Như chúng ta đã biết, giáo dục đào tạo có vai trò rất lớn và có ý nghĩa sâu sắc, quan trọng trong việc đào tạo thế hệ trẻ thành con người có đầy đủ phẩm chất, năng lực, sức khoẻ để xây dựng đất nước. Nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của giáo dục đào tào là: Nhằm xây dựng những con người và thế hệ gắn bó với lí tưởng độc lập và Chủ nghiã xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, làm chủ tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, có tư duy sáng tạo, có năng lực thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tổ chức về kỉ luật.
18 trang |
Chia sẻ: lephuong6688 | Lượt xem: 1474 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Trò chơi vui học Tiếng Việt, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
a. đặt vấn đề
I.Lí do chọn Sáng kiền kinh nghiệm.
Như chúng ta đã biết, giáo dục đào tạo có vai trò rất lớn và có ý nghĩa sâu sắc, quan trọng trong việc đào tạo thế hệ trẻ thành con người có đầy đủ phẩm chất, năng lực, sức khoẻ để xây dựng đất nước. Nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của giáo dục đào tào là: Nhằm xây dựng những con người và thế hệ gắn bó với lí tưởng độc lập và Chủ nghiã xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, làm chủ tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, có tư duy sáng tạo, có năng lực thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tổ chức về kỉ luật.
Giáo dục nói chung, giáo dục Tiểu học nói riêng giữ vị trí quan trọng và then chốt trong sự phát triển chung của đất nước. Đảng và nhà nước đã đề cao chất lượng và khẳng định: Giáo dục là quốc sách hàng đầu, và thực tế giáo dục trong những năm gần đây đã và đang vận động đi lên, chuyển mình đáng kể, trong đó giáo dục Tiểu học hiện đang là mối quan tâm rất lớn của toàn xã hội. Mục tiêu, yêu cầu về nội dung và phương pháp, kế hoạch, chương trình các môn học đổi mới nhằm phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của học sinh, giúp các em phát triển toàn diện đồng thời tiếp cận xu thế chung của giáo dục Tiểu học ở nhiều nước trên thế giới.
Đối với bậc Tiểu học là sự chuyển tiếp từ bậc học Mầm non, từ hoạt động chủ đạo là vui chơi chuyển sang hoạt động chủ đạo là học tập. Do vậy với các em phải ngồi ngay ngắn trật tự trong các buổi học ngày là một sự cố gắng, ở lứa tuổi các em rất hiếu động, học mà chơi – chơi mà học. Vì vậy nếu trong giờ học giáo viên biết cách xây dựng những trò chơi có nội dung học tập nhằm giúp học sinh nắm vững kiến thức đồng thời giúp các em có những giây phút thư giãn thì giờ học càng sinh động,hấp dẫn ,tạo cho các em lòng say mê học tập.
Đối với môn Tiếng Việt ở bậc Tiểu học, nó có vị trí đặc biệt quan trọng. Học tốt môn Tiếng Việt học sinh sẽ có cơ sở để tiếp thu học tốt các môn học khác. Nắm vững kiến thức Tiếng Việt và luyện tập thành thạo các kĩ năng: Nghe – Nói - Đọc - Viết, các em sẽ suy nghĩ mạch lạc, diễn đạt trong sáng và có khả năng làm chủ được tiếng nói và chữ viết của dân tộc.
Với những lí do như đã nêu, bản thân đã chọn và xây dựng các Trò chơi vui học Tiếng Việt với mong muốn giúp các em tự học và tham gia vào các trò chơi học tập theo tinh thần Học vui- Vui học; Học mà chơi – Chơi mà học một cách hứng thú và bổ ích.
II. Thực trạng dạy học Tiếng Việt ở Nhà trường.
Thực tế phương pháp dạy học tích cực : Lấy học sinh làm trung tâm đã và đang được áp dụng thường xuyên, song việc đưa trò chơi vào trong hoạt động dạy học còn nhiều hạn chế, hơn nữa các tài liệu về trò chơi còn ít. Giáo viên chưa thấy hết ý nghĩa – tác dụng của trò chơi học tập ; Giờ học Tiếng Việt thường cứng nhắc, ít tạo gia được không khí sôi nổi trong giờ học cũng như sự hứng thú tích cực học tập của học sinh.
Về phía học sinh : Do địa bàn ở đây là vùng nông thôn miền núi kinh tế còn rất nhiều khó khăn, phụ huynh học sinh chưa quan tâm đến việc học tập của các em, tất cả phó mặc cho nhà trường. Vốn ngôn ngữ của các em rất hạn chế, chưa nói thạo tiếng phổ thông dẫn đến giao tiếp rất rụt rè, chưa mạnh dạn.
Trò chơi trong học tập tạo hứng thú cho các em, giúp các em yêu thích và say mê môn học, nhưng nếu không sử dụng thích hợp và thường xuyên thì thao tác của các em luôn bỡ ngỡ lúng túng. Từ nhu cầu thực tế đặt ra tôi nhận thấy việc sưu tầm thiết kế trò chơi học tập Tiếng Việt nhằm cũng cố những kiến thức về ngữ âm, chính tả , từ ngữ, ngữ pháp , văn bản ...., luyện tập về các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết theo mức độ chương trình tiếng Việt và những yêu cầu đổi mới của chương trình trong việc áp dụng phương pháp dạy học mới, nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt là rất cần thiết.
III. Mục đích nghiên cứu.
Thiết kế các trò chơi học tập Tiếng Việt cho học sinh Tiểu học nhằm góp phần thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo phương pháp dạy học tích cực
Gây cho học sinh hứng thú học tập bằng cách lôi cuốn các em vào các trò chơi học tập bổ ích, phùi hợp với đặc điểm, trình độ nhận thức của lứa tuổi các em.
Nâng cao khả năng chuyên môn ngiệp vụ cho bản thân, từng bước tập dượt nghiên cứu khoa học làm cơ sở cho việc học tập và nghiên cứu trong quá trình công tác .
IV. Phương pháp nghiên cứu.
-Phương pháp điều tra.
-Phương pháp nghiên cứu tài liệu
-Phương pháp thực nghiệm
B. giải quyết vấn đề
I. Những vấn đề chung về thiết kế trò chơi Tiếng Việt cho học sinh Tiểu học.
1.Mục đích và yêu cầu.
a.Mục đích : Tổ chức chơi trò chơi học tập tiếng Việt là một hoạt động dạy học tiếng Việt rất phù hợp với lứa tuổi Tiểu học, dễ được học sinh hưởng ứng và tham gia tích cực. Vì thế mục đích nói chung là :
-Trò chơi nhằm dẫn dắt hình thành tri thức mới.
-Trò chơi nhằm cũng cố kiến thức luyện tập kĩ năng.
-Trò chơi nhằm rèn luyện tư duy trong giờ ngoại khoá.
b.Yêu cầu:
- Trò chơi phải có mục đích học tập.
- Trò chơi phù hợp với nội dung bài học.
- Trò chơi phù hợp với đặc điểm, trình độ học sinh.
- Hành động chơi phải hấp dẫn, hứng thú, luật chơi rõ ràng.
- Trò chơi phải phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế của lớp học (Trang thiết bị, không gian thời gian, diện tích, số học sinh )
- Trò chơi có thể tổ chức cho nhiều học sinh cùng tham gia, có tính thi đua.
- Trò chơi phải phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, phát huy được óc tư duy, sự nhanh nhẹn, khéo léo .
2.Lựa chọn nội dung-đối tượng trong thiết kế trò chơi.
Trò chơi được áp dụng cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 với các dạng kiến thức gắn liền với chương trình môn Tiếng Việt của các em.
3.Cấu trúc kịch bản của một trò chơi.
- Đối tượng: Học sinh trong lớp.
- Số người tham gia.
- Chuẩn bị: Đồ dùng, phương tiện cần thiết để thực hiện ..... có thể giao cho học sinh chuẩn bị những dụng cụ dễ làm, dễ sưu tầm.
- Luật chơi: Giáo viên giải thích cách chơi, người tham gia, người đánh giá thời gian chơi, phần thường là gì ? (Giáo viên cần giải thích rõ ràng, ngắn gọn, dễ nhớ).
II. Thiết kế các trò chơi Tiếng Việt cho học sinh.
Trò chơi: Thi xếp nhanh bảng chữ cái.
Mục đích:
- Ôn luyện để nắm vững bảng chữ cái Tiếng Việt đã học trong chương trình môn Tiếng Việt lớp 1, 2.
- Luyện trí nhớ thứ tự 29 chữ cái xếp theo bảng đã học (Từ a đến y), phục vụ cho việc xếp tên người trong bảng danh sách hoặc tra từ điển ...
Chuẩn bị.
- Cắt những mảnh bìa làm quân bài (kích thước khoảng 2 cm x 3 cm) ghi 29 chữ cái tiếng Việt bằng chữ in thường (hoặc in hoa)- xem H1. Số bộ quân bài chữ cái được chuẩn bị đủ cho số người chơi (mỗi người 1 bộ).
a (H1)
- Bảng chữ cái tiếng Việt được xếp theo thứ tự và đọc như sau:
1. a (a) 2. ă (á) 3.â (ớ) 4. b (bê) 5. c (xê) 6.d (dê)
7. đ (đê) 8. e (e) 9.ê (ê) 10. g (giê) 11.h (hát) 12. i (i)
13. k (ca) 14.l (e-lờ) 15. m (em-mờ) 16. n (en-nờ) 17. o (o)
18. ô (ô) 19. ơ (ơ) 20. p (pê) 21. q (quy) 22. r (e-rờ)
23. s (ét-sì) 24. t (tê) 25. u (u) 26. ư (ư) 27.v (vê)
28. x (ích-xì) 29. y (i dài).
- Làm các bảng xếp chữ bằng tờ bìa (hoặc giấy) có 29 ô trống đánh số thứ tự từ 1 đến 29 (mỗi ô trống có kích thước bằng hoặc rộng hơn kích thước của quân bài) – xem H2. Bảng xếp chữ đi kèm với quân bài để thực hiện cuộc thi.
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
(H2)
- Cử trọng tài điều khiển cuộc thi, ghi kết quả và chọn người thắng cuộc.
Cách tiến hành
- Mỗi người (hoặc nhóm) tham gia thi có một bảng xếp chữ và một bộ quân bài 29 chữ cái để lộn xộn, úp mặt có chữ xuống bàn.
- Khi trọng tài có lệnh “bắt đầu”, tất cả mọi người cùng tiến hành lật mặt có chữ của quân bài chữ cái để xếp vào bảng theo đúng thứ tự. Bảng chữ cái tiếng Việt (từ a đến y – từ ô số 1 đến ô số 29).
*Chú ý: Cần bố trí cho mỗi người (hoặc nhóm) ở một vị trí không quá gần nhau để giữ bí mật và kết quả và không ảnh hưởng lẫn nhau; người tham gia cổ vũ cuộc thi không được “mách nước” cho bạn.
- Sau khoảng 3 phút (hoặc đếm từ 1 đến 50), tất cả đều dừng lại. Từng người (hoặc nhóm) đọc to kết quả (thứ tự các chữ cái đã xếp trong bảng từ 1 đến 29) để trọng tài cùng các bạn khác nhận xét và tính điểm.
Cách cho điểm như sau: đúng mỗi chữ cái theo thứ tự được 1 điểm; xếp sai thứ tự hoặc thiếu mỗi chữ cái trong bảng đều bị trừ 1 điểm.
Cá nhân (hoặc nhóm) được nhiều điểm nhất là thắng cuộc (hoặc dựa vào điểm số để xếp Nhất, Nhì, Ba,...).
Trò chơi: Phân loại danh từ, động từ, tính từ
Mục đích
- Ôn luyện kĩ năng nhận biết nhanh các danh từ, động từ, tính từ tiếng Việt được học từ lớp 3 và củng cố ở lớp 4, lớp 5.
- Kết hợp ôn tập vốn từ theo chủ đề đã học trong các bài từ ngữ ở mỗi lớp.
Chuẩn bị
- Cắt 30 mảnh bìa làm thẻ chơi (kích thước khoảng 4 cm x 10 cm, hoặc lớn hơn tuỳ ý) để ghi 10 danh từ, 10 động từ, 10 tính từ – dựa vào nội dung các bài Từ ngữ theo chủ đề ở SGK Tiếng Việt đang học.
Ví dụ, chủ đề “Trường học” có thể ghi các từ:
+ (10 danh từ): thầy giáo, cô giáo, học sinh, bạn bè, sách vở, phấn, bảng, ...
+ (10 tính từ): giỏi, chăm, chuyên cần, tiến bộ, thân thiết, thuỷ chung, khăng khít, vui vẻ, sôi nổi ...
+ (10 động từ): dạy, học, đọc, viết, kể chuyện, lao động, ...
Làm thẻ chơi như sau:
cô giáo dạy giỏi
- Làm 3 cái hộp (kích thước rộng hơn thẻ chơi) dùng để đựng các thẻ chơi danh từ, động từ, tíng từ (ghi tên từ loại ở ngoài mặt hộp).
- Chuẩn bị đồng hồ để tính thời gian xếp thẻ của từng nhóm.
Cách tiến hành
- Chơi theo các nhóm với số người bằng nhau (nhóm 3 người hoặc nhóm 5 người); có thể cử một người làm trọng tài.
- Tráo lẫn lộn 30 quân bài, xếp thành tập và úp mặt có chữ xuống mặt bàn để từng người lên lấy thẻ chơi.
- Từng nhóm tiến hành chơi như sau: người thứ nhất lên lấy 3 thẻ chơi (từ trên xuống dưới), đọc từ và phân loại rồi đem bỏ đúng vào hộp (danh từ hay động từ, tính từ); khi người thứ nhất về chỗ, người thứ hai trong nhóm mới được lên lấy tiếp 3 thẻ chơi khác và phân loại như trên ....; cứ lần lượt cho đến khi phân loại xong 30 thẻ chơi thì kết thúc và tính thời gian thực hiện của cả nhóm hết bao nhiêu phút.
- Trọng tài lấy ra từng thẻ chơi ở từng hộp để cùng các bạn đánh giá việc xếp loại đúng hay sai và cho điểm, cộng điểm của cả nhóm.
Cách tính điểm như sau:
+ Về nội dung: phân loại đúng mỗi từ ở từng hộp (danh từ, động từ, tính từ), được 2 điểm; phân loại sai mỗi từ bị trừ 1 điểm.
(Ví dụ: Phân loại đúng cả 30 từ gồm: 10 danh từ, 10 tính từ, 10 động từ - được 60 điểm; phân loại đúng 20 từ và sai 10 từ thì điểm số sẽ là: 2 x 20 – 10 = 30 điểm).
+ Về thời gian: nhóm làm nhanh nhất được 10 điểm; nhóm nhanh xong thứ nhì được 8 điểm; nhóm thứ 3 được 6 điểm, ...
- Dựa vào kết quả điểm số từ cao xuống thấp để xếp giải: Giải Nhất, Nhì, Ba ...
Lưu ý: Tuỳ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, có thể chơi phân loại cả 3 hoặc 2 nhóm từ loại.
Một số nội dung tham khảo
a. Chủ đề “Gia đình”:
- (10 danh từ): ông bà, cha mẹ, anh chị, ông nội, ông ngoại, bà nội, bà ngoại, con cái, em bé.
- (10 động từ): trông nom, săn sóc, đỡ đần, ru, bế, yêu thương, quý mến, kính yêu, vâng lời.
- (10 tính từ): hiền từ, ngoan ngoãn, lễ phép, thân thương, đầm ấm, hạnh phúc, thắm thiết, nhẹ nhàng, dịu dàng, gần gụi.
b.Chủ đề “Quê hương”:
- (10 danh từ): đồi, núi, cánh đồng, con suối, dòng sông, con đường, bầu trời, cây đa, nhà sàn.
- (10 động từ): yêu quý, gắn bó, lưu luyến, nhớ thương, gìn giữ, bảo vệ, khôi phục, kiến thiết, xây dựng, làm giàu.
- (10 tính từ): đẹp đẽ, bao la, bát ngát, mênh mông, xanh tươi, tuyệt vời, cao vút, trong lành, lồng lộng, cổ kính.
Trò chơi: thi điền danh từ
Mục đích
- Luyện điền nhanh vào chỗ trống các danh từ trên cơ sở dựa vào ý của câu thơ, nhằm hoàn thiện nội dung đoạn thơ; trò chơi chủ yếu dành cho học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5.
- Mở rộng vốn danh từ chỉ tên sự vật giống nhau ở chỗ: đều có chung tiếng con
Chuẩn bị
- Chép lại (hoặc photocopy) thành nhiều bản (tuỳ theo số người tham gia cuộc thi) bài tập dưới đây để làm “đề thi”:
Điền các danh từ: con thoi, con tàu, con diều, con sóng, con chữ, con sông, con suối, con rối, con thuyền, con tem, con đường, con cờ (còn gọi là quân cờ), con mắt vào những chỗ trống trong đoạn thơ sau sao cho đúng ý:
.................................. cưỡi sóng ra khơi
.................................. chao lượn ngang trời, hè vui.
.................................. dệt vải ngược xuôi
.................................. mang cánh thư người bay xa.
.................................. dừng lại sân ga
Đầy vơi ............................ hiền hoà dòng sông.
................................. xứ Nghệ quanh quanh
.................................. khéo xắp thì thành bài thơ.
Tướng, sĩ, xe, mã - ..............................
....................... , ......................... lại mơ về nguồn.
.................................. cửa sổ tâm hồn
....................................... múa hát nỗi buồn vơi đi.
Có thể dùng các loại bút mực, bút chì để làm bài.
Cách tiến hành
- Phát cho mỗi người tham gia cuộc thi một bản “đề thi” được gấp lại để giữ bí mật.
- Người tổ chức cuộc thi phát lệnh để mọi người đọc và làm bài theo yêu cầu (điền danh từ vào chỗ trống ....). Khi thu bài cần chú ý ghi thứ tự nạp trước, sau để tính thời gian.
- Đối chiếu “bài thi” với kết quả để đánh giá điểm số: mỗi chỗ trống điền đúng được 1 điểm. Nhiều người điểm bằng nhau thì căn cứ vào thời gian làm bài; người có số điểm cao nhất nhưng nộp bài sau cũng không được giải nhất mà chỉ được tuyên dương. (Nếu quy định số phút để làm bài, nộp bài thì căn cứ vào điểm số để xếp giải).
Đáp án
Đoạn thơ điền đúng các danh từ:
Con thuyền cưỡi sóng ra khơi
Con diều chao lượn ngang trời, hè vui.
Con thoi dệt vải ngược xuôi
Con tem mang cánh thư người bay xa.
Con tàu dừng lại sân ga
Đầy vơi con sóng hiền hoà dòng sông.
Con đường xứ nghệ quanh quanh
Con chữ khéo xắp thì thành bài thơ.
Tướng, sĩ, xe, mã - con cờ
Con sông, con xuối lại mơ về nguồn.
Con mắt cửa sổ tâm hồn
Con rối múa hát nỗi buồn vơi đi.
(Theo Nguyễn Tấn Ka)
Chú ý: Chúng ta có thể mở rộng và áp dụng tương tự đối với dạng bài Thi điền nhanh Động từ, Tính từ.
Trò chơi: Thi đọc giỏi thuộc nhanh.
Mục đích:
- Rèn kĩ năng đọc nhanh và thuộc các bài thơ đã học trong SGK Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5.
- Rèn luyện tác phong khẩn trương, sự nhanh nhẹn và khéo léo trong việc sắp xếp các băng giấy ghi đúng nội dung bài thơ.
Chuẩn bị
- Làm các bộ băng giấy (hoặc bìa cứng) ghi đầu bài và từng dòng thơ trong bài học thuộc lòng (theo SGK đã và đang học); đảm bảo mỗi người tham gia chơi có một bộ băng giấy.
Ví dụ: Bài Bàn tay cô giáo (SGK Tiếng Việt 3, tập hai), mỗi bộ băng gồm băng đầu bài và 18 băng giấy ghi 18 dòng thơ như dưới đây:
Băng đầu bài bàn tay cô giáo
Băng 1 Một tờ giấy trắng
Băng 2 Cô gấp cong cong
Băng 3 Thoắt cái đã xong
Băng 4 Chiếc thuyền xinh quá!
Băng 5 Một tờ giấy đỏ
Băng 6 Mềm mại tay cô
Băng 7 Mặt trời đã phô
Băng 8 Nhiều tia nắng toả.
Băng 9 Thêm tờ xanh nữa
Băng 10 Cô cắt rất nhanh
Băng 11 Mặt nước dập dềnh
Băng 12 Quanh thuyền sóng lượn.
Băng 13 Như phép mầu nhiệm
Băng 14 Hiện trước mắt em:
Băng 15 Biển biếc bình minh
Băng 16 Rì rào sóng vỗ ...
Băng 17 Biết bao điều lạ
Băng 18 Từ bàn tay cô
Cách tiến hành
- Trọng tài phát cho mỗi người tham gia chơi một bộ băng giấy đã chuẩn bị. (cần xáo trộn thứ tự các băng giấy; các vị trí đặt băng giấy cần cách xa nhau để mọi người không bị ảnh hưởng lẫn nhau)
- Trọng tài nêu luật chơi
+ Không lật băng trước khi có lệnh.
+ Không nhìn bài của bạn cùng chơi.
+ Nghe lệnh thì tất cả cùng lật băng, đọc và xếp lại đúng thứ tự các câu thơ trong bài, cần trình bày ngay ngắn và đúng hình thức trình bày như trong SGK.
+ Ai xếp đúng, đủ, đẹp và nhanh nhất là người thắng cuộc “Đọc giỏi-Thuộc nhanh”.
Trò chơi: Thi biến đổi câu
Mục đích
- Luyện kĩ năng thay đổi trật tự các từ trong câu văn cho trước một cách hợp lí để tạo thành những câu văn có ý nghĩa diễn đạt khác nhau.
-Củng cố kiến thức ngữ pháp đã học ở lớp 4, lớp 5 về từ loại, về hai bộ phận chính của câu đơn bình thường.
Chuẩn bị
- Viết câu văn biến đổi vào một mảnh bìa (chiều rộng khoảng 5 cm, chiều dài tuỳ thuộc vào độ dài của câu). Kẻ những đường phân cách các từ trong câu, sau đó cắt dời thành từng mảnh bìa nhỏ (mỗi mảnh nhỏ ghi một từ trong câu), tạo thành “Bộ quân bài biến đổi câu” .
Ví dụ:
con
mèo
đuổi
bắt
con
chuột
(Ghi chú : các quân bài dùng để sắp xếp và biến đổi nên không có chữ viết hoa và dấu chấm câu).
- "Bộ quân bài biến đổi câu" được chuẩn bị đủ cho số nhóm (hoặc cá nhân) tham gia chơi. Mỗi nhóm (cá nhân) chuẩn bị sẵn giấy bút để ghi kết quả các câu văn đã biến đổi được (theo thứ tự 1,2,3 ) ; ghi rõ tên nhóm hoặc cá nhân trên giấy.
- Cử trọng tài điều khiển và theo dõi; có thể chuẩn bị đồng hồ để tính thời gian theo quy định.
Cách tiến hành
- Trọng tài phát cho mỗi nhóm (hoặc cá nhân) một bộ quân bài đã chuẩn bị và nêu yêu cầu :
+ Thay đổi vị trí các từ trong câu cho trước (Con mèo đuổi bắt con chuột) sao cho tạo thành các câu mới, đúng ngữ pháp tiếng Việt (đủ chủ ngữ, vị ngữ, đúng về ý của câu), ví dụ câu văn đã cho được đổi thành : Con mèo đuổi bắt chuột con.
+ Viết các câu đã biến đổi ra giấy đúng chính tả (Viết hoa đầu câu, ghi dấu chấm cuối câu).
- Trọng tài hô, các nhóm (hoặc cá nhân) tiến hành sắp xếp và biến đổi câu để ghi lại kết quả ra giấy (theo thứ tự 1,2,3 ). Sau 5 hay 10 phút hoặc tuỳ theo quy định, tất cả dừng bút và nộp giấy ghi kết quả cho trọng tài.
- Trọng tài dán các tờ giấy ghi kết quả lên bảng hoặc dùng bằng dính gắn vào tường; lần lượt đọc ghi kết quả ghi trên giấy của từng nhóm (hoặc cá nhân ), cùng các bạn nhận xét Đúng/ Sai và cho điểm (Mỗi câu đúng được 1 điểm hay 10 điểm ,tuỳ theo quy định của cuộc chơi). Nhóm (Cá nhân) được nhiều điểm nhất là thắng cuộc (hoặc căn cứ vào số điểm để xếp giải Nhất, Nhì, Ba)
* Chú ý : Câu đúng ngữ pháp nhưng viết sai chính tả chỉ được nữa điểm số quy định.
Đáp án
- Về câu Con mèo đuổi bắt con chuột, nếu làn lượt thay đổi vị trí của từ con (giữ lại từ mèo ở bộ phận chủngữ, từ chuột ở bộ phận bổ ngữ), ta được các câu sau :
Con mèo đuổi bắt chuột con.
Mèo con đuổi bắt con chuột.
Mèo con đuổi bắt chuột con.
Con mèo con đuổi bắt chuột.
Con con mèo đuổi bắt chuột.
Mèo con con đuổi bắt chuột.
Mèo đuổi bắt con chuột con.
Mèo đuổi bắt con con chuột.
Mèo đuổi bắt chuột con con.
Chú ý :
+ Nếu chấp nhận cá những câu chỉ đúng về cấu chúc (không sát thực tiễn), tiếp tục đổi vị trí giữa từ mèo và từ chuột (từ chuột ở bộ phận chủ ngữ, từ mèo ở bổ phận bổ ngữ), ta được 10 câu khác nhau như : Con chuột đuổi bắt con mèo/ Con chuột đuổi bắt mèo con/Chuột con đuổi bắt mèo con..
+ Nếu cho phép sử dụng thêm các dấu câu (Dấu phẩy,dấu chấm cảm) và chấp nhận những câu đặc biệt, chưa xuôi về ý, ta có thể biến đổi thành nhiều dạng câu khác nữa, ví dụ : Con, con mèo đổi bắt con chuột /Mèo bắt con đuổi con chuột/ Bắt con mèo, đuổi con chuột.
- Có thể đặt thêm những câu khác để làm : Bộ quân bài biến đổi câu, như : Anh Hùng mượn sách cho em đọc/ Bé Na chơi đá bóng với các bạn /Thầy giáo chúc mừng bạn Hoa đạt giải cao trong kì thi học sinh giỏi ..
Trò chơi : “Chiếc nón kì diệu” về thành ngữ tục ngữ
Mục đích
- Ôn luyện những thành ngữ, tục ngữ được học trong chương trình môn Tiếng Việt ở Tiểu học, trò chơi dành cho học sinh lớp 4, lớp 5.
- Rèn trí nhớ và năng lực ứng xử nhanh về thành ngữ, tục ngữ đã học.
Chuẩn bị
- Sổ tay từ điển tiếng Việt Tiểu học.
- Làm chiếc vòng quay “chiếc nón kì diệu” bằng bìa cứng (hoặc bằng gỗ mỏng), bao gồm 2 lớp: Lớp thứ nhất (vòng to) có định, mép ngoài đánh dấu mũi tên chỉ vào điểm dừng ở vòng bên trong; lớp thứ hai (vòng nhỏ) quay được trên trục (đinh) giữa, mép ngoài ghi các chữ cái đầu của thành ngữ, tục ngữ - (xem hình vẽ).
Ghi chú: Phần ngoài của vòng nhỏ phía trong chia làm 16 phần để ghi 19 chữ cái sau: A-Ă, B-C, D, Đ, G, H, K, L, M, N, Q, R, S, T, U-V, Y.
- Cử trọng tài và chuẩn bị giấy bút để ghi điểm.
Trục giữa Vòng to
(cố định)
Vòng nhỏ
Mũi tên (Vòng để quay)
Cách tiến hành
-Lần lượt từng người tham gia chơi theo cách sau : Cầm mép vòng nhỏ quay nhẹ ; khi vòng dừng lại, mũi tên ( ở vòng ngoài) chỉ vào chữ cái nào, người quay vòng phải đọc thuộc ngay một thành ngữ hay tục ngữ đã học.
+ Ví dụ :
+ Mũi tên chỉ ô chữ A - Ă, có thể đọc : Anh em như thể tay chân hoặc Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.....
+ Mũi tên chỉ ô chữ B – C, có thể đọc : Bão táp mưa xa hoặc Chết vinh còn hơn sống nhục .......
+ Mũi tên chỉ ô chữ G, có thể đọc : Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng hoặc Giấy rách phải giữ lấy lề...
- Trọng tài và những người chứng kiến cùng đánh giá ( có thể mở sách để kiểm tra lại ) và ghi điểm từng người chơi : Đọc đúng ngay một thành ngữ, tục ngữ, được 10 điểm. Nếu đọc sai, hoặc đếm từ 1 đến 10 mà chưa đọc được thì không được điểm ; Đếm từ 1 đến 5 mới đọc được thì chỉ cho 5 điểm có thể chơi 1 hay 2 – 3 lượt theo thứ tự từng người một. Khi kết thúc, cộng số điểm của từng người đẫ đạt được để xếp giải Nhất, Nhì, Ba..
Một số thành ngữ, tục ngữ tham khảo.
- (A-Ă) : Anh em như thể chân tay ; Ăn cây nào rào cây ấy ; Ăn cây nào rào cây ấy.
- (B-C) : Cày sâu cuốc bẫm ; Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa ; Chân cứng đá mềm...
- (D) : Dai như đỉa đói ; Dốt như me ...
- (Đ) : Đi một ngày đàng, học một sàng khôn ; Đói cho sạch, rách cho thơm ; Đi ngược về xuôi ...
- (G): Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng; Gầy như cò hương; Giấy rách phải giữ lấy lề ...
- (H): Học thầy không tày học bạn; Học một biết mười; Hai sương một nắng ...
- (K): Không thầy đố mày làm nên; Khoẻ như voi; Khúc ruột trên, khúc ruột dưới ...
- (L): Lá lành đùm lá rách; Lên thác xuống ghềnh; Lớn nhanh như thổi ...
- (M): Mang nặng đẻ đau; Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ; Máu chảy ruột mềm ...
- (N) : Nhanh như cắt ; Nhiều sao thì nắng, vắng sao thì mưa ; Như môi với răng ...
- (Q) : Quân dân một lòng ; Quyết chiến quyết thắng ; Quê cha đất tổ ...
- (R) : Ra khơi vào lộng ; Rống như bò ...
- (S) : Sáng nắng chiều mưa ; Siêng học siêng làm ; Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì ...
- (T) : Tấc đất tấc vàng ; Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ ; Thẳng cánh cò bay ...
- (U-V) : Uống nước nhớ nguồn ; Vì nước quên mình ; Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng ...
- (Y) : Yêu nước thương nòi ; Yếu như sên ...
C. Kết luận
Qua quá trình tìm tòi và áp dụng vào thực tế dạy học, tôi thấy rằng để tiết dạy thành công, học sinh nắm và hiểu sâu bài học và đặc biệt là để lôi cuốn học sinh cũng như kích thích lòng ham mê học tập của các em đối với các môn học nói chung và đối với môn Tiếng Việt nói riêng, thì người giáo viên không những chỉ truyền đạt nội dung bài học bằng những phương pháp thường dùng như :trực quan, thuyết trình, vấn đáp, gợi mở ... mà cần phải biết thiết kế, tổ chức các trò chơi có nội dung học tập, góp phần làm cho tiết học sôi nổi, hình thức phong phú, qua đó giúp các em hiểu và khắc sâu kiến thức.
Cùng với hình thức tổ chức các trò chơi học tập môn Tiếng Việt, giáo viên cũng cần sưu tầm thêm các mẫu chuyện, các câu truyện liên quan đến nội dung dạy học để kể cho các em nghe hoặc các câu đố vui. .. để qua đó kích thích lòng ham học, ham hiểu biết ở các em và trò chơi học tập không dừng lại ở một môn học cụ thể mà có thể áp dụng rộng rãi đối với tất cả với các môn học khác với các nội dung khác nhau liên quan đến môn học, tiết học.
Mặc dù số lượng trò chơi bản thân sưu tầm, thiết kế còn rất ít ỏi. Song tôi hi vọng rằng qua các trò chơi có nội dung học tập môn Tiếng Việt này, các bạn đồng nghiệp có thêm tài liệu tham khảo, cũng như phát triển thêm các trò chơi khác để đưa các trò chơi vào trong quá trình dạy học, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học.
Hiền Kiệt, tháng 4 năm 2008
Người thực hiện
Phạm Trường Thi
File đính kèm:
- skkn(2).doc