Quốc sử quán triều Nguyễn từ thời vua Gia Long đến Tự Đức

Tồn tại trong vòng 125 năm (1820 – 1945), Quốc sử quán triều Nguyễn đã để lại cho đời một khối lượng tư liệu đồ sộ và một lượng công trình quy mô. Đây là cơ quan văn hoá - giáo dục chuyên trách biên soạn lịch sử của triều Nguyễn và cũng là cơ quan làm sử lớn nhất, chặt chẽ nhất và thành công nhất trong nền sử học quân chủ Việt Nam. Thành công của Quốc sử quán không chỉ để lại nhiều tác phẩm sử học, địa lý lớn, đây còn là cơ quan viết sử đã thử nghiệm và vận dụng hầu hết các thể viết sử truyền thống Trung Hoa và Việt Nam một cách nhuẫn nhuyễn và sáng tạo. Các tác phẩm của Quốc sử quán có giá trị sử liệu nói riêng và cả những giá trị văn hoá nói chung. Thành công của Quốc sử quán cũng là thành công của chính sách phát triển văn hoá - giáo dục của triều Nguyễn, đặc biệt là các vị vua đầu triều từ Gia Long đến Tự Đức. Sự quan tâm và những chính sách ưu tiên của người đứng đầu nhà nước quân chủ là nhân tố quyết định đến sự phát triển của Quốc sử quán.

 

doc9 trang | Chia sẻ: trangtt2 | Lượt xem: 457 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quốc sử quán triều Nguyễn từ thời vua Gia Long đến Tự Đức, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Quốc sử quán triều Nguyễn từ thời vua Gia Long đến Tự Đức TS. Trần Vũ Tài - ĐH Vinh Đặt vấn đề Tồn tại trong vòng 125 năm (1820 – 1945), Quốc sử quán triều Nguyễn đã để lại cho đời một khối lượng tư liệu đồ sộ và một lượng công trình quy mô. Đây là cơ quan văn hoá - giáo dục chuyên trách biên soạn lịch sử của triều Nguyễn và cũng là cơ quan làm sử lớn nhất, chặt chẽ nhất và thành công nhất trong nền sử học quân chủ Việt Nam. Thành công của Quốc sử quán không chỉ để lại nhiều tác phẩm sử học, địa lý lớn, đây còn là cơ quan viết sử đã thử nghiệm và vận dụng hầu hết các thể viết sử truyền thống Trung Hoa và Việt Nam một cách nhuẫn nhuyễn và sáng tạo. Các tác phẩm của Quốc sử quán có giá trị sử liệu nói riêng và cả những giá trị văn hoá nói chung. Thành công của Quốc sử quán cũng là thành công của chính sách phát triển văn hoá - giáo dục của triều Nguyễn, đặc biệt là các vị vua đầu triều từ Gia Long đến Tự Đức. Sự quan tâm và những chính sách ưu tiên của người đứng đầu nhà nước quân chủ là nhân tố quyết định đến sự phát triển của Quốc sử quán. 1. Sứ mạng đặt ra cho Quốc sử quán triều Nguyễn. Triều Nguyễn trị vì đất nước trong một hoàn cảnh lịch sử phát triển phức tạp, đặc biệt là về văn hoá - tư tưởng. Để bảo vệ vương quyền dòng họ và cả yêu cầu thống nhất quốc gia, triều Nguyễn đã cố gắng xây dựng một nhà nước quân chủ trung ương tập quyền vững mạnh. Sức mạnh đó đã dặp tắt các mưu đồ cát cứ, các hành động tiếm quyền nhưng không thắng nổi một thách thức khó khăn là cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Lịch sử triều Nguyễn chứa đựng nhiều mâu thuẫn và khó khăn, ban đầu là vấn đề chính thống, yêu cầu thống nhất quốc gia, ổn định xã hội đến vấn đề canh tân rồi vận mệnh dân tộc, bảo vệ độc lập Hoàn cảnh đó ảnh hưởng không thuận chiều với hoạt động của Quốc sử quán, nhưng chính khó khăn ấy đã khẳng định vị trí của sử học, thành nhu cầu “trị nước” của các vị vua đầu triều. Năm 1802, Nguyễn ánh lên ngôi, công việc quan trọng của vua Gia Long là phải khẳng định được sự chính thống. Việc đó không đơn thuần chỉ là hình luật, hay các vần thơ tán dương công trạng mà phải bằng những phương tiện thiết thực và hiệu quả hơn. Các tác phẩm sử học cũng là một phương tiện tốt để triều Nguyễn thực hiện ý định đó. Thứ nhất, các tác phẩm sử học có thể đề cao và thần thánh vai trò họ Nguyễn trong tiến trình lịch sử dân tộc, nhất là công cuộc mở đất Đàng Trong. Thứ hai, triều Nguyễn muốn dung hoà mâu thuẫn trong xã hội, lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống để củng cố và bảo vệ vương quyền dòng họ. Các tác phẩm theo tư tưởng này có ý nghĩa giáo dục lớn, là phương tiện để triều Nguyễn thoả hiệp hoàng quyền tối thượng với thực quyền quan lại địa phương, giữa hoàng quyền với thần thuộc, với thần dânThứ ba, sử học cũng giúp triều Nguyễn khẳng định sự chính thống là đã kế tục xứng đáng sự nghiệp của tổ tiên dòng họ (từ thời Nguyễn Kim “phù Lê diệt Mạc”) và sâu xa hơn là hài hoà vào dòng chảy liên tục của lịch sử dân tộc. Mặt khác, triều Nguyễn cũng muốn tách khỏi ánh hào quang của nhà Lê còn tồn tại dai dẳng, khẳng định quyền uy dòng họ theo cách riêng. Huế trở thành kinh đô, nơi tập trung uy quyền của họ Nguyễn và cũng là nơi quy tụ của cả nước, đó cũng là sứ mạng đặt ra cho Quốc sử quán. Quốc sử quán ngoài là một nhu cầu trị nước còn là một cơ chế hoạt động của bộ máy nhà nước của triều Nguyễn. Sau khi thống nhất quốc gia, Gia Long đã đặt lại các đơn vị hành chính. Đến thời Minh Mạng, vua đã xây dựng một bộ máy chặt chẽ từ trung ương đến địa phương. Trong số các cơ quan văn hoá giáo dục, bên cạnh Quốc Tử Giám, Viện Tập Hiền, Hàn Lâm Viện, Thái Thường Tự, Quang Lộc Tự là Quốc sử quán, cơ quan chuyên trách sưu tầm và biên soạn sử sách. Quốc sử quán được lập ra nhằm phục vụ lợi ích của vương triều Nguyễn, thế nên hoạt động của cơ quan này phải phù hợp với tư tưởng chính thống và lợi ích của triều đình. Quốc sử quán lấy tư tưởng Nho giáo làm chủ đạo. Nho giáo xuyên suốt trong các tác phẩm sử học nhằm nêu gương trị đạo cho đời, khên chê về luân lý, nêu cao chính thống, chống “nguỵ triều”, tán dương công trạng, sự nghiệp của vua và dòng họ vua Coi Nho đạo là sử đạo, Quốc sử quán chịu sự chi phối của thuyết “Thiên mệnh”, coi vua là thiên tử, thay trời trị dân. Tâm lý con người phương Đông rất coi trọng “thiên nhân cảm ứng”, họ quan niệm thuận với trời thì thịnh, nghịch với trời thì suy. Điều đó được các sử quan Quốc sử quán vận dụng triệt để. Các tác phẩm sử học luôn thần thánh vai trò dòng họ Nguyễn, coi sự trị vì của dòng họ là sự ủng hộ của trời đất và các lực lượng siêu nhiên. Quyền của vua (vương quyền) kết hợp với quyền của thần (thần quyền) tạo nên hoàng quyền tối thượng của vua Nguyễn. Biên soạn lịch sử để phục vụ lợi ích của vương triều, tuy nhiên trong một chứng mực nào đó, các vị vua Nguyễn đã tỏ ra rất tôn trọng sử học và chỉ dụ cho các sử quan làm cho được “tín sử”. Năm 1821, vua Minh Mạng dụ rằng: Nước có sử là để tin ở đời này mà truyền lại cho đời sau Tất cả thần công các người dự vào sử cuộc hãy nên cố gắng làm sao cho bút pháp được đứng đắn, vựng biên không thiếu sót, tập thành tín sử một đời” [1]. Khi duyệt bộ Đại Nam thực lục, vua Thiệu Trị đã chỉ thị cho Trương Đăng Quế: “ngươi nên truyền bảo cho sử thần cứ việc chép thẳng, sửa lại đôi chút cho trang nhã”Vua Tự Đức cũng đã khuyên các sử quan cố gắng: “phải khảo xét cho kỹ, đính chính tinh tường, nên phải tốn nhiều năm tháng”. Mặc dù vậy, vua trực tiếp viết phần “ngự phê”, đánh giá một số nhân vật lịch sử, quyết định phần “phàm lệ” và việc phân kỳ lịch sử thì việc biên soạn lịch sử, nhất là lịch sử vương triều Nguyễn khó mà trở thành “tín sử”. 2. Quá trình xây dựng và phát triển của Quốc sử quán triều Nguyễn. Sau khi lên ngôi, Gia Long đã có ý định thành lập một cơ quan viết sử: “Nay đất nước đã thống nhất, cần phải tìm xét rộng rãi hết thẩy điển chương, điều lệ do quan lại địa phương sở tại dâng lên, nếu có điều gì quan hệ đến chính thể, trẫm sẽ tự xét chọn, đều có nêu thưởng”. Tân Mùi (1811), bàn soạn sách Quốc triều thực lục, Gia Long xuống chiếu: “Nay soạn Quốc triều thực lục, phàm sự tích cũ, cần phải tìm xém xét rộng rãi để sẵn mà tham khảo việc binh tình giặc một người không thể ghi hết, tưởng ở chốn đồng quê, các nhà quan cũ và các cụ già, những điều ghi chép được, những điều tai nghe mắt thấy, hẳn có điều đáng đúng. Vậy đặc chiếu cho các sĩ dân từ năm Quý Tỵ trở về sau, từ Nhâm Tuất (1802) trở về trước, phàm những việc quan hệ đến nước, ai hay biên chép thành quyển cáo đến nộp quan sở tại. Các cụ già ai hay ghi nhớ việc cũ thì quan lại sở tại mời đến hỏi, ghi chép chuyển tâu. Lời nào nói có thể ghi vào sử được thì có thưởng, thảng hoặc có can huý cũng không bắt tội” [2]. Ngoài việc quan tâm đến việc biên soạn lịch sử, khuyến khích mọi người sưu tầm sử liệu, vua Gia Long cũng rất chú ý đến đội ngũ sử gia. Gia Long đã triệu Thị trung học sỹ Phạm Quý Thích, tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (1779), lĩnh đốc học phủ Phụng Thiên Nguyễn Đường Kim, đốc học trấn Sơn Nam thượng, đốc học phủ Hoài Đức về kinh sung chức biên tu ở sử cục, sai tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành làm Tổng tài bộ Thực lục, đồng thời giao trọng trách cho ông soạn Hoàng triều luật lệ Tuy đã có nhiều cố gắng nhưng những khó khăn của vị vua đầu triều khiến Gia Long chưa thể tổ chức hoạt động Sử cục một cách quy mô. Canh Thìn (1820), Minh Mạng nối nghiệp vua cha, vị vua này đã thực hiện cải cách hành chính nhằm xây dựng một quốc gia quân chủ tập quyền vững mạnh. Cũng như Gia Long, Minh Mạng cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: các cuộc khởi nghĩa dưới danh nghĩa phù Lê, thêm vào đó là việc đối xử hà khắc thái quá của triều Nguyễn đối với những cộng sự gần gũi như Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Lê Chất, Lê Văn Duyệt. Triều Nguyễn bị xem là sát hại công thần. Tuy vậy, Minh Mạng cũng rất chú ý đến lịch sử và người viết sử nước nhà. Canh Thìn (1820), mùa Hạ, tháng Sáu, Minh Mạng xuống chiếu: “ Nước nhà từ khi khai thác đến nay, lần lượt các Thánh cùng truyền nối trên hai trăm năm, kịp đến Đức Thế tổ Cao hoàng đế ta, ngài đã trung hưng, thống nhất bờ cõi, trong khi đó, những việc lớn công to, nếu chẳng có sử sách thì lấy gì truyền lại cho đời sau lâu dài. Trẫm muốn dựng Sử quán, sai các bậc nho thần soạn tập bộ Quốc triều thực lục để nêu lên những công cuộc xây dựng nền tảng thịnh vượng để cho đời sau bắt chước vậy” [3], bèn sai chọn bên tả trong kinh thành, thuộc địa phận phường Phú Văn ( sau gọi là phường Trung Hậu, nay thuộc phường Thuận Thành) họp thợ xây đắp, hơn một tháng thì xong. Nhà vua thân hành đến thăm, cho dựng biển “khuynh cái hạ mã” trước sân. Hai bên tả hữu tấm biển có 2 con hổ nằm phủ phục để quan quân mỗi lần đi ngang qua, phải nghiêng lọng xuống ngựa để tỏ lòng tôn kính sử sách và người làm sử nước nhà. Tân Tỵ (1821), mùa Hạ, tháng Năm, Minh Mạng sai quan soạn Liệt thánh thực lục, cử chưởng hữu quân Nguyễn Văn Nhân làm Tổng tài, thượng thư Trịnh Hoài Đức và Phạm Đăng Hưng làm phó Tổng tài, các tham tri Trần Minh Nghĩa, Nguyễn Khoa Minh, Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Huy Trinh, Hàn Lâm chưởng viện học sĩ Hoàng Kim Hoan, Thái thường tự khanh Lê Đồng Lý, Lại bộ thiêm sự Lê Đăng Doanh, Đông các học sĩ Đinh Phiên, Hàn lâm thị giảng học sĩ Nguyễn Tuần Lý, Nguyễn Mậu Bách làm toản tu, đặt 25 người làm biên tu, 5 người khảo hiệu, 12 người thư chưởng, 8 người đằng lục [4]. Như vậy đến triều Minh Mạng, Quốc sử quán đã có trụ sở riêng, biên chế số lượng sử quan lớn, cơ cấu tổ chức rất chặt chẽ. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của triều Nguyễn đối với lịch sử và người viết sử nước nhà. Bên cạnh đó, Minh Mạng thường xuyên theo dõi và đốc thúc công việc của Quốc sử quán. Quý Tị (1833), vua xuống dụ: “Nhà nước có sử là để làm tài liệu đáng tin cho đời nay và truyền mãi về sau. Ta từ lúc mới lên ngôi, liền muốn biên thuật ngay công đức đời trước thành một bộ sử của một triều đại, nên đã cho xây dựng sử cục, lại lựa chọn người biên soạn Thực lục về Liệt thánh. Những người được lựa chọn vào việc này đã được ban yến vẻ vang, lại được cấp lương ưu hậu... Thế mà tử tổng tài đến toản tu trong đợt làm việc ấy trở xuống không chịu hăng hái cố gắng làm tốt, lại kéo dài bao nhiêu năm. nay ta muốn hai tay cầm đọc thì chỉ mới có bản thảo, chưa viết tinh tường [5]. Minh Mạng đã có sự thay thế kịp thời: “nay chọn các viên khác sung vào, làm cho đến thành công, vậy ra lệnh thượng thư bộ Hộ là Trương Minh Giảng, thượng thư bộ Lễ là Phan Huy Thực đều làm Tổng tài, Tả tham tri bộ Hộ là Trương Đăng Quế, hữu tham tri bộ Hình là Bùi Phổ, hữu tham tri bộ Công là Nguyễn Trung Mậu, tả phó Đô ngự sử viện Đô sát Hà Duy Phiên, thự hữu tham tri bộ Binh Nguyễn Trọng Vũ, tả thị lang bộ Lễ Lê Nguyên Trung, đều sung toản tu, dùng nhà Hữu Đãi Lâu làm nơi biên soạn” [6]. Chỉ dụ trên cho thấy sự theo dõi sát sao của vua Minh Mạng với lịch sử, nhất là lịch sử dòng họ. Tân Sửu (1841), mùa Đông, tháng Mười, ngay khi mới lên nối ngôi, vua Thiệu Trị đã “nghĩ đến việc nối theo đức hay của người trước, để lại về sau lâu dài”, “kịp thời biên tập để thành bộ sử đáng tin của đời thịnh trị”. Nhà vua đã tăng cường nhân sự cho Quốc sử quán, truyền đặt thêm Tổng tài và phó tổng tài mỗi chức đều 2 viên quan. Vua cũng cho xây thêm nhà Công thự của chức toản tu và nhà Giải vũ đài của chức biên tu ở hai bên tả hữu Quốc sử quán” [7]. Vua Thiệu Trị còn xuống chiếu cử Văn minh điện đại học sĩ là Trương Đăng Quế, Đông các đại học sĩ là Vũ Xuân Cẩn cùng sung tổng tài, thượng thư bộ Công là Nguyễn Trung Mậu, thượng thư bộ Lễ Phan Bá Đạt sung làm phó tổng tài, cho thự thị lang bộ Công là Đỗ Quang Lâm làm Hàn lâm viện trực học sĩ, án sát Thái Nguyên là Tô Trân làm Thái Bộc tự khanh, lang trung bộ Binh là Vũ Phạm Khải làm Hồng Lô tự khanh đều sung chức toản tu, còn từ chức biên tu trở xuống đều cho đổi sang viện hàm Hàn Lâm. Dưới thời Thiệu Trị, Quốc sử quán được củng cố, mở rộng các chức danh, điều đó giúp cho công tác biên soạn lịch sử được tiến triển nhanh hơn. Đinh Mùi (1847), Tự Đức lên ngôi. Hàng loạt vị công thần được thăng cấp, các gia đình Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Lê Chất được phục hồi danh dự, tạo điều kiện cho sự hoàn chỉnh các bộ sử biên niên về thời Gia Long. Tuy nhiên, việc lên ngôi không đúng nguyên tắc Khổng giáo cũng như những bất hoà trong nội bộ Hoàng tộc khiến triều đình Tự Đức gặp nhiều khó khăn, hàng loạt cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra khiến triều đình phải vất vả “đánh dẹp”. Thêm vào đó là tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp đã làm cho triều đình lúng túng. Dù vậy, Tự Đức và triều Nguyễn vẫn có những sự quan tâm thích đáng đối với Quốc sử quán. Chỉ dụ của vua nêu rõ: “ việc đời cổ đã lờ mờ, lấy gì làm kinh nghiệm cho đời sau? đạo học chưa được sáng tỏ, nguyên nhân chẳng vì sử cũ chưa được đầy đủ đó sao?”. Nhà vua cũng nhấn mạnh đến tính cần thiết phải biên soạn quốc sử: “nếu chưa biên tập được bộ Việt sử, chưa chấn hưng được nền cố học, thì đó cũng là khiếm khuyết của thời đại thịnh trị (do đó) cần phải cử hành việc trọng đại ấy cho kịp thời”. Hoạt động biên soạn sử sách dưới triều Tự Đức được tiến hành rầm rộ, tài liệu sử dụng cũng như sách vở in ấn cũng nhiều hơn, nhà vua phải cho xây thêm một nhà dài phía sau trụ sở Quốc sử quán để đựng đồ gỗ và mộc bản in sách gọi là Tàng bản đường [8]. 3. Hoạt động và những thành tựu của Quốc sử quán triều Nguyễn. Quốc sử quán là cơ quan văn hoá - giáo dục, một bộ phần hợp thành của nhà nước trung ương ở thế kỷ XIX. Quốc sử quán được xây dựng nhằm nhu cầu “trị nước” của triều Nguyễn, tuân thủ những nguyên lý của Nho giáo, phù hợp với lợi ích của dòng họ. Hoạt động của Quốc sử quán nằm trong cơ chế giám sát của bộ Lại, tuân thủ những nghi thức do bộ Lễ đặt ra và chịu sự chi phối trực tiếp của nhà vua. Đội ngũ nhân sự được tổ chức và phân cấp rõ ràng, bao gồm các chức danh: tổng tải, phó tổng tài, toản tu, biên tu, khảo hiệu, đằng lục, thư chưởng, kiểm thảoQuốc sử quán chịu sự giám sát trực tiếp của Đô sát viện. Các hoạt động thuộc về nghi thức đã được bộ Lễ quy định và được ghi chép cụ thể trong bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của Nội các triều Nguyễn, đơn cử một vài hoạt động khi biên soạn thực lục. Toản tu thực lục (biên chép thế hệ, công nghiệp các nhà vua). Thể lệ biên soạn rất chặt chẽ và uy nghiêm, thể hiện sự tôn trọng đối với sử sách và người làm sử nước nhà. Trước khi biên soạn, vua sai Khâm thiên giám chọn ngày tốt, chọn ngày biên soạn, hàng loạt nghi thức được tiến hành. “Sáng sớm hôm ấy, các phần việc đặt nghi lễ triều đình ở điện Cần Chánh, gian giữa đặt một án vàng, ty Hà Thanh sửa soạn đủ nhã nhạc, ty Loan nghi sửa soạn một bộ long đình, tán vàng lọng vàng đều 4 cái, gươm dài 10 cái, gậy đủ 20 cái, chực đợi ở ngoài cửa Đại Cung. Người coi việc sẽ đặt một cái hương án, sửa soạn đủ hương nến. .. Nội các đem chỉ dụ ra đóng ấn, để vào ống kim phượng, đặt trên án vàngNhà vua đội mũ đường cân, mặc áo vàng, đeo đai ngọc, ngự điện Cần Chánh, lên ngai ngự, hoàng thân và trăm quan bày hàng làm lễ 5 lạyBọn quan sử xếp hàng làm lễ 5 lạy, xong quan bộ Lại quỳ tâu, xin cho quan tuyên chỉ làm lễ bái mạng Quan khâm mạng tuyên chỉ đến trước chỗ án vàng trên điện, bưng ống kim phượng, từ thềm giữa xuống, để ở trên long đình. Ty loan nghi khênh đi, che lọng vàng từ cửa giữa đại cung ra, tán vàng, nhã nhạc nghi trượng đều đi theo. Quan tuyên chỉ đi theo cửa giữa Ngọ Môn, đến trước cửa Quốc Tử Giám, Quan sử đều quỳ đón ở hai bên tả hữu ngoài cửa. Quan khâm mạng mở ống lấy dụ chỉ ra, quay mặt về hướng Nam đứng, đọc xong lại bỏ vào trong ống để lên hương án rồi lui ra. Quan sử làm lễ 5 lạy và làm lễ xin lĩnh tế 5 lạy, rồi chia 2 hàng , vâng lĩnh dụ chỉ viết tinh tế ra giấy vàng đem niêm yết, còn bản chính lưu lại ở Quốc Tử Giám. Quan sử đổi áo thường, lưu lại quán bắt đầu làm việc” [9]. Kính dâng thực lục: Phàm biên chép thực lục, khi làm xong, chọn ngày tốt, kính dâng lên vua ngự lãm. Trước một ngày, bộ Lễ đặt 3 cái án vàng ở gian chính giữa Quốc sử quán, quan sử bày bộ Thực lục lên đó. Đến ngày lễ, vào canh 5, các viên tổng tài, toản tu đến trước án vàng bưng hộp đựng Thực lục. Nhã nhạc nổi lên, ty Loan nghi rước hương đình, long đình đi lên, đồ nghi trượng, tán, kiếm, nhã nhạc đi trước, tổng tài trở xuống đi hộ vệ sau, vào Hoàng thành theo cửa giữa Ngọ Môn. Khi đến điện Cần Chánh, nhã nhạc ngừng, các sử quan chia nhau bưng các bộ sách dâng lên. Thân phiên và hoàng thân quỳ đón và đợ đặt lên án vàng gian giữa điện. Nhà vua đội mũ cửu long, mặc áo hoàng bào, đeo đai ngọc, cầm ngọc khuê, ngự lên điện Kiền thành. Hai tên thái giám rước nhà vua đến trước án vàng, hướng về bắc quỳ xuống dắt ngọc khuê vào đai và mở thực lục ra xem ”[10]. Nghi thức biên soạn thực lục, dâng thực lục quả thực rất rườm rà, huy động nhiều thành phần đủ cả thân phiên, hoàng thân, thị vệ, thái giám; các quan văn võ, đủ cả Lễ bộ, Lại bộ; có cả nhã nhạc, tán vàng, nghi trượngTuy nhiên, điều đó cũng chứng tỏ thái độ tôn trọng của triều đình Nguyễn đối với sử học. Bên cạnh hoạt động biên soạn thực lục về các đời vua, Quốc sử quán còn biên soạn liệt truyện, địa lý chí, cương mục, tôn phả, toản tu ngọc điệp, chính yếuĐồng thời, Quốc sử quán còn làm nhiệm vụ khắc in và bảo quản sách vở, tài liệu. Các vị vua triều Nguyễn đã có những quan tâm đặc biệt đối với hoạt động của Quốc sử quán. Tuy nhiên, vì những khó khăn khách quan và cả những khó khăn chủ quan đã làm cho cơ quan này không hoàn thành được trọng trách mà các vua Nguyễn đặt ra, đặc biệt là phục vụ cho nhu cầu trị nước lúc bấy giờ. Dưới triều Gia Long, nhà vua đã có ý thức biên soạn quốc sử. Song những khó khăn của vị vua đầu triều khiến cho thời kỳ công tác biên soạn chưa được đẩy mạnh, chưa xuất hiện những công trình sử học lớn. Đáng ghi nhận thời kỳ này là việc hoàn thành bộ Nhất thống dư địa chí (1806) và bộ Hoàng Việt luật lệ (1812) phục vụ cho công cuộc nhất thống và cai trị bằng pháp trị đương thời. Đến thời Minh Mạng, Thiệu Trị mặc dù triều đình đã quan tâm xây dựng Quốc sử quán và đội ngũ sử quan nhưng công tác biên soạn vẫn còn chậm chạp. Cho đến hết thời vua Thiệu Trị, bộ lịch sử dân tộc chưa được thực hiện, bộ lịch sử dòng họ mới soạn xong phần tiền biên của Thực lục và chuẩn bị soạn phần chính biên. Đến thời Tự Đức, triều đại mà Quốc sử quán đã biên soạn các bộ sử chính yếu thì công tác in ấn, phát hành lại chậm. Cho đến năm 1862, Quốc sử quán mới chỉ biên soạn xong Thực lục tiền biên, Liệt truyện tiền biên, Thực lục chính biên (về Gia Long và Minh Mạng), Khâm định Việt sử thông giám cương mục nhưng tất cả chỉ ở dạng bản thảo. Cho đến khi vua Hàm Nghi xuất bôn (1885), những tác phẩm được Quốc sử quán phát hành cũng chỉ là những bài thơ của Minh Mạng, Thiệu Trị phản ánh việc đần áp các cuộc nổi dậy và quyển Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập. Bộ Đại Nam thực lục (chép từ năm 1558 đến 1847) đã được in nhưng không phát hành, còn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì in chưa xong. Tiến độ biên soạn các bộ sử khác cũng rất chậm chạp: Đại Nam liệt truyện (đến năm 1889 mới soạn xong phần chính biên), Đại Nam nhất thống chí đến năm 1882 mới hoàn thành, Minh Mạng chính yếu phải đến năm 1894 mới soạn xong. Phần in ấn, phát hành lại càng chậm chạp hơn nữa: năm 1900 mới phát hành Đại Nam liệt truyện, 1901 ấn hành Minh Mệnh chính yếu, 1905 phát hành Thực lục tiền biên Có thể thấy một thức tế: Các bộ sử chủ yếu của Quốc sử quán được hoàn thành sau năm 1884 và phần lớn được phát hành đầu thế kỷ XX, khi mà triều Nguyễn đã không giữ được độc lập. Mục đích dùng các tác phẩm sử học như một nhu cầu trị nước và chính thống hoá sự trị vì của vua Nguyễn đã không đạt được, Quốc sử quán đã không đáp ứng được kỳ vọng mà các vua Nguyễn đặt ra. Kết luận. Dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn nhưng các vị vua đầu triều từ Gia Long đến Tự Đức đã có sự quan tâm thích đáng đối với công tác biên soạn sử sách. Kết quả của sự quan tâm ấy là Quốc sử quán ngày càng được xây dựng chặt chẽ và quy mô hơn. Triều Nguyễn cũng đã bố trí nhiều trí thức lớn, trong số đó có nhiều vị là “tứ trụ triều đình” hay Thượng thư các Bộ làm Tổng tài phụ trách công tác biên soạn sử sách. Trong hoàn cảnh lịch sử có nhiều biến động, đội ngũ sử quan chưa nhiều nhưng kết quả mà Quốc sử quán đã làm được (cơ bản biên soạn thành công các bộ sử lớn: Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Minh Mệnh chính yếu,) thật đáng trân trọng. Thành công của Quốc sử quán cũng là thành công về chính sách văn hoá - giáo dục của các vị vua triều Nguyễn. Đành rằng, Quốc sử quán đã không đáp ứng được nhu cầu “trị nước” đương thời nhưng như mong muốn của các vị vua đầu triều, biên soạn lịch sử để làm gương trị loạn cho đời sau, Quốc sử quán đã có những đóng góp quan trọng cho sử học nói riêng và nền văn hoá dân tộc nói chung. Quốc sử quán đã để lại một khối lượng tư liệu đồ sộ về nhiều mặt, làm cơ sở cho chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX. Chú thích [1]. Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, tập 1, NXB Thuận Hoá, Huế 1992, tr.153. [2]. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, NXB KHXH, Hà Nội 1969 -1978, tr.121 [3]. Đại Nam thực lục (Sđd), tập 1 trang 62. [4],[5], [6].Tôn Thất Hanh, Quốc sử quán qua các triều đại, Huế xưa & nay, số 6 1994, tr.50-53. [7]. Đại Nam thực lục (Sđd), tập 18 trang 333. [8]. Nguyễn Sỹ Hải. Tổ chức chính quyền trung ương thời Nguyễn sơ, luận án tiến sỹ luật khoa, ban công pháp, trường ĐH Luật khoa Sài Gòn 1962, tr.26 [9]. Nội các triều Nguyễn. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 8, NXB Thuận Hoá, Huế 1993, tr.108-109 [10]. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Sđd), tr.117-118

File đính kèm:

  • docquoc_su_quan_trieu_nguyen_tu_thoi_vua_gia_long_den_tu_duc.doc