A. Mục tiêu bài học:
Giúp HS:
- Nắm được tính cách nổi bật và ý nghĩa điển hình xã hội của hình tượng nhân vật người trong bao, một kẻ vừa đáng ghét lại vừa đáng thương.
- Thấy được một số nét nghệ thuật trong việc xây dựng nhân vật biếm họa của Sê-khốp.
B. Phương pháp và hình thức tiến hành tổ chức dạy học:
Đây là truyện ngắn rất tiêu biểu cho phong cách của Sê-khốp ở giai đoạn đỉnh cao. Khi phân tích cần chú ý:
- Nắm chắc hoàn cảnh lịch sử cụ thể ra đời của truyện ngắn.
- Vận dụng những hiểu biết về đặc điểm phong cách truyện ngắn Sê-khốp khi phân tích văn bản ( chi tiết thừa, mạch ngầm văn bản, ).
- Đảm bảo nguyên tắc thống nhất giữa nội dung và hình thức khi phân tích.
C. Tiến trình tổ chức dạy học:
* Tổ chức kiểm tra bài cũ:
Gọi hai HS lên rồi yêu chép dàn ý đề bài Bàn về sự nôn nóng lên bảng, rồi cho HS nhận xét. Sau đó, GV chữa cụ thể
6 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 2144 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giảng văn Người trong bao, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Người trong bao
( Trích )
Sê - khốp
A. Mục tiêu bài học:
Giúp HS:
- Nắm được tính cách nổi bật và ý nghĩa điển hình xã hội của hình tượng nhân vật người trong bao, một kẻ vừa đáng ghét lại vừa đáng thương.
- Thấy được một số nét nghệ thuật trong việc xây dựng nhân vật biếm họa của Sê-khốp.
B. Phương pháp và hình thức tiến hành tổ chức dạy học:
Đây là truyện ngắn rất tiêu biểu cho phong cách của Sê-khốp ở giai đoạn đỉnh cao. Khi phân tích cần chú ý:
- Nắm chắc hoàn cảnh lịch sử cụ thể ra đời của truyện ngắn.
- Vận dụng những hiểu biết về đặc điểm phong cách truyện ngắn Sê-khốp khi phân tích văn bản ( chi tiết thừa, mạch ngầm văn bản,… ).
- Đảm bảo nguyên tắc thống nhất giữa nội dung và hình thức khi phân tích.
C. Tiến trình tổ chức dạy học:
* Tổ chức kiểm tra bài cũ:
Gọi hai HS lên rồi yêu chép dàn ý đề bài Bàn về sự nôn nóng lên bảng, rồi cho HS nhận xét. Sau đó, GV chữa cụ thể.
* Tiến trình bài mới:
Anh ( chị ) hãy giới thiệu đôi nét chính về cuộc đời nhà văn Sê-khốp ? Nội dung tác phẩm của ông nói lên vấn đề gì ? Hãy kể tên những tác phẩm chính của ông.
Truyện ngắn Người trong bao được sáng tác trong thời gian nào ?
Anh ( chị ) hãy nêu chủ đề tác phẩm ?
Theo anh ( chị ), truyện ngắn Người trong bao có ý nghĩa thời sự hay không ?
Chân dung Bê-li-cốp được miêu tả như thế nào ?
Anh ( chị ) hãy chọn một vài từ ngữ, hình ảnh trong truyện để khái quát tính cách của Bê-li-cốp.
Lối sống của Bê-li-cốp đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống tinh thần và hoạt động của các giáo viên và nhân dân thành phố ra sao ?
Vì sao Bê-li-cốp chết ? Giải thích thái độ, tình cảm của mọi người đối với Bê-li-cốp khi hắn còn sống và khi hắn đã qua đời ? Tình cảm và thái độ ấy đã nói lên điều gì ?
Anh ( chị ) hãy phân tích ý nghĩa tư tưởng - nghệ thuật của hình ảnh cái bao ?
Anh ( chị ) hãy phân tích những nét đặc sắc trong nghệ thuật viết truyện của tác giả ( cách kể chuyện, chọn ngôi kể, nghệ thuật xây dựng nhân vật,... ) ?
Anh ( chị ) hãy rút ra nội dung chính của truyện ngắn Người trong bao ?
Quan sát đời sống hiện thực, phải chăng có hiện tượng người trong bao ? Ý kiến của anh ( chị ) đối với hiện tượng đó như thế nào ?
I. Tiểu dẫn:
1. Tác giả:
- Sê-khốp là một trong những đại biểu lớn cuối cùng của chủ nghĩa hiện thực Nga nửa cuối thế kỉ XIX, là nhà cách tân thiên tài về hai thể loại truyện ngắn và kịch. Từ những cốt truyện giản dị, tác phẩm của Sê-khốp thường đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn, ý nghĩa nhân bản sâu xa.
- Ông vừa là nhà văn, vừa là bác sĩ. Ở ông nổi bật lên tình yêu thương con người sâu sắc và sự hi sinh bản thân vì những tình cảm nhân đạo cao quý đó. Làm bác sĩ chữa bệnh thể xác nên Sê-khốp cũng rất quan tâm đến việc chữa bệnh tinh thần cho con người trong sáng tạo văn học.
Trong những căn bệnh tinh thần nhan nhản của xã hội Nga đương thời, Sê-khốp đặc biệt chú trọng và có biệt tài phản ánh những căn bệnh của sự tầm thường dung tục ( Sê-khốp là người duy nhất có được cái nghệ thuật là ở chỗ nào cũng phát hiện ra được sự tầm thường dung tục - Goóc-ki ).
- Tác phẩm của ông đã nghiêm khắc lên án chế độ xã hội bất công, thói cường bạo và cuộc sống ăn hại của những giai cấp cầm quyền đương thời, phê phán sự bất lực của giới trí thức và sự sa đọa về tinh thần của một bộ phận trong bọn họ. Đồng thời, tác phẩm của ông còn biểu hiện sự đồng cảm sâu sắc, sự trân trọng đối với những người lao động nghèo, tình yêu thắm thiết và niềm tin mạnh mẽ vào tương lai của nhân dân Nga, đất nước Nga.
- Truyện ngắn Sê-khốp thâm trầm, kín đáo, ý tứ sâu sắc, chủ đề tư tưởng thường được gửi gắm qua hình tượng nhân vật, nhân vật người kể chuyện, nhan đề truyện. Tác giả thường tỏ ra kìm nén, lạnh lùng, khách quan như đứng ngoài để người đọc tự ngẫm, tự hiểu. Nhưng có khi ông trực tiếp bày tỏ thái độ của mình một cách dứt khoát, quyết liệt nhưng vẫn với giọng văn bình tĩnh, mỉa mai, châm biếm và đượm buồn.
- Những tác phẩm chính: Anh béo và anh gầy ( truyện ngắn ), Hải âu ( kịch ), Người trong bao ( truyện ngắn, 1898 ),…
2. Tác phẩm:
a. Giới thiệu tác phẩm:
- Người trong bao là truyện ngắn nổi tiếng của Sê-khốp, được sáng tác trong thời gian nhà văn dưỡng bệnh ở thành phố I-an-ta, trên bán đảo Crưm, biển Đen.
- Người trong bao là một trong ba truyện ngắn có chung chủ đề: phê phán lối sống tầm thường, dung tục tiểu tư sản, lối sống của một kiểu người trí thức trong xã hội Nga những năm cuối thế kỉ XIX. Đó là các truyện: Khóm phúc bồn tử, Một chuyện tình yêu và Người trong bao.
b. Chủ để tác phẩm:
Truyện đã lên án, phê phán mạnh mẽ kiểu người trong bao, lối sống trong bao và tác hại của nó với hiện tại và tương lai của nước Nga. Đồng thời, truyện cũng bức thiết cảnh báo và kêu gọi mọi người cần phải thay đổi cuộc sống, cách sống, không thể sống tầm thường, vô vị và hủ lậu như thế mãi được.
c. Ý nghĩa thời sự của tác phẩm:
Lối sống trong bao, kiểu người trong bao với những biến thể, dị bản khác nhau có ý nghĩa toàn thế giới, lâu dài cho đến tận ngày nay. Chỉ khi nào xã hội loài người trở nên trong sạch, lành mạnh, tự do, khi mỗi cá nhân ý thức được mục đích và cách sống của mình thống nhất với các chuẩn mực văn hóa, đạo đức của cộng đồng hiện đại,... thì lối sống trong bao mới triệt để chấm dứt.
II. Đọc hiểu văn bản:
1. Hình tượng nhân vật Bê-li-cốp lúc còn sống:
a. Chân dung Bê-li-cốp:
Chân dung nhân vật chính Bê-li-cốp được vẽ bằng những nét thật rõ, thật kì quái và dần được bổ sung, tô đậm thêm:
- Với cặp kính đen luôn gắn trên khuôn mặt nhợt nhạt, nhỏ bé, choắt lại như mặt chồn, hắn nổi tiếng vì cách ăn mặc, phục sức khác người: tất cả đều ở trong bao, mang bao, cho vào bao như đi giày, đeo kính, mang ô, áo bành tô dựng cổ lên, đi ủng cả khi trời tạnh,... Buồng ngủ của hắn chật như cái hộp, cửa đóng kín mít, khi ngủ kéo chăn chùm kín đầu,... Đến ý nghĩ của mình, hắn cũng cố giấu vào bao. Hắn không bao giờ dám có ý kiến riêng về bất kì một vấn đề nhỏ to nào.
- Nhà văn khái quát khát vọng mãnh liệt - kì dị của Bê-li-cốp là thu mình vào trong một cái vỏ, tạo cho mình một thứ bao có thể ngăn cách, bảo vệ hắn khỏi những ảnh hưởng của cuộc sống bên ngoài.
Ò Sống với mọi người, giữa mọi người trong một môi trường xã hội, trong một trường học thì khát vọng ấy càng trở nên khó hiểu, trái khoáy và lập dị.
b. Tính cách của Bê-li-cốp:
- Bê-li-cốp luôn nhút nhát, ghê sợ hiện tại nhưng lại ngợi ca, tôn sùng quá khứ. Hắn chọn nghề dạy tiếng Hi Lạp cổ cũng là một thứ ô che để cách li với cuộc đời thực tại. Hắn chủ trương làm gì cũng phải thận trọng, hắn chỉ ca ngợi quá khứ, ngợi ca những gì không bao giờ có thật,...
- Bê-li-cốp chỉ làm theo những thông tư, chỉ thị một cách máy móc, giáo điều, rập khuôn như cái máy vô hồn,... Hắn không làm gì ngoài quy định để không động chạm đến ai.
Ò Hắn đã tự bóp nghẹt chính bản thân mình, tự hi sinh sự sống của mình, tự biến mình thành một kẻ không suy nghĩ, không tư duy, không dám yêu, chỉ biết làm theo chỉ thị, quy định.
- Bê-li-cốp luôn cảm thấy cô độc và luôn lo lắng, sợ hãi, sợ tất cả. Câu nói cửa miệng của hắn: Nhỡ lại xảy ra chuyện gì thì sao đã góp phần khắc họa tính cách hèn nhát, quái đản của y.
- Bê-li-cốp luôn luôn thỏa mãn, hài lòng với lối sống cổ lỗ của mình. Hắn cho rằng, sống như hắn mới là sống, mới là làm việc, mới là người có trách nhiệm, người công dân tốt của đất nước, người viên chức mẫn cán đối với cấp trên.
Ò Đây là lẽ sống, lối sống, triết lí sống tự nhiên của hắn. Hắn tự nguyện, tự giác tuân thủ nghiêm túc và thường xuyên có lối sống trong bao đó. Hắn không hề biết và không thể biết mọi người nghĩ về hắn, sợ hắn, chế giễu hắn, khinh ghét hắn như thế nào.
- Bê-li-cốp luôn tự tin ở cách sống đúng mực, gương mẫu, trong sạch của mình. Hắn không chỉ ngạc nhiên mà còn không thể chịu được cách sống của chị em Va-ren-ca. Hắn càng ngạc nhiên vì lại có thể có người vẽ bức tranh châm biếm chế giễu mối tình trong sạch và chân thành nhất của hắn. Hắn không hiểu vì sao để đáp lại thiện ý của hắn, cái anh chàng Cô-va-len-cô lại có thể đối xử thô bạo, bất nhã với hắn như vậy.
* Tóm lại, Bê-li-cốp không hiểu mọi người, không hiểu xã hội, không hiểu cuộc sống đương thời. Hắn cứ nhởn nhơ, tự nhiên đắm chìm trong quá khứ, trong những thứ cực kì lạc hậu và bảo thủ. Hắn quả thật là một con người lạc lõng, cô độc, kì quái, khủng khiếp với chân dung và tính cách của hắn. Như vậy, hắn là một con người hèn nhát, cô độc, máy móc, giáo điều, thu mình trong bao và cảm thấy yên tâm, sung sướng, hạnh phúc, mãn nguyện trong đó. Đó là kiểu người trong bao, lối sống trong bao, tính cách trong bao.
c. Ảnh hưởng từ lối sống của Bê-li-cốp:
- Lối sống và con người Bê-li-cốp từ lâu đã trở nên nổi tiếng, ảnh hưởng mạnh mẽ, dai dẳng đến cuộc sống và tinh thần anh chị em giáo viên trong trường nơi hắn làm việc, trong cư dân thành phố nơi hắn sống:
+ Hắn ngăn cản Va-ren-ca và Cô-va-len-cô đi xe đạp, đến tận nhà hai người để khuyên răn vì sợ xảy ra chuyện. Hắn lập luận: Nếu thầy giáo đi xe đạp thì học sinh sẽ đi đầu xuống đất và Đàn bà con gái mà đi xe đạp thì quả là chuyện kinh khủng.
+ Hắn ngăn cản, bóp nghẹt mọi khát vọng và biểu hiện tự nhiên trong cuộc sống của mọi người. Hắn khống chế mọi người bằng cách đem mọi chỉ thị, quy định của cấp trên ra dọa dẫm. Thầy giáo Bu-rơ-kin thừa nhận: Cái thằng cha quanh năm đi giày cao su và mang ô ấy đã khống chế cả trường học chúng tôi suốt mười lăm năm trời. Mà đâu chỉ có trường học ! Cả thành phố nữa ấy ! Các bà cô tối thứ bảy không dám tổ chức diễn kịch tại nhà, sợ rằng nhỡ hắn biết lại phiền. Giới tu hành khi có mặt hắn không dám ăn thịt và đánh bài.
Ò Bê-li-cốp vô tình đã trở thành nô lệ, tay sai đắc lực cho chế độ chuyên chế, duy trì chế độ chuyên chế, khống chế mọi người. Hắn thể hiện một bản chất phản động, thù địch với cuộc sống, bóp nghẹt đời sống tinh thần của mọi người. Vì vậy, tất cả mọi người đều ghét hắn, sợ hắn, tránh xa hắn và không muốn dây với hắn.
- Đôi khi có người cũng vì tò mò, muốn thử tác động để thay đổi cách sống kì dị ấy: gán ghép hắn với Va-ren-ca, vẽ tranh châm biếm mối tình đầu của hắn, Cô-va-len-cô khinh ghét hắn ra mặt như mắng thẳng vào mặt hắn, gây sự và to tiếng với hắn, xua hắn đi, đẩy hắn ngã xuống cầu thang,... Nhưng tất cả những việc làm đó đều không những không thể thay đổi cách sống, tính cách của hắn, mà ngược lại, còn luôn bị tính cách ấy, lối sống ấy làm ô nhiễm, đầu độc, sợ hãi, ám ảnh tinh thần mọi người suốt 15 năm trời, cho tới tận khi hắn chết.
- Ngay sau đó, tính cách Bê-li-cốp, lối sống Bê-li-cốp lại vẫn tiếp tục xuất hiện nơi những con người đang sống và tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống hiện tại và tương lai của cả thành phố, không làm cách nào thoát ra được. Bởi vì, Bê-li-cốp không chỉ là một tác nhân kì quái, cổ hủ nhất, tầm thường, dung tục nhất, mà toàn bộ con người và tính cách của hắn chính là hiện thân, là điển hình cho một bộ phận, một kiểu người đã và đang tồn tại và có nguy cơ phát triển trong xã hội Nga đương thời. Bê-li-cốp chính là hệ quả của chế độ phong kiến chuyên chế đang phát triển mạnh mẽ trên con đường tư bản hóa ở Nga cuối thế kỉ XIX. Tính cách, kiểu người và lối sống như Bê-li-cốp chỉ có thể chấm dứt hoặc thay đổi tận gốc cùng với cả xã hội với một cuộc cách mạng xã hội và tư tưởng, văn hóa mà thôi.
* Tóm lại, Bê-li-cốp đã trở thành nhân vật điển hình, tính cách điển hình độc đáo, sản phẩm sáng tạo nghệ thuật độc đáo của thiên tài Sê-khốp.
2. Cái chết của Bê-li-cốp:
- Bê-li-cốp chết một cách bất ngờ, gây cho mọi người trong trường, trong thành phố nơi hắn sống và làm việc không ít ngạc nhiên.
- Cái chết của Bê-li-cốp không chỉ là một chi tiết quan trọng mà còn là một biện pháp nghệ thuật mà Sê-khốp đã sử dụng để đẩy tính cách nhân vật lên đến đỉnh điểm. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của Bê-li-cốp có thể là:
+ Vì bị ngã đau, dẫn đến mắc bệnh nặng, lại không chịu đi chữa.
+ Vì bị sốc nặng trước thái độ và hành động của chị em Va-ren-ca, của mọi người, nhất là lời nói và hành động của Cô-va-len-cô.
+ Sâu xa hơn, đó là cái chết tất yếu. Với tạng người như hắn, cách sống của hắn, trước sau gì cũng phải tự tiêu diệt hoặc bị tiêu diệt. Với cái chết, với việc được nằm vĩnh viễn trong quan tài, cuối cùng Bê-li-cốp đã tìm được cho mình cái bao tốt nhất, bền vững nhất. Từ lâu, đó vẫn là mong ước thành thực nhất của hắn ( chi tiết Bê-li-cốp nằm trong quan tài với vẻ mặt hiền lành và nụ cười mãn nguyện ).
- Thái độ, tình cảm của mọi người đối với Bê-li-cốp khi hắn còn sống là sợ hãi, căm ghét, bị ám ảnh sâu sắc như đám mây đen bao phủ bầu trời. Bởi vậy nên khi hắn chết đi, mọi người cảm thấy như được giải thoát khỏi gánh nặng, thấy nhẹ nhàng, thoải mái, tự do,…
- Nhưng chưa được bao lâu, cuộc sống lại diễn ra như cũ, như khi Bê-li-cốp còn sống: nặng nề, mệt mỏi, vô vị, tù túng, u ám,… Từ đó, nhà văn khái quát ảnh hưởng, tác động sâu rộng, dai dẳng, nặng nề của kiểu người Bê-li-cốp. Lối sống trong bao đã ám ảnh, đầu độc bầu không khí trong sạch, lành mạnh của đạo đức, văn hóa và tiến bộ Nga đương thời.
* Tóm lại, cái chết của Bê-li-cốp là tất yếu, dù có gây ít nhiều bất ngờ cho các nhân vật khác. Hiện tượng, kiểu người, lối sống Bê-li-cốp mang tính phổ quát, điển hình, khá sâu rộng. Nó còn lâu dài như một hiện tượng xã hội, một quy luật xã hội trong lịch sử phát triển xã hội loài người, không chỉ ở cuối thế kỉ XIX và cũng không chỉ ở nước Nga,…
3. Hình tượng cái bao:
Hình ảnh cái bao là một trong những sáng tạo độc đáo của tác giả. Nó có thể bao hàm và gợi ra cho người đọc những ý nghĩa sau:
- Nghĩa đen: vật dùng để bao, gói, đựng đồ, hàng hóa,… hình túi, hình hộp. Với nghĩa gốc này, cái bao là đồ dùng yêu thích và thường xuyên trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của Bê-li-cốp.
- Nghĩa bóng: lối sống và tính cách của Bê-li-cốp.
- Nghĩa biểu trưng: kiểu người trong bao, lối sống trong bao - một kiểu người, một lối sống đã từng và đang tồn tại ở nước Nga cuối thế kỉ XIX. Cả xã hội Nga, phải chăng cũng là một cái bao khổng lồ trói buộc, tù hãm, vây bủa, ngăn chặn tự do dân chủ của nhân dân Nga, trí thức Nga chân chính.
4. Nghệ thuật đặc sắc:
- Chọn ngôi kể:
Nhân vật trong truyện đồng thời là nhân vật người kể chuyện ( Bu-rơ-kin ) ở ngôi thứ nhất ( xưng tôi ) và tác giả ( ngôi thứ ba giấu mình ). Tác giả kể chuyện về hai người bạn đi săn muộn, câu chuyện của họ trong căn nhà của ông trưởng thôn. Đó là câu chuyện thứ nhất, bao trùm bên ngoài. Câu chuyện thứ hai của nhân vật Bu-rơ-kin là chuyện chính về Bê-li-cốp lại nằm bên trong. Như vậy, vừa đảm bảo tính khách quan vừa vẫn thể hiện tính chủ quan, gây cảm giác chân thật, gần gũi của câu chuyện, tạo cấu trúc kể: truyện lồng trong truyện.
- Giọng kể:
Mỉa mai, châm biếm mà trầm tĩnh, bên ngoài có vẻ khách quan, bình thản nhưng ẩn bên trong sự bức xúc, trăn trở mạnh mẽ, sâu sắc.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật với tính kì quái nhưng vẫn chân thực, không những thế lại có ý nghĩa tiêu biểu qua lời kể, chân dung, ngoại hình, lời nói, cử chỉ, hành động mà khái quát thành tích cách, lối sống.
- Đối lập tương phản giữa các kiểu người, tính cách và lối sống trái ngược, giữa:
+ Bê-li-cốp và chị em Va-ren-ca.
+ Bê-li-cốp và cán bộ, giáo viên trường trung học, nơi hắn làm việc và nhân dân nơi hắn sống.
- Nghệ thuật xây dựng biểu tượng: hình ảnh cái bao vừa biểu tượng, vừa cụ thể, hình tượng người trong bao ; cái chết của Bê-li-cốp.
- Kết thúc truyện, nhân vật nghe truyện - người đọc giả định - trực tiếp phát biểu chủ đề tư tưởng của truyện: Không thể sống như thế mãi được !. Câu văn tạo ấn tượng mạnh với người đọc.
III. Ghi nhớ:
Truyện ngắn Người trong bao là một tác phẩm hấp dẫn và có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Nhân vật Bê-li-cốp là điển hình của xã hội nông nô chuyên chế. Toàn bộ tính cách của Bê-li-cốp đều phản ánh tính chất của xã hội ấy, Bê-li-cốp vừa đồng lõa với xã hội phản động, vừa là nạn nhân đáng thương của xã hội ấy. Đồng thời, truyện ngắn còn thể hiện đặc sắc chủ nghĩa hiện thực đời thường của nhà văn, vừa thể hiện phong cách hài hước, biếm họa trong việc khắc họa nhân vật phản diện.
IV. Bài tập nâng cao:
Thảo luận về hiện tượng Bê-li-cốp trong cuộc sống: trong cuộc sống luôn có những kẻ do sợ hãi mà xu nịnh cấp trên và tự thu mình trong các loại vỏ bọc để có được cảm giác an toàn. Những kẻ đó đều là bóng dáng của thói Bê-li-cốp. Những kẻ dọa báo cáo các việc làm không đúng theo quy định của đồng nghiệp lên cấp trên, không dám sống theo cảm xúc thực của mình cũng là biểu hiện của thói Bê-li-cốp trong cuộc sống.
File đính kèm:
- Giang van Nguoi trong bao chi tiet.doc