Các nhà phương pháp nổi tiếng nói chung và các nhà phương pháp dạy học địa lí nói riêng, khi nghiên cứu về phương pháp dạy học tích cực cũng cho rằng, phương pháp trực quan tích cực hơn phương pháp dùng lời.Trong môn Địa lí không chỉ có kênh chữ mà tính tích cực trong kênh hình cũng được đánh giá rất cao vì nó có ý nghĩa rất lớn trong việc tiếp thu kiến thức của học sinh.
Những kiến thức trong chương trình Địa lí 10 là những kiến thức cơ sở để học sinh tiếp thu những kiến thức của lớp 11, 12. Chương trình địa lí 10 là chương trình của đầu cấp học, sách giáo khoa địa lí 10 có rất nhiều kênh hình mà trong nó ẩn chứa nhiều kiến thức mà kênh chữ không thể hiện hết được. Để học sinh có kĩ năng làm việc tốt với kênh hình ngay từ đầu cấp học là rất cần thiết.
14 trang |
Chia sẻ: lephuong6688 | Lượt xem: 631 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sử dụng kênh hình sách giáo khoa trong dạy học Địa lí 10, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mục lục
Phần thứ nhất. Mở đầu
1. Lí do chọn đề tài
2. Mục đích nghiên cứu
3. Đối tượng nghiên cứu
4.Giới hạn phạm vi nội dung nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu
6. Thời gian nghiên cứu
Phần thứ hai. Nội dung
I. Cơ sở lí luận chung
1. Quan niệm chung về kênh hình trong sách giáo khoa địa lí 10
2. Các loại kênh hình trong sách giáo khoa địa lí 10
3. ý nghĩa của khai thác kênh hình trong dạy học địa lí
II. Một số phương pháp sử dụng kênh hình sách giáo khoa địa lí 10 trong bài dạy học trên lớp.
1. Đàm thoại gợi mở với hình
2. Tổ chức cho học sinh thảo luận với hình
III. Kết quả đạt được khi sử dụng phương pháp đàm thoại gợi mở với hình và phương pháp tổ chức cho học sinh thảo luận với hình.
Phần thứ ba. Kết luận
Phần thứ nhất:
Mở đầu
I. Lí do chọn đề tài
Các nhà phương pháp nổi tiếng nói chung và các nhà phương pháp dạy học địa lí nói riêng, khi nghiên cứu về phương pháp dạy học tích cực cũng cho rằng, phương pháp trực quan tích cực hơn phương pháp dùng lời.Trong môn Địa lí không chỉ có kênh chữ mà tính tích cực trong kênh hình cũng được đánh giá rất cao vì nó có ý nghĩa rất lớn trong việc tiếp thu kiến thức của học sinh.
Những kiến thức trong chương trình Địa lí 10 là những kiến thức cơ sở để học sinh tiếp thu những kiến thức của lớp 11, 12. Chương trình địa lí 10 là chương trình của đầu cấp học, sách giáo khoa địa lí 10 có rất nhiều kênh hình mà trong nó ẩn chứa nhiều kiến thức mà kênh chữ không thể hiện hết được. Để học sinh có kĩ năng làm việc tốt với kênh hình ngay từ đầu cấp học là rất cần thiết.
Đổi mới phương pháp dạy học là nhiệm vụ của mỗi giáo viên để nâng cao chất lượng dạy và học. Việc học sinh có ý thức tự giác học tập sẽ nâng cao hiệu quả dạy và học.Với mong muốn được chia sẻ và bày tỏ một số nội dung đã thực hiện khi giảng dạy địa lí 10 nên tôi chọn đề tài: “ Sử dụng kênh hình sách giáo khoa trong dạy học Địa lí 10”.
Trong quá trình hướng dẫn học sinh học tập trên lớp cần luôn chú trọng tới bồi dưỡng kĩ năng địa lí cho học sinh để các em học tập bộ môn được tốt hơn. Do đó, sử dụng phối hợp kênh hình trong việc hình thành kiến thức Địa lí 10 có ý nghĩa rất lớn. Nó vừa tạo ra cơ sở hạ tầng kiến thức, vừa hình thành tư duy biện chứng. Để phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh, giúp các em có hứng thú học tập bộ môn, hiểu sâu kiến thức, biết vận dụng kiến thức vào thực tế và muốn dạy học Địa lí có kết quả tốt thì tính trực quan trong dạy học là rất cần thiết.
II. Mục đích nghiên cứu
III. Đối tượng nghiên cứu
Học sinh lớp 10 THPT
IV. Giới hạn phạm vi nội dung nghiên cứu
Đề tài này được thực hiện nghiên cứu ở chương trình Địa lí lớp 10 – THPT, phần Địa lí tự nhiên.
V. Phương pháp nghiên cứu
Tìm hiểu các tài liệu có liên quan đến nội dung đề tài để áp dụng vào dạy học và thực tế giảng dạy ở trên lớp.
VI. Thời gian nghiên cứu
Học kì I, năm học 2008 - 2009
Phần thứ hai:
Nội dung
I. Cơ sở lí luận chung
1. Quan niệm chung về kênh hình trong sách giáo khoa Địa lí 10
Kênh hình trong sách giáo khoa Địa lí 10 là một bộ phận quan trọng trong bài địa lí với chức năng chủ yếu là nguồn tri thức. Với cách biên soạn theo hướng mở, sách giáo khoa địa lí 10 đã trình bày một số kiến thức ẩn trong kênh hình, kèm theo câu hỏi hướng dẫn học sinh tìm tòi khám phá các tri thức từ đó. Như vậy, kiến thức cơ bản không chỉ có ở phần kênh chữ mà còn nằm ở kênh hình, ẩn chứa trong các lược đồ, ảnh , bảng số liệu.
Kênh hình được hiểu như thế nào? “Tất cả các hình vẽ, bao gồm các sơ đồ, lược đồ, bản đồ và các sản phẩm của khoa học bản đồ, tranh ảnh và các hình vẽ, các bảng biểu trong sách giáo khoa được gọi chung là kênh hình.” Chúng có tính trực quan cao và tính diễn giải logic các hiện tượng trong dạy học địa lí.
Hệ thống kiến thức chứa đựng trong kênh chữ giúp học sinh hình thành hệ thống kiến thức cơ bản, phát triển tư duy địa lí, tư duy trừu tượng, hình thành thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng. Hệ thống kiến thức này được xích lại gần thực tế hơn nếu biết khai thác những kiến thức tàng trữ trong kênh hình phục vụ bài học địa lí. Ngoài kiến thức minh hoạ cho kênh chữ, những kiến thức tàng trữ trong kênh hình có khả năng nâng cao và mở rộng tầm hiểu biết của học sinh mà kênh chữ chưa đề cập đến hoặc điều kiện thời gian không cho phép. Vì vậy, cần coi trọng đúng mức vai trò của kênh hình trong các sách giáo khoa.
2. Các loại kênh hình trong sách giáo khoa địa lí 10
Kênh hình trong sách giáo khoa Địa lí 10 có nhiều loại khác nhau với số lượng không giống nhau. Theo thống kê, loại có số lượng nhiều nhất là sơ đồ (50), tiếp đến là lược đồ (33) và ảnh (31); bảng số liệu, biểu đồ, bảng kiến thức có số lượng không lớn, ít nhất là khối đồ. Kiến thức địa lí 10 là kiến thức đại cương, tương đối trừu tượng với học sinh nên ta thấy hình thức biểu hiện nhiều kiến thức bằng sơ đồ. Các sự vật, hiện tượng địa lí có mặt ở khắp nơi trong lớp vỏ địa lí, học sinh không thể quan sát trực tiếp được, do đó phải sử dụng tranh ảnh để học sinh quan sát gián tiếp và dùng lược đồ trình bày sự phân bố các đối tượng địa lí.
3. ý nghĩa của việc khai thác kênh hình trong dạy học địa lí
ở đây tôi đề cập chủ yếu đến ý nghĩa của bản đồ, sơ đồ, lược đồ và các hình vẽ trong dạy học địa lí 10. Trong việc dạy học địa lí ở lớp 10, giáo viên đã sử dụng nhiều đồ dùng dạy học khác nhau nhưng quan trọng nhất là bản đồ giáo khoa, bản đồ, sơ đồ, lược đồ trong sách giáo khoa, các bản đồ câm và Atlat địa lí. Và trong đó các sơ đồ, bản đồ, lược đồ trong sách giáo khoa được học sinh tiếp xúc nhiều nhất và đây cũng là thể loại duy nhất học sinh nào cũng có thể có, các em dùng nó để học ở nhà và học ở trường. Hơn nữa thể loại này gắn bó với các bài học địa lí rất khăng khít không thể tách rời, nó giúp học sinh tư duy địa lí gắn liền với từng lãnh thổ. Các kiến thức địa lí được trình bày trong bài học bằng ngôn ngữ viết; còn các sơ đồ, lược đồ, bản đồ phản ánh chúng bằng ngôn ngữ bản đồ. Sự phối hợp giữa ngôn ngữ viết và ngôn ngữ bản đồ làm cho việc phản ánh thực tế địa lí sinh động hơn, đầy đủ hơn, giúp cho việc nhận thức thực tế địa lí dễ dàng hơn.
Các sơ đồ, lược đồ, bản đồ trong sách giáo khoa giúp học sinh nhìn bao quát được các hiện tượng diễn ra trong các khoảng không gian rộng lớn trên Trái đất mà học sinh không thể tri giác trực tiếp được. Chúng cũng mở rộng khái niệm không gian cho học sinh , cho phép các thiết lập mối quan hệ tương hỗ và nhân quả giữa các hiện tượng, trong các quá trình tự nhiên, kinh tế, xã hội, phát triển tư duy lôgic, năng lực quan sát , đồng thời hình thành trong các em thế giới quan biện chứng.
Các sơ đồ, lược đồ bản đồ còn tham gia hình thành trong học sinh các quy luật phân bố của các đối tượng địa lí, quy luật phân bố lực lượng sản xuất, quy luật phân công lao động theo lãnh thổ, ...
II. Một số phương pháp sử dụng kênh hình sách giáo khoa địa lí 10 trong bài dạy học trên lớp.
Kênh hình là một bộ phận quan trọng trong nội dung sách giáo khoa, khi học với sách giáo khoa học sinh phải có nhiệm vụ khai thác tri thức từ kênh hình; giáo viên khi dạy học phải tổ chức và hướng dẫn học sinh làm việc với hình để thu nhận những kiến thức từ đó. Hệ thống các hình sách giáo khoa địa lí 10 có tính đại diện cao chứa đựng các kiến thức cơ bản rất rõ ràng; đồng thời được sắp xếp một cách hợp lí trong bài, thể hiện được những kiến thức khó tường minh bằng chữ ngắn gọn.
Ví dụ: Để trình bày cấu trúc Trái đất, nếu trình bày bằng chữ thì vừa dài vừa khó hiểu, nhưng dùng một sơ đồ ( Hình 7.1- Cấu trúc của Trái đất, trang 25- sách giáo khoa địa lí 10) thì thể hiện được rất rõ và dễ hiểu.
Kênh hình trong sách giáo khoa địa lí 10 có tính thẩm mĩ cao, được in màu đẹp bắt mắt mà không phải sách giáo khoa nào cũng có được nên cũng góp phần tăng thêm sức hấp dẫn của sách giáo khoa, tạo hứng thú học tập cho các em học sinh. Hầu hết các hình đều kèm theo câu hỏi/ nhiệm vụ đối với học sinh, nó vừa có tính hỏi vừa có tính hướng dẫn , gợi ý cho học sinh chú trọng vào khía cạnh của hình cần quan sát, rút ra nhận xét...Nhờ hệ thống câu hỏi hoặc nhiệm vụ kèm theo hình, các em có thuận lợi hơn trong định hướng vào các nội dung cần khai thác tìm kiếm.
Khi hướng dẫn học sinh học tập trên lớp, giáo viên không được làm thay học sinh việc phân tích, giải nghĩa, rút ra kiến thức cần nắm; mà giáo viên nên là người tổ chức, hướng dẫn các em làm việc theo các câu hỏi kèm theo hình, phát hiện, tìm tòi các kiến thức cần nắm.
Để tổ chức cho học sinh làm việc tốt với hình có thể được tiến hành bằng nhiều cách khác nhau, bản thân tôi khi dạy học chương trình sách giáo khoa địa lí 10 đã áp dụng một số cách sau:
1. Đàm thoại gợi mở với hình
Đàm thoại gợi mở là phương pháp trong đó giáo viên soạn ra câu hỏi lớn thông báo cho học sinh. Sau đó chia câu hỏi lớn ra thành câu hỏi nhỏ hơn, có quan hệ lôgíc với nhau, tạo ra những cái mốc trên con đường thực hiện câu hỏi lớn.
Làm việc với hình sách giáo khoa, học sinh phải thực hiện các câu hỏi hoặc nhiệm vụ gắn với hình. Nhìn chung, các câu hỏi gắn với hình trong sách giáo khoa địa lí 10 thường có 2 loại. Một loại chỉ yêu cầu quan sát và nhận xét ( hoặc phát hiện các sự vật hiện tượng ở trên hình) trong sách giáo khoa. Ví dụ: “ Quan sát hình 5.2, nhận xét quỹ đạo và hướng chuyển động của các hành tinh?” hoặc “ Dựa vào hình 7.3, cho biết 7 mảng kiến tạo lớn là những mảng nào?”...Loại thứ 2, câu hỏi gồm 2 ý gắn bó với nhau. ý đầu chủ yếu hướng học sinh vào quan sát, rút ra nhận xét; ý sau yêu cầu học sinh giải thích. Ví dụ: “ Dựa vào hình 6.1 và kiến thức đã học, hãy xác định khu vực nào trên Trái Đất có hiện tượng Mặt Trời lên thiên đỉnh mỗi năm hai lần? Nơi nào chỉ có một lần? Khu vực nào không có hiện tượng Mặt Trời lên thiên đỉnh? Tại sao?” hay “ Dựa vào hình 13.2 và kiến thức đã học, hãy trình bày và giải thích tình hình phân bố mưa trên các lục địa theo vĩ tuyến 400 B từ Đông sang Tây”...Loại câu hỏi sau thường phức tạp hơn loại trước, chủ yếu ở phần giải thích. Để thực hiện câu hỏi này, tuỳ thuộc đối tượng học sinh, có thể có các mức độ hướng dẫn khác nhau, nhưng nhìn chung giáo viên nên gợi ý, hướng dẫn học sinh thực hiện. Phương pháp thông dụng là đàm thoại gợi mở trên cơ sở câu hỏi của sách giáo khoa.
Nội dung chương trình phần địa lí tự nhiên là một phần tương đối khó, với học sinh ở các lớp đại trà thì việc tự hoạt động với kênh hình để tìm ra kiến thức không phải là điều dễ dàng. Vì thế rất cần sự hướng dẫn cụ thể của giáo viên, đặc biệt là ở những bài đầu chương trình, hướng dẫn cụ thể sẽ giúp học sinh tìm ra kiến thức tốt hơn và khi các em đã được làm quen với cách học, cách tìm hiểu nội dung của bài thì những bài sau học sinh sẽ có thể làm bài đạt hiệu quả cao hơn.
Ví dụ 1: Đối với hình 2.2 – Công nghiệp điện Việt Nam, câu hỏi kèm theo hình là “ Dựa vào hình 2.2, hãy chứng minh rằng phương pháp kí hiệu không chỉ nêu được tên và vị trí mà còn thể hiện được cả chất lượng của các đối tượng trên bản đồ.”
Để trả lời câu hỏi này, giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát các kí hiệu và gợi ý bằng những câu hỏi nhỏ như:
+ Cho biết ở nước ta có những nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện nào? sự phân bố của các nhà máy đó?
+ Kí hiệu ngôi sao màu xanh liền và ngôi sao để trống thể hiện đối tượng khác nhau về chất lượng hay số lượng? (Chất lượng)
+ Kí hiệu nhiệt điện có loại to, loại nhỏ biểu hiện các đối tượng khác nhau về chất lượng, số lượng hay quy mô đối tượng? (Quy mô)
+ Như vậy, có thể kết luận được gì về chức năng của kí hiệu?
Và khi đó học sinh sẽ có thể trả lời được: ngôi sao khác nhau đã cho thấy được các nhà máy thuỷ điện đã đưa vào sản xuất và có nhà máy thuỷ điện vẫn còn đang xây dựng, tên các nhà máy và vị trí cũng được thể hiện rất rõ trên bản đồ. Các nhà máy nhiệt điện loại to, nhỏ biểu hiện sự khác nhau về quy mô của đối tượng ...Kết luận: Các kí hiệu không những chỉ nêu được tên và vị trí địa lí mà còn thể hiện được cả số lượng và chất lượng của các đối tượng trên bản đồ.
Ví dụ 2: Với hình 6.3 – Hiện tượng ngày, đêm dài ngắn khác nhau theo mùa và theo vĩ độ (Ví dụ trong các ngày 22 – 6 và 22 – 12). Giáo viên có thể gợi mở học sinh bằng các câu hỏi để đạt tới những kiến thức cần thiết:
+ Hãy chỉ ra đường sáng tối trên hình vẽ và vị trí của nó vào ngày 22 – 6 và 22 – 12; đường sáng tối của ngày trên hình vẽ có điểm gì tương tự nhau?
Trả lời: Cắt trục Trái Đất ở xích đạo, chia xích đạo ra hai phần sáng tối bằng nhau.
+ Đường sáng tối của 2 ngày trên hình vẽ có điểm gì khác nhau?
Trả lời: Ngày 22- 6, phần chiếu sáng ở bán cầu Bắc có diện tích lớn hơn phần bị khuất trong bóng tối; ngày 22 – 12 ở bán cầu Bắc, phần chiếu sáng có diện tích nhỏ hơn phần khuất trong bóng tối...
+ Nếu giả sử trục Trái Đất nghiêng ngược lại với hướng hiện nay thì tình hình diện tích chiếu sáng và khuất trong bóng tối ở mỗi bán cầu sẽ như thế nào?
Trả lời: Sẽ không đúng như hiện nay.
Vậy rõ ràng nguyên nhân ngày đêm dài ngắn theo mùa là do trong khi chuyển động quanh Mặt trời, trục Trái đất nghiêng và không đổi phương.
* Có một số hình trong sách giáo khoa đòi hỏi giáo viên phải hướng dẫn học sinh vận dụng những kiến thức đã có vào việc phân tích hình mới có thể giải thích được.
Ví dụ: Hình 12.4 – Gió biển và gió đất. Câu hỏi kèm theo: “ Dựa vào hình 12.4 và kiến thức đã học, hãy trình bày sự hoạt động của gió biển và gió đất.”
Về ý trình bày hoạt động của gió biển và gió đất, giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát hướng gió và nêu nhận xét: Gió biển là gió thổi từ biển vào đất liền vào ban ngày; gió đất là gió từ đất liền thổi ra biển vào ban đêm.
Để trình bày sự hình thành gió biển và gió đất, giáo viên lưu ý học sinh về sự khác nhau mặt đệm đất và biển, từ đó việc thu và toả nhiệt giữa đất liền và biển không giống nhau dẫn đến sự chênh lệch khí áp giữa 2 địa điểm, dẫn đến cơ chế gió như ở trên.
Ban ngày ở lục địa ven bờ đất hấp thụ nhiệt nhanh, nóng hơn mặt nước ven biển, nên ven bờ trên đất liền hình thành áp thấp; ở ven bờ trên mặt biển mát hơn nên hình thành cao áp; gió thổi từ cao áp (ven biển) vào áp thấp (ven đất liền) gọi là gió biển. Ban đêm, đất liền toả nhiệt nhanh, nên mát hơn, hình thành cao áp ở vùng đất liền; vùng nước biển ven bờ toả nhiệt chậm, nên hình thành áp thấp, gió từ áp cao (đất liền) thổi tới áp thấp (ven biển) gọi là gió đất.
Như vậy để hiểu rõ nội dung của phần này học sinh cần liên hệ tốt với kiến thức nguyên nhân thay đổi của khí áp (khí áp thay đổi theo nhiệt độ).
2. Tổ chức cho học sinh thảo luận với hình
Thảo luận là phương pháp trong đó học sinh mạn đàm, trao đổi với nhau xoay quanh một vấn đề được đặt ra dưới dạng câu hỏi, bài tập hay nhiệm vụ nhận thức.
Phương pháp thảo luận được thực hiện trong bài học trên lớp ở các trường hợp nội dung bài học dễ gây ra những ý kiến khác nhau ở các em học sinh . Trước một bức ảnh địa lí, một sơ đồ, bảng số liệu...các em khác nhau dễ có các ý kiến không nhất quán với nhau hoàn toàn. Đó là cơ hội để tổ chức trao đổi, mạn đàm ở nhóm học sinh. Chính vì vậy, phương pháp thảo luận được sử dụng rất thích hợp với kênh hình.
Thảo luận với hình có thể được tổ chức theo lớp (giáo viên chủ trì), thảo luận nhóm nhỏ (nhóm trưởng học sinh chủ trì), thảo luận cặp đôi. Các câu hỏi/ nhiệm vụ giao cho học sinh có tầm quan trọng rất lớn trong việc nâng cao chất lượng của thảo luận. Vì vậy, giáo viên nên cân nhắc các câu hỏi, nhiệm vụ giao cho học sinh.
Những câu hỏi hay nhiệm vụ tương đối rõ ràng không nên đưa cho học sinh thảo luận. Chỉ nên giao những nhiệm vụ hay câu hỏi dễ gây ra các ý kiến khác nhau. Những nội dung này thường có liên hệ với các vấn đề thực tiễn mà học sinh đã có một số vốn tri thức nhất định, hoặc liên quan tới các bài học trước. Thảo luận thường được tiến hành nhiều với kênh hình trong sách giáo khoa. Việc khám phá, tìm tòi khai thác kiến thức từ kênh hình thu hút ý kiến của nhiều học sinh khác nhau.
Ví dụ: Bài 16. Sóng, thuỷ triều, dòng biển. Hình 16.4 – Các dòng biển trên thế giới. Giáo viên tổ chức cho các nhóm học sinh quan sát bản đồ các dòng biển trên đại dương thế giới để thảo luận theo dàn ý:
+ Nơi xuất phát, hướng chảy và quá trình thay đổi hướng chảy của các dòng biển nóng trên các đại dương.
+ Nơi xuất phát và hướng chảy của các dòng biển lạnh trên các đại dương ở hai bán cầu.
+ Những dòng biển lạnh trên các đại dương ở bán cầu Bắc thường xuất phát ở khoảng vĩ độ nào? ở bờ nào của đại dương? Chảy về đâu?
+ Sự đối xứng các dòng biển nóng và lạnh giữa bờ Đông và bờ Tây đại dương ở khoảng vĩ tuyến 300 – 400 và ở vùng cực thể hiện như thế nào?
III. Kết quả đạt được khi sử dụng phương pháp đàm thoại gợi mở với hình và phương pháp tổ chức cho học sinh thảo luận với hình.
Qua quá trình cho học sinh thực hiện nội dung theo các phương pháp vừa trình bày, tôi nhận thấy các em đã có hứng thú hơn trong việc tìm hiểu nội dung và khả năng tiếp thu, tìm tòi kiến thức cũng được đánh giá cao. Các em rất tích cực tham gia xây dựng bài, với các câu hỏi gợi mở đặt ra phần nào vừa sức hơn với học sinh; những em học sinh yếu hơn cũng đã có thể tham gia vào nội dung bài, những em có lực học khá có cơ hội thử sức với những câu hỏi khó. Vì thế mà bài giảng trên lớp rất sôi nổi, đối tượng học sinh nào cũng được tham gia. So với năm học trước, kết quả có phần khả quan hơn. Tỉ lệ học sinh hiểu bài tại lớp cũng khá hơn so với trước. Sau một thời gian khi đã quen với cách học, các em đã có hứng thú hơn khi học tập bộ môn. Các nội dung làm việc với hình trong sách giáo khoa đã được các em quan tâm tìm hiểu vì đã thấy rất bổ ích trong việc tiếp thu bài tại lớp và học bài ở nhà.
Phần thứ ba:
Kết luận
Việc dựa vào kênh hình trong sách giáo khoa địa lí 10 và các phương tiện dạy học khác để tổ chức các hoạt động học tập ở trên lớp cũng như ngoài lớp là rất cần thiết và phải làm được. Phương pháp làm việc giữa thầy và trò theo cách này sẽ hình thành trong học sinh phương pháp học tập mới: độc lập, tự giác suy ngẫm, khám phá những kiến thức mới tàng trữ trong kênh hình.Mỗi hình chọn lọc dựa vào sách giáo khoa biểu hiện một khía cạnh, một dấu hiệu của khái niệm về địa lí tự nhiên, địa lí kinh tế xã hội. Sử dụng phối hợp kênh hình sẽ dần hình thành kiến thức hoàn chỉnh và khai thác đầy đủ các mối quan hệ vốn có trong các sự vật và hiện tượng tự nhiên, kinh tế xã hội. Cách học này sẽ dần hình thành trong học sinh những kiến thức bền vững, hình thành thói quen tư duy lôgic và xây dựng năng lực học tập địa lí. Đây cũng là cách rèn luyện phương pháp tự học tốt nhất.
Nhìn chung cách sử dụng kênh hình rất đa dạng, tuỳ thuộc vào sự sáng tạo của mỗi giáo viên. Điều cần chú ý là: để làm việc với kênh hình trong sách giáo khoa nói riêng và kênh hình nói chung, học sinh phải có kĩ năng làm việc với các loại phương tiện học tập địa lí như bản đồ, biểu đồ, bảng số liệu...Kĩ năng đó được hình thành từ các lớp dưới, sau đó được rèn luyện thường xuyên và dần hoàn thiện trong quá trình học tập tại trường. Để có kĩ năng đòi hỏi giáo viên phải luôn tạo ra cơ hội và điều kiện để học sinh được làm việc với kênh hình, từ đó có được những kiến thức và kĩ năng địa lí cần thiết.
Với sự cố gắng và nỗ lực của bản thân, tôi đã tích cực sử dụng kênh hình trong sách giáo khoa vào giảng dạy và nhận thấy cũng đã đạt được những hiệu quả nhất định. Tôi rất mong nhận được sự đánh giá và góp ý kiến từ các đồng nghiệp để việc học tập và nghiên cứu chuyên môn của bản thân đạt kết quả tốt hơn.
Trấn Yên, tháng 4 năm 2009
Người viết
Lê Phương Mẫn
Tài liệu tham khảo
- Sách giáo khoa Địa lí 10 – Nhà xuất bản giáo dục, năm 2007.
- Sách giáo viên Địa lí 10 – Nhà xuất bản giáo dục, năm 2007.
- Hướng dẫn sử dụng kênh hình trong sách giáo khoa địa lí 10 – Nhà xuất bản giáo dục, năm 2007.
- Hướng dẫn thực hiện chương trình sách giáo khoa lớp 12 – Nhà xuất bản giáo dục, năm 2008.
File đính kèm:
- SKKN SD kenh hinh SGK Dia li 10.doc