Nếu như Lý Thường Kiệt chọn công để lấn át khí thế quân thù, thì Trần Hưng Đạo lại làm ngược lại. Ông chọn cách rút lui để lật ngược tình thế. Chủ động tránh sức mạnh địch, kéo địch vào trận tuyến chiến tranh toàn dân, với chiến lược ấy, quân dân nhà Trần đã không chỉ một lần chiến thắng quân Nguyên-Mông - đội quân hùng mạnh bậc nhất một thời của thế giới.
Đầu thế kỷ thứ 13, quốc gia của người Mông Cổ được hình thành ở Trung Á. Sau đó không bao lâu, khắp nơi trên lục địa Á Âu đều có vết chân ngựa của họ. Bằng thứ sức mạnh ào ạt của kỵ binh, những đội quân Mông Cổ trở thành cơn ác mộng của bất cứ quốc gia nào trở thành mục tiêu xâm lược của họ.
Năm 1257, người Mông Cổ triển khai kế hoạch xâm lược Nam Tống. Với ý định tạo ra một gọng kìm nhanh chóng tiêu diệt vương quốc này, Mông Cổ lập kế hoạch chớp nhoáng tiến chiếm Đại Việt ở phía nam.
Cuối năm 1257, đầu năm 1258, dưới sự lãnh đạo của triều đình nhà Trần (1226-1399), nhân dân Đại Việt sôi nổi đoàn kết chống giặc. Và không giống nhiều cuộc chiến trước, người Mông Cổ thất bại. Trong lịch sử Việt Nam, đó là cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên lần thứ nhất.
Cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên lần thứ hai và lần thứ ba của nhân dân Đại Việt diễn ra vào các năm 1285 và 1288. Dường như càng chiến đấu càng bản lĩnh, Đại Việt đánh bại quân Mông-Nguyên lần thứ hai rồi lần thứ ba.
Mãi về sau này, dù luôn được nhắc đến như những chiến thắng kiểu mẫu của chiến tranh nhân dân trong thời kỳ phong kiến nhưng cách xoay chuyển tình thế mà Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuần (hay thường được biết đến là Trần Hưng Đạo) - tổng chỉ huy của cuộc kháng chiến, tạo ra lại là một dấu ấn tôn vinh tài năng cá nhân. Bởi thế, cùng với những cuộc kháng chiến của nhà Trần, cái tên Trần Hưng Đạo đã trở thành nột niềm tự hào trong lịch sử Việt Nam.
9 trang |
Chia sẻ: trangtt2 | Ngày: 20/07/2022 | Lượt xem: 426 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Trần Hưng Đạo và nghệ thuật xoay chuyển tình thế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRẦN HƯNG ĐẠO VÀ NGHỆ THUẬT XOAY CHUYỂN TÌNH THẾ
- Nếu như Lý Thường Kiệt chọn công để lấn át khí thế quân thù, thì Trần Hưng Đạo lại làm ngược lại. Ông chọn cách rút lui để lật ngược tình thế. Chủ động tránh sức mạnh địch, kéo địch vào trận tuyến chiến tranh toàn dân, với chiến lược ấy, quân dân nhà Trần đã không chỉ một lần chiến thắng quân Nguyên-Mông - đội quân hùng mạnh bậc nhất một thời của thế giới.
Đầu thế kỷ thứ 13, quốc gia của người Mông Cổ được hình thành ở Trung Á. Sau đó không bao lâu, khắp nơi trên lục địa Á Âu đều có vết chân ngựa của họ. Bằng thứ sức mạnh ào ạt của kỵ binh, những đội quân Mông Cổ trở thành cơn ác mộng của bất cứ quốc gia nào trở thành mục tiêu xâm lược của họ.
Năm 1257, người Mông Cổ triển khai kế hoạch xâm lược Nam Tống. Với ý định tạo ra một gọng kìm nhanh chóng tiêu diệt vương quốc này, Mông Cổ lập kế hoạch chớp nhoáng tiến chiếm Đại Việt ở phía nam.
Cuối năm 1257, đầu năm 1258, dưới sự lãnh đạo của triều đình nhà Trần (1226-1399), nhân dân Đại Việt sôi nổi đoàn kết chống giặc. Và không giống nhiều cuộc chiến trước, người Mông Cổ thất bại. Trong lịch sử Việt Nam, đó là cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên lần thứ nhất.
Cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên lần thứ hai và lần thứ ba của nhân dân Đại Việt diễn ra vào các năm 1285 và 1288. Dường như càng chiến đấu càng bản lĩnh, Đại Việt đánh bại quân Mông-Nguyên lần thứ hai rồi lần thứ ba.
Mãi về sau này, dù luôn được nhắc đến như những chiến thắng kiểu mẫu của chiến tranh nhân dân trong thời kỳ phong kiến nhưng cách xoay chuyển tình thế mà Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuần (hay thường được biết đến là Trần Hưng Đạo) - tổng chỉ huy của cuộc kháng chiến, tạo ra lại là một dấu ấn tôn vinh tài năng cá nhân. Bởi thế, cùng với những cuộc kháng chiến của nhà Trần, cái tên Trần Hưng Đạo đã trở thành nột niềm tự hào trong lịch sử Việt Nam.
Trước thế giặc hùng mạnh...
Sau lần xâm lược thất bại ở Đại Việt năm 1258, quân Nguyên không dám khinh suất. Trong các đợt xâm lược lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), vua Nguyên là Hốt Tất Liệt phái đi những đạo quân đông gấp cả chục lần so với lần đầu và lần sau chuẩn bị chu đáo hơn lần trước (lần thứ 2, quân Nguyên có tới 50 vận quân, lần thứ 3 quân Nguyên có 30 vạn quân, trong đó có cả thuỷ binh và chưa tính đội quân chở lương).
Không khó để hình dung về sức mạnh của quân Mông-Nguyên, khi đến thời điểm của cuộc xâm lược Đại Việt lần hai, lãnh thổ của họ không những bao trùm gần hết châu Á mà đã lấn nhiều sang châu Âu. Uy thế vô cùng mạnh mẽ. Thế nên, tướng giặc Ô Mã Nhi đã thẳng thừng đe doạ quan quân nhà Trần rằng: "Chỉ trong chốc lát, núi sông (các ngươi) sẽ thành đất bằng, vua tôi (các ngươi) sẽ ra cỏ mục". Địch mong muốn dùng sức mạnh ào ạt của kị binh, nhanh chóng khiến quân ta khiếp đảm, tan tác.
Vào những thời khắc đầu tiên của cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên xâm lược lần hai, sức mạnh ấy hiện rõ. Những cuộc tấn công chặn địch đầu tiên do Trần Hưng Đạo chỉ huy bị bẻ gãy nhanh chóng.
Lùi... để đào sâu nhược điểm của địch
Trong “Binh thư yếu lược” - soạn cho tướng sỹ học, Trần Hưng Đạo viết: “Người giỏi thắng không cần thắng nhiều lần, mà cần toàn thắng, đảm bảo thắng”. Điều đó đồng nghĩa với việc làm cách nào để có được chiến thắng cuối cùng mới là điều quan trọng nhất. Thế nên, cuộc kháng chiến quân Nguyên-Mông - đội quân hùng mạnh bậc nhất thế giới thời trung đại - của quân dân nhà Trần, dưới sự chỉ đạo của ông, được tiến hành theo một phương thức rất đặc biệt.
Ông nhanh chóng thay đổi chiến lược: chuyển từ trực tiếp đối đầu với khí thế hung hãn của quân Nguyên sang lui binh. Hạ lệnh cho tất cả các cánh quân rút lui, ông cùng với hai vua Trần thu quân về Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương). Giặc truy kích đến Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo lại đưa quân về Thăng Long. Khi giặc đuổi theo đến Thăng Long, ông điều binh rút về Thiên Trường (Nam Định). Cứ thế, quân ta tránh đụng độ với giặc trong nhiều tháng.
Một chiến thuật có vẻ bất thường nhưng lại là một trong những điểm đặc sắc nhất thể hiện óc chiến lược sắc sảo của Trần Hưng Đạo.
Với sức mạnh áp đảo, quân Nguyên muốn đánh nhanh, thắng nhanh. Bị chúng lấn át ngay trong những đợt tấn công đầu tiên, ông hiểu rằng, đối đầu ngay tức thì không phải là một chiến thuật đắc dụng trong tình huống này.
Những đội quân muốn đánh nhanh thắng nhanh thường có một nhược điểm chí tử: đó là công tác hậu cần. Thất bại của quân Mông-Nguyên năm 1258 góp phần chỉ rõ điểm mấu chốt đó.
Thế nên, thay vì tiến hành những cuộc tiến công trực diện ít có cơ hội chiến thắng, đánh vào điểm yếu này của địch sẽ là cách tốt nhất lấy đi sức mạnh của chúng. Áp dụng chiến lược lui binh, ông sẽ khiến cho địch không thể đánh theo cách đánh của chúng, nói theo cách khác ông chủ động kéo dài cuộc chiến đấu. Khi đó, thiếu lương thực - nhược điểm ngày một trầm trọng của địch - sẽ tự làm chúng suy yếu.
Nắm được chìa khoá tiêu diệt địch, khi quân Nguyên lần thứ ba đưa quân sang xâm lược Đại Việt (1287-1288), ông đã tự tin tâu với vua Trần rằng: "Thế giặc năm nay dễ phá". Và quả nhiên, sau khi tướng Trần Khánh Dư tiêu diệt đội binh lương của quân địch tại Vân Đồn (cuối năm 1287), quân địch lại rơi đúng vào tình huống ngặt nghèo về lương thảo - nguyên nhân sâu xa dẫn đến thất bại trong hai lần xâm lược trước.
Tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu, không chỉ giúp bảo toàn lực lượng, chiến thuật lui binh của Trần Hưng Đạo đã đẩy quân địch từ thế chủ động tấn công sang tình trạng dần mất phương hướng vì không tìm được đối tượng chiến đấu và rơi vào thế trận chiến tranh nhân dân của ta.
Tuy nhiên, nếu coi chiến lược lui binh của Trần Hưng Đạo là khởi đầu của một kế hoạch xoay chuyển tình thế - với các bước: khoét sâu nhược điểm, đẩy giặc vào tình thế khốn đốn và lấy lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường - thì cuộc chiến của nhân dân mỗi nơi giặc đến chính là bước thứ hai. Sự phối hợp ăn ý giữa việc lui binh của quân triều đình với các cuộc tiến công tại chỗ của nhân dân khắp nơi là yếu tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Lấy nhân dân làm điểm tựa xoay chuyển tình thế
Khi tính toán những bước đi của chiến thuật lui binh, chắc chắn Trần Hưng Đạo có tính đến thời điểm chấm dứt chiến thuật. Dựa trên đích nhắm đến của chiến thuật, có thể thấy đó sẽ phải là lúc tương quan so sánh giữa hai bên nghiêng hẳn về quân Trần, chúng ta kiểm soát được thế trận và nắm chắc phần thắng. Hay nói cách khác, đó là lúc mà người định đoạt kết cục của trận chiến là quân Trần chứ không phải 50 vạn hay 30 vạn quân nguyên.
Khi quân giặc không triển khai được thế trận của chúng, phải theo đuổi quân ta chủ lực của ta hết nơi này đến nơi khác, bước một của kế hoạch xoay chuyển tình thế đã thành công. Bước hai được xúc tiến dáo diết với kế "thanh dã" (làm "vườn không nhà trống") và chiến tranh du kích.
Khi quân Nguyên tiến vào kinh thành Thăng Long, chúng gặp phải một "sự kháng cự" kỳ lạ, cả kinh thành trống không và khắp nơi dán đầy yết thị kêu gọi nhân dân giết giặc: “Phàm các quận huyện trong nước, hễ có giặc ngoài đến, thì phải liều chết cố đánh; nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, chứ không được hàng”.
Sự vắng lặng quá mức của kinh thành khiến quân giặc e sợ. Chúng đưa quân ra đóng ngoài thành. Và có lẽ, khi vạch kế hoạch xâm lược, quân Nguyên Mông chỉ nghĩ rằng những cuộc đụng độ với quân của triều đình nhà Trần là thử thách duy nhất trong cuộc chiến. Chúng không ngờ, chúng còn phải đối phó với những thử thách khác cũng gay go chẳng kém.
Cần phải nhắc lại, trước khi cuộc chiến chống xâm lược bắt đầu, nhà Trần đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trong điện Diên Hồng. Các bô lão đại diện cho nhân dân khắp mọi miền tổ quốc được nhà vua hỏi ý kiến xem liệu thế giặc mạnh như vậy nên hoà hay nên đánh. Và cuộc kháng chiến của nhà Trần đã tạo cho mình một chỗ dựa vô cùng vững chắc khi không ai bảo ai, muôn người như một cùng hô "Đánh". Dường như, đó là câu thần chú kết nối lòng yêu nước trong mỗi người dân thành một loại sức mạnh trải khắp Đại Việt, hiển hiện, ám ảnh mỗi bước đi của quân Nguyên.
Cùng với những cuộc rút lui chiến lược của quân triều đình, khắp nơi, dân Việt đẩy mạnh chiến tranh du kích. Đêm đêm, những đội quân cảm tử được lệnh xuất kích đánh vào trại giặc. Bị tấn công ban đêm, bọn giặc vô cùng hoảng sợ, chỉ biết cố thủ, đợi trời sáng mới dám đánh. Chúng phải dựng rào gỗ, tăng thêm tuần tra ở các đồn trại đề phòng quân ta tiến đánh. Ngoài ra, theo lệnh triều đình, nhân dân tất cả những nơi giặc đi qua đều triệt để thực hiện kế thanh dã, cất giấu hết lương thực, không để giặc tự do cướp bóc.
Thiếu lương, không triển khai được thế trận, mệt mỏi vì cứ phải đuổi theo quân triều đình Trần, bị quấy rối và đánh phá liên miên, càng kéo dài cuộc chiến tranh, tình trạng của đội quân Nguyên ngày nào còn hùng mạnh càng trở nên bi đát: đói khát, bệnh tật và hoang mang đến tột độ. Cuộc chiến khắp nơi của người dân Đại Việt vắt kiệt dần ý chí chiến đấu của chúng.
Đến đây, bước hai - và cũng là bước cuối cùng của kế hoạch xoay chuyển tình thế - hoàn tất. Đây chính là lúc sự hoang mang, dã đám và thoái chí của quân Nguyên phải đối phó với một đội quân nguyên vẹn sức mạnh, đầy khí thế chiến đấu và được nhân dân ủng hộ mạnh mẽ của triều đình nhà Trần. Chẳng còn điều gì còn có thể tạo ra ưu thế cho quân giặc.
Trần Hưng Đạo nói về sức mạnh của chiến tranh nhân dân - thứ mà ông gọi là "thế nhân trận" - như sau: “hình dáng trận như chữ nhân, tiến cũng là chữ nhân, thoái cũng là chứ nhân, họp lại cộng làm một người, tan ra cũng làm một người, một người làm một trận, nghìn muôn người hợp làm một trận, nghìn muôn người động làm một trận”. Nói như vậy cũng đủ để biết, trong suy nghĩ của ông, sức mạnh của nhân dân có thể làm được những điều kỳ diệu gì.
Phản kích
Tình hình bi đát của quân giặc chính là mốc chấm dứt chiến thuật lui binh của Trần Hưng Đạo. Quân Trần bước vào giai đoạn hai của cuộc kháng chiến - giai đoạn phản kích.
Các cuộc phản công được tổ chức gần như đồng loạt và rất mạnh mẽ.
Quân và dân nhà Trần đã làm nên không ít chiến thắng oanh liệt: từ những chiến thắng như chiến thắng A Lỗ (gần điểm nối giữa sông Hồng và sông Luộc ngày nay), chiến thắng Tây Kết, chiến thắng Hàm Tử, chiến thắng Chương Dương đến những chiến thắng làm cho quân thù kinh hãi như chiến thắng Bạch Đằng.
Bị đáng thua khắp mọi nơi, quân Nguyên nhanh chóng tan rã. Hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo đều chiến thắng ròn rã.
Lui binh bảo toàn lực lượng, khoét sâu điểm yếu của địch, dùng sức mạnh nhân dân xoay chuyển tình thế, đẩy giặc vào tình thế khốn đốn và tiêu diệt địch, có thể nói, sự thành công của các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông là chiến thắng điển hình của nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh, trong đó, nổi bật lên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp - bước đệm của những cuộc phản kích dồn dập sức mạnh cuối mỗi cuộc kháng chiến. Đây chính là sự gắn kết hoàn hảo của các yếu tố dân, quân, cơ trong bàn tay lãnh đạo của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Nhà Trần-Những điều thú vị
Năm 1225 nhà Trần được lập nên. Xuất thân từ những người làm nghề chài lưới, con cháu nhà Trần từ phận “ngư, tiều” một nước tiến lên hàng “công, khanh” tạo nên một trong những triều đại huy hoàng nhất lịch sử Việt Nam. Với 175 năm tồn tại xung quanh triều đại này có một số vấn đề lưu ý:
Không làm vua nhưng là Thái thượng hoàng đầu tiên
Tháng 12 năm Ất Dậu (1225) Trần Cảnh được vợ là vua Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi, trở thành vua đầu tiên của nhà Trần, tức Trần Thái Tông. Cha Trần Cảnh là Trần Thừa chưa một ngày làm vua nhưng được Thái sư Trần Thủ Độ sắp xếp làm Thái thượng hoàng giúp vua con trị nước. Ông là Thái thượng hoàng đầu tiên của nhà Trần và của chế độ phong kiến Việt Nam. Khi mất đi Trần Thừa được con phong là Thái Tổ, nghiễm nhiên như “vua” sáng nghiệp nhà Trần dù chưa an tọa ở bệ rồng bao giờ.
Hai người tài trong một bộ Tam khôi
Khoa thi Hội năm 1247 đời Trần Thái Tông, trong hàng Tam khôi có Trạng nguyên Nguyễn Hiền 13 tuổi, Bảng nhãn Lê Văn Hưu 18 tuổi, Thám hoa Đặng Ma La 14 tuổi. Đây là khoa thi mở đầu học vị Tam khôi của khoa bảng Việt Nam và là khoa thi hàng Tam khôi có ba người trẻ tuổi nhất. Đặc biệt Trạng nguyên Nguyễn Hiền (1234-?) là trạng nguyên trẻ nhất trong các trạng nguyên cổ kim đất Việt. Còn Lê Văn Hưu được sử ghi danh là nhà sử học đầu tiên của nước Nam với công trình Đại Việt sử ký năm 1272.
Kết hôn kì cục
-Cuộc kết hôn của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh là cuộc hôn nhân trẻ thơ nhất Việt Nam. Thường thì “nữ thập tam, nam thập lục” có thể hôn phối, nhưng lúc đó đôi trẻ này đều ở tuổi lên 7 (cùng sinh năm 1218). Thật là một cuộc tảo hôn.
-Tháng 8 năm Bính Tuất (1226) Thái sư Trần Thủ Độ và cựu Hoàng hậu nhà Lý Trần Thị Dung cưới nhau. Vốn Trần Thủ Độ là con chú, Trần Thị Dung là con bác, theo lý Trần Thủ Độ gọi Trần Thị Dung là chị, nhưng hai chị em lại có tình ý với nhau tuổi thanh xuân nên sau khi nhà Lý đổ, vua Lý Huệ Tông chồng Trần Thị Dung mất, mối lương duyên thuở xưa mới được “cạp” lại.
-Công chúa Phật Kim (tức Lý Chiêu Hoàng) lấy Trần Cảnh đã lâu không có con nối dõi. Năm 1237 Trần Thủ Độ ép Trần Cảnh lấy công chúa Thuận Thiên vợ Trần Liễu làm vợ. Oái oăm ở chỗ Thuận Thiên là chị ruột Phật Kim và Trần Liễu là anh ruột Trần Cảnh. Xét hai bề Trần Cảnh lại lấy người vừa là chị vợ, vừa là chị dâu của mình. Thật trái luân thường.
Dùng tiền giấy đầu tiên
Theo Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa hạ, tháng 4, bắt đầu phát hành tiền giấy Thông bảo hội sao”. Việc này diễn ra năm 1396 đời vua Trần Thuận Tông. Tiền giấy Thông bảo hội sao có 7 loại mệnh giá từ 10 đồng đến 1 quan. Triều Trần là triều đại đầu tiên cho dùng tiền giấy ở Việt Nam và Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới sau nhà Minh (1368-1644) Trung Quốc dùng tiền giấy .
Sính lễ cưới sang nhất
Theo lệ dân gian lễ cưới xin có cau trầu, lợn béo, gà to, tiền cheo nhưng bậc vua chúa kết hôn thì sính lễ trên chẵng bõ bèn gì. Xem cuộc lương duyên xuyên quốc gia của vua Chămpa Chế Mân với công chúa Huyền Trân nhà Trần đủ rõ. Năm Bính Ngọ (1306) ngoài lẽ vật dạm hỏi gồm hương liệu qúy, vàng bạc, châu báu vua Chế Mân hào phóng cắt luôn hai châu Ô, Lý (tương ứng vùng đất Bắc Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế nay) để có được công chúa cành vàng lá ngọc. Một cuộc hôn nhân quá lời cho nhà Trần, được rể qúy lại kéo dài được lãnh thổ về Nam.
Chống giặc mạnh nhất
Trong thời gian tồn tại của mình, nhà Trần 3 lần liên tiếp đối mặt với vó ngựa Mông-Nguyên, một đội quân xâm lược bất khả xâm phạm lúc bấy giờ, vó ngựa của họ ruổi đến đâu cỏ không mọc được đến đó. Lần lượt vùng Trung Á, đất Ba Tư đến Bắc Âu rồi nước Kim, Hạ, Tống cúi rạp thần phục. Nhưng đội quân là nỗi khiếp đảm của bất cứ quốc gia nào, đội quân hùng mạnh nhất thế giới lúc đó lại dừng bước, bất lực trước một Đại Việt nhỏ bé như “cái đấu” mà kiên cường thời Trần với 3 lần kháng chiến toàn thắng vang dội: 1258, 1285, 1288. Chiến thắng của Đại Việt trước hết là chiến thắng của chiến tranh nhân dân, của cách đánh “thanh dã” (vườn không nhà trống) sáng tạo, của kế sách “lấy đoản binh chế trường trận”
Nhiều quân sĩ khắc chữ lên cánh tay nhất
Để tỏ rõ ý chí giết giặc, năm 1285 quan quân nhà Trần tất thảy đều thích lên cánh tay hai chữ “Sát Thát” (giết quân Thát Đát-tức quân Mông Cổ). Sử cũ còn chép lại: “Ngày 12, quân giặc đánh Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn, bắt được nhiều quân ta, thấy người nào cũng thích hai chữ “Sát Thát”” bằng mực vào cánh tay, tức lắm, giết hết” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Tham khảo:
Đại Việt sử ký toàn thư
Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim.
Mục Nhìn lại lịch sử của báo Thế giới mới số 786, trang 46, tác giả Trần Đình Ba
Nguồn: Trần Đình Ba, Cử Nhân Khoa Học Ngành Lịch Sử
Đôi điều tản mạn các vị tướng nhà Trần
Trong ba lần kháng chiến chống Mông-Nguyên của nhà Trần, ở nhiều vị tướng của nhà Trần có nhiều điểm thú vị, xin cung cấp một số thông tin qua tham khảo các nguồn tài liệu, cụ thể như sau:
Tướng chịu đau giỏi nhất
Để dọn đường xâm lược nước ta lần thứ hai, năm Tân Tỵ (1281) sứ nhà Nguyên Sài Xuân đem 5.000 quân sang sứ nước ta dò la tình hình, nghênh ngang, hống hách không coi quan quân nhà Trần ra gì. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn biết chuyện liền cạo đầu, mặc áo vải như nhà sư một mình đến sứ quán. Sài Xuân tưởng hoà thượng nên tiếp rất tử tế. Nhưng khi hai bên đang đàm đạo thì “người hầu của Xuân cầm cái tên đứng đằng sau Quốc Tuấn, chọc vào đầu Quốc Tuấn chảy máu ra, sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không thay đổi” (Đại Việt sử ký toàn thư). Chưa thấy ai chịu đau giỏi như ông, may ra có Phạm Ngũ Lão vì chờ gặp Quốc Tuấn trên đường cái quan để xin gia nhập đội quân đánh giặc, mải mê đan sọt và nghĩ kế đánh giặc nên bị quân Trần Quốc Tuấn đâm giáo vào đùi mà không hay biết. Việc này có thể sánh với Quốc Tuấn, cùng vì lẽ đó và tài đánh giặc mà tướng họ Phạm được Quốc Tuấn gả con gái cho.
Tướng thiếu niên khoẻ nhất
Tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1282) vua Trần mở hội nghị Bình Than (thuộc Chí Linh, Hải Dương) bàn kế sách chống giặc, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản “tuổi còn bé” (Đại Việt sử ký toàn thư. Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim thì “mới có 15, 16 tuổi”) không được dự bàn cùng cha chú, được vua ban quả cam bởi sự nhiệt tình, “Quốc Toản lấy làm xấu hổ tức giận, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết” (Đại Việt sử ký toàn thư). Không biết vì Quốc Toản khoẻ hay vì sự tự ái cao mà “quả cam chỉ còn trơ bã”.
Tướng biết nhiều thứ tiếng nhất
Đó là trường hợp của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật (1253-1330)”, từ nhỏ ông đã “ham hiểu biết về các tiếng nói và các giống người”. Vì thế Nhật Duật thành thạo được tiếng Hán, tiếng Chiêm, tiếng các dân tộc thiểu số vùng sông Đà. Điều đó khiến vua Trần Nhân Tông có lúc phải đùa rằng: “Chiêu Văn vương có lẽ không phải là người Việt mà là hậu thân của Phiên, Man”, còn sứ thần nhà Nguyên khi nói chuyện với Nhật Duật quả quyết rằng ông là người Hán di cư sang. Riêng chúa đạo Đà giang Trịnh Giác Mật chống đối triều đình nhưng quy thuận vì phục sự độ lượng cũng như sự hiểu biết ngôn ngữ, tục lệ của người đại diện triều đình Trần Nhật Duật.
Tướng ngoa nhất
Kháng chiến chống Nguyên lần hai, Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng dòng dõi vua Lê Đại hành (sau được ban quốc tính, họ vua) cự chiến với giặc Nguyên, thế cùng lực kiệt bị bắt. Giặc đem danh lợi dụ dỗ, hỏi ông: “Có muốn làm vương đất Bắc không?”, ông chửi thẳng vào mặt chúng rằng: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Không khuất phục được, chúng giết ông.
Tướng bán than
Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư vốn trước được vua Trần Thái Tông yêu qúy, phong là Thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua). Sau phạm tội lớn bị giáng làm thứ dân, phải đi bán than kiếm sống. Tại hội nghị Bình Than vua Trần Nhân Tông tình cờ gặp lại ông già bán than Trần Khánh Dư, cho ông dự bàn việc nước cùng các vương hầu. Chiến tranh kháng chiến lần thứ ba (1288) Khánh Dư lập công lớn đánh tan thuyền lương của giặc Nguyên, góp công lớn vào chiến thắng nhà Trần.
Đồng thời Trần Khánh Dư cũng là một tướng có “máu kinh doanh” đầy mánh khoé. Khi được trấn giữ vùng Vân Đồn (Quảng Ninh) ông cho người nhà mua sẵn nón Ma Lôi rồi bắt dân mua đội để phân biệt với khách thương phương Bắc, tiền thu được “một vốn bốn lời”.
Tướng nhát gan
Hào khí Đông A của nhà Trần rạng danh muôn thuở nhờ những vị tướng tài anh dũng, thế nhưng cũng có không ít tướng nhát gan.
Trần Di Ái là tôn thất nhà Trần đi sứ nhà Nguyên được vua Nguyên phong cho làm Lão hầu thì quên cả quốc thể nhận chức của kẻ thù, lại theo giặc về phá hoại đất nước năm 1281.
Năm 1285 Thượng vị Văn chiêu hầu là Trần Lộng cũng đầu hàng Thoát Hoan rồi Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc cũng nối gót “gọi giặc là cha”
Những tướng nhà Trần đầu hàng giặc đều bị vua Trần đổi sang họ Mai để không nhơ bẩn dòng họ. Riêng tướng Trần Ích Tắc là con vua nên cho giữ họ Trần nhưng bị gọi mỉa mai là “Ả Trần” có ý chê nhát như con gái.
---------
Tham khảo:
Đại Việt sử ký toàn thư
Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim.
File đính kèm:
- tran_hung_dao_va_nghe_thuat_xoay_chuyen_tinh_the.doc