Giảng dạy tác phẩm ký trong ngữ văn 12

. Trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 12 hiện hành, có hai tác phẩm thuộc thể loại kí: Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Thông thường chúng ta vẫn gọi Người lái đò sông Đà là tùy bút, còn Ai đã đặt tên cho dòng sông? là bút kí. Do vậy thể loại “kí” dùng gọi chung cho cả “bút kí” và “tùy bút”.

Hai tác phẩm trên của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường là hai tác phẩm hay trong chương trình. Nhưng thực tế việc dạy - học hai tác phẩm này đã và đang gặp không ít trở ngại, vướng mắc. Cảm thụ một tác phẩm văn xuôi giàu chất trữ tình, chắc chắn học sinh gặp lúng túng. Còn các cơ sở để tìm hiểu tác phẩm trữ tình (nhân vật trữ tình, cái tôi trữ tình, mạch cảm xúc chủ quan; phương thức và giọng điệu trữ tình, ) lại có độ “vênh” khi áp dụng vào tác phẩm kí. Nhiều giáo viên, nhất là giáo viên mới vào ngành cũng gặp vấn đề như thế.

Nhận thức rõ điều đó, chúng tôi thấy rằng việc giảng dạy kí đòi hỏi người dạy phải nắm chắc đặc trưng cơ bản của thể kí: Đó là tính xác thực. Tác phẩm kí thường không hư cấu mà tác giả chỉ lựa chọn ngay những sự việc, những con người vốn đã có giá trị nổi bật trong cuộc sống để phóng bút. Nếu giáo viên chỉ thỏa mãn với những kiến thức có sẵn trong bài văn thì khó mà giảng hay được, dẫn đến giờ học bài kí diễn ra rất khô khan, học sinh khó tiếp nhận được tác phẩm.

Thực tế ấy đòi hỏi giáo viên khi dạy tác phẩm kí phải có ý thức nghiên cứu lí luận về thể kí và phải biết vận dụng linh hoạt phương pháp giảng dạy một thể loại văn học vốn lấy người thực, việc thực làm đối tượng phản ánh; giúp cho học sinh hiểu biết và cảm thụ được cái hay, cái đẹp của những sự việc, con người có tính tiêu biểu và ý nghĩa của nó được nhà văn nêu ra trong tác phẩm kí. Như vậy, lấy đặc trưng thể loại làm nền tảng để lựa chọn phương pháp, hướng tiếp cận văn bản kí là hết sức cần thiết.

 

doc5 trang | Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 4166 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giảng dạy tác phẩm ký trong ngữ văn 12, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
GIẢNG DẠY TÁC PHẨM KÝ TRONG NGỮ VĂN 12    Võ Anh Minh                                                           (TTCM - Trường THPT Quảng Xương 4) 1. Trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 12 hiện hành, có hai tác phẩm thuộc thể loại kí: Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Thông thường chúng ta vẫn gọi Người lái đò sông Đà là tùy bút, còn Ai đã đặt tên cho dòng sông? là bút kí. Do vậy thể loại “kí” dùng gọi chung cho cả “bút kí” và “tùy bút”.  Hai tác phẩm trên của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường là hai tác phẩm hay trong chương trình. Nhưng thực tế việc dạy - học hai tác phẩm này đã và đang gặp không ít trở ngại, vướng mắc. Cảm thụ một tác phẩm văn xuôi giàu chất trữ tình, chắc chắn học sinh gặp lúng túng. Còn các cơ sở để tìm hiểu tác phẩm trữ tình (nhân vật trữ tình, cái tôi trữ tình, mạch cảm xúc chủ quan; phương thức và giọng điệu trữ tình,…) lại có độ “vênh” khi áp dụng vào tác phẩm kí. Nhiều giáo viên, nhất là giáo viên mới vào ngành cũng gặp vấn đề như thế.  Nhận thức rõ điều đó, chúng tôi thấy rằng việc giảng dạy kí đòi hỏi người dạy phải nắm chắc đặc trưng cơ bản của thể kí: Đó là tính xác thực. Tác phẩm kí thường không hư cấu mà tác giả chỉ lựa chọn ngay những sự việc, những con người vốn đã có giá trị nổi bật trong cuộc sống để phóng bút. Nếu giáo viên chỉ thỏa mãn với những kiến thức có sẵn trong bài văn thì khó mà giảng hay được, dẫn đến giờ học bài kí diễn ra rất khô khan, học sinh khó tiếp nhận được tác phẩm.  Thực tế ấy đòi hỏi giáo viên khi dạy tác phẩm kí phải có ý thức nghiên cứu lí luận về thể kí và phải biết vận dụng linh hoạt phương pháp giảng dạy một thể loại văn học vốn lấy người thực, việc thực làm đối tượng phản ánh; giúp cho học sinh hiểu biết và cảm thụ được cái hay, cái đẹp của những sự việc, con người có tính tiêu biểu và ý nghĩa của nó được nhà văn nêu ra trong tác phẩm kí. Như vậy, lấy đặc trưng thể loại làm nền tảng để lựa chọn phương pháp, hướng tiếp cận văn bản kí là hết sức cần thiết. 2. Các nhà nghiên cứu văn học đã nêu ra nhiều cách tiếp cận để nhận diện kí, nhưng cho đến nay vẫn chưa có được một hệ thống lý thuyết thống nhất cho thể loại văn học này. Song, tựu trung, có thể thấy nổi bật ở kí (có nghĩa là cả tùy bút và bút kí) những đặc trưng cơ bản sau: - Kí viết về cuộc đời thực tại, viết về người thật, việc thật, kí đòi hỏi sự trung thực, chính xác. Người viết kí thường quan tâm, tôn trọng những sự kiện xã hội lịch sử, những vấn đề nóng bỏng đang đặt ra trong đời sống. Người viết kí miêu tả thực tại theo tinh thần của sử học. Mẫu hình tác giả kí gần gũi với nhà sử học. Tác giả kí coi trọng việc thuật lại có ngọn ngành, có thời gian, địa điểm, hành động, và không bao giờ quên miêu tả khung cảnh, gợi không khí.  - Tác giả kí khéo sử dụng tài liệu đời sống kết hợp với tưởng tượng, cảm thụ, nhận xét, đánh giá. Tất nhiên đan xen vào mạch tự sự còn có những đoạn thể hiện suy tưởng nhận xét chân thực, tinh tường của nhà văn trước sự việc. Cái thú vị của kí là ở những ý riêng, suy nghĩ riêng của tác giả được đan cài với việc tái hiện đối tượng. Vì vậy, sức hấp dẫn của kí chính là ở khả năng tái hiện sự thật một cách sinh động của tác giả. Kí ít chấp nhận sự hư cấu, do đó phải dựa vào những liên tưởng, tưởng tượng bất ngờ, tài hoa của tác giả khi phản ánh sự vật, cuộc sống. Điều ấy làm nên cái hay cái đẹp của một tác phẩm kí. - Nổi bật lên trong tác phẩm kí chính là tính chủ quan, chất trữ tình sâu đậm của cái tôi tác giả. Cho nên, sức hấp dẫn của kí còn phụ thuộc vào sức hấp dẫn của cái tôi ấy (thường là những cái tôi phong phú, uyên bác, tài hoa, độc đáo…). Những đặc trưng cơ bản trên đây của tác phẩm kí sẽ là điểm tựa cho giáo viên trong việc giảng dạy tác phẩm kí theo đặc trưng thể loại. 3. Sự nhập nhằng về gianh giới thể loại, thiếu thống nhất về loại hình (khi gọi tùy bút, khi gọi bút kí) là những trở ngại dễ thấy nhất khiến cho việc giảng dạy kí gặp nhiều vướng mắc. Vì thế, bên cạnh nhiều cách để giáo viên và học sinh tiếp cận tác phẩm thì phương pháp hiệu quả nhất vẫn là đọc hiểu tác phẩm xuất phát theo đặc trưng thể loại. Với thể loại kí, việc tìm hiểu theo đặc trưng thể loại lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Nắm vững và bám vào đặc trưng của kí, người đọc sẽ khám phá được cái hay cái đẹp của tác phẩm. Qua thực tế giảng dạy, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm cơ bản khi dạy hai tác phẩm kí: Người lái đò sông Đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông? theo đặc trưng thể loại như sau: 3.1. Tổ chức cho học sinh phát hiện ra nét tương đồng và khác biệt của đối tượng được tác giả phản ánh trong tác phẩm kí so với những đối tượng tương tự có thật ở ngoài đời. Kí viết về cuộc đời thực tại, viết về người thật, việc thật, kí đòi hỏi sự trung thực, chính xác.  Khi giảng dạy tác phẩm kí, việc cho học sinh xác định đối tượng (sự vật, sự việc, hiện tượng, con người…) được nhà văn phản ánh là rất cần thiết. Sông Đà và sông Hương khi đi vào hai tác phẩm của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường trở thành đối tượng thẩm mĩ của nhà văn. Con sông Đà nếu chỉ được Nguyễn Tuân ghi chép bằng những số liệu đơn thuần như một nhà địa lí thì cái phần hồn hung bạo và thơ mộng của nó sẽ không được phát hiện. Dòng sông Hương của xứ Huế thơ mộng cũng vậy. Nếu Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ ghi lại các khúc đoạn trong dòng chảy của nó từ thượng nguồn về với Huế không thôi sẽ không có gì hấp dẫn, cái hấp dẫn nằm chính ở chỗ tác giả tưởng tượng sông Hương như một con người có số phận, có tâm hồn, có hành động cụ thể dưới những điểm nhìn khám phá khác nhau. Khi thì sông Hương như một cô gái mang trong mình tình yêu tha thiết với thành phố Huế; khi lại là một người mẹ sản sinh cho xứ Huế những giá trị văn hóa truyền thống cùng âm nhạc, thi ca; khi lại là một chứng nhân, chủ nhân của những thời kì lịch sử đầy oai hùng, hiển hách của một xứ sở.  3.2. Phát hiện và đánh giá được óc quan sát, trí liên tưởng tưởng tượng, năng lực sử dụng ngôn ngữ của nhà văn trong tác phẩm kí. Sức hấp dẫn của kí chính là ở khả năng tái hiện sự thật một cách sinh động của tác giả. Nếu chỉ đơn thuần là ghi chép thì tác phẩm kí sẽ hết sức khô khan, không gây được ấn tượng đối với người đọc.  - Với tác phẩm Người lái đò sông Đà:  + Khi khám phá vẻ hung bạo của con sông, cần nhận thấy liên tưởng nhất quán của Nguyễn Tuân. Nhà văn hình dung sông Đà như một con thủy quái khổng lồ, có tâm địa đen tối, với biết bao tướng dữ quân tợn vây quanh. Đã thế, con thủy quái mang tên sông Đà còn có hành động, mưu mô ác độc đối với thuyền và người trên sông. Như vậy, nhờ vào khả năng sử dụng ngôn ngữ liên ngành và trí tưởng tượng tài hoa của tác giả, học sinh vừa hiểu về đặc điểm thực của sông Đà ở thượng nguồn, vừa bị cuốn hút vào tài năng miêu tả của Nguyễn Tuân. + Khi khám phá vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của con sông, lại cần phải phát hiện ra sự thay đổi di chuyển điểm nhìn và cách miêu tả. Sông Đà không chỉ là quái thú sông nước nữa, mà đã lột xác trở thành người thiếu nữ có mái tóc tuôn dài, thành cố nhân đầy nỗi niềm lâu ngày gặp lại... Điểm nhìn đa chiều bao quát vẻ đẹp của dáng sông, màu nước sông Đà bằng cái nhìn xuyên thời gian qua mấy mùa trong năm; của bờ bãi hoang sơ, của mặt nước lặng yên như tờ thảng hoặc đôi con cá quẫy làm giật mình đàn hươu.  + Còn với hình tượng ông lái đò: Nhân vật này không được khắc họa thành số phận như trong tác phẩm tự sự. Thực ra, đó chỉ là một khoảnh khắc trên sông nước để qua đó Nguyễn Tuân tôn vinh con người lao động trong thời kì mới - thời kì tái thiết đất nước xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.  Thực ra, sông Đà được Nguyễn Tuân khắc họa để làm nền cho ông lái nổi bật lên. Sông Đà càng hung bạo, ông lái đò càng trí dũng, tài hoa. Sông Đà có thơ mộng, hiền hòa với những vẻ hoang sơ mới thấy ông lái là người yêu thiên nhiên, chan hòa trong cuộc sống, là một người lao động bình dị như bao con người khác. Từ đó thấy được cách để Nguyễn Tuân tôn vinh vẻ phi thường của một con người bình thường - một hạt “vàng mười” mà ông đã bỏ công bao ngày để đi tìm trên mảnh đất Tây Bắc. - Với tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông?: + Khi khám phá vẻ đẹp đa dạng của sông Hương, cần thấy được các điểm nhìn (thường gọi là góc nhìn): thiên nhiên, văn hóa, lịch sử. Và ở mỗi góc nhìn, tác giả đều mang vào đó trí tưởng tượng phong phú của mình. ở góc nhìn thiên nhiên: sông Hương là cô gái cá tính, chung tình. Lúc ở thượng nguồn, sông Hương mang trong mình vẻ dữ dội, hoang sơ khiến tác giả hình dung như cô gái Di-gan phóng khoáng, man dại. Lúc đến đồng bằng, sông Hương dịu dàng, yên ả giống như người gái đẹp ngủ mơ màng giờ được đánh thức dậy với những phẩm chất nữ tính nhất để bắt đầu bước vào hành trình đi tìm tình yêu. Khi sông Hương liên tục đổi dòng, giống như người con gái đang băn khoăn kiếm tìm đường về với người yêu: thành phố Huế. Khi sông Hương phát hiện ra thành phố Huế của mình, cô gái ấy chợt dâng đầy cảm xúc: tươi vui, yên tâm… Khi bắt gặp thành phố Huế, cô gái sông Hương như bắt gặp người tình của mình rồi đầy thẹn thùng, e lệ. Và rồi, điệu chảy lững lờ - điệu slow của sông Hương giống như sự đắm say của đôi lứa trong tình yêu nồng nàn. Khi sông Hương trôi đi, cái dáng uốn cong ôm lấy thành phố Huế được tác giả hình dung như sự lưu luyến nghẹn ngào vì phải chia li của lứa đôi.  ở góc nhìn văn hóa: trong suy tưởng của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương như người mẹ sản sinh và nuôi dưỡng các giá trị văn hóa cổ truyền của xứ Huế.  ở góc nhìn lịch sử: sông Hương hóa thân từ vẻ dịu dàng, trầm tư để trở thành chủ nhân, chứng nhân của một xứ Huế oai hùng từ thời cổ đại, qua trung đại, đến hiện đại. 3.3. Tổ chức cho học sinh phát hiện được đặc điểm của cái tôi tác giả trong mỗi bài kí. Nổi bật lên trong tác phẩm kí chính là tính chủ quan, chất trữ tình sâu đậm của cái tôi tác giả. Cho nên, sức hấp dẫn của kí còn phụ thuộc vào sức hấp dẫn của cái tôi ấy (thường là những cái tôi phong phú, uyên bác, tài hoa, độc đáo…). Sở dĩ Nguyễn Tuân tìm đến và thành công với tùy bút là bởi vì nó là thể văn phóng túng, tự do, đáp ứng được cá tính “ngông” trên trang viết của Nguyễn. Với Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng vậy. Do đó, hình bóng cái tôi tác giả luôn hiển hiện trong mỗi bài kí. ở Người lái đò sông Đà, lâu nay người ta chỉ quen thấy một cái tôi tài hoa uyên bác. Nhưng vấn đề cần bổ sung vào đây chính là cảm hứng ngợi ca đầy say mê của một con người yêu thiết tha vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người như Nguyễn Tuân - người suốt đời sống trong hành trình đi tìm cái đẹp! ở Ai đã đặt tên cho dòng sông? phải giúp học sinh nhận ra rằng: việc đi tìm cội nguồn của tên gọi sông Hương chỉ là cái cớ rất nên thơ để men theo đó, Hoàng Phủ Ngọc Tưởng mở ra vẻ đẹp muôn sắc màu của Hương giang, thậm chí nhuốm màu huyền thoại, đồng thời mở ra tâm hồn mình: một người am hiểu về thiên nhiên, lịch sử xứ Huế và cũng là người yêu tha thiết mảnh đất cố đô này. ở hai tác phẩm kí này, cả hai nhà văn đều gặp nhau trong tình yêu tha thiết và cảm hứng ngợi ca vẻ đẹp của quê hương, con người xứ sở. Chính cái tôi ấy đã làm gia tăng chất thơ cho mỗi tác phẩm. Đó là phần miêu tả sông Đà thơ mộng của Nguyễn Tuân và nhất là ở toàn bộ bút kí về sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Làm được ba vấn đề trên đây trong dạy học tác phẩm kí, giáo viên vừa thực hiện được những tiết dạy bám chuẩn kiến thức, đồng thời trang bị được cho học sinh phương pháp luận khoa học, đảm bảo kĩ năng đọc hiểu tác phẩm kí cho học sinh theo đặc trưng thể loại. 4. Khai thác hai văn bản kí của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường trong chương trình Ngữ văn 12 theo đặc trưng thể loại là một việc làm có giá trị. Bởi vì sẽ hình thành ở giáo viên phương pháp phù hợp để đi vào khám phá tác phẩm, từ đó thấy hết được cái hay cũng như vẻ đẹp riêng của kí so với các thể văn xuôi khác. Từ đó, có cơ sở khoa học để soạn giảng giáo án và lên lớp một cách hợp lí nhất. Còn về phía học sinh, các em sẽ được trang bị một “chìa khóa” chuẩn nhất để “mở cửa” vào thế giới nghệ thuật của hai tác phẩm kí. Nhờ đó, học sinh vừa hiểu được đối tượng miêu tả, vừa thấy được vẻ đẹp, chất thơ duyên dáng của mỗi bài kí. Hơn nữa, học sinh có điều kiện để rèn luyện tư duy văn học theo thể loại.                                                                             Thanh Hóa, tháng 6/2012  

File đính kèm:

  • docGiang day cac tac pham ky trong chuong trinh Ngu van 12.doc