Tìm hiểu vẻ đẹp bài thơ Ngư nhàn của Sư Không Lộ, qua đối sánh với bài thơ Giang tuyết của Liễu Tông Nguyên

Văn học chính là hiện thực, là thời đại thăng hoa nhờ vào những sáng tạo của người nghệ sĩ. Tác phẩm văn học mang vẻ đẹp cao khiết khi kết tinh được tư tưởng, tài năng và cái tâm trong sáng của người cầm bút. Chúng tôi xin mượn điều này để nói về một bộ phận văn học đã phát triển rực rỡ trong buổi đầu kiến thiết quốc gia phong kiến độc lập: phần thơ Thiền Lý – Trần.

Có thể xem, thơ Thiền Lý – Trần là tấm gương phản chiếu lung linh, sống động vẻ đẹp của con người và dân tộc thời đại Lý - Trần. Đó là thời đại của những tâm hồn rộng mở, tinh thần năng động; linh hoạt tiếp biến, hòa quyện các luồng tư tưởng lớn: Nho, Phật, Đạo. Trong đó, Phật giáo, thể hiện qua phái Thiền tông, đóng vai trò hạt nhân nối kết. Hiếm có thời đại nào như thời đại này, vua - tôi sống chan hòa, bình đẳng cùng nhau, cùng định đoạt vận mệnh dân tộc. Hiếm có nơi nào như nơi này, các Thiền sư, những nhà tu xuất thế, lại sẵn sàng nhập thế, kề vai gánh vác quốc gia. Cũng hiếm có cõi tu hành nào giống như xứ sở này, các Thiền sư, ngoài việc chuyên tâm tuyên truyền Phật pháp, đôi lúc còn cao hứng làm thơ. Những bài thơ ra đời xuất thần, khi ấy, chính là những vùng ánh sáng vi diệu, giao thoa giữa đạo và đời, tương giao giữa con người và vũ trụ. Nó là phần kết tụ và thăng hoa đẹp nhất của tâm hồn và tư tưởng con người Đại Việt bấy giờ.

 

doc6 trang | Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 3808 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tìm hiểu vẻ đẹp bài thơ Ngư nhàn của Sư Không Lộ, qua đối sánh với bài thơ Giang tuyết của Liễu Tông Nguyên, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tìm hiểu vẻ đẹp bài thơ Ngư nhàn của Sư Không Lộ, qua đối sánh với bài thơ Giang tuyết của Liễu Tông Nguyên VÕ PHÚC CHÂU *** Văn học chính là hiện thực, là thời đại thăng hoa nhờ vào những sáng tạo của người nghệ sĩ. Tác phẩm văn học mang vẻ đẹp cao khiết khi kết tinh được tư tưởng, tài năng và cái tâm trong sáng của người cầm bút. Chúng tôi xin mượn điều này để nói về một bộ phận văn học đã phát triển rực rỡ trong buổi đầu kiến thiết quốc gia phong kiến độc lập: phần thơ Thiền Lý – Trần. Có thể xem, thơ Thiền Lý – Trần là tấm gương phản chiếu lung linh, sống động vẻ đẹp của con người và dân tộc thời đại Lý - Trần. Đó là thời đại của những tâm hồn rộng mở, tinh thần năng động; linh hoạt tiếp biến, hòa quyện các luồng tư tưởng lớn: Nho, Phật, Đạo. Trong đó, Phật giáo, thể hiện qua phái Thiền tông, đóng vai trò hạt nhân nối kết. Hiếm có thời đại nào như thời đại này, vua - tôi sống chan hòa, bình đẳng cùng nhau, cùng định đoạt vận mệnh dân tộc. Hiếm có nơi nào như nơi này, các Thiền sư, những nhà tu xuất thế, lại sẵn sàng nhập thế, kề vai gánh vác quốc gia. Cũng hiếm có cõi tu hành nào giống như xứ sở này, các Thiền sư, ngoài việc chuyên tâm tuyên truyền Phật pháp, đôi lúc còn cao hứng làm thơ. Những bài thơ ra đời xuất thần, khi ấy, chính là những vùng ánh sáng vi diệu, giao thoa giữa đạo và đời, tương giao giữa con người và vũ trụ. Nó là phần kết tụ và thăng hoa đẹp nhất của tâm hồn và tư tưởng con người Đại Việt bấy giờ. Trong số các Thiền sư làm thơ, có lẽ Sư Không Lộ là một hiện tượng thi ca độc đáo. Thuộc thế hệ thứ chín, dòng Thiền Quang Bích, với kiến thức uyên bác, nhà sư được người đời tương truyền là có phép thần thông. Sau khi rong ruổi nhiều nơi để tu tập giáo lý Thiền Tông, Mật Tông, thiền sư trở về quê nhà (Nam Định) dựng chùa Nghiêm Quang, thu nhận môn đồ. Sống giản dị, điềm đạm, không màng danh lợi, thiền sư là tấm gương đạo hạnh cho bao đời. Sư Không Lộ còn để lại hai bài thơ Thiền. Ngoài việc truyền giáo lý Thiền tông, bài Ngôn hoài còn dựng lên một con người khổng lồ về tư tưởng và khát vọng. Sang bài Ngư nhàn, đó lại là sự cất cánh của một tâm hồn thi sĩ. Bài thơ tràn ngập ý vị thiền, qua cái nhìn độc đáo của một nhà sư biết sống tùy duyên, luôn mở lòng, chan hòa với cuộc đời. Bài thơ là một minh họa sống động cho những đặc trưng nghệ thuật độc đáo của thơ Thiền thời Lý Trần. Trong bài viết này, chúng tôi xin chọn phân tích tác phẩm Ngư nhàn. Hy vọng, qua việc phân tích tác phẩm, chúng tôi sẽ nhận thức sâu sắc hơn đặc trưng nghệ thuật của thơ Thiền. Đồng thời, nhằm thấy rõ những khác biệt giữa thơ Thiền và thơ Nho, trong quá trình phân tích, chúng tôi thử kết hợp đối sánh Ngư nhàn với một bài thơ Đường có nhiều nét tương đồng về thi liệu. Tác phẩm được chọn là bài Giang tuyết của Liễu Tông Nguyên. Bài thơ được phân tích: NGƯ NHÀN (1) Thơ Thiền Lý Trần, TS. Đoàn Thị Thu Vân (biên soạn), NXB Văn Nghệ TPHCM & Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM, tr.71. Không Lộ. Phiên âm: Vạn lý thanh giang, vạn lý thiên Nhất thôn tang giá, nhất thôn yên Ngư ông thụy trước vô nhân hoán Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền. Dịch nghĩa: Vạn dặm sông xanh, vạn dặm trời Một xóm dâu gai, một khói mây Ông chài ngủ say tít không ai gọi Quá trưa tỉnh dậy, tuyết bay đầy thuyền. Bài thơ dùng đối sánh: GIANG TUYẾT (2) Thơ ca cổ điển Trung Quốc, GS. Lương Duy Thứ (biên soạn), Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM & NXB Trẻ, tr. 323. Liễu Tông Nguyên. Phiên âm: Thiên sơn điểu phi tuyệt Vạn kinh nhân tung diệt Cô chu thôi lạp ông Độc điếu hàn giang tuyết. Dịch nghĩa: Giữa ngàn non, chim bay tắt bóng, Trên đường muôn ngả, dấu người vắng tanh. Thuyền trơ trọi, ông già nón lá áo tơi, Một mình ngồi thả câu trong tuyết trên sông lạnh. *** Về xuất xứ, hai bài thơ này thật cách xa nhau. Bài Ngư nhàn ra đời vào thế kỷ XII, sản phẩm tinh thần của con người Đại Việt. Còn bài Giang tuyết ra đời sớm hơn, khoảng thế kỷ VIII – IX, thời Trung Đường của Trung Quốc. Tuy ra đời ở hai thời đại khác nhau, nhưng chúng có những điểm tương đồng thú vị về nguồn thi liệu. Cả hai bài đều xuất phát từ cái nhìn mang tầm kích vũ trụ: vạn lý (Ngư nhàn), vạn kinh (Giang tuyết). Mỗi bài đều có hình ảnh một dòng sông, một con thuyền, một ông lão đi câu, một khoảng trời đầy tuyết trắng. Hai bài cùng được viết bằng chữ Hán. Bài Giang tuyết thực sự là thơ Đường. Còn bài Ngư nhàn vận dụng thể thơ Đường luật. Mặt khác, cả hai bài đều vượt ra khỏi thời gian cụ thể của một triều đại. Chúng cùng hướng đến thời gian vĩnh cửu,... Chừng ấy điểm tương đồng khiến hai bài thơ ngẫu nhiên tạo thành một cặp đối sánh thích hợp giúp chúng tôi khảo sát. Tuy nhiên, ngay trong sự tương đồng ấy, chúng đã toát lên sự khác biệt về bản chất. Đi tìm nét khác biệt này, chúng tôi muốn khẳng định, bản chất thơ Thiền tùy thuộc vào cái tâm Thiền và cái nhìn Thiền của nhà thơ, chứ không phải từ thi liệu, từ dấu hiệu hình thức bên ngoài. *** Trước hết, ta tìm hiểu vài nét không gian nghệ thuật trong hai bài thơ, bức tranh nền cho con người xuất hiện. Ở bài Ngư nhàn, không gian là cảnh tượng trời nước mênh mông: “Vạn dặm sông xanh, vạn dặm trời” Một dòng sông xanh rộng dài vạn dặm. Một bầu trời cũng có tầm cao vạn dặm. Trời nước nối tiếp nhau. Tuy câu thơ chỉ hiện diện một chữ “thanh” trong “thanh giang” nhưng chất hàm súc của thơ Đường, tính vô ngôn của Thiền cũng đủ gợi lên, trong ý thơ, một màu xanh bất tận của bầu trời. Nó là sắc màu tiếp nối dòng sông xanh. Bức tranh thiên nhiên mang màu xanh của nước chan hòa với màu xanh của trời, không gì cách ngăn, phân biệt. Nó mang tinh thần vạn vật nhất thể, là cảm quan chính trong thơ Thiền. Màu xanh tươi tắn của trời nước bao trùm vũ trụ, hẳn làm mát mắt mát lòng người say ngắm. Tâm hồn của chủ thể trữ tình, lúc này, như đang mở rộng cùng với kích thước vô cùng vô tận của thiên nhiên. Thử hỏi, ai có thể ngoảnh mặt với đời, khi đời đang xanh tràn sức sống đến vậy? Xưa nay, màu xanh của hành tinh xanh này luôn tạo nên nguồn sống rạt rào, làm hồi sinh cho cả những tâm hồn vốn cỗi cằn, khô héo. Trong văn học, cũng chính gam màu xanh đã thường xuyên đánh thức cảm hứng sáng tạo thi ca cho nhiều nghệ sĩ. Từ Kinh Thi, thơ Đường, đến thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,… màu xanh vẫn là gam màu chủ, biểu tượng cho nguồn sống và sức sống. Không gian nghệ thuật của bài thơ, vừa mở ra, đã gợi lên một tâm hồn phơi phới yêu đời. Con người, lúc này, như chỉ thoáng chút ngỡ ngàng, bởi sự kỳ vĩ của vũ trụ, để rồi điềm nhiên, thư thái, hân hoan trước cảnh nước trời một sắc. Con người không chút băn khoăn, mơ tưởng đến điều gì khác. Bởi, thiên nhiên trước mắt là cái vốn có, chứ không phải thiên nhiên đã qua lăng kính tâm trạng như của người đời sau, kiểu Mây biếc về đâu, bay gấp gấp (Xuân Diệu), hay Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp (Huy Cận),…. Con người trong bài thơ an nhiên tự tại, bằng lòng với cái đương là. Có thể nói, sự vô ưu trước vũ trụ, hòa đồng với vũ trụ đã hé lộ cái nhìn của Thiền, qua ý thơ đầu tiên. Đối chiếu với bài Giang tuyết, ta lại nhận ra một không gian khác: “Giữa ngàn non, chim bay tắt bóng, Trên đường muôn ngả, dấu người vắng tanh.” Hình ảnh “ngàn non” gợi ra một cảnh tượng hùng vĩ, sừng sững. Nó có tầm kích của mặt đất vạn dặm và trời cao chất ngất muôn trùng. Nó cũng phần nào tương xứng với cảnh vạn dặm sông xanh (Ngư nhàn). Nhưng đây lại là cảnh – tâm trạng, qua cái nhìn chủ quan của người đang lọt thõm vào núi non trùng điệp. Chủ thể trữ tình Chúng tôi xem chủ thể trữ tình là cái tôi của tác giả, còn nhân vật trữ tình là hình ảnh con người trong bài thơ, nơi nhà thơ gởi gắm cảm xúc. , tuy ở giữa không gian vũ trụ nhưng chưa thể hòa đồng với vũ trụ. Bởi, hồn người đâu muốn chan hòa với núi cao kia, mà chỉ mê mải tìm dấu tích một cánh chim trời. Không một bóng chim! Cảnh núi non, vì thế, càng thêm mênh mông, hoang vắng. Chính cánh chim bé nhỏ, hiện lên trong tâm tưởng, đã trở thành đối cực với vũ trụ lớn lao. Sa vào không gian này, con người chưa thể tìm được sự bình thản, an nhiên. Bởi, nhận ra sự thiếu vắng cánh chim cũng tức là đang trăn trở, âu lo, khắc khoải vì phải xa cách sự sống, nguồn sống của đời. Con người không thể giao hòa cùng vũ trụ. Con người khác nào cánh chim cô đơn, yếu ớt, quạnh hiu giữa không gian vô tận. Không gian nghệ thuật ở Giang tuyết còn là con đường vạn dặm, là bao nẻo đường đời. Có lẽ, nó được hình dung vừa bằng mắt, vừa bằng chính bước chân rong ruổi của nhà thơ. Đối diện với “vạn kinh” chính là con người - kẻ lữ hành cô độc, càng đi, càng xa cách thế nhân. Thật lạ, cả hai bài thơ tuy cùng gợi ra một vũ trụ mang tầm kích lớn lao, nhưng Ngư nhàn có sự hòa nhập giữa người với đời bao nhiêu thì Giang tuyết lại càng tạo ra một không gian đối lập, tách biệt giữa cuộc sống với con người bấy nhiêu. Nó đã thành không gian nỗi niềm, chứa đựng bao ưu tư của người ẩn dật, muốn thoát khỏi dòng đời phồn tạp nhưng lại canh cánh nỗi buồn vì bị cách ly, vì tự “lưu đày” mình ra khỏi cõi người ta Chữ dùng của Nguyễn Du (Trăm năm trong cõi người ta – Truyện Kiều). . Trở lại với Ngư nhàn, không gian vũ trụ không tách rời thế tục. Nó như bức tranh giao hòa giữa cảnh tiên và cõi trần, giữa hiện thực và huyền ảo: “Một xóm dâu gai, một khói mây” Hình ảnh “một thôn dâu” là nét đẹp khoẻ khoắn của cảnh sống nơi trần thế. Nó hiện lên qua cái nhìn cận cảnh của chủ thể trữ tình. Ở đó có màu xanh của lá, có cuộc sống bình yên, êm ả. Đối xứng với nó là “một thôn mây khói”, qua cái nhìn viễn cảnh. Vẫn là bóng hình cuộc sống đó thôi, một thôn làng quen thuộc, nhưng đã mờ ảo trong mây khói. Lời thơ giản dị, không một lời bình, như muốn tái hiện chính sự hồn nhiên, trong sáng của cuộc sống. Hình ảnh thơ có nét lung linh của tranh sơn thủy, có cả chất dư ba của thơ cổ điển. Nhưng thấm đẫm trong đó lại là ý vị Thiền. Cuộc đời này thật đẹp, thật đáng yêu, đáng sống. Ai người nặng lòng phân biệt làm chi, giữa ảo ảnh và hiện thực, cái không và cái có. Nhìn dâu xanh, mây khói, nhà thơ cảm nhận vũ trụ một cách vô ưu, phá chấp, không cần phân biệt đời và mộng, cá nhân và vũ trụ. Ở đây, bản thể con người như đã trở nên lãng đãng, bềnh bồng giữa nước và trời, giữa hư và thực. Cái nhìn về không gian vũ trụ thành khúc dạo đầu cho con người thả hồn rời cõi tục. Ngẫm lại bài Giang tuyết, ở giữa nghìn non, trên nẻo đường xa vắng, những tưởng con người đã gần đến cõi tiên, nhưng hóa ra, cứ phải nặng lòng, đau đáu vì cảm giác thiếu vắng hơi ấm con người, sự sống: “dấu người vắng tanh”. Trong khi đó, ở Ngư nhàn, con người vẫn hiện hữu giữa thôn xóm thân quen mà tâm hồn như đã tìm thấy chốn tiên bồng. *** Và, trên nền không gian hùng vĩ, các nhà thơ cùng khắc họa nên hình tượng con người - một ông lão thuyền chài. Ở Ngư nhàn là ông chài hồn nhiên chìm vào giấc ngủ: “Ông chài ngủ say tít không ai gọi Quá trưa tỉnh dậy, tuyết bay đầy thuyền.” Còn trong Giang tuyết lại là ông chài ngồi kiên nhẫn buông câu: “Thuyền trơ trọi, ông già nón lá áo tơi, Một mình ngồi thả câu trong tuyết trên sông lạnh.” Hình ảnh ông lão chài lưới vốn là thi liệu quen thuộc trong Đường thi, trong thơ cổ điển. Nó góp phần tạo nên bộ tứ bình: Ngư – Tiều – Canh – Mục. Ngoài cuộc sống, ông thuyền chài vốn là người lao động nghèo khổ, thường lấy sông nước làm nhà, lo kiếm kế sinh nhai. Công việc hàng ngày của ông là tìm nơi thả câu, kéo lưới. Mối lo hàng ngày của ông là manh áo miếng cơm. Đó là những nỗi khổ lụy, đeo đẳng cuộc đời bao người dân hạ bạc. Tất nhiên, cũng đôi người tìm đến thú đi câu để được giữ tâm thanh tịnh, hay để nghiền ngẫm về thế thái nhân tình. Trong bài Ngư nhàn, chúng ta được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một tâm hồn Thiền và cái nhìn Thiền. Ông chài hiện diện giữa một vùng trời nước, giữa dâu xanh và khói sóng. Con người không mang dáng hình cụ thể. Dường như xác thân hữu hạn đã được giao hòa, thâm nhập cùng với thiên nhiên rộng mở. Chỉ còn nổi bật lên một tâm hồn phóng khoáng, quên bẵng đi bao lo âu, phiền lụy. Tâm hồn ấy đã được ngoại giới tan thấm vào, ướp đầy những cảm giác mát mẻ và thanh khiết, được ru đưa khỏi lo âu, phiền muộn. Ông chài chẳng còn bận chi câu cá, chẳng buồn lo chi cái nghèo, chẳng màng nhọc chi thế sự. Ông cứ thong dong buông giấc ngủ ngon lành. Làm sao không buông giấc say sưa, giữa một cõi tiên nơi trần thế này? Ru đưa giấc ngủ êm đềm của ông đã có màu xanh dịu mát của nước lẫn trời, đã có cảnh huyền diệu của khói mây và một vùng trời đầy hoa tuyết. Giấc ngủ của ông chài là nét đẹp hồn nhiên của con người biết sống tùy duyên “đói bụng thì ăn, mệt ngủ liền” Câu thơ Thiền. . Ở đây, nếu nhìn từ quan niệm Nho giáo, hình tượng con người ngủ trên sông cũng là sự kết hợp hài hòa, kỳ diệu giữa Thiên – Địa – Nhân, bộ ba làm thành thế giới. Theo hướng nhìn này, Thiên là màu xanh bất tận của bầu trời, Địa là màu xanh ngăn ngắt của thôn dâu, còn Nhân là một lão chài đang thả hồn vào một giấc mơ xanh. Dù theo hướng nào, chủ thể trữ tình vẫn đang có cái nhìn của một tâm Thiền, luôn tìm thấy vẻ đẹp hòa đồng, cảm thông giữa con người và vũ trụ. Giấc ngủ của ông chài thật hồn nhiên. Thời khắc ông tỉnh ngủ lại càng hồn nhiên, đáng yêu hơn. Tâm hồn vừa phiêu lãng cùng trời nước ấy vẫn chưa kịp tỉnh để quay về hiện thực. Như có một thoáng ngơ ngác gợn lên trong hồn người. Sao lại có con thuyền bềnh bồng trên sông nước? Sao lại có tuyết rơi đẹp đến dường này? Sao lại có mình trên thuyền, và cả một giấc ngủ say đến quên trời đất? Giấc ngủ của ông chài đúng là nơi con người tìm được cõi tiên nơi thế tục. Người tu Thiền cần chi tìm nơi hoang vắng non cao? Chỉ cần biết sống tùy tục thì con người cũng đạt đạo, cũng sẽ tìm thấy chân như trong phút chốc. Cũng cần nói thêm về hình ảnh tuyết rơi, một thi liệu quen thuộc gợi cảm trong thơ cổ điển (phong – hoa – tuyết – nguyệt). Trong tứ thơ này, sự hiện diện của tuyết có phần phi hiện thực. Bởi, giữa phương Nam đầy nắng ấm, lại quá trưa, làm sao có một trời đầy tuyết trắng? Nhưng nhà thơ có phải theo cấu tứ của mạch lôgich đâu. Bằng con mắt Thiền, nhà thơ nhận ra những bông tuyết trắng tinh đang gột rửa, thanh lọc không gian, thanh lọc cả tâm hồn con người thế tục. Ông chài tỉnh dậy, vẫn còn tắm mình giữa một không gian thanh khiết. Những bông hoa tuyết ấy như làm ngưng đọng cả thời gian, ấp ủ giấc ngủ ông chài tự thuở xa xưa cho đến bây giờ… Trước giấc ngủ thánh thiện ấy, đã có bao người chứng kiến. Nhưng không ai nỡ lay gọi ông. Bởi, không ai nỡ làm tan biến giấc mơ xanh không lời của con người thoát tục. Bởi, không ai nỡ làm bay đi những khoảnh khắc ngộ Thiền vừa chợt đến, nhè nhẹ đậu xuống hồn mình. Tứ thơ của bài Ngư nhàn quả được bao bọc trong màu vị Thiền đậm đà như thế. Nhân vật trữ tình chìm đắm trong cõi Thiền. Người ngắm nhìn giấc ngủ cũng có được tâm Thiền. Bản thân nhà thơ càng đúng là một chân tâm, giác ngộ được Thiền ngay trong cảnh trần thế tươi đẹp, căng tràn sức sống. Tuy nhiên, chuyển sang bài Giang tuyết, người đọc không còn thấy đâu cảm hứng Thiền bay bổng. Người đọc như bị ám ảnh mãi, những ấn tượng day dứt về nhân thế: “Thuyền trơ trọi, ông già nón lá áo tơi” Trên dòng sông mênh mông, chỉ một con thuyền lẻ loi và ông lão. Chiếc nón và cái áo tơi là dấu chứng của cảnh sống thanh bần. Con người ấy thật đáng thương! Sao lại có người khổ nghèo, cô độc đến vậy? Tuổi cao vóc hạc, người một mình đến nơi hoang vắng này để tìm gì? Chịu đựng cái lạnh thấu xương, có phải chỉ vì sinh kế? Hay người muốn tìm nơi thanh tịnh để được tu Thiền? Cái dáng ngồi buông câu bất động như thế, mặc cho tuyết rơi đầy trên sông, bao phủ cả con thuyền,… quả cũng rất gần đến chỗ thoát ly hiện thực, chìm đắm vào cõi quên: “Một mình ngồi thả câu trong tuyết trên sông lạnh.” Nhưng còn đâu một ông chài với giấc ngủ say, tâm hồn rộng mở cùng trời nước? Nào đâu những bông tuyết trắng thanh lọc bụi trần? Chỉ còn đây, một dáng vẻ co ro, một cảnh chờ thời, cùng bao u uẩn. Chỉ còn đây, những đợt mưa tuyết lạnh buốt thân người. Cho dù nhà thơ muốn tả hình ảnh người tọa Thiền đi nữa, thì lúc này, cái tâm của nhà thơ vẫn đang náo động. Nhà thơ đã không thể nhìn thấy cảnh Thiền bằng chính tâm Thiền và con mắt Thiền. Bởi, hồn thơ tác giả phải luôn thao thức trước hiện thực, với những mất mát, thiếu vắng, lẻ loi, trơ trọi, nghèo khổ của người và đời. Ngay khi đứng trước cảnh thiên nhiên tuyệt vời thơ mộng, với núi non trùng điệp, dòng sông lặng lờ, con thuyền gợi cảm, với cả một trời tuyết trắng,… thì lòng người vẫn thấy lạnh buốt xương da. Ấn tượng đọng lại cuối bài thơ, không phải những gam màu dịu mát, không phải con người sống tùy duyên, mà chỉ toàn một dòng sông ngập tràn băng giá. Mấy ai đứng trước một dòng sông tuyết này 1ại không bất giác rùng mình. Bài thơ tỏa ra cảm giác lạnh lẽo của sự cô đơn, dâng lên nỗi buồn man mác về thân phận con người trong vũ trụ. Cho dù cảnh thiên nhiên cũng vô cùng thơ mộng, nhưng nó vẫn chỉ là nét thi vị của cuộc đời thế tục. Con người càng lặng ngắm, càng không thể nâng cánh tâm hồn bay lên, để được như những tâm hồn đã ngộ Thiền, hóa thân vào cái đẹp vĩnh cửu của vũ trụ bao la. *** Tóm lại, bài thơ Ngư nhàn chính là cảm nhận của một Thiền sư mang tâm hồn nghệ sĩ. Đó là con người đạt đạo, biết sống tùy duyên, biết thả hồn tận hưởng vẻ đẹp, sức sống diệu kỳ nơi trần thế. Chính tâm Thiền đã khiến nhà thơ tìm thấy vạn vật hòa đồng trong gam màu xanh mát, đã xóa nhòa được ranh giới của cõi mơ và cảnh tục. Còn bài Giang tuyết lại là nỗi niềm của một nho sĩ lánh đời, muốn tìm quên trong ẩn dật. Với cái nhìn trĩu nặng ưu tư vì đời, càng xa chốn phồn hoa, nẻo đời đua chen, con người càng cảm thấy sự trống vắng và tách biệt với đời. Con người trong Ngư nhàn sẵn sàng bay bổng, tận hưởng cảnh tiên nơi trần thế. Còn con người trong Giang tuyết chỉ có thể tách mình ra khỏi chốn thế sự, để tìm quên cảnh đời phồn tạp. Từ những cảm nhận ban đầu này, chúng tôi càng nhận thức sâu sắc về đặc trưng nghệ thuật của thơ Thiền. Bản chất thơ Thiền luôn tùy thuộc vào cái tâm Thiền và cái nhìn Thiền của nhà thơ, chứ không phải từ thi liệu, từ dấu hiệu hình thức bên ngoài. Từ đây, chúng tôi càng hiểu thêm vẻ đẹp tinh thần của Không Lộ Thiền sư và của con người thời đại Lý – Trần. Đó là thời đại của những người biết sống tùy duyên, luôn mở lòng, chan hòa với cuộc đời, luôn biết tìm thấy và tận hưởng hạnh phúc ngay trong cuộc đời thường, giữa nơi trần thế. Thành phố Mỹ Tho, tháng 02 năm 2003. š­›

File đính kèm:

  • docBai tho Ngu nhan cua Su Khong Lo.doc
Giáo án liên quan