Môn Ngữ Văn trong nhà trường trước hết là một môn học như tất cả các môn khoa học khác được quy định bởi chương trình và có tác dụng góp phần hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách học sinh theo mục tiêu giáo dục. Nói đến những tác phẩm văn chương là nói đến một nghệ thuật, “nghệ thuật ngôn từ”, đó là đặc trưng của văn học.
Việc dạy học trong nhà trường chịu sự chi phối của phương thức phản ánh bằng hình tượng ngôn ngữ được thể hiện qua sự sáng tạo độc đáo của nhà văn. Xét về cấu tạo, hình tượng, bao hàm các cái riêng, cái phổ biến. Và cái cá thể, cái trừu tượng khái quát và sinh động, xúc động cảm tính và ý thức tư tưởng, nội dung và hình thức. Chính sự thống nhất của các mặt đối lập ấy tạo ra sức mạnh riêng biệt của văn chương nghệ thuật.
Hình tượng nghệ thuật có khả năng gây ra những tác động không hạn chế gợi lên trường liên tưởng bất tận. Hình thức nghệ thuật văn học mang tính đa nghĩa. Nó như khối đa diện nhiều màu, tuỳ theo chỗ đứng, cách nhìn của người xem mà phát hiện ra vẻ đẹp khác nhau của nó. Lứa tuổi, trình độ học vấn, kinh nghiệm sống, tư tưởng, tình cảm, sự lịch lãm và vị trí xã hội, khuynh hướng của tâm hồn và trí tuệ từng người cũng dẫn đến sự nhận thức khác nhau.
Vì vậy khi dạy học đòi hỏi người dạy vừa phải là một nhà giáo, vừa là người nghệ sĩ đa tài làm thế nào để làm nổi bật được sự rung động thẩm mĩ sâu sắc của tác phẩm khiến cho học sinh say mê, thích thú.
Nói đến phương pháp dạy học đã từ lâu môn văn trở thành môn học chủ yếu trong nhà trường. Trong thời phong kiến khi đi học, học trò học ngay những bài học về “Tam cương, ngũ thường”, “Tứ thư”, “ Ngũ kinh” mà phương pháp chủ yếu thiên về bình giảng, đây là một phương pháp có nhiều tích cực. Song trải qua quá trình lịch sử môn văn đã có những cải tiến quan trọng cả về chương trình và phương pháp. Đặc biệt trong những năm gần đây ngành Giáo dục nước ta không ngừng đổi mới về phương pháp dạy học trong đó có môn Ngữ văn. Xuất phát từ mục đích yêu cầu của chương trình đổi mới, tôi xin trình bày một phương pháp giảng dạy giúp giờ học đạt kết quả cao đó là: “ Sử dụng đồ dùng trực quan trong giảng dạy Ngữ văn THCS ”.
10 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 3338 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sáng kiến kinh nghiệm Sử dụng đồ dùng trực quan trong giảng dạy Ngữ văn THCS, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A. Đặt vấn đề
1. Lí do chọn đề tài:
Môn Ngữ Văn trong nhà trường trước hết là một môn học như tất cả các môn khoa học khác được quy định bởi chương trình và có tác dụng góp phần hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách học sinh theo mục tiêu giáo dục. Nói đến những tác phẩm văn chương là nói đến một nghệ thuật, “nghệ thuật ngôn từ”, đó là đặc trưng của văn học.
Việc dạy học trong nhà trường chịu sự chi phối của phương thức phản ánh bằng hình tượng ngôn ngữ được thể hiện qua sự sáng tạo độc đáo của nhà văn. Xét về cấu tạo, hình tượng, bao hàm các cái riêng, cái phổ biến. Và cái cá thể, cái trừu tượng khái quát và sinh động, xúc động cảm tính và ý thức tư tưởng, nội dung và hình thức. Chính sự thống nhất của các mặt đối lập ấy tạo ra sức mạnh riêng biệt của văn chương nghệ thuật.
Hình tượng nghệ thuật có khả năng gây ra những tác động không hạn chế gợi lên trường liên tưởng bất tận. Hình thức nghệ thuật văn học mang tính đa nghĩa. Nó như khối đa diện nhiều màu, tuỳ theo chỗ đứng, cách nhìn của người xem mà phát hiện ra vẻ đẹp khác nhau của nó. Lứa tuổi, trình độ học vấn, kinh nghiệm sống, tư tưởng, tình cảm, sự lịch lãm và vị trí xã hội, khuynh hướng của tâm hồn và trí tuệ từng người cũng dẫn đến sự nhận thức khác nhau.
Vì vậy khi dạy học đòi hỏi người dạy vừa phải là một nhà giáo, vừa là người nghệ sĩ đa tài làm thế nào để làm nổi bật được sự rung động thẩm mĩ sâu sắc của tác phẩm khiến cho học sinh say mê, thích thú.
Nói đến phương pháp dạy học đã từ lâu môn văn trở thành môn học chủ yếu trong nhà trường. Trong thời phong kiến khi đi học, học trò học ngay những bài học về “Tam cương, ngũ thường”, “Tứ thư”, “ Ngũ kinh” mà phương pháp chủ yếu thiên về bình giảng, đây là một phương pháp có nhiều tích cực. Song trải qua quá trình lịch sử môn văn đã có những cải tiến quan trọng cả về chương trình và phương pháp. Đặc biệt trong những năm gần đây ngành Giáo dục nước ta không ngừng đổi mới về phương pháp dạy học trong đó có môn Ngữ văn. Xuất phát từ mục đích yêu cầu của chương trình đổi mới, tôi xin trình bày một phương pháp giảng dạy giúp giờ học đạt kết quả cao đó là: “ Sử dụng đồ dùng trực quan trong giảng dạy Ngữ văn THCS ”.
2. Cơ sở lí luận:
Môn ngữ văn là một môn học đồng thời cũng là môn nghệ thuật có ý nghĩa to lớn và quan trọng trong việc giáo dục tư tưởng tình cảm cho học sinh. Vì vậy giáo viên cần phải giúp học sinh tiếp cận những bài học đạo đức đó một cách tự nhiên sinh động.
Trong phân môn Ngữ văn theo quan điểm tích hợp hiện nay thì đây là phần nền quan trọng, làm cơ sở cho các phần khác như Tiếng Việt, Tập làm văn. Xuất phát từ đó nên việc hiểu rõ, hiểu sâu những vấn đề tư tưởng đặt ra trong văn bản là một việc hết sức quan trọng. Trong phạm vi một tiết dạy văn( tìm hiểu văn bản) đặt ra những yêu cầu về nhận thức, giúp học sinh hướng tới những tư tưởng tình cảm đẹp, lòng nhân ái trọng lẽ phải, căm ghét cái xấu, cái ác, sự bất công trong xã hội và cả hướng tới những tư tưởng lớn của thời đại như lòng yêu nước, yêu hoà bình, ghét chiến tranh…
Để đạt được điều đó, giáo viên cùng một lúc thực hiện nhiều thao tác (phương pháp ) với những hoạt động cụ thể trong tiết dạy như : Đọc văn bản, tìm hiểu chú thích, phân tích các chi tiết, hình ảnh, hệ thống câu hỏi, lời giảng bình làm nổi bật ý nghĩa nội dung bài. Song một thao tác không thể thiếu và góp phần quan trọng trong bài dạy đó là dùng tranh minh hoạ giúp học sinh quan sát, tưởng tượng chủ động tự rút ra những suy nghĩ đúng đắn, sâu sắc về bài học.
Vì theo quan niệm biện chứng thì quá trình nhận thức nói chung đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. Do vậy muốn nhận thức thì phải trải qua quá trình phản ánh( nhận biết) và không có sự nhận biết nào sinh động toàn diện hơn khi trực tiếp quan sát tranh ảnh minh hoạ. Thông qua bức tranh, bức ảnh đó học sinh có thể nhận biết nội dung và vẻ đẹp của tác phẩm văn học. Vì thế việc sử dụng đồ dùng trực quan (tranh ảnh minh hoạ) là cần thiết cho bài giảng. Qua quan sát tranh vẽ, học sinh có thể suy nghĩ, cảm nhận toàn diện mới mẻ của bản thân với “bức tranh ngôn ngữ” của nhà văn đã gợi lên mà chưa nói hết được. Trong quá trình đó vô tình học sinh lại được tiếp cận với môn nghệ thuật mới “ hội hoạ”. Xuất phát từ những vấn đề trên tôi thiết nghĩ nhất thiết phải sử dụng đồ dùng trực quan trong tiết dạy Văn học.
3. Cơ sở thực tiễn:
Thực tế cho thấy tranh ảnh tác động trực tiếp và sinh động tới các giác quan của học sinh, học sinh có thể nhận biết được ngay vấn đề, chứ không như ngôn ngữ học sinh phải đọc, phân tích nghĩa, suy luận, rút ra nội dung (đó là quá trình mất nhiều thời gian cho học sinh)
Ngày nay do sự phát triển chung, nhận thức của học sinh càng cao và nhanh nhạy, đứng trước yêu cầu đó trong mỗi giờ dạy giáo viên không thể nhất thiết phải phân tích rồi rút ra nội dung bài học mà chỉ cần thông qua hệ thống câu hỏi gợi mở, giúp học sinh tự phân tích đánh giá cái hay, cái đẹp, những tình cảm, ý tưởng đã được thể hiện trong bức tranh. Những phát hiện mới này học sinh có thể hiểu qua đường nét, những hoạ tiết, màu sắc đầy ấn tượng của bức tranh.
Trong thực tế sách giáo khoa mới đã in sẵn nhiều bức tranh đẹp phù hợp để minh hoạ cho mỗi văn bản. Song nếu có thể vẽ lại một số bức tranh để đạt được những yêu cầu cao hơn như màu sắc, đường nét giúp cho học sinh cảm nhận nội dung bài học dễ dàng, sâu sắc hơn. Vì bản thân mỗi học sinh đã được học mĩ thuật nên các em có thể cảm nhận tốt các nội dung được thể hiện trong bức tranh.
Từ những vấn đề trên, qua thực tế giảng dạy, qua trao đổi tích luỹ của bản thân với đồng nghiệp tôi mạnh dạn đưa ra một ý tưởng trong giảng dạy đó là: “ Sử dụng đồ dùng trực quan trong giảng dạy Ngữ văn THCS” tôi nghĩ đây là vấn đề thiết thực mang tính khả thi đối với tất cả các trường, các tiết dạy phù hợp với mọi đối tượng học sinh. Song sử dụng khi nào và sử dụng ra sao để đạt được kết quả cao đó là toàn bộ những vấn đề về nội dung mà tôi muốn trình bày sau đây.
B. GiảI quyết vấn đề
I. Nội dung
1. Những yêu cầu khi sử dụng đồ dùng trực quan (tranh ảnh).
1.1. Yêu cầu về tranh:
Để sử dụng tranh ảnh vào một tiết dạy như một đồ dùng nghệ thuật trong tiết dạy cũng như các phương tiện đồ dùng dạy học khác đòi hỏi tranh ảnh phải chuẩn mực về nội dung và hình thức.
- Về hình thức: yêu cầu bức tranh phải có giá trị thẩm mĩ cao, khoa học, đẹp có độ lớn phù hợp.
- Về nội dung tranh ảnh phải phù hợp với nội dung của tác phẩm, thể hiện những nét đặc sắc của nội dung bài học, dễ hiểu dễ nhận biết ( không vẽ quá trừu tượng), phối hợp màu sắc hợp lí, không quá loè loẹt…
Như vậy bức tranh mới đầy đủ yêu cầu để đưa vào minh hoạ cho bài học. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu trên thì tranh minh hoạ sẽ như con dao hai lưỡi, sẽ phản tác dụng với mục đích của tiết dạy và gây cho học sinh sự chán nản không yêu thích văn học nghệ thuật.
1.2. Yêu cầu khi sử dụng:
Để phát huy được hết những tác dụng của bức tranh đòi hỏi giáo viên phải có kĩ năng sử dụng, không như thông thường đưa tranh ra để ngắm hay triển lãm mà đưa tranh ảnh ra để dạy học, giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của nội dung bức tranh. Vì vậy mà giáo viên phải kết hợp chặt chẽ và tiến hành song song nhiều hoạt động, nhiều phương pháp một lúc đặc biệt chú ý tới hệ thống câu hỏi gợi mở, những lời bình, lời phân tích…có như vậy giờ học mới thực sự sôi nổi.
Hơn nữa cũng cần định hướng và ngăn chặn ngay những suy luận không đúng chủ đề, yêu cầu của bài, có như vậy mới dạy đúng nội dung của bài. Khi gợi ý chúng ta nên gợi ý và tìm điểm nhấn mạnh cho học sinh những chi tiết, nét đặc sắc mà tác giả đã “ nhấn” trong khi thể hiện, có như vậy mới tìm ra điểm “ nút” của bức tranh và hiểu được vấn đề, hiểu được ngôn ngữ hội hoạ.Ví dụ: nhìn vào nét mặt của nhân vật ta có thể hiểu được tâm trạng của nhân vật …
Đáp ứng được yêu cầu trên bức tranh minh họa sẽ có tác dụng rất cao trong giờ dạy không chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức của môn văn mà còn tích hợp cho học sinh kiến thức của một số môn học bằng một phương pháp.
2. Sử dụng đồ dùng trực quan vào các hoạt động.
Trong tiến trình tổ chức hoạt động dạy học để giúp học sinh tìm hiểu văn bản giáo viên phải sử dụng tất cả các phương pháp cần thiết để gợi mở khắc sâu nội dung như tập đọc, hệ thống câu hỏi gợi mở, đồ dùng, lời bình và trải qua những bước tổ chức hoạt động sau:
- Giới thiệu bài: Phần này giúp cho học sinh bước đầu tiếp cận bài học với những vấn đề chung nhất, khái quát nhất.
- Tìm hiểu văn bản : Phần này giúp học sinh cảm nhận sâu sắc cụ thể về từng vấn đề nội dung ý nghĩa đặt ra trong văn bản.
- Củng cố bài: Phần này phát huy khả năng khái quát, tổng hợp tư duy, khái quát bài về một vấn đề nội dung tư tưởng mà nội dung bài đề cập.
- Phần luyện tập: Khắc sâu và so sánh những kiến thức đã học để suy luận đến hệ thống kiến thức cao hơn.
Xuất phát từ những mục đích của hoạt động dạy và học đặt ra cho tôi một suy nghĩ bằng cách nào đó để học sinh tiếp nhận được các kiến thức bằng chính sự hiểu biết của mình nhờ hoạt động chỉ dẫn của giáo viên. Vì vậy trong quá trình giảng dạy và thực hiện tôi đã đưa đồ dùng trực quan (tranh ảnh) vào sử dụng trong tiết dạy qua từng hoạt động sau:
2.1 Sử dụng đồ dùng trực để giới thiệu bài
2.2 Sử dụng đồ dùng trực quan để minh hoạ nội dung bài
2.3 Sử dụng đồ dùng trực quan để củng cố bài.
Phương pháp này không phải sử dụng cùng một bài mà tuỳ từng bài phù hợp ta sẽ chọn tranh ảnh để minh hoạ cho phần nội dung kiến thức mà sử dụng linh hoạt, hơn nữa lại không thể sử dụng đơn điệu một phương pháp treo tranh để rồi học sinh tự bình, tự nhận xét mà phải sử dụng phong phú các phương pháp khác nhau để đạt kết quả cao nhất trong giờ dạy.
II. Quá trình thực hiện
1. Sử dụng đồ dùng trực quan (tranh ảnh) để giới thiệu bài:
Trong một tiết dạy, hoạt động giới thiệu bài là hoạt động không thể thiếu trong một tiết dạy Ngữ văn. Đây là hoạt động đầu tiên giúp các em bước đầu tiếp cận với văn bản có gây được ấn tượng mạnh mẽ, hứng thú hay không một phần phụ thuộc vào hoạt động này. Có nhiều cách giới thiệu bài khác nhau, thông thường thì giáo viên hay dùng lời dẫn để giới thiệu bài, nhưng sẽ gây ấn tượng hơn khi giáo viên đồng thời vừa có lời dẫn vừa đưa ra một bức tranh phóng to đẹp cho học sinh quan sát. Để rồi từ cái nhìn đầu tiên ấy học sinh có thể cảm nhận được một cách khái quát về nhân vật, quang cảnh, sự vật, sự việc mà nhà văn muốn nói tới trong bài.
* Ví dụ: Khi dạy văn bản: “ Bài học đường đời đầu tiên” Ngữ văn 6, tập 2 (trích trong tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu kí” của nhà văn Tô Hoài). Giáo viên cùng một lúc kết hợp hai hoạt động: lời giới thiệu truyền cảm và bức tranh vẽ Dế Mèn.
Có một nhà văn gần 90 tuổi mà vẫn trẻ trung yêu đời, có một tác phẩm mà hơn 6 thập niên qua vẫn sống cùng bạn đọc. Đó là nhà văn Tô Hoài và tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí, hàng triệu bạn đọc ở mọi lứa tuổi cả trong và ngoài nước vô cùng yêu thích tác phẩm và hâm mộ nhà văn đến mức gọi nhà văn là ông Dế Mèn. Nhưng Dế Mèn là ai? Chân dung và tính cách nhân vật như thế nào? Bài học đường đời đầu tiên mà Mèn gặp phải là gì ?
Các em hãy quan sát bức tranh này và lắng nghe nhà văn kể và tả về anh ta. Lúc này giáo viên treo bức tranh vẽ Dế Mèn với vẻ đẹp cường tráng và giới thiệu một cách khái quát về nội dung:
Dế Mèn phiêu lưu kí kể lại những cuộc phưu lưu lý thú, đầy sóng gió của chàng Dế Mèn. Không cam chịu cảnh sống tù túng, quanh quẩn nhạt nhẽo, tầm thường, Dế Mèn cất bước ra đi tìm ý nghĩa thật của cuộc đời. Gặp biết bao khó khăn, trải qua những vấp váp, sai lầm, không chịu lùi bước, và cuối cùng đã đạt được mơ ước của mình: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, qua mỗi chặng đường, tầm mắt của Dế Mèn được mở rộng đồng thời Mèn cũng thu được những bài học bổ ích. Tiết học hôm nay cô trò mình sẽ tìm hiểu về bài học đầu tiên đó của Dế Mèn.
Làm được việc này ngay từ đầu đã gây được ấn tượng cho học sinh về hình ảnh nhân vật và quang cảnh trong tác phẩm để rồi từ đó học sinh sẽ có những liên tưởng, những khám phá mới về những vấn đề trong tác phẩm.
Như vậy, việc dùng tranh để gới thiệu bài thực sự sẽ có tác dụng tích cực. Học sinh từ chỗ có được những cảm giác ban đầu về bài văn khi quan sát tranh đều có được những ấn tượng về nhân vật, về sự vật, sự việc, khung cảnh trong bài.
2. Sử dụng đồ dùng trực quan để minh hoạ rõ một nội dung:
Trong một văn bản có rất nhiều nội dung cần tìm hiểu, khai thác song chúng ta cần tìm và rút ra nội dung đặc sắc nhất của văn bản đó để nhấn mạnh, khắc sâu khi giảng bài. Nhưng vấn đề đặt ra là khai thác theo trình tự nào và phương pháp nào sẽ đạt hiệu quả cao, nghĩa là để học sinh có thể hiểu rõ được vấn đề bằng sự cảm nhận suy nghĩ liên tưởng của bản thân về vấn đề đó.
* Ví dụ : Khi dạy bài “ Buổi chiều đứng ở Phủ Thiên Trường trông ra” (Ngữ văn 7, tập một) của Trần Nhân Tông. Khi bắt đầu tìm hiểu văn bản để tìm hiểu nội dung bàigiáo viên treo bức tranh minh hoạ Phủ Thiên Trường, yêu cầu học sinh quan sát và thể hiện cảm nhận bằng hệ thống câu hỏi:
? Bức tranh vẽ cái gì vào thời điểm nào?
? Bức tranh có những cảnh gì? Mỗi cảnh diễn tả điều gì?
- Học sinh quan sát tranh (màu sắc, đường nét) có thể nêu được những cảm nhận là: Bức tranh vẽ cảnh chiều tả ở phủ Thiên Trường gồm hai cảnh; thôn xóm ở phía xa và cánh đồng ở gần.
- Tiếp đó giáo viên cho học sinh đọc hai câu đầu bài thơ:
“ Trước xóm sau thôn tựa khói hồng.
Bóng chiều man mác có đường không”
- Hai câu thơ đầy hình ảnh, màu sắc khi đọc lên đã hoà làm một bức tranh.
- Giáo viên đưa ra câu hỏi tiếp:
? Em hãy miêu tả khung cảnh của bức tranh?
? Bức tranh được tạo nên từ yếu tố nào? Là màu sắc hay đường nét?
- Học sinh quan sát thảo luận rồi đưa ra câu trả lời:
Phía xa là cảnh chiều trong thôn xóm, cảnh vật hiện ra mờ mờ ảo ảo, nhạt nhoà trong sươngkhói buổi hoàng hôn, bức tranh thôn dã mang vẻ đẹp mơ màng êm dịu. Cảnh vật nơi đây thật yên tĩnh, cuộc sống thật đầm ấm, bình yên. Bức tranh được tạo nên từ cảnh thực và chủ yếu được khắc hoạ bằng màu sắc, màu khói lam chiều, màu sương mờ hoà với màu tím sẫm của hoàng hôn. Bức tranh diễn tả trạng thái mơ hồ, hư thực của cảnh vật lúc chiều tà. Cũng như vậy ở câu thơ sau của bài thơ giáo viên cũng gợi tả bằng những hình ảnh cụ thể về cảnh chiều ngoài cánh đồng với hình ảnh đàn trâu cùng lũ trẻ về làng và từng đàn cò trắng liệng xuống cánh đồng bát ngát.
Nhờ có bức tranh học sinh dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp có hồn của những câu thơ được cất lên từ trái tim của một vị vua hiền có tâm hồn bình dị, luôn yêu mến và đầy ân tình với quê hương. Bức tranh với nét cảnh thứ hai này thật ấn tượng và gợi cho ta một cảm giác thảnh thơi, thư thái trong tâm hồn không chỉ bởi nhờ sự cảm nhận bằng thính giác qua nhiều câu thơ vang vọng mà bằng cả thị giác về những hình ảnh đẹp, có hồn, mang dấu hiệu đồng quê mà bức tranh đó gợi lên.
Hoặc: Khi dạy văn bản: “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới (Ngữ văn 6, tập hai). Giáo viên có thể sử dụng ngay bức tranh trong sách giáo khoa. Cụ thể khi bắt đầu bước vào phần phân tích văn bản để hiểu nội dung thứ nhất của bài: Cây tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam…
- Giáo viên treo bức tranh minh hoạ được phóng to yêu cầu học sinh quan sát và thể hiện cảm nhận của mình qua các câu hỏi:
- Bức tranh vẽ cảnh gì ? Cảnh đó có gì nổi bật? Qua bức tranh gợi cho em suy nghĩ gì về sự gắn bó giữa cây tre với con người?
- Để trả lời những câu hỏi đó học sinh từ chỗ quan sát những đường nét và màu sắc trong bức tranh có thể nêu được những cảm nhận là: Cảnh làng quê Việt Nam ngày xưa. Nổi bật nhất là luỹ tre làng, bóng tre trùm mát rượi, âu yếm làng bản xóm thôn…Tre gần gũi, thân thuộc, gắn bó với làng quê Việt Nam, là hình ảnh của làng quê Việt Nam . Tre mang vẻ đẹp hồn quê, làng cảnh Việt Nam.
Như vậy việc sử dụng tranh minh hoạ cho phần tìm hiểu văn bản vừa có tác dụng gợi mở và minh hoạ cho các phần nội dung vừa tô đậm thêm cho vẻ đẹp của ngôn từ mà thi sĩ đã dùng để dệt nên những vần thơ thi vị.
3. Sử dụng đồ dùng trực quan để củng cố kiến thức:
Trong quá trình của một bài dạy thì phần củng cố bài là phần rất quan trọng. Hoạt động này nhằm phát huy khả năng khái quát tổng hợp kiến thức toàn bài. Nhưng quan trọng là vấn đề tư tưởng phải được làm nổi bật. Giáo viên phải biết tổ chức cho học sinh để đạt hiệu quả cao, giúp các em nắm được trọng tâm của bài.
Thực tế cho thấy sau khi đã nghe giới thiêu, phân tích, tìm hiểu, nhận xét, lí giải giáo viên có thể dùng tranh để học sinh quan sát, tưởng tượng lại một cách khái quát, đúng hướng về mọi vấn đề, tư tưởng mà tác phẩm đặt ra. Bức tranh sẽ giúp các em giữ lại ấn tượng tốt đẹp về sự vật, sự việc, về thiên nhiên và con người nói đến trong tác phẩm.
*Ví dụ: Để củng cố bài : “ Sơn Tinh Thuỷ Tinh” ( Ngữ văn 6, tập 1) giáo viên có thể đưa ra bức tranh vẽ cảnh giao chiến quyết liệt giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh với những câu hỏi mang tính khái quát: Em nghĩ gì về nhân vật Sơn Tinh, Thuỷ Tinh?
Học sinh có thể có những cảm nhận về nhân vật thông qua cái nhìn khái quát từ bức tranh và có thể trả lời: Hình ảnh Sơn Tinh thật đẹp, chân thật và thật hào hùng, gần gũi như một người dân đắp đê mà kì vĩ như một vị thần sức mạnh, thần đã bốc từng qủa đồi, dời từng dãy núi, dựng thành đất để ngăn dòng nước lũ…Đó chính là sức mạnh của sự đoàn kết của ý chí quyết tâm chiến thắng thiên nhiên của người lao động. Còn Thuỷ Tinh hình ảnh một thuỷ quái đầy sức mạnh với ý chí phục thù đang điên cuồng nổi giận, hô mưa gọi gió cuồn cuộn đánh Sơn Tinh. Kết quả Sơn Tinh thắng đó là sự khẳng định sức mạnh đoàn kết và ước mơ chiến thắng thiên tai của người Việt cổ xưa.
Cách kết thúc như vậy sẽ gây được nhiều ấn tượng hơn cho học sinh trước khi chuyển sang bài học khác.
III. áp dụng vào giảng dạy một tiết cụ thể
1. Tên Bài: “Chiếc lá Cuối cùng”
2. Phạm Vi sử dụng
Tôi xin trình bày phương pháp này vào một phần nhỏ của bài dạy “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn O. Hen – ri (Tiết 30 - Ngữ văn 8, tập một) trong hoạt động củng cố bài.
A.Mức độ cần đạt:
1. Kiến thức: Giúp học sinh hiểu được sức mạnh của tình yêu thương con người, sức mạnh của cái đẹp, tình yêu cuộc sống đã kết thành một tác phẩm hội hoạ kiệt tác. Tư tưởng chủ đề ấy đã được sắp xếp khéo léo dẫn đến sự đảo ngược tình thế hai lần. Đó chính là sự hấp dẫn đặc biệt của đoạn trích “Chiếc lá cuối cùng “.
2. Kỷ năng: Rèn kỹ năng cảm thụ văn học.
3. Thái độ: Giáo dục các em lòng nhân ái, tình yêu cái đẹp.
B.Chuẩn bị:
1.Thầy: -Sách giáo khoa, Sách giáo viên, Sách tham khảo.
- Tranh minh hoạ phóng to.
- Máy chiếu, giáo án điện tử.
2.Trò: Sách giáo khoa.
C.Tiến trình dạy học:
1. ổn định:
2. Bài cũ: - Tóm tắt đoạn trích: chiếc lá cuối cùng và nêu chủ đề của đoạn trích?
- Vì sao Giôn Xi qua cơn hiểm nghèo?
3.Bài mới:
3.1Phân tích:
b-Nhân vật Xiu hay tấm lòng một người bạn.
c-Hoạ sỹ Bơ Men với kiệt tác.
3.2Tổng kết:
a- Nghệ thuật.
b- Nội dung.
4. Củng cố:
Sau khi đã trình bày nội dung của các phần theo tiến trình tiết dạy, bước vào phần củng cố bài thì giáo viên đưa bức tranh vẽ lại theo sách giáo khoa và hỏi học sinh.
Em hãy quan sát bức tranh và cho biết bức tranh vẽ cảnh gì?
Cô gái được miêu tả như thế nào?
Qua những nét miêu tả về khuôn mặt, đôi mắt em nhận thấy điều gì ?
Em có nhận xét gì về tâm trạng của cô gái?
Điều trông chờ của cô gái là gì ?
Em thấy cô gái là người như thế nào?
Bức tranh còn vẽ cảnh gì nữa?
Chiếc lá được vẽ như thế nào ?
Chiếc lá vẫn còn trên cây chứng tỏ điều gì?
- Bức tranh vẽ hai cảnh: cảnh một cô gái và cảnh một chiếc lá cây đung đưa trên những cành cây trơ trụi.
- Cô đang nằm trên giường, bên cạnh chiếc cửa sổ, đang nhìn chiếc lá.
- Khuôn mặt xanh xao, mệt mỏi.
- Mắt chăm chú nhìn chiếc lá.
- Người ốm đang trông chờ gửi gắm một điều gì đó trong chiếc lá.
- Cô gái gửi gắm cả tính mạng của mình vào chiếc lá. Nếu chiếc lá cuối cùng kia mà rụng thì cô sẽ chết.
=> Là người yếu đuối, không có niềm tin vào cuộc sống.
- Bức tranh còn vẽ một chiếc lá trên
cành cây trơ trụi.
- Chiếc lá được vẽ màu vàng xanh đang đung đưa trước những cơn gió mạnh trên cành cây trơ trụi.
- Chiếc lá có sức sống mãnh liệt bền bỉ. Chính chiếc lá đã giúp cô gái yêú đuối Giôn – xi hồi sinh trở lại.
- Chiếc lá do hoạ sĩ già Bơ men bí mật vẽ trong một đêm mưa gió, chiếc lá giống như thật được vẽ bằng tình yêu thương và sự hi sinh cao cả
Em có nhận xét như thế nào về bức tranh?
=> Bức tranh chiếc lá là một kiệt tác có một không hai.
Với sự khái quát ngắn gọn học sinh sẽ nhớ sâu hơn và bài học sẽ để lại ấn tượng sâu sắc cho mỗi học sinh.
IV. kết quả:
Với chuyên đề này, tôi đã mạnh dạn áp dụng giảng dạy ở 2 lớp 8A và 8B . Lớp 8A theo phương pháp truyền thống. Lớp 8B theo hình thức: sử dụng tranh minh hoạ cho học sinh cảm nhận kết hợp các phương pháp giảng dạy mà tôi đã trình bày ở trên. Qua theo dõi tiến trình tiết học, tôi nhận thấy lớp 8B các em hứng thú hơn hẳn, các em có ý kiến rất phong phú, cảm nhận tốt, giờ học sôi nổi.
Kết quả cụ thể như sau:
8A: Chỉ có một số em hăng hái phát biểu, lớp học trầm.
8B: 80 % học sinh hăng hái phát biểu, giờ học sôi nổi, nhận thức của các em được nâng lên và hầu hết các em có hứng thú học tập và 100 % các em yêu thích học giờ văn có sử dụng phương pháp này.
V. Bài học kinh nghiệm:
- Phương pháp này có kết quả cao, học sinh tiếp thu nhanh, có sự quan sát tốt, suy luận tốt và đã có kiến thức hội hoạ.
- Có học sinh cảm nhận tốt, nhưng cũng có học sinh chỉ có ấn tượng về bức tranh đẹp chứ chưa thấy được nội dung văn học trong đó. Vì vậy giáo viên phải linh hoạt áp dụng các phương pháp và luôn quan tâm tới từng đối tượng học sinh khi sử dụng phương pháp này.
- Phải lựa chọn tình huống, nội dung hợp lí để sử dụng tranh, không lạm dụng.
- Kết hợp với kênh hình có sẵn trong sách giáo khoa.
C. Kết luận và kiến nghị
I.Kết Luận:
Đổi mới phương pháp dạy học nói chung và đổi mới phương pháp dạy học văn nói riêng hiện nay còn hết sức khó khăn và phức tạp. Bởi lẽ trong dạy văn, lựa chọn dạy cái gì đã khó, xác định cách dạy như thế nào cho hiệu quả cho hay còn khó hơn nhiều. Làm được điều đó đòi hỏi mỗi giáo viên phải thực sự đầu tư, tìm tòi, suy nghĩ, tham khảo tài liệu, nắm chắc kiến thức, chủ động trong mọi tình huống, tạo ra tình huống để kích thích tư duy tích cực, năng lực tưởng tượng sáng tạo của học sinh. Đặc biệt biết vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy trong mỗi tiết dạy.
Trên đây là toàn bộ nội dung phương pháp sử dụng đồ dùng trực quan (tranh minh hoạ) trong tiết dạy Ngữ văn THCS .Từ phương diện cá nhân, qua thực tiễn giảng dạy, tôi đã áp dụng phương pháp này kết hợp với nhiều phương pháp khác của chương trình đổi mới đã giúp học sinh tích cực chủ động hơn trong bài học đáp ứng được yêu cầu chung của Bộ Giáo dục và đào tạo.Tuy nhiên cũng không thể tránh khỏi những sai sót, hạn chế. Nên tôi rất mong được sự đóng góp bổ sung của Hội đồng khoa học và các đồng nghiệp để sáng kiến của tôi được hoàn thiện hơn và ứng dụng thường xuyên hơn trong các tiết dạy.
II. Kiến nghị:
- Đề nghị các cấp lãnh đạo xem xét đầu tư cung cấp thêm: các loại tranh tư liệu, các loại băng hình của Bộ Giáo dục phục vụ cho bộ môn Ngữ văn.
- Những bức tranh minh hoạ trong sách giáo khoa Nhà xuất bản Giáo dục có thể xem xét điều chỉnh rõ đẹp hơn, màu sắc sinh động hơn.
Tôi xin chân thành cảm ơn !
Phần Phụ lục
A. Đặt vấn đề
1.Lí do chọn đề tài
2.Cơ sở lí luận
3.Cơ sở thực tiễn
B.Giải quyết vấn đề
I.Nội dung
1.Những yêu cầu khi sử dụng.
1.1 Yêu cầu về tranh.
1.2 Yêu cầu khi sử dụng.
2. Sử dụng vào các hoạt động cụ thể .
2.1 Sử dụng tranh để giới thiệu bài.
2.2 Sử dụng tranh để minh hoạ một nội dung bài.
2.3 Sử dụng tranh để củng cố bài
II. Quá trình thực hiện
1. Sử dụng tranh để giới thiệu bài:
2. Sử dụng tranh để minh hoạ một nội dung bài.
3. Sử dụng tranh để củng cố bài
III. áp dụng vào giảng dạy một tiết cụ thể
1. Tên Bài: “ Chiếc lá Cuối cùng”
2. Phạm Vi sử dụng.
IV. Kết quả.
V.Bài học kinh nghiệm.
C.Kết luận và kiến nghị
I.Kết Luận
II. Kiến nghị
File đính kèm:
- sang kien kinh nghiem van 8.doc