Học văn đã khó, dạy văn lại càng khó hơn bởi lẽ trong một tiết Văn đòi hỏi người giáo viên cần phải làm thế nào để mình là một nhân vật được sống thật trong câu chuyện, bài thơ, câu ca dao . và hơn nữa là làm cho Học sinh cũng phải sống thật như mình . Nếu làm được như thế thì tiết học mới thực sự sinh động, có hiệu quả và từ đó có sức thuyết phục cao đối với học sinh học văn. Nhưng điều quan trọng là người giáo viên dạy văn chúng ta trước hết cần xác định một phương pháp dạy tốt nhất. Tùy theo nội dung mỗi một bài mà chúng ta có phương pháp cụ thể, không nên khuôn sáo, máy móc, khiên cưỡng . Qua nhiều năm dạy học, bản thân tôi cùng đồng nghiệp đã thảo luận rút kinh nghiệm về việc sử dụng phương pháp dạy học này và điều đó đã được áp dụng tốt khi dạy bài
Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng thấy mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai
10 trang |
Chia sẻ: luyenbuitvga | Lượt xem: 1236 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Sáng kiến kinh nghiệm tên: đôi điều suy nghĩ từ cụm từ “thân em” năm học: 2007 – 2008, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHềNG GIÁO DỤC ĐIỆN BÀN
TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ PHAN CHÂU TRINH
-------------------------------------------------
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
TấN ĐỀ TÀI:
ĐễI ĐIỀU SUY NGHĨ TỪ CỤM TỪ “THÂN EM”
NĂM HỌC: 2007 – 2008
Họ tờn tỏc giả: - HÀ THỊ TUYẾT
- HÀ THỊ THU HƯƠNG
Chức vụ: GIÁO VIấN
Tổ: XÃ HỘI
I- Đề tài: Đôi điều suy nghĩ từ cụm từ “Thân em”
II- Đặt vấn đề:
Học văn đã khó, dạy văn lại càng khó hơn bởi lẽ trong một tiết Văn đòi hỏi người giáo viên cần phải làm thế nào để mình là một nhân vật được sống thật trong câu chuyện, bài thơ, câu ca dao ... và hơn nữa là làm cho Học sinh cũng phải sống thật như mình ... Nếu làm được như thế thì tiết học mới thực sự sinh động, có hiệu quả và từ đó có sức thuyết phục cao đối với học sinh học văn. Nhưng điều quan trọng là người giáo viên dạy văn chúng ta trước hết cần xác định một phương pháp dạy tốt nhất. Tùy theo nội dung mỗi một bài mà chúng ta có phương pháp cụ thể, không nên khuôn sáo, máy móc, khiên cưỡng ... Qua nhiều năm dạy học, bản thân tôi cùng đồng nghiệp đã thảo luận rút kinh nghiệm về việc sử dụng phương pháp dạy học này và điều đó đã được áp dụng tốt khi dạy bài
Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng thấy mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai
Trong phạm vi bài viết này chúng tôi có đôi điều suy nghĩ từ cụm từ “Thân em” để đồng nghiệp tham khảo, đóng góp ý kiến.
III- Cơ sở lý luận:
Khi giảng dạy theo phương pháp chưa đổi mới, nội dung và cách hiểu bài ca dao “Đứng bên ni đồng ... ban mai” là than thân nhưng sau khi sử dụng phương pháp đổi mới, nội dung bài ca dao được hiểu theo một cách khác.
Nguyên nhân của cách hiểu khác nhau đó là do đâu? Có phải là do người đọc được hiểu theo hướng tích cực? Nhưng hướng tích cực ở đây là gì? Từ băn khoăn này đến băn khoăn khác, chúng tôi như mới nhận ra đó là cách dùng từ, chọn hình ảnh hay nói đúng hơn là phải đặt bài ca dao trong mối tương quan, liên kết với đối tượng dùng để so sánh ở trong mỗi bài ca dao và với nội dung thẩm mỹ của từng bài ca dao thì ý nghĩa của nó mới hoàn chỉnh và đi vào lòng người đọc một cách thuyết phục.
IV-Cơ sở thực tiễn:
Chúng tôi nghĩ có lẽ mỗi người ai trong chúng ta, khi dạy bài học này cũng đều có những cách hiểu khập khiễng. Truyền đạt theo Sách giáo viên đổi mới hay kết hợp cả mới lẫn cũ. Nhưng rồi ai cũng tự hiểu, chẳng qua là bàn luận thế thôi. Tôi cũng thế - và giờ đây - qua sự tham khảo ý kiến của đồng nghiệp, sách tham khảo, tôi đã quyết định trình bày ý kiến này của mình và ý kiến này đã được trải nghiệm qua nhiều tiết dạy trong thực tế.
V- Nội dung nghiên cứu:
Trong kho tàng ca dao truyền thống của dân tộc ta, bộ phận nói về chủ đề than thân của người phụ nữ chiếm một tỷ lệ rất lớn và trong đó, đáng chú ý nhất là loại bài ngắn ( hai câu lục bát). Đó là một trong những mảng ca dao hay nhất, giàu ý nghĩa xã hội và cũng giàu chất ca dao nhất. Chúng thường được mở đầu bằng những mô típ truyền thống quen thuộc “Em như” hoặc “Thân em”. Đọc qua, nghe qua thì thấy chúng có dáng dấp bề ngoài hao hao như nhau, nhưng đi sâu vào từng đơn vị cụ thể thì sẽ thấy mỗi câu, mỗi bài đều có những nét riêng không trùng lắp xét về nội dung cũng như nghệ thuật. Nhiều câu cô đọng, súc tích, vừa giàu tính gợi cảm, vừa có tính khái quát cao:
“Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa:
Thân em như miếng cau khô
Người thanh ham mỏng, người thô tham dày
Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
Trong thơ Hồ Xuân Hương cũng như trong truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du có khá nhiều câu gần gũi, tương đồng với bộ phận ca dao than thân nói trên. Ví dụ:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
(Bài Bánh trôi nước - Hồ Xuân Hương)
Thiếp như hoa đã lìa cành
Chàng như con bướm lượn vòng mà chơi
(Truyền Kiều - Nguyễn Du)
Cảm hứng chủ đạo của những bài ca dao ấy thường là vấn đề thân phận của những người phụ nữ trong cuộc đời. Cùng với những nỗi khổ sở, vất vả của những người lao động trong xã hội cũ, họ còn phải gánh thêm nỗi khổ là người phụ nữ. Thường khi nghĩ và nói về thân phận của mình, người phụ nữ thường bắt đầu bằng hai tiếng “Thân em”
“Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.
Người phụ nữ thường cảm nhận thấy thân phận của mình nhỏ bé, mong manh. Thực ra, họ cũng nhận thức được vẻ đẹp, giá trị của mình, không phải ngẫu nhiên họ lựa chọn đối tượng để so sánh thân phận mình với “tấm lụa đào” ”giếng nước trong” “hạt mưa rào”.
Vậy mà vẻ đẹp ấy, phẩm chất quý giá ấy không được xã hội biết đến. Thân phận của ngiười phụ nữ mỏng manh, vô định, cuộc đời của họ thụ động làm sao. Họ không có quyền, không thể làm chủ được “thân phận” của mình. Những cặp thơ lục bát ngắn gọn với phương pháp so sánh cụ thể đã đặc tả được cảm hứng về số phận của người phụ nữ. phương pháp so sánh là phương pháp rất có ưu thế trong ca dao. Tư duy của nhân dân lao động xưa vốn là tư duy ưa so sánh trực tiếp, cụ thể . Thân phận con người là những vấn đề rất lớn lao, luôn được so sánh với những nhân vật nhỏ nhoi, không đáng giá “cọc bờ rào”, “chổi đầu hè”, “cơm nguội”:
“Thân em như cọc bờ rào
Mọt thì anh đổi , cớ sao anh phiền
Chồng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng
Những bài ca như gợi tả nỗi xót xa, cơ cực của người phụ nữ đến thắt lòng, chất chứa tâm sự buồn tủi, nặng nề như tiếng thở dài cam chịu. Chính vì thế, khi dạy những bài ca dao như thế này, mỗi giáo viên dạy văn chúng ta có thể giúp học sinh tái hiện lại được một bức tranh xã hội phòng kiến với chế độ trọng nam khinh nữ để rồi bao đau khổ người phụ nữ phải hứng chịu lấy, tất cả chỉ còn là một tiếng “kêu trời không thấu”.
Song điều muốn nói ở đây là chúng ta không chỉ kết thúc, dừng lại ở đây để rồi khi gặp lại mô típ “em”,“Thân em” trong ca dao thì khẳng định nội dung như thế. Điều đó được thể hiện cụ thể qua cách hiểu bài ca dao
- “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng thấy mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai”
Trước hết, ta thấy bài ca dao này có hai cái đẹp: cái đẹp của cánh đồng và cái đẹp của cô gái thăm đồng. Cả hai cái đẹp đều được miêu tả rất hay. Cái hay ở đây là cái hay của riêng bài ca dao này, không thấy có ở bất kỳ bài ca dao nào khác.
Ngay từ hai câu đầu, hình ảnh cô gái thăm đồng xuất hiện hết sức rõ nét và sống động cùng với cụm từ “mênh mông bát ngát” được đặt ở vị trí cuối cùng trong câu thứ nhất và đảo lại thành “bát ngát mênh mông” cũng ở vị trí cuối cùng trong câu thứ hai. Hình ảnh cô gái thăm đồng hiện lên với tất cả dáng điệu của một con người năng nổ, tích cực. Đứng “bên ni” rồi lại đứng “bên tê” để ngắm nhìn, quan sát cánh dodòng từ nhiều phía. Dường như cô muốn thâu tóm, nắm bắt, cảm nhận cho thật rõ tất cả cái mênh mông, bát ngát của cánh đồng lúa quê hương.
Nếu như, ở hai câu đầu, cô gái đã phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn bộ cánh đồng lúa quê hương để chiêm ngưỡng sự mênh mông bát ngát của nó thì ở hai câu cuối, cô gái lại tập trung ngắm nhìn, quan sát và đặc tả riêng một “chẽn lúa đòng đòng” và sự liên hệ so sánh với bản thân mình một cách rất hồn nhiên:
“Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai”
Trong ca dao truyền thống, nhất là trong ca dao tình yêu, những từ “em” và “Thân em” được dùng khá phổ biến. Nói chung đó là những từ có nghĩa khác nhau, nhưng trong bộ phận ca dao than thân, hai từ đó lại được dùng, được coi là đồng nghĩa. Ví dụ:
“Thân em như con cá rô thia
Ra sông mắc lưới, vào đìa mắc câu
“Em như con hạc đầu đình
Muốn bay chẳng cất nổi mình mà bay
ở bài ca dao này dùng từ “Em” thích hợp hơn cụm từ “Thân em” vì đây không phải là ca dao than thân. Hơn nữa hai câu đầu của bài ca dao này đã được làm theo thể thơ tự do (mỗi câu kéo dài trên mười tiếng), nếu câu thứ ba dùng từ “em” thì hai câu cuối sẽ trở về với thể thơ lục bát chính thức, nghiêm chỉnh, như thế hiệu quả thẩm mỹ sẽ cao hơn.
Thực ra, về mặt hình thức, thì cụm từ “Thân em” trong bài ca dao “Đứng bên ni đồng ... ban mai” quả có sự tương đồng với cụm từ “Thân em” trong câu lục của một số bài ca dao thể hiện tiếng hát than thân của người phụ nữ dưới chế độ cũ. Thế nhưng đặt trong mối tương quan liên kết với đối tượng dùng để so sánh ở trong mỗi bài ca dao và với nội dung thẩm mỹ của từng bài ca dao, thì cụm từ “Thân em” trong câu lục của những bài ca dao than thân chỉ nổi bật hình tượng nhằm biểu trưng cho một đối tượng trữ tình, hết sức trừu tuợng, khái quát - đó là thân phận của người phụ nữ. Còn cụm từ “Thân em” trong bài ca dao “Đứng bên ni đồng .... ban mai” lại làm nổi bật hình tượng nhằm biểu hiện cho một đối tượng trữ tình, hết sức sinh động, hết sức cụ thể - đó là vẻ đẹp toát lên từ cái “Thân ” của “em”: Từ cái “thân người” của người con gái xuất hiện trên cánh đồng “mênh mông bát ngát”. Và rồi vẻ đẹp tóat lên từ cái “thân người” của người con gái xuất hiện trong nắng hồng ban mai do ai phát hiện? Có phải do chính người con gái tự phát hiện mình? Hay là do một ai đó đã phát hiện ra vẻ đẹp đầy sức sống và rất đỗi nên thơ ấy?
Bằng những đối sánh hình thức như đã nói trên, đây không phải là ca dao “than thân “ mà nếu xếp bài này vaò chủ đề “Ca dao về đất nước Việt Nam” thì cũng không ổn, bời vì một lẽ, chúng ta có thể thấy rằng vẻ đẹp đầy sức sống và rất đỗi nên thơ tóat lên từ cái “thân người” của người con gái xuất hiện trên cánh đồng “bát ngát mênh mông”, trong “nắng hồng ban mai” là không thể do cô gái tự phát hiện mà chính là do một chàng trai đã phát hiện và sự phát hiện này chủ yếu xuất phát từ mục đích tỏ tình, cũng như bản thân sự phát hiện là cả một cuộc tỏ tình rất hồn nhiên, tế nhị. Chàng trai thấy cánh đồng “mênh mông bát ngát....bát ngát mênh mông” và thấy cô gái với vẻ đẹp mảnh mai, trẻ trung, đầy sức sống. Chàng trai đã ngợi ca cánh đồng, ngợi ca vẻ đẹp của cô gái. Đó là cách bày tỏ tình cảm của chàng trai.
Thế nhưng có cách hiểu khác, cho rằng bài ca dao này là lời cô gái, trước cánh đồng rộng lớn mênh mông, cô gái nghĩ về thân phận mình. Cô gái như “chẽn lúa đòng đòng..... ban mai”, đẹp cái đẹp của thiên nhiên, tươi tắn hồn nhiên , đầy sức sống..... nhưng rồi sẽ ra sao? Nỗi lo âu của cô gái thể hiện rõ nhất ở từ “phất phơ” và ở sự đối lập : nắng sớm thì đẹp nhưng cánh đồng thì rất rộng mà chẽn lúa thì nhỏ nhoi giữa một biển lúa không bờ. Chẽn lúa phất phơ trong cánh đồng quá rộng này cũng giống như dải lụa đào phất phơ giữa chợ, không biết số phận mình sẽ được an bài như thế nào đây.
Tóm lại: Qua việc nghiêm cứu, tham khảo, chúng tôi đã thật sự xác định người hát bài ca dao “Đứng bên ni đồng .... ban mai” chính là một chàng trai bình dị, thông minh, đa tình, yêu đời, yêu cuộc sống. Và đây cũng là một bài ca dao thể hiện tình cảm lứa đôi, tình yêu nam nữ vào loại hay nhất trong kho tàng thơ ca dân gian Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng đã biết, tác phẩm ngoài ý nghĩa khách quan, bao giờ cũng được cảm nhận chủ quan bởi người tiếp nhận. Vấn đề là giải thích có lý sự cảm nhận đó. Vì vậy, khi giảng dạy Giáo viên chúng ta không nên gò ép cách hiểu của mình cho học sinh. Tuy nhiên ở bài ca dao này, Giáo viên cần thông tin cho Học sinh biết cách hiểu như ở phần trên là phổ biến hơn.
VII- Kết luận:
Qua thời gian suy ngẫm, trao đổi cùng đồng nghiệp, nhất là qua thực tế của giờ dạy (nhiều năm) cũng như dự giờ đồng nghiệp, bước đầu chúng tôi đã thấy được sự thành công trong bài giảng, cụ thể là trong việc hoạt động sôi nổi của Học sinh. Các em đã chăm chú lắng nghe lời giảng, thi đua phát biểu ý kiến, có những câu hỏi ngược vấn đề (đối với Học sinh giỏi), đồng thời thể hiện sự hồn nhiên, ngây thơ của các em làm cho giờ học rất có hiệu quả. Và điều này cũng được thể nghiệm trong các lớp khác (những văn bản khác) được Học sinh hoạt động tích cực. Đó cũng là một phương pháp dạy học tích cực rút ra từ “Đôi điều suy nghĩ về cụm từ “Thân em””.
VIII- Đề nghị:
Để giờ học thêm sinh động, giúp các em không nhàm chán trong giờ học Văn, chúng tôi có đề nghị cần tăng cường sách tham khảo, tư liệu có liên quan đến những tiết dạy tương đối khó mà sách Giáo khoa cũng như sách Giáo viên không có hướng dẫn đề Học sinh và Giáo viên có điều kiện dạy, học tốt hơn và không cảm thấy khó khăn trước phương pháp dạy học mới.
IX- Phần phụ lục:
Phụ lục có công thức: Thân em như .......
- Thân em như cá tránh mồi
Em tìm nơi sông lớn, vịnh bồi ẩn thân
- Thân em giả tỉ như chiếc thuyền tình
Mười hai bến nước linh đinh
Biết đâu trong đục mà mình gửi thân
- Thân em như cá trong lờ
Hết phương vùng vẫy không biết nhờ nơi đâu.
- Thân em như cánh buồm trước gió
Nay đây mai đó thật khó làm sao
Biết đâu nhơn nghĩa đặng vào gửi thân
-Thân em như thể bèo trôi
Sóng giập, gió dồi biết tựa vào đâu
- Em như con hạc trong chùa
Muốn bay nhưng mắc con rùa quấn chân
- Em như con hạc đầu đình
Muốn bay chẳng cất nổi mình mà bay
- Em như quả bí trên cây
Đang tay mẹ ngắt những ngày còn non
- Em như cây quế giữa rừng
Thơm cay ai biết, ngát lừng ai hay
- Mình như như cá giữa rào
Kẻ chài, người lưới biết vào tay ai
- Mình em như cá vô lừ
Khi vô thì dễ, bây giừ khó ra
- Mình em như cây quế hồng hoa
Trồng nơi đất xấu chẳng ra được chồi
- “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng thấy mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai”
X- Tên tác giả, tác phẩm tham khảo:
1- Hoàng Tiến Tựu - Bình giảng ca dao - NXB Giáo dục 1992
2- Trương Xuân Tiếu - Tạp chí Văn hóa dân gian 1993
3- Phạm Thu Yến - Những thế giới nghệ thuật ca dao - NXB Giáo dục 1998
4- Sách Giáo khoa Ngữ văn 7 tập I
5- Sách Giáo viên Ngữ văn 7 tập I
XI- Mục lục:
01- Tên đề tài
02- Đặt vấn đề
03- Cơ sở lý luận
04- Cơ sở thực tiễn
05- Nội dung nghiên cứu
06- Kết quả nghiên cứu
07- Kết luận
08- Đề nghị
09- Phần phụ lục
10- Tên tác giả tham khảo
11- Mục lục
12- Phiếu đánh giá
File đính kèm:
- kinhnghiemdayvan.doc