A/ Đặt vấn đề:
Hiện nay chúng ta đang thực hiện chương trình đổi mới THCS cả nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy. Đối với giáo viên ngữ văn chúng tôi – những người trực tiếp giảng dạy ngữ văn lớp 9, thì việc cải tiến một vài khâu trong trình tự dạy một bài văn học là những điều luôn trăn trở và suy nghĩ.
Từ trước trình tự một bài văn học của chúng ta thường được trình bày như sau:
I. Tác giả, tác phẩm.
II. Phân tích tìm hiểu tác phẩm.
III. Tổng kết.
6 trang |
Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 1456 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sáng kiến kinh nghiệm: Một vài suy nghĩ trong trình tự, nội dung, phương pháp giảng dạy Văn học lớp 9 của chương trình Ngữ văn THCS, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Một vài suy nghĩ trong trình tự, nội dung,
phương pháp giảng dạy văn học lớp 9
của chương trình ngữ văn thcs
-----------------&--------------------
Họ và tên : Phạm Thị Thanh Hương
Đơn vị: THCS Xuân Trường
Huyện Xuân Trường – Tỉnh Nam Định
---------------------------
A/ Đặt vấn đề:
Hiện nay chúng ta đang thực hiện chương trình đổi mới THCS cả nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy. Đối với giáo viên ngữ văn chúng tôi – những người trực tiếp giảng dạy ngữ văn lớp 9, thì việc cải tiến một vài khâu trong trình tự dạy một bài văn học là những điều luôn trăn trở và suy nghĩ.
Từ trước trình tự một bài văn học của chúng ta thường được trình bày như sau:
I. Tác giả, tác phẩm.
II. Phân tích tìm hiểu tác phẩm.
III. Tổng kết.
Hiện nay trong giáo viên dạy ngữ văn nói chung chúng ta đã có cuốn sách "Giới thiệu giáo án ngữ văn 9" của nhà xuất bản Hà Nội nhưng trong thực tế quá trình dạy chúng tôi thấy không thể thực hiện một cách máy móc theo sách hướng dẫn và tuỳ theo nội dung từng bài chúng tôi thấy có những điều không sáng tạo, không phát huy được trí thông minh của học sinh.
Cụ thể :
- Kiến thức nhiều khi bị dàn đều trong từng phần, không rõ, xoáy và lướt.
- Hệ thống kiến thức bị chặt ra làm nhiều đoạn.
- Khi giảng và học các mục tổng quát thường ít hứng thú, công việc xem ra đơn giản, ít phải gia công sáng tạo. Thầy hỏi trò nói, thầy sửa trò ghi một cách quá tẻ nhạt. Nhiều giáo viên giảng phần này có tính chất chiếu lệ, khi kiểm tra ít đồng chí đề cập đến. Thế là dù muốn hay không, những kiến thức khái quát nhưng cũng rất cơ bản ấy lại bị bỏ rơi, bị lãng quên ! xét cho cùng dạy văn học chính là phân tích tác phẩm ở một dạng đặc biệt.
Tôi hiểu nó đặc biệt ở chỗ, nó đòi hỏi sự tham gia của hai đối tượng. Người giảng dạy ( thầy) phải rất chủ đạo, người nghe (trò) cũng rất chủ động chứ không thụ động như một thính giả, độc giả.
Xuất phát từ cơ sở thực tế và lý luận như vậy, chúng tôi đã mạnh dạn cải tiến trình tự một bài văn học lại như sau :
Đọc – tìm hiểu khái quát.
Đọc – tìm hiểu chi tiết
Tổng kết luyện tập.
Nhìn vào trình tự này chúng tôi đã thể hiện được vai trò của việc đọc là cần thiết và quan trọng trong toàn bộ bài dạy, như thế học sinh mới bắt buộc phải suy nghĩ và hiểu bài nhanh chóng trên lớp.
B. Nội dung cụ thể
I. Đọc - tìm hiểu khái quát.
Ngoài phần cho học sinh đọc và giảng về tác giả, tác phẩm, nội dung và bố cục, cần giải quyết tốt những khâu : Giới thiệu bài và tập đọc. Về mặt này chúng tôi có ít nhiều cải tiến như sau.
- Khâu giới thiệu bài: Văn học khác với các môn học khác ở chỗ học sinh không những biết trước bài sắp học mà còn thâm nhập khá sâu vào hài học qua việc chuẩn bị trước bài ở nhà. Cho nên mọi cách giới thiệu bài mang nội dung gợi ra cái tên bài học đều có vẻ gượng gạo, công thức.
Chúng tôi tán thành cách giới thiệu bài bằng cách “ nêu tình huống có vấn đề” hoặc chuyển từ bài cũ đến bài mới một cách khéo léo tự nhiên mà sâu sắc.
Ví dụ: Truyện Kiều – Nguyễn Du.
Giáo viên có thể gợi mở từ hình ảnh người phụ nữ ngày nay có cuộc sống bình đẳng, tự do, được xã hội, gia đình trân trọng. Vậy người phụ nữ xưa họ có cuộc sống như thế nào? Đọc truyện Kiều ta sẽ thấy.
Mục đích của việc giới thiệu bài là làm cho học sinh nhập bài một cách tự nhiên mà hứng thú.
Thông thường trước đây sau khi kiểm tra bài cũ, chúng ta giới thiệu bài, sau đó học sinh mở sách vở học tập.
Cách làm này có nhược điểm là khá nhiều học sinh thường tranh thủ mở sách vở khi thầy giới thiệu, có lẽ vì thế mà mặc dù mỗi tiết học thuộc bất cứ môn gì thầy đều giới thiệu mà các em thấy vẫn khó tìm ý dẫn dắt khi làm bài văn nói trước lớp.
Bây giờ chúng tôi đổi lại, sau khi kiểm tra, đánh giá kết quả chung, chúng tôi yêu cầu học sinh mở sách vở song rồi mới bắt đầu giới thiệu. Làm như vậy bài học được tiến hành nghiêm túc hơn, lời nói của thầy đáp ứng sự chờ đợi của học sinh, như thế sẽ kết quả hơn. Nhưng làm như vậy có mất hứng thú không? Thực tế thì không mà ngược lại. Vấn đề là ở thái độ nghiêm túc và nội dung giới thiệu bài của thầy là quyết định.
Đảm nhiệm công việc này cũng thật là khó, nhưng cũng thật hẫp dẫn, nhất là các em yêu văn và học khá. Thực tế không những các em làm được mà còn làm khá tốt.
Để học sinh chuẩn bị bài trước (kể cả phần giới thiệu bài) chính là tạo thêm điều kiện cho các em tự tìm hiểu sâu bài văn hơn, buộc các em bỏ nhiều công phu khi soạn bài. Tất nhiên như vậy không phải thầy sẽ nhàn hơn mà ngược lại phải dự kiến trước lời giới thiệu phải lắng nghe, sửa chữa, tận dụng công phu sáng tạo của học trò đóng góp vào bài học, nhất là các em có ý tốt mà diễn đạt chưa thành.
- Khâu đọc: Đọc trên lớp có giá trị rất lớn, nó giúp cho công việc truyền đạt một phần nghệ thuật và nội dung bài văn, nhất là khi gặp những từ ngữ đắt, những câu văn hay, những đoạn văn giàu nhạc điệu, những hình ảnh sâu sắc. Đồng thời nó tạo điều kiện cho việc rèn đọc mà hiện nay học sinh chúng ta còn kém.
Lâu nay ở lớp 9 chúng ta coi nhẹ việc này việc đọc bài văn thường được đọc trước khi phân tích thầy đọc mẫu, trò đọc sau.
Tôi không phản đối trình tự đó, tôi cũng thường làm như thế, nhưng không nhất thiết bài văn nào cũng làm thế.
Thầy đọc trước có tác dụng mẫu mực cho học sinh noi theo nhưng lại có nhược điểm là không phát hiện đúng kỹ năng đọc của học sinh. Vả lại khi bắt đầu giảng, cách đọc của học sinh không có tác dụng truyền cảm vì hiện nay phần lớn các em đọc “ phá hoại” bài văn rất nhiều.
Căn cứ vào mục đích đề ra, đối với những bài có nhiều từ khó, chúng tôi thường yêu cầu học sinh đọc trước, vừa học, vừa giải thích những từ khó trong bài, sau đó thầy đọc vào giảng. Làm như vậy giá trị truyền cảm một phần nghệ thuật và nội dung bài văn hơn hẳn. Đồng thời làm cho học sinh thấy rõ tác dụng của đọc đoạn văn mà phấn đấu đọc tốt hơn.
Đối với một số bài hay, từ hay, câu hay, khi cần sửa cho học sinh, tôi có thể xen vào những câu bình khi cần thiết.
Ví dụ: :Khi đọc những câu có dấu chấm hỏi trong 8 câu cuối đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” không đúng ngữ điệu tôi uốn nắn, đọc mẫu, bình một vài câu. Lời bình khi đọc này, hoàn toàn có thể thay thế cho lời giảng khi phân tích chi tiết. Nó vừa giúp cho học sinh hứng thú hơn có ý thức hơn khi đọc, vừa giúp cho giáo viên đỡ lan man khi giảng xoáy vào một hình tượng nào đó.
Vì thời gian có hạn nên trong quá trình phân tích học sinh có thể đọc lần 1, lần 2 trong từng đoạn văn một và lần thứ 3 chỉ đọc những đoạn văn hay.
Nói tóm lại chúng tôi không quan niệm phần đọc nào riêng rẽ, không chỉ nhằm rèn kỹ năng mà còn là một biện pháp giúp cho việc phân tích mà giáo viên cần tận dụng.
Cho nên, khi cần thiết, chúng tôi có thể tổ chức đọc lần thứ nhất trong khi khái quát tác phẩm đó là những trường hợp cần cho lời giới thiệu liên mạch với hoàn cảnh ra đời, nghệ thuật, nội dung nổi bật.
II. Đọc – tìm hiểu chi tiết:
Trong phần này chúng tôi không có một thay đổi đặc biệt nào cả, tôi chỉ tiếp thu vận dụng vào từng bài cụ thể những kinh nghiệm được đúc kết trong các chuyên đề.
- Giảng dạy văn học tinh và chắc.
- Giảng dạy văn học gắn với đời sống
- Giảng dạy văn học phát huy trí thông minh của học sinh.
- Giảng dạy văn học theo loại thể
- Tận dụng sách giáo khoa trong giảng dạy văn học.
ở phần này, khi chuẩn bị bài tôi thường phải tìm hiểu xem học sinh hiểu những gì, những gì còn sai lầm trong nhận thức của các em.
Khi giảng tôi thường kết hợp chặt chẽ giữa hỏi, diễn giảng, lắng nghe, động viên, hướng dẫn học sinh, phân tích xoáy vào một điểm nào đó cho nổi rõ vấn đề, kích thích mạnh mẽ cảm xúc của học sinh, để các em rung động trước những điều mới mẻ, đầy hứng thú mà trước đây các em chưa nhìn thấy. Từ đó, các em lĩnh hội được toàn bài, dần dần có khả năng tự lực, nghiên cứu những bài sau.
Đây không phải là điều gì mới mẻ về mặt lý luận cho nên tôi chỉ xin trình bày một ví dụ rất nhỏ giảng bài: “Nói với con” của Y Phương của Sách giáo khoa Ngữ văn 9 kỳ II, ý thứ nhất của bài.
Theo sách hướng dẫn yêu cầu phân tích con lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, sự đùm bọc của quê hương.
Qua thăm dò tìm hiểu, tôi được biết các em thiên nghĩ về những tác phẩm văn học nói về tình mẹ như bài “Con cò” của Chế Lan Viên, “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm, còn những tác phẩm mà trong đó chủ đề lại mới đó là lời người cha nói với con thì ít.
Cho nên điều cần giúp học sinh suy nghĩ đó là sự tưởng tượng khi đọc khổ 1 bài thơ. Tôi đã suy nghĩ cụ thể:
Em hãy hình dung khi còn bé mình đã sống ra sao? để giúp các em tưởng tượng tốt, tôi đã gọi học sinh đọc 4 câu thơ đầu.
“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước chạm tiếng cười”.
Như thế học sinh dễ dàng nhận ra bên cạnh mẹ là cha, là hai người luôn yêu thương con nhất và em bé lớn lên trong một gia đình hạnh phúc, giáo viên có thể liên hệ với truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng để thấy được sự thiêng liêng cao cả của tình cha con trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều rất cảm động.
Phần này có thể bình: Tại sao trong tình cảm gia đình thì tình cảm cha mẹ với con là sâu nặng và thiêng liêng nhất? Từ đó ta có thể tích hợp với phần tập làm văn nghị luận với đề tài: Suy nghĩ của em về ca dao:
“ Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Nhờ cách giảng xoáy, tích hợp nên học sinh đều hiểu nhanh, có kiến thức để làm bài. Tôi cho rằng nội dung mình giảng đã có kết quả và tôi chuyển đoạn khác.
Giảng xoáy theo cách này có những ưu điểm sau:
Học sinh dễ nhớ, nhớ sâu, có cảm xúc mạnh - đó cũng là cơ sở để học sinh tự lực sáng tạo khi không có thầy hướng dẫn.
Tận dụng được sách giáo khoa, các em không những phải sử dụng các phần trích học mà còn cả những phần tham khảo nữa.
Tập trung được sự chú ý của học sinh.
Rút bớt thời gian.
III. Giảng phần tổng kết
Nhìn chung giảng giải đến đâu chúng ta thường vội vã đọc cho học sinh chép hoặc phát vấn qua loa chiếu lệ. Với quan điểm tìm hiểu tác phẩm từ đầu đến cuối và thầy trò cùng làm việc từ đầu đến cuối, chúng tôi không làm như thế. Chúng tôi hướng dẫn các em đánh giá chung về nghệ thuật, nội dung về tác giả và rút ra bài học tư tưởng hành động, tôi thường ghi tóm tắt những ý đúng của các em lên bảng rồi học sinh dựa vào đó nói cho lưu loát trọn vẹn. Thường tôi diễn đạt bằng nhiều cách, học sinh trên cơ sở đó mà lựa chọn cách nào hợp với mình để thời gian cho các em ghi chép. Tôi đi kiểm tra và giũp đỡ một sôố các em – thương là 3 em ở 3 trình độ khác nhau. Cuối cùng tôi giới thiệu một số em ghi tốt hoặc em có những điểm sai cần uốn nắn để cả lớp rút kinh nghiệm.
Công việc tưởng như nhàn, nhưng làm việc rất căng. Giáo viên phải khẩn trương, tập trung suy nghĩ, thấy được ưu, khuyết điểm của những lời phát biểu, nhất là những em có ý tốt mà diễn đạt chưa thành. Phải làm sao trong một thời gian ngắn vừa đánh giá, vừa thâu tóm được tất cả những ý kiến đúng của các em, diễn đạt thành lời văn hay giầu cảm xúc, giầu hình ảnh để nâng cao cảm xúc của học sinh.
Yêu cầu đó đòi hỏi giáo viên cần chủ động từ đầu đến cuối, mình định giảng những gì, phải chủ động dự kiến trước. Mình định kết luận thế nào, chủ động mà không được chủ quan, không cứng nhắc mà linh hoạt. Mỗi lần là một lần rút kinh nghiệm “ học tập tại chỗ” của mình. Có thế, thầy trò mới cùng làm việc và thầy mới sát đối tượng khi kết luận vấn đề.
Ví dụ: Phần tổng kết của bài “ Nói với con” sau gợi ý học sinh phát biểu những ý dựa vào câu hỏi tổng hợp.
Cảm nhận của em về nghệ thuật, nội dung của bài thơ và rút ra bài học suy nghĩ của em?
- Nghệ thuật: Hình ảnh thơ cụ thể, ngôn từ giản dị.
- Nội dung: Tình cảm gia đình…
- Bìa học: Sức sống, vẻ đẹp tâm hồn dân tộc miền núi.
- Tác giả: Một người cha yêu con, yêu quê hương đất nước.
Từ trả lời của học sinh giáo viên nói lại bằng một đoạn văn có sức thuyết phục và yêu cầu học sinh lên bảng viết lại phần này bằng 2 đến 3 cách khác nhau. Quá trình này chính là luyện tập luôn.
Kết luận chung
Tóm lại giảng theo cách này tôi thấy có 2 ưu điểm.
1. Phát huy và rèn năng lực độc lập suy nghĩ, kỹ năng tổng hợp vấn đề của học sinh, nâng cao xúc cảm chân thành về bài văn.
2. Rèn luyện kỹ năng đọc, viết, cảm thụ, đánh giá một tác phẩm văn học, phục vụ tốt kỹ năng tích hợp : Văn – Tiếng việt – Tập làm văn.
Giảng dạy theo cách này phải luôn kết hợp chặt chẽ với việc chống lối học thụ động, chống bệnh "lười suy nghĩ" phải luôn tổ chức lớp học, bao quát từ đầu đến cuối.
Xuân Trường, ngày 9 tháng 12 năm 2006
Người viết
Phạm Thị Thanh Hương
File đính kèm:
- Sang kien kinh nghiem Ngu van.doc