Bước vào năm 2007 chúng ta có thuận lợi cơ bản là sau hơn 20 năm đổi mới thế và lực của nền kinh tế nước ta cũng như những kinh nghiệm tổ chức, quản lý và điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đều đã được tăng lên đáng kể. Việc nước ta trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tạo thêm cơ hội để nền kinh tế nước ta hội nhập sâu hơn và rộng hơn vào kinh tế thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức: trong khi nền kinh tế còn nhiều mặt yếu kém, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh thấp thì giá của nhiều loại vật tư nguyên liệu đầu vào quan trọng phải nhập khẩu tăng cao. Những tháng cuối năm lại xuất hiện một số khó khăn không lường trước được như bão, lũ; dịch tiêu chảy cấp; dịch tai xanh ở lợn; dịch cúm gia cầm tái bùng phát ở một số nơi. Tuy nhiên, với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự điều hành quyết liệt khẩn trương có hiệu quả của Chính phủ, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế xã hội đều đạt và vượt mức Quốc hội đề ra, nền kinh tế tiếp tục phát triển, chính trị xã hội ổn định. Kết quả cụ thể trong các ngành và lĩnh vực chủ yếu cụ thể như sau:
1. Tổng sản phẩm trong nước
Theo ước tính sơ bộ, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2007 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 8,48% so với năm 2006, đạt kế hoạch đề ra (8,2-8,5%), gồm có khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,41% (kế hoạch 3,5-3,8%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,6% đạt kế hoạch đề ra (10,5-10,7%); khu vực dịch vụ tăng 8,68% vượt kế hoạch đề ra (8,0-8,5%). Tăng trưởng kinh tế năm 2007 của nước ta đứng vào hàng các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực (Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển Châu Á-ADB thì năm 2007 kinh tế Trung Quốc tăng 11,2%; Việt Nam tăng 8,3%; Xin-ga-po tăng 7,5%; Phi-li-pin tăng 6,6%; In-đô-nê-xi-a tăng 6,2%; Ma-lai-xi-a tăng 5,6%; Thái Lan tăng 4%).
6 trang |
Chia sẻ: lephuong6688 | Lượt xem: 628 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tình hình kinh tế - Xã hội năm 2007, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2007
Bước vào năm 2007 chúng ta có thuận lợi cơ bản là sau hơn 20 năm đổi mới thế và lực của nền kinh tế nước ta cũng như những kinh nghiệm tổ chức, quản lý và điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đều đã được tăng lên đáng kể. Việc nước ta trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tạo thêm cơ hội để nền kinh tế nước ta hội nhập sâu hơn và rộng hơn vào kinh tế thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức: trong khi nền kinh tế còn nhiều mặt yếu kém, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh thấp thì giá của nhiều loại vật tư nguyên liệu đầu vào quan trọng phải nhập khẩu tăng cao. Những tháng cuối năm lại xuất hiện một số khó khăn không lường trước được như bão, lũ; dịch tiêu chảy cấp; dịch tai xanh ở lợn; dịch cúm gia cầm tái bùng phát ở một số nơi. Tuy nhiên, với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự điều hành quyết liệt khẩn trương có hiệu quả của Chính phủ, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế xã hội đều đạt và vượt mức Quốc hội đề ra, nền kinh tế tiếp tục phát triển, chính trị xã hội ổn định. Kết quả cụ thể trong các ngành và lĩnh vực chủ yếu cụ thể như sau:
1. Tổng sản phẩm trong nước
Theo ước tính sơ bộ, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2007 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 8,48% so với năm 2006, đạt kế hoạch đề ra (8,2-8,5%), gồm có khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,41% (kế hoạch 3,5-3,8%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,6% đạt kế hoạch đề ra (10,5-10,7%); khu vực dịch vụ tăng 8,68% vượt kế hoạch đề ra (8,0-8,5%). Tăng trưởng kinh tế năm 2007 của nước ta đứng vào hàng các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực (Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển Châu Á-ADB thì năm 2007 kinh tế Trung Quốc tăng 11,2%; Việt Nam tăng 8,3%; Xin-ga-po tăng 7,5%; Phi-li-pin tăng 6,6%; In-đô-nê-xi-a tăng 6,2%; Ma-lai-xi-a tăng 5,6%; Thái Lan tăng 4%).
Tổng sản phẩm trong nước năm 2007 theo giá thực tế
Tổng sản phẩm trong nước năm 2007 theo giá so sánh 1994
2. Đầu tư phát triển
Khối lượng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2007 theo giá thực tế ước tính đạt 461,9 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4% tổng sản phẩm trong nước (đạt kế hoạch đề ra 40% GDP) và tăng 15,8% so với năm 2006, trong đó vốn khu vực Nhà nước 200 nghìn tỷ đồng, chiếm 43,3% tổng vốn và tăng 8,1%; vốn khu vực ngoài Nhà nước 187,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,7% và tăng 24,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 74,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 16% và tăng 17,1%.
Trong vốn nhà nước, vốn đầu tư từ ngân sánh nhà nước (gồm vốn dự án và chương trình mục tiêu) ước tính thực hiện 97 nghìn tỷ đồng, bằng 101,6% kế hoạch năm, trong đó vốn do địa phương quản lý 64,4 nghìn tỷ đồng, bằng 107,2%, vốn trung ương quản lý đạt thấp hơn so với dự toán, chỉ bằng 92,2%; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước ước tính 40,3 nghìn tỷ đồng, đạt kế hoạch năm và vốn của các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức nhà nước khác khoảng 62,7 nghìn tỷ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng khá, ước tính năm 2007 đạt 20,3 tỷ USD, tăng 69,3% so với năm 2006 và vượt 56,3% kế hoạch cả năm, trong đó vốn cấp phép mới là 17,86 tỷ USD.
Khối lượng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện năm 2007
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài 01/01- 22/12/2007
3. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước năm nay ước tính tăng 16,4% so với năm 2006 và bằng 106,5% dự toán cả năm, trong đó các khoản thu nội địa bằng 107%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 108,1%; thu viện trợ bằng 156,7%. Riêng thu từ dầu thô ước tính chỉ bằng 102,1% so với dự toán năm và thấp hơn năm trước, do sản lượng khai thác dầu thô giảm.
Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2007 ước tính tăng 17,9% so với năm trước và bằng 106,5% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển tăng 19,2% và bằng 103,2; chi thường xuyên tăng 15,1% và bằng 107,2%; chi trả nợ và viện trợ tăng 20,5% và đạt kế hoạch năm. Bội chi ngân sách Nhà nước năm 2007 ước tính bằng 14,8% tổng số chi và bằng mức bội chi dự toán năm đã được Quốc hội thông qua đầu năm, trong đó 76,1% được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và 23,9% từ nguồn vay nước ngoài.
4. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Giá trị sản xuất của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2007 theo giá so sánh 1994 ước tính đạt gần 200 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% so với năm 2006, trong đó nông nghiệp tăng 2,9%; lâm nghiệp tăng 1% và thuỷ sản tăng 11%. Do ảnh hưởng của mưa bão, lũ ở nhiều địa phương và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; chi phí đầu vào tăng, nhất là chi phí cho chăn nuôi nên giá trị tăng thêm của khu vực này chỉ tăng 3,41% so với năm trước, gồm có nông nghiệp tăng 2,34%; lâm nghiệp tăng 1,1% và thủy sản tăng 10,38%. Tình hình sản xuất của các ngành cụ thể như sau:
a. Nông nghiệp
Sản lượng lúa tính chung ba vụ đạt 35,87 triệu tấn, tăng 0,1% so với năm 2006, trong đó sản lượng lúa đông xuân 17,03 triệu tấn, giảm 3,2% (diện tích giảm 0,2%, năng suất giảm 3%); lúa hè thu 10,11 triệu tấn, tăng 4,3% (năng suất tăng 9,6% bù lại diện tích giảm; lúa mùa 8,73 triệu tấn, tăng 1,9% (năng suất tăng 2,1%, diện tích giảm nhẹ). Năm 2007 cũng là năm được mùa ngô với sản lượng 4,11 triệu tấn, tăng tới 8,2% so với năm trước. Tính chung cả lúa và ngô thì sản lượng lương thực có hạt năm nay đạt gần 40 triệu tấn, tăng 0,8% so với năm 2006.
Sản lượng nhiều loại cây công nghiệp hàng năm như đay, mía, lạc đậu tương đều tăng so với năm trước, do tăng cả diện tích và năng suất. Sản lượng hầu hết cây có giá trị xuất khẩu cao như cao su, hồ tiêu, điều chè tăng từ 8,3 đến 14,4% do mở rộng diện tích và tăng năng suất. Riêng cây cà phê, tuy diện tích tăng 1,9% nhưng do sâu bệnh nên năng suất thấp, kéo theo sản lượng giảm 2,4%.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, tốc độ chăn nuôi năm nay tăng không cao, chưa ổn định và thiếu đồng đều giữa các địa phương. Theo kết quả điều tra chăn nuôi tại thời điểm 01/8/2007, cả nước có gần 3 triệu con trâu, tăng 2,6% so với năm 2006; 6,7 triệu con bò, tăng 3,3%; 226 triệu gia cầm, tăng 5,3%. Tuy dịch lợn tai xanh đã được khống chế và dập tắt, nhưng đàn lợn, chỉ có gần 26,6 triệu con, giảm 1,1% so với năm trước, trong đó các địa phương giảm nhiều là Hải Dương giảm 29,6%; Long An giảm 22,2%; Đà Nẵng giảm 17,6%; Hậu Giang giảm 17,2%; Bình Thuận giảm 16,7%; Sóc Trăng giảm 14,9%; Cần Thơ giảm 14,6%; Bắc Ninh giảm 12,8%; Hải Phòng giảm 12,2%; Đồng Nai giảm 10,5%...
b. Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng tập trung cả năm ước tính đạt 194,7 nghìn ha, tăng 1% so với năm trước; khoanh nuôi tái sinh 969,3 nghìn ha, tăng 1,2%; diện tích rừng được chăm sóc 487,2 nghìn ha, giảm 4,7%. Nhờ đẩy mạnh trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng nên diện tích rừng của cả nước năm 2007 ước tính đạt gần 12,85 triệu ha, tăng 311 nghìn ha so với năm 2006, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 37,9% năm 2006 lên 38,8% năm 2007 (kế hoạch 39%).
c. Thủy sản
Giá trị sản xuất thủy sản năm 2007 theo giá so sánh năm 1994 ước tính đạt 46,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2006, trong đó nuôi trồng tăng 16,5%; khai thác tăng 2,1%. Sản lượng thủy sản cả năm ước tính đạt 4,15 triệu tấn, tăng 11,5% so với năm 2006, trong đó nuôi trồng 2,09 triệu tấn, tăng 23,1%, do tăng cả diện tích và năng suất (nhất là các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long); sản lượng khai thác 2,06 triệu tấn, tăng 1,8%. Trong tổng số, sản lượng cá chiếm tỷ trọng 74%, tương đương với 3,1 triệu tấn và tăng tới 13,5%, sản lượng tôm đạt khoảng 500 ngàn tấn và chỉ tăng ở mức 7,6%.
Sản xuất nông nghiệp đến ngày 15 tháng 12 năm 2007
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Diện tích, năng suất và sản lượng năm 2007 một số loại cây trồng chủ yếu
Diện tích, năng suất và sản lượng năm 2007 của một số cây công nghiệp hàng năm
Kết quả sản xuất lâm nghiệp năm 2007
Sản lượng thuỷ sản năm 2007
5. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp năm 2007 tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, nhất là khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2007 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 17,1% so với năm 2006, bao gồm khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 10,3% (Trung ương quản lý tăng 13,3%, địa phương quản lý tăng 3%); khu vực ngoài Nhà nước, tăng 20,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,2%. Nguyên nhân khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng thấp là do chúng ta đang tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp và cổ phần hoá nên số doanh nghiệp khu vực này giảm. Khu vực ngoài Nhà nước vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ba khu vực, chủ yếu do Luật doanh nghiệp mới đã tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Trong ba ngành công nghiệp cấp I, ước tính công nghiệp chế biến chiếm 87,6% giá trị sản xuất toàn ngành, tăng 19,1%; sản xuất, phân phối điện, ga và nước chiếm tỷ trọng 5,6%, tăng 12,8%; công nghiệp khai thác mỏ chiếm 6,8%, giảm 1,1% so với năm trước, chủ yếu do khai thác dầu thô giảm.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm 2007 tăng cao so với năm 2006 là: Máy công cụ tăng 69,8%; ô tô tăng 52,8%; điều hòa nhiệt độ tăng 51,9%; động cơ điện tăng 24,3%; xe máy các loại tăng 23,9%; máy giặt tăng 21,3%; bia tăng 19,2%; quạt điện tăng 18,6%. Bên cạnh đó, có một số sản phẩm tăng không cao, thậm chí còn bị giảm như: Thủy sản chế biến tăng 12,6%; xi măng tăng 11,8%; than sạch tăng 11,5%; thép cán tăng 10,8%; dầu thô giảm 7,8%; khí hoá lỏng giảm 10,2%.
Những địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp trên địa bàn lớn, năm nay vẫn đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất cao hơn mức tăng chung 17,1% của toàn ngành như: Vĩnh Phúc tăng 41,4%; Bình Dương tăng 25,3%; Hà Tây tăng 25,1%; Cần Thơ tăng 23,4%; Đồng Nai tăng 22,4%; Hà Nội tăng 21,4%; Đà Nẵng tăng 19,7%; Hải Phòng tăng 18,2%. Riêng thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng 13,8% và Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 1,2%.
Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994
Một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp
6. Thương mại, giá cả và du lịch
a. Thương mại nội địa
Thương mại nội địa phát triển với nhiều hình thức kinh doanh góp phần cải thiện cơ cấu thị trường theo hướng đa dạng, văn minh, hiện đại phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của dân cư. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế năm 2007 ước tính đạt 726,1 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2006, trong đó kinh tế cá thể chiếm 56,2% và tăng 25,9%; kinh tế tư nhân chiếm 28,8% và tăng 30,3%; riêng khu vực kinh tế nhà nước chiếm 10,9%, giảm 1,3%. Trong các ngành kinh doanh, thương nghiệp chiếm 80,7% và tăng 22,6% so với năm trước; khách sạn, nhà hàng chiếm 11,9% và tăng 23,5%; dịch vụ chiếm 6,3% và tăng 30,5% và du lịch lữ hành chiếm 1,1% và tăng 34,5%.
b. Giá cả
Giá tiêu dùng năm nay diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng cao ở các tháng cuối năm. Giá tiêu dùng tháng 12 năm nay tăng 2,91% so với tháng trước.
So với tháng 12 năm 2006, giá tiêu dùng năm 2007 tăng 12,63%, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 18,92%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 17,12%; các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng từ 1,69% đến 7,27%.
Giá tiêu dùng bình quân năm 2007 so với năm 2006 tăng 8,3%, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 11,16%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 11,01%; các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác chỉ tăng 3,18-6,15%.
c. Xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ
Giá trị hàng hóa xuất khẩu năm 2007 ước tính đạt gần 48,4 tỷ USD, tăng 21,5% so với năm 2006, trong đó tất cả các mặt hàng chủ yếu đều tăng (kể cả xuất khẩu dầu thô tăng 2,6%, do giá tăng). Có 10 mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD là: Dầu thô 8,5 tỷ USD, dệt may 7,8 tỷ USD, giày dép gần 4 tỷ USD, thủy sản 3,8 tỷ USD, tăng 12,9%; sản phẩm gỗ 2,4 tỷ USD, tăng 22,3%; điện tử máy tính 2,2 tỷ USD, tăng 27,5%; cà phê 1,8 tỷ USD, tăng 52,3%; gạo 1,4 tỷ USD, tăng 13,9%; cao su cũng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 8,8%; than đá trên 1 tỷ USD, tăng 11,3%. Thị trường xuất khẩu hàng hoá tiếp tục phát triển, hầu hết các thị trường lớn đều tăng so với năm trước. Năm 2007 có 10 thị trường đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó Mỹ 10 tỷ USD, tiếp đến là EU 8,7 tỷ USD; ASEAN 8 tỷ USD; Nhật Bản 5,5 tỷ USD và Trung Quốc 3,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, trong năm 2007 một số thị trường có xu hướng giảm như Ôx-trây-li-a, I-rắc.
Giá trị hàng hóa nhập khẩu năm 2007 ước tính đạt 60,8 tỷ USD, tăng 35,5% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 39,2 tỷ USD, tăng 38,1% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,6 tỷ USD, tăng 31%. Các mặt hàng có giá trị nhập khẩu cao trong năm 2007 là: máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt gần 10,4 tỷ USD, tăng 56,5%; xăng dầu 7,5 tỷ USD, tăng 25,7%; sắt thép gần 4,9 tỷ USD, tăng 66,2%; vải 4 tỷ USD, tăng 33,6%; điện tử, máy tính và linh kiện 2,9 tỷ USD, tăng 43,7%; chất dẻo 2,5 tỷ USD, tăng 34,3%; nguyên phụ liệu dệt, may, da 2,2 tỷ USD, tăng 12,1%; hóa chất 1,4 tỷ USD, tăng 39,1%; ô tô 1,4 tỷ USD, tăng 101%; sản phẩm hóa chất gần 1,3 tỷ USD, tăng 27,1%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu 1,1 tỷ USD, tăng 52,6%, gỗ và nguyên phụ liệu gỗ 1 tỷ USD, tăng 31,9%.
Nhập siêu năm 2007 ở mức 12,4 tỷ USD, bằng 25,7% giá trị xuất khẩu hàng hóa và gấp gần 2,5 lần mức nhập siêu của năm trước. Giá trị nhập khẩu hàng hóa và nhập siêu của năm 2007 tăng cao là do (1) tăng nhu cầu nhập khẩu để phát triển nền kinh tế. Chỉ riêng nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đã chiếm tới 17,1% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu và đóng góp 23,5% vào mức tăng chung; xăng dầu cũng chiếm 12,3% và đóng góp 9,6%; (2) Giá của nhiều mặt hàng nhập khẩu chủ yếu đều tăng cao như sắt thép tăng 23,1%; phân bón tăng 19,1%; xăng dầu tăng 12,2%; chất dẻo tăng 9,6%. Ngoài ra, giá đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới sụt giảm so với một số ngoại tệ mạnh cũng là nhân tố làm gia tăng giá trị nhập khẩu, khi qui đổi về USD.
Giá trị xuất, nhập khẩu dịch vụ cả năm 2007 ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 21,6% so với năm trước, trong đó giá trị xuất khẩu dịch vụ 6 tỷ USD, tăng 18,2% và giá trị nhập khẩu dịch vụ, gồm cả phí vận tải và bảo hiểm hàng nhập khẩu đạt 6,4 tỷ USD, tăng 24,9%.
d. Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến nước ta trong năm 2007 ước tính đạt 4,23 triệu lượt người, tăng 18% so với năm 2006. Trong đó, khách đến với mục đích du lịch nghỉ dưỡng đạt 2,61 triệu lượt người, chiếm 61,6% và tăng 26%; đến vì công việc 673,8 nghìn lượt người, chiếm 15,9% và tăng 17%; thăm thân nhân 601 nghìn lượt người, chiếm 14,2% và tăng 7,1%; riêng khách đến với mục đích khác giảm 7,7%.
Trung Quốc vẫn là nước dẫn đầu về lượng khách đến Việt Nam, ước tính đạt 574,6 nghìn lượt người, chiếm 13,6% trong tổng số khách đến và tăng 11,3% so với năm trước. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng khách đến nước ta lớn vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định là: Hàn Quốc 475,4 nghìn lượt người, tăng 12,7%; Hoa Kỳ 408,3 nghìn lượt người, tăng 5,9%; Nhật Bản 418,3 nghìn lượt người, tăng 9%; Đài Loan 319,3 nghìn lượt người, tăng 16,2%, Ôx-trây-li-a 224,6 nghìn lượt người, tăng 30,2%. Một số nước có lượng khách đến tuy không lớn nhưng có mức chi tiêu cao đã đạt tốc độ tăng tương đối khá so với năm 2006 là: Liên bang Nga tăng 50,5%, I-ta-li-a tăng 43%; Niu-di-lân tăng 39,2%; Hà Lan tăng 37,9%; Bỉ tăng 32,5%.
e. Giao thông vận tải
Vận tải hành khách năm 2007 ước tính đạt 1535,5 triệu lượt khách và 67,2 tỷ lượt khách.km; so với năm trước tăng 8,4% về lượt khách và tăng 8,6% về lượt khách.km. Trong đó, vận chuyển bằng đường bộ đóng vai trò quan trọng (chiếm 86,6% tổng số lượt khách và 66,2% tổng lượt khách.km), tăng 9,4% về lượt khách và tăng 9,1% về lượt khách.km so với năm 2006.
Vận chuyển hàng hoá ước tính đạt 378,6 triệu tấn và 95,1 tỷ tấn.km; so với năm 2006 tăng 8,1% về số tấn và tăng 7,4% về số tấn.km. Bao gồm các đơn vị do Trung ương quản lý đạt 51,8 triệu tấn và 61,7 tỷ tấn.km, tăng 6,8% về số tấn và 7,1% về số tấn.km; các đơn vị vận tải do địa phương quản lý đạt 326,8 triệu tấn và 33,4 tỷ tấn.km, tăng 8,3% và tăng 7,8%.
Trong năm 2007 hoạt động vận tải gặp nhiều khó khăn như giá xăng dầu tăng cao đã gây áp lực tăng cước phí vận tải; thiên tai, lũ lụt xảy ra liên tiếp làm ngập và sạt lở nhiều đoạn đường sắt và tuyến quốc lộ quan trọng. Nhưng nhờ sự chỉ đạo điều hành khẩn trương có hiệu quả của ngành giao thông vận tải và của các địa phương nên hoạt động giao thông vận tải vẫn đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đi lại của nhân dân.
Tuy nhiên, tai nạn giao thông đang vẫn là vấn đề bức xúc. Tính chung 11 tháng năm 2007, trên phạm vi cả nước xảy ra 13,3 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết 11,9 nghìn người và làm bị thương 9,9 nghìn người. So với cùng kỳ năm trước, tăng 0,48% về số vụ tai nạn; tăng 3,85% về số người chết và giảm 3,45% về số người bị thương. Bình quân mỗi ngày trong 11 tháng vừa qua, có 40 vụ tai nạn giao thông, làm chết 36 người và làm bị thương 30 người. Nguyên nhân là do ý thức chấp hành luật giao thông của người dân chưa tốt, chuyển biến chậm; số phương tiện giao thông đăng ký mới tăng nhanh trong khi kết cấu hạ tầng giao thông chưa đủ điều kiện để phát triển tương xứng. Vì vậy, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ trong hệ thống chính trị để thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông.
f. Bưu chính, viễn thông
Năm 2007 hoạt động bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển mạnh. Số thuê bao điện thoại phát triển mới trong năm 2007 ước tính đạt 18,5 triệu thuê bao (gần bằng số thuê bao phát triển trong 3 năm 2004, 2005, 2006) nâng tổng số thuê bao trên cả nước tính đến hết tháng 12/2007 đạt 46 triệu thuê bao. Số thuê bao internet (quy đổi) phát triển mới năm 2007 ước tính đạt 1,18 triệu thuê bao. Đến nay đã có 18,2 triệu người sử dụng internet, chiếm 21,4% dân số cả nước.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2007
Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá USD
Xuất khẩu hàng hoá tháng 12 và năm 2007
Nhập khẩu hàng hoá tháng 12 và năm 2007
Xuất nhập khẩu dịch vụ năm 2007
Vận tải hành khách tháng 12 và năm 2007
Vận tải hàng hoá tháng 12 và năm 2007
Kết quả hoạt động bưu chính viễn thông năm 2007
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12 và năm 2007
7. Một số vấn đề xã hội
a. Đời sống dân cư
Nhìn chung đời sống của dân cư tiếp tục ổn định và từng bước được cải thiện. Đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương đã được cải thiện, qua 1 năm thực hiện Nghị định 94/2006/NĐ-CP và Nghị định 03/2006/NĐ-CP về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung. Thu nhập bình quân một tháng của một lao động trong khu vực Nhà nước đạt 2064,2 nghìn đồng, trong đó lao động do Trung ương quản lý 2522,6 nghìn đồng và lao động do địa phương quản lý 1764,0 nghìn đồng. Tuy nhiên, mức thu nhập giữa các ngành, các loại hình doanh nghiệp, các địa phương không đồng đều.
Mặc dù chịu tác động của nhiều yếu tố như giá tiêu dùng liên tục tăng, sản xuất nông nghiệp ở một số vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, nhưng đời sống của đại đa số dân cư ở nông thôn vẫn giữ được mức ổn định, do giá nông sản, thực phẩm tăng đã khuyến khích nông dân sản xuất hàng hóa, tăng thêm thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước đã giảm từ 15,47% năm 2006 xuống còn 14,75% năm 2007 vượt kế hoạch đề ra (16%). Trong các vùng của cả nước tỷ lệ hộ nghèo đều giảm, nhưng cá biệt một số tỉnh miền núi, tại những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người số hộ nghèo vẫn còn chiếm tỷ trọng cao: Tỷ lệ hộ nghèo của Lai Châu hiện nay là 55,32%; Điện Biên 40,77%; Hà Giang 39,44% và Bắc Kạn 37,8%.
Tình trạng thiếu đói vẫn xảy ra ở một số vùng bị thiên tai. Theo báo cáo của các địa phương, năm 2007 trên địa bàn cả nước có 723,9 nghìn lượt hộ với 3034,5 nghìn lượt nhân khẩu bị thiếu đói giáp hạt, giảm 6% số lượt hộ và giảm 11,6% số lượt nhân khẩu thiếu đói so với năm trước.
b. Giáo dục và đào tạo
Khai giảng năm học 2007-2008: Kết quả khai giảng năm học 2007-2008, cả nước có khoảng 438,9 nghìn trẻ em đi nhà trẻ; 2353,8 nghìn trẻ em đi học mẫu giáo; 6875,2 nghìn học sinh tiểu học; 5868,3 nghìn học sinh trung học cơ sở và 3084,5 nghìn học sinh trung học phổ thông. Nhìn chung số học sinh mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở đều giảm so với năm học trước, do công tác kế hoạch hoá gia đình ngày càng tốt hơn và qui mô dân số tăng chậm hơn. Số học sinh phổ thông trung học tăng so với năm học trước.
Cũng năm học này, cả nước có 346,7 nghìn giáo viên tiểu học; 313,8 nghìn giáo viên trung học cơ sở và 132,0 nghìn giáo viên trung học phổ thông. So với định mức biên chế giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo giáo viên tiểu học thừa 27,7 nghìn và trung học cơ sở thừa 10 nghìn người, trong khi giáo viên trung học phổ thông thiếu khoảng 21,2 nghìn người.
Đào tạo đại học và cao đẳng: Kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2007 diễn ra trật tự, an toàn và đúng quy chế. Tổng số thí sinh dự thi là 1054 nghìn người, tăng 7,5% so với năm học trước. Chỉ tính riêng 88 trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, số tuyển mới vào hệ chính quy đã lên tới 111,3 nghìn sinh viên, tăng 8% so với năm 2006, trong đó 96 nghìn sinh viên hệ đại học, 15,3 nghìn sinh viên hệ cao đẳng.
c. Y tế và chăm sóc sức khỏe dân cư
Dịch tiêu chảy cấp xảy ra trong hai tháng 10 và 11/2007 tại nhiều địa phương trên cả nước làm hàng nghìn người nhiễm bệnh, trong đó có 295 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ cũng như sự tích cực triển khai của Bộ Y tế, các Bộ, Ngành và các địa phương liên quan nên dịch bệnh đã nhanh chóng được dập tắt; Ngày 10/12/2007, Bộ Y tế đã công bố hết dịch.
Ngành y tế đã tập trung chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, ứng cứu khi thiên tai, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nước sạch. Tuy nhiên trong năm qua một số bệnh gây dịch thông thường như sốt xuất huyết, viêm gan vi rút, sốt rét vẫn tiếp tục xảy ra trên nhiều địa phương.
Tình hình ngộ độc thực phẩm chưa được cải thiện. Trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc tập thể với số lượng và quy mô ngày càng tăng. Trong năm 2007, cả nước đã có gần 6,8 nghìn trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 53 người đã tử vong. Tình trạng thực phẩm không an toàn cũng là một trong những tác nhân quan trọng gây ra các bệnh về đường tiêu hoá và dịch tiêu chảy cấp vừa qua.
Tình hình nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng. Tính từ ca phát hiện đầu tiên cho đến ngày 20/12/2007, trên địa bàn cả nước đã có 138,7 nghìn trường hợp nhiễm HIV, trong đó 28,8 nghìn người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 16 nghìn người đã tử vong do AIDS.
d. Văn hóa thông tin
Trong năm 2007, ngành Văn hóa thông tin đã tổ chức thành công các hoạt động văn hoá có quy mô lớn phục vụ các ngày lễ trọng đại trong năm. Bên cạnh đó, các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá cũng luôn được quan tâm. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra văn hóa và phòng chống tệ nạn xã hội được triển khai tích cực, thường xuyên và có tác dụng ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực.
e. Thể dục- thể thao
Hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì, phát triển rộng hơn với nhiều chương trình phong phú. Hoạt động thể thao thành tích cao năm 2007 đạt được nhiều thành tích đáng chú ý. Tại SEA Games 24 tổ chức tại Thái Lan, Đoàn Việt Nam đứng vị trí thứ ba trong bảng tổng sắp, sau Thái Lan và Malaysia với thành tích 204 huy chương, trong đó có 64 huy chương vàng, 58 huy chương bạc và 82 huy chương đồng. Ngoài ra trong năm ngành thể thao Việt Nam còn tổ chức và tham gia Vòng chung kết cúp bóng đá Châu Á, Giải vô địch Wusu thế giới lần thứ 9 tại Bắc Kinh, giải Pencak Silat thế giới và một số giải thi đấu quốc tế khác. Tuy nhiên, một số hiện tượng tiêu cực trong thi đấu chưa được ngăn ngừa và xử lý có hiệu quả. Việc nâng cao chất lượng toàn diện đối với vận động viên cần được quan tâm sâu sắc hơn.
f. Thiệt hại do thiên tai
Trong năm 2007 đã xảy ra 7 cơn bão và những đợt lũ lụt, mưa to, sạt lở đất,... tại 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Theo báo cáo của các địa phương, thiên tai đã làm 435 người chết và mất tích; 850 người bị thương; phá hủy trên 1,3 nghìn công trình phai, đập, cống; làm sạt lở, vỡ, cuốn trôi khoảng 460 km đê, kè và 1176 km kênh mương; làm ngập úng, hư hại 113,8 nghìn ha lúa; 6,9 nghìn ngôi nhà và 921 phòng học bị sập đổ, cuốn trôi; 920,9 nghìn ngôi nhà bị ngập nước, tốc mái và nhiều công trình kinh tế-xã hội khác bị ảnh hưởng. Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 11,6 nghìn tỷ đồng (khoảng 1% GDP). Chính phủ đã kịp thời trích từ quỹ dự phòng cứu trợ cho các địa phương bị thiệt hại do thiên tai 2,5 nghìn tỷ đồng và 37,4 nghìn tấn gạo. Ngoài ra, các địa phương bị thiên tai đã nhận được sự cứu trợ của đồng bào cả nước, các tổ chức kinh tế, xã hội trong và ngoài nước với tổng số tiền cứu trợ cho các hộ dân là 880,3 tỷ đồng, 11,1 nghìn tấn gạo và khối lượng lớn các nhu yếu phẩm khác.
g. Bảo vệ môi trường
Theo báo cáo kết quả tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, năm 200
File đính kèm:
- tinh hinh kinh te xa hoi Viet Nam 2007.doc