Tài liệu Tống Duy Tân và khởi nghĩa Hùng Lĩnh (1887-1892)

Khởi cuộc:

Năm 1886, Tống Duy Tân và Cao Điển nhận lệnh của thủ lĩnh Đinh Công Tráng đến Phi Lai (Hà Trung, Thanh Hóa) lập căn cứ, nhằm hỗ trợ cho căn cứ chính là Ba Đình. Ngoài căn cứ Phi Lai trong sự nghiệp chung, Tống Duy Tân còn chuẩn bị lực lượng và căn cứ kháng Pháp ngay tại quê hương mình, đó là vùng thượng nguồn sông Mã thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

Đầu năm 1887, đông đảo quân Pháp kéo đến đàn áp dữ dội phong trào Cần Vương ở tỉnh này. Căn cứ Ba Đình và căn cứ Mã Cao nối tiếp nhau thất thủ. Sau đó, các thủ lĩnh lần lượt hy sinh (Đinh Công Tráng, Nguyễn Khế, Hoàng Bật Đạt), tự sát (Phạm Bành, Hà Văn Mao, Lê Toại), hoặc đi tìm phương kế khác (Trần Xuân Soạn).

Trước tình thế hiểm nguy, Tống Duy Tân bèn mang quân chạy lên thượng nguồn sông Mã, nơi mà ông đã gầy dựng từ trước, lập nên một trung tâm kháng chiến mới, đó là Hùng Lĩnh. Các cộng sự cùng theo có Cao Điển, Cầm Bá Thước, Hà Văn Nho,.Tuy nhiên, nghĩa quân Hùng Lĩnh chỉ mở được vài trận tập kích, thì bị thiếu tá Térillon dẫn quân đến vây đánh rất gắt.

Xét thấy lực lượng Hùng Lĩnh vừa gầy dựng bị cô thế và yếu sức hơn, Tống Duy Tân bèn đi ra Bắc rồi sang Trung Quốc để gặp gỡ các sĩ phu yêu nước, tìm nguồn hỗ trợ và liên kết với các lực lượng kháng Pháp khác. Theo sử gia Phạm Văn Sơn thì Tống Duy Tân đã gặp Tôn Thất Thuyết tại Quảng Đông, và ông đã nghe theo lời vị tướng này trở về Thanh Hóa để tiếp tục công cuộc kháng Pháp.

 

doc6 trang | Chia sẻ: trangtt2 | Lượt xem: 416 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tài liệu Tống Duy Tân và khởi nghĩa Hùng Lĩnh (1887-1892), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tống Duy Tân và khởi nghĩa Hùng Lĩnh (1887-1892) Khởi nghĩa Hùng Lĩnh là một cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam. Công cuộc này khởi phát năm 1887 (có sách ghi 1886) tại Hùng Lĩnh (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), ngay sau khi căn cứ Ba Đình và Mã Cao lần lượt thất thủ. Lãnh đạo chính là Chánh sứ sơn phòng Thanh Hóa Tống Duy Tân cùng hai cộng sự đắc lực là Đề đốc Cao Điển (hay Cao Điền) và tù trưởng người Thái Cầm Bá Thước. Tháng 10 năm 1892, cuộc khởi nghĩa kết thúc, sau khi thủ lĩnh là Tống Duy Tân bị đối phương bắt sống rồi xử chết. * 1. Khởi cuộc: Năm 1886, Tống Duy Tân và Cao Điển nhận lệnh của thủ lĩnh Đinh Công Tráng đến Phi Lai (Hà Trung, Thanh Hóa) lập căn cứ, nhằm hỗ trợ cho căn cứ chính là Ba Đình. Ngoài căn cứ Phi Lai trong sự nghiệp chung, Tống Duy Tân còn chuẩn bị lực lượng và căn cứ kháng Pháp ngay tại quê hương mình, đó là vùng thượng nguồn sông Mã thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Đầu năm 1887, đông đảo quân Pháp kéo đến đàn áp dữ dội phong trào Cần Vương ở tỉnh này. Căn cứ Ba Đình và căn cứ Mã Cao nối tiếp nhau thất thủ... Sau đó, các thủ lĩnh lần lượt hy sinh (Đinh Công Tráng, Nguyễn Khế, Hoàng Bật Đạt), tự sát (Phạm Bành, Hà Văn Mao, Lê Toại), hoặc đi tìm phương kế khác (Trần Xuân Soạn)... Trước tình thế hiểm nguy, Tống Duy Tân bèn mang quân chạy lên thượng nguồn sông Mã, nơi mà ông đã gầy dựng từ trước, lập nên một trung tâm kháng chiến mới, đó là Hùng Lĩnh. Các cộng sự cùng theo có Cao Điển, Cầm Bá Thước, Hà Văn Nho,...Tuy nhiên, nghĩa quân Hùng Lĩnh chỉ mở được vài trận tập kích, thì bị thiếu tá Térillon dẫn quân đến vây đánh rất gắt. Xét thấy lực lượng Hùng Lĩnh vừa gầy dựng bị cô thế và yếu sức hơn, Tống Duy Tân bèn đi ra Bắc rồi sang Trung Quốc để gặp gỡ các sĩ phu yêu nước, tìm nguồn hỗ trợ và liên kết với các lực lượng kháng Pháp khác. Theo sử gia Phạm Văn Sơn thì Tống Duy Tân đã gặp Tôn Thất Thuyết tại Quảng Đông, và ông đã nghe theo lời vị tướng này trở về Thanh Hóa để tiếp tục công cuộc kháng Pháp. Đầu năm 1889, Tống Duy Tân về đến quê nhà. Sau khi tập hợp lại lực lượng, ông trở thành người chỉ huy chính của phong trào kháng Pháp tại Hùng Lĩnh. Từ nơi đó, ông cùng hai cộng sự chính là Cao Điển và Cầm Bá Thước, cho quân mở rộng địa bàn hoạt động lên tận vùng hữu ngạn và tả ngạn sông Mã; đến hợp đồng chiến đấu với Đề Kiều-Đốc Ngữ ở vùng hạ lưu sông Đà, với Phan Đình Phùng ở vùng rừng núi Nghệ An-Hà Tĩnh, với Hà Văn Nho (thủ lĩnh Mường) tại châu Quan Hóa, và với Tôn Thất Hàn ở Nông Cống, v.v... Ngày 8 tháng 10 năm 1889, được tin Tống Duy Tân hoạt động mạnh ở Hùng Lĩnh, trưởng đồn ở Nông Cống là thiếu úy Morfond liền đem 4 lính Pháp và 20 lính khố xanh đến dò xét. Gần tới nơi, thì quân đối phương vấp phải công sự của quân Hùng Lĩnh. Sau một hồi đọ súng, quân đồn Nông Cống rút lui, sau khi thiếu úy Morfond, 4 lính Pháp và 4 lính khố xanh đều tử trận. Ba hôm sau, khoảng 180 quân Pháp ở tỉnh Thanh rầm rộ kéo đến tấn công. Sau cuộc va chạm này, bên đối phương thiệt mất hàng chục lính nữa, mà không triệt hạ được cứ điểm. Ngày 22 tháng 10, cũng từ tỉnh Thanh, Đại tá Barbaret dẫn 185 quân có trang bị đại bác tiến lên Hùng Lĩnh, nhưng lần này Tống Duy Tân đã kịp cho quân rút hết về Đa Bút (Vĩnh Lộc), một cứ điểm hiểm yếu hơn. Đại tá Barbaret liền cho quân truy đuổi, đến ngày 2 tháng 11 thì đụng độ. Đôi bên đã kịch chiến suốt 2 ngày và đều bị thiệt nặng. Thế nhưng, trước sức mạnh của đại bác, Tống Duy Tân phải cho quân lui về phía Bắc Phố Cát (Thạch Thành) rồi sang Vạn Lại (Vạn Ninh, Thọ Xuân). Cuối tháng ấy, đội quân của tướng Trần Xuân Soạn (lúc này đã sang Trung Quốc) tìm đến gia nhập, nhờ vậy mà quân Hùng Lĩnh chóng phục hồi được khả năng chiến đấu. Thấy công cuộc bình định bị cản trở, mà đánh mãi vẫn chưa tiêu diệt được; bộ chỉ huy quân đội Pháp liền đưa Trung tá Lefèvre đến thay Barbaret, và còn chi viện thêm một đội kỵ binh cùng một số súng cối 80 ly. Ngày 30 tháng 11 năm 1889, Trung tá Lefèvre mang quân tấn công Vạn Lại. Giao tranh được lúc, thì Lefèvre bị trọng thương. Đến lúc ấy, sĩ quan tạm quyền là Đại úy Colleta liền cho quân lui về Yên Lược (Xuân Thiệu, Thọ Xuân) ở phía Nam Vạn Lại. Nhân đà thắng lợi, Tống Duy Tân cho quân chia làm bốn cánh đi tấn công đồn Yên Lược. Đêm ngày 1 tháng 12 năm 1889, một đánh giáp lá cà đã diễn ra hơn hai giờ đồng hồ, mãi đến khi nghĩa quân đốt cháy được đồn mới chịu rút lui. Liên tiếp bị tổn thất nặng, bộ chỉ huy quân đội Pháp bèn điều thêm 500 lính cùng hai khẩu đại bác đến chi viện, và cử Trung tá Jorne de Lacale thay Lefèvre. Ngay sau đó, viên sĩ quan này cho người đi thám thính rồi mở cuộc truy quét quân Hùng Lĩnh. Đến trưa ngày 1 tháng 1 năm 1890, quân Pháp bắt gặp nghĩa quân đang ở làng Kẽm. Lập tức, các họng đại bác Pháp thi nhau nổ suốt 45 phút thì phá được chiến lũy, mở đường cho bộ binh xung phong. Từ trong chiến hào, quân Hùng Lĩnh đánh trả quyết liệt cho đến tối mới rút lui. Kết thúc trận, ngoài số lính đôi bên bị thương vong, phía Pháp còn thiệt mất một viên đại úy tên là Christophe. Vài hôm sau, được tin là Tống Duy Tân sẽ cho quân đánh đồn Nông Cống, viên trưởng đồn này là Thiếu úy Jolly vội cáo cấp về tỉnh. Công sứ Lebrun liền phái Thiếu úy Savereux mang viện binh đến nhưng không thấy động tĩnh gì. Trên đường về, nghe mật thám báo tin có khoảng 200 quân Hùng Lĩnh do Cao Điển chỉ huy đang có mặt bên một làng lân cận. Nhận được tin Savereux báo về, Công sứ Lebrun liền dẫn quân đến vây đánh nhưng lại bị đánh bạt về Nông Cống. Sau trận thắng này, Đề đốc Cao Điển dẫn quân về Yên Lãng (Xuân Yên, Thọ Xuân). Ngày 29 tháng 3, quân Pháp từ hai ngã là Nông Cống và thành tỉnh Thanh Hóa kéo đại bác đến vây đánh Yên Lãng. Trận này, quân Hùng Lĩnh bị thua, ngoài số thương vong, còn mất đi viên chánh tổng Yên Lãng. Sang ngày 26 tháng 4, tiền đồn của Cao Điển ở Na Lung bị quân Pháp tấn công. Xét không thể giữ được đồn, Cao Điển cho quân rút qua Thanh Khoái. Đến ngày 29 thì hai bên kịch chiến tại Mỹ Hòa, sau đó là tại Thanh Khoái. Tuy gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại (thiếu úy Bonnet và 6 lính cơ tử trận, nhiều lính bị thương trong đó có viên sĩ quan tên Viola), nhưng trước sức mạnh của đối phương, Cao Điền phải cho quân lui đến Cửa Đạt (châu lỵ Thường Xuân). Tháng 10 năm 1890, hơn 200 quân Pháp kéo lên Cửa Đạt, nhưng lúc này quân Hùng Lĩnh đã dời sang An Lẫm thuộc châu Thường Xuân. Từ đây (cuối năm 1890) trở đi, quân Hùng Lĩnh bước vào thời kỳ chiến đấu gay go và gian khổ hơn. Ngày 21 tháng 2 năm 1891, Tống Duy Tân và Cao Điển lại chuyển lực lượng từ An Lẫm lên Lang Vinh, cũng thuộc thuộc châu Thường Xuân, để lấy núi cao làm thế hiểm. Hay được, Giám binh Soler bèn dẫn quân tìm đến. Đợi cho quân Pháp chỉ còn cách đồn Lang Vinh chừng 60m, quân Hùng Lĩnh từ trong các chỗ ẩn nấp đồng loạt bắn ra, tiêu diệt được một số. Nhưng sau một hồi ác chiến, quân Hùng Lĩnh phải bỏ hết các công sự đang xây dựng dở dang, chạy tháo thân về Hòn Mông. Bị đối phương truy đuổi, Tống Duy Tân và Cao Điển phải cho quân chia thành nhiều toán nhỏ, bí mật rút về Trịnh Vạn, tức căn cứ của Cầm Bá Thước. 2. Tàn cuộc: Kể từ tháng 4 năm 1892 trở đi, bên cạnh Tống Duy Tân và Cao Điển không còn quá 100 quân và 50 súng, bởi nhân dân bị khủng bố quá dữ nên không dám theo và cung ứng đầy đủ các thứ nữa. Tháng 3 năm 1892, từ sông Đà, Đốc Ngữ dẫn quân vượt sông Mã vào Thanh Hóa. Sau khi bàn bạc, Tống Duy Tân và Đốc Ngữ cùng hợp quân đi tấn công quân Pháp ở Niên Kỷ (Bá Thước, Thanh Hóa). Mặc dù thu được một số thắng lợi, nhưng rồi cũng không sao cứu vãn được tình thế. Hoạt động ở đây một thời gian ngắn, thì Đốc Ngữ dẫn quân trở lại mạn sông Đà [1], còn Tống Duy Tân, thì ở lại cầm cự một thời gian nữa. Nhưng trước cuộc bao vây và càn quét ngày càng ác liệt của đối phương, khoảng tháng 9 năm 1892, ông tuyên bố giải tán lực lượng để tránh thêm thương vong. Sau đó, Tống Duy Tân đến ẩn náu ở hang Niên Kỷ (nay thuộc xã Thiết Ống, huyện Bá Thước), còn Cao Điển cùng một số thuộc hạ quyết chí theo thì đóng trên một ngọn đồi gần bên. Chẳng lâu sau, Cao Ngọc Lễ (vừa là học trò cũ, vừa là cháu kêu Tống Duy Tân bằng cậu) đi mật báo cho Pháp đến bủa vây và bắt được Tống Duy Tân vào ngày 4 tháng 10 năm 1892. [2] Trước hôm đó một ngày (ngày 3 tháng 10), một toán quân Pháp khác gồm 30 người đi vây bắt Cao Điển. Hai bên đụng độ ác liệt. Nghĩa quân bị bắt 2, chết 6; nhưng Cao Điền đã kịp chạy thoát cùng bốn năm người với hai khẩu...Ẩn nấp ở đất Bắc được mấy năm, thì Cao Điển bị bắt tại Bắc Giang khi đang tìm đến với nghĩa quân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám làm thủ lĩnh. Hôm ấy là ngày 16 tháng giêng năm 1896. Không chiêu hàng được, Tống Duy Tân bị thực dân Pháp cho hành hình tại Thanh Hóa ngày 5 tháng 10 (âm lịch) năm Nhâm Thìn (1892), lúc 55 tuổi. Số phận của Cao Điển về sau không rõ. Phần Cầm Bá Thước, mặc dù bị tổn thất lớn như vừa kể, ông vẫn kiên trì hoạt động cho đến tháng 5 năm 1895 thì bị mới quân Pháp được tại Thường Xuân. Không chịu qui hàng, ông bị đối phương bí mật thủ tiêu vào khoảng cuối tháng 5 năm Ất Dậu (1895). lúc 37 tuổi. Tuy nhiên, theo các nhà sử học Việt Nam thì năm 1892, là thời điểm kết thúc cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh, tức sau khi thủ lĩnh Tống Duy Tân bị xử chết. 3. Lời bàn: Sử gia Phạm Văn Sơn nêu ý kiến đại để như sau: Về tổ chức, mỗi huyện đều có một cơ hương binh từ 200 người trở lên, đứng đầu là Cơ trưởng, lấy tên huyện để gọi như Nông Thanh cơ (tức cơ Nông Cống ở Thanh Hóa), Tống Thanh cơ (tức cơ Tống Sơn ở Thanh Hóa),...Còn về vũ khí, thì hãy còn khá thô sơ. Buổi đầu, chiến thuật của Tống Duy Tân giống hệt chiến thuật của Đinh Công Tráng ở Ba Đình (Nga Sơn, Thanh Hóa), tức là chọn một địa điểm hiểm yếu, xây dựng chiến khu vững chắc rồi nhử quân đối phương đến mà tiêu diệt. Khi nào họ mạnh quá, các ông mới phải cho quân rút đi nơi khác. Chiến thuật này nguy ở chỗ địch có đại bác mạnh, nên cứ điểm dù có vững chắc đến mấy cũng khó mà bảo toàn được lực lượng. Về sau, trong nhiều năm ròng, Tống Duy Tân dùng thế du kích chiến để đột kích và quấy phá đối phương. Sau mỗi trận đánh, nghĩa quân lại rút lẹ về các vùng rừng núi để thủ hiểm. Tuy vậy, nếu có cơ hội ông cũng cho mở một số trận đánh lớn mà Pháp còn ghi nhận, như các trận ở Đa Bút, Vạn Lại, Yên Lãng, Nông Cống, Mỹ Hòa,... Mặc dù đạt được một số thắng lợi, nhưng lực lượng nghĩa quân ngày một hao mòn, việc bổ sung quân số chậm chạp, vì nhân dân bị đối phương khủng bố quá dữ nên không dám đi theo và cung ứng đầy đủ các thứ nữa. Trái lại, đối phương tuy có hao tổn nhiều nhưng việc tiếp vận điều hòa, và luôn có sẵn những lực lượng hùng hậu để đàn áp. Dù cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh thất bại, nhưng qua các hoạt động, ta thấy các thủ lĩnh đã thực hiện được sự đoàn kết rộng rãi của mọi tầng lớp dân tộc, tức trong hàng ngũ nghĩa quân, ngoài người Kinh ra còn có đông bảo người Mường, người Thái. Đáng chú ý nhất là trong bản tuyên cáo kêu gọi lính khố xanh ở đồn Thi Long đề ngày 24 tháng 2 năm Hàm Nghi thứ 6 (tức 14 tháng 3 năm 1890) do chính Cao Điển soạn ra có câu:...đánh lại giặc, đoạt súng của giặc để về với nghĩa quân, lương-giáo một nhà đừng sát phạt nhau nữa...đã thể hiện rất rõ chủ trương trên [3]. Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn. Chú thích: [1] Về đến sông Đà, quân Đốc Ngữ còn chiến đấu thêm một vài tháng nữa thì tan rã hẳn, sau khi Đốc Ngữ bị quân Pháp sát hại vào ngày 7 tháng 8 năm 1892. [2] Phần nhiều các sách đều ghi theo ý này, trong đó có: Lịch sử Việt Nam [1858-cuối XIX], quyển 3, tập 1, phần 1, tr. 128), Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 2. tr. 78) Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 848). Tuy nhiên, Phạm Văn Sơn lại kể khác: Ngày 24 tháng 9, Công sứ Thanh Hóa là Boulloche phái một toán quân đi do thám. Quân Pháp đến nhà một viên thổ ty trước đây có chứa chấp Cao Điển. Vợ ông này vì sợ quá đã dẫn thiếu úy Henschell và 20 lính đi bắt Tống Duy Tân ở hang Niên Kỷ vào lúc 6 giờ chiều ngày 4 tháng 10 năm 1892 (Việt sử tân biên, quyển 5, tập trung, tr. 141). [3] Lược theo Việt sử tân biên, sách đã dẫn, tr. 142-143. Sách tham khảo chính: -Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên (quyển 5, tập trung). Tác giả tự xuất bản, Sài Gòn. 1963. -Đinh Xuân Lâm-Nguyễn Văn Khánh-Nguyễn Đình Lễ, Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 2). Nhà xuất bản Giáo Dục, 2006. -Hoàng Văn Lân-Ngô Thị Chính, Lịch sử Việt Nam [1858-cuối XIX], quyển 3, tập 1, phần 1. Nhà xuất bản Giáo Dục, 1979. -Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992. -Nhiều tác giả (Phan Ngọc Liên chủ biên). Lịch sử 11 (nâng cao). Nhà xuât bản Giáo Dục, 2007. -Nhóm Nhân văn Trẻ, Hỏi đáp lịch sử Việt Nam (tập 4). Nhà xuất bản Trẻ, 2007.

File đính kèm:

  • doctai_lieu_tong_duy_tan_va_khoi_nghia_hung_linh_1887_1892.doc