Đề tài Về trang phục của nhân vật trong "Mây và Mặt trời" của Targore

Nói đến văn học Ấn Độ hiện đại, người ta nhắc nhiều nhất đến Tagore. Được giải Nobel văn học năm 1913 với tập Thơ dâng (Gitanjiali), tên tuổi của Rabindranath Tagore đã vượt ra ngoài Ấn Độ và được thế giới biết đến như một nghệ sỹ đa tài. Văn xuôi Tagore đang là mảnh đất giầu tiềm năng với các nhà nghiên cứu. Trong số các tác phẩm văn xuôi của Tagore, Mây và mặt trời(1) là tập truyện ngắn được giới thiệu sớm nhất ở nước ta. Đây là tác phẩm thể hiện khá tập trung bút lực dồi dào mà tinh tế của Tagore. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật là một trong những thành tựu nghệ thuật đặc sắc của tập truyện ngắn này. Khi miêu tả ngoại hình nhân vật, ngoài các yếu tố về khuôn mặt, vóc dáng , Tagore còn rất dụng công trong cách miêu tả trang phục. Qua trang phục của nhân vật, chúng ta có thể thấy được quan niệm nhân sinh, quan niệm nghệ thuật về con người, tình cảm của Tagore với nhân dân, đất nước Ấn Độ cũng như tài năng nghệ thuật của ông ở một lĩnh vực khác, ngoài thơ.

Thông thường trong một tác phẩm văn học, trang phục thường là phương tiện để phản ánh địa vị, đẳng cấp, khẳng định tính cách chính diện hay phản diện của nhân vật hoặc tôn vinh cho vẻ đẹp của họ. Truyện ngắn của Tagore cũng vậy. Tuy nhiên cách miêu tả trang phục nhân vật của Tagore, còn cho ta thấy ông có dụng ý riêng. Người đọc có thể cảm nhận được thái độ của ông với những giá trị truyền thống của văn hoá Ấn Độ trong một thời kỳ mà nó chịu sự ảnh hưởng nhiều mặt, theo nhiều chiều hướng khác nhau của nền văn minh kỹ trị phương Tây.

 

doc7 trang | Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 1668 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Về trang phục của nhân vật trong "Mây và Mặt trời" của Targore, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Về trang phục của nhân vật trong "Mây và Mặt trời" của Targore Ths. Lê Thanh Huyền Khoa Ngữ văn, ĐHSP Thái Nguyên         Nói đến văn học Ấn Độ hiện đại, người ta nhắc nhiều nhất đến Tagore. Được giải Nobel văn học năm 1913 với tập Thơ dâng (Gitanjiali), tên tuổi của Rabindranath Tagore đã vượt ra ngoài Ấn Độ và được thế giới biết đến như một nghệ sỹ đa tài. Văn xuôi Tagore đang là mảnh đất giầu tiềm năng với các nhà nghiên cứu. Trong số các tác phẩm văn xuôi của Tagore, Mây và mặt trời(1) là tập truyện ngắn được giới thiệu sớm nhất ở nước ta. Đây là tác phẩm thể hiện khá tập trung bút lực dồi dào mà tinh tế của Tagore. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật là một trong những thành tựu nghệ thuật đặc sắc của tập truyện ngắn này. Khi miêu tả ngoại hình nhân vật, ngoài các yếu tố về khuôn mặt, vóc dáng…, Tagore còn rất dụng công trong cách miêu tả trang phục. Qua trang phục của nhân vật, chúng ta có thể thấy được quan niệm nhân sinh, quan niệm nghệ thuật về con người, tình cảm của Tagore với nhân dân, đất nước Ấn Độ cũng như tài năng nghệ thuật của ông ở một lĩnh vực khác, ngoài thơ. Thông thường trong một tác phẩm văn học, trang phục thường là phương tiện để phản ánh địa vị, đẳng cấp, khẳng định tính cách chính diện hay phản diện của nhân vật hoặc tôn vinh cho vẻ đẹp của họ. Truyện ngắn của Tagore cũng vậy. Tuy nhiên cách miêu tả trang phục nhân vật của Tagore, còn cho ta thấy ông có dụng ý riêng. Người đọc có thể cảm nhận được thái độ của ông với những giá trị truyền thống của văn hoá Ấn Độ trong một thời kỳ mà nó chịu sự ảnh hưởng nhiều mặt, theo nhiều chiều hướng khác nhau của nền văn minh kỹ trị phương Tây. Tagore rất yêu thích hình ảnh người phụ nữ truyền thống vì thế trong tổng số 56 lần miêu tả trang phục của người phụ nữ thì có tới 53 lần người phụ nữ đều hiện lên theo lối phục sức truyền thống. Xuất hiện nhiều nhất là hình ảnh những chiếc xari - “y phục duyên dáng của phụ nữ Ấn Độ gồm một mảnh vải dài khoảng 5m, có thể quấn quanh người theo nhiều kiểu. Màu sắc và cách vận thay đổi theo từng địa phương”. Những chiếc xari với nhiều màu sắc khác nhau đã giúp cho người phụ nữ trở nên duyên dáng hơn trong con mắt nam giới: Giribala với chiếc “xari kẻ sọc”, Arunlêkha “diện chiếc xari hồng và đeo nữ trang lấp lánh”, cô gái trong Bộ xương lại mặc “xari màu hoàng yến”, Mahamaya với “tấm xari bằng lụa đỏ”, Xurêtơra thì đặc biệt thích những chiếc “xari trắng viền đen”… Người phụ nữ với vẻ đẹp tự nhiên mà tạo hoá ban tặng, khi biết tô điểm cho mình bằng cách ăn mặc tinh tế thì họ sẽ càng đẹp hơn. Hơn thế nữa, sự chăm chút trong cách ăn mặc cũng là cách họ dâng tặng tình yêu cho người bạn đời: “Xunêtơra biết rằng một tấm xari trắng nhẹ gợi ra nhiều màu sắc khác nhau tuỳ theo từng lúc và mặc nó, nàng sẽ gây một ấn tượng thay đổi mà vẫn không có vẻ ăn mặc cầu kỳ. Nàng biết chân trời tiềm thức của tôi sẽ bừng sáng khi thấy nàng ăn mặc duyên dáng như vậy...”. Khuôn mặt người phụ nữ e lệ sau những vạt xari hay thấp thoáng sau tấm mạng mỏng gợi nên một vẻ đẹp thật kín đáo, dịu dàng, đầy nữ tính. Trước khi trở thành cô dâu, Mrinmayi tinh nghịch như con trai. Cô thường xuất hiện như một cơn lốc nhỏ, đem bao rắc rối đến cho Apơcbô. Đến khi Apơcbô đi Cancơta, anh đòi cô thưởng công một nụ hôn. Tuy nụ hôn còn dang dở bởi Mrinmayi cứ “chìa mặt ra để hôn nhưng rồi lại bật cười”, nhưng ngay sau đó hình ảnh cô gái “dấu mặt sau vạt xari” đã báo hiệu “bản năng phụ nữ hiền dịu, sâu sắc, rộng lớn” đã bắt đầu thâm nhập vào thể xác và tâm hồn cô. Trong Đá đói, “chiếc mạng mỏng tang từ rìa mũ rủ xuống mặt” đã khiến hình ảnh cô gái Batư trở nên đẹp một cách huyền bí, kỳ ảo, gợi bao khao khát. Người phụ nữ thật đẹp khi dịu dàng e ấp nhưng khi họ quá nhút nhát, quá giấu mình thì những chiếc xari hay mạng che mặt lại là thứ che khuất mất vẻ đẹp của họ, khiến họ tự đánh mất bản thân. Vì vậy, Tagore không miêu tả những người phụ nữ ăn vận quá kín đáo như vậy với giọng điệu ca ngợi. Có khi ông miêu tả họ với một giọng điệu trung tính: “Thỉnh thoảng, những người Bengan khăn quàng quấn kín cả mũi lẫn miệng, qua lại nhìn tôi với vẻ tò mò”. Có khi ông nói về họ với một vẻ đầy xót thương: “ Cô nhấc vạt xari lên che mặt, ngồi xuống bậc bến ngay chân khất sư và khóc”. “… nhưng cuộc sống của hai người không có một chút hạnh phúc nào. Tấm khăn trùm ngăn cách người nọ với người kia có đáng gì đâu, thế nhưng tấm khăn đó vĩnh viễn như cái chết và còn thảm khốc hơn chính cái chết. Nỗi tuyệt vọng dịu dần với thời gian như nỗi đau của sự cách biệt âm dương, còn hy vọng sống động thì hằng ngày, hằng giờ bị tiêu tan về sự cách biệt mà tấm khăn này đặt ra giữa hai người"… Tagore còn kín đáo phê phán cách ăn mặc ấy qua việc ông để nó đi liền với thái độ vô duyên của người phụ nữ. Trong Những bậc bến tắm bên sông, tật xấu hay bàn tán, đưa chuyện của đám đàn bà con gái đã được tác giả gắn với chiếc mạng che mặt: “Một chị khác lấy hai ngón tay hơi tách chiếc mạng che mặt, hé ra một tí ở giữa, kêu lên... Người thứ ba, chẳng kể gì đến cái mạng che mặt của mình nữa, bôbô…”. Trong Cô dâu bé nhỏ, Tagore đã dùng hình ảnh "các bà phụ nữ lấy xari trùm kín lên đầu, che mặt đến tận chỏm mũi” để làm nền tương phản với hình ảnh Mrinmayi không che mặt, tay bế một đứa bé trần truồng ra đón vị lãnh chúa làng, nhằm nhấn mạnh tính cách hồn nhiên, bạo dạn của Mrinmayi. Như vậy, cách ăn vận "kín mít" còn gắn liền với sự sợ sệt quá mức của những con người đã bao đời chịu nhiều sự đè nén, bất công. Những chiếc mạng che mặt, khăn trùm đầu còn được sử dụng như một biểu tượng của sự chia cắt, xa cách giữa người với người. Có khi Tagore gắn chúng với thói ganh ghét của người phụ nữ: "Bà cho đấy là một âm mưu thâm hiểm của Haralan nhằm quyến rũ con trai bà để anh được mãi mãi giữ cái chân gia sư. Một hôm, bà nói với Haralan qua tấm mạng che mặt...”. Có khi chúng còn đáng sợ hơn cái chết bởi nó gây ra sự chia cắt tuyệt đối, vĩnh viễn của lứa đôi ngay khi tim họ vẫn đang rộn ràng những nhịp đập thanh xuân: “Anh đã mất đi rồi cô gái Mahamaya quen thuộc và trong khi ấy, người đàn bà trùm khăn kín mít, lúc nào cũng ngồi lặng lẽ bên cạnh, không để cho anh đưa vào cuộc sống của mình những kỷ niệm êm đềm anh còn giữ được về nàng hồi nhỏ”. Trang sức của người phụ nữ cũng là thứ để tôn vinh vẻ đẹp của họ. Tagore đặc biệt chú ý tới những chiếc vòng chân, vòng tay của người phụ nữ. Âm thanh mà ông sử dụng nhiều nhất (13 lần) khi nhắc tới nhân vật nữ là tiếng vòng tay, vòng chân của các cô gái. Những chiếc vòng tay, vòng chân cùng âm thanh của nó đã gieo chất thơ quanh vẻ đẹp của họ: “Thốt nhiên hai cánh tay êm ái với tiếng vòng xuyến lanh tanh ôm quàng lấy cổ anh”; “Tiếng xủng xoẻng của các đồ trang sức, tiếng lanh tanh của các vòng chân… tạo nên quanh tôi một thứ nhạc kỳ dị huyền ảo”… Có lúc nó lại gợi nên cảm giác của một sự chăm sóc ân cần: “Trong cảnh sống một mình ở nơi xa nhà, lại vào lúc mưa ảm đạm, thầy cần chút chăm sóc dịu dàng. Thầy tha thiết muốn nhớ lại đôi bàn tay dịu dàng, đeo vòng xúng xính sờ lên trán thầy để hình dung sự có mặt của những người đàn bà thân thương”. Sự trang điểm quá cầu kỳ bằng nhiều đồ trang sức, kể cả khi nó thuộc về cách phục sức truyền thống thì vẫn gây phản cảm. Đây là quan niệm rất riêng của Tagore. Nó là biểu hiện cụ thể cho sự coi trọng vẻ đẹp tự nhiên trong quan niệm nghệ thuật về con người của Tagore. Ông rất coi trọng những nét cổ truyền của văn hoá Ấn Độ nhưng ông cũng không mù quáng ca ngợi tất cả những gì thuộc về nó. Ông biết gạn đục khơi trong để tìm ra những tinh hoa thật sự cần được giữ gìn. Khi đeo quá nhiều đồ trang sức, người phụ nữ sẽ đánh mất vẻ đẹp tự nhiên của mình. Tagore kín đáo phê phán kiểu trưng diện này khi biến nó thành chi tiết dự báo tai hoạ. Haralan trước khi bị Vênu lấy mất tiền, chàng đã mơ thấy mẹ Vênu: “Lời bà nói nghe không rõ nhưng từ những đồ trang sức bà đeo, những tia sáng đủ màu sắc cứ xuyên qua rèm cửa như những chiếc kim rung thật mạnh mẽ”. Tagore rất coi trọng vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ. Vì thế, nếu một người phụ nữ hội tụ ba yếu tố mà Tagore kiêng kị: một khuôn mặt đầy son phấn, cách ăn vận “kín mít” và đeo quá nhiều đồ trang sức thì không còn phương thuốc nào có thể cứu chữa cho vẻ đẹp của họ. Họ lúc này đã trở thành một thứ “manơcanh” vô hồn. Trong toàn tập truyện, chỉ duy nhất có một lần ta bắt gặp vẻ vô hồn ấy ở “cô dâu hụt” của Apơcbô trong Cô Dâu bé nhỏ: “Cô dâu sắp cưới tắm rửa sạch sẽ, tô son điểm phấn, quấn một chiếc xari mầu được dẫn ra, run bần bật trước Apơcbô. Cô lặng lẽ ngồi vào xó nhà, vạt xari choàng lên đầu rủ xuống tận cằm, cúi khom người đến mức đầu gần chạm đến gối... Cái khối hình e lệ mặc quần áo, đeo đồ nữ trang ấy không thốt ra một câu trả lời nào”. Trong Mây và mặt trời, Tagore còn miêu tả trang phục của người phụ nữ với một số dụng ý khác. Có thể là dụng ý xác nhận hoàn cảnh, hoặc khẳng định một vị thế khác xưa của họ. Đó là trường hợp cô gái Ba Tư trong Đá đói: “mặc chiếc quần trùng pijama vàng sẫm, đôi chân nõn nà và trắng hồng đi đôi hài mũi cong đi kim tuyến, chiếc áo lót dát vàng bó sát lấy thân, đầu đội chiếc mũ đỏ có hàng diềm vàng rủ xuống vầng trán và đôi má trắng muốt như tuyết”. Cô là nạn nhân đau thương của lịch sử, vượt qua thời gian hai trăm năm mươi năm và sự chôn vùi của những nấm mồ tối đen ẩm ướt để đi tìm một trái tim đồng cảm nơi dương thế. Hay như Giribala, lúc gặp lại Xasibuxan, khi anh ra tù thì cô đã là một goá phụ “mặc áo trắng”, “không một thứ trang sức”. Hoặc như Kuxum trong Những bậc bến tắm bên sông, khi trở về ngôi nhà cũ trong vai trò một goá phụ thì “đôi chân ấy giờ đây không còn đeo vòng nữa” và “chiếc áo xám xịt… lặng lẽ phủ một tấm màn lên tuổi xuân của cô và giấu nó khỏi con mắt đàn ông”. Cũng có khi Tagore muốn dùng yếu tố trang phục để biến họ thành một nỗi ám ảnh trong lòng các nhân vật nam. Chiếc “áo vàng nhà tu khổ hạnh” khiến người phụ nữ ngồi khóc bên vệ đường Đajilinh trở thành một hiện tượng lạ, buộc “tôi” phải lên tiếng. Cô gái với “Bộ ngực trần” là một hình ảnh táo bạo. Nền văn hoá Ấn Độ cũng như nhiều nước chịu ảnh hưởng của loại hình văn hoá nông nghiệp rất đề cao vấn đề nhục cảm. Từ xa xưa, vẻ đẹp không che đậy của cơ thể người phụ nữ đã được ca ngợi và tái hiện qua những bức phù điêu về hình ảnh các tiên nữ Atsara, ở những kiệt tác về điêu khắc và kiến trúc như Khajuraho. Tuy nhiên, hình ảnh người phụ nữ “xé nát chiếc áo lót, đấm tay vào bộ ngực trần của mình trong lúc gió rít lùa qua khung cửa sổ nhỏ và mưa ào ào như thác đổ làm ướt sũng người nàng”, thể hiện sự giằng xé, niềm khát khao mãnh liệt như vậy thì lần đầu tiên trong văn học Ấn Độ ta bắt gặp ở Tagore. Nó đã biến người phụ nữ thành nỗi ám ảnh với mức độ cao nhất khiến chàng trai được chứng kiến phải bỏ chạy dưới trời mưa như một người hoá điên. Cũng có khi tác giả sử dụng thủ pháp tương phản khi miêu tả trang phục của các nhân vật để nói lên sự thay đổi số phận của nhân vật ấy. Cô bé Giribala xuất hiện ở đầu câu chuyện với chiếc xari kẻ sọc. Đến cuối câu chuyện cô lại xuất hiện với bộ đồ trắng của một goá phụ. Cô gái trong Bộ xương lúc đang yêu và được yêu thường mặc chiếc xari màu hoàng yến. Đến khi thất tình, cô lại chọn cho mình cái chết trên chiếc giường cưới, trong bộ đồ cô dâu. Cô bé Mini mới ngày nào còn mặc chiếc xari mà chiếc vạt của nó còn chứa đầy hạnh nhân, nho khô - những món quà của bác Ramun. Vậy mà mấy năm sau khi bác ra tù, đứng trước mặt bác đã là cô gái Mini bẽn lẽn trong bộ đồ cưới... Số phận của người phụ nữ dù đổi thay theo chiều hướng nào thì cách nắm bắt của Tagore cũng nhanh nhạy và thật tinh tế. Đối với phái đẹp, trang phục là thứ vô cùng quan trọng. Nó có thể làm cho họ trở nên đẹp hơn, đáng yêu hơn nhưng nếu quá lạm dụng hay ăn vận theo truyền thống một cách cực đoan thì sẽ dẫn đến sự tổn hại cho vẻ đẹp của chính họ. Sự miêu tả trang phục các nhân vật nữ đã góp phần tạo nên quan niệm nghệ thuật về con người đầy tính nhân bản của Tagore. Tình cảm của Tagore với những nét đẹp cổ truyền của văn hoá Ấn Độ còn thể hiện qua cách ông miêu tả trang phục của các nhân vật nam. Chúng tôi thống kê được 16 lần Tagore miêu tả trang phục của các nhân vật nam. Trong đó, tác giả tỏ ra không có cảm tình với kiểu ăn mặc theo lối phương Tây hoặc có sự pha trộn lố lăng giữa hai lối ăn mặc phương Tây và lối ăn mặc truyền thống. Cách ăn mặc này thường xuất hiện ở những tên tay sai xu nịnh, bợ đỡ bọn người Anh có chức quyền như Harakuma trong Mây và mặt trời: “Harakuma được cử làm uỷ viên danh dự hội đồng huyện. Ông thường mặc chiếc áo đuôi tôm nhàu bẩn, đội một cái khăn nhem nhuốc, ra thành phố hầu các quan người Anh”. Hay như Nabenđu Xêkha trong Chúng tôi xin tôn anh lên làm vua: “Nabendu đóng bộ quần áo bảnh nhất, đeo đồng hồ có dây chuyền và quấn một cái khăn xếp to tướng lên đầu”. Cũng trong câu chuyện trên, trang phục của nhân vật Pramathanat được miêu tả qua hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, khi đi du học ở Anh về: “Trong thời gian ở đó, anh được đối đãi tử tế đến nỗi anh mê mẩn quên cả nỗi đau buồn tủi nhục của đất nước, và đã trở về trong bộ âu phục. Điều đó thoạt đầu có phần làm cho các em trai, em gái của anh hơi buồn, song vài tuần sau, họ nghĩ âu phục hợp với anh hơn cả và dần dần họ cũng chia sẻ niềm tự hào, thái độ đường hoàng của anh”. Khi đã nhận ra đất nước đang trong vòng nô lệ và tủi nhục, anh như người chợt tỉnh cơn mê. Về đến nhà, “anh nhóm một đóm lửa lên rồi lần lượt ném tất cả những âu phục của mình vào”. Cách ăn mặc theo lối truyền thống ở nam giới thường là biểu hiện của một tâm hồn trong sáng, giản dị, một nhân cách cao thượng. Tara - chú bé Bàlamôn thuần khiết kể cả khi “chỉ mặc độc một chiếc đhoti (tấm vải dài khoảng 4 mét người đàn ông Bengan dùng để quấn vào người thay cho quần) đã sờn lắm, mình để trần” thì chú vẫn nổi bật lên với dáng vóc “cân xứng như một kiệt tác điêu khắc”. Cách ăn mặc gọn gàng sạch sẽ nhưng lịch sự và sáng sủa càng làm tôn thêm vẻ đẹp của cậu bé: “Làm xong, Tara nhẩy ùm xuống sông tắm rồi rút trong tay nải ra một tấm đhoti sạch sẽ, trắng tinh, quấn vào người… Đoạn, chiếc dây thiêng (gồm ba sợi chỉ tượng trưng ba chữ của âm thanh AUM mà tín đồ Bàlamôn giáo đeo trước ngực kể từ ngày thụ phép) lấp lánh trên ngực, chú ra đứng trước mặt ngài lãnh chúa”. Trong những thời điểm quan trọng của cuộc đời, nam giới ở Ấn Độ thường ăn mặc một cách trang trọng: “Tuy nhiên, hôm sau, Apơcbô vẫn tiến hành việc đi thăm cô gái được hứa chuẩn bị cho việc cưới xin… Hôm ấy, Apơcbô ăn mặc rất cẩn thận, vận một tấm đhoti, vận một chiếc véc tông lụa gọi là chapkan theo kiểu Hồi giáo và một cái khăn choàng to (chađđar), cuối cùng, đội lên đầu chiếc khăn xếp tròn. Anh cũng không quên mang đôi giầy da đánh xi bóng loáng và chiếc ô lụa”. Trong bộ trang phục của anh, chỉ có đôi giầy là ra lối phương Tây hiện đại. Tagore đã biến nó thành mục tiêu nghịch ngợm của Mrinmayi khiến anh chàng Apơcbô bị một phen xấu hổ: “Anh sắp sửa đi ra thì thấy đôi giày da bóng anh để lại trên thềm cửa lúc bước vào nhà theo tục lệ giờ đây đã không cánh mà bay, tìm khắp nơi không thấy. Apơcbô đành mượn ông chủ nhà một đôi dép cũ, nom thật thảm hại bên cạnh bộ quần áo anh mặc”. Trong vai trò một người tình nhân đang “náo nức chờ đợi giờ phút kỳ ngộ với tình nương”, nhất là khi tình nương ấy sinh ra cách đây hơn hai trăm năm mươi năm, ở thời hoàng đế Mamut Sa II thì cách ăn vận theo lối phương Tây càng tỏ ra kệch cỡm: “Lúc ấy, tôi biến thành một nhân vật vô danh nào đấy của một thời kỳ xa xưa, đóng vai của tôi trong lịch sử không thành văn, và chiếc áo khoác kiểu Anh ngắn cũn cỡn cùng chiếc quần chật túm ống đang mặc chẳng hợp với tôi chút nào. Với chiếc mũ lông đỏ đội trên đầu, chiếc quần pijama ống rộng, một chiếc áo ngắn thêu, một chiếc áo lụa rủ dài và những chiếc khăn tay sặc sỡ ngào ngạt mùi ata …”. Đối với nhân vật nam, Tagore ưa thích cách ăn mặc giản dị, gọn gàng, lịch sự theo lối truyền thống. Khi một người đàn ông ăn vận quá trưng diện, chải chuốt, thì đó là báo hiệu cho sự hư hỏng trong tính cách. Ông miêu tả anh chàng Môhit phóng đãng: “Môhit thời trẻ chăm chút từng ly, từng tý đến cách ăn mặc”, “ăn diện và điển trai”; anh chàng đã trở thành “hình ảnh của cái tận thiện, tận mỹ của thánh thần” trong con mắt của cô gái ngây thơ Hemsasi. Cô có biết đâu rằng vị thần của cô chỉ là vị thần hàng mã và vẻ ngoài đó che đậy một tâm hồn tàn nhẫn và đầy dục vọng. Chàng thanh niên Vênu trước khi ôm trọn số tiền ba ngàn rupi của thầy giáo cũ trốn ra nước ngoài đã xuất hiện trong bộ dạng sang trọng, phục sức cầu kỳ: “Vênu bước vào, ăn vận khác thường; hắn đã bỏ chiếc áo dài Bengan mặc một bộ puxi, đầu đội mũ mềm. Phần lớn các ngón của hai bàn tay đều lấp lánh nhẫn và cổ đeo một chiếc dây truyền vàng dầy dặn. Trong túi áo hắn có một chiếc đồng hồ vàng và những khuy kim cương thò ra từ hai cổ tay áo sơ mi”. Còn tên hoạn quan da đen trong Đá đói, cho dù có “mặc đồ gấm thêu kim tuyến”, cầm trong tay thanh kiếm lưỡi cong tuốt trần thì vẫn chỉ là một tên hung thần gớm ghiếc, một thứ “thiên sứ” của thần chết mà thôi. Quan niệm nhân sinh của Tagore đã thể hiện rõ. Ông không đánh giá con người qua tấm áo, manh quần. Ông nhắc nhở chúng ta phải nhìn sâu vào bản chất của họ. Một vỏ ngoài nghèo khổ, rách rưới có thể ẩn chứa bên trong một trái tim nhân hậu, một tâm hồn cao thượng, một cái “tôi” ưu việt. Chàng thanh niên Haralan xuất hiện ở nhà Babu Ađa với “bộ quần áo bẩn thỉu và đôi giầy vải cũ, rách bươm” lại là một con người giầu lòng yêu thương đến mức “cho đến nay anh đâu có ngờ tới những trữ lượng yêu thương vẫn được tích luỹ ẩn tàng nơi trái tim anh” lại dồi dào đến vậy. Bác Ramun đến với bé Mini trong “bộ quần áo rộng thùng thình, lấm bẩn” nhưng sau tấm áo ấy, ở nơi gần trái tim là kỷ niệm về đứa con gái nhỏ mà bác vẫn giữ vẹn nguyên suốt những năm tháng đằng đẵng bôn ba nơi đất khách quê người. Sự tương phản về trang phục giữa nam và nữ còn góp phần nói lên những bất công của xã hội: “Những phụ nữ lo công việc nội trợ hàng ngày, quần áo ướt sũng, đi từ lều này sang lều khác, co ro trong làn gió lạnh ẩm ướt, mon men bước xuống các bậc thang trơn nhẫy để lấy nước sông. Đàn ông ngồi ngoài hiên hút thuốc và khi thật cần mới đi ra ngoài, tay cầm dép, quàng khăn lên người và áo mưa trùm đầu”. Sự bất công ấy khiến tác giả không kìm nén được thái độ xót thương, ông phải kêu lên: “Than ôi! Trong phong tục lâu đời và đáng kính của chúng ta, không có phong tục trang bị áo mưa cho nhưng người phụ nữ nhẫn nại của mảnh đất Bengan này, trời nắng thì nóng rẫy và trời mưa thì ngập nước”. Cách miêu tả ngoại hình nhân vật cho thấy quan niệm nhân sinh của Tagore đầy chất nhân văn và nhân bản. Tình cảm với nhân dân, đất nước Ấn Độ có truyền thống văn hoá lâu đời, đặc biệt là sự tôn vinh ông dành cho người phụ nữ thấm nhuần trong hình tượng các nhân vật. Qua trang phục của họ, ta thấy hiện lên vẻ đẹp bao đời của con người Ấn Độ. Tagore không theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Ông không ủng hộ tinh thần bài ngoại triệt để của Gandhi. Ông mong muốn nhân dân Ấn Độ vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống nhưng họ cũng cần sống văn minh hơn, hiện đại hơn1 ___________________ (1) R. Tagore: Mây và mặt trời. Nxb. Văn học, H, 1986. Các chú dẫn trong bài viết đều theo sách này.

File đính kèm:

  • docVE TRANG PHUC CUA CAC NHAN VAT TRONG MAY VA MAT TROI CUA TAGORE.doc