, thế giới hình ảnh có xu hướng thu nhỏ tầm vóc, phong phú đa dạng. Hình ảnh trong thơ Chế Lan Viên thường có hai loại: hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ tượng trưng siêu thực. Hình ảnh thực trong Di cảo không nhiều. Chế Lan Viên thường sử dụng hình ảnh này khi viết về thiên nhiên và những mặt trái của cuộc sống. Chế Lan Viên không chỉ cần mẫn trong khu vườn thơ rộng lớn mà còn là người làm vườn thực sự theo nghĩa đen. Con gái ông đã viết về người cha thân yêu của mình: “Thời khoá biểu của cha tôi cho một ngày thế nào cũng có giờ làm vườn. Thường vào 10h, khi viết lách, đọc sách đã mệt, ra vườn, cha tôi đắp đất, làm cỏ như một nông dân”1. Những năm cuối đời, cõi lòng Chế Lan Viên không mấy khi thanh thản. Những khi thanh thản thường là những khi Chế Lan Viên trở về với thiên nhiên hay những khi trở về với thiên nhiên là những khi Chế Lan Viên muốn tìm cho lòng mình sự thanh thản. Thiên nhiên làm dịu mát, làm yên tĩnh tâm hồn. Ông yêu biết bao nhiêu “Mảnh vườn bé bỏng vốn không tên... /Hoa trái nghèo xuân sắc bỏ quên/ Xanh um chỉ có màu xanh cỏ/ Anh đặt cho lòng Viên Tĩnh Viên”. Nếu như tôn giáo có sức hút rất lớn đối với ông thì thiên nhiên cũng vậy: Trời đẹp quá! Không là tôn giáo mà anh chắp tay anh lại Nhắm mắt anh cho khỏi chói con ngươi vì sắc đẹp của đời (Trời đẹp) Chỉ một màu hoa thôi cũng đủ gọi thức dậy bao nhiêu kỷ niệm thân thương nơi quê hương yêu dấu. " Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương". Khi yêu, đến cả màu hoa cũng khắc sâu vào tâm khảm. Nó xoa dịu đi nỗi lòng thương nhớ của người xa quê. Mỗi lần nhắc đến xứ Huế là Chế Lan Viên lại không quên nhắc đến hoa sen. Hình như ông cảm nhận được ở hoa sen cái hồn của cổ thành: Thơm ngát mùa sen trắng cổ thành Về thăm xứ Huế chỉ mình anh Lăng vua hoa đại rơi đầy lối Chen bóng cành hoa chỉ bóng mình (Về thăm xứ Huế) Cảnh đượm một màu thiền. Con người như chen lẫn vào hoa lá, không hề làm khuấy động không gian thanh khiết yên tĩnh của thiên nhiên. Lòng người hẳn cũng không kém phần thanh tĩnh. Chế Lan Viên không tô vẽ, không thi vị hoá cuộc sống. Trong Di cảo có những hình ảnh chân thực đến trần trụi, thiếu chất thơ, chất mơ nhưng trĩu nặng chất đời. Người đọc khó mà quên được hình ảnh hàng nghìn mộ cát vô danh, thời gian đã xoá nhoà tên tuổi của họ - những người cả đời không có một phút giây hạnh phúc, sống vô danh chết cũng vô danh; một nhà thơ tài hoa nổi tiếng mà cả đời sống trong cảnh nghèo, không làm nổi một cái trần nhà cho tử tế, phải đi hốt lá về để thổi; hình ảnh người lính ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ, quán treo đầy huân chương mọi cỡ, mà không huân chương nào nuôi được anh; người nông dân đã bốc mộ cho hàng ba trăm thương binh, xếp trên giường nhà mình như họ còn nằm ngủ, tận tình, tận nghĩa, quên mình mà “Việc ấy không để lại hào quang trên tay, ánh sáng gì trong mắt” thậm chí cả huân chương trên tường cũng không có. Anh sống trong cảnh chật vật khó khăn, con vào trường không có chỗ, không ai nhớ, không ai nghĩ đến anh… Có thể gặp trong Di cảo những hình ảnh tưởng chừng khó có thể có mặt trong thơ: Xe cúp, ti vi, mercedes, comăngca, hình ảnh khói thịt người, xương người bay trên trời quận Tân Bình từ trung tâm hoả táng Bình Hưng Hoà... Cái xù xì thô nhám của cuộc đời hiện hữu trong từng chi tiết. Nhìn chung những chi tiết kiểu như thế nào không nhiều trong Di cảo.Tư duy và cảm xúc thơ Chế Lan Viên có tiếp cận riêng với đời sống, cách xử lý riêng với đề tài. Thơ ông không lệ thuộc vào cái cụ thể của hiện thực nên thường ít những chi tiết của thực tế trong nguyên dạng sống động của nó. Nhưng bù lại sự thiếu hụt đó, nhờ sự giàu có của tâm hồn, Chế Lan Viên lại làm phong phú thêm cho cuộc sống ở một phía khác. Thông minh sắc sảo, khả năng liên tưởng tưởng tượng phong phú, Chế Lan Viên thường phát hiện ra những mạch ngầm liên kết trong các sự vật hiện tượng. Ngay cả những hình ảnh thực thường có xu hướng muốn vượt, tràn ra khỏi cái vỏ chật hẹp của bản thân nó để vươn đến một ý tưởng, một khái niệm triết lý nào đó. Bên cạnh số ít những hình ảnh thực là rất nhiều những hình ảnh tượng trưng. Những hình ảnh quen thuộc đã gặp trong Điêu tàn giờ đây lại xuất hiện trong Di cảo: tro bụi, đáy mồ, huyệt tối, đầu lâu, dĩ vãng, bóng tối, đêm đen, những hình ảnh vũ trụ: trăng sao, Ngân hà, cung Quảng... Đây là lý do khiến có người cho rằng Di cảo mang đầy đủ dấu vết Điêu tàn. Song nếu như ở Điêu tàn, những hình ảnh này là hiện thân của một quá khứ đau buồn – cái quá khứ nhà thơ muốn lẩn trốn vào để quên đi thực tại. Còn ở Di cảo chúng có sứ mệnh cao hơn. Chế Lan Viên nghĩ và viết nhiều về những vấn đề sâu thẳm của cõi tâm linh. Ông triết lý về đời người, về số phận con người trong vũ trụ, giữa dòng chảy của thời gian. Có những hình ảnh đã trở đi trở lại, vừa quen lại vừa lạ. Ta vừa bắt gặp nó ở nơi này, gặp nó ở nơi kia nhưng trong một màu vẻ khác, hấp dẫn và cuốn hút kỳ lạ. Đó là hoa, là ngọc, là trang giấy, ngọn đèn... Trong 3 tập Di cảo thơ, hoa xuất hiện trên dưới không dưới 30 lần: cả hoa không tên và có tên: hoàng thảo hoa vàng, hoa giấy, hoa sữa, hoa chạc chìu, hoa gạo đỏ, hoa quỳnh, hoa nhài, sen trắng, sen hồng, hoa súng tím, phượng đỏ, bằng lăng, hoa lau, hoa mai, hoa dẻ vàng, hoa đỏ màu yên chi, hoa hồng vàng... Hoa làm đẹp cho đời, để thương để nhớ cho người. Đã hoa nhài trắng còn sen trắng Mùa hè ơi, sao người khéo đa tình Đầy đường phượng đỏ, bằng lăng tím (Hoa trắng) Những bông dẻ vàng nhỏ bé rơi đầy mặt đất chẳng mấy người để mắt mà cũng níu giữ hồn thơ. Và ngược lại, nhà thơ lại là người lưu giữ mãi hương thơm của trời. Khi thì hoa xuất hiện như một hình ảnh ẩn dụ tượng trưng. Cầm trên tay một cành hoa khô ta thấy mùi hương và năm tháng. Hiếm có nhà thơ nào lại dùng hoa để chỉ một khái niệm thời gian như thế này: Gặp nhau như mùa sen Thoáng chốc mùa thu đến Tàn sắc trắng im lìm Những đài hoa bịn rịn (Sen) Thoáng đọc ta sẽ lầm tưởng đây là bài thơ viết về hoa sen. Không có một chi tiết cụ thể nào về cuộc gặp gỡ. Nhưng người đọc vẫn có thể hình dung ra một cuộc gặp thật ngắn ngủi như mùa sen chẳng kéo dài, thoáng chốc thu đã đến, sen tàn. Cuộc gặp gỡ không chút ồn ào, một nỗi bâng khuâng lan toả, im lìm mà thấm thía, bao lưu luyến bịn rịn không nỡ chia xa. Hoa còn tượng trưng cho sức sống, sức sáng tạo dẻo dai mãnh liệt (Hoa trên bê tông), hoa – một tình yêu thầm kín (Hoa hải âu), hoa – cái đẹp, nghệ thuật – những giá trị vĩnh hằng (Xiếc), hoa là hiện thân của quá khứ (Hoa chạc chìu)... Chế Lan Viên chú ý nhiều đến hương hoa (Huệ, Hương hoa nhài, Hoa chạc chìu, Hoa quỳnh, Hoa sen, Hoa hải âu...). Theo ông, giá trị, sức mạnh của hoa không phải ở màu sắc vẻ đẹp ở ngoài mà ở mùi hương (Đẳng cấp hoa) cũng như thước đo của mọi giá trị nằm ở nội dung chứ không phải hình thức. Hình như Chế Lan Viên có cảm tình đặc biệt với những loài hoa bình dị: hoa sen, hoa súng, hoa lau. Có phải vì ông tìm thấy ở đó sự đồng điệu, đồng cảm? Trong không khí Di cảo cứ thoang thoảng thoang thoảng một mùi hương dân dã, không nồng nàn mê hoặc mà vẫn khó quên dễ nhớ: hương sen. Không rực rỡ chẳng kiêu sa, kể cả khi đã tàn, sen vẫn lặng thầm thơm thảo một mùi hương. “Hoa có đẳng cấp hoa mà mùi hương không có” nhưng hương sen- thứ hương đồng nội có thể “vượt tường vào tận cung vua. Đánh đổ các hoa khuynh quốc, khuynh thành trong ấy”. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Chế Lan Viên hay nhắc nhiều đến hoa sen. Anh có cho tôi làm hoa sen không và trong lý lịch có bùn? Thân phận mà người ai chả có bùn đen? Giết chết một mùi hương dễ thôi, cứ quậy bùn lên để giết Nhưng vượt lên bùn sen cứ ngát hương sen (Hương sen) Phải chăng Chế Lan Viên cũng là một đoá sen trong cuộc đời này, “vượt lên bùn sen cứ ngát hương sen”. Dù giản dị dân dã thì hoa sen vẫn là một thứ hoa được nhiều người biết đến. Có lẽ hiếm có nhà thơ nào như Chế Lan Viên lại để cho hồn thơ mình đi lại với một loài hoa như bị lãng quên này: hoa lau. Cái ngàn lau “chỉ trắng có một mình” “bạt ngàn trắng ở tận cùng bờ cõi” như là ngậm ngùi, như là cô? ơn, như là thua chị kém em nhưng lại không thua kém bất cứ ai ở đức tính thuỷ chung chịu đựng “suốt một đời cùng gió giao tranh” ấy giờ trở lại, cứ ám ảnh da diết trong Di cảo thơ. Ngàn lau ấy là “ngàn kỉ niệm bạc đầu, bạt ngàn xao trong gió”, miền hoa lau ấy giờ là miền xưa, miền quá vãng xa xăm mơ hồ. Thậm chí “Tất cả những nơi cư trú khi người không về đấy nữa. Thì biến thành rừng hoang kỉ niệm hoá lau le”(Ngàn lau I). Có lúc ông lại gọi đó là “miền nội tâm, dặm tinh thần”, là “tuổi thơ”, " hạnh phúc mất đi”( Ngàn lau 2 ). Một mối hoài cảm bâng khuâng cứ lan toả, dịu nhẹ mà thấm thía mỗi khi Chế Lan Viên nhắc đến lau. Hình ảnh cây lau gầy guộc mong manh cứ xào xạc trong gió chẳng mấy người biết đến còn gợi những liên tưởng về kiếp người. Dẫu có “phong cho mình nhiều danh hiệu” thì rốt cục anh vẫn là cây lau (Lau ). Người ta thấy số phận con người trong số phận một nhà thơ lớn và thấy số phận nhà thơ trong số phận con người. Khó mà quên được một nỗi đau nhức nhối thế này: Ôi hoa lau đường máu Trắng làm chi anh buồn Giá được màu hoa tím Hẳn hồn nhẹ đau hơn (Hoa lau đường 9) Song dù có thế nào chăng nữa cho đến tận cuối đời cây lau vẫn tự nguyện, vẫn mong muốn được đun thành lửa cho người ta thổi cơm hàng bữa. Buồn đấy, đau đấy, số phận mong manh, xác xơ trong gió bão cuộc đời nhưng vẫn có ích cho đời. Tự nhắc mình phải “ra khỏi sức hút của danh vọng, bản thân, tên tuổi. Trộn hạt giống anh vào trăm giống cao sang hay hèn hạ của đời”, muốn đổi Lời - phải đổi? ời. Có khi cây lau chính là hình ảnh tượng trưng cho cội nguồn, cho đời thường dân dã mà ông khao khát được trở về: Cho tôi về với cành lau vàng vọ ... Đã lâu ta không nghe hồn lau gọi nữa Xa tiếng gió xào xạc ...Hoa lau ở đâu? Hồn lau ở đâu? Hồn ta ở đâu? (Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh) Cuộc đời Chế Lan Viên chẳng khác nào con trai làm ngọc. Âm thầm lặng lẽ, chịu đựng hết thảy sự lăng nhục của bùn, sự tàn bạo của sóng, thô bạo của thuỷ triều mà ngọc định hình. Hình ảnh viên ngọc tượng trưng cho sự kết tinh chắt lọc những tinh hoa tài năng tâm huyết của cả một đời thơ, một đời người: Mỗi con trai nhả ngọc một lần thôi Viên ngọc đầu tiên cũng là viên sau chót Không như ta viên ngọc sau cùng, rồi lại làm viên thứ nhất Đấy là nỗi đau và hạnh phúc của con người (Viên ngọc sau cùng) Không ít lần Chế Lan Viên bày tỏ lòng khâm phục đối với những bậc tiền nhân vì họ đã để lại cho đời những viên ngọc thơ sáng chói. Chế Lan Viên đâu biết rằng cho đến tận những năm tháng cuối cùng, ông còn dâng cho đời những viên ngọc quí giá. Khắc sâu trong Di cảo thơ là tư thế thường trực của một con người luôn “thức gắng” trong cuộc chạy đua với thời gian và cái chết để mà kết tinh viên ngọc của mình. Hình ảnh bộ ba: trang giấy - ngọn đèn – nhà thơ khi mờ khi tỏ trên mỗi trang Di cảo. Trong bộ ba ấy, sứ mệnh nhà thơ là cao hơn hết thảy. “Chỉ còn anh thôi là cứu cho tất cả”. Hình ảnh người xâu kim, người tử tù đan áo, người dệt thảm, người tìm trầm giữa ngàn cao lắm hổ, con ong triết học … nhất thể đều là hoá thân của nhà thơ -con người có khát vọng sống, khát vọng sáng tạo không mệt mỏi. Như vậy cùng một hình ảnh, Chế Lan Viên có thể thể hiện rất nhiều ý tưởng và ngược lại, một ý tưởng có thể được diễn đạt bằng nhiều hình ảnh. Trong Di cảo có nhiều hình ảnh hư ảo mông lung khó tưởng tượng, khó nắm bắt, những hình ảnh siêu thực: Bến Lú, sông Tương, sen hư tưởng, tro và lửa, ngôi đền quên lãng, lá sen hồ, hoa hồng lãng quên, ngựa hồng, dấu son môi nhà thơ để lại, sóng luân hồi, muối cô đơn, xứ tuyết trắng, xứ cơm đen, bình đựng lệ, tháp bay -on bốn mặt, cái cây truyền kiếp, cành huệ vô ý thức, cái bình thời gian, cháo bà tiên, suối đen của sự chết, dòng lãng quên trắng bệch, môi hồng của tình yêu... Có thể nói đó là những hình ảnh mới lạ mang đậm tính triết học, thể hiện khả năng sáng tạo, tầm trí tuệ của Chế Lan Viên. Đọc Di cảo thơ người đọc sẽ lạc vào một thế giới hình ảnh hết sức đa dạng phong phú. Nó như một mê cung dẫn dắt ta từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, ánh sáng lúc mờ lúc tỏ, cảm giác lúc thân quen, lúc lạ lùng. Với tài năng sáng tạo hình ảnh, Chế Lan Viên đã mở rộng phạm vi phản ánh đời sống của thơ trữ tình. Để xây dựng lên thế giới hình ảnh này Chế Lan Viên đã sử dụng rất nhiều các thủ pháp nghệ thuật như: ẩn dụ, so sánh, phóng đại, thậm xưng. Liên tưởng, tưởng tượng là những phương thức sáng tạo hình ảnh rất phổ biến trong Di cảo ở thơ Chế Lan Viên. “Mỗi ý là một hình ảnh” song không có nghĩa là ông “phiên dịch ý tình ra hình ảnh”. Tư tưởng, cảm xúc đã hoá thân vào hình ảnh và ngôn ngữ như linh hồn với thể xác, trong ý có hình trong hình có ý. Chế Lan Viên đã ra đi vào "xứ không màu" ngót 20 năm song những dòng thơ ông để lại cho đời vẫn không cũ đi, già đi. Đó là do nỗ lực tìm tòi, đổi mới và sáng tạo của nhà thơ. Ngày nay, trong dòng chảy của văn học đương đại, thơ Chế Lan Viên vẫn là những bài học ý nghĩa cho những người cầm bút. ------------- Chú thích (1) Phong Lan (biên soạn), Chế Lan Viên - Người làm vườn vĩnh cửu, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 1994

File đính kèm:

  • docthe gioi hinh an trong di cao tho Che Lan Vien.doc
Giáo án liên quan