Mỗi một bộ môn có một phương pháp tiếp cận đối tượng, giảng dạy riêng. Với Văn học - bộ môn vừa mang tính chất khoa học vừa mang tính chất nghệ thuật nên phương pháp dạy học môn văn càng mang nhiều đặc thù hơn. Xưa nay, nói đến phương pháp dạy học tác phẩm Văn chương người ta cứ đề cập đến các phương pháp như giảng bình, gợi mở, phân tích nêu vấn đề mà “quên” đi một phương pháp đặc trưng của dạy học tác phẩm đó là phương pháp đọc diễn cảm. Đọc diễn cảm không những có ý nghĩa quan trọng đối với việc giảng dạy văn học mà cũng cần thiết cho nhiều ngành nghệ thuật khác. Tiếc rằng cho đến nay hình thức hoạt động nghệ thuật này chưa được đặt ra đúng mức. Hay nói cách khác, từ trước đến nay phương pháp đọc diễn cảm chưa hề được đặt ra.
Con đường đi vào tác phẩm nhất thiết phải từ đọc, gắn liền với việc đọc. Đọc phải là một hình thức hoạt động có tính chất đặc thù của nhận thức về văn học. Tiếng nói của nhà văn gửi gắm cho bạn đọc thông qua hệ thống ngôn ngữ kết dệt nên hình tượng của tác phẩm, nhưng trước mắt bạn đọc vẫn chỉ là những ký hiệu chết. Đọc sẽ làm âm vang lên những tín hiệu của cuộc sống mà nhà văn định gửi gắm. Âm vang của lời đọc kích thích quá trình tri giác, tưởng tượng và tái hiện hình ảnh. Cảm xúc bắt đầu từ đọc và được duy trì phát triển trong quá trình đọc. Nhập thân vào tác phẩm chỉ có thể bắt đầu từ đọc diễn cảm.
6 trang |
Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 24876 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vai trò và tác dụng của việc đọc diễn cảm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đặt vấn đề
Mỗi một bộ môn có một phương pháp tiếp cận đối tượng, giảng dạy riêng. Với Văn học - bộ môn vừa mang tính chất khoa học vừa mang tính chất nghệ thuật nên phương pháp dạy học môn văn càng mang nhiều đặc thù hơn. Xưa nay, nói đến phương pháp dạy học tác phẩm Văn chương người ta cứ đề cập đến các phương pháp như giảng bình, gợi mở, phân tích nêu vấn đề mà “quên” đi một phương pháp đặc trưng của dạy học tác phẩm đó là phương pháp đọc diễn cảm. Đọc diễn cảm không những có ý nghĩa quan trọng đối với việc giảng dạy văn học mà cũng cần thiết cho nhiều ngành nghệ thuật khác. Tiếc rằng cho đến nay hình thức hoạt động nghệ thuật này chưa được đặt ra đúng mức. Hay nói cách khác, từ trước đến nay phương pháp đọc diễn cảm chưa hề được đặt ra.
Con đường đi vào tác phẩm nhất thiết phải từ đọc, gắn liền với việc đọc. Đọc phải là một hình thức hoạt động có tính chất đặc thù của nhận thức về văn học. Tiếng nói của nhà văn gửi gắm cho bạn đọc thông qua hệ thống ngôn ngữ kết dệt nên hình tượng của tác phẩm, nhưng trước mắt bạn đọc vẫn chỉ là những ký hiệu chết. Đọc sẽ làm âm vang lên những tín hiệu của cuộc sống mà nhà văn định gửi gắm. Âm vang của lời đọc kích thích quá trình tri giác, tưởng tượng và tái hiện hình ảnh. Cảm xúc bắt đầu từ đọc và được duy trì phát triển trong quá trình đọc. Nhập thân vào tác phẩm chỉ có thể bắt đầu từ đọc diễn cảm.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của phương pháp đọc diễn cảm, trong bản dự thảo đổi mới chương trình THPT, các nhà soạn thảo cũng đã đề cập rất nhiều tới phương pháp này, xem nó như là phương pháp đặc trưng nhất cho việc tiếp cận tác phẩm văn học của thầy cũng như của trò. Để có cái nhìn đúng hơn, hoàn chỉnh hơn về phương pháp đọc diễn cảm, ở bài viết này tôi xin được góp thêm một vài ý kiến nhỏ bàn về phương pháp đọc diễn cảm trong dạy học tác phẩm văn chương ở nhà trường.
nội dung
I- Khái niệm: Đọc diễn cảm là gì ?
Đọc diễn cảm là công việc chuyển ký hiệu chữ viết thành ký hiệu âm thanh một cách có nghệ thuật, nhằm làm vang dậy tiếng nói tâm hồn của nhà văn được “mã hoá” trong tác phẩm. Đọc diễn cảm phải thể hiện được sự đánh giá, sự cảm thụ đúng đắn độc đáo của bản thân người đọc về tác phẩm mà mình đọc.
II- Vai trò và tác dụng của việc đọc diễn cảm.
Nói về vai trò quan trọng của đọc diễn cảm, Giáo sư Lê Trí Viễn tại Hội Nghị giảng văn của khoa văn Trường Đại Học Sư phạm Hà nội tháng 5 -1975 đã kết luận: Nói nhập thân vào nhân vật, chẳng qua cũng nói một khía cạnh của việc bản thân mình phải sống trong bài thơ mà thôi, sống như nhà thơ đã sống để dựng dậy các cảm xúc đang ngủ yên trong chữ nghĩa. Để giúp vào công việc ấy tôi có thói quen đọc, ngâm theo cách riêng của tôi. Quy luật của nghệ thuật là người hát điều khiển giọng hát của mình nhưng giọng hát cũng tác động trở lại tâm hồn người hát. Giữa giọng đọc và tâm hồn người đọc cũng có ảnh hưởng tương hỗ như thế.
- Đọc diễn cảm thứ nhất làm thống nhất lại hoạt động của giáo viên và học sinh. Hay nói cách khác đưa học sinh bắt nhịp được với bài học, cả người dạy lẫn người học gặp nhau qua sự lĩnh hội tác phẩm.
- Đọc sẽ đưa tác phẩm lại gần với học sinh, phá vỡ được khoảng cách định mệnh giữa học sinh và tác phẩm mà cơ chế cũ tạo nên (với cơ chế cũ: thầy đọc, thầy lĩnh hội rồi truyền lại bằng giảng giãi và phân tích cho học sinh). Có thể nói rằng, lần đọc ở lớp là lần duy nhất học sinh được tiếp xúc với tác phẩm một cách trọn vẹn, một lần mà học sinh hiểu tác phẩm đúng đắn nhất.
- Đọc diễn cảm sẽ tạo nên được không khí tươi mát sinh động trong giờ học. Bởi khi đọc phải tưởng tượng, phải tri giác. Mà tưởng tượng và tri giác nhiều khi làm cho học sinh quên đi lớp học cụ thể để tưởng tượng ra cảnh đời, cảnh người với những hình ảnh sinh động. Tiếng nói mã hoá của nhà văn có ý nghĩa rất lớn trong việc phân tích tác phẩm.
Người giáo viên sẽ thất bại trong giờ giảng văn vì không biết phát huy sức mạnh của nghệ thuật đọc diễn cảm. Giờ văn sẽ rời rạc, khô khan, thiếu cảm xúc, nặng nề về diễn giảng. Giáo viên rơi vào cảnh đơn độc, xa cách với nhà văn, đặc biệt không được nhà văn hỗ trợ.
- Việc đọc diễn cảm đánh thức sự tri giác, tưởng tượng và tái hiện hình ảnh của học sinh tạo nên tiền đề tâm lý tốt đẹp cho việc phân tích tác phẩm sẽ được tiến hành ngay sau đó. Chẳng hạn khi học sinh đọc tác phẩm “Chí Phèo”, học sinh có thể vẽ được hình tượng Chí Phèo bằng tưởng tượng, điều đó sẽ giúp cho việc phân tích hình tượng sẽ tốt hơn.
- Đọc diễn cảm giúp người dạy, người học phát hiện ra được những cái hay bất ngờ của tác phẩm mà hình thức trực quan tri giác đôi khi không đưa lại nổi.
III- Một số yêu cầu của phương pháp đọc diễn cảm.
Đọc tác phẩm văn học không phải chỉ là thu nhận cái hiện thực được phản ánh vào tác phẩm mà quan trọng hơn là đọc được cái phần chủ quan của người phản ánh. Đọc để nắm bắt được giọng điệu cảm xúc tác giả, âm điệu chủ yếu trong tác phẩm. Đọc để hoà nhịp vào thế giới cảm xúc, để phát hiện ý đồ nghệ thuật của tác giả, đọc để nhìn ra thế giới cuộc sống trong tác phẩm. Đọc để tiếng nói nội tâm người đọc hoà vào tiếng nói nội tâm của tác giả.... Nói tóm lại, đọc để làm bật được nhiều nội dung của tác phẩm. Nhưng ba nội dung quan trọng nhất và cũng là khó khăn nhất trong đọc diễn cảm là tái hiện giai điệu tình cảm của tác giả hay người kể chuyện, âm điệu bình luận của tác giả.
- Tái hiện giọng điệu tình cảm của người kể (tác giả) nhân vật ngôi thứ nhất, nhân vật trữ tình. Nếu trong hát, bắt đúng giọng là bắt đầu hát được; còn trong thơ, trong văn cái khó là bắt được giọng điệu tình cảm của tác giả. Có thể nói, bắt được giọng điệu tình cảm là nắm được, bắt mạch được, nhập hoà được không khí tình cảm của tác phẩm và lắng nghe được tiếng nói tình cảm, tâm tình của tác giả. Bắt ra giọng điệu tình cảm của tác giả là bắt đầu cảm và hiểu tác phẩm.
Giọng điệu được thể hiện trong tiết tấu, nhịp điệu, cường độ sâu sắc, âm hưởng, ngôn ngữ thơ.
Ví dụ khi đọc hai câu thơ trong “Truyện Kiều”- Nguyễn Du:
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
Khi đọc câu thơ trên, học sinh phải bắt cho ra cái giọng điệu bực bội, phẫn nộ (“Lạ gì”), căm uất đến chì chiết (“Trời xanh quen thói”) của tác giả trước nỗi đau thương của con người.
Hay khi đọc bài “Vội vàng” của Xuân Diệu, học sinh phải bắt cho ra nhịp điệu gấp gáp, vội vã của tác giả để thấy được sự khát khao, giao cảm mãnh liệt của tác giả, vồ vập đến cuồng nhiệt của “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới ”. Chẳng hạn đoạn:
Ta muốn ôm :
Cả sự sống mới bắt đầu xanh mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều;
...
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !
Trong văn xuôi cũng vậy, có giọng điệu tình cảm của người kể chuyện. Đọc đoạn kể về cảnh sinh hoạt gia đình của vợ chồng Hoàng trong “ Đôi mắt ” - Nam Cao. Cách kể chuyện có vẻ khách quan, bình thản, tự nhiên nhưng giọng điệu bên trong có gì ngại ngùng xa cách, pha lẫn chút mỉa mai kín đáo.
Bắt ra đúng giọng là đã hiểu rõ thái độ phản ánh và biểu hiện của tác giả ,hiểu được phần lớn quan điểm chính trị, tư tưởng thẩm mỹ của tác giả. Khi đã bắt được giọng điệu cảm xúc tức là bắt đầu nối mạch nội tâm của tác giả. Tác phẩm đã đi vào quỹ đạo cảm xúc và tình cảm bản thân chủ thể. Từ đó việc phân tích mới thực sự có thể bắt đầu.
- Tái hiện giọng điệu cảm xúc của nhân vật cũng vậy, giọng điệu ngôn ngữ nhân vật là sự phối âm và hoà âm giọng điệu tình cảm của tác giả và ngược laị. Chẳng hạn trong “Truyện Kiều” - Nguyễn Du, nàng Kiều đã có lần kêu lên:
Trời làm chi cực bấy trời
Nào ai vu thác cho người hợp tan
Giọng thơ chua xót , oan ức, có nước mắt, lời than và tiếng nấc, có lẽ của Kiều và cả lệ của Nguyễn Du. Giúp học sinh tái hiện giọng điệu nhân vật chính là để hiểu tác giả và hiểu tác phẩm một cách sâu sắc hơn.
IV- Cách vận dụng phương pháp đọc diễn cảm
- Đọc diễn cảm được triển khai trong suốt giờ học nhằm những mục tiêu cụ thể khác nhau của việc phân tích chẳng hạn đọc để đưa lại ấn tượng ban đầu về tác phẩm, đọc để đưa lại việc phân tích một đoạn của tác phẩm, đọc để làm sáng tỏ lời bình hoặc làm minh chứng cho lời phân tích, đọc để kiểm tra mức độ hiểu của học sinh. Chẳng hạn khi phân tích tác phẩm của Chí Phèo, điều đầu tiên ta phải cho học sinh đọc tác phẩm. Đến khi đi vào phần phân tích tác phẩm, phân tích ý nghĩa của bát Cháo hành. Để giúp học sinh phân tích được tốt, ta cần cho học sinh đọc lại đoạn ấy để học sinh nắm rõ hơn hoàn cảnh xuất hiện, ý nghĩa bát cháo đối với sự thức tỉnh lương tri Chí Phèo.
- Tạo không khí trang trọng cho việc đọc diễn cảm. Để tạo được không khí ấy cần:
+ Không nên dùng việc đọc diễn cảm để dẹp trật tự. Càng không nên làm một cách chiếu lệ, một cách bắt buộc.
+ Giáo viên (người đọc) phải nghiêm túc.
+ Giáo viên đọc sau học sinh (nhiều khi Giáo viên phải đọc trước để làm mẫu); nếu học sinh đọc đầu phải chọn giọng đọc tốt. Đọc phải làm sao bao quát được cả lớp học.
c- Kết luận.
Phương pháp nào cũng có ưu thế riêng. Ưu thế lớn nhất của phương pháp này là ở khả năng khêu gợi rung động thẩm mỹ, trí tưởng tượng và nhiều năng lực cần thiết của tư duy nghệ thuật, làm cho việc dạy và học tác phẩm văn chương phù hợp với đặc trưng của bộ môn và tâm lý nhận thức của học sinh về văn học. Do ý thức được “sức mạnh” đó của phương pháp đọc diễn cảm nên ở bài viết này, tôi mạnh dạn đưa ra vài ý kiến của mình để bổ sung thêm cho sự hoàn thiện của phương pháp đọc diễn cảm trong việc dạy học tác phẩm văn chương. Đặc biệt để nâng cao chất lượng dạy và học môn văn trong trường P.T.T.H.
Để bài viết hoàn chỉnh hơn rất mong có sự đóng góp ý kiến của quý Thầy, quý Cô và các bạn.
File đính kèm:
- Nhan thuc vai tro doc dien cam.doc